3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

NHỮNG CHỦ QUAN ĐẠO ĐỨC - Thứ Sáu Tuần 1 MC A

“Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, các con chẳng được vào Nước Trời!”.

Paul W. Powell nhận xét, “Sự kiêu ngạo rất tinh tế, đến nỗi, nếu không cẩn thận, với ‘những chủ quan đạo đức’, chúng ta sẽ tự hào về sự khiêm tốn của mình. Khi điều này xảy ra, tốt trở nên xấu; nhân đức trở thành tệ nạn; công chính trở nên bất chính! Như một giảng viên giáo lý, người đã kể những mẫu chuyện về sự giả hình của giới biệt phái; sau đó, cô ấy nói với các trẻ, ‘Hỡi các con, hãy cúi đầu tạ ơn Chúa, chúng ta không như những người biệt phái!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, với nhận xét “Sự kiêu ngạo rất tinh tế” của Powell, Lời Chúa hôm nay nói đến ‘những chủ quan đạo đức’. Thú vị hơn, điều này lại xảy ra nơi những kẻ tưởng mình là ‘thánh’, các luật sĩ và biệt phái. Chúa Giêsu, Đấng thấu suốt lòng dạ, nói với môn đệ của Ngài về họ rằng, “Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, các con chẳng được vào Nước Trời!”.

Cần bao nhiêu sự công chính để có thể vượt qua các luật sĩ và biệt phái? Không nhiều! Thật đáng nghi! Bởi lẽ, công chính của họ chỉ là thánh thiện bên ngoài, nghĩa là chẳng có gì thánh thiện. Và điều gì ở bên trong những linh hồn như thế? Ở đó, hẳn rất nhiều tự mãn, tự lừa dối bản thân với ‘những chủ quan đạo đức’. Đó là một thái độ hợm hĩnh khi họ tự cho mình là thánh hơn người! Đọc Phúc Âm, chúng ta dễ dàng nhăn mũi trước những biệt phái ‘khó thương’ đó; thế nhưng, trên thực tế, bạn và tôi cũng rất dễ để trở nên mù loà với bản thân như họ!

Thật trùng hợp, bài đọc thứ nhất hôm nay cho biết, người cùng thời với Êzêkiel cũng vấp phải ‘những chủ quan đạo đức’ khi họ nghĩ rằng, họ chính trực, Chúa thì không! Vì thế, Thiên Chúa phán, “Các ngươi nói, ‘Đường lối của Chúa không chính trực’. Vậy hỡi nhà Israel, ‘Có phải đường lối của Ta không chính trực? Hay trái lại, đường lối của các ngươi không chính trực?’”.

Như vậy, xem ra ranh giới giữa ‘chính trực và không chính trực’, giữa ‘thánh thiện và vờ thánh thiện’ khá mong manh! Đó là lý do tại sao tôi phải luôn xét mình với một nhận thức sâu sắc về sự giới hạn và khốn cùng của bản thân. Tôi đang theo đuổi một ‘thánh thiện thực’, hay đang ruổi theo một ‘thánh thiện ảo’ khi chỉ tìm kiếm cái tôi và tô vẽ nó? Nói cách khác, tôi thích ‘giả vờ làm thánh’ hay thích ‘nên thánh thực’ mà không giả vờ? Đừng quên, “Chúa thấu suốt tâm can từng gang tấc”. Vì thế, thái độ đúng đắn của bạn và tôi là xin Ngài xót thương. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?”.

Anh Chị em,

“Nếu như Ngài chấp tội!”. Mùa Chay, mùa khiêm tốn nhìn nhận phận mình; mùa tháo cởi và ném xa ‘những chủ quan đạo đức’. Cốt lõi của sự thánh thiện thực nơi một con người là chính trực bên trong lẫn bên ngoài. Hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu, Đấng Toàn Thánh, hiền lành và khiêm nhượng, cũng là Đấng từng nói, “Nào ai bắt tôi được lỗi gì!”. Vì rằng, như nước với dầu, kiêu ngạo xa lạ với thánh thiện, không bao giờ hoà tan vào nhau. Ở đâu cái tôi chiếm chỗ, ở đó, rất ít, nếu có chỗ cho Thiên Chúa! Ân sủng và tình bạn nghĩa thiết với Chúa Giêsu không thể kết hợp trong một tâm hồn kiêu căng! Không thể có một thoả hiệp nào giữa Thiên Chúa và một linh hồn kiêu hãnh! Hoặc linh hồn sẽ tự buông bỏ, hoặc Chúa sẽ không còn là Thiên Chúa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cứu con khỏi những huyễn danh phù phiếm; giúp con cởi bỏ và liệng xa ‘những chủ quan đạo đức’, hầu con có thể yêu thương đón nhận anh chị em con. Lạy Chúa, xin thương xót con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

LỜI CẦU NGUYỆN NÂNG CAO - Thứ Năm Tuần 1 MC A

“Lạy Chúa, xin ban cho con lòng tin tưởng!”.

William Tyndale, người đầu tiên dịch Thánh Kinh từ tiếng Do Thái và Hy Lạp sang tiếng Anh. Bị giam ở lâu đài Vilvoorde, ông vẫn tiếp tục công việc dịch thuật, nhưng không hoàn thành vì chịu xử giảo và thiêu trên cọc như một kẻ dị giáo. Ngày 06/10/1536, ông kêu lên lời cuối cùng, “Lạy Chúa, nguyện ý Chúa thành sự! Xin mở mắt cho vua nước Anh!”. Sau đó, ông chết. Lời cầu khẩn của ông là một ‘lời cầu nguyện nâng cao’ vốn đã được nhậm trong vòng một năm!

Kính thưa Anh Chị em,

Với William Tyndale, “Nguyện ý Chúa thành sự!”; với Esther, “Xin ban cho con lòng tin tưởng!”; và với Chúa Giêsu, “Đấng ngự trên trời lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?”, phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói đến những ‘lời cầu nguyện nâng cao!’.

Lời cầu có thể tiết lộ rất nhiều về mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa và với người khác. Thiên Chúa luôn chờ đợi một lời cầu hay một ước muốn cao thượng, hơn là những khẩn xin cho nhu cầu này, nhu cầu kia. Lời cầu sâu sắc nhất là lời cầu cho thánh ý Thiên Chúa được thực hiện. Đó là ‘lời cầu nguyện nâng cao’ mà Ngài sẽ không bao giờ từ chối!

Lời cầu của Esther là một kiểu mẫu! Bà không xin cho mình, gia đình mình điều này, điều kia; nhưng xin cho được xác tín, “Chúa là Vua”, “Đấng thực hiện mọi điều đã hứa”. Esther biết, vận mạng bà, số phận dân tộc bà nằm trong tay Chúa; nên bà không thách thức, thao túng, cũng không mặc cả. Trái lại, chỉ xin Chúa “ban thêm lòng tin tưởng”, hầu có thể kiên định tựa nương vào Ngài; để rồi bà giao lại tất cả cho Chúa, tuỳ Ngài định đoạt. Và Thiên Chúa đã không thể từ chối một ‘lời cầu nguyện nâng cao’ như thế! Ngài đã cứu Esther, cứu dân tộc bà. Thật ý nghĩa, tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, ngày con kêu cứu, Chúa đã thương đáp lại!”.

Cũng thế, với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đưa ra những lời đầy thách thức nhưng thuyết phục: “Hãy xin!”, “Hãy tìm!” và “Hãy gõ!”. Ngài muốn nâng cao những mong đợi nơi các môn đệ. Làm sao một người cha lại từ chối những gì tốt đẹp cho con mình; tệ hơn, trao cho nó những gì là có hại? Và cuối cùng, Ngài đưa ra một tuyên bố đáng kinh ngạc, “Phương chi Cha các con, Đấng ở trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?”. “Của tốt lành” là chìa khoá của những ‘lời cầu nguyện nâng cao’, đó là thánh ý Thiên Chúa; và “Của Tốt Lành” còn là chính Thiên Chúa, Thánh Thần của Ngài, như lời Chúa Giêsu đã hứa!

Khi nói về những ‘lời cầu nguyện nâng cao’, thánh Gioan Kim Khẩu viết, “Một lời cầu như thế là một bộ giáp lộng lẫy, hiệu quả; đó là một kho báu không mòn hao, một hầm mỏ không bao giờ cạn kiệt, một bầu trời không bị che khuất, một thiên đường không bão tố. Nó là suối nguồn, là đài phun nước, và là mẹ của muôn phúc lành. Nó vượt quá quyền lực của một vị vua... Tôi không nói đến những lời cầu nguyện lạnh lùng, yếu ớt và không có lửa!”.

Anh Chị em,

“Lạy Chúa, xin ban cho con lòng tin tưởng!”. Lời cầu của Esther như “một thiên đường không bão tố” khi ngày tàn của một dân tộc đang chụp xuống! Trong vườn Dầu, Chúa Giêsu cũng đã dâng một lời cầu tương tự, “Xin đừng theo ý con, một theo ý Cha!”. Ước gì đó cũng là lời cầu của bạn và tôi mỗi khi ngặt nghèo. Hãy tin Thiên Chúa, Đấng là “suối nguồn ân phúc”, là “bầu trời không bị che khuất”, sẽ ban “của tốt lành”. “Của Tốt Lành” là chính Thánh Thần, Đấng dạy chúng ta biết luôn dâng lên những ‘lời cầu nguyện nâng cao’ đẹp lòng Thiên Chúa nhất!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, ước gì mọi lời cầu của con luôn kết thúc như lời cầu của Chúa, “Xin đừng theo ý con, một theo ý Cha!”; và như thế, chúng đã được nâng cao!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

TĨNH LẶNG VÀ HOA TRÁI CỦA NÓ - Thứ Ba Tuần 1 MC A

“Như mưa tuyết từ trời rơi xuống, không trở lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất!”.

Trong “Thoughts in Solitude”, bản Việt ngữ, “Hoa Trái Thinh Lặng”[1] do người viết dịch, Thomas Merton nhận xét, “Cuộc sống của con người là lắng nghe, cuộc sống của Chúa là dạy bảo! Lắng nghe, đáp trả là việc của con người; nhờ đó, nó được cứu độ. Vì thế, con người cần lặng thinh!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Cuộc sống của con người là lắng nghe, cuộc sống của Chúa là dạy bảo!”. Với Thomas Merton, Lời Chúa hôm nay nói đến ‘Lời của Chúa và lời của người’, vốn sản sinh từ một chuyển động kép: một từ trời xuống, Lời Thiên Chúa; một từ đất lên, lời con người! Lời ân sủng của Ngài lặng lẽ thấm xuống đất, mạnh mẽ và hiệu năng; lời “Kinh Lạy Cha” của con người thì thầm dâng lên, hiệu năng và mạnh mẽ. Đó là một chuyển động thuộc về sự ‘tĩnh lặng và hoa trái của nó!’.

Qua bài đọc thứ nhất, chỉ vỏn vẹn hai câu, Isaia mô tả tuyệt vời Lời kỳ vĩ của trời, “Như mưa tuyết từ trời rơi xuống, không trở lên trời nữa; cũng thế, lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả”. Lời Chúa, Lời nuôi dưỡng, Lời trấn an, Lời biến đổi và củng cố hy vọng! Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Chúa cứu người hiền đức khỏi mọi nỗi âu lo”.

Với “Kinh Lạy Cha”, Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện mà không ồn ào, lải nhải. Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Kinh Lạy Cha là ‘ma trận’ của mọi lời cầu nguyện Kitô giáo, tất cả lời cầu của con người đều được biểu hiện trong Kinh Lạy Cha”. Cầu nguyện là hoa trái của thinh lặng; vậy mà, xem ra không ít người bỏ qua điều này! Họ thích nói, muốn được nghe, nhưng không có sở thích ‘lắng nghe’; hơn nữa, họ thường không thể lắng nghe, vì không quen tĩnh lặng! Mẹ Têrêxa viết, “Cầu nguyện là ‘hoa trái của thinh lặng’”. Đúng thế, Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu, cầu nguyện là để lắng nghe hơn là để nói. Khi ở với một người hiểu biết, bạn hạn chế đặt câu hỏi và dành bản thân để lắng nghe; vì thế, Chúa Giêsu phải là mối quan tâm hàng đầu của chúng ta trong cầu nguyện. Hãy hỏi Ngài về Chúa Cha; và chuyên tâm lắng nghe!

Chúa Giêsu cho biết, Thiên Chúa là Cha yêu thương, Ngài biết bạn và tôi cần gì trước khi chúng ta cầu xin; tuy nhiên, chúng ta cần hỏi Ngài, bởi khi hỏi, chúng ta ý thức rằng, có những nhu cầu mà chỉ một mình Thiên Chúa, Cha của chúng ta, mới có thể ban cho. Hãy học cách hỏi Chúa Giêsu về điều gì chúng ta cần nhất cho sự cứu rỗi đời đời của mình! Cầu nguyện với “Kinh Lạy Cha” nhắc chúng ta rằng, Thiên Chúa là Cha của mọi người; và mọi người thực sự là anh em của nhau. Để được vậy, bạn cần biết sự cần thiết của ‘tĩnh lặng và hoa trái của nó’.

Anh Chị em,

“Cuộc sống của con người là lắng nghe, cuộc sống của Chúa là dạy bảo!”. Thiên Chúa không ngừng nói qua Lời Ngài, qua những con người, qua các biến cố. Ngài ước mong mỗi sứ điệp của Ngài như mưa tuyết từ trời thấm vào ‘đất lòng chúng ta’ và trổ sinh hoa trái. Hoa trái đầu tiên Ngài chờ mong là bạn và tôi biết im bặt để lắng nghe; nghe tiếng thì thầm của Thánh Thần Ngài; nghe với đôi tai của trái tim, để sau đó, vượt lên chính mình, và làm theo lời dạy. Tiếng Ngài dạy chúng ta yêu thương, đón nhận anh chị em mình như con cái cùng một Cha! Đây là một hành trình không bao giờ ngưng nghỉ; làm theo tiếng nói ấy chính là biến đổi! Cầu nguyện không chỉ là lắng nghe, nhưng còn là biến đổi, biến đổi nên những con cái đích thực của Cha! Bấy giờ, chúng ta mới có thể hiểu được giá trị của sự ‘tĩnh lặng và hoa trái của nó’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, nhiều lúc kinh nguyện của con rộn ràng nhưng hời hợt, ồn ào nhưng vô hồn; xin dạy con biết yêu quý sự ‘tĩnh lặng’ hầu con cũng có thể hái được ‘hoa trái’ của nó!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

[1] Quý Anh Chị có thể đọc toàn bộ tác phẩm “Hoa Trái Thinh Lặng” tại đây: https://bit.ly/3IWvpO8

 

NGẠC NHIÊN VỚI NHỮNG GÌ ĐÃ QUEN - Thứ Tư Tuần 1 MC A

“Ở đây còn có người hơn Giôna nữa!”.

Gordon Lester nói, “Quen thuộc và gần gũi không giống nhau! “Quen thuộc” là điều không thể tránh; dẫu không thấy, nhưng nó xảy ra gần như thường tình. Đang khi “gần gũi” thì khó cảm nhận hơn; nó phải được tìm kiếm, mở ra và đáp trả. Quen thuộc đem lại thoải mái. Gần gũi thì phải tìm, hiểu biết và cảm kích cá nhân; nó đòi hỏi một sự ‘ngạc nhiên với những gì đã quen!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng cần có một sự ‘ngạc nhiên’ của Lester được gặp lại qua Lời Chúa hôm nay; nó cho thấy sự cần thiết của một nỗi lo thánh thiện. Thật thú vị, cả hai bài đọc liên kết với nhau qua một nhân vật khá độc đáo, Giôna! Giôna kêu gọi Ninivê khám phá lại Thiên Chúa, ‘ngạc nhiên với những gì đã quen’; và Chúa Giêsu cũng chỉ làm ngần ấy với những người đương thời.

Trong Tin Mừng hôm nay, với Chúa Giêsu, người đương thời của Ngài rơi vào thái độ “quen quá hoá nhàm!”. Ngài đã làm bao phép lạ, dạy dỗ bao điều và sự thánh thiện trong cách sống của Ngài là điều không ai phủ nhận; ấy thế, một số người vẫn không hài lòng, họ đòi thêm dấu lạ. Cũng thế, chúng ta dễ rơi vào thái độ tương tự! Thay vì đánh giá cao sự giàu có được bảo tồn trong Hội Thánh, không ít người vẫn chạy theo những dấu lạ bất thường. Các Mối Phúc, các phép lạ trong Tin Mừng, kể cả việc người chết sống lại… nghe có vẻ nhàm; đang khi những mặc khải tư, chuyện linh hồn hiện về, lại thu hút nhiều người. Mùa Chay, thời điểm tốt để bạn và tôi quay lại với những gì căn bản, tập ‘ngạc nhiên với những gì đã quen’, tập “gần gũi lại, mở ra và đáp trả” tiếng Chúa trong Thánh Kinh, trong Thánh Lễ, trong chuỗi hạt… như thể lần đầu!

Thật ra, sự hiện diện của Chúa Kitô trong hành tinh này đã là một phép lạ cả thể; nhưng khi nói về Giôna, Ngài nói đến dấu lạ ‘tử nạn và phục sinh’ của Ngài. Trên thực tế, không dấu lạ nào vĩ đại hơn dấu lạ này, và việc cử hành mầu nhiệm Phục Sinh là cao trào thực sự mà Mùa Chay hướng đến. Mùa Chay, mùa bạn và tôi ‘ngạc nhiên với những gì đã quen’, thanh tẩy mình bằng việc sám hối để tham gia vào cái chết và sự sống lại của Ngài. Chúng ta, những tội nhân, đúng với tâm tình Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung!”; nhưng là những tội nhân chểnh mảng. Vì thế, nói đến thanh tẩy và sám hối, “gần gũi” lại với Chúa, bạn và tôi phải “kiếm tìm”. Hãy nghe một tội nhân, người đã ‘từng trở lại’ tâm sự, “Đừng trì hoãn trở về, vì ngày mai có thể sẽ không bao giờ đến! Chúa hứa sẽ thứ tha nếu bạn quay lại; nhưng Ngài không hứa, bạn sẽ có ngày mai để có một cơ hội!”. Đó là tâm sự của Augustinô. Mùa Chay, mùa ‘ngạc nhiên với những gì đã quen’, mùa “tìm kiếm sự gần gũi” với Chúa khi còn kịp!

Anh Chị em,

“Ở đây còn có người hơn Giôna nữa!”. Phép lạ Giêsu, lớn hơn phép lạ Giôna bội phần! Phép lạ này đã xảy ra cách đây hơn 2.000 năm, nhưng nó vẫn xảy ra hằng ngày trên các bàn thờ! Hãy khám phá lại Giêsu trong mỗi Thánh Lễ, trong mỗi trang Phúc Âm; hãy khám phá Ngài trong từng con người thân quen dưới một mái nhà; khám phá Ngài trong mỗi phút giây chúng ta hít thở… Hãy “tìm kiếm, mở ra và đáp trả” trước huyền nhiệm Thiên Chúa, huyền nhiệm Giêsu trong các Bí Tích, trong những con người thân quen này! Đó không phải là những gì quá “quen thuộc”, hoặc quá xa vời, nhưng thật “gần gũi”, thân ái mà chúng ta phải tái khám phá mỗi ngày, hầu có thể ‘ngạc nhiên với những gì đã quen’. Từ đó, thay vì ta thán, ủ dột hay mộng mơ viển vông, bạn và tôi dâng lên Chúa lời tạ ơn chúc tụng. Đừng chờ đợi thêm phép lạ nào nữa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giúp con ‘ngạc nhiên với những gì đã quen’ để chúc khen, tán tụng, hầu có thể “tìm kiếm sự gần gũi” với Chúa, với anh chị em con ngay hôm nay, mỗi ngày, kể từ bây giờ!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

LINH HỒN CỦA SỰ THÁNH THIỆN - Thứ Hai Tuần 1 MC A

“Hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh!”.

Moody nói, “Những ngọn hải đăng không bao giờ hụ còi, chúng chỉ toả sáng! Cũng thế, các Kitô hữu thánh thiện thường ít nói, họ chỉ làm; nơi họ, bác ái là ‘linh hồn của sự thánh thiện!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Các Kitô hữu thánh thiện thường ít nói, họ chỉ làm”; đồng tình với Moody, Lời Chúa hôm nay bất chợt cho biết, sự thánh thiện cũng có một linh hồn; linh hồn của nó có tên “Bác Ái”. Nói cách khác, bác ái là ‘linh hồn của sự thánh thiện!’. Vậy mà, thánh thiện đích thực lại chỉ bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đấng hôm nay nói với dân, “Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh!”.

Sự thánh thiện, về căn bản, là tìm kiếm điều tốt cho người khác! Giáo Lý Hội Thánh dạy, “Bác ái là ‘linh hồn của sự thánh thiện’ mà mọi người được kêu gọi đạt tới: nó hướng dẫn, nắn đúc và hoàn thiện mọi phương tiện giúp nên thánh”; giáo lý còn trích lời của chị Têrêxa Lisieux, “Nếu Hội Thánh là thân thể gồm những bộ phận khác nhau, nó không thể thiếu bộ phận cao quý nhất trong tất cả các bộ phận. Đúng! Nó phải có một trái tim, một trái tim cháy bỏng tình yêu! Và tôi nhận ra rằng, chỉ tình yêu này mới là ‘động lực thực’ giúp các thành viên của Hội Thánh hành động; nếu nó ngưng hoạt động, các tông đồ sẽ quên rao giảng Phúc Âm, các vị tử đạo sẽ từ chối đổ máu!”.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu ân thưởng Nước Trời cho “chiên đứng bên phải”, những ai đã làm điều tốt cho người khác; ngược lại, Ngài cũng gửi đến lời nguyền vĩnh viễn cho “dê đứng bên trái”, những ai đã không làm gì để giúp đỡ người khác. Họ là ai? Là tất cả những người chúng ta phục vụ! Người tội lỗi, yếu đuối, bệnh tật; những người mất khả năng lao động, người đói và vô gia cư; cũng không loại trừ, họ là những người trong gia đình, trong cộng đoàn chúng ta, những người không làm ra tiền, không thể tự phục vụ… Vậy mà, họ là con cái Chúa, vốn có một phẩm giá cao quý mà chúng ta phải triệt để tôn trọng. Cụ thể, sách Lêvi hôm nay nói, ‘Các ngươi đừng nhục mạ, hà hiếp, nguyền rủa, thiên tư, gièm pha, mắng nhiếc hay báo oán’. Được như thế, chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa, Đấng cho biết, không sự thánh thiện đích thực nào ngoài sự triệt để hướng đến lợi ích tinh thần và vật chất của tha nhân. Nói cách khác, đường dẫn đến thánh thiện là yêu thương; yêu thương là ‘linh hồn của sự thánh thiện!’. 

Anh Chị em,

“Hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh!”. Đây là một đề nghị; đúng hơn, một mệnh lệnh bất di bất dịch vốn định hướng đời sống của tất cả những ai được gọi là môn đệ Chúa Giêsu, những ai đang dõi bước theo Ngài. Như thế, sự thánh thiện không phải là nên làm, hay không được làm điều này, điều kia; nhưng chính là tình yêu dành cho Thiên Chúa và lòng kính sợ Ngài, một Thiên Chúa ngàn trùng chí thánh, nhưng chỉ vì quá yêu thương, lại hoá nên một tội nhân để có thể cứu mọi tội nhân! Thiên Chúa là Tình Yêu, là bác ái, là ‘linh hồn của sự thánh thiện’ vậy! Hôm nay, những ngày Mùa Chay, bạn và tôi lắng nghe Lời Chúa, vì “Lời Chúa là thần khí và là sự sống” như lời Thánh Vịnh đáp ca nhắn nhủ, chúng ta hãy làm tất cả những gì có thể như “những ngọn hải đăng không bao giờ hụ còi nhưng âm thầm toả sáng” với một trái tim vì Chúa, cho Chúa, để nên giống Chúa, và thuộc trọn về Chúa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ‘linh hồn của sự thánh thiện’; đừng để con bỏ qua một cơ hội nào để thể hiện bác ái đối với tha nhân; cho con biết chia sẻ, không chỉ cơm bánh, mà còn cả Lời Chúa nữa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Subcategories