3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - MAT-THÊU 8, 5-11

  •  LM MINH ANH




     
    TIN MỪNG MAT-THÊU 8, 5-11
     

    CHIỀU KÍCH VÔ CÙNG

    “Các dân nước sẽ đổ về đó!”.

    Trong “The Fight”, “Cuộc Chiến”, John White viết, “Một nhân chứng tốt, khác với một người bán hàng; người ta nhấn mạnh vào ‘một người làm chứng’ hơn là một sản phẩm! Người ấy như bảng chỉ đường; không quan trọng họ già, trẻ, đẹp, xấu; chỉ cần chỉ đúng hướng và dễ hiểu. Là nhân chứng Kitô, chúng ta phải sống làm sao để chỉ được ‘chiều kích vô cùng’ của ơn Ngài cứu độ!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Mùa Vọng, mùa gẫm suy ‘chiều kích vô cùng’ của ơn Thiên Chúa cứu độ! Bàn tiệc Lời Chúa Mùa Vọng sẽ cống hiến cho chúng ta những món ăn tuyệt vời từ các bài đọc Cựu Ước, đặc biệt với ngôn sứ Isaia. Chẳng hạn hôm nay, Isaia mời chúng ta chiêm ngắm ‘Chồi Lộc Đavít’, Đấng sẽ sinh làm người nơi Bêlem tối tăm; rồi đây, sẽ trở thành Ánh Sáng Muôn Dân!

     -  SÁCH ISAIA ĐOẠN 4, 2-6 nói đến “Núi nhà Chúa được xây trên đỉnh các núi; núi ấy sẽ cao hơn các đồi, muôn dân nước sẽ đổ về đó”.

    1- Ở Cận Đông cổ đại, núi được coi là nơi cư ngụ của thần linh. Isaia ngước nhìn núi nhà Chúa ở Giêrusalem, nơi ông nhìn thấy các dân tộc tuôn về để kính tôn Ngài. Mùa Vọng, mùa ngước nhìn Đền Thờ Giêsu, đền của giao ước mới;

     2- Đấng đã sống lại vinh quang “cao hơn những ngọn núi, vượt trên mọi ngọn đồi”. Nơi Ngài, các dân tộc với con số muôn vàn sẽ đổ về. Trong những ngày đầu của Kitô giáo, nào ai có thể nghĩ rằng, một ngày nào đó, mối hiệp thông của nó sẽ lên tới con số ‘tỷ’, một con số không có trong bất kỳ từ vựng nào vào thời đó!

    3/ Cũng từ Giêrusalem, rồi đây, với các môn đệ Giêsu, Tin Mừng Đức Kitô sẽ loan truyền đến mọi hang cùng ngõ hẻm, bất chấp mọi biên giới, vượt quá mọi lãnh thổ, đạt đến một ‘chiều kích vô cùng’, kể cả các tâm hồn và muôn vạn con tim.

    4/ Thật lạ lùng, Giêrusalem không còn là trung tâm thờ tự; vì ở đâu có các Kitô hữu, ở đó có Đền Thờ và sự hiện diện của Đấng Phục Sinh. Thông điệp được rao truyền là thông điệp hoà bình và yêu thương, “Họ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái”; một thông điệp không chỉ để rao giảng nhưng cần được sống!

    - Vậy mà, để có thể loan truyền sứ điệp đó, chúng ta cần được lấp đầy bởi Giêsu; và rồi, cùng Ngài ra đi, đến với các tâm hồn, nói với họ như Isaia đã nói, “Hãy đến, hãy bước đi trong ánh sáng của Chúa”; và cùng họ cất lên, “Ta vui mừng trẩy lên đền thánh Chúa” như lời Thánh Vịnh đáp ca!

    - BÀI TIN MỪNG MAT 8, 5-11: Thật trùng hợp, Tin Mừng hôm nay nói đến sự lấp đầy đó. Chúa Giêsu không cần lấp đầy nhà viên đại đội trưởng khi ông mời Ngài đến chữa cho đầy tớ ông, nhưng Ngài cần lấp đầy lòng ông.

     1/ Và quả như vậy! Trước niềm tin của viên sĩ quan ngoại giáo, Chúa Giêsu sững sờ, “Tôi không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel. Tôi cũng nói cho các ông biết, nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong Nước Trời”.

    2/ Bữa tiệc Chúa Giêsu nói đến là bữa tiệc trong Vương Quốc Chúa Cha, bữa tiệc mà thực khách đến từ phương đông, phương tây rõ ràng tiên báo ‘chiều kích vô cùng’ của ơn Ngài cứu độ!

    Anh Chị em,

    “Các dân nước sẽ đổ về đó!”. Các dân nước cần những bảng chỉ đường, vốn “cần chỉ đúng hướng và dễ hiểu!”.

    - Mùa Vọng, mùa chúng ta coi lại ơn gọi Kitô của mình, những bảng chỉ đường cho những người khác hướng về Đền Thờ Giêsu; Mùa Vọng, mùa nhìn lại sự hiện diện của Chúa Giêsu trong trái tim mình; và Mùa Vọng, còn là mùa mời Chúa Giêsu vào nhà, nếu Ngài chưa ở đó.***

    1/ Hãy nhìn vào viên đại đội trưởng!// Bằng cách tự coi mình không xứng đáng, ông vô tình tỏ ra rất xứng đáng để Chúa Giêsu không chỉ vào nhà ông mà còn vào lòng ông;***

    2/ vì vào nhà mà chẳng vào lòng cũng bằng không.*** Ngài đã từng vào nhà một biệt phái kiêu hãnh, Simôn, nhưng chẳng có chỗ trong lòng ông. Như vậy, ngay khi có Ngài trong nhà, nếu không có chỗ cho Ngài trong lòng, Ngài cũng chẳng có lấy “một chỗ gối đầu!”***

    3/. Nhưng, một khi đã đầy Ngài, chúng ta đi đến mọi nơi, gặp mọi người, biến Nước Trời thành hiện thực, một hiện thực mang một ‘chiều kích vô cùng’.***//

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin giúp con trở nên một chứng nhân chỉ đường, luôn chỉ “đúng hướng và dễ hiểu”. Nhìn vào con, làm sao mọi người có thể thấy ‘chiều kích vô cùng’ của ơn Ngài cứu độ!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG TỈNH THỨC - LM MINH ANH - CON HÃY SẴN SÀNG

  •  LM ,INH ANH

    MỖI “BÂY GIỜ” LÀ MỘT PHẦN CỦA BỨC TRANH LỚN HƠN

    “Các con hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến!”.

     

    Richard L. Baxter viết, “Từ thung lũng này sang thung lũng khác trên các đỉnh đồi, từ ánh nắng đến sương mù như bóng tối nhất của đêm; tôi đi theo Chúa trên con đường quanh co của cuộc đời, và bước đi bằng niềm tin nhiều hơn bằng thị giác. Sống với Ngài từng giây phút, năm tháng đời tôi dù ít hay nhiều, sẽ sớm qua đi như mộng trong đêm; sau đó, tôi sẽ bước qua cánh cổng vào buổi sáng vĩnh cửu, chào đón Ngài trong vinh quang. Cuộc sống tôi chỉ là một tập hợp của những “bây giờ!”, ‘mỗi “bây giờ” là một phần của bức tranh lớn hơn!’”.

     

    Kính thưa Anh Chị em,

    ‘Mỗi “bây giờ” là một phần của bức tranh lớn hơn!’”. Thật thú vị, ý tưởng dạo đức không ít lãng mạn của Baxter được gặp lại trong Tin Mừng Chúa Nhật khởi đầu Mùa Vọng hôm nay. Lời Chúa như một tiếng chuông cảnh tỉnh chúng ta; rằng, Chúa sẽ bất ngờ đến với mỗi người, nhưng với những ai gần Chúa, lắng nghe Ngài, thì cả những sự kiện bất ngờ nhất cũng có thể được đón nhận một cách thanh thản. Bởi lẽ, với họ, ‘mỗi “bây giờ” là một phần của bức tranh lớn hơn!’.

     

    Trước trận Đại Hồng Thuỷ, Thiên Chúa thấy tình trạng hư đốn tràn lan trên địa cầu và Ngài quyết định quét sạch nó. Tuy nhiên, riêng Noe và gia đình ông, nhờ đã sống trong ơn nghĩa Chúa, ông nhận được cảnh báo từ Ngài. Vâng lời Ngài, Noe chuẩn bị cho mình một chiếc tàu; một dự án khiến cư dân sa mạc lân cận không hiểu nổi. Trời đổ mưa, nước tràn về; lũ ngập mọi miền khiến ai nấy bất ngờ; chỉ gia đình Noe thì không. Tai hoạ đến với thế giới cũng như thế! Điều bất ngờ có thể đưa chúng ta đến bất ngờ; nhưng với những ai sống trong ân sủng, thì ngay cả những sự kiện bất ngờ nhất cũng không bất ngờ chút nào, vì với họ, mỗi giây phút hiện tại đã thuộc trọn về Chúa; họ thanh thản, bởi lẽ, ‘mỗi “bây giờ” là một phần của bức tranh lớn hơn!’. Tôi có thể nói như vậy về các sự kiện trong cuộc đời mình không? Tôi có thực sự tin cậy nơi sự quan phòng của Thiên Chúa từng ngày một với những “bây giờ” tốt lành không?

     

    Cái chết có thể đến như kẻ trộm trong đêm; thần chết có thể cướp đi bất cứ ai trong chúng ta chỉ trong nháy mắt. Chúa Giêsu nói với thính giả của Ngài rằng, Ngài đến thế gian “để họ được sống và sống dồi dào”; nhưng Ngài chưa bao giờ nói cuộc sống của chúng ta sẽ kéo dài bao lâu. Tuy nhiên, suy nghĩ này không nên làm chúng ta chán nản; thay vào đó, nhắc nhở chúng ta phải luôn đề phòng. Không có thời điểm nào tốt bằng thời điểm hiện tại để hoán cải và hướng cuộc sống chúng ta vào Chúa. Nhiều linh hồn đã nghĩ, sẽ không cần trở về “cho đến ngày mai”, một ngày ‘không bao giờ đến’. Chúa muốn chúng ta sống tốt hiện tại, làm điều tốt trong hiện tại và ngay bây giờ. Cuộc sống của chúng ta chỉ là một tập hợp của những “bây giờ”; ‘mỗi “bây giờ” là một phần của bức tranh lớn hơn’, tựa hồ một bức tranh khảm. Tôi đang sống hiện tại của mình thế nào? Tôi có đang đợi “cho đến ngày mai” để thay đổi cách sống của mình không? Tôi có hiểu sự chậm trễ có thể rủi ro như thế nào không?

     

    Anh Chị em,

    “Chính giờ phút các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến!”. Chúa đến bất ngờ; vì thế, bạn và tôi đừng để mình bất ngờ! Chúa Giêsu biết cái chết đang chờ đợi mỗi người và chúng ta có xu hướng muốn bỏ qua thực tế đó. “Huýt sáo đi qua nghĩa địa”, một thành ngữ mang ý nghĩa ‘phớt tỉnh’, là một thái độ không hiếm ở những người sống như thể cuộc đời họ là vô tận. Nhưng than ôi, tất cả chúng ta đều là những người hành hương đi qua thế giới này trên đường đến cõi vĩnh hằng. Cách tốt nhất để sống mỗi ngày là hãy sống nó như thể đó là ngày cuối cùng. Điều đó có nghĩa là phải có một đời sống cầu nguyện nghiêm túc, ngày mỗi ngày sống thiết thân với Chúa hơn và hành động với tinh thần bác ái sâu sắc. Nếu biết hôm nay là ngày cuối cùng của mình, chúng ta sẽ sống thế nào? Tôi sẽ sống tốt nhất với Chúa ngay “bây giờ”; vì ‘mỗi “bây giờ” là một phần của bức tranh lớn hơn’. Bấy giờ, sự chết không còn là một bức tường để tôi và mọi thứ đâm vào, nhưng là một cây cầu dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu.

     

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, ước gì con sẽ không bất ngờ với phút cuối đời con; cho con sống những “bây giờ” của con như những nét đẹp chi tiết của một bức tranh tổng thể, bức tranh đời đời!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - ĐẠO BINH ĐỨC MẸ

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ BẢY

  •  LM MINH ANH
     
     
    THỨ BẢY
    :

    CHIẾN THẮNG CỦA TRÁI TIM

    Maranatha, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến!”.

    Một thành viên của hội “Những Người Nghiện” đã từng gửi cho chuyên mục Ann Landers: “Chúng tôi uống vì hạnh phúc và trở nên bất hạnh; chúng tôi uống để cảm thấy như thiên đường và cảm thấy như địa ngục; chúng tôi uống để quên và mãi mãi bị ám ảnh; chúng tôi uống vì tự do và trở thành nô lệ; chúng tôi uống để xoá bỏ các vấn đề và thấy chúng nhân lên; chúng tôi uống để chống chọi với sự sống nhưng lại đã mời gọi sự chết. Cuối cùng, chúng tôi nghiệm ra rằng, vấn đề không phải chiến thắng của lý trí mà là ‘chiến thắng của trái tim!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Thật thú vị, những trải nghiệm trên đây được Chúa Giêsu gợi lại trong Tin Mừng hôm nay. Ngài cho thấy, cuộc sống chúng ta là một thời gian chuẩn bị, không chỉ cho một tình bạn vĩnh cửu với Thiên Chúa, mà còn cho sự “tấn công” của những “gian khổ” phải đến trước. Và điều quan trọng là ‘chiến thắng của trái tim!’. Để được như thế, chúng ta phải được chiếm ngự bởi Ngài. Ý nghĩa biết bao với Thánh Vịnh đáp ca, một lời cầu nguyện kết thúc toàn bộ Tân Ước, “Maranatha, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến!”.

    Cuộc chiến thiêng liêng là có thật, dù nó được nhận thức hay không được nhận thức, dù chúng ta muốn hay không muốn. Trước hết, chúng ta chiến đấu mỗi ngày và theo nhiều cách, nhưng cuộc chiến cuối cùng vẫn là ‘chiến thắng của trái tim’ tận nơi sâu thẳm của tâm hồn. Sự thường, tất cả những gian khó trường kỳ khiến trái tim chúng ta mệt nhoài và ‘buồn ngủ’; và tự nhiên, chúng mang lại một cảm giác an toàn giả tạo. Tôi có thể không “chè chén say sưa” theo nghĩa đen, nhưng có thể đang lang thang “say sưa” tìm kiếm những thoả mãn mà thế giới chào mời! Vậy mà, bất cứ khi nào chúng ta tìm kiếm sự thoát ly nhất thời khỏi cuộc sống mà không hướng về Chúa, chúng ta cho phép mình trở nên uể oải thiêng liêng.

    Thứ hai, Chúa Giêsu xác định, đó còn là những “lo lắng sự đời”, nguồn gốc của việc trái tim buồn ngủ. Đối mặt với những tân toan, chúng ta có thể cảm thấy quá tải và quá nặng nề bởi điều này hay điều khác; và mỗi khi cảm thấy gánh nặng cuộc sống, chúng ta có xu hướng tìm cho mình một lối thoát. Nhưng rất thường xuyên, những “lối thoát” này lại là những gì khiến chúng ta phải uể oải nhiều hơn và ‘chiến thắng của trái tim’ là một điều khá xa vời.

    Biết rõ điều đó, Chúa Giêsu căn dặn, “Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn!”. Ngài thách thức chúng ta luôn tỉnh thức và cảnh giác trong đời sống đức tin của mình. Điều này xảy ra khi chúng ta giữ vững lẽ thật trong tâm trí và trái tim; đồng thời, đôi mắt tâm hồn phải luôn dõi theo ý muốn của Chúa. Vì lẽ, khi chúng ta hướng mắt về những gánh nặng của cuộc sống và không nhìn thấy Chúa giữa mọi sự và công việc, chúng ta bắt đầu chìm vào mê muội.

    “Maranatha! Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến!”. Đó là một lời cầu nguyện tuyệt vời, giữ cho lòng chúng ta luôn hướng về Chúa. Có Chúa Giêsu, chúng ta không còn mê mải. Sách Khải Huyền hôm nay nói, “Sẽ không còn đêm tối nữa, họ sẽ không cần đèn đuốc hay ánh sáng mặt trời”. Đúng thế, có Chúa Giêsu, ‘chiến thắng của trái tim’ nơi chúng ta là một điều gì đó thật khả thi.

    Anh Chị em,

    “Maranatha, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến!”. Chúa sẽ ngự đến trong con tim yếu nhược của chúng ta; Ngài biết những khó khăn, yếu kém và thiếu sót của mỗi người. Và Ngài bảo đảm rằng, chúng ta không cần phải đơn thân gánh lấy gánh nặng của mình cũng như không phải vật lộn mà không có sự giúp đỡ của Ngài. Ngài hiện diện và sẵn sàng ban cho chúng ta bất cứ sức mạnh, hướng dẫn và trợ lực nào để chúng ta chiến đấu và đi đúng con đường Ngài đã đặt ra cho mỗi người. Nhưng có một điều Ngài không chịu được, đó là sự thờ ơ; một thái độ không quan tâm và không làm gì cả! Cầu nguyện và tỉnh thức phải luôn đồng hành. Nếu không làm cho lời cầu nguyện trở thành không khí chúng ta hít thở, chúng ta sẽ chết ngạt trong một thế giới ô nhiễm. Và nếu cầu nguyện là một điều gì đó thường xuyên liên lỉ nơi chúng ta, thì cầu nguyện cũng chính là ‘chiến thắng của trái tim’ vậy.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, con nghiệm ra rằng, chỉ có Chúa mới có thể giúp con vượt qua những cơn buồn ngủ thiêng liêng và giúp con có được ‘chiến thắng của trái tim’ mình!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 
    Kính chuyển:
    Hồng
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ SÁU

  •  LM MINH ANH
     
    THỨ SÁU CN1MV-A
    TIN MỪNG LUCA 21, 29-33

    KHOẢNG CÁCH CHỈ LÀ MỘT LỜI CẦU NGUYỆN

    “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần!”. CÂU 31

    Charles Haddon Spurgeon nói, “Tôi xem những khó khăn của việc đọc Thánh Kinh tựa hồ những bàn quỳ mà trên đó, tôi quỳ gối để thờ phượng và chiêm ngắm Chúa hiển vinh. Những gì chúng ta không thể hiểu bằng sự hiểu biết sẽ được hiểu bằng trái tim. Kính sợ Lời Chúa là yếu tố quyết định; trong đó, tình yêu các giới răn của Ngài mang lại cho tôi một bình an lớn lao và thẳm sâu. Giữa tôi với Ngài, ‘khoảng cách chỉ là một lời cầu nguyện!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    “Giữa tôi với Ngài, ‘khoảng cách chỉ là một lời cầu nguyện!’”. Ý tưởng độc đáo của Charles Haddon Spurgeon được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay! Chúa Giêsu nói, “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần!”. Nó ở rất gần; nhưng thật thú vị, nó cũng ở rất xa! Gần khi giữa nó và chúng ta, ‘khoảng cách chỉ là một lời cầu nguyện’; xa khi chúng ta chưa hoàn toàn muốn điều đó!

    Mỗi khi đọc Kinh Lạy Cha, chúng ta xin điều này, “Nước Cha trị đến!”. Nhưng bạn có thực sự ước ao điều đó mỗi khi cầu nguyện? Chúa Giêsu nói, “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần!”, nghĩa là nó đã có đó, chính Ngài; và một khi nó ở gần, nó sẽ gần theo nghĩa gấp đôi. Trước hết, Chúa Giêsu sẽ trở lại trong tất cả sự huy hoàng và vinh quang của Ngài, Ngài làm cho mọi vật trở nên mới mẻ; bằng cách này, Triều Đại vĩnh viễn của Ngài sẽ đến, sẽ được thiết lập. Thứ hai, “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”; vì lẽ, giữa Triều Đại đó và chúng ta ‘khoảng cách chỉ là một lời cầu nguyện’; chỉ cần chúng ta nói “Vâng” và cho phép Ngài đi vào, vì khao khát của Chúa Giêsu là làm sao có thể đến để thiết lập Vương Quốc Ngài trong lòng chúng ta.

    Thế mà, thật không may, chúng ta thường không để Ngài được toại nguyện! Chúng ta thường giữ Ngài ở một khoảng cách xa xa, để Ngài đi đi lại lại trong tâm trí, vì lẽ ý muốn của chúng ta chưa hoà nhập hoàn toàn với ý muốn của Ngài. Chúng ta thường do dự trong việc trọn vẹn đón nhận Ngài và cho phép Vương Quốc Ngài được thiết lập trong lòng mình; vì thế, Ngài không vào được trái tim chúng ta. Như vậy, Triều Đại của Ngài vẫn trở nên rất xa!

    Thật trùng hợp, trong bài đọc Khải Huyền hôm nay, Gioan nói đến “thành thánh Giêrusalem mới, tự trời xuống, từ nơi Thiên Chúa”; nói đến “trời mới đất mới”; hoặc như lời Thánh Vịnh đáp ca, “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại!”. Những lời này nói lên điều gì nếu không phải là nói đến “Triều Đại Thiên Chúa” và vương quyền Ngài? “Triều Đại Thiên Chúa” là chính Chúa Kitô! Bạn có nhận ra Vương Quốc của Ngài ở gần đến mức nào không? Bạn có biết, chỉ một lời cầu nguyện và một hành động theo ý muốn của Ngài thì Chúa Giêsu có thể đến, chiếm lấy cuộc sống chúng ta nếu mỗi người đón nhận Ngài, Đấng có thể biến chúng ta thành một tạo vật mới! Bấy giờ, linh hồn trở nên “trời mới đất mới”, nên “nhà tạm của Thiên Chúa ở cùng nhân loại”. Ngài mang bình an và sự hoà hợp hoàn hảo cho tâm hồn. Ngài sẽ làm những điều tuyệt diệu và đẹp đẽ trong trái tim mỗi người. Chỉ cần chúng ta nói một lời, “Vâng”; và Ngài sẽ đến!

    Anh Chị em,

    “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần!”. Hôm nay, hãy suy gẫm về khát khao cháy bỏng của trái tim Chúa Giêsu muốn đến với bạn và Ngài những muốn thiết lập Vương Quốc Ngài trong đời sống bạn. Ngài khắc khoải được trở thành Đấng Cai Quản và là Vua của bạn; trị vì tâm hồn bạn trong sự hoà hợp và tình yêu hoàn hảo. Hãy để Ngài đến, đi vào và thiết lập Vương Quốc trong bạn. Tâm hồn bạn sẽ là một “trời mới đất mới”; và như thế, nhất định bạn sẽ trở nên “nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại!”. Thế nhưng, bạn phải bắt đầu bằng cách dâng trí lòng và ước muốn cho Ngài; nói với Ngài rằng, bạn muốn có Ngài, cần Ngài, khát khao Ngài, và điều đó thật dễ dàng. Vì lẽ, giữa bạn và Ngài, ‘khoảng cách chỉ là một lời cầu nguyện!’.

    Chúng ta có thể thầm thĩ,

    “Lạy Chúa, xin hãy đến và chiếm hữu linh hồn con. Cho con chọn Ngài là Chúa của con, Vua của con; cho con biết từ bỏ quyền kiểm soát cuộc sống mình và giao hẳn nó cho Chúa!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

Subcategories