3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA- THỨ BA 15-1-2019

5 phút Lời Chúa 

15/01/19 THỨ BA TUẦN 1 TN
Mc 1,21-28

 THÁN PHỤC LỜI NGÀI

Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền… (Mc 1,22)

Suy niệm/SỐNG: 1/ Là Ki-tô hữu, chúng ta lãnh nhận ba chức năng: ngôn sứ, tư tế, vương đế. Công đồng Tren-tô, thế kỷ 16 đã đặt chức năng tư tế lên hàng đầu.

2/ Bốn trăm năm sau, Công đồng Va-ti-ca-nô II đã có sự hoán chuyển vị trí: chức năng ngôn sứ được ưu tiên hàng đầu. Điều đó làm cho chúng ta suy nghĩ?! Chúa Giê-su đến trần gian, Ngài rao giảng cho dân chúng về Thiên Chúa, về tình thương của Thiên Chúa được thể hiện nơi Ngài. Ngài xác định, sứ mạng của Ngài ra rao giảng.Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy được sai đi cốt để làm việc đó” (Lc 4,43).

3/Lời rao giảng của Chúa Giê-su, lời đó có quyền năng; lời đó làm cho người ta sống. “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” ( Mc 4,4). Lời hằng sống và uy quyền của Chúa Giê-su khiến thiên hạ sửng sốt.

Mời Bạn CHIA SẺ: Đối với bạn và tôi, Đức Giê-su là Chúa; chúng ta có cảm nhận thêm rằng: Ngài là “bậc Thầy” nơi lời nói, lời dạy của Ngài.

Bạn đã sửng sốt khi nghe lời Ngài? Bạn có say mê, bị lời Ngài thu hút? Bạn có khao khát, ước muốn yêu mến lời của Ngài và rao giảng lời Ngài không?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày đọc một đoạn Lời Chúa và để cho Lời Chúa thấm nhập trong tâm hồn QUA SỰ THÚC ĐẨY CỦA CHÚA THÁNH LINH.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Lời của Chúa làm cho con sống, làm no thỏa tâm hồn con, nhưng vì nhiều lý do, con đã hạ giá Lời Chúa, khi mà con nghe Lời Chúa và chỉ dừng lại ở việc: rút ra bài học. NHỜ THÁNH THẦN ĐÁNH ĐỘNG con sửng sốt mỗi khi nghe Lời hằng sống của Chúa và xin sai con đi loan báo Lời Chúa. Amen.

gpcantho
----------------------------

SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA - THỨ HAI 14-1-2019

5 phút Lời Chúa 

14/01/19 THỨ HAI TUẦN 1 TN
SỐNG VÀ CHIA SẺ TIN MỪNG: Mc 1,14-20

 TIN MỪNG CỦA THIÊN CHÚA - SỨ GIẢ CỦA NIỀM VUI

Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. (Mc 1,14)

Suy niệm/SỐNG: 1/ Những môn đệ của Chúa Ki-tô, các Ki-tô hữu, là những sứ giả của niềm vui, bởi vì Thầy mình là Đức Ki-tô ngay từ lúc khởi đầu và trong suốt sứ vụ công khai, đã loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa.

2/ Vui mừng vì lời hứa cứu độ mà dân Chúa mong chờ từ bao đời nay, giờ đây đã trở thành hiện thực. Vui mừng vì ơn cứu độ không chỉ cho riêng ai mà cho tất cả mọi người, mọi dân nước. Tin Mừng đó không phải là một hệ thống luật lệ giáo điều, nhưng là sự sống hiện diện cụ thể nơi con người Giê-su:

Đấng là Con Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống. Đi theo Đức Ki-tô, trở thành môn đệ của Ngài là đón nhận niềm vui vì được cứu độ, được sống trong mối tình thân thiết với Chúa và lan toả niềm vui ấy cho mọi người.

Để loan báo tin vui thì chính mình phải sống trong niềm vui. Ngược lại, Ki-tô hữu sống u buồn không những dần xa Chúa mà còn xa anh em và cả chính mình.

Mời Bạn CHIA SẺ: Bạn đang hân hoan vui tươi hay u sầu lắng lo? ĐTC Phanxicô nói: “Không người Ki-tô hữu nào có thể sống mà không có niềm vui.” 

Ngài mời gọi các tín hữu sống tâm tình vui tươi của Phục sinh hơn là đóng mình trong than vãn của mùa Chay. Vui tươi để nên giống Chúa và luôn sống hân hoan. Vui tươi để trổ sinh bình an, lớn dần trong đức tin, và tỏa lan tình thương.

Sống Lời Chúa: Cầu nguyện mỗi khi bắt đầu một ngày sống: “Lạy Chúa, NHỜ THÁNH THẦN Chúa TÁC ĐỘNG và DẪN CON con tràn ngập niềm vui của Chúa.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, NHỜ THẦN KHÍ CHÚA THÚC ĐẨY, con luôn cậy trông nơi Chúa để con sống trong niềm vui và chia sẻ niềm vui đó cho những người con gặp gỡ hàng ngày. Amen.

 gpcantho

---------------------------------

SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA - THỨ HAI SAU LỄ HIỂN LINH

07/01/19 THỨ HAI SAU LỄ HIỂN LINH
Mt 4,12-17.23-25

 ÁNH SÁNG ĐÃ BỪNG LÊN

“Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.” (Mt 4,16)

Suy niệm: Ánh sáng huy hoàng bừng lên tại cánh đồng Bê-lem, ánh sao lạ rực rỡ trên bầu trời đêm Giê-ru-sa-lem, nhưng dân cư tại đó vẫn say giấc mộng; chỉ có đám mục đồng còn thức canh giữ đoàn chiên đón nhận được lời loan báo Hài Nhi giáng sinh, và chỉ có ba nhà chiêm tinh theo ánh ngôi sao lạ tìm đến thờ lạy.

Các mục đồng, những người nghèo khó chất phác đơn sơ, và ba nhà chiêm tinh, bậc thức giả say mê kiếm tìm Chân Thiện Mỹ, họ tuy khác nhau về tầng lớp xã hội nhưng cùng đại diện cho những người thiện tâm, không “ngủ mê” trong tự mãn, đam mê, nhưng nỗ lực vươn lên không ngừng, để “bắt đầu và lại bắt đầu”, bất chấp những thách đố, những cạm bẫy trần gian: Họ là những người nhìn thấy ánh sáng hiển linh của Con Thiên Chúa làm người.

Mời Bạn: Bốn lối sống “thời thượng” trong xã hội ngày nay là chủ nghĩa vô thần, chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa khoái lạc và chủ nghĩa cá nhân, chúng là những cản trở khiến con người không thể nhìn thấy ánh sáng hiển linh của Chúa Ki-tô. Chúng ta có đang bị những lối sống ấy chi phối khiến cho ánh sáng của Đức Ki-tô không thể bừng lên trong thế gian này không?

Chia sẻ: Đâu là những dấu hiệu cho thấy lối sống thế tục đang len lỏi vào và làm biến chất đời sống kitô hữu?

Sống Lời Chúa: Xét mình: Cách tôi làm ra và sử dụng của cải vật chất có bị tiêm nhiễm bởi lối sống thế tục không?

Cầu nguyệnLạy Chúa Giê-su, xin mở mắt cho con nhìn thấy Ánh Sáng của Chúa, và sống theo Chân Lý của Ngài.

gpcantho
---------------------------------------
 
 

SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA- LỄ CHÚA CHỊU PHÉP RỬA

Đức Giêsu cũng chịu phép rửa

   ĐẠO BINH ĐỨC MẸ

Thưa quý vị, thưa các bạn Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa năm ( C ) theo Tin Mừng thánh Luca hôm nay thật ngắn gọn chỉ có 04 câu (Lc 3, 15-16 ;21 -22). Nhưng, 02 câu 15 -16 lại diễn tả về thánh Gioan Tẩy Gỉa, sứ vụ Thiên sai của ngài, chỉ có 02 câu 21 -22 nói về Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, thật ngắn gọn, thánh Luca không diễn tả chi tiết Sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa, mà ngài chỉ nói : ” Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa…“ ( c 21)

Vâng , Tin Mừng thật ngắn gọn nhưng mang ý nghĩa “ chuyển tiếp” từ sứ vụ của Gioan Tẩy Gỉa đến sứ vụ của Đấng Cứu Thế. Điều nầy được khởi đi từ Bài đọc I hôm nay (Is 40, 1-5 ; 9 -11), cho chúng ta hiểu rõ hơn về “ Sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa”.

Như vậy, thánh Gioan Tẩy Gỉa cũng như Đấng Cứu Thế được Isaia loan báo từ ngàn xưa để mở đường cho “Chương Trình Cứu Độ” cúa Thiên Chúa. Chúa Giêsu chịu phép rửa không phải như “ tội nhân” mà là để được mặc nhiên “sai đi”, phép rửa mà Chúa Giêsu chịu là “ dấu ấn” cho sự vậng phục Thiên Chúa, để được nhận lãnh Thần Khí, tức Chúa Thánh Thần là “ nguồn Thánh Hóa” và ban bình an cho thụ nhân. Nói cách khác , phép rửa mà Chúa Giêsu chịu là sự “ tấn phong” sứ vụ Thiên Sai cách hữu hình.

Vâng, phần III của Tin Mừng Luca từ câu (14 – 19) sẽ minh chứng và nói rõ về “Sứ vụ” Cứu Thế của Người. Đặc biệt ở câu (18-19) “ Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi…”

Rõ ràng, hình ảnh Isaia là hình bóng Đấng Cứu Thế, ngôn sứ Isaia là vị ngôn sứ có trước Đấng Cứu Thế gần bốn ngàn năm, nhưng là vị ngôn sứ nói về Đấng Cứu Thế nhiều nhất và rõ nhất.

Như vậy, chúng ta thấy “ sứ vụ Cứu Thế” của Chúa Giêsu được chuẩn nhận cụ thể từ Ba Ngôi Thiên Chúa. Dù khi xuống thế làm Người, Chúa Giêsu đã mặc phần “ Nhân Tính”, nghĩa là Người vâng phục hoàn toàn Thánh Ý Thiên Chúa trong mầu nhiệm Cứu Chuộc, nhưng khi xảy ra những sự kiện quan trọng, thì chính Ba Ngôi cùng hiện diện.

Vì thế, phép rửa mà Chúa Giêsu chịu không phải là “phép rửa” để tha tội tổ tông, mà là “sự tấn phong”, hay là nói lên phần Nhân Tính của Người qua sứ vụ “ vâng phục” Thiên Chúa, một sự vâng phục tuyệt đối cho đến chết và chết trên Thập Gía. Nói lên nghĩa cử yêu thương chân thành và trung tín,của Đấng làm Người mang ơn Cứu Độ đến với nhân loại.

Sự hạ mình vâng phục của một sứ mạng Thiên Sai, chứ không phải để được tha tội. Vì nguyên lý Đấng Cứu Thế là một Ngôi Vị Thiên Chúa hằng hữu.

Theo đó, Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi tay Gioan Tẩy Giả, nhưng là :” Thần Khí Chúa ngự trên Người”, và có Tiếng Chuẩn nhận từ Chúa Cha. Từ đó, tạo nên một Bí Tích cho ơn Cứu Độ của người tín hữu được lãnh nhận.

Như vậy, Bí Tích Rửa Tội chính là sự tái sinh cách huyền nhiệm nhờ Đấng Phục Sinh, người đã thiết lập, hầu tái tạo sự sống nguyên tuyền cho nhân loại. vì thế, Chúa Giêsu chịu phép rửa là cho chúng ta, vì chúng ta, để mở đầu một cuộc sống mới, cuộc sống đích thực là được làm “con Thiên Chúa”, cũng chính vì điều nầy, mà Chúa Giêsu phải chịu treo lên , vì Người xưng mình là : “ Con Thiên Chúa”, và quả thật, Người là Con Thiên Chúa.

Vì thế, Chúa Giêsu thiết lập “Phép Rửa” qua chính sự vâng phục của người, đồng thời Thánh Hóa phép rửa cho chúng ta, vì “ Ai không tái sinh bởi Nước và Thánh Thần thì không có sự sống đời đời”.

Đó là “ chìa khóa” đầu tiên cho ơn Cứu Độ, dấu chỉ niềm tin vào Đấng Cứu Độ Giêsu- Kitô chính là “ phép rửa” của người tín hữu. Vì, muốn có sự sống, mặc nhiên phải “ tin “ vào Đấng ban sự sống, là Đức Giêsu – Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.

Chúng ta thấy Lời nguyện lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa như sau :

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, khi Đức Ki-tô chịu phép rửa tại sông Gio-đan, và Thánh Thần ngự xuống trên Người, Chúa đã long trọng tuyên bố Người là Con chí ái, xin cho chúng con là đoàn nghĩa tử được tái sinh bởi Nước và Thánh Thần, hằng bền vững thi hành ý Chúa. Chúng con cầu xin , nhờ Đức Giêsu Ki-tô, Chúa chúng con . Amen

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chịu phép rửa bởi tay Gio-an tại sông Gio-đan, có thánh Thần ngự xuống và tiếng phán bởi Chúa Cha, là bằng chứng xác thực về sự vâng phục Thiên Chúa, hầu treo gương cho chúng con biết sống khiêm hạ. Xin cho chúng con trung tín bước theo, hầu xứng đáng trở nên đoàn nghĩa tử của Người. Amen

( Lễ Chúa Giêsu 06/01, nhưng năm nay là 13/01)

11/01/2019

P.Trần Đình Phan Tiến

Chia sẻ Bài này:
 

Related posts

 

 ----------------------------------------------

 

 

 

 

 

 

 

 

SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA - CN LỄ HIỂN LINH

5 phút Lời Chúa 

06/01/19 CHÚA NHẬT CHÚA HIỂN LINH – C
Mt 2,1-12

 NGÔI SAO GIÊ-SU

Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi và thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. (Mt 1,10-11)

Suy niệm/CẢM NGHIỆM SỐNG: 1/ Đường dẫn các đạo sĩ đến Bê-lem là con đường của SAO. SAO rọi chiếu ánh sáng cho đường đi, SAO nuôi hy vọng, SAO cho biết Đấng được sinh ra sẽ mang sứ mệnh lịch sử quan trọng.

2/ SAO có lúc khuất dạng nhưng không vụt tắt, có lúc bị mây mù che phủ nhưng rồi lại ló dạng và đồng hành. Ngôi sao trên bầu trời dẫu có lạ lùng cũng chỉ là dấu hiệu chỉ đường đến với Hài Nhi Giê-su, là NGÔI SAO đích thực dẫn đường cho không riêng cho các đạo sĩ mà còn cho cả loài người và từng người trong suốt dọc dài lịch sử.

Đó chính là nỗi vui mừng khôn xiết của những ai biết tìm đường đến với Chúa Giê-su, hiện thân của mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể làm người.

Mời Bạn CHIA SẺ: Người thời nay sùng mộ nhiều thứ thần tượng, và khi thần tượng ấy sụp đổ, họ vỡ mộng, thất vọng. Trên con đường tìm về Chân-Thiện-Mỹ, ngôi SAO dẫn đường cho chúng ta chỉ có thể là Chúa Giê-su mà thôi vì Ngài “là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.”

Dẫu có lúc ngôi SAO của chúng ta dường như vụt tắt, chúng ta không hoang mang chao đảo bởi vì Ngài chỉ ẩn mình nhưng vẫn hiện diện, chịu chết nhưng đã sống lại và Ngài hằng sống.

Sống Lời Chúa: Suy niệm Lời Chúa hằng ngày để chiêm ngưỡng và trở nên giống ngôi sao thần tượng của mình là Chúa Giê-su Ki-tô.

Cầu nguyệnLạy Chúa Hài Nhi Giê-su, Chúa là Ngôi SAO và Thần Tượng của con. Con không có vàng để dâng cho Chúa; nhưng con dâng Chúa tấm lòng của con. NHỜ THÁNH THẦN CHỈ DẪN CHÚA mãi là người bạn đường, là ngôi SAO soi dẫn đời con.

 gpcantho

-------------------------------

Subcategories