8. Đời Sống Tâm Linh

ĐỜI SỐNG TÂM LINH -

  •  
    Chi Tran



    CON TIM RUNG ĐỘNG

     

    Một con tim biết rung động sẽ là điều kiện đầu tiên và thiết yếu cho việc xây dựng tương quan với Thiên Chúa. Có rất nhiều lý do khiến con tim ta loạn nhịp đập. 

     

    Mọi cuộc tình đều bắt đầu từ những rung động tinh tế nhất của con tim. Tác nhân có thể là ánh mắt, nụ cười, hành vi cử chỉ hay một lời nói trầm ấm. Như mồi lửa bắt đầu được nhen nhúm, sự rung động nhẹ nhàng ấy tiếp tục được ấp ủ, nuôi dưỡng và gìn giữ cách trân trọng để rồi tới một thời điểm nào đó người ta rơi vào trạng thái yêu lúc nào chẳng hay. Như vậy, nếu không có sự bắt đầu dù là nhỏ bé ấy thì không thể có hoa trái tình yêu được. Nói cách khác, nếu con tim ta không biết rung động trước một đối tượng nào đó thì ta sẽ chẳng có cơ may xây đắp lâu đài tình ái với họ.

     

    Thiết nghĩ nguyên tắc trên cũng được áp dụng trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Nhiều người mặc định rằng chỉ những linh mục tu sĩ hay những người được cho là đạo hạnh mới có đời sống thiêng liêng sâu sắc, số còn lại không bao giờ có kinh nghiệm về Thiên Chúa. Điều này hoàn toàn không đúng. Sự thật là tất cả mọi người đều có kinh nghiệm về Thiên Chúa theo cách này hay cách khác. Thậm chí ngay cả những người tuyên bố là vô thần hoặc không tin vào Thiên Chúa của Kitô giáo, họ vẫn không thể chối bỏ được kinh nghiệm về một thực tại siêu việt bên ngoài giới hạn của con người.

     

    Từ cổ chí kim, từ đông sang tây, từ nhà bác học cho đến người thất học, không ai có thể tránh khỏi các câu hỏi tra vấn về nguồn gốc và cùng đích của vũ trụ, về đau khổ ở đời này hay về thực tại đằng sau cái chết. Con người sẽ mãi không ngừng thao thức tìm kiếm, hay nói đúng hơn là họ sẽ luôn phải đối diện với những vấn đề không có lời giải đáp cuối cùng. Đó chính là lý do vì sao con tim chúng ta dễ dàng rung động trước những tín hiệu của thế giới tâm linh. Thế giới tâm linh ở đây không hẳn là những gì huyền bí hay ma thuật. Đúng hơn, đó chỉ là cách nói diễn tả mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Đời sống tâm linh là một chiều kích khác của thực tại đời này chứ không phải là một thế giới khác. Theo đó, con người biết nhận ra và diễn tả lòng yêu mến Thiên Chúa không phải qua kinh nghiệm xuất thần mà là qua những biến cố cụ thể xảy ra hằng ngày trong đời sống của mình.

     

    Một con tim biết rung động sẽ là điều kiện đầu tiên và thiết yếu cho việc xây dựng tương quan với Thiên Chúa. Có rất nhiều lý do khiến con tim ta loạn nhịp đập. Đó có thể là sự mất mát đau thương của chính mình hay của đồng loại. Đó có thể là nỗi niềm bức xúc và căm phẫn khi chứng kiến cảnh bạo lực, bất công diễn ra trong xã hội. Đó có thể là sự choáng ngợp khi đứng trước vẻ đẹp của tự nhiên. Đó có thể là thái độ cảm phục trước tinh thần quảng đại hy sinh của người khác. Đó có thể là sự ngưỡng mộ khi thấy ai đó có khả năng đặc biệt. Đó cũng có thể là niềm vui sâu xa khi vô tình đọc hay nghe được một lời dạy thấm thía. Và đó còn có thể là niềm sung sướng tột độ khi đạt được điều mình ao ước. Trong những tình huống như thế, một cách vô thức, người ta thường thốt lên: “Lạy Chúa tôi!” hay là “Ôi trời ơi!”. Con người ý thức được rằng có một điều gì đó vượt ngoài tầm kiểm soát của mình. Chúng ta gọi đó là kinh nghiệm siêu việt. Dù có tin vào Chúa hay không, người ta phải thừa nhận rằng nguồn gốc của những kinh nghiệm siêu việt không thể đến từ con người.

     

    Khi bàn về kinh nghiệm nói chung và kinh nghiệm siêu việt nói riêng, chúng ta cần phân biệt giữa “kinh nghiệm trực tiếp” và việc “phản tỉnh” về kinh nghiệm đó. Hai bước này dù khác biệt nhưng không hề tách rời nhau. “Kinh nghiệm trực tiếp” liên hệ đến hoàn cảnh mà một người trải qua, còn việc “phản tỉnh” nói lên ý nghĩa của kinh nghiệm đó đối với họ. Con người ta có kinh nghiệm khác nhau không chỉ vì họ trải qua những hoàn cảnh khác nhau mà còn vì họ có thái độ phản tỉnh khác nhau về cùng một tình huống. Ví dụ như có hai người sinh ra trong cùng một hoàn cảnh nghèo khó như nhau, nhưng một người thì chỉ biết than trách số phận, còn người kia thì cố gắng phấn đấu để vươn lên. Tương tự, có một nhóm người leo lên tới đỉnh núi cao, ai cũng có kinh nghiệm trực tiếp về khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Tuy nhiên, trong số họ có người liên hệ đến thân phận nhỏ bé của con người, có người nhận ra sự sắp đặt kỳ diệu của bàn tay tạo hóa, còn có người thì chỉ thấy khung cảnh đẹp, khoan khoái trong lòng vậy thôi.

     

    Không phải “kinh nghiệm trực tiếp” nhưng chính việc “phản tỉnh” về kinh nghiệm mới là con đường dẫn dắt con người đến với Thiên Chúa. Với kinh nghiệm siêu việt, người ta liên tục đặt ra những câu hỏi “tại sao” và thao thức tìm kiếm lời giải đáp. Chính trong nỗ lực tìm kiếm đó mà con người gặp được Thiên Chúa, hay nói đúng hơn là họ nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện trong cuộc đời mình. Thật vậy, khi con người biết phản tỉnh về một kinh nghiệm siêu việt nào đó đủ sâu, họ sẽ nhận thấy một sự thay đổi đáng kể. Thực tại bên ngoài không hề thay đổi, sự thay đổi đến từ cách nhìn của con người về thực tại đó. Nói cách khác, thế giới vẫn vậy nhưng nó mang một ý nghĩa mới qua kinh nghiệm phản tỉnh của con người.

     

    Sự thay đổi như thế thường xảy ra qua một biến cố bước ngoặc trong đời. Ví dụ, một đứa con ăn chơi lêu lỏng bỗng trở nên chí thú làm ăn và biết gánh vác việc gia đình sau khi bố hoặc mẹ mất. Sau cơn bệnh thập tử nhất sinh thì một người tham lam ích kỷ bỗng biết sống yêu thương sẻ chia với người khác nhiều hơn trước. Hoặc một người khô khan nguội lạnh trong đời sống đức tin lại trở nên sốt mến lạ thường sau chuyến du lịch Đất Thánh. Trong những trường hợp như vậy, chắc chắn đương sự đã trải qua một kinh nghiệm siêu việt nào đó khiến họ thay đổi cách nhìn hay thái độ sống của mình. Chúng ta gọi đó là kinh nghiệm hoán cải.

     

    Thánh I Nhã là một trong những người có kinh nghiệm hoán cải đó. Trong thời gian dưỡng thương ở lâu đài Loyola, ngài muốn tìm sách đọc như một cách giết thời gian nhàn rỗi và nhàm chán. Tuy nhiên, khi đọc đến câu chuyện kể về các vị thánh thì con tim của ngài đã rung động. Quan trọng hơn, thánh I Nhã đã không dừng lại ở rung động nhất thời mà ngài đã dành thời gian để phản tỉnh về tác động của kinh nghiệm đó đến mình. Ngài so sánh những cảm xúc có được khi suy nghĩ về việc phục vụ Chúa theo gương các vị thánh với những cảm xúc khi nghĩ đến việc chinh phục một tiểu thư quý phái để rồi phân biệt điều nào đến từ Thiên Chúa, điều nào đến từ ma quỷ. Chính kinh nghiệm có được và việc phản tỉnh về kinh nghiệm đó đã thôi thúc thánh I Nhã tìm kiếm ý Chúa trong những biến cố tiếp theo trong cuộc đời ngài.

     

    Thiên Chúa đã tạo ra con người với con tim biết rung động trước những dấu chỉ có thể dẫn chúng ta đến với Ngài. Do vậy chúng ta hãy để ý đến những chuyển động nội tâm dù là nhỏ bé nhất, vì đó có thể là sự khởi đầu của một kinh nghiệm thiêng liêng sâu sắc. Đừng coi thường những câu hỏi bất chợt hiện ra trong đầu mình như “Không hiểu sao có người tài đến thế?”, “Không biết làm thế nào mà có cảnh đẹp đến như vậy?”, “Không biết điều gì đã khiến người ta hy sinh quảng đại như thế?”… Và cùng đừng ngần ngại đặt ra những vấn đề từ lâu chúng ta thường băn khoăn trăn trở như “Tôi sinh ra ở đời này để làm gì?”, “Rồi sẽ đi về đâu?”, “Làm sao để có được hạnh phúc?”…

     

    Thậm chí những câu hỏi kiểu như “Tại sao Chúa lại để điều này xảy ra?” hay “Tại sao người tốt lại gặp phải nhiều bất hạnh như thế?” không hề là sự chối bỏ niềm tin vào Thiên Chúa. Ngược lại, đó là những rung động của con tim giúp kết nối con người với thực tại vượt quá giới hạn hiểu biết của của con người. Chính khi đó, Chúa sẽ tỏ mình ra cho con người theo cách Ngài muốn.

     

    Giuse Lê Đắc Thắng, SJ(dongten.net)

     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - ĐỌC KINH LẠY CHA

  •  
    Chi Tran

     
    KINH LẠY CHA LÀ KINH TRỪ QUỶ
    Linh Mục Dwight Longernecker viết:
    "Tôi được tham dự một buổi hội thảo về đề tài giải thoát và trừ quỷ do bác sĩ tâm thần Kenneth McCall trình bầy.
    Trong mục hỏi đáp thì có 3 người phụ nữ kể cho Dr. McCall nghe rằng có những phù thủy đến thành phố của họ và họ muốn xin ý kiến vị bác sĩ để làm cách nào loại trừ các phù thủy ấy.
    Dr.McCall là một người ăn nói nhỏ nhẹ và có một đời sống tâm linh sâu thẳm. Ông nói rất nhẹ nhàng:
    - “Theo kinh nghiệm thì trong đa số các trường hợp, chúng ta cần là có một nhóm nhỏ những người Kitô hữu ngoan đạo cùng tụ họp và cầu nguyện trong thinh lặng ở những nơi có sự dữ và kẻ dữ.
    Nhóm ấy cứ đọc Kinh Lạy Cha nhiều lần và tập trung ở câu: “Nhưng cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ ”
    Vì lời kinh này rất hữu hiệu”.
    Nói xong, ông mỉm cười và hỏi tiếp:
    - “Còn ai có câu hỏi nào nữa không ạ?”
    Tôi nghĩ các bà ấy có phần thất vọng. Có lẽ họ muốn một cuộc trừ quỷ dữ dội, rồi được thấy những cái đầu quay vòng vòng, nạn nhân được nâng cao, nước phép được rẩy ra, và những dấu lạ, điềm thiêng xuất hiện.
    Cho đến nay, tôi vẫn nhớ lời khuyên của Dr. McCall và đọc Kinh Lạy Cha như một vũ khí chống sự dữ. Tôi còn dậy cho nhiều người khác làm như thế.
    Đôi khi cũng cần có những cuộc trừ quỷ. Nhúng lúc ấy cần có một nhà trừ quỷ được huấn luyện để làm nghi thưc trừ quỷ. Và nhà trừ quỷ cần có phép của Đức Giám Mục.
    Tuy nhiên các Kitô hữu đã được rửa tội đều được kêu gọi để trờ thành các chiến sĩ trong trận chiến thiêng liêng. Khi chúng ta đọc Kinh Lạy Cha một cách ý thức để xin Chúa giải thoát thì đó là một cách thức thực tế để chống lại kẻ dữ.
    Chúng ta thường quên rằng mục vụ chính của Chúa Giêsu khi còn ở trần gian là cuộc chiến chống Satan. Từ lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa cho đến khi Ngài vào sa mạc để chịu ma quỷ thử thách, Ngài luôn trừ quỷ, chữa lành bịnh nhân cả về thể xác, tâm trí và tâm linh.
    Cuối cùng qua thập giá và Phục Sinh, Chúa Giêsu đã chiến thắng kẻ thù mãi mãi.
    Chúa Giêsu ban cho chúng ta Kinh Lạy Cha như một vũ khí trong cuộc chiến. Chúng ta cần tập trung và ghi nhớ.
    Câu thứ nhất là: “Và tha nợ chúng con .”
    Trước hết, chúng ta xin Chúa tha thứ tội lỗi ta và rồi chúng ta tha thứ cho những kẻ có nợ chúng ta:
    “như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con .”
    Bằng lời cầu nguyện này thì chúng ta ăn năn thống hối tội lỗi của mình và xin Chúa tha thứ.
    “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ nhưng cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen ."
    Đó là lời cầu nguyện xin Chúa bảo vệ chúng con khỏi sự tấn công của ma quỷ. Xin Chúa hướng dẫn chúng con đến nơi an toàn và thoát khỏi sự lừa dối của ma quỷ. Xin Chúa hướng dẫn chúng con đến ánh sáng và thoát khỏi bóng tối.
    Có nhiều người chịu đau khổ vì bị ma quỷ trói buộc, chẳng hạn như họ bị nghiện ngập ma tuý, rượu chè, trai gái, cờ bạc, thích những phim ảnh dâm ô, những liên hệ bất chính. Từ đó họ có những thói quen xấu, đi sai lạc, muốn tự huỷ hoại, chán đời, sợ hãi và lo âu. Tà khí có thể làm cho người ấy bịnh tật và mất tinh thần.
    Khi đối diện với kẻ dữ và sự dữ, chúng ta cứ thinh lặng cầu nguyện Kinh Lạy Cha để xin Chúa tha tội, cầu cho bản thân được giải thoát khỏi cám dỗ, cầu cho được tự do, và cầu để Chúa giải thoát chúng ta khỏi bóng tối đang bao vây chúng ta.
    Kinh Lạy Cha còn được đọc để cầu bầu cho những người khác. Đó là một hành động bác ái, đầy lòng thương xót. Nhờ đó mà những người đang bị ma quỷ và thói xấu trói buộc thì Chúa sẽ giải thoát họ.
    Chúa Giêsu thường cầu nguyện Kinh Lạy Cha. Khi chúng ta đọc kinh này thì chúng ta được hiệp thông với Chúa Giêsu. Tôi tin rằng Kinh Lạy Cha là kinh quan trọng nhất mà nhiều người coi thường hay quên lãng.
    Khi Kinh Lạy Cha được cầu nguyện một cách đơn sơ, thinh lặng và chậm rãi thì chúng ta hiệp nhất với Chúa Giêsu, hiệp nhất ý riêng của chúng ta với Thánh Ý Chúa Giêsu và cầu bầu cho sự cứu rỗi của toàn thế giới và cho các linh hồn được giải thoát ."
     
     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH -THIÊN THẦN BẢN MỆNH

  •  
    Chi Tran chuyển

     
     
     


    3 CÂU CHUYỆN VỀ THIÊN THẦN BẢN MỆNH 

    Nữ ký giả người Mỹ Hope Mac Donald ghi lại chứng từ về sự trợ giúp của Thánh Thiên Thần Bản Mệnh.

    Năm ấy, chị Marilyn lên 8 còn tôi lên 4. Vào một buổi sáng, cha mẹ tôi đưa chị tôi đến trường như thường lệ. Nhưng một giờ sau, tôi trông thấy cha mẹ bồng chị Marilyn về nhà, mình đầy máu và vết bầm. Cha mẹ tôi đặt chị trên chiếc ghế trường kỷ trong lúc chờ đợi bác sĩ. Khi bác sĩ đến, ông bà kể cho bác sĩ nghe diễn tiến tai nạn như thế này: “Khi băng qua đường để vào trường, bé Marilyn bất ngờ bị một chiếc xe hất tung lên không rồi rơi xuống vệ đường, lăn mấy vòng đến một cống nước. Chúng tôi bất lực nhìn bé lăn nhanh và chờ đợi bé bị rơi hẳn xuống cống. Không ngờ, khi lăn đến miệng cống, bé Marilyn nằm yên ở đó. Chúng tôi vội vàng chạy đến. Cho đến lúc này đây, chúng tôi vẫn không hiểu được: làm sao bé có thể dừng ngay trên miệng cống, mà không rơi hẳn xuống cống, như đáng lý phải xảy ra, vì bé lăn với một tốc độ thật nhanh??? Quả thật, chúng tôi không thể nào hiểu được!!!”

    Cha mẹ tôi không hiểu, còn chị Marilyn lại ngạc nhiên khi thấy cha mẹ không hiểu. Chị đơn sơ nói: “Ủa, Ba Má không thấy gì hết sao? Ba Má không thấy Thiên Thần cao lớn lộng lẫy đứng ngay nơi miệng cống sao? Chính Thiên Thần đưa tay ngăn chặn, không cho con rơi xuống cống!”
     

    .. Câu chuyện thứ hai do bà Karen Hills, tín hữu Công Giáo người Mỹ kể lại.

    Khi bé gái tôi lên 7 và bé trai lên 9, cả gia đình chúng tôi đi chơi một ngày ngoài trời nơi vùng núi của bang Colorado. Hai đứa trẻ nô đùa bên dòng suối. Bỗng bé trai hét lên kinh hoàng. Vợ chồng chúng tôi quay lại thì thấy bé gái rơi xuống dòng nước đang chảy. Bé rơi đầu xuống trước và hai tay bám chặt vào bờ suối. Chồng tôi vội chạy đến và đưa bé ra khỏi nước.

    Trên đường về nhà, tôi bồng bé trên tay và thì thầm vào tai bé: “Mẹ thật hãnh diện về con. Con đã biết can đảm đương đầu với thử thách. Vậy từ nay, mỗi khi gặp khó khăn, con đừng bao giờ .. lùi bước con nhé!” Tôi giảng luân lý cho bé y như một người lớn, bởi lẽ tôi quá vui mừng khi thấy bé thoát hiểm nguy nhờ biết giữ điềm tĩnh! Thế nhưng, bé ngạc nhiên ngước mắt nhìn tôi và nói: “Bộ Má không trông thấy 3 Thiên Thần tí hon đến giúp con sao? Chính các Thiên Thần bảo con bám chặt vào bờ và nhờ đó, con không sợ hãi gì hết!

     

    .. Câu chuyện thứ ba do một phụ nữ Công Giáo người Pháp thuật lại.

    Bà Ngoại tôi tên thánh là Maria. Khi tôi còn bé, Ngoại thường nói cho tôi nghe về các Thánh Thiên Thần, đặc biệt là Thánh Thiên Thần Bản Mệnh. Một ngày, Ngoại kể cho tôi nghe câu chuyện có thật, xảy ra lúc Ngoại còn nhỏ.

    Năm ấy Ngoại lên 6 tuổi. Bác gái Madeleine hàng xóm đến xin phép mẹ cho Ngoại theo Bác ra đồng cho có bạn, trong khi Bác cắt lúa mì. Mẹ đồng ý. Ngoại theo Bác Madeleine ra đồng với bé Béatrice, bé tí teo, còn nằm trong nôi. Đến nơi, Bác Madeleine cho bé Béatrice bú. Bác nói: “Như thế bé Béatrice sẽ ngủ yên và chúng ta an tâm làm việc”. Cho bú xong, Bác đặt bé trong nôi, phủ chăn lại rồi đem đặt bé dưới bóng cây mát. Bác và Ngoại làm việc khoảng một giờ bỗng có tiếng cánh chim đập thật lớn, khiến cả hai cùng ngước mắt nhìn lên. Một con chim khổng lồ - có lẽ phượng hoàng - bay lượn trên đầu hai người. Đang đảo qua đảo lại, con chim bỗng bay sà thật nhanh xuống chiếc nôi bé Béatrice đang ngủ. Chim dùng mỏ và các móng vuốt, kẹp bé Béatrice rồi bay lên mang đi mất hút tận chân trời ..

    Bác Madeleine và Ngoại hoàn toàn bất lực nhìn theo bóng chim. Còn đang thất kinh hồn vía ngước nhìn trời cao, bỗng Ngoại nghe tiếng rú thất thanh, xé tan bầu khí im lặng. Đó là tiếng thét của Bác Madeleine. Bác rú như một người điên. Phần Ngoại, Ngoại liền quỳ xuống và cầu khẩn: “Ôi lạy Thánh Thiên Thần Bản Mệnh của con, xin Thánh Thiên Thần cứu giúp chúng con với!” Nghe tiếng Ngoại tha thiết cầu khẩn như thế, lạ lùng thay, Bác Madeleine bỗng lấy lại bình tĩnh. Bác cũng quỳ gối xuống van xin: “Lạy Thánh Thiên Thần Bản Mệnh, xin cứu giúp chúng con, xin cứu giúp chúng con!”

    Tức khắc, con chim phượng hoàng tái xuất hiện. Chim bay đảo một vòng trên đầu hai người rồi nhắm thẳng chiếc nôi, chim bay sà xuống đặt bé Béatrice an toàn trở lại trong nôi.

    Bác Madeleine vội vã chạy đến bên nôi, bồng bé Béatrice trên tay và miệng không ngừng kêu lên: “Con xin cám ơn Chúa, cám ơn các Thánh Thiên Thần”. Trong cơn vui mừng ghi ơn khôn tả, bác Madeleine chỉ biết lập đi lập lại có thế.. Phần Ngoại, vì được chứng kiến tận mắt phép lạ cả thể như thế, nên suốt đời, Ngoại luôn luôn đặt trọn lòng tin tưởng nơi sự phù giúp của Thánh Thiên Thần Bản Mệnh.

    Ngoại tôi qua đời năm 1957. Ngoại ra đi êm ả và nhanh chóng. Trước đó, Ngoại còn căn dặn mẹ tôi nhớ chưng hoa tươi trước tượng Thánh Cả GIUSE, vào ngày 19 tháng 3, lễ kính Thánh Cả.

    (Sophy Burnham, “Le Livre des Anges”, Editions Marabout, 1994, trang 62+80 + ”Le Ciel Parmi Nous”, Editions Bénédictines 1997, trang 134-136).
     
     
     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH -

  •  
    Chi Tran



    NHẬN ĐỊNH LÀ ƠN CẦN XIN

    VÀ LÀ KHẢ NĂNG CẦN TẬP LUYỆN

     

    Mục đích của việc nhận định chính là nhận biết ý muốn của Thiên Chúa và đem ra thực hành. Vì thế, cần có lòng khao khát phục vụ Chúa mọi lúc và không quản ngại chi.

     

    Không cần phải nói nhiều về tầm quan trọng của việc nhận định, tuy nhiên thực tế việc nhận định đã không thường xuyên được thực hiện. Bởi vì chỉ có thể làm việc nhận định để đi vào chiều sâu của tâm hồn, khi chúng ta biết đặt mình trong ánh sáng của niềm tin cậy nơi Thiên Chúa. Trên hết, nhận định là một ơn, và cũng là một khả năng mà không nhiều người có được. Thánh Tông đồ Phaolo nói: nhận định là một ơn của Chúa Thánh Thần, nên chúng ta cần khiêm nhường bền bỉ cầu xin, và cố gắng theo gương của Chúa Giêsu trong cuộc sống.

     

    Mục đích của việc nhận định chính là nhận biết ý muốn của Thiên Chúa và đem ra thực hành. Vì thế, cần có lòng khao khát phục vụ Chúa mọi lúc và không quản ngại chi. Để đạt được việc nhận định quan trọng nhất, tức là nhận định về chọn lựa bậc sống (đi tu, lập gia đình, độc thân giữa đời, dành cả đời phục vụ với sự dấn thân chuyên biệt…) để có thể phục vụ Chúa, thì việc cần thiết là học nhìn nhận và lượng giá những động lực thúc đẩy trong các hoàn cảnh cuộc sống, cả cuộc sống thường ngày cũng như trong những dịp đặc biệt. Quá trình này thường lâu dài và tốn nhiều công sức, nhưng điều ấy sẽ luôn mang lại nhiều ánh sáng và nhiều thành quả. Như thế, bạn hiểu được rằng, việc nhận định không phải là việc ưu tiên cho những ý tưởng hoặc dự án. Việc nhận định cũng không dựa trên những lý do thông thường, nghĩa là thông thường, người ta cân nhắc các khả thể dựa trên mức độ phù hợp hoặc ít phù hợp hơn với mục đích được đề xuất.

     

    Ví dụ sau đây, sẽ làm rõ những gì đang được nói với bạn.

    Khi người bệnh được kê đơn thuốc với vị thuốc vô cùng khó uống. Lúc uống thuốc, bệnh nhân không hề nghi ngờ về hiệu quả chữa lành và phục hồi mà thuốc đem lại, và do đó, bệnh nhân nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, mặc dù bệnh nhân không cần phải tự thuyết phục chính mình về những hiệu quả tốt mà thuốc mang lại, thì trong khi đó, bệnh nhân vẫn cảm thấy thật khó chịu và ghê tởm bởi vị thuốc kinh khủng ấy. Bạn thấy đó, cho dù ngay cả khi tâm trí tuân theo biện pháp điều trị, thì vị giác vẫn bị tổn thương nghiêm trọng, và vị giác sẽ có muôn vàn lý do để từ chối việc uống thuốc, hoặc ít nhất là từ chối bao nhiêu có thể để ít phải uống thuốc bao nhiêu có thể.

     

    Bạn sẽ dễ dàng áp dụng điều tương tự vào đời sống thiêng liêng. Bất cứ ai muốn từ bỏ con đường tội lỗi, mặc dù biết rõ mục đích mình hướng tới, nhưng sẽ rất khó khăn và cảm thấy khó chịu để hành động. Một cách tự nhiên, những gì phải thay đổi, những gì phải bỏ đi, sẽ tạo nên cảm giác buồn chán, và khi đó cảm giác ấy sẽ gợi ra muôn vàn lý do để chống lại ý định tốt lành ban đầu.

     

    Vì lý do đó, bạn có thể hiểu rõ, ngay cả trước khi dừng lại suy nghĩ hoặc muốn thay đổi suy nghĩ, thì điều quan trọng là xem xét các chuyển động của tư tưởng, dòng chuyển động của suy nghĩ, để biết được các chuyển động ấy bắt đầu từ đâu, diễn ra thế nào, và dẫn tới đâu. Bởi vì ẩn sâu trong tâm hồn mình, các cội rễ của tội lỗi vẫn nằm đó, ẩn đi, và luôn chờ thời cơ để mọc lên các mầm non ngay khi có cơ hội. Và đừng ngạc nhiên, khi làm việc nhận định, bạn nhận thấy những điều ấy trong tâm hồn mình.

     

    Cho nên, hãy chuẩn bị tâm hồn: đam mê tật xấu sẽ không cho ta nghỉ ngơi cho đến khi chúng được xóa bỏ hoàn toàn. Đối với đam mê tật xấu, việc cắt tỉa hoặc nhổ bỏ cây, là không đủ. Cần phải nhổ rễ chúng và để chúng thật lâu trong ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa, để chúng được tôi luyện, bị khô héo, và đó là lúc điều ác bị thổi bay, và đó cũng là lúc bùng lên ngọn lửa nhân đức.

     

    Chuyển ngữ từ tiếng Ý: Tứ Quyết SJ

    Cuốn sách: Maestro di San Bartolo, Abbi a cuore il Signore, Introduzione di Daniele Libanori, (San Paolo 2020).

    Trong tuần tĩnh tâm mùa chay (từ chiều chúa nhật 21/2/2021 đến trưa thứ sáu 26/2/2021), Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi Giáo triều Roma và các tín hữu tìm về cùng Thiên Chúa, kín múc nghị lực để đương đầu với những thách đố mới. Vì đại dịch Covid, các vị không tĩnh tâm chung như mọi năm, nhưng mỗi vị tĩnh tâm riêng tại nơi thích hợp. Đức Thánh Cha gửi tặng mỗi vị cuốn sách thiêng liêng giúp suy niệm với tựa đề “Abbi a cuore il Signore” (Hãy có Chúa trong lòng). Sách dầy 320 trang gồm các thủ bản cũ do một đan sĩ thuộc Đan viện thánh Bartolo biên soạn hồi thế kỷ 17, trên từng tờ rời, dường như để hướng dẫn các môn đệ.

     GPLONGXUYEN

    -------------------------------------------

     

     

     
     
     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH -

  •  
    Chi Tran chuyển
    GƯƠNG CHÚA GIÊSU 

    CHÚA BAN NHIỀU ƠN CHO NHỮNG AI RƯỚC LỄ XỨNG ĐÁNG

            Thêm ân sủng và nhân đức

                Lạy Chúa TRời con! Xin thương xuống “phúc lành cho tôi tớ Chúa”(1)[ccxx], để con được sốt sắng và xứng đáng đến rước Chúa.

            Hãy quy hướng tâm hồn con về với Chúa. Hãy thức tỉnh con khỏi giấc ngủ ươn hèn. Hãy đến cứu con, để lòng con nếm được thi vị tàng ẩn trong Bí tích này như trong suối mạch tràn trụa.

     này, và hãy củng cố Đức tin để tin cho vững chắc.

            Vì đây là công cuộc của tình yêu, chứ đâu phải của thế lực nhân loại, là một tổ chức của Thiên Chúa chứ đâu phải do sáng kiến người trần!

            Không ai dùng ánh sáng lý trí tự nhiên mà hiểu được mầu nhiệm này, vì nó vượt trên cả tâm trí các Thiên thần.

            Đã thế, tội lỗi khốn nạn như con, là bụi gai như con, con hiểu thế nào được Mầu nhiệm vĩ đại này!

            Lạy Chúa, với trót tâm hồn đơn sơ, với đức Tin kiên quyết và trung tín- tuân lệnh Chúa- con tin tưởng và kính cẩn đến cùng Chúa, và con tin vững vàng Chúa ngự trong Bí tích này, có trót tính Thiên Chúa và tính nhân loại.

            Con muốn rước Chúa và hợp nhất với Chúa trong một tình yêu khắng khít. Vì thế con kêu cầu lượng từ bi Chúa một ơn đặc biệt này là để toàn thân con tan hòa trong Chúa vì yêu mến, và không để một yên ủi ngoại lai nào chi phối được con.

            Vì Bí tích cao cả và trọng đại này là sinh lực của hồn và xác, là thuốc chuyên trị mọi chứng bệnh tinh thần. Nó sửa nết xấu, kiềm chế tình dục, lướt thắng và giảm sức cám dỗ, tăng ân sủng, thêm nhân đức, củng cố đức Tin, phấn chấn đức Cậy, phát triển và kiện toàn đức Ái.

            Bạn thiết nghĩa

                Ôi! Chúa Trời con! Chúa là nơi nương tựa duy nhất của hồn con! Chính Chúa đã cứu vãn tính yếu hèn của nhân loại và ban phát mọi an ủi tâm hồn. Còn ơn nào Chúa không ban và sẽ không ban hằng ngày trong Bí tích Thánh thể, cho những người kính mến rước Chúa cho sốt sắng?

            Kìa! Chúa đã yên ủi họ hết lời trong lúc đau khổ. Lúc họ ngã lòng, Chúa đã phấn khởi đem cho hy vọng sẽ được hộ đỡ. Chúa ban ơn mới lạ để củng cố và soi sáng tinh thần, đến nỗi- trước khi rước lễ- tâm hồn họ xao xuyến và khô lạnh, mà sau khi lĩnh thụ Thánh thể Chúa, họ thấy trong mình khác hẳn!

            Chúa hậu đãi người Chúa chọn thế, cốt để họ nhìn cho rõ, thấy cho tường tận sức riêng của mình yếu hèn chừng nào, và họ đã hưởng nhờ lòng nhân từ và ơn nghĩa Chúa chừng nào!

            Vì bản thân họ nguội lạnh, cứng cỏi và khô khan, mà nay nhờ ơn Chúa, họ trở nên đạo đức, thùy mị và sốt sắng.

            Đã có ai khiêm nhường tới mạch suối dịu ngọt này mà không múc được đôi chút thi vị của Chúa. Hay nói đã có ai đứng bên đống lửa, mà không cảm thấy nóng ran chưa?

            Vâng, chính Chúa là suối mạch tràn trụa, là lửa hỏa hào không bao giờ tắt.

            Vậy nếu không múc được nước bởi mạch suối tràn trụa mà uống cho no thỏa, ít nhất con cũng sẽ kề môi vào miệng giếng nước trời hấng lấy đôi giọt cho êm giọng, để khỏi chết khát.

            Và nếu không trở nên được như người trời và sốt sắng như các thiên thần Se-ra-phim, Ke-ru-bim, ít nhất, con cũng sẽ cố gắng giục lòng sốt sắng dọn mình để- khi lĩnh thụ Bí tích trường sinh, con cũng nhờ được đôi tàn lửa thánh.

            Lạy Chúa Giê-su nhân lành, Chúa Cứu Chộc Chí Thánh! Xin Chúa hãy rộng tay bù đắp cho những chỗ trong con còn khuy khuyết, vì Chúa đã thương gọi hết mọi người đến cùng Chúa: “hết thảy những ai lao lực vất vả, hãy đến cùng Cha, Cha sẽ bổ sức cho”(1)[ccxxi].

            Xin ơn năng rước lễ

                Con vất vả chảy mồ hôi trán, lòng con héo hắt vì buồn đau. Tội lỗi đè nặng trên con. Cám dỗ dằn vặt con, tà dục vây phủ và đùa khuấy con, mà “vẫn không một ai tiếp viện”(2)[ccxxii], không một ai giải phóng và cứu thoát con trừ Chúa, lạy Chúa Trời con, Chúa cứu chuộc! Con tận hiến mình con và mọi cái thuộc về con trong tay Chúa, để Chúa gìn giữ và đem tới chốn trường sinh.

            Chúa đã ban Mình Thánh Máu Thánh Chúa làm của ăn và của uống cho con, xin nhận lấy con để chúc tụng và vinh danh Chúa.

            Lạy Chúa Trời, Chúa cứu chuộc con! Xin làm cho con càng năng rước Thánh Thể Chúa, càng thêm sốt sắng yêu mến Chúa.

                                            SUY NIỆM

            Trên đường đi O-rép, Tiên tri Elia đói nhọc, thất vọng, đang nằm dưới gốc cây chờ chết. Nhưng Sứ Thần Chúa đã đến lay tỉnh ông: “Hãy ăn bánh bởi trời đem xuống”. Elia ăn và trèo được tới đỉnh núi mong chờ.

              Trong cuộc hành trình của ta về quê trời, bao phen ta đã chùn chân, mỏi gối và thất vọng. Nhưng Chúa đã thương ban lương thực ăn đường.

              Đây không phải là một sứ thần, nhưng là chính Chúa đã thân hành đến.

              Đây không phải là tấm bánh tượng trưng, nhunh7 là chính Thịt và Máu Chúa.

              Ngài tuyên ngôn: “Này là Mình và Máu Ta… Ai ăn Thịt và uống Máu Ta, sẽ được sống muôn đời”.

              Với lương thực trọng đại này, ta sẽ dễ dàng và dư lực để trèo tới đỉnh núi thiên đàng.

              Ôi! Chúa Giê-su? Thực Chúa không còn thể làm gì hơn để tỏ lòng thương con! Xin cho con năng đến rước Chúa để đáp lòng Chúa trong muôn một.
    Nguyên tác: THOMAS A KEMPIS  
    Linh mục LÊ BÁ TƯ