20. Những Bài Về Đức Mẹ

ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐÍCTÔ XVI VÀ KINH MÂN CÔI

 

Lễ Đức Mẹ Mân Côi được Thánh Giáo Hoàng Piô V thiết lập vào ngày kỷ niệm chiến thắng của hạm đội Kitô giáo tại vịnh Lêpantô, ngày 7 tháng 10 năm 1571. Chiến thắng này được cho là nhờ sự cứu giúp của Mẹ Thánh của Thiên Chúa. Sự trợ giúp ấy là nhờ vào lời khẩn xin của Kinh Mân Côi.

Trong suốt triều đại giáo hoàng của mình, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI liên tục kêu gọi chú ý đến hiệu quả của Kinh Mân Côi.

 1. Trong bài huấn từ tại Vương cung thánh đường lịch sử Đức Bà Cả của Rôma, thứ Bảy, ngày 3 tháng 5 năm 2008, [1] ngài đã nhắc nhở các tín hữu rằng lời cầu nguyện này không phải là “một thực hành đạo đức bị đẩy lùi vào quá khứ, giống như những lời cầu nguyện của những thời đại khác mà người ta luyến tiếc khi nghĩ đến. Thay vào đó, Kinh Mân Côi đang có một Mùa xuân mới.”

Chắc chắn khi nhắc nhở các tín hữu như vậy, Đức Giáo Hoàng muốn xóa đi cách nghĩ không đúng rằng việc lần hạt Mân Côi là “lỗi thời” và là việc sùng kính của một số ông bà già “lẩm cẩm và cố chấp”.

Đức Giáo Hoàng tiếp tục nói rằng trong thế giới hiện tại, vốn rất phân tán, “lời cầu nguyện này giúp đặt Chúa Kitô vào trung tâm, giống như Đức Trinh Nữ đã làm, đã suy ngẫm về tất cả những điều được nói về Con của mình, cũng như những gì Ngài đã làm và nói.”

Khi chúng ta đọc kinh Mân Côi, chúng ta sống lại những khoảnh khắc quan trọng và có ý nghĩa trong lịch sử cứu độ của chính mình. “Những bước khác nhau trong sứ mệnh của Chúa Kitô được dõi theo. Cùng với Mẹ Maria, cõi lòng chúng ta hướng về mầu nhiệm của Chúa Giêsu. Chúa Kitô được đặt vào trung tâm của cuộc sống chúng ta, của thời đại chúng ta, của thành phố chúng ta, thông qua việc chiêm ngưỡng và suy ngẫm về những mầu nhiệm thánh thiện của Ngài về niềm vui, ánh sáng, nỗi buồn và vinh quang.”

Ngài khuyến khích chúng ta đón nhận trong chính mình “ân sủng phát ra từ những mầu nhiệm này, để qua chúng ta có thể tưới mát cho xã hội, bắt đầu bằng các mối tương quan hàng ngày, và thanh lọc chúng khỏi nhiều thế lực tiêu cực, do đó mở chúng ra với sự mới mẻ của Thiên Chúa”.

Kinh Mân Côi, khi được cầu nguyện một cách chân thành, không máy móc và hời hợt nhưng sâu sắc, thực sự mang lại hòa bình và hòa giải. Kinh Mân Côi chứa đựng trong chính mình sức mạnh chữa lành của Danh Thánh Chúa Giêsu, được cầu khẩn với đức tin và tình yêu ở trung tâm của mỗi Kinh Kính Mừng”.

 2. Chỉ hơn năm tháng sau đó, trong chuyến viếng thăm mục vụ tới Đền Thánh Pompeii vào Chúa Nhật 09 tháng 10 năm 2008 [2], trước khi đọc kinh Mân Côi, Đức Giáo Hoàng đã dành sự chú ý đến vị tông đồ vĩ đại của kinh Mân Côi, Chân phước Bartolo Longo, là người đã lấy hết năng lực và sự kiên trì của mình từ kinh Mân Côi, và kêu gọi các tín hữu noi gương thánh nhân.

Tuy nhiên, để trở thành tông đồ của Kinh Mân Côi, cần phải đích thân trải nghiệm vẻ đẹp và chiều sâu của lời cầu nguyện đơn giản và dễ hiểu này đối với mọi người.”

Đức Giáo Hoàng muốn nói rằng mặc dù là lời cầu nguyện có vẻ nhiều lời, lặp đi lặp lại, quá đơn giản và có thể khiến nhàm chán, nhưng cũng giống như chúng ta không bao giờ mệt mỏi khi nói với ai đó rằng chúng ta yêu họ, thì “Kinh Mân Côi là trường học của sự chiêm nghiệm và thinh lặng. Thoạt nhìn, có vẻ như đây là một lời cầu nguyện tích tụ các từ ngữ, do đó khó có thể hòa giải với sự thinh lặng được khuyến khích đúng đắn cho việc suy ngẫm và chiêm nghiệm. Trên thực tế, sự lặp lại nhịp nhàng này của Kinh Kính Mừng không làm xáo trộn sự thinh lặng bên trong mà thực sự đòi hỏi và nuôi dưỡng sự thinh lặng đó.

Đức Giáo Hoàng nói “sự thinh lặng xuất hiện qua các từ ngữ và câu văn, không phải là sự trống rỗng, mà đúng hơn là sự hiện diện của một ý nghĩa tối thượng vượt qua chính các từ ngữ và thông qua chúng nói với trái tim. Vì vậy, khi đọc Kinh Kính Mừng, chúng ta phải cẩn thận để giọng nói của mình không “che khuất” tiếng nói của Chúa, Đấng luôn nói qua sự thinh lặng như “tiếng nói nhỏ nhẹ” của một làn gió nhẹ (1V 19: 12)”.

Đức Giáo Hoàng khẳng định đọc Kinh Mân Côi là việc chiêm niệm phát xuất từ cõi lòng thinh lặng: “Vậy thì việc nuôi dưỡng sự thinh lặng tràn đầy Thiên Chúa này quan trọng biết bao, cả trong việc đọc kinh cá nhân và trong việc đọc kinh cùng với cộng đoàn! Ngay cả khi Kinh Mân Côi được đọc lên với tâm tình cầu nguyện, như ngày hôm nay, bởi các cộng đoàn đông đảo, và như anh chị em thực hiện trong Đền thánh này mỗi ngày, thì Kinh Mân Côi phải được coi là một lời cầu nguyện chiêm niệm. Và điều này không thể xảy ra nếu không có bầu không khí tĩnh lặng nội tâm”.

Đức Giáo Hoàng trích dẫn Chân phước Bartolo Longo, vị tông đồ của Kinh Mân Côi, giải thích Kinh Mân Côi là cách trò chuyện thân mật với Chúa Giêsu và Đức Trinh Nữ Maria bằng cách suy ngẫm các mầu nhiệm thánh thiện của các Ngài: “Tôi muốn trích dẫn một suy nghĩ tuyệt đẹp của Chân phước Bartolo Longo: “Giống như hai người bạn thường xuyên ở bên nhau, có xu hướng phát triển những thói quen tương tự, cũng vậy, bằng cách trò chuyện thân mật với Chúa Giêsu và Đức Trinh Nữ Maria, bằng cách suy ngẫm về các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi và bằng cách sống cùng một cuộc sống trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta có thể trở nên giống như Chúa Giêsu và Mẹ Maria, trong phạm vi sự khiêm nhường của mình và có thể học từ những tấm gương tối cao này một cuộc sống khiêm nhường, nghèo khó, ẩn dật, kiên nhẫn và hoàn thiện

 3. Trong bài huấn từ trước khi đọc Kinh Truyền Tin vào Chúa Nhật 03 tháng 10 năm 2010, khi đi thăm mục vụ Palermo [3] chỉ vài ngày trước lễ Mân Côi, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã khuyên các tín hữu cầu nguyện bằng kinh Mân Côi hằng ngày và dùng kinh này để suy ngẫm về những mầu nhiệm của Chúa Kitô “Vào thời điểm hiệp thông sâu sắc này với Chúa Kitô, hiện diện và sống động giữa chúng ta và trong chúng ta, như một gia đình giáo hội, thật tuyệt vời khi hướng về lời cầu nguyện với Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ của Ngài và của chúng ta.

Trong bài huấn từ này, Đức Thánh Cha đã giao phó toàn thể dân Chúa cho Mẹ chăm sóc và khẩn cầu: “Xin Mẹ nâng đỡ các gia đình, trong tình yêu thương của họ và trong sự đoan hứa dậy dỗ con cái của họ; xin Mẹ làm trổ sinh hoa trái những hạt giống ơn gọi mà Thiên Chúa đã gieo vãi dồi dào nơi những con trẻ; xin Mẹ truyền sự can đảm trong thử thách, hy vọng trong khó khăn, và nhiệt huyết mới trong việc làm điều thiện. Xin Đức Mẹ an ủi những người bệnh tật và tất cả những người đau khổ, và giúp đỡ các cộng đồng Kitô giáo để không ai trong số họ bị gạt ra ngoài lề hoặc bị thiếu thốn, nhưng mỗi người, đặc biệt là những người nhỏ bé và yếu đuối, đều cảm thấy được chào đón và trân trọng.”

Đức Thánh Cha đã gọi Đức Maria là: “Mẫu gương của đời sống Kitô hữu” và cầu xin Mẹ trước hết “giúp tất cả anh chị em bước đi trên con đường thánh thiện, nhanh nhẹn và vui tươi, theo những bước chân của rất nhiều chứng nhân sáng ngời của Chúa Kitô.

Đức Thánh Cha kết thúc bằng lời mong ước: “Xin cho việc suy niệm hằng ngày về các mầu nhiệm của Chúa Kitô kết hợp với Đức Maria, Đức Trinh Nữ cầu nguyện, củng cố tất cả chúng ta trong đức tin, đức cậy và đức mến”.

Phêrô Phạm Văn Trung

 

[1] https://www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/speeches/2008/may/documents/hf_ben-xvi_spe_20080503_rosary.html

[2] https://www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/speeches/2008/october/documents/hf_benxvi_spe_20081019_pompei.html

[3] https://www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/angelus/2010/documents/hf_ben-xvi_ang_20101003_palermo.html

TRÀNG CHÂU MÂN CÔI

Giáo Hội cử hành lễ kính Đức Mẹ Mân Côi vào ngày 7 tháng Mười hàng năm. Lễ này thoạt đầu được kính nhớ dưới tước hiệu “Đức Bà Chiến Thắng” từ thế kỷ 16, sau trận hải chiến vang lừng Đạo Quân Thánh Giá đánh bại hạm đội của Đế Quốc Ottoman tại Vịnh Lepanto ngày 7 tháng Mười, 1571. Chiến thắng này được cho là do sức mạnh của lời cầu nguyện qua Kinh Mân Côi. Nó cũng là chiến thắng giải thoát Âu Châu khỏi sự xâm lăng của Thổ Nhĩ Kỳ. Bài lược dịch dưới đây tóm tắt những tư tưởng của cha Lawrence Lew, O.P., suy niệm về ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi. [*]

Thánh Piô V là vị giáo hoàng thuộc dòng Đaminh, ngài là vị giáo hoàng có lòng sốt sắng đọc kinh Mân Côi, và đã thiết lập lễ kính Đức Mẹ Mân Côi. Ngài đã khuyến khích các giáo dân cầu nguyện bằng cách lần hạt Mân Côi cho chiến thắng và hòa bình. Ngày nay trong nhà nguyện tổng quyền Dòng Đaminh ở Roma có bức họa Thánh Giáo Hoàng Piô V quỳ gối trong phòng lần hạt. Bức ảnh diễn tả khi ngài đang cầu nguyện, một thiên thần đã kéo tấm màn trước mặt ngài, và vị giáo hoàng nhìn thấy một cuộc hải chiến đẫm máu đang xảy ra giống như trên một màn ảnh truyền hình rộng. Hình ảnh này khiến chúng ta suy niệm về ngày lễ Mân Côi dưới ba khía cạnh.

Trước hết, ngày lễ hôm nay mở rộng tầm nhìn lịch sử của chúng ta, và qua đó, chúng ta được nhắc nhớ đến biến cố lịch sử mà bức tranh đã diễn tả. Nó nói lên phép lạ mà Đức Piô V, trong khi đang lần hạt tại Roma nghe được về chiến thắng của hạm đội Thánh Chiến ở Lepanto, thuộc bờ biển phía tây của Hy Lạp.

Nói về chiến thắng ấy, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã nhấn mạnh một cách xúc động, “Niềm tin vào Đức Kitô của những chiến binh đã chuẩn bị để hy sinh mạng sống và máu mình cho phần rỗi của đức tin họ và quê hương họ. Họ tiến lên một cách can trường để đối diện với kẻ thù của họ tại vịnh Corinth, trong khi những người không thể chiến đấu đã tập hợp thành một lực lượng hậu phương sốt sắng ủng hộ bằng cách cầu xin Đức Maria. Và khi họ hợp thành tiếng nói chung, chúc tụng Mẹ vang lên bằng những lời kinh Mân Côi, Đức Mẹ đã ban chiến thắng cho đạo quân đang chiến đấu”. Vì nếu đạo quân Thổ Nhĩ Kỳ chiến thắng, không còn nghi ngờ nữa, đức tin Kitô giáo sẽ bị xóa khỏi Âu Châu, như đã xảy ra ở Trung Đông, ở bắc Phi, và ở nhiều các quốc gia và thành phố trước đó của người Kitô hữu. Chính vì thế, Đức Giáo Hoàng Piô V đã tuyên bố rằng nhờ lời chuyển cầu của Đức Nữ Trinh Maria, đã đem lại chiến thắng ở Lepanto năm 1571, và ngài đã thiết lập lễ kính Đức Mẹ Chiến Thắng vào ngày 7 tháng Mười. Sau đó lễ này được đổi tên là lễ kính Đức Mẹ Mân Côi để tưởng niệm biến cố chiến thắng lịch sử của kinh Mân Côi.

Nhưng có bao nhiêu người thực sự nhớ đến trận chiến Lepanto, hoặc nhớ đến dữ kiện rằng đức tin Kitô giáo đã hầu như bị phai nhạt tại Âu Châu? Bao nhiêu người trong chúng ta nhận ra rằng căn tính của chúng ta thực ra tùy thuộc vào những sự thật Kitô giáo như sử gia Tom Holland đề cập tới trong cuốn sách bán chạy nhất của ông, Dominion? Tác giả đã khiến chúng ta liên tưởng đến những người đang đau khổ vì bệnh mất trí nhớ (Alzheimer’s disease), những người không có khả năng nhớ lại lịch sử của đời mình. Họ chẳng khác gì những người đã đánh mất căn tính của họ. Đề cập đến sự mất mát tâm linh này, Đức Phanxicô đã nói: “Căn bệnh Mất Trí Tinh Thần… bao gồm mất trí nhớ về “lịch sử cứu độ” của cá nhân chúng ta, lịch sử quá khứ của chúng ta với Chúa và “tình yêu ban đầu” của chúng ta” (Rev 2:4) … Nó ở trong những người mất trí nhớ về việc họ gặp gỡ với Chúa… trong những người mà họ bắt gặp trong giây phút hiện tại, trong những khổ đau, những bất thường, và những điều ám ảnh của họ…” Ngày lễ hôm nay, vì thế, chúng ta mở rộng nhãn quan của mình để thay vì chú tâm vào những bất thường của giây phút hiện tại, một lần nữa, chúng ta nhớ lại lịch sử của chúng ta, căn tính sâu xa nhất của chúng ta như những con người Kitô hữu, như những người con của Đức Maria, như những người được cứu chuộc và được yêu thương bởi Con Thiên Chúa nhập thể.

Vì vậy, ngày lễ Mân Côi hôm nay mở rộng tầm nhìn chúng ta qua một lăng kính thứ hai bằng việc chú tâm vào Mầu Nhiệm Nhập Thể đã được nhắc lại trong Phúc Âm. Truyền thống Mân Côi quy hướng về cuộc nhập thể của Đức Kitô, và những mầu niềm vui, thương và vinh quang. Qua đó có thể nhìn ngắm vũ trụ thay đổi ảnh hưởng nhờ Đức Kitô trong thân phận con người. Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, nhưng tội lỗi đã làm méo mó và biến dạng hình ảnh này. Vì thế, Thiên Chúa đã trở nên Con Người để sửa lại hình ảnh của Thiên Chúa trong chúng ta. Nhờ cuộc Nhập Thể, Khổ Nạn, Chết, và Phục Sinh của Ngài, Đức Kitô chữa lành vết thương nhân loại vì tội lỗi. Và qua ân sủng được ban ra từ Đức Kitô, những Kitô hữu chúng ta được tái tạo hình ảnh và nên giống Đức Kitô. Ân sủng làm cho chúng ta trở nên xinh đẹp như vẻ đẹp của Đức Kitô, biết yêu như Ngài yêu.

Nhờ suy niệm những mầu nhiệm Mân Côi, viễn ảnh chúng ta được mở rộng tầm nhìn như Đức Kitô dạy. Chúng ta phải làm sao cho Thiên Chúa vui mừng, sống như thế nào trong sự mật thiết với Thiên Chúa, trở nên thân thiết và tự do thật trong Thiên Chúa và với anh chị em. Theo Thánh Gioan Phaolô II, khi chúng ta cầu nguyện bằng kinh Mân Côi, chúng ta “suy niệm vẻ đẹp trên khuôn mặt Đức Kitô và cảm nghiệm một cách sâu xa tình yêu của Ngài.”  Vì thế, Chuỗi  Mân Côi có thể giúp mở rộng tầm nhìn của chúng ta để nhìn vào bên kia lịch sử, hoặc nền văn minh, và suy ngắm sự viên mãn của chính sự sống, và con người là gì. Nó sẽ hướng dẫn chúng ta để trở nên một con người đầy đủ như Đức Kitô, đấng là Thiên Chúa thật và Người thật.

Sau cùng, sự hiệp thông với Đức Kitô từ chuỗi Mân Côi dẫn tới chân trời mở rộng thứ ba khi chúng ta cử hành ngày lễ hôm nay. Tận cùng và cũng là mục đích của chuỗi Mân Côi là chúng ta phải “nhận được những gì mà các mầu nhiệm này hứa”, và đó là, ơn cứu độ đời đời trên thiên quốc. Màu nhiệm sau cùng của Tràng Mân Côi sẽ hướng con mắt chúng ta về một tầm nhìn của đích tới như những Kitô hữu. Vì chúng ta được mời gọi, cùng với Đức Maria và các thánh, chiêm ngắm Thiên Chúa mặt đối mặt. Qua những ân phúc chúng ta hy vọng nhận lãnh những gì được gọi là tầm nhìn rộng lớn nhất, cái Nhìn Phúc Đức (Beatific Vision), đồng nghĩa việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa mặt đối mặt.  Thánh Thomas Aquinas diễn tả rằng đối với con người, được nhìn thấy Chúa mặt đối mặt có nghĩa là được hiểu biết Ngài, Đấng là sự thật, sự thiện, và tình yêu. Và vì chúng ta được tạo dựng cho sự thật và sự thiện hảo; được tạo dựng vì tình yêu, do đó khi chúng ta nhìn Thiên Chúa mặt đối mặt trên thiên đàng, chúng ta sẽ cảm nghiệm hạnh phúc, niềm vui, và thỏa đáng tuyệt đối.

Tóm lại, những sự thật mà chúng ta suy ngắm và tuyên xưng trong tràng châu Mân Côi, chỉ cho chúng ta hạnh phúc sâu thẳm nhất của con người, mà chúng ta tìm thấy trong sự hiệp nhất với Đức Kitô. Kinh Mân Côi suy niệm cùng Đức Maria, Mẹ Đấng Cứu Chuộc, cùng với Đấng Cứu Chuộc xót thương, Chúa Giêsu Kitô, đã đồng hành với con người: Thiên Chúa đã trở thành con người, nhờ đó, con người có thể trở thành Thiên Chúa, được hiệp nhất với Người qua ơn sủng của đức ái. Đây là cái nhìn phúc đức mà chúng ta những Kitô hữu được mời gọi, và tràng Mân Côi tiếp tục lưu giữ tầm nhìn của ơn cứu độ này trước mắt chúng ta. Vì nó mở rộng sự chú tâm của chúng ta từ thế giới này và nhiều những lo lắng, quan tâm của nó hướng cái nhìn về thiên cung, tới Mẹ chúng ta Nữ Vương Thiên Đàng.

Nguyện xin Đức Nữ Trinh, Nữ Vương Mân Côi, cầu cho chúng con, để chúng con xứng đáng với những lời Mẹ hứa ban. Vì những ai siêng năng lần hạt Mân Côi sẽ nhận được từ Mẹ nhiều phúc lành. Sẽ được Mẹ ban ơn che chở đặc biệt và những ơn quan trọng cho họ. Tràng Châu Mân Côi sẽ là khiên thuẫn quyền năng chống lại hỏa ngục, trừ khử tội lỗi, giảm bớt tính xấu và phá tan các tà thuyết.

Lễ Mẹ Mân Côi

7 tháng Mười, 2024

________

https://lawrenceop.tumblr.com/post/631291872601571328/homily-for-the-feast-of-our-lady-of-the-rosary

TS. Trần Mỹ Duyệt

Chuỗi Mân Côi Mẹ Giúp Chúng Con Vào Đời Và Về Trời

Không ai trên đời yêu con cái của mình cho bằng cha mẹ ruột; tôi kể luôn cả những cha mẹ đã có phạm lầm lỗi trong cuộc đời nhưng rồi vẫn là những cha mẹ hy sinh cả cuộc đời còn lại của mình cho các con. Tình mẹ thì chẳng cần nhìn đâu cho xa, mà chỉ cần chúng ta nhìn chung quanh nơi ta ở, cũng chứng kiến được rất nhiều người mẹ ngay cả không được lằn lặn mà vẫn nuôi con nên người; một số cũng rất thành đạt và thành công trên đời.

Trong số những người con thành đạt và thành công đó thì thật tình mà đếm xem đã có bao nhiêu người con Cảm Nhận được Tình Yêu và sự Hy Sinh của mẹ đã dành cho mình được sống trong ấm no? Thưa hy vọng cũng còn là con số ít!??. Vì sao thưa anh chị em? Có phải tình mẹ yêu con cái của mình chẳng nề nắng mưa dãi dầu, chẳng sợ người đời cười chê vì mình tàn tật. Nhất là người mẹ thất học, lam lũ, chỉ biết ngày ngày gánh gồng buôn bán dù trong thúng chỉ chứa đựng những bó rau bó cải, vài trái chanh hay vài trái ớt, v.v…..

Tôi nói thế, dẫn dụ thế để con người chúng ta hiểu rằng: “cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng; con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày” thì Đức Mẹ rất dấu yêu của chúng ta cũng thế, cũng nằm chung trong số phận hẩm hiu ấy!. Chúng ta đâu có biết rằng Mẹ đã luôn tránh cho chúng ta những Hiểm Họa xẩy ra hằng ngày trên đầu của chúng ta, ngay cả cái chết. Nhưng thật vô tình thay con người chỉ biết dửng dưng và trách móc. Anh chị em có công nhận có rất nhiều khi chúng ta chỉ trông mong những cái Ao Ước của con người nhưng không biết rằng chúng ta đang trông chờ cái “Tạ” nó rớt thẳng xuống trên đầu mình mà không hay biết? Có người hỏi sao tôi biết rõ thế, thưa vì kinh nghiệm bản thân đã dậy tôi tin làm vậy!.

Thật sự chúng ta có hạnh phúc “lớn” mà chúng ta không biết để mà cảm nhận thế có phải là sự thiếu sót vô cùng trong cuộc đời của chúng ta là được làm con cái Thiên Chúa? Được lãnh nhận bao nhiêu hồng ân của Người qua các phép Bí Tích từ Bí Tích Rửa Tội, Xưng Tội Rước Lễ, và Thêm Sức. Có phải con người thường thích được dựa dẫm vào những con người giầu có quyền thế, nhưng sao có thể sánh ví cho bằng tình yêu thương của Thiên Chúa và hiền mẫu vô cùng của chúng ta là Đức Maria?. Con người giầu có quyền thế khi hết muốn xài chúng ta thì họ Đá chúng ta ra khỏi cuộc đời của họ cách không thương tiếc và có nhục nhã hay không khi họ coi ta chẳng ra gì vì ta chỉ là đám thuộc hạ là gia công của họ mà thôi!.

Đó là con người đối xử với con người, cách rất tính toán mà tôi muốn nói là cho cả hai bên. Bên dựa dẫm thì mong cho được chút lợi lộc còn bên giầu có thì muốn cho có đông thuộc hạ để sinh mạng của họ được vững chắc hơn; vì thuộc hạ có nghĩa tương đương với những bao cát để chắn che những lằn đạn của kẻ thù không có thể trúng vào người họ được, thưa có phải?. Để kiểm chứng lời tôi nói đó là khi chúng ta coi chuyện phim thì đúng thật là như vậy! Có khi chỉ vì chút lợi lộc nhỏ mà chính ta đã bán rẻ lương tâm của chúng ta, bán vợ bán con, bán cả tánh mạng của mình cùng người thân thương trong gia đình. Để có được tận hưởng được những chút đam mê, dục vọng, và lạc thú.

Chẳng phải bảo là kinh nghiệm đời tôi đã từng trải qua nhưng không đâu thưa anh chị em! Chẳng phải vì tôi hay hoặc tôi giỏi giang chi để mà tránh né được tất cả mọi cám dỗ thế trần nhưng là vì tôi được Mẹ Maria Yêu cách đặc biệt. Mẹ đã lo cho tôi suốt quãng thời gian thơ ấu khi mà chẳng một ai muốn lo hay có giờ chăm sóc cho tôi. Vì cuộc đời tôi không có diễm phúc có cha khi mở mắt chào đời. Vì tôi đã không có diễm phúc được mẹ ở cạnh luôn vì mẹ tôi bà cũng có cuộc đời riêng của bà!.

Do đó tôi đã thuộc về Mẹ Maria và Mẹ đã không rời tôi đến nửa bước. Nghiệm ra quá khứ tội lỗi của tôi là những lúc mà Mẹ tập cho tôi không bám nhiều vào Mẹ nữa, để chuẩn bị hành trang cho tôi Đi Vào Đời. Những tội lỗi của tôi đã phạm thiết nghĩ cũng làm cho Mẹ rất đau lòng và buồn vô hạn nhưng dù vậy tôi biết Mẹ vẫn luôn bên tôi. Tôi càng lớn, càng già đi thì Mẹ càng buông tay tôi ra nhiều hơn và càng để tôi sống trong Tự Do, cho mọi quyết định trên đường đời của tôi. Có phải khi chúng ta càng trưởng thành thì càng cảm thấy rằng cha mẹ ta đem lại cho ta mọi phiền toái cho cuộc đời riêng tư của chúng ta? Nhất là khi các ngài thêm nhiều tuổi và thêm nhiều bệnh.

Nhưng nói về cách sống đúng nghĩa thì các ngài tuổi tác đã già thì bệnh tình nó cũng đi theo là chuyện rất thường tình của Tạo Hóa vì không ai có thể thoát ra khỏi sự tuần hoàn tuyệt hảo của Thiên Chúa (Circle of life)?. Nhưng chúng ta làm con cái mà quên công ơn cha mẹ sinh thành cộng dưỡng nuôi thì chính ta mới là có “bệnh”. Bệnh vô ơn, bội nghĩa, và bội tình. Do đó khi ta làm con mà có thể đối xử như thế với cha mẹ ruột trần gian thì có đâu mà chúng ta lại không bội bạc và vô ơn với Thiên Chúa và Mẹ Maria của chúng ta ở Trên Trời.

Vì tình yêu Nó có công thức bất thành văn và không bao giờ thay đổi! Có nghĩa nếu ta yêu thương Thiên Chúa và Mẹ Maria thì lẽ tất nhiên ta cũng sẽ yêu thương cha mẹ đẻ của ta rất nhiều.

Bởi do tôi cảm nghiệm được Tình Mẹ Maria như thế nào thì tôi cũng muốn được chia sẻ cùng anh chị em y như vậy. Vì khi yêu chẳng ai muốn ích kỷ để hưởng riêng một mình Hạnh Phúc ấy như trong dụ ngôn “5 chiếc bánh và 2 con cá”. Tình yêu phải cho nó Nở Rộ khắp nơi trong bầu khí quyển vì Nó là nguồn khí quyển trong lành nhất của con người và nhờ Nó mà chúng ta được sống và sống dồi dào khỏe mạnh.

Đối với con người chúng ta thường rất yêu chuộng cái Xấu cái Họa hơn là cái tốt lành như chuộng cách sống thánh thiện. Vì có phải thánh thiện thì luôn đi ngược lại với sự Dữ (là ma quỷ và ma chước của chúng)?. Chúng ta ngẫm nghĩ thử xem bao lâu nữa chúng ta muốn kéo dài cuộc sống hưởng thụ tất cả những gì mà trần gian có thể trao ban cho ta mà không là đại Họa và là cái chết dần mòn, hành thân xác ta theo ngày năm tháng?. Sao ta không biết chạy đến Người có quyền năng nhất trên hoàn vũ này? Chỉ Người ấy mới có quyền ban cho chúng ta sự sống muôn đời trong sung mãn và trong hạnh phúc vĩnh cửu. Chỉ có Người mới đảm bảo cho chúng ta cuộc sống hoàn toàn không còn có đau thương (no more suffering).

Theo tôi người mà có thể giúp chúng ta cách trực tiếp nhất để đến được với Chúa chính là Mẹ Maria rất dấu ái của tất cả nhân loại con người. Hãy chạy đến Mẹ với tâm tình con thảo và là đứa con khôn ngoan nhất!. Vì có phải Mẹ mới biết nói gì với Người Cha đang trong cơn thịnh nộ vì con cái quá hư hỏng? Chỉ có Mẹ mới biết dùng lời mà Người Cha cần được nghe; và chỉ có Mẹ mới nhắc nhở Cha nhận ra rằng Tình Yêu mới là những nhịp cầu liên kết đem những đứa con hư trở về sống bên Cha mãi mãi.

Vâng, xin Mẹ Maria giúp chúng con biết dùng Chuỗi Mân Côi rất thường trong đời sống thường nhật của chúng con để là dấu chỉ, là chìa khóa (keys), là xích sắt nối chúng con lại với nhau và với Mẹ. Là con đường vững chắc nhất để Mẹ dắt chúng con về Sống với Mẹ muôn đời bên ba ngôi Thiên Chúa là Thiên Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Amen.

Y Tá Của Chúa,
Tuyết Mai

Trung thành đọc kinh Mân côi là dấu chắc sẽ được ơn cứu rỗi

Đức Thánh cha khuyên gia đình đọc kinh Mân côi

Ngày nay, thói quen đọc kinh Mân Côi buổi tối trong gia đình đang trên đà đi xuống. Việc sống đạo cũng giảm sút lòng sốt sáng.

Nhiều gia đình bỏ giờ kinh tối để làm việc, học hành, giải trí, T.V. Không ngờ càng văn minh con người càng bị lệ thuộc.

Nhiều gia đình tuy sống chung nhưng lại xa nhau, người đi làm, kẻ ở nhà, không giữ được giờ đọc kinh, cầu nguyện.

Nhìn thấy những phức tạp ấy, Đức Thánh Cha Phaolô 6 đã nhắc chúng ta:

“Những điều kiện sinh sống thay đổi của thời nay khiến việc hội họp gia đình không được dễ dàng, và dù khi hội họp được thì nhiều hoàn cảnh lại làm cho cuộc xum họp khó biến thành một dịp cầu nguyện. Không thể hồ nghi về sự khó khăn ấy, nhưng cái đặc điểm của cuộc sống Kitô hữu là không nên để hoàn cảnh chi phối, nhưng các con phải thắng nghịch cảnh, đừng rùi bước nhưng hãy cương quyết vươn lên.

“Gia đình chúng con muốn sống trọn được ơn gọi và tinh thần gia đình, chúng con phải tận lực cố gắng, không để hoàn cảnh làm cản trở giờ phút đoàn tụ thiêng liêng quí hóa của gia đình mình. Chúng con hãy gắng thực hiện giờ cầu kinh gia đình ấy. Gia đình cầu kinh, gia đình bình an. Gia đình bình an gia đình hiệp nhất “Prays together stays together”.

Cha khuyến khích các con thật nhiều để tình thương Thiên Chúa hằng bao bọc gia đình chúng con.”

Ơn lạ Mẹ ban:

Một chiếc tàu tự rẽ sóng

Linh Mục Nguyễn Tri Ân, Dòng Đaminh, tác giả nhiều sách về Đức Mẹ Maria. Ngài lấy làm hân hạnh kể lại câu truyện cảm động sau đây, do một Cha chánh xứ nhờ ngài phổ biến. Cha xứ bảo đảm biến cố đích thực đã xảy ra cho con chiên ngài.

Tại Nam Định, có một gia đình chài lưới đạo đức, tối đến siêng năng đọc kinh Mân côi kính Ðức Mẹ . Một hôm mấy cậu con ra khơi đánh cá. Bỗng cơn dông tố kéo đến làm cho con thuyền của mấy cậu đứt dây chằng và phiêu bạt giữa ba đào hỗn loạn.

Bồi hồi, khắc khoải trước cơn nguy biến có thể chết người, người gia trưởng, miệng không ngớt đọc Kinh Kính Mừng, chân nhảy lên chiếc bè, ông quyết đi tìm con cái ngoài khơi. Rủi thay trận cuồng phong dai dẳng và dữ dội làm lạc hướng chiếc bè giữa biển nước mênh mông.

Tuy nhiên, miệng ông vẫn luôn luôn lâm râm “. . .Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho con, cầu cho chúng con khi này, vâng khi này. . .”

Sau bốn ngày đêm vật lộn với sóng gió cuồng loạn, đói rét và mỏi mệt, ông lả người, nằm sõng soài lên chiếc bè, mặc cho sóng gió cuốn trôi, nhưng miệng ông vẫn lâm râm “Kính Mừng…

Bỗng đâu ông thấy có người đến nhấc đỡ ông lên một chiếc tàu rất lớn, rồi được ân cần cấp cứu, cho ăn uống lại sức.

Khi ông được hồi phục, vị thuyền trưởng, người Công Giáo, đến chào mừng và cho ông biết: “Đúng ra tàu không đi hướng này, nhưng không biết có sức nhiệm mầu nào thúc ép tàu rẽ sóng qua đây. Bây giờ sung sướng cứu nguy cho ông, tôi mới hiểu áp lực thiêng liêng đó. Chắc ông đã nài van với Đấng nào?

Câu chuyện đang dở dang thì một thủy thủ đến trình ông thuyền trưởng: “Có một chiếc thuyền đang bềnh bồng trên mặt sóng.”

Lại một pha cấp cứu hào hứng nữa. Thả xuồng nhỏ xuống vớt mấy chàng thanh niên hốc hác và bải hoải đang vật lộn với ba đào.

Khi các người lâm nạn đã lên hết trên chiếc tàu lớn, họ ngơ ngác nhìn nhau và sung sướng nhận ra. . . Một niềm vui khôn tả ôm choàng cả mọi người, cả mấy ngư dân và cả mấy cha con đạo đức lại ca lên: “Ave Maria, con dâng lời chào Mẹ.”

Lm. Đoàn Quang, CMC

Tháng Mân Côi và con đường thơ ấu thiêng liêng

Trong bài phỏng vấn đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và đăng tải trên nhiều báo in và trang mạng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về cách cầu nguyện của ngài: buổi sáng ngài cầu nguyện bằng giờ kinh phụng vụ, dâng lễ, rồi lần chuỗi Mân Côi. Buổi tối chầu Thánh Thể 1 giờ. Ngài thú tội là có chia trí và đôi khi ngủ gục nữa! (An ủi cho chúng ta đấy, vì Đức Giáo hoàng cũng có khi chia trí và ngủ gục kia mà!!! Nhưng nếu chỉ bắt chước chia trí và ngủ gục thôi thì là ăn gian đấy nhé, coi như ăn bánh chưng mà chỉ moi lấy cục nhân đậu và thịt thôi!) Những lúc phải chờ đợi, ngay chờ ở phòng khám của nha sĩ, những lúc không biết làm gì thì ngài cầu nguyện trong lòng…
Đức Thánh Cha lần hạt Mân Côi mỗi buổi sáng đấy.

 

Một sự trùng hợp lý thú: khi hàng triệu người đọc bài phỏng vấn này là tháng 10 – Tháng Mân Côi.

Sự khiêm nhường, đơn sơ, phó thác của ĐTC Phanxicô thì đã hiển hiện trước mắt mọi người ngay từ ngày đầu tiên, khi ngài xuất hiện trên bao lơn Đền thánh Phêrô.

Một sự trùng hợp quan trọng hơn là bài Tin Mừng liên tiếp trong ba ngày lễ đầu tháng 10:

Ngày 1/10: lễ Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu: Mt 18,1-5: “nếu không trở lại và nên như trẻ nhỏ…”

Ngày 2/10: lễ các Thiên thần bản mệnh: Mt 18,1-5.

Ngày 4/10: lễ Thánh Phanxicô Assisi: Mt 11,25-30: “Cha mặc khải cho những người bé mọn.”

Tinh thần đơn sơ, khiêm nhường, bé nhỏ là nét đặc biệt của Đức Mẹ, nét đầu tiên chúng ta biết về Đức Mẹ khi Đức Mẹ xuất hiện lần đầu trong Sách Tin Mừng Mt 1,18-25 và Lc 1,26-55.

1. Con đường thơ ấu thiêng liêng trong Cựu Ước

Cựu Ước khởi đi từ một kinh nghiệm lịch sử được lặp lại nhiều lần: Thiên Chúa cứu vớt một dân bị áp bức, giải thoát họ khỏi ách nô lệ và cho họ mọi điều kiện để sống độc lập tự do. Nhưng khi họ quên Thiên Chúa thì Thiên Chúa lại để cho họ bị áp bức. Họ hối cải kêu xin thì Thiên Chúa lại cứu.

Đó là luận đề của sách Thủ Lãnh.

Khi Thiên Chúa ban Lề Luật để dạy họ sống làm dân của Thiên Chúa thì lại dựa trên việc Thiên Chúa đã giải thoát họ. Họ phải thờ phượng một mình Thiên Chúa vì Thiên Chúa đã giải thoát họ. Họ phải yêu thương nhau, không được áp bức lẫn nhau vì Thiên Chúa đã giải thoát họ khỏi cảnh áp bức: Xh 20,1-17; 22,20: “người ngoại kiều ngươi không được áp bức, vì chính các ngươi đã là ngọai kiều ở đất Ai Cập. Mẹ goá con côi, các ngươi không được ức hiếp…”

Từ kinh nghiệm lịch sử và lời rao giảng của các ngôn sứ, Cựu Ước đã đi tới một hình ảnh về Thiên Chúa: Đấng bênh vực kẻ nghèo hèn, Đấng bảo vệ quyền lợi của dân cùng khổ, của mẹ goá con côi và kẻ ngụ cư.

Các ngôn sứ tố cáo những kẻ áp bức kẻ nghèo hèn và công bố lời hứa của Thiên Chúa là bênh vực người nghèo hèn, bị áp bức. Các thánh vịnh lặp đi lặp lại nhiều lần.

Làm vua theo như Thiên Chúa muốn, là “phân xử công minh cho kẻ nghèo hèn túng thiếu” (Gr 22,16).

Chính trong thời kỳ lưu đày Babilon Dân Chúa đã hoàn thành sự chuyển biến từ kinh nghiệm lịch sử sang thái độ tâm linh: con đường thơ ấu thiêng liêng.

Is 58 giảng về cách ăn chay được Thiên Chúa chấp nhận là mở xiềng xích, tháo gông cùm, chia cơm cho người đói…

Is 57,15: “Ta ngự chốn cao vời và thánh thiện, nhưng vẫn ở với tâm hồn khiêm cung tan nát, để ban sức sống cho tâm hồn những kẻ khiêm cung và ban sinh lực cho những tấm lòng tan nát.”

Xôphônia 3,12: “Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi Danh Đức Chúa.”

Thánh vịnh 131 tóm tắt tuyệt vời con đường thơ ấu thiêng liêng:

Lòng con chẳng dám tự cao,
mắt con chẳng dám tự hào Chúa ơi;
Đường cao vọng chẳng đời nào bước,
việc diệu kỳ vượt sức chẳng cầu;
hồn con con vẫn trước sau,
giữ cho thinh lặng giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
trong con hồn lặng lẽ an vui.

Thánh vịnh mở đầu bằng bốn chữ “chẳng”, liên quan tới lòng, mắt và chân: theo sát bản văn Hipri thì có 3 chữ không:

Lòng không tự cao
Mắt không ngước lên cao
[Chân] không bước theo những điều to lớn – và những sự lạ lùng quá sức con.

Tất cả bắt đầu từ trong lòng, như Chúa Giêsu nói: “Từ lòng người phát xuất những ý định xấu… kiêu ngạo ngông cuồng.” (Mc 7,21-22).

Kiêu ngạo là đầu mọi tính xấu, nên Tv 19,14 có lời cầu xin:

“Xin cũng giữ cho tôi tớ Ngài khỏi kiêu ngạo, đừng để tính xấu này thống trị con. Như thế con sẽ nên vẹn toàn không còn vương trọng tội.”

“Con mắt là cửa ngõ của linh hồn”; “mắt có thấy thì lòng mới dấy”. Ngước mắt nhìn lên cao trong Cựu Ước có hai nghĩa đối nghịch vì một đàng nơi cao thường là nơi dân ngọai thờ các thần của họ, nên ngước lên nơi cao là nhìn lên các ngẫu thần của dân ngọai; khi đã có Đền Thờ trên núi Xion thì ngước lên núi cao lại là hướng về Núi Thánh. Ở đây, Thánh vịnh 131 nói đến đưa mắt nhìn lên cao, nghĩa bóng là kiêu căng, nhưng cũng gợi lên nghĩa đen là nhìn lên nơi cao, nơi thờ ngẫu tượng của dân ngọai. Đặt tin tưởng vào bất cứ cái gì ngoài Thiên Chúa đều là thờ ngẫu tượng. Chữ “không” ở đây cho phép hiểu rằng không đưa mắt nhìn lên cao không phải là đồng nghĩa với kiêu căng, nhưng là không nhìn lên nơi thờ ngẫu tượng, không thờ thần nào ngoài Thiên Chúa. “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta.” (Xh 20,3).

Thánh vịnh 120,1 cho biết phải nhìn lên đâu: “Tôi ngước mắt nhìn lên răng núi, ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao? Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa, là Đấng dưng nên cả đất trời.”

Chữ không thứ ba liên quan tới đôi chân:

Con mắt khơi cho lòng thèm muốn, “con mắt có thấy thì lòng mới dấy”, lòng thèm muốn thì đôi chân đi tìm.

Tội đầu tiên của loài người là muốn nên bằng Thiên Chúa.

Và từ khi có hai anh em thì thằng anh muốn thống trị thằng em, muốn độc quyền giữ cả Chúa cho riêng mình.

Ai cũng muốn những điều to lớn cho mình, ai cũng muốn trở thành “vĩ đại”.

Mười hai Tông đồ theo Chúa suốt mấy năm trời, cho đến lúc Chúa bảo cái chết đã kề bên tay Chúa “bàn tay kẻ nộp Thầy đang cùng đặt với Thầy trên bàn” thì các ông cũng chỉ có một mối quan tâm: “Các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong nhóm được coi là người lớn nhất.” (Lc 22,24).

Người ta có thể dùng cả Chúa, cả Hội Thánh, cả chức thánh, cả giáo xứ, cả nhà dòng… để làm công cụ cho mình trở nên một ông bà lớn, một nhân vật quan trọng. Đó là điều mà ĐTC Phanxicô đang ra sức loại trừ ngay trong Toà Thánh Vatican.

Sau 3 chữ không thì Thánh vịnh nói lên thái độ tích cực với hình ảnh trẻ thơ nép mình lòng mẹ.

Từ trẻ thơ trong bản văn Hipri chỉ về em bé đã cai sữa (chứ không phải như có bản tiếng Việt dịch là “bé no sữa nép mình lòng mẹ”). Khác nhau lắm đấy. Đứa bé còn bế ngửa, khi no sữa rồi nằm yên, ngủ yên trong lòng mẹ là chuyện bình thường. Ở đây là đứa bé đã cai sữa, trong Kinh Thánh là 3 tuổi (x. St 21,8-9; 1 Sm 1,23-24), có thể chạy chơi, nhưng chưa thể tự đi kiếm đồ ăn, nước uống, chưa thể tự vệ, vẫn hoàn toàn lệ thuộc cha mẹ, khi cần gì hay khi sợ hãi, vui hay buồn đều chạy vào lòng mẹ, hoàn toàn bình an khi dựa vào lòng mẹ.

2. Con đường thơ ấu thiêng liêng trong Tân Ước

Trong Tin Mừng (Mt 18,1-5; Mc 9,33-37; Lc 9,46-48), khi trả lời nỗi thắc mắc hay đúng hơn sửa dạy các môn đệ về chuyện ông nào cũng muốn làm nhân vật số hai sau Chúa Giêsu, Chúa đem một em bé đặt giữa các ông, rõ ràng không phải em bé còn bú đang nằm trong tay mẹ, nhưng là một em bé đang lê la trên vỉa hè hay chơi trong sân nhà Thánh Phêrô…

Khi người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu (Mt 19,13-15; Mc10,13-16;Lc 18,15-17), các môn đệ xua đuổi, la rầy thì Chúa bảo “cứ để trẻ em đến với Thầy… vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng”, thì cũng vậy.

Nên giống như trẻ nhỏ không phải là “làm thơ” [làm bộ ngây thơ], nhưng là một sự hoán cải, bởi vì Chúa nhìn tâm hồn chứ không nhìn bề ngoài. Thánh vịnh 131 cũng nói lên thái độ bên trong:

“Hồn con, con vẫn trước sau,
giữ cho thinh lặng giữ sao thanh bình,
như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
trong con hồn lặng lẽ an vui.
Cậy vào Chúa Israel ơi,
từ nay đến mãi muôn đời muôn năm.”

Đức Mẹ chính là mẫu gương của tâm hồn trẻ thơ khi phó nộp hoàn toàn cho Thiên Chúa:

“Này tôi Đây là nữ tì của Chúa, xin Người cứ thực hiện cho tôi như lời thiên sứ đã nói.” (Lc 1,38).

Kinh Mân Côi là một bảng tóm tắt Tin Mừng cho mọi người, từ Đức Giáo hoàng cho đến bà già quê không hề bíêt đọc bíêt víêt, nhờ đó chúng ta chiêm ngắm ơn cứu độ Thiên Chúa đã thực hiện như lời sứ thần loan báo, và Đức Mẹ có mặt từ mầu nhiệm truyền tin cho tới khi ơn cứu độ hoàn toàn thể hiện nơi Mẹ trong vinh quang của Chúa Kitô phục sinh đang ngự bên hữu Thiên Chúa.

“Xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng…”

Lm. Nguyễn Công Đoan, SJ