3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH -

  •  LM MINH ANH
     
     
     
     

    LIÊN ĐỚI ĐẾN MỨC CÓ THỂ

    TIN MỪNG MAC-CÔ 1, 40-45

    “Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói, ‘Tôi muốn anh sạch đi!’”. cÂU 41

    Vào thời nô lệ, một ông chủ da trắng rất hà khắc đã mua được một thanh niên rất chăm chỉ. Sau một thời gian, ông phát hiện người này có ảnh hưởng rất lớn trong số nô lệ của ông. Ông đem lòng yêu thương và ngỏ ý cho anh được tự do; thế nhưng, người này từ chối! Anh tiếp tục là một nô lệ vì anh muốn ‘liên đới đến mức có thể’ với số phận của những con người đau khổ mà anh rất yêu quý; anh muốn cứu họ trong khả năng của anh. Sau một thời gian, bằng gương sáng, đạo đức và vui tươi, người thanh niên nô lệ đã cảm hoá không chỉ những người bạn cùng cảnh ngộ nhưng cảm hoá được cả ông chủ. Và tất cả họ đã sống chan hoà với nhau như một gia đình!

    Kính thưa Anh Chị em,

    Với Tin Mừng hôm nay, sẽ khá bất ngờ khi chúng ta gặp lại người thanh niên nô lệ nơi Chúa Giêsu! Một chi tiết nhỏ sẽ mở ra một ngạc nhiên lớn; đồng thời, tiết lộ một bí ẩn nơi con người Ngài. Chi tiết nhỏ ấy là, Ngài “giơ tay đặt trên người hủi và nói, ‘Tôi muốn!’”; và bí ẩn ấy là, Con Thiên Chúa muốn ‘liên đới đến mức có thể’ với người bệnh, đại diện cho cả nhân loại khốn cùng.

    Đến với Chúa Giêsu là một con hủi bất hạnh, bất hạnh không chỉ vì anh cùi hủi nhưng vì anh gặp phải sự lạnh lùng từ những tâm hồn cùi hủi. Cuộc sống của anh là một cái chết chậm; chết do bệnh tật tàn phá thân xác, chết do mặc cảm huỷ hoại tinh thần. Và sẽ ngạc nhiên hơn nếu chúng ta coi sự lở lói thân xác như một biểu tượng tàn phá của tội lỗi đối với con người, một bí ẩn huyền nhiệm hơn. Lẽ ra, Chúa Giêsu chỉ cần đứng xa xa và nói, “Hãy lành!”; nhưng không, Ngài lại gần, chạm vào anh. Theo luật Do Thái, ai chạm phải kẻ ô uế, người ấy ô uế. Vì xót thương con người, Chúa Giêsu chấp nhận nhiễm uế; Ngài trở nên uế tạp để có thể cứu lấy một nhân loại uế tạp. Phaolô diễn tả bí ẩn này một cách thâm trầm trong thư Philipphê, “Ngài hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”. Không chỉ nên phàm nhân, “Ngài trở nên tội nhân”, để ‘liên đới đến mức có thể’ với tội nhân. Bí ẩn này đã phần nào hé lộ ngay từ lúc Ngài nối đuôi dòng người có tội bên bờ Giorđan để xin Gioan thanh tẩy.

    Vậy tại sao Con Thiên Chúa lại muốn liên đới đến mức ấy? Ngài liên đới chỉ vì Ngài muốn. Ngài muốn con người không chỉ lành lặn phần xác nhưng được lành thánh phần hồn; Ngài muốn nó được giải thoát khỏi mọi tội lỗi, điều đang giết chết nó, khiến nó chai cứng và trơ lì. Thư Do Thái hôm nay viết, “Anh em hãy khuyên bảo nhau cho đến bao lâu còn nói được là “hôm nay”, để không ai trong anh em bị tội lỗi mê hoặc và trở nên chai đá”; Thánh Vịnh đáp ca cũng lặp lại ao ước này, “Ước chi hôm nay anh em nghe tiếng Người, ‘Các ngươi đừng cứng lòng!’”.

    Anh Chị em,

    “Tôi muốn!”. Chúa Giêsu muốn! Ngài muốn làm người, để không chỉ cảm hoá một số người nên một gia đình như người thanh niên nô lệ đã làm; còn hơn thế, Ngài muốn họ nhận ra Ngài là Mục Tử Nhân Lành chăm sóc tất cả mọi người, cả tớ lẫn chủ. Hơn cả một gia đình, Ngài sẽ biến những tội nhân luôn nghiêng chiều về tội, rồi đây, sẽ trở thành thánh nhân; và Ngài sẽ là Trưởng Tử giữa một đàn em đông đúc của một đại gia đình, ngày kia, trên thiên quốc, vui hưởng sự sống đời đời với Ngài. Đây chính là một cuộc tạo dựng mới, một cuộc tạo dựng thứ hai cần thiết; và đó cũng là mục đích tối cao của việc Ngài muốn ‘liên đới đến mức có thể!’. Lời Chúa mời gọi bạn và tôi nhìn lại mức độ liên đới của mình với những anh em, chị em Chúa đặt bên cạnh. Chúng ta có đón nhận, cầu nguyện, hy sinh, tôn trọng và liên đới với họ đến mức Chúa muốn không?

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, để có thể cảm hoá một ai đó, xin cho con biết ra khỏi chính mình, cúi xuống, ôm lấy và xót thương!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - NGUYỄN CHÍNH KẾT

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ BA

  •  LM MINH ANH
     
     
     
    THỨ BA TUẦN 1 TN-A
     

    LỜI CHÂN LÝ, LỜI QUYỀN NĂNG

    TIN MỪNG MC 1, 21-28

    “Ngài giảng dạy như Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư”. CÂU 22

    Một cậu bé 3 tuổi cảm thấy an toàn trên đôi vai chắc như núi của cha khi hai bố con đang đứng trong một hồ bơi. Nhưng để lý thú hơn, người cha bắt đầu chậm rãi đi ra chỗ sâu hơn. Những đứa bé khác và cả người lớn đứng chung quanh hù doạ nó, “Chết, chết!”; nhưng cha cậu bé vẫn thì thầm một ‘câu thần chú’ như để một mình cậu đủ nghe, “Sâu hơn, sâu hơn và vui hơn, vui hơn!”. Nước càng lúc càng cao; cao đến chân, đến tay; thậm chí gần ngực cậu bé. Ấy thế, cậu bé không hề sợ hãi; càng sâu, cậu bé càng ôm chặt đầu bố; và càng sâu, nó càng sung sướng ngửa mặt hét lên như người chiến thắng. Nó tin vào ‘lời quyền năng’ của cha nó!

    Kính thưa Anh Chị em,

    “Nó tin vào ‘lời quyền năng’ của cha nó!”. Không chỉ ‘lời quyền năng’, Tin Mừng hôm nay còn nói đến ‘lời chân lý’! Không phải của một người cha, nhưng của Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa! Lời của Ngài đối lập với lời của các kinh sư; Marcô viết, “Ngài giảng dạy như Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư”; bởi lẽ, Lời của Chúa Giêsu là ‘lời chân lý, lời quyền năng’.

    Trong thông điệp Ánh Rạng Ngời Chân Lý, thánh Gioan Phaolô II nói đến mối liên hệ cần thiết giữa tự do, chân lý và điều lành. Chúa Giêsu giảng dạy như Đấng có uy quyền vì Ngài là chân lý và là Đấng nhân lành. Ngài đang nói với chúng ta một chân lý: chúng ta là con cái Thiên Chúa; đang làm cho chúng ta một điều vô cùng tốt lành: giải thoát để chúng ta được tự do.

    Khi sự tự do của chúng ta chối nhận Giêsu là chân lý, chối nhận điều tốt nhất là yêu mến và đi theo Ngài, chúng ta sẽ cảm thấy bị đe doạ bởi Ngài; phản ứng của tên quỷ trong Tin Mừng hôm nay là một ví dụ, “Hỡi Giêsu Nazareth, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao?”. Bấy giờ, chúng ta sẽ tìm cách giữ lấy những gì tốt đẹp mà chúng ta tưởng là tốt đẹp; đang khi Ngài không muốn lấy đi những gì tốt đẹp nơi chúng ta. Đúng hơn, Ngài chỉ muốn xác định ‘những điều tốt đẹp’ ấy là gì; để rồi, gia tăng chúng và nhân chúng lên. Vì thế, điều quan trọng là phải cho phép những gì ‘ít tốt’ hơn nơi chúng ta, ngay bây giờ, phải chết đi để những điều ‘tốt hơn’, và ‘tốt nhất’ của Chúa, có thể tăng lên, nhân lên với sức mạnh lớn nhất.

    Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới ‘hoả mù’ bởi chủ thuyết tương đối. Tôn giáo tương đối, luân lý tương đối, tình yêu tương đối… nơi mà sự thật là ‘bất cứ điều gì bạn muốn’ và phương châm sống của thời hiện đại là, “Bất cứ điều gì bạn thích, hãy có và hãy làm!”. Vậy mà, Chúa Giêsu cho biết, không phải thế! Ngài phá vỡ khuôn mẫu của thuyết tương đối, Ngài tiết lộ sự dối trá ẩn tàng bên trong nó; Ngài tuyên bố, Ngài là sự thật vì chỉ Ngài là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Tin Mừng của Ngài có thể đòi hỏi, nhưng nó mặc khải một lẽ thật rằng, Thiên Chúa là tình yêu, lòng thương xót, sự tốt lành và niềm vui; và đó là phước huệ cho những ai đi trong ‘Ánh Rạng Ngời Chân Lý’, chính Ngài. Vậy, tôi có yêu mến và cố gắng sống trong sự thật Giêsu không? Lời Ngài có là ‘lời chân lý, lời quyền năng’ cho cuộc sống của tôi không?

    Anh Chị em,

    “Ngài giảng dạy như Đấng có uy quyền!”. Giêsu, Đấng ban Lời, vị Anh Cả của bạn và tôi đã bước sâu hơn không phải trong một hồ nước, nhưng trong phận người. Thư Do Thái hôm nay viết, “Chúa đã hạ Người xuống kém các thiên thần”; “Người chịu chết thay cho mọi người”. Vì thế, “vui hơn” cho chúng ta, Ngài trở nên vị lãnh đạo thập toàn, dẫn mọi người tới ơn cứu độ. Lúc này đây, chúng ta không chỉ ở trên đôi vai ‘chắc hơn núi’ của Ngài, nhưng ở trong Ngài, và Ngài ở trong chúng ta, để bước qua những quãng đường chông gai của kiếp nhân sinh. Hãy vững tin vào Ngài, Đấng có ‘lời chân lý, lời quyền năng’, vốn mạnh mẽ hơn mọi câu thần chú!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin cho con biết yêu mến và tin vào Lời Chúa, biết ghì chặt vào Thánh Thể, đôi vai ‘chắc hơn núi’ của Chúa; nhờ đó, con có thể mạnh mẽ để luôn tiến về phía trước!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM CAO SIÊU -THỨ TƯ

  •  
    Chi Tran -LEYEN CHUYỂN

     
     
     
       

    Suy Niệm Lời Chúa, Thứ Tư 11/01/2023

     

     
     
     
    SUY NIỆM LỜI CHÚA  
    THỨ TƯ   11/01/2023
     
    PHÚC ÂM: Mc 1, 29-39
     
    “Ngài chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau”.
     
    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
     
    Khi ấy Chúa Giêsu ra khỏi hội đường. Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các Ngài. Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám; và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người. Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm được Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy”. Nhưng Người đáp: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.
     
    Ðó là lời Chúa.
     
    Suy niệm:
     
    Sau khi chữa người bị quỷ ám tại hội đường Caphácnaum,
     
    Đức Giê su trở về một căn nhà của một gia đình quen biết,
     
    gia đình của hai anh Simon và Anrê, những người mới bỏ nhà để theo ngài.
     
    Không may bà mẹ vợ của Simon lại đang lên cơn sốt.
     
    Đức Giêsu đã lại gần giường bà nằm, cầm lấy tay bà và nâng bà dậy.
     
    Lập tức cơn sốt lui khỏi bà và bà phục vụ các ngài.
     
    Đây là phép lạ chữa bệnh đầu tiên của Đức Giêsu
     
    cho một phụ nữ, tại một ngôi nhà.
     
    Sốt chẳng phải là một bệnh quá nặng và nguy hiểm,
     
    nhưng cũng đủ để làm người bệnh không hoạt động được,
     
    gây cản trở những sinh hoạt bình thường trong gia đình.
     
    Đức Giêsu đến đem lại sự chữa lành, niềm vui và sức sống.
     
    Khi người phụ nữ được khỏi bệnh, mọi sự như sống lại.
     
    Bếp lại có lửa, bàn lại có thức ăn, và người ta ngồi quanh cười nói rôm rả.
     
    Hạnh phúc gia đình có khi chỉ tùy thuộc vào những điều be bé.
     
    Hạnh phúc bị sứt mẻ lắm khi chỉ vì những chuyện không đâu.
     
    Hãy nhìn cách Đức Giêsu chữa bệnh cho người phụ nữ này.
     
    Thật gần gũi và thân tình, ngài chẳng nói lời nào để đuổi cơn sốt.
     
    Khi nắm tay người bệnh nặng, ngài chấp nhận nguy cơ bị nhiễm nhơ uế.
     
    Nhưng Đức Giêsu chẳng hề bị nhiễm gì, trái lại ngài đem đến bình an.
     
    Ngài đã nâng bà dậy (êgeiren), có nghĩa là ngài làm bà phục sinh.
     
    Sau khi được phục sinh thì bà đi phục vụ các vị khách.
     
    Phục vụ hiểu theo nghĩa đơn sơ nhất là đi chuẩn bị bữa ăn.
     
    Các thiên thần cũng đã phục vụ Đức Giê su
     
    sau khi ngài thắng các cơn cám dỗ (Mc 1, 13).
     
    Tuy nhiên có thể hiểu phục vụ theo nghĩa rộng hơn nhiều.
     
    Sau khi Đức Giêsu chết trên thập giá, chỉ còn các phụ nữ ở lại đến cùng.
     
    “Họ đã đi theo ngài và phục vụ ngài từ hồi ngài còn ở Galilê
     
    và họ đã cùng ngài lên Giêrusalem” (Mc 15, 40-41).
     
    Như vậy không phải chỉ các ông môn đệ mới là người phục vụ (Mc 10, 43).
     
    Các bà cũng đã trung tín phục vụ đến cùng,
     
    phục vụ như Thầy Giêsu, Đấng đã đến để phục vụ” (Mc 10, 45).
     
    Chúng ta cần nhìn nhận
     
    vai trò quý báu của người vợ, người mẹ trong nhà,
     
    và vai trò của người phụ nữ trong giáo xứ cũng như ngoài xã hội.
     
    Cầu nguyện:
     
    Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
     
    xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
     
    Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
     
    xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
     
    Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
     
    xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
     
    Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
     
    xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
     
    Lạy Chúa Ba Ngôi,
     
    Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
     
    xin cho các kitô hữu chúng con
     
    trở thành tình yêu
     
    cho trái tim khô cằn của thế giới.
     
    Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
     
    biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
     
    biết quảng đại cho đi
     
    và khiêm nhường nhận lãnh.
     
    Lạy Ba Ngôi chí thánh,
     
    xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
     
    ở sâu thẳm lòng chúng con,
     
    và trong lòng từng con người bé nhỏ.
    LM Anton Nguyễn Cao 
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM CAO SIÊU - THỨ BA

  •  
    Chi Tran - LEYEN
     
     
     

    THỨ BA - TUẦN I THƯỜNG NIÊN - MC 1, 21-28

     

     
    SUY NIỆM LỜI CHÚA      THỨ BA 10/01/2023
     
    BÀI ĐỌC I: Dt 2, 5-12
     
    “Ðấng ban ơn cứu độ phải chịu khổ nạn để nên hoàn hảo”.
     
    Bài trích thư gửi tín hữu Do-thái.
     
    Thiên Chúa đã không đặt dưới quyền các thiên thần vũ trụ tương lai mà chúng tôi đang nói đến. Nhưng có người đã minh chứng trong một đoạn sách kia rằng: “Nhân loại là gì mà Chúa nhớ đến, con người là gì mà Chúa đến viếng thăm? Trong một thời gian, Chúa đã hạ Người xuống kém các thiên thần; Chúa lại đặt trên đầu Người triều thiên vinh quang và danh dự; Chúa đã đặt Người cai trị các công trình tay Chúa tác thành; và bắt vạn vật quy phục dưới chân Người. Vì khi Ngài bắt vạn vật quy phục Người, Ngài không trừ ra vật nào khỏi phục tùng Người. Hiện nay chúng ta chưa thấy mọi sự phục quyền Người. Nhưng Ðấng trong một thời gian bị hạ xuống kém các Thiên thần, là Ðức Giêsu, chúng ta thấy Người được triều thiên vinh quang và danh dự vì cuộc tử nạn của Người, để nhờ ơn Thiên Chúa, Người chịu chết thay cho mọi người. Quả vậy, thật là thích hợp việc Chúa là nguyên nhân và cùng đích mọi vật, đã dẫn đưa nhiều con cái đến vinh quang và đã lấy cuộc khổ nạn mà làm cho Ðấng đem lại ơn cứu rỗi được hoàn hảo. Vì chưng, Ðấng thánh hoá và những người được thánh hoá, tất cả đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người không hổ thẹn gọi họ là anh em mà rằng: “Tôi sẽ cao rao danh Chúa cho anh em tôi; tôi sẽ ngợi khen Người giữa cộng đoàn”.
     
    Ðó là lời Chúa.
     
    PHÚC ÂM: Mc 1, 21-28
     
    “Ngài giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền”.
     
    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
     
    (Ðến thành Capharnaum), ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ. Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai: là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi, và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vật người ấy, thét lên một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái chi vậy? Ðây là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả các thần ô uế, và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.
     
    Ðó là lời Chúa.
     
    Suy niệm:
     
    Trong Tin Mừng theo thánh Máccô,
     
    ta không thấy có những bài giảng dài như Tin Mừng Mátthêu hay Gioan.
     
    Nhưng bù lại Máccô đã kể khá nhiều phép lạ của Đức Giêsu.
     
    Khung cảnh của bài Tin Mừng hôm nay
     
    là hội đường vùng Caphácnaum vào một ngày sabát.
     
    Theo Máccô, Đức Giêsu đã bắt đầu sứ vụ từ đây.
     
    Chúng ta cần xem Ngài đã sống ngày sabát như thế nào.
     
    Trước hết Ngài đã vào hội đường và giảng dạy.
     
    Thánh Máccô không kể lại nội dung của bài giảng,
     
    chỉ cho biết là người ta sửng sốt khi nghe Ngài
     
    vì cách giảng đầy uy quyền (c. 22) và lời giảng thì mới mẻ (c.27).
     
    Phép lạ đầu tiên Đức Giêsu làm ở hội đường này là trừ quỷ.
     
    Ở đây có một người đàn ông bị thần ô uế ám.
     
    Trước sự hiện diện của Đức Giêsu, anh ta sợ hãi nên kêu lên :
     
    “Ông Giêsu Nadarét, ông đến tiêu diệt chúng tôi ư?
     
    Tôi biết ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (x. câu 24).
     
    Sự hiện diện của Đấng Thánh cũng đủ làm cho thần ô uế phải khiếp sợ,
     
    vì ô uế và thánh thiện không đội trời chung.
     
    và Đấng thánh thiện có khả năng triệt phá thần ô uế.
     
    Lời của Đức Giêsu bây giờ là lời trừ quỷ, lời quát mắng,
     
    lời ra lệnh đầy uy quyền, lời khiến thần ô uế phải tuân theo.
     
    “Câm đi, hãy xuất khỏi người này !”
     
    Thần ô uế đã nhập vào và làm người ấy bị tha hóa,
     
    bị mất tự do, bị chi phối và sai khiến như một nô lệ.
     
    Lời Đức Giêsu là lời giải phóng để anh ấy được thật sự là mình,
     
    được giải thoát khỏi tình trạng ô uế.
     
    Thế giới chúng ta đang sống là một thế giới bị ô nhiễm,
     
    từ không khí, nước uống đến những sản phẩm nhiễm độc của con người.
     
    Nhưng điều đáng sợ hơn cả là bầu khí ô nhiễm về tinh thần,
     
    bầu khí ô uế của sex thấm vào mọi ngõ ngách của cuộc sống.
     
    Xin Đức Giêsu trả lại cho ta sự trong sạch nơi cái nhìn,
     
    sự trong trắng nơi trái tim và sự trong suốt nơi mọi cuộc gặp gỡ.
     
    Cầu nguyện:
     
    Lạy Chúa Giêsu,
     
    giàu sang, danh vọng, khoái lạc
     
    là những điều hấp dẫn chúng con.
     
    Chúng trói buộc chúng con
     
    và không cho chúng con tự do ngước lên cao
     
    để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.
     
    Xin giải phóng chúng con
     
    khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
     
    nhờ cảm nghiệm được phần nào
     
    sự phong phú của kho tàng trên trời.
     
    Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
     
    bán tất cả những gì chúng con có,
     
    để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.
     
    Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
     
    trước những lời mời gọi của Chúa,
     
    không bao giờ ngoảnh mặt
     
    để tránh cái nhìn yêu thương
     
    Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.
    LM Anton Nguyễn Cao Siêu/.
     
     

Subcategories