1. Hôn Nhân & Gia Đình

HÔN NHÂN VA GIA ĐÌNH CẦN SỐNG ĐẠO

SỐNG ĐẠO TRONG GIA ĐÌNH
 
Ý nghĩa của sống đạo trong gia đình

 
Chúa Giêsu bảo: "Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên Trới là Đấng hoàn thiện" (Mt 5, 48) . Lập gia đình chính là ơn gọi, Chúa ban cho vợ chồng để cùng nhau và nhờ nhau nên hoàn thiện. Vậy, sống đạo trong gia đình là sống sự nên hoàn thiện, như Chúa Giêsu bảo. Sống đạo trong gia đình không đòi hỏi những nỗ lực thánh thiện qúa sức, nhưng là sống chu toàn sứ mệnh Thiên Chúa giao phó cho đôi vợ chồng, khi Ngài kết hợp bằng Phép Hôn Phối.

Sứ mệnh của gia đình công giáo

ĐTC Gioan-Phaolô II viết : "Trong Giáo Hội, gia đình là một giáo hội thu nhỏ, là nơi tiếp nhận và loan báo Lời Chúa. Mọi đôi bạn phải là sứ giả của tình yêu và sự sống, như một dấu hiệu sáng chói của sự hiện diện của Chúa Kitô và tình yêu của Ngài, đối với những ai còn ở xa, đối với những gia đình chưa tin và cả đối với những gia đình Kitô hữu không sống cách phù hợp với đức tin họ đã tiếp nhận." (1982)

Cách thức chu toàn sứ mệnh

Thánh Công Đồng Vatican II dạy : "Gia đình sẽ chu toàn được sứ mệnh đó nếu gia đình tỏ ra như một đền thờ của Giáo Hội trong nhà mình, nhờ yêu thương nhau và cùng nhau dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa, nếu tất cả gia đình cùng tham dự vào việc phụng vụ của Giáo Hội, và sau cùng nếu gia đình tỏ ra hiếu khách và cổ võ đức công bằng cũng như những việc thiện khác giúp các anh em đang túng thiếu" (Sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân, chương11d). Theo Thánh Công Đồng, sống đạo trong gia đình gồm ba điểm: Gia đình trở nên một đền thờ Thiên Chúa, nhờ yêu thương nhau và cùng nhau cầu nguyện; Tất cả gia đình của đôi bạn, cùng nhau tham dự vào việc phụng vụ của Giáo Hội; Gia đình làm tông đồ bằng tiếp đón, bằng sống đức công bình và bác ái đối với người anh em khác. Sau đây, chúng ta tìm hiểu ba điểm căn bản, giúp chúng ta sống đạo trong gia đình, để nhờ đó chúng ta nên hoàn thiện như Chúa Giêsu muốn.

1. Gia đình trở nên đền thờ Thiên Chúa.

Làm thế nào đây ? Việc thực tế đầu tiên là cung hiến nhà mình ở cho Thiên Chúa. Vợ chồng xin Linh mục làm phép nơi ăn chốn ở của mình, dù đó là một căn phòng chật hẹp hay một biệt thự lộng lẫy. Sau đó, vợ chồng xin dâng mình cho Chúa và xin Chúa làm chủ gia đình mình. Từ đó Chúa Giêsu hiện diện giữa đôi lứa và Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn đời sống của gia đình. "Sự hiện diện của Chúa Giêsu làm cho sự hiệp nhất của đôi bạn trở nên trọn vẹn : hiệp nhất thể xác, tình yêu, tinh thần và thiêng liêng." (Đường Hy Vọng, số 489)
Thánh Phêrô nhắc nhở : "Như những người con biết vâng phục, anh em đừng chiều theo những đam mê trước kia, lúc anh em còn mê muội. Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nếp ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em. Vì có lời Kinh Thánh chép rằng : hãy sống thánh thiện vì Ta là Đấng Thánh" (1 P 1,14-16). Vậy thì,


a) Yêu thương nhau

Vợ chồng có yêu thương nhau mới làm gia đình nên ngôi thánh đường của Giáo Hội. Nhưng chúng ta yêu nhau với tình yêu nào ? Đấy là điều chúng ta luôn luôn cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng, trong suốt cuộc đời vợ chồng.

Một văn hào Pháp viết về tình yêu con người, như thế này: “Bạn nói bạn yêu chim và bạn nhốt chúng vào lồng. Bạn nói bạn yêu hoa và bạn cắt chúng đi. Bạn nói bạn yêu cá và bạn ăn chúng. Cho nên, khi bạn nói bạn yêu tôi, tôi thấy sợ! “. Đối với người đời, yêu là như thế. Yêu là chiếm đoạt lấy cho mình để rồi giảm thiểu hay hủy hoại kẻ mình yêu. Lối yêu thương ấy đáng sợ vì gây bao đau thương và chết chóc.
 

b) Xin lỗi và tha thứ

Trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, không phải là một ngẫu nhiên mà sau dụ ngôn "tên mắc nợ không biết thương xót" (Mt 18,23-35), thánh Mátthêu lại đề cập đến "vấn đề vợ chồng không có quyền ly dị" (Mt 19,1-9). Trong dụ ngôn "tên mắc nợ không biết thương xót", Chúa đưa ra sự chênh lệch giữa mười ngàn nén vàng và trăm quan tiền (giữa 600.000FF và 1 FF) để ta có được một ý niệm cụ thể về lòng thương xót của Chúa đối với ta, và về hành động yêu thương ta phải có, để giao hòa với người bạn đời của ta. Thánh Âu-cơ-tinh nói: "Chúng ta thường có ước muốn thương yêu rất lớn và khã năng thương yêu rất hạn hẹp". Nhưng Chúa Thánh Thần sẽ đổ tràn tình yêu vào lòng chúng ta, nếu chúng ta biết sống khiêm nhường để xin lỗi nhau, và biết sống yêu thương để tha thứ cho nhau. Đó là một chuyển động tình yêu làm rộng mở cõi lòng chúng ta, làm tình yêu vô tận của Thiên Chúa tràn vào được đời sống vợ chồng chúng ta.
Trong thơ gởi tín hữu Êphêsô, thánh Phaolô viết: "Bởi thế, một khi đã cởi bỏ sự gian dối, mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người thân cận, vì chúng ta là phần thân thể của nhau. Anh em nổi nóng ư ? Đừng phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn. Đừng để ma qủy thừa cơ lợi dụng". (Ep 4, 25-27).
 

Có lắm lúc, tình yêu vợ chồng gặp phải những trở ngại. Chính đấy là những lúc phải xử dụng ơn tha thứ Thiên Chúa ban cho và sự khiêm nhượng nhận biết lỗi lầm.

c) Cầu nguyện

Nghĩ kỹ lại, được sinh ra làm người, như thế này, đã là một ơn phước trọng đại. Lại được Rửa Tội, được nuôi dưỡng trong Giáo Hội Chúa..., thì thật bao nhiêu là ơn phước! Nói cách khác, không có ơn Chúa, con người không thể nào hình thành và triển nở được. Đời sống gia đình lại còn cần nhiều ơn Chúa hơn nữa. Ơn Chúa luôn chan chứa đầy tràn. Nhưng muốn lãnh nhận được chỉ có cách là cầu nguyện thôi.

Một cách cầu nguyện sinh nhiều hoa trái vững bền là học hiểu và thực hành Lời Chúa. Phúc Âm phải được đọc thường xuyên nhất trong gia đình. Vì khi vợ chồng cùng nhau đọc và tìm hiểu Phúc Âm, Chúa Thánh Thần sẽ thân hành dạy họ, dẫn dắt họ trên con đường hoàn thiện.

Đọc Phúc Âm trong gia đình không phải là điều khó thực hiện, nếu đôi bạn, hằng ngày để ra ít phút thôi, vào buổi tối sau bữa ăn chẳng hạn. Cùng nhau đọc một đoạn Phúc Âm. Rồi thinh lặng suy niệm, rồi tự phát cầu nguyện, cầu cho chính mình, cho người bạn đời, cho các người mình trách nhiệm, cho con cái, cho người thân yêu, cho công cuộc tông đồ của gia đình...

Những giây phút cùng nhau cầu nguyện, thật là đẹp, thật là huyền diệu. Làm cho tình vợ chồng, cha mẹ con cái nên keo sơn thắm thiết, vì tất cả gia đình được liên kết mật thiết với Chúa. Đấy là giây phút mà Lời Chúa thấm nhập tận nơi sâu thẳm của tâm linh đôi bạn, chữa lành mọi vết thương đau. Cũng là giây phút bên nhau cùng nghỉ ngơi trong Chúa, phó thác mọi sự cho Ngài và được Ngài bồi dưỡng lại sức sau một ngày lao nhọc.
 
 

3. Gia đình làm tông đồ

Có thể nói, Giáo Hội được Chúa Giêsu khai sinh là để làm tông đồ. Làm tông đồ là làm cho Nước Chúa rộng mở trên khắp hoàn cầu. Để nhờ đó, Ơn Cứu Rổi được mang đến cho mọi người. "Những việc trong gia đình cũng như những việc ngoài xã hội, không được tách rời khỏi động lực siêu nhiên của cuộc sống, theo lời thánh Tông Đồ Phaolô: "hết thảy công việc anh em làm trong lời nói hay việc làm, hãy nhân danh Chúa Giêsu Kitô mà thực hành, nhờ Người để cảm tạ Chúa Cha là Thiên Chúa" (Cl 3, 17) " (Tông Đồ Giáo Dân 2 và 4). Nhờ nhân danh Chúa Giêsu, mà việc tông đồ là việc làm cho chúng ta nên hoàn thiện cao độ nhất.

a) Sứ giả của tình yêu và sự sống.

Đối với đôi bạn, làm tông đồ trước hết, là làm "sứ giả của tình yêu và sự sống". Là sứ giả của tình yêu, giữa đôi bạn phải có tình yêu vợ chồng bất khả phân ly. Là sứ giả sự sống, đôi bạn phải yêu sự sống, phải có ước muốn truyền lại sự sống và bảo vệ sự sống. Để rồi, bằng đời sống vợ chồng như thế, tỏ cho mọi người biết Nước Trời đang ở giữa họ.
Làm tông đồ của bậc cha mẹ, là bằng nhiều gương sáng hơn là bằng nhiều lời nói, huấn luyện con cái mình biết kính nể Thiên Chúa, biết yêu mến Giáo Hội Ngài và ham chuộng làm việc tông đồ.

b) Làm tông đồ bằng tiếp đón

Trong sách Đường Hy Vọng, viết: "Gia đình công giáo làm tông đồ bằng tiếp đón. Mở rộng nhà các con và đồng thời mở rộng lòng các con. Nhà nào lại không có khách ? Tiếp đón là cách thế tiện nhất, tự nhiên nhất, để làm chứng tích về tình yêu, về sự hiệp nhất, về niềm vui, về cởi mở... Nghệ thuật tiếp đón sẽ trở nên tông đồ tiếp đón. Các con hãy sống và làm cho những ai đến gia đình các con đều thèm sống như các con. " (ĐHV. 503)

c) Sống đức công bình và bác ái

Về điều này, Thánh Công Đồng Vatican II dạy: "Trong các việc tông đồ của gia đình, cần phải kể đến những việc như: nhận làm con nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi, ân cần tiếp đón những khách lạ, cộng tác với học đường, khuyên bảo và giúp đỡ thanh thiếu niên, giúp những người đã đính hôn chuẩn bị cho việc hôn nhân của họ được tốt đẹp, giúp dạy giáo lý, nâng đỡ những đôi vợ chồng cũng như những gia đình khi họ gặp khó khăn về vật chất hay tinh thần, lo cho những người già cả không có những điều kiện cần thiết, mà cung cấp cho họ những tiện nghi chính đáng của tiến bộ kinh tế." (Tông Đồ Giáo Dân 11d).

Trên thực tế, đôi bạn làm việc tông đồ, bằng cách tha thiết tham gia sinh hoạt các Hội Đoàn của Giáo Xứ. Vì Giáo Xứ là Giáo Hội của Chúa, một công cụ Ngài dùng để cứu rỗi sinh linh, trong một địa bàn hoạt động nào đó của Giáo Xứ. Làm mạnh Giáo Xứ là làm mạnh công trình tay Chúa. Sống cho Giáo Xứ là sống cho Chúa Giêsu.

Kết luận
 

"Thầy đây, đừng sợ" (Ga 6, 20). Có Chúa Giêsu hiện diện, có Chúa Thánh Thần dẫn dắt, gia đình của anh chị sẽ sáng chói, để nên như dấu hiệu của Ánh Sáng Phục Sinh giữa những con người thế trần. Thế trần càng tối tăm, càng phũ phàng, dấu hiệu sáng chói của anh chị lại càng cần thiết, càng cấp bách hơn, cho nhiều người đang còn bị tối tăm bao phủ.

Linh Mục Inhaxiô Nguyễn Văn Thạch
------------------------------
 

   

CÁC BÀI DỘC GIẢ GỞI TỚI - ĐẠO BINH ĐỨC MẸ

Gioan Long Vân-Legio Mariae Nhân Hòa

Chia sẻ Bài này:
 

Related posts

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

hÔN NHÂN GIA ĐÌNH - LÒNG THA THỨ

 

  •  
    nguyenthi leyenOct 21 at 8:50 AM
     
     
     

    NHÂN ĐỨC TRONG GIA ĐÌNH: THA THỨ

     

    “Với những người phạm lỗi vì không biết, hãy sửa dạy và giúp họ sám hối vì Đức Chúa là Đấng tha thứ và giàu lòng thương xót”

    AL-QUR’AN 16:19

    1/ Tha thứ là gì?

    Mọi người đều có lầm lỗi. Tha thứ là cách bỏ qua lỗi lầm của người khác và yêu thương họ như trước khi họ phạm lỗi. Sự tha thứ không có nghĩa là bạn không hề cảm thấy bị tổn thương, hoặc coi những chọn lựa sai lầm của người khác là đúng đắn. Nhưng tha thứ là tự cõi lòng, bạn cho người khác một cơ hội.

    Mặc dù người khác sai trái, hoặc họ thực sự làm bạn bị tổn thương nhưng bạn có thể bỏ qua những gì họ đã làm. Bạn cũng không cứ vào lầm lỗi mà xét xử họ. Tha thứ là không trừng phạt người mắc lỗi cho dù họ đáng phải chịu như vậy.

    Bạn cũng có thể tha thứ cho chính mình; nhất là những khi bạn làm những việc nuối tiếc và ước rằng mình đã không làm. Tha thứ cho chính mình là không trừng phạt bản thân, và không tuyệt vọng vì sự sai lầm. Bạn bước tiếp, sẵn sàng làm khác đi với lòng thương cảm cho chính mình và tin rằng bản thân có thể thay đổi.

    2/ Tại sao cần thực hành tha thứ?

    Đấng Tạo Hóa ban cho chúng ta có khả năng tự do để chọn lựa. Có tự do nghĩa là chúng ta có khả năng thực hiện điều tốt hay xấu. Với nhiều và rất nhiều lý do, nhiều khi chúng ta chọn làm những việc sai trái và gây tổn thương người khác. Mọi người có thể một hoặc nhiều lần trong đời đã làm như vậy. Đôi khi nó có thể là việc nhỏ như bạn không thực hiện điều đã hứa; đôi khi là những sự việc lớn hơn như nói dối hay trộm vặt. Khi một người bị tổn thương hay thất vọng tha thứ cho ta, ta có một cơ hội mới. Chúng ta có thể bắt đầu lại và làm điều đúng đắn.

    Sự tha thứ rất quan trọng. Nếu bạn làm điều gì đó đáng hổ thẹn, nhưng bạn tha thứ cho chính mình, thì bạn có thể học được từ chính lỗi lầm đó. Những ai không tha thứ cho mình thì cũng khó tha thứ cho người khác.

    Nếu ai đó không biết tha thứ thì người xung quanh cảm thấy lo lắng khi ở bên họ. Những người không thực hành sự tha thứ, thường xét đoán và chỉ trích người khác; đồng thời, ít cho người khác cơ hội để cải thiện.

    Tha thứ là cách tốt nhất để động viên bản thân và người khác trở nên tốt hơn, cố gắng hơn và có những thay đổi cần thiết.

    3/ Cách thực hành sự tha thứ

    Trước hết, bạn có thể thực hành sự tha thứ bằng cách thừa nhận lỗi lầm của mình hay người khác đã gây ra. Đối diện với sự thật về những gì xảy ra cho chúng ta sự can đảm. Bạn có thể cảm thấy buồn và tức giận. Hãy để những cảm xúc đó đến và để chúng đi như chiếc lá trôi trên dòng nước.

    Khi bạn tha thứ, bạn không trừng phạt người khác bằng cách trả thù hay mang ác cảm. Bạn cũng không trừng phạt mình bằng cách gán cho mình cái tên không tốt.

    Hãy xem xét những gì xảy ra, trân trọng cảm xúc của bạn, hãy suy nghĩ, và quyết định điều gì cần thay đổi để sửa lại. Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ cho chúng ta khi chúng ta nhìn nhận lỗi lầm. Bạn cũng có thể làm như vậy.

    Điều khó tha thứ nhất trong bạn là điều sai trái lặp đi lặp lại. Đó là thói quen bạn khó có kiểm soát được. Khi bạn biết thực sự tha thứ cho mình thì mọi sự sẽ suôn sẻ. Hãy thay thói quen cũ bằng những cách thức mới để tha thứ cho chính mình. Nếu ai đó liên tục gây ra cho bạn điều phiền toái mà không xin lỗi thì sự tha thứ sẽ giúp cho họ. Bạn cũng cần tránh những dịp để họ có thể gây tổn thương cho bản thân.

    Khi phạm một sai lầm, bạn xin Thiên Chúa chúc lành và ban cho bạn sự can đảm để thay đổi. Tha thứ cho phép bạn học được từ chính sai lầm. Đôi khi bạn là người thầy tốt nhất cho chính mình.

    Một người có lòng tha thứ phản ứng thế nào?

    • Một người bạn tình cờ làm vỡ món đồ mà bạn thích?
    • Người khác trễ hẹn?
    • Bạn làm điều bạn cảm thấy nuối tiếc?
    • Bạn của bạn lấy đồ mà chưa hỏi ý kiến bạn?
    • Người khác nổi nóng, và xin lỗi muộn màng?

    4/ Dấu hiệu của sự thành công

     

    Chúc mừng bạn! Bạn đang thực hành sự tha thứ khi:

    • Ý thức rằng mọi người đều có lỗi
    • Nhận trách nhiệm về lầm lỗi của mình
    • Chia sẻ cảm xúc mà không trả thù
    • Không tạo cơ hội cho người bất cẩn làm tổn thương bạn
    • Sửa sai thay vì trừng phạt bản thân
    • Đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa

    Hãy cố gắng khi

    • Sợ nhìn nhận lỗi lầm của mình
    • Xét đoán và chỉ trích người khác hay chính mình
    • Trả thù hay giữ ác cảm
    • Tạo dịp cho người bất cẩn làm tổn thương bạn
    • Cảm thấy tuyệt vọng và bất lực trước thói quen xấu
    • Cứ phạm cùng một sai lầm mà không chịu học hỏi

    Khẳng định:

    Tôi tha thứ cho chính mình và cho người khác. Tôi học được từ chính sai lầm của tôi. Tôi có thể thay đổi để sự việc tốt hơn.

    Nguyên bản: The Family Virtues Guide: Simple Ways to Bring Out the Best in Our Children and Ourselves

    Tác giả: Linda Kavelin Popov

    Dịch giả: Hướng Dương

    -------------------------------------

     
     

       
     

 

HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH - CÓ NÊN SỐNG THỬ


  • Oct 27 at 7:10 PM
     

    NÊN HAY KHÔNG NÊN SỐNG THỬ TRƯỚC HÔN NHÂN? TẠI SAO?

    Trần Mỹ Duyệt

     

    “Những ai có quan hệ tình dục với ít người xem như thỏa mãn hơn sau khi kết hôn.” Nhận xét này có lẽ không làm hài lòng nhiều bạn trẻ - có thể - một số người nhiều tuổi. Đặc biệt, đối với những ai chủ trương “sống thử” trước hôn nhân. Họ lý luận, như nhiều lãnh vực trong cuộc sống, đời sống hôn nhân, đời sống tình dục cũng cần phải có những kinh nghiệm trước.   

     

    Thật ra, trong khoa học thực nghiệm, việc thí nghiệm và những con số rút ra từ những kết quả khảo cứu được cho là cần thiết, thí dụ, hơn 50% các cuộc hôn nhân hiện nay kết thúc bằng ly dị, hoặc 48% trẻ vị thành niên từ 12 đến 17 gây ra tai nạn trong khi lái xe vì text với bạn bè. Nhưng vấn đề hôn nhân lại không hoàn toàn như vậy, bởi vì trong đó còn có rất nhiều những yếu tố mà khoa học thực nghiệm, thống kê không giải thích, hoặc đo đếm được.

     

    Mặc dù là một chủ đề phức tạp, tuy nhiên, vấn đề trai gái thử sống chung với nhau trước khi kết hôn, hậu quả như thế nào trong đời sống vợ chồng sau này, đặc biệt, đối với phía phụ nữ đang là đề tài được mang vào khảo cứu. Một trong cuộc khảo cứu đó gần đây được thực hiện do Nicholas Wolfinger, một nhà xã hội học thuộc Viện Nghiên Cứu Gia Đình (Institute for Family Studies), Đại Học Utah.

     

    Trước khi đi vào phân tích kết quả của cuộc khảo cứu trên, nếu bạn chịu khó nghiên cứu các thống kê về hôn nhân, bạn sẽ nhận ra điều nghịch lý này: Có nhiều cặp tình nhân quen nhau, sống thử với nhau như vợ chồng nhiều năm rồi cũng chia tay. Và cũng có những cặp tình nhân sau một thời gian dài sống thử xem ra rất hạnh phúc, nhưng vừa cưới nhau được 5, 6 tháng hay một năm là đã ly dị. Theo một khảo cứu, tuổi thọ các cuộc hôn nhân Hollywood trung bình là 5 năm. Điều này cho biết cảm giác khi sống thử và thực tế khi va chạm với bổn phận, trách nhiệm hôn nhân hoàn toàn khác nhau. Trong khi còn là bồ bịch với nhau, cả hai vẫn có một khoảng cách an toàn với ý nghĩ tự an ủi: “không sao, hãy thử đi nếu không hợp thì bỏ!”. Và điều này khiến cả hai thấy rằng cuộc tình vẫn là màu hồng vì ít ra còn cảm thấy hợp. Nhưng một khi đã bước vào đời sống hôn nhân, đời sống vợ chồng với vai trò và trách nhiệm làm chồng, làm vợ thì cái nhìn hạnh phúc cũng như khoái cảm về tình dục có một chiều hướng khác.      

    Trở lại với cuộc khảo cứu của Nicholas Wolfinger, ông đã đưa ra kết luận là, những ai chưa từng có kinh nghiệm tình dục với người phối ngẫu tương lai của họ thì hầu hết cho rằng hôn nhân “rất hạnh phúc”. Trong khi đó, những người không hạnh phúc - khoảng 13% dưới hơn những phụ nữ có một người tình - thuộc trong số những người có từ 6 tới 10 người tình trong cuộc đời của họ. Cũng theo Wolfinger, đối với nam giới, tuy vẫn có những lấn cấn với hạnh phúc sau hôn nhân, nhưng không thấp hơn so với nữ giới.    

    NHỮNG KẾT QUẢ KHẢO CỨU

     

    W. Bradford Wilcox, một nhà xã hội, nhà nghiên cứu lâu năm tại the Institute for Family Studies, đồng thời là cộng tác viên của trang nhà The Atlantic đã nhận định: “Trái với sự khôn ngoan bình thường, đối với tình dục, càng ít kinh nghiệm càng tốt, ít nhất trong lãnh vực hôn nhân”.

     

    Wolfinger thì cho rằng, phụ nữ không có hoặc chỉ có một bạn trai trước hôn nhân ít ly dị, trong khi những phụ nữ có 10 hoặc nhiều hơn bạn trai thường rất dễ ly dị. Kết quả này được áp dụng trong trường hợp các cô dâu ly dị. “Thập niên 2010, có khoảng 5% cô dâu còn là trinh nữ. Và chỉ 6% các cuộc hôn nhân của họ tan vỡ trong vòng năm năm so với 20% đối với hầu hết mọi người.”

    Ngoài ra, có những khảo cứu khác cũng đồng ý với kết luận rằng một người chỉ duy nhất một vợ, một chồng thì hạnh phúc và thỏa mãn hơn trong đời sống vợ chồng. Một trong kết luận khảo cứu gần đây nhất, những phụ nữ có một người tình thay vì hai người, thì 5% hạnh phúc hơn trong hôn nhân. Và theo Wolfinger, những phụ nữ có bằng 4 năm đại học, tham gia những công tác tôn giáo, hoặc có lợi tức hằng năm trên 78.000 dollars thường có một hôn nhân hạnh phúc. 

    Mặc dù kết luận như trên, theo Wolfinger vẫn có những lý do mà không từng trải trong vấn đề sinh lý đối với nữ giới lại dẫn đến đời sống hôn nhân xem như bền chặt hơn:

    -Tôn giáo: Tôn giáo không giải thích sự thỏa mãn khác nhau giữa một trinh nữ và một phụ nữ đã trải qua kinh nghiệm ái ân, dục tình khi kết hôn. Nhưng vấn đề khá tế nhị ở đây là: Những người giữ xa tránh tình dục trước hôn nhân, một cách đơn giản, thường định giá hôn nhân cao hơn, vì thế họ cảm thấy thỏa đáng hơn.       

    “Những thiếu nữ không có hành động tình dục nào với ai ngoại trừ chồng có thể là những phụ nữ đánh giá sự phối hợp cao hơn”. Theo Andrew Cherlin, nhà xã hội học thuộc Johns Hopkins University, “Vì họ chưa bao giờ thích thú sinh lý ngoài giao ước, và một khi kết hôn, họ có thể kết nối hơn với người phối ngẫu, và do đó, hạnh phúc hơn.” Vẫn theo Cherlin, kết quả này là do những người lớn tuổi phản ảnh, nếu đem hỏi lớp người trẻ hiện nay kết quả có thể khác nhau.”

    -Không so sánh: Một thiếu nữ còn trinh hay có thể còn trinh trước khi kết hôn, họ sẽ không có một so sánh nào với người chồng hiện tại. Người đó không có những so sánh thế này thế khác với người này người khác. Với nàng, đó là tình yêu, là sự trao tặng, và đón nhận đầy kỷ niệm. Vì thế, cũng theo Wolfinger, tỷ lệ ly dị cao hơn trong hoàn cảnh giữa những người độc thân và giao du thân mật nam nữ một cách dễ dàng. 

    -Không giao du bừa bãi:  Một số phụ nữ lo tìm thỏa mãn qua những giao du bừa bãi, họ nghĩ mình có nhiều kinh nghiệm và đạt được nhiều thỏa mãn trong dục vọng với người này, người khác. Nhưng theo nhà xã hội học của Đại Học Maryland, Philip Cohen, thì “Bạn có nhiều người để giao du tình dục không phải vì bạn là người hạnh phúc, nhưng bởi vì bạn có những mối tương quan xấu”.

    Những gì xảy ra sau hôn nhân, có thể dẫn những người này đi đến chỗ ngoại tình, hoang đàng vì thực chất đời sống hôn nhân của họ không hạnh phúc. Những phụ nữ này thường gây ra nhiều bất hạnh trong hôn nhân, và dẫn đến ly dị.  

    NÊN HAY KHÔNG NÊN SỐNG THỬ?

    Trong xã hội hiện nay, một người sẽ bị cho là đạo đức giả, một phụ huynh sẽ bị coi là lạc hậu nếu nói hay khuyên con cái, đặc biệt là con gái, phải giữ mình trinh tiết đến khi kết hôn. Nhưng dù nói ra hay không nói ra, dù đồng ý hay không đồng ý, những lời khuyên mang giá trị tinh thần vẫn đáng tôn trọng. Kết quả cuộc khảo cứu của Wolfinger, một trong những tiếng nói mang ý nghĩa khoa học, đã được dẫn chứng bằng cả giá trị khảo cứu. Dĩ nhiên, những dữ liệu nêu lên trong cuộc khảo cứu chỉ là một khởi đầu chứng minh cho biết cuộc sống hạnh phúc hôn nhân có liên quan rất nhiều đến sinh lý, và đặc biệt, ảnh hưởng sinh lý bừa bãi trước hôn nhân chiếm phần quan trọng đối với nữ giới.  

    Tuy nhiên, suy nghĩ và lối sống con người thời đại đang đi ngược lại những giá trị luân lý, đạo đức. Cũng vẫn Wolfinger, trong một kết luận khác lại cho rằng phần lớn - 64% những người được thăm dò cho biết họ “rất hạnh phúc” trong hôn nhân, và điều này có nghĩa là vợ chồng vẫn sống hạnh phúc với nhau mặc dù trước đó người vợ đã bồ bịch, giao du dục tình.

    Do thành kiến thuộc bản năng phán đoán, dường như người ta làm chuyện ấy ngay cả khi có lời khuyên luân lý. 1/3 người Hoa Kỳ đã cho Gallup biết rằng họ không tin vào giá trị tiết dục trước hôn nhân - ngay cả Emma Green đã ghi chú gần đây, 95% người Hoa Kỳ đã làm việc này vào năm 2006.

    Tóm lại, chỉ còn biết tin vào những giá trị tinh thần và đạo đức. Người làm việc này tốt nhất là phụ huynh, và thời gian tốt nhất là khuyên bảo và hướng dẫn con cái ngay từ bé trước khi chúng bước vào tuổi vị thành niên. 

    _______

    Source: The Atlantic - Fewer Sex Partners Means a Happier Marriage