3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - CN16TN-B

  •  
    Song Loi Chua
     

    SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA HÔM NAY

    CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN NĂM B (18/07/2021)

    VINH DỰ VÀ TRÁCH NHIỆM  CỦA  CÁC MỤC TỬ

    [Gr 23,1-6; Ep 2,13-18; Mc 6,30-34]

     

    I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

    Lời Chúa của Phụng Vụ Chúa Nhật XV Thường Niên Năm B đề cập đến ơn gọi và sứ mạng của các Ki-tô hữu (nói chung) thì Lời Chúa của Phụng Vụ Chúa Nhật XVI Thường Niên Năm B đề cập đến ơn gọi và sứ mạng của các Ki-tô hữu lãnh đạo (nói riêng). Trong đạo cũng như ngoài đời, vai trò của người lãnh đạo là hết sức quan trọng. Ngoài đời thì là chính quyền các cấp, còn trong đạo thì là các mục tử các cộng đoàn lớn nhỏ.

    Đọc lịch sử Israel chúng ta thấy Thiên Chúa đã cắt cử nhiều người làm lãnh đạo dân riêng Chúa. Hình ành quen thuộc trong Thánh Kinh là người mục tử và đàn chiên. Có mục tử làm tốt công việc của mình; nhưng cũng có mục tử không hoàn thành công việc được giao. Chúa Giêsu Kitô là mục tử hoàn hảo nhất vì Người chăm lo cho chiên là những người khốn khổ và bơ vơ trong dòng đời vì Ngài trần đầy lòng thương.

    II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    2.1  Bài đọc 1 (Gr 23,1-6): "Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên Ta, và cho chúng có những chủ chăn" Chúa phán: "Khốn cho các mục tử làm tản mát và xâu xé đoàn chiên Ta. Vì thế, Chúa là Thiên Chúa Israel phán cùng các mục tử chăn dắt dân Ta rằng: "Các ngươi đã phân tán xua đuổi và không trông nom đoàn chiên Ta". Chúa lại phán: "Vậy Ta sẽ xét xử những hành động gian ác của các ngươi. Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên Ta từ khắp các xứ mà Ta đã phân tán chúng, Ta sẽ lùa chúng về đồng cỏ, để chúng lớn lên và tăng số. Ta sẽ cho chúng có những chủ chăn để họ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn sợ hãi và kinh hoàng, và chúng không còn thiếu thốn gì nữa".

    Chúa còn phán rằng: "Này đây, đã tới những ngày Ta gây cho Đavít một mầm giống công chính, mầm giống này sẽ làm vua thống trị, sẽ là người khôn ngoan, thực hiện công lý và đức công bình trên đất nước. Những ngày ấy, Giuđa sẽ được cứu thoát, Israel sẽ được an cư, và chúng sẽ gọi tên Người là "Chúa công bình của chúng ta".

    2.2 Bài đọc 2 (Ep 2,13-18): "Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một" Anh em thân mến, xưa kia anh em là những kẻ ở xa, thì nay trong Đức Giêsu Kitô, anh em đã nên gần nhờ bửu huyết của Người. Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một, đã phá đổ bức tường ngăn cách, tiêu diệt sự hận thù trong thân xác của Người, tức là bãi bỏ lề luật cũ với những thể lệ để kiến tạo cả hai nên một người mới, đem lại bình an, dùng thập giá giải hoà hai dân tộc trong một thân thể với Thiên Chúa. Nơi Người, mối thù nghịch đã bị tiêu diệt, và Người đã đến loan báo Tin Mừng bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Và chính nhờ Người mà chúng ta đôi bên được đến gần Cha trong cùng một Thần Trí.

    2.3 Bài Tin Mừng (Mc 6,30-34): "Họ như đàn chiên không người chăn" Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy. Người liền bảo các ông: "Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút". Vì lúc ấy dân chúng kẻ đến người đi tấp nập, đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài.

    Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều.

     

    III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG & SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    3.1  Chân dung của Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?)    

    3.1.1 Bài đọc 1 (Gr 23,1-6) là những lời sấm của ngôn sứ Giêrêmia, nói về những mục tử không chu toàn trách nhiệm được Thiên Chúa giao phó, vì họ đã làm cho đoàn chiên của Chúa phải tan tác và họ đã xua đuổi cũng như chẳng lưu tâm gì đến chiên. Lời sấm còn loan báo Thiên Chúa sẽ chấn chỉnh kế hoạch là sẽ quy tụ đoàn chiên còn sót lại từ khắp mọi miền, sẽ đưa chúng về đồng cỏ tốt tươi; sẽ giao chúng cho các mục tử tốt lành chăn dắt. Đoàn chiên sẽ sinh sôi nảy nở thật nhiều và các mục tử xấu sẽ bị trừng phạt vì hành vi gian ác của họ. Tột đỉnh của kế hoạch này là Con Một Thiên Chúa - là Chúa Giêsu - sẽ được gửi đến để chăn dắt đoàn chiên của Thiên Chúa.

    3.1.2 Bài đọc 2 (Ep 2,13-18) là những lời Thánh Phaolô viết cho các tín hữu Êphêsô về những việc làm cụ thể mà Chúa Giêsu, Vị Vua xuất thân từ dòng dõi Đavít, đã thực hiện nhằm thay đổi mọi thực tại nhân sinh và nhân linh một cách tuyệt diệu để xây dựng Vương Quốc của Thiên Chúa.

    3.1.3 Bài Tin Mừng (Mc 6,30-34)  là tường thuật của Thánh Máccô về tấm lòng chăm lo cho đoàn chiên của Chúa Giêsu: “Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt.”  Chúa Giêsu là hình ảnh ‘trung thực’ của Chúa Cha là Đấng không muốn một con chiên nào bị bỏ rơi và phải khổ sở; trái lại Người muốn tất cả mọi con chiên đều được yêu thương và chăm sóc tận tình. Vì chạnh lòng thương đoàn chiên mà Chúa Giê-su chữa lành các bệnh nhân, xua đuổi ma quỉ và làm các phép lạ. Vì chạnh lòng thương dân chúng mà Chúa Giê-su đứng về phía thứ dân, bênh vực quyền lợi của họ, làm bạn với hạng tội lỗi và sau cùng là chết trên thập giá để cứu chuộc tất cả nhân loại.

    3.2 Sđiệp của Lời Chúa (Chúa muốn chúng ta làm gì?)    

    Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là: Thiên Chúa là Đấng yêu thương và chăm lo cho mọi người. Người mời gọi chúng ta cộng tác và tíếp tay với Người trong việc chăm lo ấy. Nhất là Người đã sai Con Một Người là Chúa Giêsu Kitô đến trần gian để yêu thương và quy tụ mọi người thành một đoàn chiên duy nhất. Tất cả các Kitô hữu và nhất là các giám mục, linh mục được Chúa giao phó sứ vụ “mục tử” phải biết học cùng Chúa Giêsu mà “chạnh lòng thương” khi đứng trước nhu cầu vật chất và tinh thần của con người.

     

    IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA

    4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng đã vì yêu thương loài người mà dùng ngôn sứ  Giêrêmia thay mặt Thiên Chúa cảnh cáo những người lãnh đạo không chu toàn trách nhiệm chăm sóc các cộng đoàn. Sống với Thiên Chúa là Đấng đã chạnh lòng thương đám đông quần chúng  thiều người chăm lo, bảo vệ.

     

    4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa

    Để thực thi sứ điệp Lời Chúa qua ba bài Sách Thánh, mỗi người/cộng đoàn hãy tự hỏi và tự trả lời 3 câu hỏi sau:

    * Tôi/Cộng đoàn tôi có học biết Thiên Chúa là Đấng yêu thương và chăm lo cho mọi người  không?

    * Tôi/Cộng đoàn tôi có học cùng Chúa Giêsu mà biết “chạnh lòng thương” khi đứng trước nhu cầu vật chất và tinh thần của những người sống chung quanh tôi không, nhất la trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay?

    * Tôi/Cộng đoàn tôi có cộng tác và tíếp tay với Thiên Chúa trong việc chăm lo cho con người, nhất là cho những người nghèo và bị bỏ rơi hơn cả trong xã hội Việt Nam hôm nay không? 

                                            

    V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI  VÀ CHO HỘI THÁNH

    [Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý:  ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]

     

    5.1 “Thưa anh em, trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Kitô Giêsu, nhờ máu Đức Kitô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần” Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho các dân các nước sớm nhận ra Kế Hoạch và Ý Định của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô mà trở thành Kitô hữu.

    Xướng: Chúng ta  cùng cầu xin Chúa!  Đáp:  Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.2 «Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cách đặc biệt cho Đức Thánh Cha Phanxicô, cho các Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục, cho các linh mục và phó tế, để với ơn Chúa trợ giúp, các ngài chỉ biết sống chết theo chân Chúa Giêsu mà thương yêu mọi người, nhất là những người nghèo và bị bỏ rơi.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp:  Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.3 «Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho giáo dân thuộc Giáo xứ chúng ta để ai nấy chuyên chăm nghe lời dậy dỗ của Chúa và của các mục tử.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp:  Xin Chúa nhận lời chúng con! 

              

    5.4 «Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho các vị mục tử không chu toàn trách nhiệm, đánh mất lòng nhiệt thành truyền giáo, lơ là với việc chăm lo cho người nghèo và bị bỏ rơi, để nhờ Ơn Chúa giúp, các ngài lấy lại được tinh thần Phúc âm mà phục vụ đoàn chiên mà Chúa đã giao cho các ngài.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!          

    Sàigòn ngày 14 tháng 07 năm 2021

    Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.                                                                                         

     

     

    --

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - THỨ TƯ CN15TN-B

  •  
    Chi Tran

     
    5 PHÚT LỜI CHÚA

    14/07/21 THỨ TƯ TUẦN 15 TN
    Th. Ca-mi-lô Len-li, linh mục
    Mt 11,25-27

     

    MẠC KHẢI CHO NGƯỜI BÉ MỌN

     
    “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.” (Mt 11,25)
     

    Suy niệm/SỐNG: Không phải Thiên Chúa thiên vị khi mặc khải mầu nhiệm cao cả cho những người bé mọn mà lại “giấu” không cho những bậc thông thái khôn ngoan biết những điều ấy.

      Mọi người đều được Chúa yêu thương và cứu độ. Nhưng chính thái độ tự mãn kiêu căng cản trở người ta không đón nhận được mặc khải của Đức Ki-tô.

      Quả thật, trước lời rao giảng của Chúa Giê-su, chính những người bình dân, ít học, bị coi là tội lỗi… lại mau mắn vui mừng đón nhận, còn những thầy thông luật, kinh sư, Pha-ri-sêu… lại quay lưng chống đối.

     

    Mời Bạn CHIA SẺ: “Chúa chế giễu đứa hay nhạo báng, nhưng thi ân cho kẻ khiêm nhường” (Cn 3,34).

      Kiêu ngạo là gốc rễ của tội lỗi và hành động xấu xa. 

     

    Trong khi đó, khiêm nhường là mảnh đất duy nhất cho phép ân sủng của Thiên Chúa hoạt động để sinh hoa kết quả. Dù bạn có là nhà bác học, thông minh tài trí, bạn vẫn có thể trở nên bé mọn trước mặt Chúa nhờ noi gương Con Thiên Chúa hiền lành khiêm nhường.

      Mời bạn luôn ấp ủ trong lòng thái độ đơn sơ chân thành, biết khiêm cung tìm kiếm ý Chúa trong cuộc sống, kể cả khi ý của Người khác với ý của chúng ta.

     

    Sống Lời Chúa: Tập khiêm nhường bằng cách biết từ bỏ ý riêng, lắng nghe người khác và nhận biết điều tốt nơi họ.

     

    Cầu nguyện VÀ SỐNG CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin ban cho con có được đức tin đơn sơ và thuần khiết, để con nhìn thấy khuôn mặt nhân từ của Chúa. NHỜ ƠN CHÚA con QUYẾT TÂM BỎ những nghi ngờ và tự mãn, để con có thể đón nhận ý định của Chúa trong khiêm tốn và vâng phục. Amen.

    GPLONGXUYEN

     
     
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - THỨ HAI CN15TN-B

  •  
    Chi Tran

     
    5 PHÚT LỜI CHÚA

    12/07/21 THỨ HAI TUẦN 15 TN
    Mt 10,34-11,1

     

    BÌNH AN TRONG CHÚA KI

     
    Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất. (Mt 10,34)
     

    1/ Suy niệm/SỐNG: Nhiều người vẫn nghĩ rằng phải thâu tóm mọi quốc gia, không loại trừ việc sử dụng binh lực, dưới quyền cai trị của một quyền lực thống nhất thì mới gọi là “bình thiên hạ”, lúc đó mới có hoà bình.

      Chúa Giê-su nói chúng ta đừng có mơ Ngài sẽ đem đến một thứ bình an theo kiểu đó. Bình an của Chúa Ki-tô thì khác: “Bình an của Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (Ga 14,27).

      Bình an đích thực là khi chúng ta được hoà giải với Thiên Chúa nhờ Chúa Ki-tô chịu chết trên thập giá chuộc tội cho nhân loại. Bình an đó phải trải qua “gươm giáo” là sự đối kháng từ thâm tâm mỗi người cũng như giữa mình với những người chung quanh.

      Bởi vì mỗi người đều phải bước vào cuộc chiến đấu thiêng liêng, phải lựa chọn đi theo đạo quân của Thiên Chúa hay là đứng dưới lá cờ của ma quỷ.

     

    2/ Mời Bạn CHIA SẺ: Tìm kiếm hoà bình không phải từ bên ngoài hay từ trên trời rơi xuống, mà từ bên trong: phải tiêu diệt mầm mống chiến tranh từ trong lòng bạn.

      Đó là xoá bỏ giận hờn, ghen ghét, oán thù; đó là biết lắng nghe thay vì độc đoán, là yêu thương phục vụ thay vì ích kỷ, tham lam; là tôn trọng hoà hợp thay vì khinh thường, kỳ thị, loại trừ nhau.

     

    3/Sống Lời Chúa: Để đạt được sự bình an tâm hồn, hằng ngày bạn dành thời gian thinh lặng suy niệm Lời Chúa, nghiền ngẫm sứ điệp bình an của Chúa trong Tin Mừng (x. Mt 5-7).

     

    4/ Cầu nguyện VÀ SỐNG CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, Chúa đã nói: ai xây dựng hoà bình sẽ được gọi là con Thiên Chúa. NHỜ THANH1 THẦN TÁC ĐỘNG cho con bình an của Chúa để con trở nên kênh lan toả bình an cho anh chị em, cho thế giới mỗi ngày một tiến gần hơn tới hoà  bình đích thực.

    GPLONGXUYEN

    Download all attachments as a zip file
    • 1626052092068blob.jpg
      138.7kB
    • -----------------------------------------------------
       

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC- THỨ BA CN15TN=B

  •  
    Chi Tran

     
     
     
    Ảnh cùng dòng


     
    5 PHÚT LỜI CHÚA

     

    13/07/21 Thứ ba tuẦn 15 tn
    Th. Hen-ri-cô
    Mt 11,20-24

     

    ƠN BAN ĐI VỚI TRÁCH NHIỆM
     

    Chúa Giê-su nói: “Khốn cho ngươi hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi hỡi Bét-sai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đon, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu mà tỏ lòng sám hối. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và Xi-đon còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.” (Mt 11,21-22)

     

    Suy niệm/SỐNG: Lẽ thường ở đời thì quyền lợi phải đi đôi với trách nhiệm. Tương tự ân sủng Chúa ban cho ai cũng kéo theo những trách nhiệm đối với người ấy như vậy.

     

      Hưởng ơn ban càng nhiều, chịu trách nhiệm càng lớn. Và do đó, nếu không chu toàn trách nhiệm cách tương xứng, thì án phạt càng nặng nề. Những phép lạ Chúa thực hiện ở Kho-ra-din hay ở Bét-sai-đa, cho dù chỉ có một số người thụ hưởng trực tiếp nhưng cũng là một ơn ban cho toàn thể cư dân của những thành ấy.

     

      Vì thế theo qui tắc liên đới, họ phải chịu đồng trách nhiệm trong việc đáp lại sứ điệp của Chúa qua những phép lạ đó. Mà sứ điệp đó là: “Hãy ăn năn sám hối vì Nước Trời đã gần đến.”

     

    Mời Bạn CHIA SẺ: Ơn Chúa ban cho ta không phải chỉ để ta hưởng thụ một mình, mà ta phải nhờ đó để trổ sinh nhiều hoa quả thiêng liêng “xứng với lòng thống hối” chẳng những nơi mình và mà còn cho người khác nữa. 

     

       Nhiều người được Chúa ban ơn đặc biệt (khi đi hành hương, xin khấn, v.v…) nhưng có người nên thánh, có người không. Bạn nghĩ gì về điều này?

     

    Sống Lời Chúa: Mỗi lần kiểm điểm đời sống, bạn hãy cố khám phá một ơn Chúa đã ban cho bạn để cảm tạ và nhờ đó sửa đổi đời sống.

     

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn biết cảm tạ Chúa về những hồng ân Chúa ban và cho con biết nên thánh xứng với những ơn huệ đó.

    GPLONGXUYEN
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - CN15TN-B

  •  
    Chi Tran

     
     
     
    Ảnh cùng dòng

    Lệnh sai đi Nhóm 12.

    11/07 – CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN năm B.

    "Người bắt đầu sai các ông đi".

     

    Lời Chúa: Mc 6, 7-13

    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

    Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. Và Người truyền các ông đi đường, đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo.

    Người lại bảo: "Đến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ". Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.

     

    * Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

     

    * Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

     
     

     

    Suy niệm CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN  B

    Lời Chúa: Am. 7, 12-15; Ep. 1, 3-14; Mc. 6, 7-13

     

    1. Ngài gọi và sai đi.

    (Trích trong ‘Manna’)

    Đức Giêsu là người làm nên Nhóm Mười Hai.

    Sau một thời gian ở với Ngài (x. Mc 3,14),

    họ đã được Ngài sai đi rao giảng.

    Người được sai đi phải là

    người có đời sống gần gũi thiết thân với Chúa.

    Đức Giêsu sai họ lên đường.

    Ngài trao cho các ông những quyền năng Ngài có:

    quyền rao giảng, quyền chữa bệnh, quyền trừ quỷ.

    Đó là hành trang lên đường của các ông.

    Mọi hành trang khác chỉ là phụ thuộc:

    một chiếc áo đang mặc, một cây gậy và đôi dép khi đi đường.

    Đức Giêsu cấm các ông

    không được mang theo lương thực, bao bị, tiền bạc...

    Không lương thực đi đường nên có thể bị đói.

    Không bao bị nên không thể để dành.

    Không tiền bạc nên không thể mua sắm.

    Ngài muốn các ông hoàn toàn nương tựa

    vào lòng tốt của Thiên Chúa và của con người.

    Ra đi mà không có một chút bảo đảm.

    Các môn đệ đã đi từ nơi nọ đến nơi kia,

    lê gót qua các làng mạc và thành phố.

    Họ không đóng đô ở một nơi, dù gặp thành công,

    vì họ nhớ lời của Thầy:

    “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh,

    để Thầy còn rao giảng ở đó nữa” (x. Mc 1,38)

    Tính cơ động là đặc tính thiết yếu của người tông đồ.

    Sẵn sàng đến và cũng sẵn sàng đi.

    Các môn đệ loan báo về Nước Thiên Chúa đang đến.

    Đó là một tin vui, nhưng đòi con người hoán cải.

    Hoán cải là điều chẳng ai ưa.

    Người tông đồ cần can đảm nói điều phải nói.

    Không làm nhẹ đi những đòi buộc của Tin Mừng,

    không bóp méo Tin Mừng để tìm thành công cá nhân,

    cũng không mỵ dân để vuốt ve dư luận.

    Người tông đồ phải chấp nhận

    được tiếp đón một cách nồng hậu hay lạnh nhạt.

    Họ chỉ là những người phục vụ cho Tin Mừng.

    Chúng ta cần cảm nghiệm niềm vui của các môn đệ.

    Những người đánh cá nay trở thành nhà rao giảng.

    Những người ít học, bình dân, nay trừ quỷ và chữa bệnh.

    Họ đem đến cho con người niềm vui,

    sự giải phóng toàn vẹn cả hồn lẫn xác.

    Hôm nay Đức Giêsu vẫn sai ta đến trong thế giới.

    Đi từng hai người hay từng nhóm để nâng đỡ nhau.

    Chúng ta có thể mang theo nhiều đồ trang bị hơn xưa,

    nhưng không vì thế mà bỏ rơi cậy dựa vào Chúa.

    Thế giới hôm nay vẫn có nhiều bệnh tật:

    bệnh tuyệt vọng chán chường, bệnh hoài nghi khép kín...

    Ước gì chúng ta chữa lành những nỗi đau hôm nay.

    Gợi Ý Chia Sẻ

    Lên đường là ra đi, nhưng cũng là ở lại môi trường mình đang sống. Bạn thấy làm chứng cho Chúa tại nơi bạn học hành, làm việc, có khó không? Đâu là những cản trở?

    Thế giới hôm nay là thế giới bị nô lệ dưới nhiều hình thức. Bạn thấy được những hình thức nào? (nô lệ cho vật chất, tiện nghi, chức vị, xác thịt...)

     

    Cầu Nguyện VÀ SỐNG CẦU NGUYỆN

    Lạy Chúa Giêsu,

    Xin sai chúng con lên đường:

    nhẹ nhàng và thanh thoát,

    không chút cậy dựa vào khả năng bản thân

    hay vào những phương tiện trần thế.

    Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm:

    rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ, chữa lành những người ốm đau.

    Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng

    với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý,

    biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.

    Xin ban cho chúng con

    khả năng đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa.

    Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ

    của bao người đau khổ thể xác tinh thần.

    Lạy Chúa Giêsu, thế giới thật bao la

    mà vòng tay chúng con quá nhỏ.

     

    *NHỜ ƠN CHÚA THÚC ĐẨY chúng con QUYẾT nắm lấy tay nhau

    mà tin tưởng lên đường, nhẹ nhàng và thanh thoát.

    GPLX

    --------------------------------------

Subcategories