16. Sống Tình Thức

SỐNG TỈNH THỨC - NGHỀ BUÔN BÁN BỆNH TẬT

  •  
    Hong Nguyen -VIETTRAN - PHUOCVOVAN CHUYỂN

     
     
    NGHỀ BUÔN BÁN BỆNH TẬT
    Sau đây là một trích đoạn từ tác phẩm “Trò Chuyện Với Thiên Thần” của dược sỹ Trương Văn Dân (Italia).

    Thực phẩm chỉ là một phần của những tai ách hiện nay. Tôi  muốn nói với các bạn về dược phẩm, một thứ sản phẩm siêu lợi nhuận và nằm trong chính sách toàn cầu.

    Y, Dược, nghề cao quý nhất, nhưng nó đang biến thành một cỗ máy kiếm tiền!

    Cái xác phàm của nhân loại hiện nay chính là nguồn lợi kếch xù của bọn người kinh doanh trên sự sợ hãi: bệnh tật.

    Lãnh vực này hiện nay nằm trong tay các tài phiệt. Và họ bỏ rất nhiều tiền để tiếp thị hơn là nghiên cứu.

    Một thuật ngữ mới ra đời: Disease mongering (Nghề buôn bán bệnh tật). Hoạt động đơn giản: Chỉ cần hạ thấp các chỉ số như các chỉ số về bệnh tiểu đường, áp huyết máu, cholesterol... hoặc chẩn đoán các tình trạng tinh thần nào đó như buồn rầu, hồi hộp, nhút nhát... rồi cho là “bất thường” thì số lượng “bệnh nhân” trên toàn thế giới tăng vọt!
     
    PHÁT MINH RA BỆNH

    - Khi ủy ban “khoa học” Mỹ tái định nghĩa hypercholesterolemia (có cholesterol cao trong máu) và chỉ cần giảm chỉ số để các bác sĩ cho phép dùng thuốc thì số “bệnh nhân” đột ngột tăng 3 lần!

    - Chỉ trong năm 2016 công ty Pfizer đã chi 1,2 tỷ USD, theo sau là công ty Bristol Mayer Squibb chi 460 triệu USD để quảng cáo và tiếp thị thuốc!

    Nhưng đây chỉ là đỉnh của băng sơn. Trên thực tế rất nhiều các nhà khoa học hướng dẫn cách dùng thuốc đều hưởng lợi nhuận từ các hãng dược!

    Thông qua Disease mongering những trạng thái như buồn rầu, lo âu, hồi hộp... rất bình thường trong cuộc sống đã bị truyền thông hô biến thành bệnh (?) để làm mọi người sợ hãi, cảm thấy mình phải dùng thuốc. Các nhà khoa học chân chính nói rằng hiện nay có hơn 200 tình trạng tâm lý sẽ được xem là... bệnh lý và nghe ra thật buồn cười: lão hóa, buồn chán, hói đầu, tàn nhang, tóc bạc, kém xinh... Không ai nói với chúng ta là nỗi buồn là một phần của sự sống, và hàng thế kỷ trôi qua nó vẫn tồn tại để giữ một nhiệm vụ quan trong trong tâm sinh lý của con người.

    Dược phẩm, dù muốn hay không đều sẽ có tác dụng một cách nhân tạo vào trật tự sống của con người và tự nhiên.

    Bạn mất ngủ hả? Hãy uống thuốc ngủ! Mà có thật sự cần phải dùng thuốc không? Biết đâu không ngủ là một điều tuyệt vời. Thỉnh thoảng được thức giấc, mở cửa nhìn ra bầu trời đêm mà kẻ ngủ say sẽ không bao giờ biết.

    Đã có người nói: Ban ngày để sống còn ban đêm là để hiểu cuộc sống.

    Nhưng các tập đoàn dược chi ra số tiền càng ngày càng lớn cho việc bán thuốc “ảo”, kèm theo quà tặng, mời du lịch...

    Thí dụ bệnh tiểu đường type II, trước đây được xác định là đường huyết phải trên mức 140mg/dL. Năm 1997, ngạch mức trên bị Cơ quan y tế thế giới OMS rút xuống còn 126 mg/dL (7mmol/L)... Lập tức có thêm 1.700.000 người Mỹ được xếp vào danh sách bệnh nhân tiểu đường (suốt đời!).

    Cholestérol: Năm 1998, ngạch mức từ 240mg/dL bị rút xuống còn 200mg/dL. Lập tức xã hội Hoa Kỳ có thêm 42.600.000 bệnh nhân có cholesterol cao trong máu... Các nhà bào chế có thêm được 86% “khách hàng” mới.

    Thủ thuật khác để mua chuộc... phủ khắp từ bác sĩ đến các sinh viên y khoa sắp ra trường. Ba mươi năm trước, giám đốc hãng dược phẩm Merck, Henry Gadsen, đã từng trả lời trong một cuộc phỏng vấn: “Giấc mơ của chúng tôi là sản xuất thuốc cho những người khỏe mạnh. Làm được thế, chúng tôi có thể bán thuốc cho bất kỳ ai”. “Trên thế giới, chỉ có hai nhóm người: nhóm người đã bệnh rồi và nhóm người chưa biết họ bệnh”.
     
    MỘT NGHIÊN CỨU MỚI NHẤT TỪ NƯỚC PHÁP: 50% THUỐC LƯU THÔNG HIỆN NAY TRÊN THỊ TRƯỜNG LÀ VÔ ÍCH, 20% CÓ HẠI VÀ NHIỀU KHI NGUY HIỂM CHO NGƯỜI DÙNG.

    Ai cũng biết sức khỏe tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, khí hậu và thực phẩm chứ không phải vào thuốc men, cách chữa trị hay các kỹ thuật hiện đại. Hiện nay nhiều người hễ thấy khó chịu một chút là uống thuốc mà không biết rằng không có loại thuốc nào là không có tác dụng phụ, là “1 phần thuốc chứa 3 phần độc”. Ít người biết rằng không có bộ máy nào hoàn hảo hơn thiên nhiên. Và cơ thể con người có một cấu tạo đặc biệt. Việc chữa bệnh cho cơ thể là nhiệm vụ của hệ miễn dịch, vì thế nếu chúng ta lạm dụng thuốc thì đã vô tình “ngăn” hoạt động của hệ miễn dịch, làm hao mòn và dần dần mất đi thiên chức tự nhiên vốn có.

    Ngày xưa ai đi “khám” bác sĩ vì họ thấy trong người không khỏe, còn hôm nay khi bác sĩ gặp bệnh nhân là đề nghị: chúng ta hãy làm vài xét nghiệm để xem bạn có thật sự khỏe không?

    Vì thị trường đang rất cần những bệnh nhân mới.

    “Người mạnh khỏe là kẻ chưa biết mình bị bệnh!” Tâm đắc với quan niệm đó nên giám đốc bệnh viện San Raffaele ở Milano đã đưa ra dự án Quo vadis chăng? Hay bệnh viện... cho người khỏe mạnh: Thông qua một microchip điện tử được gắn dưới da các bác sĩ có thể thường xuyên và liên tục theo dõi tình trạng sức khỏe của “bệnh nhân” và sẵn sàng can thiệp và chữa trị trước khi bệnh làm phiền. Các chuyên gia sẽ cho ta biết trước khi bệnh xuất hiện và từ giờ cho đến lúc đó ta có thể vui chơi, đánh golf, đi du lịch, trượt tuyết, tắm biển... cho đến khi nhận được một tin nhắn, đại loại: “Khẩn cấp! Bạn cần trình diện ngay ở trung tâm ý tế gần nhất. Bệnh trĩ sắp xuất hiện!”.
     
    CÁC HÃNG THUỐC, CÁC BỆNH VIỆN, HỌ LÀ AI?

    Gần 80 năm đã trôi qua nên có thể quí vị không biết rằng văn phòng của Viện Đại học Frankfurt ở Đức ngày xưa chính là trụ sở chính của IG Farben.

    Đó là một nhà máy được độc quyền sản xuất hóa chất của Đức thời quốc xã. Là trung tâm kinh tài của Hitler nên trong suốt thời kỳ diệt chủng (Holocaust) nó là nơi cung cấp khí ngạt Zyklon-B cho chính phủ Đức để giết chết gần 6 triệu người Do Thái! Nó cũng là nơi cung cấp dân Do Thái để làm chuột bạch cho các thử nghiệm về độc tố và y học.

    Vì tham gia các tội ác chiến tranh nên sau 1945 phe đồng minh đã tịch thu và đóng cửa nhà máy. Thế nhưng, về sau nhà máy này đã được chia làm mấy phần và các đại công ty mua các phần lớn, chỉ chừa lại các phần nhỏ là Agfa, Basf và Bayer, trong khi công ty Hoechst được sáp nhập vào công ty Rhône-Poulenc của Pháp để cho ra đời công ty Sanofi Aventis hiện nay và có trụ sở ở Strasburg, nước Pháp.

    Tại Tòa án quốc tế Norimberga tất cả các lãnh đạo của IG Farben đều bị buộc tội diệt chủng, thiết lập chế độ nộ lệ và các tội ác khác nhưng chỉ sau một năm tất cả đều được trả tự do (?) nhờ thương lượng của bộ kinh tế Đức và sau đó họ đổi danh tánh để tham gia vào hệ thống kinh tế Đức hay các nước khác!

    Nhắc lại chuyện này tôi chỉ muốn nêu lên một thắc mắc: Một công ty được hình thành với triết lý sản xuất hơi ngạt giết người, có thể nào sau đó lại có thể sản xuất thuốc để trị bệnh, cứu nhân độ thế?

    Về sau công ty IG Farben đã tham gia vào các dự án của Hoa Kỳ trong việc sản xuất chất độc da cam dùng trong mục đích quân sự. Họ cùng lập nên công ty Chemagrow Corporation ở Kansas City, Missouri, và sử dụng các chuyên viên Mỹ và Đức nhằm phục vụ cho U.S. Army Chemical Corps.
    Tiến sĩ Otto Bayer, người từng giữ chức vụ nghiên cứu phát triển của IG Farben, đã cùng với tiến sĩ Gerhard Schrader đã thử nghiệm thành công phần lớn các vũ khí hóa học.
     
    MẶT TRÁI CỦA CÁC XÉT NGHIỆM Y KHOA

    Trong 10 năm trở lại đây, các yêu cầu xét nghiệm đã tăng lên 50%, tương đương với việc tăng thêm hàng triệu USD mỗi năm. Nhưng nhiều khi các phương pháp xét nghiệm đó gây hại cho con người nhiều hơn là mang lại lợi ích: đau đầu gối, đau lưng, tức ngực, và PSA (prostate specific antigen - kháng nguyên đặc hiệu tiền liệt tuyến) có thể dẫn đến ung thư tuyến tiền liệt! Bên cạnh đó, những dịch vụ xét nghiệm y tế rắc rối và đắt đỏ như chụp scan cắt lớp (CT- computed tomography) và chụp cộng hưởng từ trường (MRIs - magnetic resonance imaging) được sử dụng một cách rộng rãi nhưng không thực sự cần thiết.

    Trí thông minh là một vốn quý của con người nhưng tiếc thay nó đang là đồng lõa, biến con người trở nên biển lận, nhằm vơ vét tối đa.

    Một thứ khoa học không có nhân văn! Có kiến thức mà không nhân cách thì chẳng khác gì người tập lái xe chưa có bằng mà cứ băng băng chạy ra đường phố.

    Hiện nay trong cơn vật vã kiếm tiền, các bậc cha mẹ chẳng mấy ai “chơi” với con mà phó thác cho bà vú nuôi hay các thiết bị điện tử. Sự bỏ rơi ấy làm bé bị chấn động tâm lý, đói tình yêu... còn cha mẹ mang mặc cảm thiếu chăm sóc con nên bù trừ bằng sự nuông chiều và bằng tiền bạc, cho con ăn các món khoái khẩu được nhuộm phẩm màu thuộc bảng E độc hại.

    Ngày nay, bậc làm cha mẹ phải thú nhận là bất lực, không còn đủ khả năng để bảo vệ con trẻ trước những mối nguy của cuộc đời! Chỉ năm, mươi năm nữa thôi, bệnh ung thư sẽ bùng phát dữ dội nếu không kiểm soát, và nó sẽ xói mòn sức lực và đẩy bao gia đình xuống tận cùng của sự khốn khổ.

    Nghĩ thế, tự nhiên lòng tôi chùng xuống. tôi không dám hình dung tương lai sẽ về đâu nếu con người không thay đổi...

    (Trích tác phẩm “Trò Chuyện Với Thiên Thần” Chương 37)

    Dược sỹ TRƯƠNG VĂN DÂN

     

    --
     

SỐNG TỈNH THỨC - THẾ GIỚI SẼ TÂN CÙNG THẾ NÀO?

  •  
    phung phung
     

    Thế giới sẽ tận cùng thế nào?

    Houston hôm nay trời lạnh, ước mong bạn cảm nhận được hơi ấm của bình an, của tình thương trong lòng hôm nay nhé. Đừng quên cầu nguyện cho nhau và cho nền hoà bình trên thế giới.

    Cha Vương

     Thứ 4: 26/10/2022

    GIÁO LÝ: Thế giới sẽ tận cùng thế nào? Khi tận thế, Thiên Chúa sẽ tạo dựng một trời mới đất mới. Sự dữ sẽ không còn quyền lực hay quyến rũ nữa.

    Những ai được cứu rỗi sẽ chiêm ngưỡng Thiên Chúa mặt đối mặt như bạn hữu của Người. Niềm ước mong hòa bình và công lý của họ sẽ được thỏa mãn. Hạnh phúc của họ là được chiêm ngắm Chúa. Thiên Chúa Ba Ngôi sẽ ở giữa họ, sẽ lau khô mọi giọt lệ trên mắt họ: sự chết sẽ không còn nữa, và cũng không còn tang chế, khóc lóc, và đau khổ nữa. (YouCat, số 164)

     SUY NIỆM: Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất. Đấng ngự trên ngai phán: Này đây Ta đổi mới mọi sự. Rồi Người phán: Ngươi hãy viết: Đây là những lời đáng tin cậy và chân thật. (Kh 21.4-5) (YouCat, số 164 t.t.)

     

     LẮNG NGHE LỜI CHÚA: Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời. (Mc 13:27)

     

     CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin thương ban cho con niềm hy vọng vào Lời Hứa và lời Chúa căn dặn để con biết sống từng giây phút hiện tại với lòng trông cậy, tin yêu và phó thác tuyệt đối vào Chúa để một ngày nào đó được tận hưởng niềm hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa.

     

     THỰC HÀNH: Nếu bạn có một ngày nữa để sống, bạn cần phải là gì? Tập kết hiệp với Chúa qua lời kinh tiếng hát thay vì lướt mạng.

    From: Đỗ Dzũng

     

SỐNG TỈNH THỨC - VIẾT CÁO PHÓ CHO CHÍNH MÌNH

  •  
    Chi Tran - LEYEN

     
     
     
     
     


     

    VIẾT CÁO PHÓ CHO CHÍNH MÌNH

     

    Việc đầu tiên trong di chúc tâm linh là cố nắm bắt điều này. Thiên Chúa muốn tôi làm gì trong cuộc đời? Tôi đã làm tốt hay tệ việc đó?

     

    Sẽ đến thời chúng ta không còn viết sơ yếu lý lịch nhưng bắt đầu viết cáo phó cho mình. Tôi không chắc ai là người nói câu đó đầu tiên, nhưng nó hàm chứa một khôn ngoan.

     

    Sơ yếu lý lịch và cáo phó khác nhau ở điểm nào? Sơ yếu nói lên những thành tựu của bạn, cáo phó thể hiện cách bạn muốn được tưởng nhớ và những điều tốt lành nuôi dưỡng nào bạn muốn để lại. Nhưng chính xác làm thế nào để viết được cáo phó sao cho nó đừng chỉ là một phiên bản kiểu khác của lý lịch? Tôi xin đưa ra gợi ý thế này.

     

    Trong do thái giáo, có truyền thống là hằng năm, một người trưởng thành phải đưa ra một di chúc tâm linh. Ban đầu, nó là kiểu di chúc thông thường, tập trung vào việc mai táng, phân chia tài sản, cách xử lý những việc còn dang dở trong đời mình về mặt pháp lý và thực tế. Tuy nhiên, qua thời gian, nó biến đổi thành dạng di chúc tập trung hơn vào việc xem lại đời mình, nêu bật những gì quý báu nhất đời, những hối hận và xin lỗi thật tâm, những lời chúc phúc cho những người mà mình muốn có lời từ biệt thật đặc biệt. Di nguyện này được xem lại và viết lại hàng năm, cuối cùng là được đọc to trong tang lễ như là lời cuối cùng chúng ta muốn để lại cho người thân yêu.

     

    Đây có lẽ là một việc làm rất hữu ích cho chúng ta, trừ việc di chúc này không phải viết ra để đưa cho luật sư, nhưng trong tinh thần cầu nguyện, gửi gắm cho một linh hướng, một cha giải tội đang giúp chúng ta. Vậy di chúc tâm linh này nói đến những chuyện gì?

     

    Nếu bạn đang cần những ví dụ, thì tôi xin đưa ra tác phẩm và những bài viết của Richard Groves, đồng sáng lập Trung tâm Nghệ thuật Thiêng liêng của Đời sống. Trong hơn 30 năm ông làm việc trong lĩnh vực tâm linh cuối đời và cho chúng ta một vài hướng dẫn rất hữu ích về việc lập một di chúc tâm linh và đều đặn làm mới nó. Di chúc tâm linh tập trung vào ba điểm này.

     

    Thứ nhất: Trong cuộc đời, Thiên Chúa muốn tôi làm gì? Tôi đã làm chưa? Tất cả chúng ta đều có một vài ý thức về ơn gọi, ý thức mình có một mục đích khi tồn tại trên đời, ý thức mình đã được giao nhiệm vụ để hoàn thành trong đời. Có lẽ chúng ta chỉ nhận thức thoáng qua về nó, nhưng với một mức độ nào đó, mỗi một chúng ta đều ý thức về một bổn phận và mục đích nào đó. Việc đầu tiên trong di chúc tâm linh là cố nắm bắt điều này. Thiên Chúa muốn tôi làm gì trong cuộc đời? Tôi đã làm tốt hay tệ việc đó?

     

    Thứ hai: Tôi cần phải nói lời xin lỗi với ai? Tôi có những điều gì hối tiếc? Cũng như người khác đã làm tổn thương ta, thì chúng ta cũng có thể làm tổn thương người khác. Trừ phi chết trẻ, tất cả chúng ta đều từng mắc sai lầm, từng làm tổn thương người khác và làm những việc mà mình hối tiếc. Một di chúc tâm linh là xác định việc này với một lòng thành thật tận cùng và hối hận sâu sắc. Chúng ta không bao giờ có tấm lòng cao cả, cao thượng, sùng tín và xứng đáng được tôn trọng hơn, khi chúng ta quỳ gối chân thành nhận ra điểm yếu của mình, xin lỗi và hỏi xem chúng ta cần làm gì để sửa chữa.

     

    Thứ ba: Trước khi qua đời, tôi muốn chúc phúc và trao lại món quà nuôi dưỡng cụ thể cho ai? Chúng ta được gần giống Thiên Chúa (truyền năng lượng thần thiêng vào cuộc đời) những khi chúng ta ái mộ người khác, tán thành người khác, cho họ những gì chúng ta có thể làm để giúp cuộc đời họ tốt hơn. Nhiệm vụ của chúng ta là làm việc này cho tất cả mọi người, nhưng chúng ta đâu thể làm cho tất cả, nên chúng ta làm cho một số người, và là những người cụ thể. Trong di chúc tâm linh, chúng ta có dịp để nói lên những người mà chúng ta muốn chúc phúc nhất. Khi tiên tri Ê-li mất, người hầu cận ngài là tiên tri Ê-li-sê nài xin ông để lại cho mình “phần gấp đôi” thần trí của ông. Khi chết, chúng ta phải để lại tinh thần của mình làm của nuôi dưỡng cho tất cả mọi người, nhưng có những người cụ thể mà chúng ta muốn để lại “phần gấp đôi”. Trong di chúc này, chúng ta nêu lên những người đó là ai.

     

    Trong quyển sách đầy thách thức: Bốn điều quan trọng nhất (The Four Things That Matter Most), bác sĩ Ira Byock, người chăm sóc cho những người hấp hối, nói rằng có bốn điều chúng ta cần nói với những người thân yêu trước họ khi qua đời. “Xin tha thứ cho tôi”, “Tôi tha thứ cho bạn”, “Cám ơn”, và “Tôi yêu bạn”. Ông nói đúng, nhưng với những chuyện chẳng ngờ, những căng thẳng, tổn thương, đau lòng và thăng trầm trong tình cảm, kể cả với những người mà chúng ta yêu thương nhất, không phải lúc nào cũng dễ (và đôi khi là bất khả thi) nói ra những lời này cách rõ ràng nhất.

       Một di chúc tâm linh cho chúng ta cơ hội, để nói những lời này với tâm tư vượt lên những căng thẳng thường che mờ tình cảm giữa chúng ta, và ngăn chúng ta nói rõ những lời quan trọng này, để rồi ở tang lễ, sau những lời điếu văn, chúng ta sẽ không còn chuyện gì dang dở.

     

    Ronald Rolheiser,

    J.B. Thái Hòa dịch

     

SỐNG TỈNH THỨC - ĐỪNG TỰ LỪA DỐI MÌNH

  •  
    Chi Tran - LEYEN

     
     
     
     
     


    NHỮNG LỪA DỐI MÀ MA QUỈ THƯỜNG ĐẶT VÀO TÂM TRÍ CÁC TỘI NHÂN
     
    ĐỪNG TỰ LỪA DỐI MÌNH.
    I. Cứ phạm tội đi, ta sẽ xưng tội mai sau.
    Chúng ta hãy tưởng tượng một thanh-niên đã sa ngã phạm nhiều tội trọng, nhưng đã xưng tội và được lại ơn nghĩa với Chúa. Ma quỷ lại đến cám-dỗ, anh ta chống trả, nhưng lại do-dự vì những cám-dỗ của ma quỷ.
    Này bạn, bạn hãy nói cho tôi biết, bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ làm mất Ơn Thánh của Chúa quý hơn các ngọc ngà ở trần gian, mà bạn vừa được lại sao? Bạn sẽ tự tay viết chính bản án, đày bạn xuống biển lửa đời đời sao? Nhất định bạn sẽ khẳng-khái trả lời “không”. Bạn không bao giờ muốn kết án bạn, trái lại, bạn rất muốn được cứu-rỗi. Nhưng ma quỷ lại rỉ tai bạn: “Nếu tôi phạm tội, tôi sẽ đi xưng tội ngay sau đó.”
    Hãy nhớ rằng, đó là bước lừa dối đầu tiên. Vì lúc phạm tội bạn đã đánh mất linh hồn bạn.
    Bạn hãy nói cho tôi biết, nếu bạn giữ trong tay một đồ trang sức đáng giá cả trăm ngàn đô-la, bạn có dại dột quăng vào sông và tự nhủ rằng bạn sẽ hy-vọng tìm lại ngay sau đó? Hiện bạn đang giữ trong tay linh hồn bạn, quý giá hơn cả ngọc ngà châu báu ở trần gian, vì đã được chuộc lai bằng máu cực châu báu của Chúa.
    Bạn có tự ý ném hồn bạn vào biển lửa đời đời với hy-vọng sẽ tìm lại nhờ phép cáo-giải sao? Không tìm lại được thì sao? Vì muốn tìm lại cần phải có ơn Chúa để thống-hối thật tình. Nếu Chúa không đổ ơn xuống cho bạn nữa để thống-hối thì sao? Nếu giờ chết đến bất thình lình và bạn không đủ thì giờ xưng tội nữa thì sao?
    Bạn nói rằng, bạn sẽ xưng tội vào tuần tới, nhưng ai đã hứa với bạn rằng chắc chắn bạn sẽ sống hết tuần tới? Bạn nói bạn sẽ xưng tội ngày mai? Thánh Au-gus-ti-nô đã nói: “Thiên-Chúa không hứa với bạn để bạn sống đến ngày mai. Có thể Ngài cho bạn sống, cũng rất có thể không. Không thiếu gì người chiều tối lên giường ngủ và ngày mai lại còn lại cái xác không hồn. Cũng không thiếu người đã chết ngay sau khi phạm tội và vào biển lửa thiêu đốt đời đời.”
    Bạn ạ, trường hợp đó có thể xảy đến cho bạn, làm sao bạn sửa lại được cuộc sống khốn-cực muôn kiếp trong hỏa ngục? Biết bao người đã bị lừa dối với câu: “Ngày mai tôi sẽ đi xưng tội” và ma quỷ đã kéo họ xuống vực thẳm đời đời. Biết bao người đã liều mình phạm tội với hy-vọng sẽ xưng tội ngày mai và đã hư mất, không bao giờ sửa lại được nữa.
    II. Không đủ sức mạnh chống lại chước cám dỗ.
    Ma quỷ thường cho ta có ấn-tượng rằng, xác thịt ta quá nặng nề và cơn cám-dỗ quá mạnh, ta không đủ sức chống lại đâu. Thánh Phaolồ đã nói với chúng ta: “Thiên-Chúa là Đấng trung-tín. Ngài không để anh chị em phải cám-dỗ quá sức anh chị em, và còn giúp anh chị em chịu đựng và chống trả khi bị cám dỗ.” (1Cô-rin-tô. 10 :13)
    Cho tôi được hỏi bạn: Nếu ngay bây giờ bạn không tự tin mình có đủ sức mạnh chống trả, thì làm sao bạn hy-vọng sẽ chống trả nổi sau này? Thế rồi, ma quỷ sẽ tiếp tục cám-dỗ bạn phạm các tội-lỗi khác. Nếu bạn tiếp tục thua, thì địch thù ngày càng mạnh và bạn ngày càng yếu.
    Nếu bạn tự cảm thấy hiện giờ bạn chưa thể dập tắt ngọn lửa tội-lỗi đó, làm sao bạn lại hy-vọng sẽ dập tắt được khi ngọn lửa đó càng lúc càng mạnh hơn? Hoặc bạn nói, Chúa sẽ giúp tôi, thì Chúa đang giúp bạn ngay bây giờ mà, sao bạn không lâm chiến với tinh thần dũng-cảm, tay nắm chắc khí-giới sắc bén là ơn phù-trợ của Chúa? Hay bạn hy-vọng Chúa sẽ tăng-cường trợ-lực cho bạn, khi bạn tăng thêm tội lỗi à? Nếu bạn không tự vận-dụng ý-chí và sức mạnh trước, sao cứ ỷ lại vào Chúa mà thôi?
    Sao bạn lại nghi ngờ lòng trung-tín của Chúa khi Ngài phán: “Hãy xin thì sẽ được” (Mát-thêu 7 :7)
    Thiên-Chúa không bao giờ thất tín. Hãy chạy đến với Ngài, Ngài sẽ ban cho bạn đầy đủ sức mạnh để vượt thắng kẻ thù.
    Công-đồng Tờ-ren-ti-nô đã dạy: “Chúa không đòi hỏi ai làm những việc, mà họ không thể làm được. Nhưng Chúa khuyên bảo chúng ta hãy làm những gì có thể làm được, và xin Chúa phù-giúp những gì quá sức ta…”
    Nếu cảm thấy cơn thử thách quá lớn lao, chúng ta hãy vững tâm xin Chúa tăng thêm ơn trợ-giúp, Ngài nhất định sẽ cho chúng ta đủ sức mạnh vượt thắng quân thù.
    LỜI NGUYỆN CẬY TRÔNG,
    Lạy Chúa, có phải vì Chúa quá tốt lành với con, để con bạc nghĩa với Chúa sao? Con chạy xa Chúa và Chúa hằng chạy theo con. Làm sao để ánh sáng Chúa chiếu dõi trên con? Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ Chúa, và đời đời con phải cảm tạ Chúa trên thiên-đàng.
    Chúa đã đổ máu cực châu-báu để cứu-chuộc con, Chúa hằng tha thứ cho con, nên con đặt tất cả niềm hy-vọng vào Chúa. Con thà chết trăm ngàn lần, chẳng thà làm mất lòng Chúa thêm nữa.
    Con phản-bội Chúa quá lắm rồi, nay con xin dành cuộc đời còn lai của con để yêu mến Chúa. Chúa đã chết để cứu-chuộc con, Chúa lại kiên-nhẫn chờ đợi con, mặc cho những xúc-phạm của con đối với Chúa.
    Lạy Chúa, con hết lòng ăn-năn; con muốn chết đi vì sầu-khổ tội-lỗi. Trước đây, con đã quay lưng lại với Chúa, nay bù lại, con xin yêu-mến Chúa hết lòng.
    Lạy Chúa Cha hằng có đời đời, vì công-nghiệp của Chúa Giêsu, xin đoái nhìn đến đứa tội-nhân này đang khát-khao yêu mến Chúa.
    Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ bầu-cử với Con Mẹ, ban cho con những ơn cần thiết, để con đừng bao giờ xúc phạm đến Con Mẹ nữa.
    Tác giả: Thánh An-Phong-Xô Li-go-ri
    (Phêrô Bùi-Đắc-Hữu, dịch)
     
     
     

     

     
     

SỐNG TỈNH THỨC - XIN ƠN NHÌN THẤY

  •  
    Chi Tran -LEYEN
     
     
     
     
     


    XIN ƠN NHÌN THẤY ĐƯỢC
    1/ MỘT BÀI KIỂM TRA MẮT
    Cha De Mello kể một câu chuyện có thể giúp chúng ta kiểm tra tình trạng mù lòa của mình về tâm linh. Một ẩn sĩ hỏi các đệ tử của mình: “Khi nào thì ngươi biết đêm đã kết thúc và trời rạng sáng?” Người đệ tử thứ nhất nói:
    “Tôi nghĩ rằng trời sáng khi tôi có thể phân biệt một cây sồi với một cây phong.” Vị ẩn sĩ nói: “Không.” Người đệ tử thứ hai trả lời: “Tôi biết trời sáng khi tôi có thể phân biệt một con bò với một con cừu ở một khoảng cách xa.” Một lần nữa, vị ẩn sĩ không đồng ý. Người thứ ba trả lời: “Trời sáng khi không còn thấy ngôi sao nào trên nền trời trong xanh.” “Đó cũng là một câu trả lời sai,” vị ẩn sĩ nói. Sau đó, ông giải thích: “Chúng ta biết được trời sáng khi có thể nhận ra một người là con trai hay con gái của Chúa, và do đó, họ là anh chị em của tôi.”
    2/ XIN ƠN NHÌN THẤY ĐƯỢC
    Một người đàn ông và con trai đi cắm trại trên núi. Họ thuê một hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm dẫn họ vào tận giữa khu rừng rộng mênh mông. Họ được nhìn ngắm những danh lam thắng cảnh trên núi mà bản thân họ chưa bao giờ thấy.
    Người hướng dẫn lớn tuổi đó liên tục chỉ ra vẻ đẹp và những điều kỳ diệu mà người qua đường có thể không bao giờ nhận ra. Chàng trai trẻ bị cuốn hút bởi khả năng của người hướng dẫn nhìn thấy rất nhiều cảnh vật lạ lùng xung quanh. Một lúc nọ, chàng trai bị ấn tượng đến nỗi thốt lên: “Cháu cá là ông thậm chí còn nhìn thấy được cả Chúa ở đó nữa.” Người hướng dẫn già mỉm cười trả lời:
    “Con ơi, khi cuộc sống ngày càng trôi qua, con càng khó nhìn thấy bất cứ thứ gì khác ngoài Chúa ở đó.” (Jack McArdle từ And That’s the Gospel Truth! Trích dẫn bởi cha Botelho).
    * Vì thế chúng ta cũng hãy xin với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, xin cho con nhìn thấy được…” (Mc 10,51)
    3/ KHÔNG MUỐN NHÌN THẤY
    Câu chuyện này xảy ra trước khi bắt đầu Chiến tranh thế giới thứ hai. Một người đàn ông đưa vợ sắp sinh, đi sinh ở một bệnh viện Công giáo. Trước mặt người phụ nữ là một cây thánh giá treo trên tường trong phòng của chị ta.
    Người đàn ông không tin Chúa nói với cô y tá: “Hãy mang cây thánh giá đó đi. Tôi không muốn đôi mắt của đứa con sắp chào đời của tôi nhìn thấy Chúa”. Rồi đứa bé được sinh ra trong đêm đó; và vào buổi sáng, người cha vô thần hỏi y tá: “Con trai tôi thế nào?” “Cậu ấy ổn,” y tá trả lời, “nhưng cậu ấy sẽ không bao giờ nhìn thấy Chúa.”
    Người cha nói: “Đó đúng là mong muốn của tôi”. Y tá nói thêm: “Đó là mong muốn rất độc ác nhưng nó đã được đáp ứng: đứa trẻ bị mù bẩm sinh!” (Theo cha Benitez).
    4/ HỒNG ÂN ĐƯỢC NHÌN THẤY
    Helen Keller là một phụ nữ rất dũng cảm, bà đã truyền cảm hứng cho nhiều người trong tình trạng vừa điếc vừa mù của mình.
    Trong một bài báo có tựa đề Ba ngày để xem, bà phác họa những điều bà muốn nhìn thấy nếu trong ba ngày được khôi phục thị lực. Đó là một bài báo có âm hưởng mạnh mẽ, mời gọi nhiều người suy nghĩ. Bà nói, vào ngày đầu tiên, bà muốn gặp bạn bè. Ngày thứ hai, bà sẽ dành để ngắm nhìn thiên nhiên. Ngày thứ ba, bà muốn ở lại trong thành phố quê hương New York, ngắm nhìn thành phố bận rộn hối hả trong một ngày sinh hoạt của nó. Bà kết luận bài báo bằng những lời sau:
    “Tôi là người mù có thể đưa ra một gợi ý cho những người còn được nhìn thấy: hãy sử dụng đôi mắt của bạn như thể ngày mai bạn sẽ không còn được nhìn thấy ánh sáng…”
     
    Quả thật, bệnh mù trong thế kỷ 20 còn tồi tệ hơn nhiều so với thời Chúa Giêsu. Bởi thế một trong những sứ vụ của Đấng Messia là mở mắt người mù. Khi Chúa Giêsu công bố sứ mệnh cứu thế của mình, Người nói: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi…Ngài sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn…và cho người mù được sáng mắt” (Lc 4,18).
    Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm