- Details
-
Category: 20. Những Bài Về Đức Mẹ
SẮC HOA THÁNG NĂM
Dâng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa
1. XIN ƠN CHÚA THÁNH THẦN (hát hoặc đọc):
Hát: Cầu Xin Chúa Thánh Thần
1. Cầu xin Chúa Thánh Thần, Người thương thăm viếng hồn con. Ban xuống cho con hồng ân chan chứa, trau dồi cho đáng ngôi thánh đường.
ÐK: Nguyện xin Chúa Ngôi Ba, đoái nghe lời con thiết tha. Tình thương mến ấp ủ con ngày đêm, nhuần thấm xác hồn tràn lan ơn thiêng.
2. Cầu xin Chúa Thánh Thần, nguồn thiêng ân ái từ nhân, hun đốt tim con tình yêu lai láng, cho lòng thao thức bên Chúa luôn.
Đọc: Kinh Đức Chúa Thánh Thần
Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng. Chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống, đầy lòng chúng con là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con; chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống.
– Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.
Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dậy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rầy chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống, yên ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành, vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.
2. TIN MỪNG (theo ngày trong tuần): Mc 16,15-20
Bài kết Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh”.
Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa.
Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.
3. SUY NIỆM:
Các tông đồ là những người đã theo sát Chúa Giêsu trong hành trình rao giảng Tin Mừng Nước Trời, trong cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa. Các ngài trở thành chứng nhân về những lời Chúa dạy, những việc Chúa làm và nhất là việc Chúa đã phục sinh. Các ngài được Chúa phục sinh sai đi làm chứng cho Chúa khởi đi từ Giêrusalem và cho đến tận cùng trái đất.
4. QUYẾT TÂM:
Chúa phục sinh rồi Chúa về trời. Trước khi về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu gửi ban cho các tông đồ điều mà Chúa Cha đã hứa, đó là Chúa Thánh Thần.
5. LẦN HẠT (chọn 1 trong 3 cách dưới):
1- Lần hạt 5 chục theo ngày trong tuần
2- Lần hạt tuỳ ý
3- Lần hạt theo mầu nhiệm gợi ý ở dưới đây:
Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ta hãy xin cho được lòng đầy dẫy mọi ơn Đức Chúa Thánh Thần.
(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).
6. BÀI ĐỌC:
Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu Trong Đền Thánh
Tác giả: Thánh Pierre-Julien Eymard
I. Chúa Giêsu không muốn trì hoãn việc dâng mình công khai cho Chúa Cha. Sau khi sinh ra được bốn mươi ngày, Ngài đã soi sáng cho Đức Maria đem Ngài vào đền thờ. Đức Maria ẵm Hài Nhi trên tay; Mẹ đi dâng Ngài cho Chúa Cha và rồi chuộc lại với đôi chim cu gáy, vì Chúa Giêsu muốn được mua lại với những thụ tạo nhỏ bé này tượng trưng sự trong trắng và đơn sơ của Ngài. Một mầu nhiệm vĩ đại đã xảy ra ở đó.
Niềm vui sướng hạnh phúc của Đức Thánh Trinh Nữ đã chấm dứt từ ngày đó. chúng ta hãy lắng nghe lời của cụ già, một người được Thiên Chúa tuyển chọn: “Trẻ này được đặt lên khiến cho nhiều người Israel phải hư mất và nhiều người được chỗi dậy… và phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu.”
Làm sao Ba Ngôi Thiên Chúa rất tốt lành, rất hiền dịu, lại có thể mặc khải một mầu nhiệm đau thương dường ấy cho một người mẹ trẻ mới mười lăm tuổi, người đang được tràn ngập niềm vui vì mới sinh Con? Đó là lần đầu tiên Mẹ đến viếng đền thờ kể từ ngày sinh con, và Mẹ được báo cho biết cái chết cực dữ đang chờ đợi người con dấu yêu của Mẹ. A! Mẹ quá hiểu rồi! Từ ngày đó, núi Can-vê không rời Chúa Giêsu; ở Nazareth hay ở bên Aicập – nơi nào Mẹ cũng thấy Giêsu của Mẹ bị đóng đinh. Khi linh hồn chúng ta còn yếu ớt trên đường nhân đức, Thiên Chúa để chúng ta sống một đời sống ít nhiều bị che đậy: nhưng khi Ngài thấy một linh hồn yêu mến thực sự, Ngài vội vã đóng đanh nó để bày tỏ vinh quang Ngài trong đó. Tình yêu đòi phải có đau khổ. Đức Maria chấp nhận mọi sự. Từ đó về sau khi đàm đạo với Con Mẹ, Mẹ chỉ nói về núi Can-vê, về những đau khổ và cái chết của Người. Thực sự Mẹ có một sức chịu đựng ngoan cường để chịu đựng thảm cảnh Can-vê sẽ xảy ra ba mươi ba năm sau! “tâm hồn bà sẽ bị gươm sắc đâm thâu.” Chúng ta có hiểu được cuộc tử giá hàm chứa trong những lời này không? Rồi từ đó, Mẹ Maria nhìn thấy những nỗi đau khổ của Con Mẹ trong từng chi tiết. Mẹ không ngừng nghĩ đến đó. Từ giây phút đó Mẹ trở nên Nữ Vương tử đạo.
II. Chúng ta phải thu lượm được gì từ mầu nhiệm Mẹ Dâng Con? Đây là bài học: chúng ta đừng dâng mình phục vụ Thiên Chúa để tìm kiếm an ủi khoái vui, để chiếm hữu niềm bình an yên tĩnh bất biến. Chúa Giêsu quả có nói: “Ách Ta êm ái gánh Ta nhẹ nhàng.”; nhưng Ngài cũng đã nói: “Ai không vác Thánh Giá mỗi ngày mà theo Ta thì không đáng với Ta.”
Vậy chúng ta phải làm gì? Chúng ta phải kết hợp với Mẹ Maria dâng trót mình cho Thiên Chúa, chấp nhận đau đớn khổ cực và những Thánh Giá Ngài sẽ gởi đến cho chúng ta. Lúc khởi đầu khi linh hồn mới dâng mình cho Chúa, nó thường cảm nghiệm những an ủi lớn lao; việc phục vụ Chúa xem ra đầy những cảm giác ngọt ngào. Có nhiều linh hồn chán ghét trần thế và những giả dối của nó, họ quay trở về đời sống đạo đức để tìm kiếm bình an và an ủi. Họ chỉ tìm duy điều đó; họ chỉ ước muốn duy điều đó trong việc phục vụ Chúa. Họ phục vụ Ngài bao lâu Ngài còn trào đổ trên họ những ân huệ thần linh của Ngài; nhưng khi Ngài ẩn mình đi và muốn thay đổi cho họ thức ăn cứng hơn thức ăn của trẻ nhỏ, họ liền trở nên chán ngán, thất đảm và bối rối. Họ vắt óc tưởng tượng để tìm xem họ đã làm gì để bị phạt như thế này. Họ tưởng tại những lần xưng tội chưa thành thực, những lần rước lễ bất xứng. Họ tìm mọi cách để thấy trong họ nguyên nhân của sự thay đổi. Khi không tìm được, họ trở nên chán nản và thường kết thúc bằng sự bỏ bê các việc đạo đức.
Dĩ nhiên chúng ta không được coi thường những an ủi của Chúa, chúng ta phải hân hoan lãnh nhận khi Ngài gửi đến; nhưng chúng ta cũng đừng chỉ tìm kiếm những an ủi ấy. Những an ủi ngọt ngào, những ân huệ ấy sẽ qua đi trong khi Chúa Giêsu vẫn tồn tại mãi mãi. Có những vị thánh được Chúa ban cho những ân huệ vĩ đại, với những cơn xuất thần – nhưng các ngài cũng phải chịu đau khổ biết bao! Thiên Chúa chỉ ban cho các ngài những ân huệ từng lúc hiếm hoi, như là bù đắp cho những đau khổ các ngài đã phải chịu và để khích lệ các ngài chịu đau khổ thêm nữa vì tình yêu. Chính nhờ chịu đau khổ mà chúng ta được thánh hoá, nhờ Thánh Giá và thử thách mà linh hồn được củng cố, được giải phóng khỏi bản ngã, để nó có thể tìm được niềm vui thỏa của nó trong Thiên Chúa và duy mình Thiên Chúa.
Đây là bài học của mầu nhiệm Mẹ Dâng Con trong Đền thờ. Chúng ta hãy đem ra thực hành nếu chúng ta muốn xứng đáng với Của Lễ đích thực, của lễ mà chúng ta không ngừng chiêm ngưỡng trong phép Thánh Thể, và xứng đáng với Mẹ thánh Ngài, Đấng đã quảng đại dâng hiến Ngài vì chúng ta.
SỰ CUNG HIẾN LẠ LÙNG ĐỀN THÁNH ĐỨC BÀ CỦA CÁC ĐAN SỸ
Vào tháng Chín năm 948, Đan viên phụ Eberhard of Einsiedeln, thuộc quyền thánh Conrad Giám mục giáo phận Constance, đến xin Thánh nhân đến làm phép nhà thờ. Thánh nhân đã đến vào ngày 13 tháng chín, có Giám mục Ulric, một Giám mục thánh thiện địa phận Augsburg, và một số nhà quí tộc. Ngày 14 là ngày ấn định cử hành nghi lễ, nửa đêm Thánh Giám mục Conrad cùng vài tu sỹ vào nhà thờ để cầu nguyện. Bỗng nhiên, nhà thờ rực rỡ ánh sáng Thiên Đàng, và các ngài thấy chính Chúa Giêsu Kitô đứng ở bàn thờ cử hành lễ cung hiến, có bốn thánh sử tham dự. Các thiên thần đổ dầu thơm khắp nơi trên vị Giáo chủ thần linh. Thánh tông đồ Phêrô vàThánh Giáo hoàng Gregoriô cầm huy hiệu giáo hoàng; Mẹ Thiên Chúa đứng trước bàn thờ giữa vầng hào quang. Các mái vòm nhà thờ vang lên những bài thánh ca Thiên đường do đội hợp xướng thiên thần có Đức Tổng Thần điều khiển hát, thánh Stephanô và thánh Laurensô, những vị phó tế tử đạo rất danh tiếng, đã chu toàn phận sự bậc mình. Chính Thánh Conrad trong một số bài viết của ngài đã nói đến những thay đổi khác nhau do cung giọng các thiên thần tạo nên khi họ hát bài Sanctus, bài Agnus Dei, và cuối cùng là Dominus vobiscum. Bằng một trong số những cung giọng này họ đã hát: “Xin thương xót chúng con, lạy Chúa, sự thánh thiện của Ngài toả sáng khắp Đền Thánh của Đức Trinh Nữ vinh hiển. Đền Thánh được chúc phúc bởi Con Đức Maria, Đấng đến nơi đây để cai trị mãi mãi.” Thánh Giám mục, mặc dù kinh ngạc với cuộc hiện ra như thế, vẫn tiếp tục cầu nguyện cho mãi tới mười một giờ sáng. Người ta chờ đợi ngài, mà không dám hỏi han xem vì cớ gì mà ngài trì hoãn lâu như vậy.
Cuối cùng một số thày yêu cầu ngài bắt đầu cử hành lễ. Thánh Conrad, vẫn qùy yên tại chỗ, kể lại cách đơn sơ điều ngài đã mắt thấy tai nghe. Tuy nhiên họ nghĩ có lẽ ngài vẫn còn bị ảnh hưởng giấc mơ. Sau đó vị Giám Mục thánh thiện này cũng nhượng bộ theo lời khẩn khoản của mọi người, bắt đầu lễ thánh hiến. Chính lúc đó có một tiếng lạ vang lên tràn ngập khu nội cấm, đập vào tai những người chứng kiến, lặp đi lặp lại bằng ngôn ngữ của Giáo hội: “Cessa. Cessa, frater! Capella divinitus consecrata est.” (ngưng lại, ngưng lại, hỡi người anh em, nhà thờ đã được thánh hiến cách thần diệu rồi!”
Mười sáu năm sau, thánh Conrad, thánh Ulric, và những nhân chứng tận mắt khác đã tụ tập lại cả bên Roma, để làm chứng về điều đó. Sau khi đã thực hiện tất cả những tra hỏi cần thiết theo luật, Đức Leo VIII ban một sắc lệnh liên quan đến vấn đề này, để cho công bố rộng rãi. Sắc lệnh này đã được tái phê chuẩn bởi các Đức Thánh Cha về sau: Đức Innôcentê IV, Martinô V, Nicôla IV, Eugêniô IV, Nicôla V, Piô II, Juliô II, Leô X, Piô IV, Gregôriô XIII, Clêmentê VII và Urbanô VIII.
Sau hết vào ngày 15 tháng 5 năm 1793, Đức Thánh Cha Piô VI đã tái chuẩn nhận các việc làm của các Đấng tiền nhiệm, bất chấp những người theo chủ thuyết hoài nghi luôn luôn sẵn sàng nghi ngờ những gì họ không cần chấp nhận, và sẵn sàng xếp đức tin vào số những niềm tin mù quáng mà họ thích.(Description du couvent et de l’ abbaye d’Einsiedeld.)
Thực hành – Chúng ta nên dâng mình cho Chúa Giêsu, Của Lễ tình yêu trên bàn thờ chúng ta, và chấp nhận tất cả những gì Ngài muốn gửi đến cho chúng ta, trong sự kết hợp với Đức Maria.
Hoa thiêng – Ôi Maria, rượu phong phú, đã ban cho chúng con rượu nho Thánh Thể, Mẹ đáng chúc tụng muôn đời!
7. KẾT THÚC (hát hoặc đọc):
Hát: Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa
ĐK: Linh hồn tôi tung hô Chúa, tung hô Chúa (í, a) thần trí tôi mừng vui vời vợi trong Đấng Cứu Chuộc tôi. Chúa đã dủ thương đoái nhìn phận hèn tôi tớ. Vì vậy đến muôn đời, sẽ khen tôi đầy ơn, sẽ khen tôi đầy phúc, sẽ khen tôi muôn đời, đến muôn đời, đến muôn đời.
1. Đấng toàn năng đã làm cho tôi những việc cao trọng Danh Người là Thánh. Lượng từ ái trải qua từ đời nọ đến đời kia, hằng bao bọc những ai kính sợ Người.
2. Chúa biểu dương sức mạnh oai phong tiêu diệt tơi bời những phường tự đắc, bọn quyền quý tự kiêu, Ngài triệt hạ khỏi tòa cao và nâng dậy những ai ở khiêm nhường.
3. Lũ giàu sang đuổi về tay không, những người thanh bần ban đầy hồng phúc. Người đã nhớ lời hứa mà độ trì Ít-ra-en cùng tổ phụ Áp-ram với miêu duệ.
Đọc: Thánh Ca (Lc 1,47-55)
Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa
Thần trí tôi hớn hở vui mừng
Vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới ;
Từ nay hết mọi đời
Sẽ khen tôi diễm phúc.
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
Biết bao điều cao cả.
Danh Người thật chí thánh chí tôn !
Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh
Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
Người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
Như đã hứa cùng cha ông chúng ta.
Vì Người nhớ lại lòng thương xót
Dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
Và cho con cháu đến muôn đời.
Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con,
cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa,
tự muôn đời và chính hiện nay
luôn mãi đến thiên thu vạn đại. A-men.
****
Tài liệu trích dẫn:
1/ Kinh Thánh: Bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ
2/ Bài suy niệm và cầu nguyện: Nữ Đan Viện Đa Minh
3/ Thánh Pierre-Julien Eymard, Người Say Yêu Thánh Thể, bản dịch Việt ngữ của Đức Phương & Đức Nguyên, SSS; nguồn: danchuausa.net
4/ Bài hát: Thánh ca Cộng đồng
BAN CỔ VÕ KINH MÂN CÔI
DÒNG ĐA MINH VIỆT NAM
KINHMANCOI.NET
Đặc trách
Lm. FX. Trần Kim Ngọc, OP
- Details
-
Category: 20. Những Bài Về Đức Mẹ
SẮC HOA THÁNG NĂM
Dâng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa
1. XIN ƠN CHÚA THÁNH THẦN (hát hoặc đọc):
Hát: Cầu Xin Chúa Thánh Thần
1. Cầu xin Chúa Thánh Thần, Người thương thăm viếng hồn con. Ban xuống cho con hồng ân chan chứa, trau dồi cho đáng ngôi thánh đường.
ÐK: Nguyện xin Chúa Ngôi Ba, đoái nghe lời con thiết tha. Tình thương mến ấp ủ con ngày đêm, nhuần thấm xác hồn tràn lan ơn thiêng.
2. Cầu xin Chúa Thánh Thần, nguồn thiêng ân ái từ nhân, hun đốt tim con tình yêu lai láng, cho lòng thao thức bên Chúa luôn.
Đọc: Kinh Đức Chúa Thánh Thần
Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng. Chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống, đầy lòng chúng con là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con; chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống.
– Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.
Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dậy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rầy chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống, yên ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành, vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.
2. TIN MỪNG (theo ngày trong tuần): Ga 16,20-23
20 Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.21 Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian.22 Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được.23 Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy.
3. SUY NIỆM:
Chúa Giêsu bị kết án tử hình. Trước sự kiện đau thương này, các môn đệ của Chúa vừa buồn sầu vì bị mất Thầy, vừa hoảng sợ kẻo lỡ ra họ cũng bị tử hình như Thầy mình chăng? Thế nhưng khi Chúa phục sinh, tất cả mọi sự đều lật ngược lại. Các môn đệ vui mừng vì thấy lại Thầy mình. Sự hiện diện của Chúa làm cho các môn đệ an lòng. Đó là niềm vui đích thực.
4. QUYẾT TÂM:
Cuộc sống đời này và sự sống mai hậu cũng sẽ đảo ngược như vậy. Con quyết tìm hạnh phúc vĩnh cửu chứ không tìm thú vui chóng qua mau hết của thế trần. Đau khổ đời này rồi cũng sẽ qua, con không quá lo sợ nó để rồi lựa chọn sai lầm.
5. LẦN HẠT (chọn 1 trong 3 cách dưới):
1- Lần hạt 5 chục theo ngày trong tuần
2- Lần hạt tuỳ ý
3- Lần hạt theo mầu nhiệm gợi ý ở dưới đây:
Đức Chúa Giêsu sống lại. Ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.
(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).
6. BÀI ĐỌC:
Khiêm Tốn, một Đặc Nét của Đức Maria
Tác giả: Thánh Pierre-Julien Eymard
Cuộc đời ẩn dật của Đức Maria có một đặc nét phân biệt hẳn với cuộc đời của Chúa Giêsu. Chúng ta không tìm thấy nơi Đức Maria sự khiêm nhường qúa lạ lùng kinh ngạc, sự khiêm nhường pha trộn vừa mạnh mẽ vừa yếu đuối, vừa quyền chức vừa thần phục, sự khiêm nhường rất đáng thán phục trong cuộc đời Chúa Giêsu. Đời sống của Mẹ Maria luôn luôn bình bình, đơn sơ và khuất lấp, khiêm tốn và nhu hạ sâu xa. Sự khiêm tốn là đặc nét của lòng đạo đức, nhân đức và mọi hành động của Mẹ.
I. Đức Maria khiêm nhu trong sinh hoạt bên ngoài. Mẹ không sống lập dị bởi nếp sống khổ hạnh cũng không bởi lối sống buông thả. Từ tốn và ngọt ngào, giống như người Con thần linh của Mẹ, toàn thể sinh hoạt bên ngoài của Mẹ nói lên địa vị thấp kém của Mẹ làm cho Mẹ nên giống như bao người phụ nữ trong dân chúng. Chúng ta cũng nên cố gắng cư xử khiêm tốn để tránh kéo chú ý về mình, nếu chúng ta muốn nên giống Mẹ Thánh chúng ta trong cuộc đời Mẹ.
II. Đức Maria khiêm hạ trước mặt người đời. Mẹ đã hăng hái hy sinh đời sống tư và những ngọt ngào của sự chiêm niệm thiên đường để đi viếng Bà chị họ Elizabeth, chúc mừng bà và giúp đỡ bà. Suốt ba tháng Mẹ đã là người bạn đồng hành kiên trì của bà, khiêm tốn hầu hạ bà; và Mẹ đã lấy làm vui thú về mái gia đình đặc tuyển này. Khi vinh quang Con Mẹ đòi hỏi, Mẹ đã xuất hiện trước công chúng. Mẹ đã có mặt tại đám cưới Cana. Mẹ không hề nói một lời nhằm tán dương mình, cũng không đem danh hiệu Mẹ Thiên Chúa, hay quyền lực và vinh quang Con mình ra để cho người ta quí chuộng mình. Mẹ luôn luôn lưu tâm đến tiếng gọi của đức bác ái, và rút lui ngay khi không còn nhu cầu đến Mẹ.
III. Đức Maria khiêm nhường trong các bổn phận. Mẹ chu toàn mọi bổn phận cách êm ái, không sôi nổi háo hức, luôn luôn mãn nguyện, luôn luôn sẵn sàng đón nhận những bổn phận mới. Mẹ chu toàn bổn phận với tư chất điềm tĩnh, không tỏ ra khó khăn gì và cũng không bao giờ xin an ủi, không bao giờ gây chú ý, vì mọi sự được thi hành như là việc tất nhiên phải thế. Do đó, Mẹ là mẫu gương tuyệt vời cho tất cả những ai muốn sống đời sống của Chúa Giêsu Thánh Thể. Đời sống của người tôn thờ, được thánh hiến để phục vụ Vua Thánh Thể, gồm có một ít hy sinh mà duy mình Thiên Chúa nhìn thấy và ban thưởng. Những công việc phục vụ thấp kém của họ tạo nên tất cả vinh dự, tất cả niềm vui của lòng sùng hiếu, và tham vọng độc nhất của họ là làm vui lòng Thày chí thánh bằng việc bền bỉ hy sinh thân mình.
IV. Đức Maria khiêm tốn trong việc đạo đức. Đức Maria, đã được nâng lên tới tột độ của đời sống cầu nguyện mà một thụ tạo có thể đạt tới, đã sống thường xuyên trong sự rèn luyện tình yêu trọn hảo, đã được tôn lên trên tất cả các thiên thần, và nhờ phẩm chức Mẹ Thiên Chúa, làm nên một trật tự tách biệt trong những kỳ quan của Thiên Chúa. Tuy nhiên Mẹ phục vụ Chúa của Mẹ trong đường lối đạo đức thông thường bình dị. Mẹ đi theo những huấn chỉ của Lề Luật, tham dự các ngày lễ theo luật, cầu nguyện với dân chúng. Không có gì để phân biệt Mẹ, không cả đức khiêm tốn mà Mẹ đã dấu kín. Không gì, kể cả lòng sốt sắng phi thường, tỏ ra nơi nếp sống bề ngoài lòng đạo đức trọn hảo của Mẹ.
Lòng đạo đức của chúng ta cũng nên như thế; không gì được gây chú ý trong những việc thực hành của chúng ta, đơn sơ và khiêm tốn trong hành động, cẩn thận loại bỏ hết mọi lập dị (hoa quả tinh vi của lòng tự ái) và mọi cái bất thường, khi chúng có thể đưa đến sự phù phiếm và ảo tưởng.
V. Đức Maria khiêm tốn trong các nhân đức. Đức Maria có tất cả các nhân đức ở mức độ tối cao, và thực hành tất cả các nhân đức ấy một cách trọn hảo thần hiệu, nhưng không phải trong cách lạ thường. Sự khiêm nhường của Mẹ đã chỉ nhìn thấy lòng nhân lành Thiên Chúa, và đối với tất cả những ân huệ Mẹ đã lãnh nhận, Mẹ chỉ tỏ ra một lòng biết ơn khiêm tốn, lòng biết ơn của người nghèo – lặng lẽ và kín đáo, không bị người đời chú ý. “Nazareth nào có cái gì hay chứ?” Kết quả là chẳng ai để ý đến Mẹ Maria. Hãy xem cái bí mật vĩ đại của sự trọn lành: để biết thế nào là tìm kiếm nó trong cái đơn sơ nhất; thế nào là dưỡng nuôi nó trong những trong cái thông thường nhất; thế nào là bảo quản nó giữa sự bị coi thường và quên lãng. Nhân đức mà được phô trương nơi công cộng thì nguy mất; nhân đức mà được ca tụng khen lao thì sắp gãy đổ. Đoá hoa mà mọi người ngắm nghía thì rất mau tàn.
Do đó, chúng ta hãy yêu quí những nhân đức nhỏ bé của Nazareth, những nhân đức kín ẩn được phát sinh dưới chân Thánh Giá, dưới bóng Chúa Giêsu và Mẹ Maria; để rồi chúng ta khỏi phải sợ bão táp quật ngã cây tuyết tùng, cũng không sợ sấm sét đánh trên đỉnh núi cao.
VI. Đức Maria khiêm tốn trong những hy sinh. Đức Maria chấp nhận cuộc lưu đầy cách lặng lẽ và dịu dàng mà không thốt ra một lời phàn nàn. Mẹ đã không cho mình là hơn vì thấy mình được tiền định chịu những hy sinh lớn lao, cũng không phàn nàn hoặc xin giảm bớt tính chất gay gắt của những hy sinh ấy.
Mẹ đã nhu hạ trong suốt thời gian người bạn đời thánh thiện của Mẹ phải chịu bối rối cay cực. Thay vì nói với người về mầu nhiệm vĩ đại đã được thực hiện trong Mẹ, điều đó sẽ làm Mẹ được đề cao dưới mắt người, thì Mẹ lại đã chịu đựng sự hoài nghi của người trong thinh lặng và chờ đợi trời cao biện minh cho nhân đức của mình, Mẹ lặng lẽ phó mình cho sự quan phòng Thiên Chúa.
Với con tim bị sầu thương đâm thâu, Mẹ Maria đi theo Con Mẹ đang vác Thánh Giá; nhưng trên quãng đường Giêrusalem ấy, Mẹ không hề kêu than khóc lóc. Trên đồi Can-vê, bị chìm đắm trong nỗi sầu thương khôn lường, một nỗi đau thương sâu thẳm như tình yêu của Mẹ, Mẹ Maria đã chịu đau khổ trong im lặng; và sau khi đã im lặng từ biệt Con Mẹ, Mẹ đã rút lui – tâm hồn tan vỡ, nhưng vẫn nhẫn nại.
VII. Sau hết, Đức Maria nhu hạ trong những vinh quang của Mẹ, và đây là cuộc khải thắng tuyệt vời nhất của đức khiêm nhường của Mẹ Maria.
Đức Maria vì phẩm chức độc đáo Mẹ Thiên Chúa nên có quyền được cả vũ trụ tôn kính; tuy nhiên, Mẹ chỉ giữ lại những đau khổ và hy sinh của thiên chức làm Mẹ. Khi Con Mẹ được tôn vinh ca tụng, thì không bao giờ công chúng thấy Mẹ xuất hiện, trái lại khi nào có những đau đớn nhục nhã cần phải chia sẻ với Ngài thì Mẹ luôn luôn có mặt bên cạnh Ngài.
Do đó nếu chúng ta muốn là những người con đích thực của người Mẹ đáng yêu này, chúng ta phải mặc lấy đức khiêm nhường của Mẹ. Chúng ta hãy năng lấy nhân đức này làm đề tài nguyện ngắm, vì đó là gia sản Mẹ Maria để lại cho chúng ta. Hãy để đức khiêm nhường của Mẹ trở nên mực thước cho cách xử sự của chúng ta. Hãy để cho sự đơn sơ, quên mình chỉ nhìn lên Chúa, luôn lo đến bổn phận hơn là tìm dễ chịu, lo tìm Chúa hơn là tìm những an ủi của Chúa, lo yêu vì tình yêu – sau cùng hãy để niềm vui thích độc nhất này trở nên phần chén, nên mục đích của tất cả mọi nỗ lực và đặc nét của đời sống chúng ta.
Đức khiêm nhường là nhân đức tối thượng của người tôn thờ, vì đó là nhân đức của các tôi tớ Đức Vua, và là nhân đức của các thiên thần trước sự hiện diện của Chúa tể Thần linh.
Do đó, đức khiêm nhường điều chỉnh cách ăn ở của chúng ta trước mặt Chúa, khi chúng ta tỏ bày cho Ngài niềm kính tôn của các giác quan và tài năng của chúng ta. Đó là lễ nghi phục vụ hoàng triều. Chúng ta phải nhu hạ y như Mẹ Maria trong việc phục vụ Chúa Giêsu!
THIÊN THẦN PHÉP THÁNH THỂ
Maria Eustelle, một cô gái lao công khó nghèo, đã đáng được mệnh danh là “Thiên Thần phép Thánh Thể”, vì cô nổi tiếng là có tình yêu sùng hiếu và lòng trung tín hiền dịu đối với Thánh Thể
Được vị chủ chăn trao cho việc trông coi phòng thánh, không thể nào kể cho hết cô đã thi hành chức vụ thánh này với lòng tôn kính và sùng mộ như thế nào. Than ôi, trong nhiều giáo xứ, chức vụ đó được những người làm thuê thi hành một cách rất ít kính cẩn!
Lần đầu tiên được làm một lô những chuẩn bị cần thiết cho việc dâng thánh lễ, niềm vui của linh hồn cô chỉ tương đương với cái cảm thức về nỗi bất xứng của mình. Cô đã viết về vấn đế này: “Tôi thích nghĩ rằng giống như Đức Thánh Trinh Nữ tôi sẽ phục vụ đền thờ Chúa bao lâu còn được phục vụ. Tư tưởng này khêu gợi lòng biết ơn của tôi. Nhưng để xứng đáng với với vị trí thánh này tôi cần đến sự trong sạch của Thánh Nữ Đồng Trinh, sự trong sạch mà tôi còn lâu mới có được. Ôi lạy Chúa! Con không nghĩ đủ về những món nợ mà con phải trả vì tất cả những phương thế cứu rỗi này. Con chỉ biết sung sướng đón nhận điều mà công việc thánh này đem đến cho con. Xin Chúa rủ lòng thương trang điểm linh hồn con bằng sự trong trắng của các thiên thần, để con được kéo đến gần Chúa của các thiên thần, và tiếp nhận Ngài thường xuyên!” (tiểu sử Maria Eustelle.)
Thực hành – Chúng ta hãy cố gắng tỏ ra trong đời sống sự khiêm nhường của Chúa Giêsu và Mẹ Thánh Ngài.
Hoa thiêng – Ôi Bồ câu trinh khiết, con chúc tụng Mẹ, người đã đem lại cho chúng con cành Ôliu, và loan báo trước Chúa Giêsu Bánh thánh, Đấng sẽ cứu chúng con khỏi cơn Đại hồng thuỷ thiêng liêng.
7. KẾT THÚC (hát hoặc đọc):
Hát: Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa
ĐK: Linh hồn tôi tung hô Chúa, tung hô Chúa (í, a) thần trí tôi mừng vui vời vợi trong Đấng Cứu Chuộc tôi. Chúa đã dủ thương đoái nhìn phận hèn tôi tớ. Vì vậy đến muôn đời, sẽ khen tôi đầy ơn, sẽ khen tôi đầy phúc, sẽ khen tôi muôn đời, đến muôn đời, đến muôn đời.
1. Đấng toàn năng đã làm cho tôi những việc cao trọng Danh Người là Thánh. Lượng từ ái trải qua từ đời nọ đến đời kia, hằng bao bọc những ai kính sợ Người.
2. Chúa biểu dương sức mạnh oai phong tiêu diệt tơi bời những phường tự đắc, bọn quyền quý tự kiêu, Ngài triệt hạ khỏi tòa cao và nâng dậy những ai ở khiêm nhường.
3. Lũ giàu sang đuổi về tay không, những người thanh bần ban đầy hồng phúc. Người đã nhớ lời hứa mà độ trì Ít-ra-en cùng tổ phụ Áp-ram với miêu duệ.
Đọc: Thánh Ca (Lc 1,47-55)
Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa
Thần trí tôi hớn hở vui mừng
Vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới ;
Từ nay hết mọi đời
Sẽ khen tôi diễm phúc.
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
Biết bao điều cao cả.
Danh Người thật chí thánh chí tôn !
Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh
Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
Người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
Như đã hứa cùng cha ông chúng ta.
Vì Người nhớ lại lòng thương xót
Dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
Và cho con cháu đến muôn đời.
Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con,
cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa,
tự muôn đời và chính hiện nay
luôn mãi đến thiên thu vạn đại. A-men.
****
Tài liệu trích dẫn:
1/ Kinh Thánh: Bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ
2/ Bài suy niệm và cầu nguyện: Nữ Đan Viện Đa Minh
3/ Thánh Pierre-Julien Eymard, Người Say Yêu Thánh Thể, bản dịch Việt ngữ của Đức Phương & Đức Nguyên, SSS; nguồn: danchuausa.net
4/ Bài hát: Thánh ca Cộng đồng
BAN CỔ VÕ KINH MÂN CÔI
DÒNG ĐA MINH VIỆT NAM
KINHMANCOI.NET
Đặc trách
Lm. FX. Trần Kim Ngọc, OP.