- Details
-
Category: 3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa
Bước vào Thánh Lễ Chúa Nhật hôm nay (CN XI thường niên B), cộng đoàn đáp ca Thánh Vịnh, dâng lời tạ ơn Thiên Chúa Quan Phòng quyền năng, chính trực, từ nhân. Như hạt giống gieo trong lòng đất, lời Chúa gieo vào lòng người âm thầm nảy mầm sinh hoa kết quả. Như hương bá Li-băng trồng bên Nhà Chúa, người công chính được tràn đầy sức sống vươn cao, reo vang Danh Người, loan truyền Người là nơi núi đá chở che nương náu:
Lạy Ngài, Thiên Chúa tối cao!
Phúc thay con được cao rao Danh Ngài.
Được tri ân Chúa, phúc thay!
Con ca mừng chúc Danh Ngài vinh-quang.
Con từ sáng sớm tinh sương,
Hân-hoan, ca ngợi tình thương của Ngài.
Con canh thức suốt đêm dài,
Tuyên xưng thánh đức, lòng Ngài tín trung.
Người công chính tựa cây chà-là (palma) phơi phới tươi xanh,
Như hương bá Li-Băng mọc cao vươn cành lớn mạnh.
Chúng được trồng ngay bên cạnh nhà Chúa,
Mơn mởn trước đền thánh Chúa chúng ta.
Tuy già cỗi, chúng vẫn sinh hoa kết quả,
Nhựa sống chứa chan, cành lá xanh rờn.
Để rao truyền khắp thế gian:
“Chúa hằng chính trực, từ nhân, khoan hồng,
Người là núi đá trú phòng,
Nơi Người chẳng có bất công chút nào.”
(Tv. 92:2-3; 13-16)
Tin mừng dẫn lời Chúa Giêsu nói với dân chúng hai dụ ngôn. Đầu tiên là “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Ðêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Ðất tự động sinh hoa kết quả: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng là thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm ra gặt, vì đã đến mùa.”
Sau đó Người lại nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại nhỏ nhất trong các hạt giống trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.” (Mc. 4:26-34)
I - DỤ NGÔN NƯỚC TRỜI, MẦU NHIỆM ĐỨC TIN
Người nông phu gieo hạt trong lòng đất, những mong hạt nảy mầm sinh hoa kết quả, chờ ngày bội thu. Sao đất tự nhiên cho hạt vỡ ra? Thử đem những hạt nhân tạo bằng gỗ, bằng nhựa vãi xuống, chúng có nảy ra mầm sống hay không? Thật là huyền diệu! Ngoài Thiên Chúa quyền năng ra, người trần, mắt thịt không sao làm nổi! Một trong những kỳ công của Tạo Hoá! Lời Chúa mời gọi ta tin vào quyền năng của Thiên Chúa. Thánh Phaolô viết: “Tôi trồng, Apôlô tưới, còn Thiên Chúa mới là người làm cho mọc lên” (1Cr 3,6). Chỉ có Thiên Chúa mới làm cho hạt giống sinh sôi. Bởi vậy người nông dân Việt khi gieo hạt rồi, vẫn chưa an lòng, họ hằng trông mong cầu xin:
“Trông trời, trông đất, trông mây
Trông mưa, trông gió, trông ngày trông đêm,
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời êm biển lặng mới yên tấm lòng.”
Ngước mắt lên trời, suy gẫm mầu nhiệm ấy, mới hiểu ra rằng: Lời là hạt giống. Người gieo hạt là Thiên Chúa. Thánh Thần Người tác động, gieo vào lòng trinh nữ Maria hạt giống Ngôi Lời Giêsu với Thần Khí trong thân xác phàm trần. Chúa làm người. Môn đệ theo Thầy mà mãi chẳng biêt Thầy là Con Thiên Chúa. Thế gian không nhìn nhận, bắt bẻ hạch sách chống đối thậm chí bắt nộp Ngài cho quân dữ giết. Nhưng Người vẫn như hạt giống trong ruộng đồng lên mạ, lên cây, trổ đòng đòng đơm bông trỉu hạt. Người vẫn như cây cải mọc lên vươn cao sum sê cho muôn dân núp bóng. Cũng như hạt giống phải vỡ vỏ, nát xác mới nảy ra mầm sống lên cây, theo ý nguyện người gieo hạt, Đức Giêsu cũng phải gánh nhục hình, khổ nạn đến chết mới phục sinh:
“Đồi Can-Vê, máu hồng lênh láng, giấm chua đắng chát,
cho Người trút lời cuối cùng buông bóng hoàng hôn:
Việc Cha trao phó cho con,
Con nay hoàn tất vẹn tròn ý Cha”
Thánh Ý Người quả cho ta thấy rõ ràng: Mười hai tuổi, tuổi bắt đầu lớn khôn, hài nhi Giêsu trở thành thiếu niên uyên bác. Chưa đến tuổi phải tham dự phụng vụ nơi Đền Thờ, lần đầu tiên phát biểu “Cha mẹ không biết con có việc ở nhà Cha con sao?” Câu trả lời hẳn làm cha mẹ ngạc nhiên sửng sốt, khi lạc mất con, ròng rã ba ngày đàng mới tìm thấy con đang hoạt bát đàm đạo về Kinh Thánh với các kinh sư thượng tế. Từ ngày đó, luôn luôn chúa Giêsu tuyên bố Ngài thực hiện thánh ý Chúa Cha. Hành trình rao giảng Lời Chúa sau khi vào hoang địa và biến hình trên núi Tabor, cũng như khi Ngài thanh tẩy Đền Thánh Giêrusalem, đều thể hiện thánh ý Thiên Chúa. Thánh ý ấy đã làm lung lạc thuyết phục được kẻ lãnh đạo dân Do Thái và nhóm kinh sư biệt phái chống Ngài. Nhắc lại chuyện con rắn đồng thời Môisê trong sa mạc, Chúa Giê su đã khiến thủ lãnh Nicôđêmô theo Chúa, bênh vực Chúa và phục vụ trong việc táng xác Người.
II- DỤ NGÔN NƯỚC TRỜI, MẦU NHIỆM GIÁO HỘI
Thiên Chúa trân quý yêu thương tác phẩm Người tạo dựng. Ý Cha muốn chúng con được cứu rỗi, Người đã tuyệt-đối vâng phục thực hiện ý Cha, như Người đã khẳng định với các môn-đồ: “Thầy đi
dọn chỗ cho các con, Thầy sẽ trở lại đón các con theo Thầy, để Thầy ở đâu, thì các con cũng ở đó.” (Gioan, 14: 2-3). Sông Gio-Đan còn vọng vang lời Cha từ thiên-quốc: “Hôm nay Con đẹp lòng Ta mọi đàng.” (Mat. 3: 16-17.8). Chúa Giêsu, Con Cha đến thế-gian cho chúng con được tái-sinh trong nước Thanh-Tẩy, trong Lửa Thánh-Thần. Người cỏn ở lại với chúng con trong bí tích Thánh Thể. Cũng như hạt lúa giống nhỏ bẻ, như hạt cải nhỏ li ti, tuy chỉ là tấm bánh bé bỏng dưới mắt tầm thường, lại còn bẻ ra để chia sẻ cho nhau, Bánh Thánh Thể là lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng cho linh hồn lớn mạnh, cho mọi người hiệp nhất yêu thương nhau trong cánh đồng Giáo Hội lan rộng khắp nơi trên trần thế. Trút tàn hơi trên thập giá, ngoẹo đầu sang môn đệ Gioan và Mẹ Người, Chúa Giêsu trăng trối:
“Gioan, đây chính con Bà,
Này Gio-an hỡi, đây là Mẹ con!”
(Ga. 19: 26-27)
Sau ngày Chúa Phục Sinh, khi các tông đồ từ núi Ô-liu trở về Giêrusalem, lên lầu nơi trú ngụ để nhóm hội, chờ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống như lời Chúa Giêsu đã truyền dạy, “tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên-cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân-mẫu Đức Giêsu và với anh em của Đức Giêsu” (CV 1, 12-14). Như vậy, vì Mẹ là Mẹ Thiên-Chúa, Mẹ hằng ấp ủ Thánh Thể trong cung lòng Mẹ, cho nên ngay cả trước khi Chúa Giêsu lập phép bí tích Thánh Thể, Mẹ là người duy nhất, đầu tiên hiệp thông được nhiệm tích Thánh Thể mà mãi sau này kể từ bữa Tiệc Ly, các tông đồ mới nhận ra, để cùng với Mẹ và với cộng đoàn Giáo Hội sơ khởi thực thi lời Con Mẹ dạy “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy!”.
Giáo Hội khởi đi từ một nhóm nhỏ các tông đồ ở Giêrusalem dần dần lan ra trên khắp hoàn cầu.
Hiến chế Lumen Gentium về Giáo Hội tuyên xưng: “Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội như hiền thê Người, Người trở thành gương mẫu của người chồng yêu vợ mình như yêu chính bản thân (x. Eph 5,25-28); phần Giáo Hội thì tùng phục Ðầu (n.v.t, 23-24); "Vì tất cả sự sung mãn về bản tính Thiên Chúa ở trong Người cách hữu hình" (Col 2,9), nên Người đổ tràn ơn thiêng trên Giáo Hội, là thân thể, là sự sung mãn của Người (x. Eph 1,22-23) để Giáo Hội cố gắng đạt tới sự viên mãn hoàn toàn của Thiên Chúa (x. Eph 3,19)”. Về “Giao ước mới và dân tộc mới” hiến chế trình bày qua ba giai đoạn (số 9):
a) Ý định hữu hiệu của Thiên Chúa muốn cứu vớt nhân loại qua việc Chúa làm cho nhân loại trở thành một dân tộc mà Israel cũ là hình bóng chuẩn bị trước. Dân tộc mới của Chúa kế nghiệp dân tộc cũ và cũng dành cho mình những tước hiệu của dân tộc cũ (số 9a)
b) Những chiều hướng của dân tộc mới: có thủ lãnh là Chúa Kitô, có qui chế là chức vị và sự tự do của các con cái Chúa, có luật pháp là giới răn mới, có không gian là phổ quát tính, có cùng đích là Nước Trời. Nó vượt quá biên cương một quốc gia để tiến tới mọi quốc gia (số 9b).
c) Dân tộc mới này là Giáo Hội Chúa Kitô. Vì chính trong dân ấy mà ý định cứu rỗi đạt được mục đích là qui tụ các con cái tản mát của Thiên Chúa về hiệp nhất. Nhờ các con cái ấy mà Dân Thiên Chúa tạo thành Giáo Hội để Giáo Hội trở nên bí tích hữu hình của một ơn cứu rỗi. Giáo Hội là Dân Thiên Chúa luôn tiến tới viên mãn là Nước Trời. Bén rễ trong lịch sử, thiết lập trên trái đất và giữa trần gian, Giáo Hội đang trên đường đi về Giêrusalem thiên quốc (số 9c)”.
Dõi nhìn hành trình đức tin trong lịch sử, từ thời Maccabê, Cựu Ước xa xưa, máu tử đạo đã chảy chan hoà để bảo vệ Lề Luật và Đức Tin.
Sang thới Tân Ước, máu Chúa Giêsu lênh láng trên đồi Canvê, nuôi sống Hội Thánh Người phát triển kiện toàn và bành trướng khắp hoàn cầu. Máu tử đạo gieo hạt giống Đức Tin tràn đến Việt Nam cho cánh đồng truyền giáo sinh sôi nảy nở rộ thắm. Nhưng cũng như Chúa Giêsu là Đầu Hội Thánh, là
hiền thê của Chúa, giáo hội cũng phải trải qua những ruồng bắt đổ máu. Gần nửa thế kỷ bi bách hại bởi săc chỉ cấm đạo dưới thời các vua chúa, hơn 130 ngàn vị tử đạo. Lại thêm biến cố qua phân lãnh thổ, cả miền Bắc chìm trong bóng đêm dưới chế độ vô thần vốn nghịch thù với tín ngưỡng. Nhưng dù cho dông bão vùi dập, dần dà giáo hội lai trỗi dậy vươn vai. Nhiệm mầu thay quyền năng Thiên Chúa Quan Phòng gieo hạt giống!
III- DỤ NGÔN NƯỚC TRỜI, MẦU NHIỆM CÁNH CHUNG
Nước Trời giống như hạt lúa giống gieo trên đồng ruộng, theo thời gian, nó âm thầm nảy nở mọc lên cây, trổ bông trĩu hạt, đồng lúa chín vàng, chờ mùa gặt đến để gặt hái. Nước Trời khởi đầu bằng Đức Giêsu với nhóm môn đệ làm nghề chài lưới. Sau hơn hai mươi thế kỷ, Nước Trời đã lan tràn khắp trên mặt đất này. Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được. (Mát-thêu 13: 31–32).
• Nước Trời sẽ đến vào ngày cánh chung. Sách Khải Huyền mô tả Mùa Gặt Cánh Chung:
“Tôi thấy: kìa một đám mây trắng, và có Đấng ngự trên mây, giống như một Con Người, đầu đội triều thiên vàng, tay cầm liềm sắc bén. Một thiên thần khác từ Đền Thờ đi ra, lớn tiếng thưa với Đấng ngự trên mây: “Xin tra liềm của Ngài mà gặt, vì đã đến giờ gặt: mùa màng trên đất đã chín rồi!” Đấng ngự trên mây quăng liềm của mình xuống đất và đất bị gặt.”
“Rồi một thiên thần khác từ Đền Thờ ở trên trời đi ra, cũng cầm liềm sắc bén. Một thiên thần khác từ bàn thờ đi ra, vị này có quyền trên lửa, lớn tiếng nói với vị cầm liềm sắc: “Xin tra liềm sắc bén của ngài mà hái các chùm nho trong vườn nho dưới đất, vì các trái nho của đất đã chín rồi!” Thiên thần kia quăng liềm của mình xuống đất mà hái nho trong vườn nho dưới đất, rồi đổ cả vào bồn đạp nho lớn, tức là cơn lôi đình của Thiên Chúa. Người ta đạp nho trong bồn đặt ở ngoài thành, máu tự bồn trào ra ngập đến hàm thiếc ngựa và lan đến một ngàn sáu trăm dặm. (KH 14: 14-20)
• Nói về cơn lôi đình của Thiên Chúa trong mùa gặt cánh chung, Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác:
“Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình”. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy? Ông đáp: “Kẻ thù đã làm đó!” Đầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?” Ông đáp: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi”. (Mt 13,23-30)
Các môn đệ lại gần Người thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe”. Người đáp: “kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái ác thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu, và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người. Rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ (Mt.13: 36-43)
Lời Chúa cảnh cáo qua cơn lôi đình về ngày cánh chung trong dụ ngôn cỏ lùng, lúc này hơn lúc nào hết, rất đáng cho ta suy gẫm, như lời Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô trong bài Ðọc II thánh lễ Chúa Nhật hôm nay nhắc nhở: “Thưa anh em, chúng tôi luôn mạnh dạn, và chúng tôi biết rằng, ở lại trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa, vì chúng ta tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy Chúa… Vậy, chúng tôi luôn mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa. Nhưng, dù còn ở trong thân xác hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Người. Vì tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước tòa Ðức Ki-tô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác. (2Cr 5,6-10), Lời Chúa kêu gọi ta thực lòng sám hối, làm đẹp lòng Chúa, luôn luôn tỉnh thức sẵn sàng vì ngày Chúa đến bất chợt như kẻ trộm,
LỜI NGUYỆN
Lạy Mẹ Nữ Vương
Mẹ xin vâng.
khi con Mẹ chấp nhận hoá thân
mặc xác phàm trần làm Chiên Con hy tế.
Mẹ xin vâng.
Khi Con Mẹ tiên phong
Lãnh án tử hình vì vinh quang Thượng Đế
Mẹ xin vâng.
Mẹ thông phần cứu thế.
Mẹ xin vâng.
Mẹ ưng nhận làm từ mẫu chúng con.
Như đã đem Giêsu đến thăm Isavê hiếm muộn,
Mẹ đem thánh giá cứu chuộc
Cho toàn thể muôn dân.
Mẹ đem Thánh Giá cho Giáo Hội Việt Nam
lớn lên vinh hiển.
Từ Mai-Hoa cung điện,
Mẹ đã hiến Việt-Nam
Thành vương quốc của Tình Yêu (*).
Từ Thánh Giá Núi Sọ, Mẹ tưới máu Con Mẹ
cho đồng lúa Việt Nam bát ngát lên hương, reo hát kinh chiều.
Từ An-rê, thầy giảng Phú Yên (**),
Mẹ đỡ nâng
cho hàng hàng lớp lớp giương cao Thập Giá.
Mẹ yêu thương, Mẹ hằng đứng đó,
Mẹ là niềm tin không bao giờ mệt lả.
Mẹ là hy vọng cho quỵ ngã lập tức đứng lên.
Mẹ nguồn an ủi triền miên,
Mẹ là sức sống vô biên,
Cho Tin Yêu đến mọi miền Việt Nam.
Lạy Mẹ từ ái khiết tâm,
Nữ Vương Thánh Tử Việt-Nam Anh Hùng!
Đoái thương dân Mẹ ngóng trông,
Mưa hoà gió thuận ruộng đồng phì nhiêu.
Hộ phù Giáo Hội bình yên
Việt-Nam hạnh phúc khắp miền an vui.
Đây anh hùng thánh tử,
Những chứng nhân cao cả,
Của tình Chúa mênh mông
Lệ máu chảy thành sông,
Tình yêu rộng biển cả
Niềm tin vững non đồng,
Gương hy sinh rạng rỡ
Tô thắm kiếp lao lung
Vang Danh Người sáng tỏ
Xây Nước Trời rộng mở
Sẽ không bao giờ cùng
Lưu hậu thế soi chung.
Cây xanh tưới máu tử hùng
Vườn thiêng đất Việt tưng bừng nở bông.
Gông tròng cổ nặng mang
Loa vang lời xỉ nhục
Lệnh truyền ra tống ngục
Lửa bốc khói dầu sôi
Nhìn lên Thánh giá trên đồi
Hy sinh đón nhận, trọn đời xin vâng
Không khuất phục, niềm tin dâng chất ngất
Bao mua chuộc chẳng thiêu mất tâm kiên
Kết Tràng Châu trang hoàng cho ngục thất,
Ướp Tin Yêu vào vàng dát triều thiên
Chiêng lệnh xử rền vang,
Bao thân hình gẫy gục
Từng hồi vang trống giục,
Từng lớp lớp thịt rơi,
Đòn bay tới tấp tơi bời,
Hiên ngang nhẫn nhục tươi cười như không
Không oán hờn ngầu in lên khoé mắt,
Không nản lòng thờ Chúa vẫn trung kiên.
Giữ Tràng Châu không rời buông từng phút
Ướp Tin Yêu vào lễ tất toàn thiêu.
=> https://youtu.be/puW1PM3MT9w
(*) Năm 1590, dưới thời vua Lê Thế Tôn, cha Pedro Ordonnez được nhà vua giới thiệu với chị vua là Bà Chúa Chè (mẹ bà là em vua Chiêm Thành, không con trai nối nghiệp, nên được phong tước công chúa nước Chiêm, quen gọi là Bà Chúa Chè). Bà theo đạo Công Giáo với tên thánh là Maria, từ đó gọi bà là Mai-Hoa (Maria Flora) công-chúa. Bà kéo theo 51 cung nữ trở lại đạo, lập thành tu viện đầu tiên lấy tên là Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm. Ngày 26-6-1591, cha Ordonnez dâng thánh lễ khấn tạm ngay tại cung điện của bà, được sửa-sang thành tu viện. Như vậy, trước khi giáo sĩ Đắc-Lộ chính thức thành lập Giáo Hội Việt Nam, lòng tôn sùng Đức Mẹ Vô Nhiễm đã dọn đường cho việc công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm vào năm 1854 thời Đức Piô IX, cũng như việc xây dựng Giáo Hội Việt Nam nhờ máu các thánh tử đạo sau này.
(**) Ngày 26-7-1664, thầy giảng An-Rê Phú Yên đã hiến dâng mạng sống làm của lễ tử đạo đầu mùa của Giáo-Hội Việt-Nam.
Ben. Đỗ Quang Vinh
- Details
-
Category: 3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa
Chúa Giêsu đang nói với các môn đệ của Ngài ở đây. Ngài đang nói về cái giá phải trả để trở thành môn đồ của Ngài. Đó là một cái giá đắt để trở thành môn đệ của Chúa Giêsu: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt10: 37). Để trở thành một môn đệ nhiệt tình tìm cách sống cho Ngài thì đó là một cái giá thậm chí còn cao hơn: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10:38).
Trong xã hội Do thái thời Chúa Giêsu, gia đình của các môn đệ không biết Kitô giáo là gì... và vì thế, trong con mắt của họ, Chúa Giêsu và những người đi theo Ngài đã tạo thành một giáo phái Do Thái, như nhiều giáo phái khác. Các gia đình có thể nghi ngờ con cháu của họ đang bắt đầu theo giáo phái mới lạ này, và khuyên bảo họ thay đổi ý định hoặc báo cáo với giáo quyền Do thái và chính quyền Rôma. Trong hoàn cảnh đó, các môn đệ của Chúa Giêsu đôi khi cần phải đưa ra lựa chọn: gia đình hoặc Chúa Giêsu. Vì vậy Chúa Giêsu chuẩn bị cho các môn đệ của Ngài sẵn sàng chịu đựng sự bất hòa trong chính gia đình của họ. Dĩ nhiên, đó không phải là một sự chọn lựa phe nhóm, càng không phải là việc tạo lập phe cánh của Chúa Giêsu. Nhưng đó là một lời mời gọi sống hiệp nhất với Ngài.
Nhưng những lợi ích và phúc lành thì rất đáng giá. Chúng ta không kiếm được đường lên Thiên đàng bằng những gì chúng ta làm cho Chúa, nhưng là một Kitô hữu, cuộc sống của chúng ta sẽ thanh thản hơn nhiều khi chúng ta nhiệt thành sống theo Chúa Giêsu: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mt 10: 40). Ở đây Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Ngài rằng ai yêu cha mẹ hơn mình yêu Ngài thì không đáng làm môn đồ Ngài. Điều này cho chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu muốn chúng ta yêu mến Ngài hơn bất cứ điều gì khác trên thế giới này. Chúa Giêsu muốn chúng ta đặt Ngài lên hàng đầu, đặt những ước muốn của Ngài lên hàng đầu trong cuộc sống của chúng ta. Sẽ có lúc bạn có thể biết rằng Chúa muốn bạn làm điều gì đó. Có thể Chúa muốn bạn đi đâu đó và bạn sẽ bị cha mẹ, con cái và bạn bè thân thiết của mình làm cho nản lòng. Chúa Giêsu muốn bạn yêu mến và vâng lời Ngài hơn cha mẹ bạn hay bất cứ ai khác trong cuộc đời bạn. Có những lúc chúng ta phải lựa chọn làm điều Chúa muốn chúng ta làm hoặc làm điều người khác muốn chúng ta làm. Chúa Giêsu nói rằng nếu muốn trở thành môn đồ của Ngài, chúng ta phải đặt ước muốn của Ngài lên trên hết. Những ai cương quyết chọn nghe theo các thành viên trong gia đình hơn là nghe theo Chúa Giêsu sẽ thấy rằng họ không bao giờ xứng đáng với Chúa Giêsu và rằng, dù họ có thể đạt được sự đồng thuận trong gia đình, họ đã đánh mất sự sống vĩnh cửu của mình: “Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10: 39. Đôi khi chúng ta phải từ bỏ tất cả những gì chúng ta có để phục vụ Ngài. chúng ta phải đặt mong muốn của Ngài lên trên hết. Chúa Giêsu đã từ bỏ tất cả những gì Ngài có để mua chúng ta.
Chúng ta không chỉ yêu Chúa Giêsu hơn yêu cha mẹ và gia đình mình, mà chúng ta còn yêu Ngài hơn yêu con cái mình. Trở thành môn đồ của Chúa Giêsu có nghĩa là Ngài phải là điều quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta. Chúa Giêsu nói rằng chúng ta không thể làm tôi hai chủ. Sẽ đến lúc chúng ta phải đưa ra lựa chọn. Là môn đệ của Chúa Giêsu, Ngài muốn chúng ta luôn chọn đặt Ngài lên hàng đầu trong cuộc đời mình. Chúa Giêsu nói rằng chúng ta phải vác thập tự giá mình mà theo Ngài. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải chết đi chính mình và sống cho Ngài, theo Ngài bằng cuộc sống của chúng ta. Đó là điều Ngài muốn cho chúng ta. Ngài khuyến khích chúng ta khi nói rằng bất cứ ai vì Ngài mà mất mạng sống thì sẽ tìm được. Điều đó có nghĩa là khi chúng ta từ bỏ mọi thứ trong cuộc sống của mình để theo Ngài, Ngài sẽ không bỏ rơi chúng ta, Ngài sẽ đảm bảo rằng chúng ta trở thành con người mà chúng ta được tạo dựng để trở thành. Chúa Giêsu đã tạo ra chúng ta; chúng ta sẽ không bao giờ biết tại sao Ngài dựng nên chúng ta cho đến khi chúng ta hy sinh mạng sống mình cho Ngài và đi theo Ngài. Đó là đời sống yêu thương, hy sinh mạng sống mình và đặt Chúa Giêsu lên hàng đầu. Ngài nói rằng nếu chúng ta muốn giữ sự sống của mình mà không theo Ngài, thì chúng ta sẽ mất tất cả những gì chúng ta đang sống. Danh tiếng, sự nổi tiếng, tiền bạc, hạnh phúc, tất cả những thứ này chỉ cần một hơi thở là sẽ biến mất. Khi chúng ta sống cho Chúa Giêsu, cuộc sống của chúng ta sẽ tồn tại mãi mãi.
Chúng ta đã từ bỏ cuộc sống của mình để theo Chúa Giêsu chưa? Nếu như vậy, bạn có chọn đi theo Chúa Giêsu bất kể người khác nói gì không? Bạn có tin rằng bạn sẽ thật sự tìm được sự sống của mình khi bạn hy sinh tất cả cho Chúa Giêsu không? Hôm nay, chúng ta hãy mở mắt và tai ra và để ý đến những gì Chúa Giêsu muốn nơi chúng ta: đặt Ngài trên hết những điều khác trong cuộc sống của chúng ta.
Chúng ta đáp ứng cụ thể với mong muốn của Chúa Giêsu như thế nào? Phần lớn chúng ta là con cái trong gia đình, cho nên sống hiếu thảo, yêu thương, kính trọng và vâng lời cha mẹ cũng là một cách buông bỏ cái tôi ích kỷ của mình, chấp nhận những vất vả, khó khăn, vác lấy những thập giá lớn nhỏ mỗi ngày theo gương mẫu của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu tôn kính cha mẹ trần thế của Ngài là Mẹ Maria và Thánh Giuse. Ngài cũng tôn vinh Cha Trên Trời của mình bằng cách tuân giữ trọn vẹn giới luật của Thiên Chúa: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2:49). Khi lớn lên, Chúa Giêsu vâng lời, yêu thương và chăm sóc cha mẹ trần thế của Ngài: “Chúa Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2:51). Ngay cả khi ở trên thập giá, Ngài vẫn nhờ một môn đệ chăm sóc Mẹ mình: “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Chúa Giêsu nói với thân mẫu rằng: Thưa Bà, đây là con của Bà. Rồi Ngài nói với môn đệ: Đây là mẹ của anh. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19:26-27).
Chúng ta được mời gọi hiếu thảo với cha mẹ mình: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20:12; Đnl 5:16). Chính Chúa Giêsu đã quở trách người Pharisêu bày ra các tập tục dưới danh nghĩa Thiên Chúa để trốn tránh bổn phận thờ cha kình mẹ: “Bấy giờ có mấy người Pharisêu và mấy kinh sư từ Giê-usalem đến gặp Chúa Giêsu và nói rằng: Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa? Ngài trả lời: Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa” (Mt15:1-7). Vì vậy những ai còn sống chung với cha mẹ nên thảo hiếu với cha mẹ mình bằng cách kiên nhẫn phục vụ cha mẹ, chăm chỉ làm việc chăm sóc gia đình, chu đáo quan tâm đến các ngài bằng những món quà cụ thể, dành thời gian cho các ngài và nói chuyện với các ngài: “Biết đối đáp khiến con người vui thú, nói đúng lúc, thật tốt đẹp dường bao!... Người công chính nghĩ suy rồi mới đáp, miệng kẻ ác tuôn trào chuyện xấu xa… Cứ kiên nhẫn, thủ lãnh sẽ xiêu lòng, lời mềm mỏng làm nát tan xương cốt” (Châm ngôn 15:23; 15:28; 25:15), và xin sự tha thứ nếu mắc tội với cha mẹ mình. Trung thành với Chúa Giêsu là không tức giận và khó chịu với người khác, nhưng “hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hoà” (1Tm 6: 11).
Sau này thánh Phaolô dạy các tín hữu giáo đoàn Êphêsô: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6: 1-4). Còn với giáo đoàn Côlôssê, ngài nói: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa” (Cl 3: 20-21).
Thánh Giacôbê khuyên cũng nhắc bảo các tín hữu: “Trong anh em, ai là người khôn ngoan hiểu biết? Người ấy hãy dùng lối sống tốt đẹp mà chứng tỏ rằng: những hành động của họ phát xuất từ lòng hiền hậu và đức khôn ngoan. Nhưng nếu trong lòng anh em có sự ghen tương, chua chát và tranh chấp, thì anh em đừng có tự cao tự đại mà nói dối, trái với sự thật. Sự khôn ngoan đó không phải từ trời cao ban xuống, nhưng là sự khôn ngoan của thế gian, của con người tự nhiên, của ma quỷ. Thật vậy, ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa. Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình. Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính” (Giacôbê 3:13-18).
Phêrô Phạm Văn Trung
lược dịch từ https://jonglassonline.com