9. Đào Tạo Môn Đệ

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - BÀI GIẢNG BẤT HỦ CỦA CHA VIANNEY


  •  
    Chi Tran


     
    NHỮNG BÀI GIẢNG BẤT HỦ CỦA CHA THÁNH GIOAN MARIA VIANNEY
    THIÊN ĐÀNG 
     
    Than ôi! Chúng ta làm mọi sự cho thế giới này mà chẳng làm gì cho thế giới bên kia sao? 
     
    ”Phúc thay người ở trong nhà Chúa, họ sẽ ca ngợi Thiên Chúa đến muôn đời.” Ở trong nhà Chúa là được hoan lạc với sự hiện diện của Thiên Chúa, là được hạnh phúc với nguồn hạnh phúc của Thiên Chúa. Ai có thể hiểu được tất cả niềm vui và an ủi mà các Thánh được hưởng trên Thiên Đàng? 
     
    Thánh Phaolô, người được lên đến tầng trời thứ ba đã nói rằng có những điều trên đó ngài không thể diễn tả được, và chúng ta cũng không thể hiểu được. Thật vậy, chúng ta không bao giờ có được một khái niệm đúng đắn về Thiên đàng cho đến khi chúng ta được ở trên đó. 
    Thiên Đàng là kho tàng bí mật, tràn đầy vị ngọt huyền bí, lai láng niềm vui, là những thứ có thể được cảm nhận thôi chứ miệng lưỡi, ngôn ngữ kém cỏi của chúng ta không thể nào giải thích được. Chúng ta có thể nghĩ ra được điều gì lớn lao hơn nữa không? 
    Hiện thân Thiên Chúa chính là phần thưởng của chúng ta như lời Chúa đã hứa: 
    - “Ta chính là phần thưởng quý trọng nhất của các con!”
    Ôi lạy Chúa, hạnh phúc mà Chúa hứa cho chúng con vượt quá những gì mắt có thể thấy, tai có thể nghe, trí có thể hiểu, và lòng có thể chứa đựng được! Thật vậy, hạnh phúc Thiên Đàng khó mà hiểu được; đây là phần thưởng cuối cùng Thiên Chúa ban cho chúng ta. Thiên Chúa, Đấng đáng ca ngợi trong mọi sự sẽ là phần thưởng cho những ai diễm phúc chiếm hữu được Thiên Đàng. Nó bao gồm tất cả mọi sự tốt lành, và không có chút gì xấu xa. 
     
    Tội lỗi không có trên Thiên Đàng, tất cả các hình thức đau khổ do hậu quả của tội lỗi đều bị xua đuổi ra khỏi Thiên Đàng. 
    Không còn chết chóc nữa. Thiên Chúa là nguyên lý sự sống đời đời sẽ ở với chúng ta. Không còn bệnh tật, không còn buồn bã, không còn đau khổ, và thất vọng nữa. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt chúng ta. 
     
    Hãy vui lên hỡi những ai bị thế gian này ngược đãi, nỗi khổ chúng ta sẽ tan biến mất, vì một chút đau khổ, chúng ta sẽ được tràn đầy vinh quang trên Thiên Đàng. Hãy vui lên vì chúng ta đã chiếm hữu được Thiên Chúa là nguồn mạch mọi sự tốt lành. 
    Làm sao người ta có thể buồn bã được khi ở gần Thiên Chúa; khi hạnh phúc của họ hòa tan trong hạnh phúc của Thiên Chúa; khi được nhìn thấy Thiên Chúa như nhìn thấy chính mình vậy? 
    Như Thánh Phaolô nói: 
    - “Chúng ta sẽ nhìn thấy Thiên Chúa mặt đối mặt”; 
    vì khi đó sẽ không còn gì che giấu giữa Thiên Chúa và chúng ta. Chúng ta sẽ chiếm hữu được Thiên Chúa mà không còn lo lắng sợ hãi vì mất Người. Chúng ta sẽ yêu mến Người bằng một tình yêu liên tục và bất phân ly, vì Thiên Chúa độc nhất sẽ chiếm hữu toàn bộ tâm trí chúng ta. Chúng ta sẽ vui mừng với Người không biết mệt mỏi, vì chúng ta sẽ khám phá ra trong Người vô số sự tuyệt hảo; và để giữ cân bằng khi chúng ta chìm mình trong vực thẳm bao la của sự khôn ngoan, thương xót, công bình, và thánh thiện, chúng ta sẽ chìm sâu trong đó với lòng hăng say phấn khởi mới. 
    Tận sâu sự an ủi bên trong, là ơn sủng từ Thiên Chúa, lại ban cho chúng ta nhiều hoan lạc trong thế giới này, để làm giảm bớt những phiền muộn của chúng ta, giúp chúng ta vác lấy thánh giá của mình, hay giúp các thánh tử đạo sức mạnh để chịu đựng những cực hình đau đớn nhất, thì những hạnh phúc trên Thiên Đàng, nơi mà sự an ủi và vui sướng không còn ban cho chúng ta cách nhỏ giọt nữa, nhưng tuôn đổ như thác càng làm cho chúng ta vui sướng biết dường nào!” Hãy hình dung một ngày dài vô tận và luôn luôn mới, luôn luôn thanh thản, luôn luôn êm đềm; một cuộc sống hoàn hảo và thích thú nhất. 
     
    Vui sướng và hạnh phúc biết bao nếu ai trong chúng ta ngay khi còn sống trên trái đất này được như các Thiên Thần có thể nhìn thấy Đức Mẹ Đồng Trinh Maria, hoặc Chúa Giêsu trong vài phút. 
    Nhưng trên Thiên Đàng chúng ta sẽ chiêm ngưỡng đời đời, không chỉ Đức Mẹ và Chúa Giêsu, mà chúng ta sẽ nhìn thấy chính Thiên Chúa! 
    Nơi đó chúng ta sẽ không còn nhìn ngắm Ngài qua bóng tối của niềm tin nhưng trong ánh sáng của ban ngày, trong vẻ uy nghiêm của Người! 
    Vì thế, thật hạnh phúc biết bao được nhìn thấy Thiên Chúa! 
    Các Thiên Thần được chiêm ngắm Thiên Chúa ngay từ khi mới bắt đầu có vũ trụ đến nay vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn mà còn có thể nói là thật là một mối họa lớn lao cho các ngài nếu như bị chia cách khỏi Thánh Nhan Chúa cho dù chỉ một giây phút mà thôi. 
    Hạnh phúc Thiên Đàng không bao giờ làm chúng ta mệt mỏi hay chán nản; chúng ta chiếm hữu được Thiên Chúa là nguồn mạch của mọi sự tuyệt hảo. Chúng ta càng chiếm hữu được Chúa, Người càng làm cho chúng ta thêm khao khát Người; chúng ta càng hiểu biết về Chúa, Người càng trở nên sự thu hút và quyến rũ chúng ta trong sự hiểu biết về Người. Chúng ta mãi mãi nhìn thấy Người, và mãi mãi ước ao được chiêm ngưỡng Người; chúng ta sẽ luôn luôn nếm sự ngọt ngào, và niềm vui trong Chúa, nhưng sẽ không bao giờ cảm thấy thỏa mãn.
     
    Các thần thánh được bao bọc tràn ngập trong sự thánh thiêng, các ngài sẽ vui sướng trong hoan lạc và say sưa như trong tiệc rượu vậy. Đó là hạnh phúc mà Thiên Chúa dành cho chúng ta thật kỳ diệu biết bao! Tất cả chúng ta đều có thể đạt được niềm hạnh phúc này. Thiên Chúa muốn cho mọi người được ơn cứu độ; Người ban thưởng Thiên Đàng cho chúng ta qua cái chết của Người, và qua sự đổ Máu của Người. 
    Thật hạnh phúc thay khi có thể nói rằng Chúa Giêsu đã chết cho tôi, Người đã mở cửa Thiên Đàng cho tôi, đó là sự thừa kế của tôi. Chúa Giêsu đã chuẩn bị cho tôi một chỗ, nó chỉ tùy thuộc vào tôi muốn nó hay không mà thôi: - - “Ta đi để dọn chỗ cho các con.” 
    Thiên Chúa ban cho chúng ta đức tin, với nhân đức này chúng ta có thể đạt được sự sống vĩnh cửu. Bởi vì Thiên Chúa muốn cho mọi người đươc hưởng ơn cứu độ, Người đặc biệt muốn những ai theo Người tin tưởng vào sự sống đời đời. Hãy cám tạ Chúa, và hãy vui mừng vì tên chúng ta đã được ghi trên trời như tên các thánh Tông Đồ. Phải, tên chúng ta đã được ghi vào sổ hằng sống: nếu chúng ta muốn, chúng ta sẽ ở đó mãi mãi, bởi vì chúng ta có được những phương thế để đạt tới Thiên Đàng. Hạnh phúc Thiên đàng thật dễ đạt được; Thiên Chúa đã sắm sẵn cho chúng ta quá nhiều phương thức để đạt được nó! 
     
    Hãy nhìn xem không có một tạo vật nào được dựng nên mà không là phương tiện cho chúng ta sử dụng để chiếm hữu Thiên Chúa; nếu có điều nào trở nên vật cản trở thì đó chỉ là do chúng ta lạm dụng nó mà thôi. Tài sản và những nỗi bất hạnh của cuộc sống, thậm chí sự trừng phạt từ Thiên Chúa về sự bất trung của chúng ta đều nhắm đến phần rỗi của chúng ta. 
     
    Như thánh Phaolô nói Thiên Chúa tạo dựng nên mọi sự để dành cho những người Chúa chọn; thậm chí cả những khuyết điểm cũng trở nên hữu ích cho chúng ta; thậm chí gương xấu và cám dỗ nữa. 
    Như ông Job được cứu giữa một dân tộc thờ quấy. Tất cả các thánh đều chịu thử thách. Nếu những sự này, trong tay Chúa, đều là sự trợ giúp để đạt được Thiên Đàng, thế thì còn gì hơn nếu chúng ta có thêm sự trợ lực là các Bí tích, là nguồn mạch ơn sủng từ chính Thiên Chúa? Thật là dễ dàng cho các môn đệ của Chúa Giêsu được cứu độ, bởi vì Đấng Cứu Thế luôn ở với họ. Vậy thì có khó khăn gì hơn cho chúng ta đạt được ơn cứu độ, khi Chúa luôn ở với chúng ta không? Các môn đệ rất hạnh phúc với tất cả những gì họ mong ước, với những gì họ chọn lựa; còn chúng ta không lẽ kém hạnh phúc hơn các ngài sao? Chúng ta có Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể; Người vẫn tiếp tục ở với chúng ta, Người luôn sẵn sàng ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta cầu xin, Người đang chờ đợi chúng ta, chúng ta chỉ có một việc duy nhất là mở miệng “cầu xin”.
    Người nghèo còn biết nói ra những gì họ cần với người giàu, trong khi chúng ta lại lãnh đạm thờ ơ với sự trợ giúp và ơn sủng của Chúa ban. Nếu một người tham lam muốn thâu góp cho mình thật nhiều tiền của, liệu anh ta có chần chờ do dự để cho một cơ hội làm giàu vuột mất khỏi tầm tay của mình không? 
     
    Than ôi! Chúng ta làm mọi sự cho thế giới này mà chẳng làm gì cho thế giới bên kia sao? Gia tài nhỏ bé mà chúng ta ra sức tích góp suốt cả đời là gì nếu không phải là làm việc, phiền toái, lo lắng và đau khổ! Các con thấy đó, tài sản chóng qua của chúng ta để làm gì? 
    Vua Salomon, vị vua giàu có uy quyền và tốt số nhất nói rằng: 
    - “Tôi đã nhìn thấy tất cả sự vật hoàn thành dưới ánh mặt trời; tất cả chỉ là phù hoa và phiền toái cho linh hồn.” 
    Và những điều này là những của cải mà chúng ta phải làm việc vất vả để đạt được, trong khi chúng ta không bao giờ nghĩ đến những tài sản của Thiên Đàng! Thật xấu hổ cho chúng ta đã không nỗ lực để giành lấy, và thờ ơ đến việc tìm kiếm Thiên Đàng! 
    - Nếu cây sung bị bỏ vào lửa vì không sinh hoa trái mặc dầu đã được chăm sóc; 
    - Nếu người đầy tớ vô dụng bị khiển trách vì đã chôn dấu tài năng mình có, thì số phận nào sẽ dành cho chúng ta là những người thường lạm dụng những trợ giúp đưa chúng ta vào Thiên Đàng? 
     
    Nếu chúng ta lạm dụng những ơn huệ Chúa đã ban cho, thì hãy mau mau chân thành sửa đổi lại quá khứ đó, và chúng ta hãy nỗ lực để đạt được phần thưởng xứng đáng là sự sống đời đời. 
    chanlyvinhcuu 
     
     

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - NGƯỜI TRẺ XA CHÚA?

  •  
    Chi Tran CHUYỂN
     
     
     
     
     

    GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

    NGUYÊN NHÂN NGƯỜI TRẺ RỜI XA THIÊN CHÚA

     

    Hỏi: Tại sao giới trẻ hiện nay lại dần xa Thiên Chúa? Đúng là câu hỏi này quá lớn, nhưng con ước mong biết được vài lý do. Để từ đó hi vọng người trẻ chúng con ý thức để trở về với Thiên Chúa.

     

    Trả lời:

    Bạn thân mến, 

    Cám ơn bạn đã gợi ý cho chúng tôi về câu hỏi này. Như bạn thấy, đây đứng là một câu hỏi lớn, vì vậy cần có những cuộc nghiên cứu sâu xa để tìm ra nguyên nhân. Đồng thời ta cũng cần có những giải pháp giúp cho người trẻ vượt thắng trước thách đố về niềm tin. Tuy nhiên, trong giới hạn cho phép chúng ta có thể nhận diện một vài nguyên nhân bằng trực quan hay kinh nghiệm mục vụ. Để từ đó mỗi cá nhân ý thức được trách nhiệm của mình, làm sao giúp bản thân mình cũng như bạn trẻ khác sống vững lòng đạo trước những rào cản đức tin hôm nay. 

     

    Trong tập 2 Giải Đáp Thắc Mắc, chúng ta đã biết được thực trạng người trẻ qua câu hỏi: Thiên Chúa có vị trí trong trái tim và mối quan tâm của người trẻ hiện nay như thế nào. Câu trả lời đã cho chúng ta thấy: bên cạnh những bạn trẻ có đức tin vững mạnh, sống gắn bó với Giáo Hội qua các sinh hoạt, hoạt động tổ chức của giáo xứ, thì không ít những bạn trẻ đang hững hờ với niềm tin của mình. Họ sống đức tin một cách mờ nhạt hay chỉ qua loa chiếu lệ cho xong bổn phận. Hôm nay, tôi và bạn cùng ngồi lại tìm ra nguyên nhân dẫn đến thực trạng người trẻ đang xa rời với niềm tin Công giáo. Chúng ta cùng bắt đầu với Gia đình.

     

    Gia đình: 

    Công đồng Vaticanô II (1962–1965) nhìn nhận rằng “gia đình là nền tảng của xã hội” (MV II, 52) hay bạn còn nghe “gia đình là Hội Thánh tại gia” nơi khởi đầu nuôi dưỡng đức tin, trong đó ông bà, cha mẹ là những tấm gương cho thế hệ con cháu noi theo. Bên cạnh đó, nơi gia đình mỗi thành viên được đón nhận sự yêu thương nâng đỡ từ ông bà cha mẹ…, họ được tin tưởng và được thừa nhận phẩm giá của chính mình… Từ gia đình, chúng ta cũng sẽ cảm nhận sự yêu thương của Thiên Chúa qua Giáo hội như thế nào. 

     

    Tuy nhiên theo thời gian, gia đình truyền thống (gia đình ba thế hệ) đã không còn nhiều. Thay vào đó là những gia đình hạt nhân chỉ có cha mẹ và con cái. Cùng với sự thay đổi này những thói quen đọc kinh chung, cầu nguyện sáng tối, đọc lời nguyện tắt đã không còn nhiều. Hình ảnh người ông, người bà sáng sáng thức dậy đi lễ không tồn tại trong tâm trí nhiều người trẻ. 

     

    Bên cạnh đó, một số phụ huynh xem việc đạo nghĩa là thứ yếu, họ coi trọng việc học văn hóa hơn là việc nuôi dưỡng đức tin. Những giờ giáo lý nếu trùng với việc học thêm thì họ sẵn sàng cho con bỏ giáo lý để học thêm. Thậm chí có gia đình tạm hoãn cho con đi lễ, tạm nghỉ học giáo lý một năm để tập trung vào năm tốt nghiệp chuyển cấp. Tiếc là họ quên luôn việc sống và nuôi dưỡng đức tin vào những năm sau đó. Không ít bạn trẻ quay trở lại lớp giáo lý cấp tốc để xin lãnh các bí tích khi đã đến ngày lập gia đình. 

     

    Cũng dễ hình dung, khi những gì không được coi trọng và nhìn nhận giá trị thì chúng sẽ trở thành tầm thường. Nó sẽ bị cho ra “bên ngoài cuộc sống của tôi”. Đức tin cũng không ngoại lệ và Thiên Chúa trở thành một ai đó xa lạ trong tâm thức của một số người trẻ Công giáo.

     

    Phải nhìn nhận rằng, cơn lốc kinh tế đã đẩy nhiều gia đình lao vào làm ăn, buôn bán, việc giữ đạo, sống đức tin, hay nhắc nhở con cái giữ lễ nghĩa gia phong cũng trở nên thật khó. Bởi cha mẹ mấy khi nhìn thấy mặt con. Thật đau lòng khi có bạn trẻ tâm sự: gia đình con không khác gì một quán trọ sáng đi – tối về. Con đi ngủ cha mẹ mới về. Gia đình tìm một bữa cơm chung thật khó. Cuộc sống tẻ nhạt trôi qua như những người vô hình, “con có mọi sự nhưng không có hạnh phúc”. Đó là còn chưa kể đến những cuộc cãi vã “bất phân thắng bại” trong gia đình làm hình ảnh “Giáo hội tại gia” bị méo mó trong tâm thức người trẻ. Họ không cảm nhận được sự yêu thương, nâng đỡ từ gia đình. Họ chỉ cảm thấy mình có giá trị khi sống ảo. Họ được thăng hoa trong những lối sống vắng bóng Thiên Chúa.  

     

    Giáo Hội:

    Một mặt nào đó chúng ta cũng phải nhìn nhận là sức hút của Giáo hội qua các Giáo xứ chưa đủ hấp dẫn để lôi kéo người trẻ. Nơi một số xứ đạo, việc học hỏi giáo lý để sống đức tin còn chưa được chú trọng và quan tâm. Từ không gian lớp học đến người đồng hành hướng dẫn còn quá sơ sài hay dạng bù đắp chỗ trống. Đội ngũ giáo lý viên chưa được đào tạo, thiếu khả năng sư phạm. Vì thế mà những buổi học trở nên nặng nề cứng nhắc, người học không cảm thấy có Chúa trong lớp học, “học giáo lý cũng khắt khe như ngoài xã hội”. Những bài giảng giáo lý thiếu thuyết phục và không lôi cuốn. Lớp trẻ theo học giáo lý vì miễn cưỡng, có được tấm bằng, lãnh đủ các bí tích là xong bổn phận. Sau đó, người trẻ cho Chúa qua một bên để họ sống theo cách của mình. “Chúa không gần với cuộc sống của con”. 

     

    Ngoài ra tương quan Mục tử và đàn chiên không giống “Người mục tử nhân lành”(Ga 10,11– 18). Ở Giáo xứ nọ, giáo dân chỉ nhìn thấy cha xứ trên tòa giảng, hiếm khi ngài gặp gỡ trò chuyện cùng giáo dân ngoài Thánh lễ, nói chi đến việc thăm viếng cuộc sống giáo dân trong các họ đạo. Khoảng cách cha sở và giáo dân quá xa nên tương quan Thiên Chúa và lòng người cũng trở nên vô tận. 

     

    Họ không cảm thấy được sự nâng đỡ, yêu thương của Giáo hội giữa những sóng gió cuộc đời. Thêm nữa, nhiều Kitô hữu vật lộn với cuộc sống mưu sinh. Họ chỉ tham dự được Thánh lễ ngày Chúa Nhật. Thế nhưng, suốt bài giảng gần một tiếng đồng hồ của cha chủ tế là ngài la ông này mắng bà kia. Trong khi Tin Mừng Chúa không được loan báo. Người trẻ thực sự “dị ứng” trước thánh lễ thiếu bác ái của vị chủ chăn. Việc đi tham dự Thánh lễ hiệp thông trong Giáo hội trở thành một việc họ cần phải cân nhắc kỹ lưỡng hay so sánh chọn lựa giữa những công việc khác nhau. Thật buồn, khi nơi xứ đạo chưa truyền tải được niềm vui của Tin Mừng.

     

    Xã Hội:

    Những năm gần đây, các Game Show trên truyền hình thực tế khá thu hút người trẻ. Nơi đây họ chia sẻ những quan điểm, lối sống khá hiện đại. Một số người trẻ đưa ra tiêu chuẩn để đánh giá một con người khi họ sở hữu nhà cửa, xe cộ, điện thoại, trang sức. Họ cho rằng tất cả vật chất mới đem lại giá trị cho một người trong xã hội. Họ nhìn nhận giá trị của vật chất như một tiêu chuẩn để đánh giá lẫn nhau. 

     

    Mặc nhiên chủ nghĩa tiêu thụ đã xâm nhập và điều khiển nhiều người trẻ. Họ lao vào để có được vật chất như gặp “dốc không phanh”. Đồng thời, họ coi những chuẩn mực về gia đình, xã hội, niềm tin trước đây trở thành lạc hậu, thay vào đó là những giá trị “lệch chuẩn” được họ coi là thời thượng hợp tình hợp lý với thời đại. Tỉ như lối sống hưởng thụ, tình yêu đồng giới, coi trọng vẻ bề ngoài hơn là phẩm chất bên trong của một con người, công danh sự nghiệp quan trọng hơn là đạo đức văn hóa sống, v.v…

     

    Trào lưu tục hóa chi phối cách nhìn và lối sống của nhiều người trẻ làm họ xa rời với những giá trị nhân văn, niềm tin tôn giáo, truyền thống gia đình. Trước những trào lưu của xã hội, ít nhiều người trẻ Công giáo bị tác động trong lối sống của mình. Họ để Thiên Chúa bên ngoài những quyết định cuộc đời vì cho rằng: Thiên Chúa quá cao vời so với thực tế sống của họ. 

     

    Người trẻ:

    Cuối cùng, chúng ta cùng nhìn lại mình những người trẻ trong thế giới hôm nay – thế hệ thời kỹ thuật số. Thật dễ để nhìn thấy một người trẻ đang “cặm cụi” bên chiếc Smartphone và biểu lộ cảm xúc một mình. Còn nữa, bạn bè thời công nghệ rủ nhau uống cà phê, ngồi quán cóc chuyện trò 5–3 câu. Sau đó là mỗi người một thế giới riêng trên màn hình Smartphone. Chúng ta thích kể chuyện đời mình trên mạng xã hội, biểu lộ hỉ – nộ – ái – ố xem bàn dân thiên hạ “tung hứng, ném đá” ra sao. Những khoảnh khắc bạn bè hàn huyên câu chuyện gia đình – học hành, quyển sách này, câu chuyện kia thật hiếm hoi. Kỹ thuật số thực sự đã quản lý thời gian và cảm xúc của người trẻ. Vô tình những thói quen, nếp nghĩ, cách sống của mình cũng được kỹ thuật số định hình. 

     

    Chúng ta dành thời gian cho mạng xã hội, tìm kiếm vật chất quá nhiều lấy đâu thời gian dành cho Chúa. Một số người trẻ chỉ quan tâm xây dựng vỏ bọc bên ngoài, còn ngôi nhà thiêng liêng bị bỏ quên. Thể xác thì lực lưỡng – tâm hồn lại tong teo. Ngoài ra, chủ nghĩa tiêu thụ đang đánh lừa cảm xúc thị hiếu của nhiều người, chúng kích thích ham muốn và tạo nhu cầu ảo cho người tiêu dùng. Ví như quảng cáo dầu gội đầu X – MEN “X – men đàn ông đích thực”. Trong khi tôi chỉ cần gội sạch gầu là đạt yêu cầu, nhưng xài X Men mới đích thực là đàn ông. 

     

    Những giá trị ảo nghe phê tai, trông đẹp mắt đã thuyết phục chúng ta phải có nó, phải mua chúng… Chúng ta chạy đua với thời gian để sở hữu những thứ xã hội vẫn miệt mài đi tìm. Ngoài ra, phải kể đến một thế giới thông tin đa chiều đang chiếm lĩnh xã hội. Thực hư xen lẫn với những giả dối làm nhiều người trẻ chới với trong niềm tin yếu kém của mình. Vì thế họ dễ rơi vào trạng thái a dua: cái gì cũng tin, cái gì cũng nghi vấn, tin hay không tùy thuộc vào “kẻ mạnh thế yếu” quan tâm số lượng hơn chất lượng. Đức tin vào Thiên Chúa họ cũng thận trọng, nghi ngờ hay “thế nào cũng được”.

     

    Bạn thân mến, 24 giờ/ngày đã đủ cho bạn chưa? Có người nói có, nhiều người nói chưa. Ngân quỹ thời gian Thiên Chúa dành cho chúng ta là như nhau. Chính mỗi người sẽ dùng ngân quỹ này để xây dựng con người mình mạnh thể xác khỏe linh hồn. Cuộc sống thường nhật xô bồ những âm thanh, những lời mời hấp dẫn. Vì thế, mỗi chúng ta cần tạo cho mình một khoảng lặng để lắng nghe tiếng Chúa, lắng đọng trong sâu thẳm cõi lòng để nhận ra nhu cầu thực của ta là gì? Đó là sự sống đích thực từ Thiên Chúa: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,1 – 6) 

     

    Mỗi ngày, bạn hãy dành thời gian bên Chúa để cảm nhận cuộc sống này là một món quà tuyệt đẹp Chúa dành cho chúng ta. Hãy trân quý những gì tầm thường nhất ngang qua đời bạn:

    - Một bông hoa dại ven đường, 

    - Một nghĩa cử đẹp bạn gặp trên phố, 

    - Hay như một chén cơm nóng đong đầy tình thương gia đình, 

    - Và biết chạnh lòng với người đang đau khổ cần lắm một bờ vai.

    - V.v. 

    Bạn đừng lướt qua cuộc sống một cách vội vã và vô vị. Hãy sống chậm lại để thấy Chúa, thấy nhau trên đường đời. Hãy biến cuộc sống này là quà tặng, để Chúa Giêsu chạm vào trái tim bạn trong những buồn vui của cuộc sống. Ngài luôn có đó để chờ đợi bạn đến thổ lộ tâm tình. Thầy Giêsu của chúng ta không cầu kỳ hay khách sáo. Ngài cũng chẳng khắt khe hay nóng giận. Ngài nói: “Hãy đến và hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiên nhường trong lòng” (Mt 11,29). 

     

    Bạn còn băn khoăn điều gì nữa hãy đến cùng Giêsu. Ở bên Ngài và chọn Ngài làm bạn đường của mình. Hãy sống trọn vẹn giây phút hiện tại thật tròn đầy và sống lịch sử đời mình như lịch sử ơn cứu độ bạn nhé.

    Chào bạn!

     

    (Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo)

    WHĐ (14.3.2022)

     
    Thiên Di CND – CSA

     

     

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - LM TRANG THẬP TỰ - TIN MỪNG GIÊ-SU

LM TRĂNG THẬP TỰ

TIN MỪNG GIÊ-SU

  •  
    On Tuesday, February 22, 2022, 08:28:41 AM PST, Tin Mừng Giêsu <This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.> wrote:
     
     

    Chào bạn,

    Chúng tôi gửi thư này để cầu cứu sự tiếp tay của bạn. Xin hãy giúp chúng tôi tiền một gói thuốc, một tô phở hay một ly kem. Chúng tôi cần sự giúp đỡ như thế của bạn để giới thiệu cho mọi người biết vẻ rực rỡ của nền văn học Công giáo Việt Nam suốt 400 năm qua và để truyền cảm hứng cho những người thánh hiến trẻ tuổi gia tăng tinh thần hiếu học và nhiệt tình truyền giáo. Nhiều người đã quảng đại góp tiền xây nhà thờ vật chất, bạn hãy đóng góp cho những đền thờ tinh thần.

    Để hiểu rõ câu chuyện hơn, mời bạn đọc lá thư đính kèm và nhanh tay chuyển tiếp lá thư đến nhiều người khác. Chân thành cảm ơn bạn.

    Lm. Trăng Thập Tự

    ------------------------------------

     

 

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ -CẦN SỐNG CÔNG CHÍNH

 

  •  
    LM MINH ANH
    ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ
     


     


     
     

    NHỮNG ẤN TƯỢNG CHỦ QUAN

    “Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, các con chẳng được vào Nước Trời!”.

    Paul W. Powell nhận xét, “Sự kiêu ngạo rất tinh tế, đến nỗi, nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ tự hào về sự khiêm tốn của mình với ‘những ấn tượng chủ quan’. Khi điều này xảy ra, điều tốt trở thành xấu; nhân đức trở thành tệ nạn! Chúng ta dễ dàng trở nên một giảng viên giáo lý ngày Chúa Nhật, người đã kể câu chuyện về người Pharisêu; sau đó, anh nói với các trẻ, ‘Hỡi các con, hãy cúi đầu tạ ơn Chúa, chúng ta không giống như người Pharisêu!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Với “Sự tinh tế của kiêu ngạo” mà Powell nhận xét, thật thú vị, Lời Chúa hôm nay cũng nói đến ‘những ấn tượng chủ quan’. Thú vị hơn, điều này lại xảy ra nơi những người tưởng mình là ‘thánh sống!’. Chúa Giêsu, Đấng thấu suốt lòng người, nói với các môn đệ của Ngài về họ, “Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, các con chẳng được vào Nước Trời!”.

    Cần bao nhiêu sự công chính để có thể vượt qua các luật sĩ và biệt phái? Không nhiều, thật đáng nghi! Bởi lẽ, sự công chính của họ chỉ là sự thánh thiện bên ngoài, nghĩa là chẳng có gì thánh thiện. Và người ta sẽ khám phá ra điều gì ở “bên trong” của một linh hồn như thế? Ở đó, hẳn rất nhiều sự tự lừa dối bản thân; rất nhiều tự mãn trong ‘những ấn tượng chủ quan’ về sự thánh thiện; một thái độ hợm hĩnh khi cho mình thánh thiện hơn người! Thật dễ dàng để chúng ta đọc Phúc Âm và nhăn mũi trước những biệt phái ‘khó thương’ đó. Vậy mà, trên thực tế, cả chúng ta, cũng rất dễ dàng để trở nên những con người đui chột mù loà với bản thân như họ!

    Thật trùng hợp, qua bài đọc thứ nhất hôm nay, những người đương thời với Êzêkiel cũng khá chủ quan khi họ nghĩ, họ chính trực, còn Thiên Chúa thì không! Vì thế, Thiên Chúa phán, “Các ngươi nói, ‘Đường lối của Chúa không chính trực’. Vậy hỡi nhà Israel, hãy nghe đây, ‘Có phải đường lối của Ta không chính trực ư? Hay trái lại, đường lối của các ngươi không chính trực?’”.

    Như vậy, xem ra ranh giới giữa ‘chính trực thực và không chính trực’, giữa ‘thánh thiện thực và vờ thánh thiện’ dường như khá mong manh. Đó là lý do tại sao chúng ta phải luôn kiểm tra bản thân trước mặt Chúa với một nhận thức sâu sắc về sự khốn cùng và giới hạn của mình. Tôi sống cuộc đời tôi với mục đích theo đuổi sự ‘thánh thiện thực’, hay thực sự đang theo đuổi sự phù phiếm những tìm kiếm tôn vinh bản thân? Nói cách khác, tôi thích ‘giả vờ trở thành thánh hay thích thành thánh thực mà không giả vờ?’. Đừng quên, Thiên Chúa, “Đấng thấu suốt tâm can từng gang tấc; ai sống làm sao, Ngài sẽ trả cho như vậy!”. Vì thế, thái độ đúng đắn nhất của chúng ta, những tội nhân, là xin Ngài xót thương. Thật thâm trầm với Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?”.

    Anh Chị em,

    “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội!”. Mùa Chay, mùa quay về với lòng mình, mùa khiêm tốn nhìn nhận bao yếu hèn tội lỗi; Mùa Chay, còn là mùa tháo cởi và ném xa ‘những ấn tượng chủ quan’ về sự thánh thiện. Cốt lõi của sự thánh thiện chân chính nơi một con người là đức chính trực; chính trực có nghĩa là giống nhau cả bên trong lẫn bên ngoài, người ấy không sống hai mặt! Chính trực còn là khiêm nhường, cũng là thử thách của người môn đệ trên hành trình nên thánh. Như dầu với nước, kiêu ngạo rất xa lạ với thánh thiện, không bao giờ chúng hoà tan vào nhau. Ở đâu cái tôi chiếm chỗ, ở đó, rất ít, nếu có chỗ cho Thiên Chúa! Điều này có nghĩa là gì khi một người trở nên môn đệ trên danh nghĩa hoàn toàn thuộc về Chúa, đưa Ngài đến với mọi người, lại là một người đầy ắp cái tôi? Làm thế nào ân sủng và tình bạn nghĩa thiết với Chúa có thể kết hợp trong một tâm hồn kiêu hãnh? Không thể có một thoả hiệp nào giữa Thiên Chúa và một linh hồn kiêu căng! Hoặc linh hồn sẽ tự buông bỏ, hoặc Chúa sẽ không còn là Thiên Chúa!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin cứu con khỏi những huyễn danh phù phiếm; giúp con cởi bỏ và liệng xa ‘những ấn tượng chủ quan’ sai lầm. Lạy Chúa, xin thương xót con!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     


    .
     

 

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - CHA DŨNG - PHERO TÔNG ĐỒ, ANH LÀ ĐÁ

  •  
    Lan Chi CHUYỂN
     
     

    ANH PHÊ-RÔ, NGHĨA LÀ TẢNG ĐÁ

    LẬP TÔNG TOÀ THÁNH PHÊ-RÔ, TÔNG ĐỒ

    Cha Dũng

     
    Ca nhập lễ
    Lc 22,32

    Chúa nói với ông Si-mon Phê-rô :

    “Thầy đã cầu nguyện cho anh khỏi mất lòng tin.

    Phần anh, một khi đã trở lại,

    hãy làm cho những anh em khác vững tin.”

    Bài đọc 1
    1 Pr 5,1-4

     

    Tôi thuộc hàng kỳ mục, lại là chứng nhân những đau khổ của Đức Ki-tô.

    Bài trích thư thứ nhất của thánh Phê-rô tông đồ.

    1 Anh em thân mến, cùng các bậc kỳ mục trong anh em, tôi xin có mấy lời khuyên nhủ, vì tôi cũng thuộc hàng kỳ mục, lại là chứng nhân những đau khổ của Đức Ki-tô và được dự phần vinh quang sắp tỏ hiện trong tương lai. 2 Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em : lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ. 3 Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên. 4 Như thế, khi Vị Mục Tử tối cao xuất hiện, anh em sẽ được lãnh triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát.

    Đáp ca
    Tv 22,1-3a.3b-4.5.6 (Đ. c.1)

    Đ.Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.

    1Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.2Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
    Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
    3avà bổ sức cho tôi.

    Đ.Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.

    3bNgười dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
    vì danh dự của Người.
    4Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
    con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
    Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.

    Đ.Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.

    5Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.
    Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
    ly rượu con đầy tràn chan chứa.

    Đ.Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.

    6Lòng nhân hậu và tình thương Chúa
    ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
    và tôi được ở đền Người
    những ngày tháng, những năm dài triền miên.

    Đ.Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.

    Tung hô Tin Mừng
    Mt 16,18

    Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Ha-lê-lui-a.

    Tin Mừng
    Mt 16,13-19

     

    Anh là Phê-rô, Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời.

    Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

    13 Khi ấy, Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng : “Người ta nói Con Người là ai ?” 14 Các ông thưa : “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.” 15 Đức Giê-su lại hỏi : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” 16 Ông Si-môn Phê-rô thưa : “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” 17 Đức Giê-su nói với ông : “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. 18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. 19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời : dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy ; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”

    Ca hiệp lễ
    Mt 16,16.18

    Ông Phê-rô thưa với Chúa Giê-su : “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Chúa Giê-su trả lời : “Anh là Phê-rô, nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy.”

    --
     Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc. Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki-tô (Ep 4,30-32).

    30 Ne contristez pas l'Esprit Saint de Dieu, qui vous a marqués de son sceau pour le jour de la rédemption. 31 Aigreur, emportement, colère, clameurs, outrages, tout cela doit être extirpé de chez vous, avec la malice sous toutes ses formes32 Montrez-vous au contraire bons et compatissants les uns pour les autres, vous pardonnant mutuellement, comme Dieu vous a pardonné dans le Christ.

    Hoa quả của Thần Khí làbác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ (Galata 5,22-23)

    22 - Mais le fruit de l'Esprit est charité, joie, paix, longanimité, serviabilité, bonté, confiance dans les autres, 23 douceur, maîtrise de soi.

     

    https://youtu.be/vzFUGfzWm9E

    https://youtu.be/Wgl7Q6zUtgU

    https://youtu.be/-nh6fE6syWA

    •  
      Mt 16, 13-19 Lễ Kính lập Tông Toà Phêrô - Feb 22-2022 Fr Joseph.mp3
      11.2MB