- Details
-
Category: 20. Những Bài Về Đức Mẹ
SẮC HOA THÁNG NĂM
Dâng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa
1. XIN ƠN CHÚA THÁNH THẦN (hát hoặc đọc):
Hát: Cầu Xin Chúa Thánh Thần
1. Cầu xin Chúa Thánh Thần, Người thương thăm viếng hồn con. Ban xuống cho con hồng ân chan chứa, trau dồi cho đáng ngôi thánh đường.
ÐK: Nguyện xin Chúa Ngôi Ba, đoái nghe lời con thiết tha. Tình thương mến ấp ủ con ngày đêm, nhuần thấm xác hồn tràn lan ơn thiêng.
2. Cầu xin Chúa Thánh Thần, nguồn thiêng ân ái từ nhân, hun đốt tim con tình yêu lai láng, cho lòng thao thức bên Chúa luôn.
Đọc: Kinh Đức Chúa Thánh Thần
Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng. Chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống, đầy lòng chúng con là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con; chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống.
– Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.
Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dậy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rầy chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống, yên ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành, vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.
2. TIN MỪNG (theo ngày trong tuần): Ga 14,6-14
6 Đức Giê-su đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.7 Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.”
8 Ông Phi-líp-phê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.”9 Đức Giê-su trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha”?10 Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình.11 Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm.12 Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.13 Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con.14 Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.
3. SUY NIỆM:
Chúa Giêsu là trung gian duy nhất dẫn chúng ta đến với Chúa Cha. Chúa Cha rất vui lòng khi nhìn thấy chúng ta mang hình ảnh Con Yêu của Ngài. Chúa Cha sẵn sàng nhận lời cầu xin của chúng ta nếu chúng ta nhân danh Chúa Giêsu mà xin. Có lần, Chúa Giêsu thôi thúc các tông đồ phải nhân danh Ngài mà xin. Bất cứ các tông đồ xin điều gì nhân danh Chúa Giêsu cùng Chúa Cha, thì Ngài sẽ ban cho.
4. QUYẾT TÂM:
Chúa Giêsu là trung gian duy nhất giữa Chúa Cha và chúng con. Mọi sự phải nhờ Chúa, với Chúa và trong Chúa Giêsu. Con xin vâng ý Chúa Cha như Chúa đã vâng theo ý Chúa Cha.
5. LẦN HẠT (chọn 1 trong 3 cách dưới):
1- Lần hạt 5 chục theo ngày trong tuần
2- Lần hạt tuỳ ý
3- Lần hạt theo mầu nhiệm gợi ý ở dưới đây:
Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi. Ta hãy xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần.
(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).
6. BÀI ĐỌC:
Của Hồi Môn của Đức Maria Vô Nhiễm
Tác giả: Thánh Pierre-Julien Eymard
I. Vào ngày Thụ Thai Vô Nhiễm, Đức Maria đã lãnh nhận một của hồi môn lộng lẫy qua việc giữ những bổn phận trác việt và phẩm chức khôn sánh: chức Mẹ Thiên Chúa. Rồi Mẹ đã lãnh nhận kho tàng ân sủng, nó làm cho Mẹ nên Đấng Đồng Công Cứu Chuộc nhân loại, nên người góp phần vào công cuộc cứu chuộc chúng ta.
Không thể hoài nghi được ơn Vô Nhiễm Thai vượt trên tất cả mọi ơn khác đã được ban cho Mẹ, ngay cả ơn làm Mẹ Thiên Chúa. Cho dù có kém hơn theo phẩm chức, thì nó cũng quan trọng hơn trước mặt Chúa và cũng quan trọng hơn đối với Đức Maria; hơn nữa, nó còn là nền tảng và là nguồn mạch của tất cả mọi đặc ân sẽ được ban cho Mẹ về sau. Thật là chẳng hợp lý chút nào nếu vừa là Mẹ Thiên Chúa vừa là tội nhân. Điều làm nên sự cao trọng trước mắt Thiên Chúa, không phải là chức tước Ngài ban tặng, nhưng là sự thánh thiện và tinh tuyền mà nhờ đó phát sinh phẩm tước ấy. Bởi vì người ăn mày ăn xin có được cho mặc áo cẩm bào, thì vẫn là người ăn mày ăn xin. Sự Hoài Thai Vô Nhiễm vì bảo đảm sự trong trắng thánh thiện của Đức Maria, nên đó là ơn vĩ đại nhất trong các ơn của Mẹ. Từ phút giây đầu tiên được sáng tạo, Đức Maria đã làm hài lòng Thiên Chúa hơn tất cả các thụ tạo khác. Một cử chỉ yêu mến từ thụ tạo yếu ớt còn ẩn trong dạ thân mẫu đó cũng đem lại vinh quang cho Thiên Chúa hơn tình yêu của tất cả các thiên thần và các thánh hợp lại. Lợi nhuận thì luôn luôn cân xứng với vốn đầu tư; và Đức Maria đã sở hữu một kho ân sủng khôn lường phát sinh hoa lợi gấp trăm.
II. Sự Hoài Thai Vô Nhiễm là khởi điểm của tất cả mọi nhân đức của Mẹ Maria. Đó là nhân đức trổi vượt của Mẹ theo ý nghĩa là Mẹ đã luôn luôn nỗ lực làm phát sinh phong phú các ân sủng.
Chúng ta có thể thể nói như một nguyên tắc rằng Mẹ chưa bao giờ thất trung với ơn soi sáng nhỏ nhẹ nhất của Thánh Thần, và đã hợp tác hết sức trọn vẹn với tất cả những ân sủng được ban cho Mẹ. Không một vị Thánh nào đã trung tín được như thế. Chúng ta luôn luôn thất bại trước điều mà ân sủng mong đợi nơi chúng ta. Vì lý do đó Thiên thần mới gọi Đức Maria là “Đầy ân sủng.”; ngài nói với Mẹ:“Chúa ở cùng Bà,”– ở cùng bà luôn luôn và trong hết mọi sự. Không có chỗ trống nào mà ân sủng không đổ đầy. A! Đức Maria đã trung thành với hết mọi bổn phận, với hết mọi ước muốn của Thiên Chúa! Mẹ chưa bao giờ bỏ lỡ mất cơ hội nào để thực hành nhân đức. Mẹ tiếp nhận hết mọi tia sáng của sự thánh thiện Thiên Chúa, thu hút chúng vào trong hữu thể Mẹ mà không để mất đi chút nào.
Sự trung tín với ân sủng đó đã làm cho Mẹ không ngừng tiến lên trên đường nhân đức. Mẹ luôn luôn canh chừng gìn giữ kho tàng ân sủng của Mẹ như thể sợ chúng mất đi. Thật là một bài học cho chúng ta! Dù chúng ta có ân sủng gì đi chăng nữa, chúng ta cũng hãy canh giữ chúng cẩn thận! Đức Maria, người không thể phạm tội, không do bản tính, nhưng do kết hợp với Thiên Chúa; Mẹ là người mà cơn cám dỗ không bao giờ bén mảng tới, thế mà Mẹ đã giữ mình rất gắt gao và không ngừng làm việc để thánh hoá mình. Sự thánh hóa của Mẹ là một tiến trình liên tục trên đường nhân đức. Mẹ đã rút vào Đền thờ từ thuở lên ba để xa tránh những gương mù của trần thế. Mẹ đã run rảy trước vị thiên thần thuần thiêng, người chỉ nói về Thiên Chúa. Mẹ Maria không bao giờ cho rằng Mẹ đã làm đủ. Đoạn đời sau này của Mẹ là một cuộc đời tử đạo kéo dài mà không giảm nhẹ chút nào. Mẹ Maria đã thêu lên tấm áo choàng Vô Nhiễm, làm cho nó phong phú thêm và trang điểm bằng những hoa nhân đức; đó vẫn luôn luôn chính là ân sủng ban đầu mà Mẹ đã phát triển lên và điểm tô bằng những hy sinh của Mẹ.
III. Sự Hoài Thai Vô Nhiễm còn là mức đo quyền năng và vinh quang Mẹ. Chúng ta có được ưu thế với Thiên Chúa chính là nhờ sự trong trắng và thánh thiện của chúng ta. Thiên Chúa chỉ có thể hoàn tất những điều vĩ đại trong những linh hồn trong trắng; Ngài chỉ nghe người vô tội hoặc đã được xoá tội. Đức thanh khiết của Mẹ Maria chưa bao giờ bị một dấu vết nhỏ nhất làm cho lu mờ; vậy thì có cái gì ra ngoài ảnh hưởng của Mẹ! Người ta nói ảnh hưởng của một người mẹ là tất cả quyền thế trên trái tim con bà. Than ôi! nếu người mẹ đó bị nhuốc hổ thì còn có ảnh hưởng gì? Nhưng ai lại có thể từ chối điều gì với một người Mẹ tinh tuyền! Salômôn đã nói với mẹ ông sau khi bà tỏ dấu hối hận: “Con không thể từ chối mẹ điều gì”. Vậy Con của Đức Maria có thể từ chối Mẹ mình điều gì! Mọi ân sủng đều phải qua tay Mẹ; Mẹ là kho chứa muôn ân. Chúa Giêsu đã đặt vào tay Mẹ quyền Toàn năng của Ngài trong trật tự cứu độ.
Còn vinh quang của Đức Maria thì sao? Sự trong trắng của Mẹ đã khiến Mẹ đoạt được đặc ân trở nên Mẹ của Đức Vua, và ngày nay Mẹ được tôn lên ngai bên hữu Con Mẹ trên Thiên đàng. Mẹ đã nhận được hết mọi vinh dự và sự kính tôn có thể có, chỉ thiếu có sự tôn thờ. Mẹ xinh đẹp và vinh hiển đến nỗi Mẹ có thể tự mình làm nên hạnh phúc Thiên Đường!
IV. Như vậy tất cả mọi ân sủng và nhân đức, tất cả mọi quyền năng và vinh quang của Đức Maria đều phát xuất từ ơn Hoài Thai Vô Nhiễm. Có thể nói chúng là của hồi môn lộng lẫy của ơn đó. Phép Rửa tội thanh tẩy chúng ta, làm chúng ta hết vết nhơ. Ngay sau khi đứa trẻ được lãnh nhận bí tích này, nó liền trở nên đền thờ của Thiên Chúa, nên một vườn địa đàng. Chúng ta phải hết sức giữ gìn tình trạng vô tội do phép Rửa tội đem lại! Nếu lỡ đánh mất, chúng ta hãy thanh tẩy bằng sự sám hối. Chúng ta phải trong trắng. Tôi không chỉ nói về sự trong trắng của giác quan; chúng ta phải chú ý giữ sự trong trắng lớn lao trong tất cả các hành động của chúng ta; hãy có sự trong trắng lớn lao của ý chí, của chủ ý; hãy chiếm hữu sự trong trắng suốt cả cuộc đời – mọi sự đều nằm trong đó. Thiếu sự trong trắng, chúng ta không thể làm vui lòng Chúa Giêsu Thánh Thể, vì Ngài là chính sự trong trắng. Chỉ có con tim trong trắng mới có thể nhìn thấy Ngài, mới có thể xuyên qua bức màn đang che dấu Ngài. Ngài chỉ tỏ mình ra cho con tim trong trắng, vì sự trong trắng là tình yêu, tình yêu tinh tế đó không bao giờ muốn có một sự xúc phạm nhỏ nhất. Công việc Chúa Giêsu đến thăm linh hồn cũng là để thanh tẩy chúng ta dần dần: trong việc thanh tẩy chúng ta, Ngài làm cho chúng ta nên thánh; khi làm cho chúng ta nên thánh, Ngài kết hợp chúng ta với Ngài cách mật thiết hơn. Khi chúng ta đã đủ trong trắng, Ngài sẽ đem chúng ta về với Ngài trên Thiên đàng và ở đó Ngài sẽ trao cho chúng ta triều thiên vinh quang bất diệt.
ĐỨC MẸ CANH GIỮ BÁNH THÁNH
Vào ngày 29/ 01/ 1772, ngôi làng Saint Pierre de Paterno, toạ lạc cách Naples khoảng hai dặm, xảy ra một vụ phạm thánh kinh khủng. Bọn cướp đã đánh cắp trong Nhà Tạm hai bình chứa đựng hàng trăm Bánh thánh đã truyền phép. Nhờ một sự can thiệp rất lạ lùng người ta mới tìm thấy những bánh thánh này. Trên cả hai địa điểm chôn vùi Bánh thánh xuất hiện những tia sáng. Trước hết, vào sáng ngày 26 tháng hai tiếp đó, một linh mục ở Naples đang đào đất dưới gốc cây bạch dương, bỗng thấy một luồng sáng chói loà phát ra và ngài vui sướng tìm được bốn mươi Bánh thánh. Mặc dù đang là mùa đông khắc nghiệt và mưa gió, các Bánh thánh vẫn còn trắng tinh, không tì vết và như trong tình trạng được bảo quản tốt, chỉ có ở ngoài rìa hơi bị vấy bùn. Hơn nữa đất dính vào Mình Chúa Giêsu Kitô, hoàn toàn khô ráo, được gom lại trong tấm vải sạch, đã bắt đầu chảy ra nước trong vắt. Chiều thứ năm sau đó phần còn lại của số Bánh Thánh đã bị lấy cắp được tìm thấy cũng một cách lạ lùng tương tự; chúng cũng được bảo quản tốt y như số bánh được tìm thấy trước đó.
Điều được kể trên đây cũng phù hợp với bàng chứng sau đây mà chúng tôi có được do linh mục Matthia Anna chánh xứ Paterno, và bằng chứng đó cũng là tiếng vang của truyền thống không thay đổi trong phần đất quốc gia đó. Trong khoảng thời gian giữa vụ trộm phạm thánh và lúc ánh sáng xuất hiện, có một người đánh xe lừa tên là Francis Jodice, hai mươi bảy tuổi, vốn có thói quen trở về Naples vào lúc chập tối, anh ta đã thấy trong cánh đồng, nơi Bánh Thánh được chôn vùi, một người đàn bà hướng về phía gốc cây. Một hôm anh ta đánh bạo đến hỏi bà ta làm gì một mình trong cánh đồng như thế. Bà trả lời: “Tôi ở đây để canh giữ con tôi.” Khi đã tìm thấy những tấm Bánh Thánh người ta mới hiểu rõ người đàn bà ấy chính là Đức Thánh Trinh Nữ Maria.
Đối với những Bánh Thánh mà quyền phép Chúa đã làm biết bao điều lạ lùng này, vị tổng đại diện ở Naples đã tra xét theo giáo luật, và đã đặt vào trong hai bình thuỷ tinh được cột lại bằng những dải lụa, để sau này có thể chưng bày cho các tín hữu tôn kính. (Les Micracles historiques du Saint Sacrement, par le P. Eugène Couet.)
Thực hành – Trong tất cả các lần Hiệp lễ chúng ta nên xin Đức Mẹ cầu bầu cho chúng ta được ơn sống đời trọn lành trong trắng.
Than thở –Ôi Maria, chúng con hát ca tán tạ Mẹ, Mẹ là thành thánh vinh quang của Thiên Chúa trong Thánh Thể!
7. KẾT THÚC (hát hoặc đọc):
Hát: Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa
ĐK: Linh hồn tôi tung hô Chúa, tung hô Chúa (í, a) thần trí tôi mừng vui vời vợi trong Đấng Cứu Chuộc tôi. Chúa đã dủ thương đoái nhìn phận hèn tôi tớ. Vì vậy đến muôn đời, sẽ khen tôi đầy ơn, sẽ khen tôi đầy phúc, sẽ khen tôi muôn đời, đến muôn đời, đến muôn đời.
1. Đấng toàn năng đã làm cho tôi những việc cao trọng Danh Người là Thánh. Lượng từ ái trải qua từ đời nọ đến đời kia, hằng bao bọc những ai kính sợ Người.
2. Chúa biểu dương sức mạnh oai phong tiêu diệt tơi bời những phường tự đắc, bọn quyền quý tự kiêu, Ngài triệt hạ khỏi tòa cao và nâng dậy những ai ở khiêm nhường.
3. Lũ giàu sang đuổi về tay không, những người thanh bần ban đầy hồng phúc. Người đã nhớ lời hứa mà độ trì Ít-ra-en cùng tổ phụ Áp-ram với miêu duệ.
Đọc: Thánh Ca (Lc 1,47-55)
Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa
Thần trí tôi hớn hở vui mừng
Vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới ;
Từ nay hết mọi đời
Sẽ khen tôi diễm phúc.
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
Biết bao điều cao cả.
Danh Người thật chí thánh chí tôn !
Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh
Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
Người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
Như đã hứa cùng cha ông chúng ta.
Vì Người nhớ lại lòng thương xót
Dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
Và cho con cháu đến muôn đời.
Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con,
cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa,
tự muôn đời và chính hiện nay
luôn mãi đến thiên thu vạn đại. A-men.
****
Tài liệu trích dẫn:
1/ Kinh Thánh: Bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ
2/ Bài suy niệm và cầu nguyện: Nữ Đan Viện Đa Minh
3/ Thánh Pierre-Julien Eymard, Người Say Yêu Thánh Thể, bản dịch Việt ngữ của Đức Phương & Đức Nguyên, SSS; nguồn: danchuausa.net
4/ Bài hát: Thánh ca Cộng đồng
BAN CỔ VÕ KINH MÂN CÔI
DÒNG ĐA MINH VIỆT NAM
KINHMANCOI.NET
Đặc trách
Lm. FX. Trần Kim Ngọc, OP.
- Details
-
Category: 20. Những Bài Về Đức Mẹ
1. XIN ƠN CHÚA THÁNH THẦN (hát hoặc đọc):
Hát: Cầu Xin Chúa Thánh Thần
1. Cầu xin Chúa Thánh Thần, Người thương thăm viếng hồn con. Ban xuống cho con hồng ân chan chứa, trau dồi cho đáng ngôi thánh đường.
ÐK: Nguyện xin Chúa Ngôi Ba, đoái nghe lời con thiết tha. Tình thương mến ấp ủ con ngày đêm, nhuần thấm xác hồn tràn lan ơn thiêng.
2. Cầu xin Chúa Thánh Thần, nguồn thiêng ân ái từ nhân, hun đốt tim con tình yêu lai láng, cho lòng thao thức bên Chúa luôn.
Đọc: Kinh Đức Chúa Thánh Thần
Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng. Chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống, đầy lòng chúng con là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con; chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống.
– Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.
Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dậy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rầy chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống, yên ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành, vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.
2. TIN MỪNG (theo ngày trong tuần): Ga 15,1-8
1 “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho.2 Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.3 Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em.4 Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.
5 Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.6 Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.7 Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý.8 Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.
3. SUY NIỆM:
“Hoa trái”, đó là tình yêu. Người nào càng sống yêu thương, càng chứng tỏ người đó là môn đệ ‘ruột’ của Chúa Giêsu. Chúa Cha rất vui lòng và được tôn vinh, bởi vì tình yêu lan rộng đến đâu, thì chỗ đó thuộc về vương quốc của Thiên Chúa. Khi nói đến tình yêu là nói đến việc cho và nhận. Thiên Chúa là Đấng ban phát, còn con người là loài biết đón nhận.
4. QUYẾT TÂM:
Con khao khát tôn vinh Cha. Con mong ước ‘cành nho’ của con mang nhiều hoa trái tình yêu để làm vui lòng Chúa Cha và Chúa Giêsu. Mỗi ngày con luyện tập bỏ mình để biết yêu thương tha nhân như Chúa đã yêu con.
5. LẦN HẠT (chọn 1 trong 3 cách dưới):
1- Lần hạt 5 chục theo ngày trong tuần
2- Lần hạt tuỳ ý
3- Lần hạt theo mầu nhiệm gợi ý ở dưới đây:
Đức Chúa Giêsu làm phép lạ tại tiệc cưới Cana. Ta hãy xin cho được noi gương Đức Mẹ mà vững tin vào Chúa.
(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).
6. BÀI ĐỌC:
Đức Maria, Mẹ của những người Tôn Thờ Thánh Thể
Tác giả: Thánh Pierre-Julien Eymard
I. Nếu chúng ta không ở dưới sự che chở của Mẹ, chúng ta có thể nghi ngờ sự bền đỗ và ơn cứu rỗi của chúng ta. Ơn gọi của chúng ta gắn liền cách đặc biệt với việc phục vụ Vua các vua, càng khiến chúng ta có bổn phận phải cậy nhờ Mẹ hơn. Chúa Giêsu là vua Thánh Thể và ngài chỉ muốn đào tạo những người phục dịch trong triều đình của Ngài, cho nên chính những người ấy phải qua thời gian thực tập. Người ta cần phải trải qua thời gian học phục vụ trước khi ra mắt nhà Vua! Do đó Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta Mẹ Ngài để làm Mẹ và làm mô phạm cho những người tôn thờ. Theo ý kiến chung, Ngài đã để Mẹ Ngài lại trên trần gian thêm khoảng hai mươi năm, để chúng ta có thể học được từ nơi Mẹ việc tôn thờ Ngài cách hoàn hảo. Cuộc sống ấy đẹp biết bao! – Hai mươi năm trôi đi trong việc tôn thờ! Khi suy nghĩ về tình yêu của Chúa Giêsu đối với Mẹ Ngài, chúng ta hết sức ngạc nhiên không hiểu sao Ngài lại đồng ý chia tay với Mẹ. Có phải vì Đức Thánh Trinh Nữ chưa hoàn hảo đủ không? Có phải vì Mẹ chưa chịu đau khổ đủ, trong khi Mẹ là người đã chịu đựng đau khổ trên đồi Can-vê hơn tất cả các thụ tạo hợp một? A! phải rồi, Mẹ thực sự đã chịu biết bao đau khổ! Nhưng ích lợi của phép Thánh Thể cần đến sự hiện diện của Mẹ. Chúa Giêsu đã không muốn ở lại một mình trong phép Thánh Thể, mà không có sự hiện diện của Mẹ Ngài. Ngài không muốn những giờ phút đầu tiên cho việc tôn thờ Thánh Thể lại được uỷ thác cho những người tôn thờ tầm thường, những người không biết thế nào là tôn thờ cho xứng đáng. Các Tông đồ buộc phải lo việc cứu rỗi các linh hồn, không thể có đủ thời giờ tôn thờ Thánh Thể. Mặc dù tình yêu muốn gắn bó họ với Đền Tạm, nhưng các bổn phận tông đồ của họ lại khiến họ đi khắp nơi. Đối với các Kitô hữu sơ khai giống như con trẻ vẫn còn nằm trong nôi, cần có một người mẹ để dưỡng dục, một mẫu gương để họ bắt chước, Chúa Giêsu đã để lại cho họ chính người Mẹ Thánh của Ngài.
II. Tất cả cuộc đời Đức Maria – được coi như một tổng thể – có thể tóm gọn lại trong một lời này: tôn thờ; vì việc tôn thờ là việc phụng sự Thiên Chúa cách hoàn hảo, và nó bao gồm tất cả mọi bổn phận của thụ tạo đối với Đấng sáng tạo.
Chính Đức Maria là người đầu tiên tôn thờ Ngôi Lời Nhập thể. Ngôi Lời ở trong dạ Mẹ và không một ai trên trái đất này biết tới. Ôi Chúa chúng ta được phụng sự trong Trinh Dạ của Mẹ kỹ lưỡng chừng nào! Không bao giờ Ngài tìm thấy một chén thánh vàng nào quí giá hơn hoặc tinh tuyền hơn Cung Lòng Mẹ Maria! Sự tôn thờ của Mẹ làm vui lòng Ngài hơn sự tôn thờ của tất cả các thiên thần. Tác giả Thánh Vịnh nói: “Chúa đã đặt Nhà Tạm của Ngài ở trong mặt trời”. Mặt trời đó chính là Trái Tim Mẹ Maria.
Ơ Belem, Đức Maria là người đầu tiên thờ lạy Người Con Thần Linh của mình nằm trong máng cỏ. Mẹ tôn thờ Ngài với tình yêu hoàn hảo của người Mẹ Đồng Trinh, tình yêu trinh khiết, như Thánh Thần nói. Sau Đức Maria, Thánh Giuse, các mục đồng, rồi đến các Đạo sỹ đã đến thờ lạy: nhưng chính Đức Maria là người châm ngòi cho ngọn lửa đã lan ra khắp thế giới. Và biết bao điều tốt đẹp, biết bao điều thần thiêng Đức Maria phải nói! Vì lời của Mẹ là một tình yêu nóng bỏng mà chúng ta không thể nào dò tới chiều sâu của nó.
Đức Maria đã tiếp tục tôn thờ Chúa Giêsu: trước hết trong cuộc sống mai ẩn tại Nazareth; sau đó là trong cuộc đời tông đồ của Ngài; và cuối cùng trên đồi Can-vê, nơi mà sự tôn thờ của Mẹ đã biến thành nỗi khổ đau. Chúng ta hãy chú ý đến bản tính việc tôn thờ của Đức Maria. Mẹ đã tôn thờ Chúa theo những trạng thái khác nhau của cuộc đời Ngài; mỗi trạng thái của Chúa Giêsu đã xác định tính chất của việc tôn thờ của Mẹ – việc tôn thờ của Mẹ không ở yên trong một thói quen cố định. Khi thì Mẹ thờ lạy Thiên Chúa như Đấng đã huỷ mình ra không trong dạ Mẹ; khi thì như Đấng khó nghèo và thấp kém ở Belem; khi khác như Đấng đang làm lụng vất vả ở Nazareth; và sau hết như Đấng đang truyền giảng Tin Mừng khắp nước và đang cải hoá các tội nhân. Mẹ thờ lạy Ngài trong những nỗi đau khổ của Ngài trên đồi Can-vê bằng cách chịu đau khổ với Ngài. Sự tôn thờ của Mẹ luôn luôn ngang với những tình cảm của người Con thần linh của Mẹ. Những tình cảm ấy rõ ràng đã được mạc khải cho Mẹ. Tình yêu của Mẹ đã đưa Mẹ đến sự thuận hợp tư tưởng và đời sống với Ngài.
III. Đối với anh em, những người tôn thờ, chúng tôi nói: hãy thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể luôn, nhưng hãy thay đổi cách tôn thờ của anh em như Đức Thánh Trinh Nữ đã làm. Hãy gợi lại trong trí khôn anh em tất cả các mầu nhiệm của đạo trong mối liên kết với Thánh Thể, cho đỡ nhàm chán. Nếu tình yêu của anh em không được nuôi dưỡng bằng một hình thức tôn sùng mới, một tư tưởng mới, anh em sẽ trở nên chán cầu nguyện. Vì lý do đó chúng ta nên tưởng nhớ tất cả các mầu nhiệm trong Thánh Thể.
Đó chính là cách Đức Maria đã cầu nguyện trong nhà Tiệc Ly.
Khi đã đến ngày mừng những kỷ niệm đã từng diễn ra trước mắt Mẹ, chúng ta không thể nào không nghĩ rằng Mẹ nhớ lại các hoàn cảnh của chúng – những lời nói, vẻ yêu kiều. Chẳng hạn khi đến ngày Giáng Sinh, chúng ta lại có thể tưởng tượng Đức Mẹ không nhắc lại cho Con Mẹ, bây giờ đang ẩn náu dưới tấm màn Thánh Thể, về tình yêu mà Mẹ đã đón chào Ngài khi sinh ra Ngài, về những nụ cười, việc thờ lạy của Mẹ cũng như của Thánh Giuse, các mục đồng và các Đạo sỹ, hay sao? Do đó Mẹ ước mong làm cho Trái Tim Chúa được vui bằng cách nhắc lại cho Ngài về tình yêu của Mẹ. Và đối với tất cả các mầu nhiệm khác cũng như vậy.
Vậy chúng ta sẽ hành động thế nào với một người bạn? Chúng ta có luôn luôn nói với bạn về chuyện hiện tại không? Chắc chắn là không! Chúng ta gợi lại những kỷ niệm quá khứ, chúng ta cùng nhau sống lại những kỷ niệm ấy. Khi chúng ta muốn tán tụng cha hoặc mẹ, chúng ta gợi lại tình yêu của họ, lòng tận tuỵ không biết mệt mỏi của họ đã tỏ ra với chúng ta khi chúng ta còn thơ ấu. Tương tự, Mẹ Maria, trong khi tôn thờ ở nhà Tiệc Ly, cũng đã nhắc lại cho Chúa Giêsu tất cả những gì Ngài đã làm cho vinh quang Cha Ngài, tất cả những hy sinh vĩ đại Ngài đã thực hiện, và bằng cách đó, Mẹ tham dự vào ân sủng Thánh Thể.
Thánh Thể là kỷ niệm của tất cả các mầu nhiệm trong đạo; Thánh Thể canh tân tình yêu và ân sủng của các mầu nhiệm đó. Và như Đức Maria, chúng ta phải thích ứng với ân sủng này, bằng cách quan chiêm Chúa Giêsu trong tất cả các hành động của Ngài, bằng việc thờ lạy và kết hợp với Ngài trong tất cả các trạng thái khác nhau của đời sống Ngài.
Thánh Thể có năng lực hấp dẫn đối với Đức Thánh Trinh Nữ đến nỗi Mẹ không thể sống tách lìa khỏi Thánh Thể. Mẹ sống trong Thánh Thể và bởi Thánh Thể. Mẹ đã sống qua ngày cũng như đêm dưới chân người Con thần linh của Mẹ. Thật vậy, Mẹ đã ban thưởng cho lòng sùng kính thơ thảo của các Tông đồ và tín hữu nào ước muốn chiêm ngắm và trò truyện với Mẹ, nhưng tình yêu đối với vị Thiên Chúa ẩn thân của Mẹ đã chiếu sáng trên gương mặt Mẹ và thông chuyển mãnh lực của nó tới toàn thể con người Mẹ.
Ôi Maria! Xin dạy chúng con biết sự sống tôn thờ! Hãy dạy chúng con biết chiêm ngắm, như Mẹ đã làm, tất cả các mầu nhiệm và tất cả các ân sủng của phép Thánh Thể; để làm sống lại câu chuyện Tin Mừng và đọc lại nó dưới ánh sáng sự sống Chúa Giêsu Thánh Thể. Lạy Đức Mẹ Thánh Thể, xin hãy nhớ Mẹ là Mẹ của tất cả những người tôn thờ phép Thánh Thể.
NHỮNG MẪU GƯƠNG
Trong số những nhân vật Thánh thiện sáng chói thuộc thế kỷ XVIII, chúng ta thấy có nhiều vị dạy chúng ta cách thế liên kết việc tôn thờ Thánh Thể với việc tôn sùng Đức Maria và việc này hỗ trợ cho việc kia.
Đức Hồng Y đáng kính Bérulle, người có danh hiệu “Tông đồ của Ngôi Lời Nhập Thể” do Đức Thánh Cha Urbanô VIII đặt cho, mà các quan điểm của ngài về Đức Thánh Trinh Nữ xem ra có vẻ thiên thần hơn là loài người; và cũng có cha Condren, người mà theo như các bậc đại tiến sỹ đồng thời, đã nhận được những ánh sáng siêu việt về những mầu nhiệm này, có thói quen dâng lễ kính Đức Mẹ vào mỗi Thứ Bảy. Cha Olier, Đấng sáng lập tu hội Xuân Bích, đồng thời là nhà cải cách hàng giáo sỹ, cũng đã học các vị ấy thói quen đạo đức này. Mỗi ngày ngài cử hành ba Thánh lễ, dâng ý chỉ mỗi Thánh lễ trong tay Đức Mẹ, để Mẹ có thể, khi dâng lên Con Mẹ cầu cho Giáo hội, xin được những kho tàng ân sủng bất tận.
Cũng có một nhà thừa sai Dòng Tên ở Québec, người đã đề nghị với Thánh Gioan Euđê, nhà sáng lập hội dòng mang tên ngài, một dự án cho hiệp hội các linh mục, những người mà ngài gọi là các vị Tuyên uý của Đức Mẹ, và ngài là người đã nhất trí trong việc dâng Thánh lễ theo ý Đức Nữ Vương Thiên đàng oai nghiêm, để Con Thiên Chúa khi nhận được sẽ chuyển lên Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần, qua bàn tay của Đấng mà Ngài đã dùng để đến với chúng ta trong thân phận con người. (Vie de M.Olier, t. II Passim.)
Thực hành – Dâng việc tôn thờ của chúng ta lên Chúa Giêsu qua bàn tay Mẹ Maria.
Hoa thiêng – Ôi Maria, Mẹ được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Chúa Giêsu Thánh Thể, quả phúc của lòng Mẹ đầy phúc đức!
7. KẾT THÚC (hát hoặc đọc):
Hát: Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa
ĐK: Linh hồn tôi tung hô Chúa, tung hô Chúa (í, a) thần trí tôi mừng vui vời vợi trong Đấng Cứu Chuộc tôi. Chúa đã dủ thương đoái nhìn phận hèn tôi tớ. Vì vậy đến muôn đời, sẽ khen tôi đầy ơn, sẽ khen tôi đầy phúc, sẽ khen tôi muôn đời, đến muôn đời, đến muôn đời.
1. Đấng toàn năng đã làm cho tôi những việc cao trọng Danh Người là Thánh. Lượng từ ái trải qua từ đời nọ đến đời kia, hằng bao bọc những ai kính sợ Người.
2. Chúa biểu dương sức mạnh oai phong tiêu diệt tơi bời những phường tự đắc, bọn quyền quý tự kiêu, Ngài triệt hạ khỏi tòa cao và nâng dậy những ai ở khiêm nhường.
3. Lũ giàu sang đuổi về tay không, những người thanh bần ban đầy hồng phúc. Người đã nhớ lời hứa mà độ trì Ít-ra-en cùng tổ phụ Áp-ram với miêu duệ.
Đọc: Thánh Ca (Lc 1,47-55)
Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa
Thần trí tôi hớn hở vui mừng
Vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới ;
Từ nay hết mọi đời
Sẽ khen tôi diễm phúc.
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
Biết bao điều cao cả.
Danh Người thật chí thánh chí tôn !
Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh
Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
Người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
Như đã hứa cùng cha ông chúng ta.
Vì Người nhớ lại lòng thương xót
Dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
Và cho con cháu đến muôn đời.
Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con,
cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa,
tự muôn đời và chính hiện nay
luôn mãi đến thiên thu vạn đại. A-men.
****
Tài liệu trích dẫn:
1/ Kinh Thánh: Bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ
2/ Bài suy niệm và cầu nguyện: Nữ Đan Viện Đa Minh
3/ Thánh Pierre-Julien Eymard, Người Say Yêu Thánh Thể, bản dịch Việt ngữ của Đức Phương & Đức Nguyên, SSS; nguồn: danchuausa.net
4/ Bài hát: Thánh ca Cộng đồng
BAN CỔ VÕ KINH MÂN CÔI
DÒNG ĐA MINH VIỆT NAM
KINHMANCOI.NET
Đặc trách
Lm. FX. Trần Kim Ngọc, OP.