- Details
-
Category: 20. Những Bài Về Đức Mẹ
THỨ TƯ 12/12 LÀ LỄ ĐỨC MẸ GUADALUPE
Ở Mỹ Châu Lễ Mẹ này thuộc bậc Lễ Kính (Feast) buộc phải cử hành, bao gồm cả Hoa Kỳ, xin nghe chia sẻ ở cái link này:
LeMeGuadalupe.mp3
Ở các nơi khác Lễ này, từ năm 1999, chỉ là lễ nhớ không buộc (option memorial),
nên vẫn có thể cử hành PVLC trong tuần như thường,
và vì thế xin xem PVLC dưới đây kèm theo cái link audio ở cuối như mọi ngày.
Lời Chúa
Bài Ðọc I: Is 40, 25-31
"Thiên Chúa toàn năng ban sức mạnh cho người mệt mỏi".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ðấng Chí Thánh phán rằng: Các ngươi sánh Ta với ai? Và kể Ta bằng ai? Hãy ngước mắt lên cao mà xem, ai đã dựng nên muôn loài này? Ðấng vận chuyển các cơ binh của chúng và biết gọi đích danh tất cả, không thiếu vật nào, vì sức mạnh của người rất lớn và quyền năng của Người rất cao.
Hỡi Giacob, tại sao ngươi nói, hỡi Israel, tại sao ngươi nói: Chúa không biết đến số phận tôi, Người không biết đến quyền lợi của tôi? Ngươi không biết? Ngươi không nghe sao?
Chúa là Thiên Chúa hằng hữu, là Ðấng đã dựng nên toàn thể trái đất, Người không mỏi không mệt và sự khôn ngoan của Người không thể suy thấu.
Người ban sức mạnh cho kẻ rã rời và thêm sức cho người mệt mỏi.
Những trai trẻ cũng mòn mỏi mệt nhọc, những tráng sĩ cũng lao đao vấp ngã.
Những ai trông cậy Chúa, sẽ được thêm sức mới, cất cánh bay cao như phượng hoàng, họ chạy mà không mệt, họ đi mà không mỏi.
Ðó là Lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 103: 1-2, 3-4, 8,10
Ðáp: Hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa.
Xướng 1) Hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể thân tôi, hãy chúc tụng danh Người. Hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và đừng bao giờ quên các ân huệ của Người. - Ðáp.
2) Người đã thứ tha mọi tội lỗi ngươi, và đã chữa ngươi khỏi tật nguyền. Người đã cứu ngươi khỏi chết và ban cho ngươi hồng ân, nhân ái. - Ðáp.
3) Chúa là Ðấng thương xót nhân ái, chậm oán hờn và yêu thương khôn lường. Người không xử với ta như ta đáng tội, và không trả cho ta theo lỗi của ta. - Ðáp.
Alleluia:
Alleluia, alleluia - Chúa chúng ta sẽ đến trong quyền lực, và sẽ làm cho mắt các tôi tớ Người được sáng. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 11:28-30
"Hãy đến với Ta, hỡi những ai vất vả cực nhọc".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi.
Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an.
Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng.
Ðó là Lời Chúa.

Suy niệm
nhập thể bồi dưỡng
Trong suốt tuần thứ nhất Mùa Vọng, nội dung của các bài Phúc Âm đều liên quan đến mạc khải thần linh của Thiên Chúa cho việc cứu độ con người thế nào (Ơn cứu độ cho cả dân ngoại - Thứ Hai; là mạc khải thần linh - Thứ Ba; là Bánh sự sống - Thứ Tư; là ánh sáng chiếu soi - Thứ Năm; là đá tảng - Thứ Sáu; là tình thương - Thứ Bảy) thì trong tuần thứ hai Mùa Vọng, các bài Phúc Âm đang xoay quanh thân phận khốn khổ đáng thương của con người cần được Thiên Chúa cứu độ và trông mong Ơn Cứu Độ.
Thật thế, thân phận khốn khổ của con người tội lỗi cần được Thiên Chúa cứu độ được biểu hiệu ở bài Phúc Âm hôm thứ hai nơi người bất toại được Chúa Giêsu chữa lành, và ở bài Phúc Âm hôm qua thứ ba nơi con chiên lạc được tìm thấy, và ở bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Tư Tuần Thứ Hai Mùa Vọng, nơi con người khốn cực cần được bồi dưỡng:
"Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng".
Ở đây, qua lời Chúa trong bài Phúc Âm này, chúng ta thấy trước hết là tình trạng khốn khổ của con người: "khó nhọc và gánh nặng" - Quả thật không ai có thể chối cãi được thực trạng con người mệt mỏi "khó nhọc" cả về phần xác lẫn ê chề "gánh nặng" về tinh thần.
Đúng thế, theo tâm lý tự nhiên và theo kinh nghiệm sống đạo, thực tế cho thấy con người thường sốt sắng vào lúc ban đầu, như khi mới lấy nhau hay mới chịu chức linh mục, hoặc mới đảm nhận một chức vụ nào đó v.v. Bấy giờ tất cả đều nhẹ nhàng dễ chịu, thậm chí còn hứng khởi hăng say nữa. Thế nhưng, qua thời gian, nếu không có đời sống nội tâm, nhất là bị đụng chạm, họ sẽ cảm thấy "khó nhọc" nơi những gì họ yêu thích và theo đuổi một cách mê man ngay từ đầu ấy, đến độ chúng trở thành "gánh nặng" đến muốn trút bỏ, bằng cách ly dị, phá giới hay từ chức.
Phải, vào chính lúc ấy, chính lúc con người như hết bình điện nhiệt thành cần phải được "recharge" để lấy lại lòng nhiệt thành ban đầu, con người mới cần phải được Chúa "nâng đỡ bổ sức cho", bằng ân sủng của Người, bằng lời của Người, qua một cuộc tĩnh tâm hoặc linh hướng nào đó hay nhờ đọc Thánh Kinh, bằng các bí tích thánh của Người.
Thế nhưng, vấn đề ở đây không phải là sau đó và chỉ nhờ đó chúng ta có thể cảm thấy ngay được "ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng" đâu. Trái lại, ở chỗ hoàn toàn ngược lại với những gì chúng ta suy nghĩ, đó là chúng ta cần phải trước hết và trên hết chấp nhận gian nan thử thách đã: "Hãy mang lấy ách của Ta", rồi sau đó chúng ta mới "hãy học cùng Ta", chứ không phải ngược lại, nghĩa là chứ không phải chúng ta cứ "học cùng Ta" bằng cách nhìn lên gương "dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng" của Người là chúng ta tự nhiên có thể vác thánh giá theo Người được ngay đâu. Thực tế cho thấy, chúng ta vẫn thường nói với nhau rằng Chúa là Chúa nên Chúa chịu được còn tôi là người nên tôi không chịu được.
Kinh nghiệm sống đạo cho thấy, sau những cơn thử thách khổ đau khiến chúng ta cảm thấy "khó nhọc và gánh nặng" mà chúng ta nhờ ơn Chúa vẫn vui nhận và trải qua được, chúng ta sẽ cảm thấy càng ngày càng được biến đổi nên giống Chúa Kitô "hiền lành và khiêm nhượng trong lòng", thậm chí mới thực sự cảm thấy được "ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng", đến độ, có những vị thánh còn say sưa với đau khổ, hứng thú với khổ đau, sống không thể không có đau khổ, (như thể ăn không thể thiếu ớt cay và càng cay càng thú vị vậy), để nhờ đó, nhờ càng khổ đau họ càng được nên giống Chúa Kitô hơn, và các linh hồn càng được cứu độ nhiều hơn.
Thật vậy, bởi nguyên tội và sau nguyên tội, bản tính của con người đã bị băng hoại, và phải chịu hậu quả của nguyên tội ngay ở đời này. Ở chỗ, nam nhân thì "khó nhọc" (đổ mồ hôi xôi nước mắt mới có của ăn - xem Khởi Nguyên 3:17-19) và nữ nhân thì "gánh nặng" (mang nặng đẻ đau và phải phục tùng chồng mình - xem Khởi Nguyên 3:16). Chỉ duy một con người duy nhất không chịu hậu quả "khó nhọc" và "gánh nặng" là Mẹ Maria, Vị chẳng những bởi được đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội do Thiên Chúa ban, mà còn nhờ ở chính con người của Mẹ, một con người "hiền lành và khiệm nhượng trong lòng" giống Chúa Giêsu Kitô Con của Mẹ nhất, ở chỗ sống đúng thân phận "tôi tớ Chúa" (sống một cách ngoan ngoãn "hiền lành" - không hung hăng vượt biên, không dám như nữ nguyên tổ Evà dám vượt quá cái giới hạn tạo vật vô cùng thấp hèn của mình trước nhan Chúa), và sống trọn phận vụ của một người tôi tớ là "xin vâng" của mình (phản ảnh tinh thần "khiêm nhượng trong lòng" của Mẹ, không bao giờ làm chủ, làm theo ý mình, mà là theo ý Chúa như Con Mẹ).
Một tạo vật Vô Nhiễm Nguyên Tội sống "hiền lành và khiêm nhượng trong lòng" là Mẹ Maria đã xuất hiện như Rạng Đông của Mặt Trời Công Chính là Chúa Giêsu Kitô, như báo trước cho thấy thân phận vướng mắc nguyên tội đầy "khó nhọc và gánh nặng" này của con người sẽ được Chính Thiên Chúa hóa thân làm người nơi "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) gánh vác, bù đắp và biến đổi nơi cuộc Vượt Qua của Người, bằng tinh thần "hiền lành và khiêm nhưọng trong lòng" của Người. Ở chỗ, "tuy thân phận là Thiên Chúa nhưng Người vẫn không tự cho mình cứ phải ngang hành với Thiên Chúa mới được, mà đã tự hủy ra như không... và vâng lời cho đến chết và chết trên thập tự giá' (Philiphê 2:6,8), hoàn toàn trái ngược lại với thái độ kiêu căng ngạo mạn và hành động phản loạn bất tuân của con người tạo vật nơi hai nguyên tổ của họ ngay từ ban đầu, một thái độ và hành động vì thế đã làm cho con người bắt đầu cảm thấy "khó nhọc và gánh nặng", và do đó họ cần phải trông chờ Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng Thiên Sai Cứu Thế.
Đúng thế, một khi con người cảm thấy mình "khó nhọc và gánh nặng" họ mới một là buông xuôi hai là chạy đến với Chúa để được bồi dưỡng vươn lên. Họ có thể buông xuôi ở chỗ, như chính Thiên Chúa nhận định về dân của Ngài qua lời Tiên Tri Isaia trong Bài Đọc 1 hôm nay: "Hỡi Giacob, tại sao ngươi nói, hỡi Israel, tại sao ngươi nói: Chúa không biết đến số phận tôi, Người không biết đến quyền lợi của tôi? Ngươi không biết? Ngươi không nghe sao?"
Thiên Chúa đã trấn an họ để họ có thể tin tưởng mà chạy đến với Người như sau: "Chúa là Thiên Chúa hằng hữu, là Ðấng đã dựng nên toàn thể trái đất, Người không mỏi không mệt và sự khôn ngoan của Người không thể suy thấu. Người ban sức mạnh cho kẻ rã rời và thêm sức cho người mệt mỏi. Những trai trẻ cũng mòn mỏi mệt nhọc, những tráng sĩ cũng lao đao vấp ngã. Những ai trông cậy Chúa, sẽ được thêm sức mới, cất cánh bay cao như phượng hoàng, họ chạy mà không mệt, họ đi mà không mỏi".
Đó là lý do con người cần phải hết lòng trông đợi Chúa, Đấng luôn ở với họ, biết họ hơn họ biết mình và yêu họ hơn họ yêu bản thân họ, luôn tìm cách cứu độ họ bằng cách tỏ mình ra cho họ, một tiến trình mạc khải thần linh đạt đến tột đỉnh của mình nơi Lời Nhập Thể Vượt Qua, Đấng được Thiên Chúa hứa ban cho họ như Đấng Thiên Sai Cứu Thế của họ. Thế nên, con người cần phải có tâm tình chúc tụng ngợi khen và tin tượng cậy trông của Bài Đáp Ca hôm nay với Vị Thiên Chúa vô cùng nhân hậu của họ:
1) Hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể thân tôi, hãy chúc tụng danh Người. Hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và đừng bao giờ quên các ân huệ của Người.
2) Người đã thứ tha mọi tội lỗi ngươi, và đã chữa ngươi khỏi tật nguyền. Người đã cứu ngươi khỏi chết và ban cho ngươi hồng ân, nhân ái.
3) Chúa là Ðấng thương xót nhân ái, chậm oán hờn và yêu thương khôn lường. Người không xử với ta như ta đáng tội, và không trả cho ta theo lỗi của ta.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên
- Details
-
Category: 20. Những Bài Về Đức Mẹ
Ngày 8 tháng 12
Ðức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội
Lễ Trọng
Bài Ðọc I: St 3, 9-15. 20
"Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa miêu duệ mi và miêu duệ người phụ nữ".
Trích sách Sáng Thế.
Thiên Chúa đã gọi Ađam và phán bảo ông rằng: "Ngươi đang ở đâu?" Ông đã thưa: "Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn địa đàng, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng và con đang ẩn núp".
Chúa phán bảo ông rằng: "Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta cấm ngươi không được ăn ư?" Ađam thưa lại: "Người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với con, chính nàng đã cho con trái cây và con đã ăn".
Và Thiên Chúa phán bảo người phụ nữ rằng: "Tại sao ngươi đã làm điều đó?" Người phụ nữ thưa: "Con rắn đã lừa dối con và con đã ăn".
Thiên Chúa phán bảo con rắn: "Bởi mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người".
Và Ađam đã gọi tên vợ mình là Evà: vì lẽ bà là mẹ của chúng sinh.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4
Ðáp: Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu (c. 1a).
Xướng: 1) Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Ðáp.
2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. - Ðáp.
3) Khắp cùng bờ cõi trái đất, đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ mừng vui, và đàn ca. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Ep 1, 3-6. 11-12
"Từ trước khi tạo thành vũ trụ, Thiên Chúa đã kén chọn chúng ta trong Ðức Kitô".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, chúc tụng Thiên Chúa và là Cha của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: Người đã chúc phúc cho chúng ta bằng mọi phúc lộc thiêng liêng ở trên trời trong Ðức Kitô. Bởi Người đã kén chọn chúng ta trong Ðức Kitô từ trước khi tạo thành vũ trụ, hầu cho chúng ta được thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Người. Trong tình thương, Người đã tiền định cho chúng ta được làm dưỡng tử đối với Người, qua Ðức Giêsu Kitô, theo như ý Người sở định, cho được ca ngợi vinh quang ân sủng của Người, ân sủng mà Người ban tặng chúng ta trong Con yêu quý của Người.
Cũng trong Ðức Kitô, chúng ta đã được chọn trước làm phần gia nghiệp, chiếu theo chương trình tiền định của Ðấng tác thành mọi sự theo như ý Mình sở định, hầu cho chúng ta ca tụng vinh quang Người, chúng ta là những người đã đặt niềm hy vọng trước trong Ðức Kitô.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia:
Alleluia, alleluia! - Kính chào Trinh Nữ Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ, Trinh Nữ có phúc hơn các người nữ. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 1, 26-38
"Chào Trinh Nữ đầy ân sủng, Chúa ở cùng Trinh Nữ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nagiarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào trinh nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ, trinh nữ có phúc hơn các người nữ". Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp và triều đại Người sẽ vô tận!" Nhưng Maria liền thưa với Thiên Thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?" Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được". Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và Thiên Thần cáo biệt trinh nữ.
Ðó là lời Chúa.
LeMeVoNhiem.mp3
Mẹ Maria được thụ thai vô nhiễm nguyên tội
Bài Giáo Lý Thánh Mẫu của ÐTC Gioan Phaolô II
1- Đức Maria “đầy ơn phúc” được Giáo Hội công nhận là Đấng “hoàn toàn thánh thiện và không vương nhiễm một tì ố tội lỗi nào”, “từ giây phút đầu tiên trong lòng thai mẫu đã được sáng ngời với một sự thánh thiện trọn vẹn có một không hai” (Lumen Gentium, 56).
Việc nhận biết này đã phải trải qua một tiến trình dài suy tư về tín lý để rồi cuối cùng đã dẫn đến việc long trọng công bố tín điều Đầu Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Danh xưng “được đầy ơn phúc”, do thiên thần ngỏ cùng Đức Maria vào lúc Truyền Tin, ám chỉ hồng ân thần linh phi thường ban cho người nữ trẻ Nazarét này liên quan đến vai trò làm mẹ như lời loan báo, thế nhưng, một cách trực tiếp hơn, danh xưng ấy cho thấy hiệu quả của ân sủng thần linh nơi Đức Maria; Đức Maria được tràn đầy ơn phúc bề trong một cách vĩnh viễn nên Mẹ cũng đã được thánh hóa. Danh hiệu kecharitoméne này có một ý nghĩa rất phong phú và Chúa Thánh Thần đã không ngừng làm cho Giáo Hội ngày càng hiểu biết sâu xa hơn.
2- Trong các bài giáo lý trước đây, Tôi đã cho thấy là nơi lời chào của thiên thần, lời diễn tả “đầy ơn phúc” hầu như đóng vai trò như là một tên gọi: đó là tên gọi của Đức Maria trong con mắt của Thiên Chúa. Theo dụng ngữ của các dân Semite (biệt chú của người dịch: chính yếu là Do Thái và Ả Rập, trước đó có cả Assyria và Phonicia) thì tên gọi nói lên thực tại của người và vật mang tên ấy. Bởi thế, danh xưng “đầy ơn phúc” cho thấy chiều kích sâu xa nhất nơi bản vị của người nữ trẻ Nazarét này, ở chỗ, người nữ trẻ Nazarét ấy được ân sủng khuôn đúc và là đối tượng của lòng Thiên Chúa ưu ái, đến độ bản chất của người nữ này được làm nên bởi tấm lòng biệt ái ấy.
Công Đồng Chung Vaticanô II nhắc lại việc các Vị Giáo Phụ ám chỉ về sự thật này khi các ngài gọi Mẹ Maria là “Đấng hoàn toàn thánh hảo”, đồng thời các ngài cũng xác nhận là Mẹ được “Chúa Thánh Thần thực sự khuôn đúc và hình thành như một tạo vật mới” (Lumen Gentium, 56).
Nếu hiểu ân sủng theo ý nghĩa của “ơn thánh hóa” là ơn làm phát sinh thánh đức nơi con người thì ân sủng đã làm cho Mẹ Maria trở thành tạo vật mới, làm cho Mẹ hoàn toàn phù hợp với dự án của Thiên Chúa.
3- Việc suy tư về tín lý bởi thế có thể qui về cho Mẹ Maria một tầm mức trọn lành thánh thiện mà, để hoàn bị, cần phải bao gồm cả giây phút mở màn cuộc sống của Mẹ nữa.
Đức Giám Mục Theoteknos ở Livias miền Palestine, vị đã sống vào khoảng thời gian giữa năm 550 và 650, xem như đã ngả về chiều hướng tinh tuyền nguyên thủy này. Khi trình bày cho thấy Mẹ Maria “thánh hảo và tuyệt mỹ”, “tinh tuyền và vô tì tích”, ngài đã nói đến việc hạ sinh của Mẹ bằng những lời thế này: “Là người bởi đất xét tinh tuyền vô nhiễm, Mẹ được sinh ra như thần cherubim” (Panegyric for the feast of the Assumption, 5-6).
Lời diễn tả vừa rồi, khi nhắc lại việc tạo dựng nên con người đầu tiên, một con người được khuôn đúc bởi đất xét không nhiễm tội lỗi, đã gán cho việc Mẹ Maria vào đời cũng có những đặc tính này, đặc tính nguồn gốc của Mẹ Maria cũng “tinh tuyền và vô nhiễm”, tức là, không có bất cứ một tội lỗi nào. Việc so sánh với thần cherubim cũng nhấn mạnh đến sự thánh thiện trổi vượt làm nên đặc tính của cuộc sống Mẹ Maria từ giây phút hiện hữu đầu tiên của Mẹ.
Chủ trương của giám mục Theoteknos đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc suy tư về tín lý nơi mầu nhiệm của Mẹ Chúa. Các vị Giáo Phụ Hy Lạp và Đông Phương công nhận ân sủng đã làm cho Mẹ Maria tinh tuyền, một là trước biến cố Nhập Thể (Thánh Gregory Nazianzen, Oratio, 38, 16), hai là vào chính giây phút Nhập Thể (Thánh Ephrem, Severian Gabala, James Sarug). Giám mục Theoteknos Livias xem ra muốn thấy Mẹ Maria hoàn toàn tinh tuyền ngay từ khi Mẹ bắt đầu cuộc sống. Thật vậy, vị được ấn định trở nên Mẹ Đấng Cứu Thế phải có một nguồn gốc trọn lành thánh hảo, hoàn toàn vô tì tích.
4- Vào thế kỷ thứ tám, Andrew ở Crete là thần học gia đầu tiên thấy được Mẹ Maria là một tạo vật mới nơi việc vào đời của Mẹ. Nhà thần học ấy lập luận như thế này: “Hôm nay đây (biệt chú của người dịch: hiểu theo ý nghĩa toàn câu văn thì chữ “hôm nay đây” ám chỉ ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ) nhân loại nhận được nét đẹp cổ kính xa xưa của mình, nơi tất cả những gì chiếu tỏa ra từ tính cách cao sang vô nhiễm của họ. Nỗi ô nhục của tội lỗi đã làm tối tăm mù mịt đi ánh quang cùng với nét hấp dẫn của bản tính nhân loại; thế nhưng, khi Người Mẹ của Đấng Tuyệt Mỹ sinh vào đời thì bản tính này đã lấy lại nơi con người của Mẹ những đặc ân xưa kia, cũng như được khuôn đúc theo mẫu thức hoàn hảo thực sự xứng đáng với Thiên Chúa... Việc canh tân bản tính của chúng ta bắt đầu vào ngày hôm nay đây, và cái thế giới già lão, được Thiên Chúa hoàn toàn biến đổi, sẽ lãnh nhận những hoa trái của cuộc tạo dựng lần hai” (Serm. I on the Birth of Mary).
Thế rồi, sử dụng lại hình ảnh đất xét của thuở nguyên khai, nhà thần học này phát biểu: “Thân xác của Đức Trinh Nữ là thứ đất Thiên Chúa đã cầy sới, là hoa trái đầu mùa của thứ đất Adong được Chúa Kitô thần linh hóa, là hình ảnh đúng như vẻ đẹp trước kia, là đất xét được nhào nặn bởi Vị Nghệ Sĩ thần linh”. (Serm I on the Dormition of Mary).
Cuộc đầu thai tinh tuyền và vô nhiễm của Mẹ Maria như thế được coi như mở màn cho việc tân tạo. Đó là vấn đề liên quan đến đặc ân riêng giành cho người nữ được tuyển chọn làm Mẹ Chúa Kitô, Người Mẹ loan báo thời gian viên mãn ân sủng cho toàn thể nhân loại biết như ý Thiên Chúa muốn.
Tín lý này, cũng vào thế kỷ thứ tám còn được Thánh Germanus Contantinople và Thánh John Damascene bàn đến, đã làm sáng tỏ giá trị về sự thánh thiện ngay từ ban đầu của Mẹ Maria, một sự thánh thiện được trình bày cho thấy như mở màn cho việc Cứu Chuộc thế giới.
Như thế, truyền thống Giáo Hội đã thấm nhuần và làm sáng tỏ ý nghĩa đích thực của danh xưng “đầy ơn phúc” như thiên thần đặt cho Đức Thánh Trinh Nữ. Mẹ Maria đầy ơn thánh hóa và đầy ơn thánh hóa này ngay từ giây phút đầu tiên của cuộc sống. Ơn thánh hóa này, theo Thư gửi Giáo Đoàn Êphêsô (1:6) là ơn được ban trong Chúa Kitô cho tất cả mọi tín hữu. Sự thánh thiện ngay từ ban đầu của Mẹ Maria là tiêu biểu cho một thứ mẫu mực thượng đẳng về tặng ân, cũng như tiêu biểu cho việc phân phát ân sủng của Chúa Kitô trên thế gian.
(ĐTC Gioan Phaolô II, Thứ Tư 15/5/1996,
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ ngày 22/5/1996)