3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINHANH - THỨ BA

  •  LM MINH ANH
     
     
     
    THỨ BA CN3MV-A
     

    KHÔNG THỂ TIN ĐƯỢC

    TIN MỪNG MAT 21,28-32: DỤ NGÔN HAI NGƯỜI CON

    “Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông!”.

    CÂU 21

    Charles Spurgeon nói, “Khi Chúa muốn thực hiện một nhiệm vụ bất khả thi, Ngài chọn một người bất khả thi và làm cho người ấy vỡ vụn. Tôi bị hấp dẫn bởi từ ‘vỡ vụn!’. Theo nghĩa đen, nó có nghĩa là ‘tan nát’. Điều Chúa muốn tôi dâng lên Ngài là một tinh thần tan nát và một trái tim bầm dập. Mãi cho đến khi lòng kiêu hãnh tan vỡ, chúng ta mới bắt đầu hiểu được những sâu nhiệm của Ngài. Bởi lẽ, Thiên Chúa chỉ làm được những điều vĩ đại ngang qua những con người đã từng để Ngài vùi dập cho đến tan nát. Thật ‘không thể tin được!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Nghịch lý ‘không thể tin được’ của Charles Spurgeon, một lần nữa, được gặp lại qua Lời Chúa hôm nay. Bài đọc Cựu Ước cho biết, Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Ngài nâng cao mọi kẻ khiêm nhường; bài đọc Tân Ước ghi lại câu nói rất khó tin Chúa Giêsu dành cho giới lãnh đạo tôn giáo đương thời, “Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông!”.

    Qua ngôn sứ Sôphônia, Thiên Chúa hứa một điều lạ lùng: kẻ bần cùng được Ngài đoái thương; hạng quyền thế Ngài dìm xuống bùn đen, “Ta sẽ cất xa khỏi ngươi những kẻ chiến thắng kiêu căng; sẽ để lại giữa ngươi một dân tộc nghèo hèn”. Thánh Vịnh đáp ca cũng một tâm tình, “Kẻ nghèo hèn kêu xin, và Chúa đã nhậm lời!”. Với bài Tin Mừng, việc Chúa Giêsu so sánh giới lãnh đạo và các cô gái điếm thật gây sốc. Ngài có thực sự nói như thế? Phải chăng sự thánh thiện của những cô gái điếm và những người thu thuế vượt trội bội phần so với giới lãnh đạo tôn giáo? Đúng, Ngài đã nói thế! Thật là một “cái tát vào mặt” các chức sắc, một cái tát đến ‘vỡ vụn’ ‘không thể tin được!’. Nhưng “thuốc đắng ‘đã’ tật”; đó là một cái tát đến tan nát vì lợi ích của linh hồn.

    Chính sự kiêu ngạo đã khiến các thượng tế và kỳ lão không bao giờ chấp nhận những lời này. Bởi lẽ, họ đánh giá bản thân quá cao và mong người khác đánh giá cao về họ; họ bị thuyết phục về việc tự cho mình là công chính và đó là một sai lầm nghiêm trọng! Thế nhưng, Chúa Giêsu đã làm mọi thứ ‘công chính’ này vỡ vụn, bằng cách nâng những cô gái điếm và những người thu thuế lên tận Nước Trời. Họ là những đứa con thưa “Không” với cha, nhưng sau đó ân hận và đi làm vườn nho; đang khi các lãnh đạo tôn giáo vị vọng là những đứa con thưa “Vâng”, lại chối từ việc làm.

    Vậy trong hai nhóm này, bạn thuộc nhóm nào? Nhóm các chức sắc tôn giáo hay các cô gái điếm và hạng thu thuế? Có lẽ thật khó để chúng ta thừa nhận dứt khoát mình thuộc nhóm nào! Chúng ta có xu hướng nhận mình thuộc nhóm công chính; nhưng cũng thừa nhận đôi chút khiếm khuyết hoặc một tội cá nhân nào đó. Vậy mà, ở đây, Chúa Giêsu không nói đến một ‘nhóm lưng chừng’. Sự thật là chúng ta cần thấy mình thuộc hẳn về nhóm thu thuế và các cô gái xấu số. Tại sao? Bởi bạn và tôi đều là tội nhân! Có thể không mắc tội của họ, nhưng chúng ta có tội và phải thừa nhận điều này. Và trên thực tế, nếu không thừa nhận yếu đuối và tội lỗi mình, chúng ta khác nào các thượng tế và kỳ lão mắc kẹt trong niềm kiêu hãnh khi tự cho mình là công chính!

    Anh Chị em,

    “Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông!”. Hôm nay, Chúa Giêsu cũng đang ngỏ những lời này với chúng ta, những người đang sống trong một nền “văn hoá son phấn”, theo cách nói của Đức Phanxicô. Trong nền văn hoá son phấn đó, chúng ta khó nhận ra con người thật của mình. Mùa Vọng, mùa nhìn lên hang đá và trầm tĩnh để nhận ra ‘tôi đang thuộc nhóm nào?’. Nhìn lên hang đá, kìa, sự chật hẹp của lòng người và sự hào hiệp vô song của Chúa Trời! Nhìn lên thánh giá, kìa, sự khủng khiếp của tội lỗi và sự vĩ đại của tình yêu! Mùa Vọng, mùa xin Chúa đánh vỡ vụn tâm hồn cho đến khi bạn và tôi thấy được tội lỗi mình; mùa để thấy sự khao khát của linh hồn đối với Chúa; và Mùa Vọng, cũng là mùa trải nghiệm niềm vui, tự do từ sự chữa lành của Ngài!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin giúp con nhận ra con người thật của con, cho dù phải vỡ vụn khi con nghe những lời ‘không thể tin được’ Chúa dành cho con!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - GIẢI ẢO CUỘC SỐNG - CN4MV-A

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - ĐAO BINH ĐỨC MẸ - CN3MV-A

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ BẢY

  •  
    LM MINH ANH
     
     


     
    THỨ BẢY CN2MV-A
     

    KHUẤT PHỤC TRƯỚC LỜI

    TIN MỪNG MAT 17, 10-13

    Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra!”.CÂU 12.

    Trong tập thơ của mình, William Cowper viết, “Ôi tôi yêu mến Lời Ngài biết bao, lạy Chúa! Nó hướng dẫn tôi trên con đường bình yên; tôi gẫm suy về nó suốt ngày! Các mỏ đá quý của sự giàu sang toả sáng có là gì, sắc đẹp của tuổi trẻ có là gì, và tất cả niềm vui có là gì so với Lời Ngài! Mặc dù nhiều điều đã xuyên qua trái tim yếu ớt của tôi, nhiều điều đã khiến lòng tôi se lại, nước mắt tôi nhiều lần chảy ra; nhưng Lời Ngài đã cứu tôi khỏi sự khốn khổ đời đời. ‘Khuất phục trước Lời’; từ lâu, tôi không bị ảnh hưởng, không mất tinh thần!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    “‘Khuất phục trước Lời’; từ lâu, tôi không bị ảnh hưởng, không mất tinh thần!”. Ý tưởng của William Cowper được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu cho thấy một điều gì đó đáng tiếc vì người đương thời không nhận ra Gioan trong quyền năng của Êlia, nên họ đã không nhận ra Ngài trong phẩm tính của một vị Thiên Sai, Đấng Gioan loan báo; Ngài nói, “Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra!”. Tại sao? Bởi lẽ, họ không ‘khuất phục trước Lời’, lời Thánh Kinh đã được tiên báo!

    Bài đọc Huấn Ca gợi nhớ Êlia như một “sứ giả” dọn đường cho Đấng Messia, chính Malachia, vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước đã nói đến vị sứ giả này. Nhiều người không hiểu lời của Malachia và thậm chí không biết về nó; vì thế, các thầy thông giáo đã dùng lời này để gây nhầm lẫn cho nhiều người khi họ tuyên bố rằng, vì “Êlia” đã không đến, nên “Giêsu” rõ ràng không phải là Đấng Messia. Chúa Giêsu đã làm rõ điều này, rằng, “Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra!”; Ngài muốn nói về Gioan Tẩy Giả. Khi làm sáng tỏ điều này, Ngài cho thấy, các thầy thông giáo đã không chính xác trong nỗ lực giải thích Thánh Kinh, họ không ‘khuất phục trước Lời’ và chủ động lấy Lời để lừa dối người khác với những sai lầm của họ.

    Khiêm tốn trước Lời Chúa là điều cần thiết nếu chúng ta muốn hiểu đúng không chỉ những lời Cựu Ước mà còn cả những lời của chính Chúa Giêsu. Không khiêm nhượng trước Lời, tất cả chúng ta có thể dễ dàng hiểu sai những lời đẹp đẽ và thánh thiện, sâu sắc và chân thật; vì nhờ Lời, chúng ta đến gặp chính Thiên Chúa. Vì một khi để cho tính kiêu ngạo xâm nhập, chúng ta có thể thấy mình đang bắt chước các thầy thông giáo vốn hiểu sai Lời. Kết quả sẽ là một hình ảnh sai lệch về Thiên Chúa, và điều này là một trở ngại cho cuộc gặp gỡ cá nhân của chúng ta với Ngài. Vậy nếu có thể luôn khiêm tốn trước tất cả những gì Thiên Chúa mạc khải; nói cách khác, nếu ‘khuất phục trước Lời’, chúng ta sẽ dễ dàng mở lòng đón nhận những chân lý sâu xa và đẹp đẽ nhất mà Thiên Chúa muốn nói với linh hồn mình.

    Anh Chị em,

    “Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra!”. Các luật sĩ không đủ khiêm tốn để nhận ra Êlia trong Gioan; vì thế, họ không nhận ra Chúa Giêsu, Đấng Gioan dọn đường! Không nhận ra Chúa Giêsu Thiên Sai, họ vuột mất ơn cứu độ! Hôm nay, hãy suy gẫm, bạn thấy mình bối rối trước Lời Chúa; hãy cố gắng khiêm tốn mở rộng trái tim của bạn hơn nữa để đón nhận điều Chúa muốn nói. Hãy nhớ Lời Thiên Chúa là chính Chúa Giêsu; vì thế, hãy lắng nghe Chúa Giêsu với một tâm trí và trái tim rộng mở khi biết ‘khuất phục trước Lời’ Ngài; hãy để cho quà tặng đức tin thanh khiết này trở thành người hướng dẫn bạn hầu bạn được dẫn dắt đến những chân lý sâu xa nhất của đức tin. Ý nghĩa biết bao Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, xin phục hồi chúng con; xin toả ánh tôn nhan rạng ngời, để chúng con được ơn cứu độ!”.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, Lời Chúa là đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi. Xin cho con biết ‘khuất phục trước Lời’ để can đảm làm điều Chúa muốn!”, Amen.

     

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH

  •  LM MINH ANH
     
    THỨ SÁU CN2MV-A
     

    ĐỜ ĐẪN THIÊNG LIÊNG

    TIN MỪNG MAT 11, 16-19

    “Chúng tôi thổi sáo, sao các bạn không múa nhảy; chúng tôi than vãn, sao các bạn không khóc lên!”. CÂU 17

    Một nhà thơ cổ viết, “Thiên thần của Niềm Tin đi vào phòng tôi; vừa đi, vừa cất tiếng hát, vừa thổi sáo. Những vị khách khác lần lượt ra đi: Sợ Hãi và Lo Lắng, Đau Buồn và Ảm Đạm lao vào màn đêm! Tôi tự hỏi, làm sao có thể có được hoà bình như vậy? Thiên thần của Niềm Tin thì thầm bảo, ‘Bạn không thấy sao? Các nhân vật đó thực sự không thể cùng tôi sống chung!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Sẽ rất thú vị khi Lời Chúa hôm nay cho biết, không chỉ thiên thần của niềm tin, nhưng chính Thiên Chúa vẫn đi vào lòng chúng ta; Ngài vừa đi, vừa ‘thổi sáo và hát’ cho chúng ta. Tiếc thay, nhiều lúc không hơn gì những đứa trẻ của Tin Mừng, chúng ta cứ mãi ‘đờ đẫn thiêng liêng!’.

    Bài đọc Isaia tiết lộ những giai điệu yêu thương mà Thiên Chúa hát cho dân Ngài, “Ta là Chúa, Đấng phán dạy ngươi. Nếu ngươi lưu ý đến các giới răn, thì hạnh phúc của ngươi sẽ như dòng sông, công chính của ngươi sẽ như sóng biển”; nhưng xem ra Israel vẫn bỏ ngoài tai những gì Ngài hát. Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu lấy làm tiếc vì Ngài cất giọng mà dường như, không ai thèm nghe! Họ gán cho Ngài là một bợm nhậu; gán cho Gioan là người bị quỷ ám.

    Với chúng ta, nếu không muốn nghe những gì Chúa nói ngang qua những con người và các biến cố trong cuộc sống, chúng ta thường hợp lý hoá để khéo từ chối sứ điệp và dễ dàng đi đến chỗ ‘đờ đẫn thiêng liêng!’. Phải chăng vì sự yếu đuối của người mang sứ điệp? Nếu như thế, vô tình chúng ta lại từ chối những gì Chúa muốn. Điều này thực ra, khá phi logic! Có người nói, “Một linh mục đã hét vào tôi khi tôi xưng tội; vì vậy, tôi không đến nhà thờ!”; nói như thế khác nào việc một người từ chối dân chủ vì một quan chức được bầu cách dân chủ tham nhũng!

    Chúng ta cần phân biệt giữa bản chất sứ điệp và cách thức sứ điệp lưu truyền. Phaolô viết, “Chúng tôi mang kho tàng ấy trong những bình sành”, nghĩa là nó dễ vỡ, thường hay rò rỉ. Chiếc bình thực sự không quan trọng, quan trọng là những gì nó mang; cũng thế, điều quan trọng không phải là các tác nhân thường rất bất ngờ, nhưng là nhận ra rằng, Thiên Chúa có thể đang ‘thổi sáo và đang hát’ cho tôi nghe. Thật đúng khi nói, một số các thánh có những điểm yếu nghiêm trọng; nhưng trên thực tế, nhiều vị đã làm thánh ‘vì’ và ‘nhờ’ những yếu đuối đó!

    Thánh Vịnh đáp ca hôm nay thật sâu sắc, “Lạy Chúa, ai theo Chúa, sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống!”; nghĩa là, chúng ta sẽ nhận được ánh sáng nếu thực sự biết lắng nghe và khiêm tốn nhận ra mình đang ở trong bóng tối. Rất ít người trong chúng ta lắng nghe một sứ điệp mà không cần phải ‘lọc nó’ qua lịch sử hoặc phong cách của người giảng thuyết. Là một người chia sẻ Lời Chúa, tôi có thể nói, khi tôi viết cho 20 người, có thể sẽ có 20 thông điệp khác nhau được đón nhận; và điều đó không có gì sai, với điều kiện, mỗi người thực sự cố gắng nghe những gì Chúa đang soi rọi cho mình và không để mình rơi vào ‘đờ đẫn thiêng liêng!’.

    Anh Chị em,

    “Sao các bạn không múa nhảy?”; “Sao các bạn không khóc lên!”. Chúng ta không múa nhảy cũng không khóc lên, phải chăng vì chúng ta “sợ hãi và lo lắng, đau buồn và ảm đạm?”. Đúng! Đó không phải là những gì Thiên Chúa muốn thấy; bên cạnh đó, là thái độ không nóng không lạnh của mỗi người. Tất cả những điều này có thể dẫn bạn và tôi đi đến chỗ ‘đờ đẫn thiêng liêng’. Vậy mà Chúa Giêsu vẫn ‘đang thổi sáo và đang hát’ cho chúng ta mỗi ngày. Trên các bàn thờ, qua Lời Ngài, qua các Bí Tích, các biến cố và qua những người anh em, Ngài đang làm điều đó một cách kiên nhẫn. Mùa Vọng, mùa ra khỏi những ‘đờ đẫn thiêng liêng’ để có thể nghe được ‘những giai điệu yêu thương’ của Ngài!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, cho con tin rằng, Chúa vẫn đang đi vào linh hồn con mỗi ngày, ‘đang hát, đang thổi sáo’ qua những con người, qua các biến cố; xin đừng để con ‘đờ đẫn thiêng liêng!’”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

Subcategories