Đức Ma-ri-a tại tiệc cưới Ca-na
Bối cảnh tiệc cưới xảy ra tại vùng quê Ca-na miền Ga-li-lê (phân biệt với Ca-na miền Coelo-Syria), có sự hiên diện của Đức Ma-ri-a, Chúa Giê-su và các môn đệ của Ngài. Có lẽ Đức Ma-ri-a là một khách mời đặc biệt hoặc có liên quan đến việc tổ chức lễ cưới nên xem ra Đức Ma-ri-a rất lo lắng khi thấy thiếu rượu. Thật vậy, theo phong tục truyền thống Do-thái, đám cưới là một lễ hội rất long trọng và được tổ chức nhiều ngày. Khách mời và gia chủ cùng chia sẻ những ngày tiệc tùng vui vẻ là một cơ hội quan trọng trong đời. Đặc biệt, rượu là một thứ không thể thiếu trong đám cưới vì nó làm tăng niềm vui của khách mời và việc thết đãi rượu thịnh soạn dồi dào là một vinh dự của gia chủ. Hơn nữa, theo văn hóa Đông phương, đãi khách là một nhiệm vụ thiêng liêng, vì thế thiếu thức ăn, nước uống và rượu là một điều xấu hổ cho cô dâu, chú rể. Các Rab-bi thường nói: “Không rượu thì không vui”. Tuy nhiên, say rượu cũng là sự khiếm nhã nên khách mời cũng cần phải chừng mực. Tiếc thay, sự cố không vui đã xảy đến trong tiệc cưới tại Ca-na này: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3). Đức Ma-ri-a đã nhận ra điều đó và Mẹ đã can thiệp để điều tồi tệ nhất không xảy ra.
1. Sự can thiệp của Đức Ma-ri-a
Rượu là một yếu tố quan trọng góp phần làm nên niềm vui trong tiệc cưới, nhưng tiếc thay, tiệc cưới Ca-na chưa tàn đã hết rượu. Đức Ma-ri-a đã nhận ra tình hình tồi tệ ấy và đã can thiệp cách chủ động. Tuy nhiên, thái độ và cung cách của Đức Ma-ri-a cho thấy Mẹ thực sự quan tâm đến nhu cầu của người khác và Đức Ma-ri-a đã không yêu cầu cách trực tiếp nhưng bằng một thái độ đức tin và có sự tín thác.
a. Đức Ma-ri-a luôn quan tâm đến nhu cầu của người khác
Đức Ma-ri-a hiện diện trong tiệc cưới Ca-na được tác giả Phúc âm thứ tư diễn tả như một vị khách đặc biệt. Đức Ma-ri-a sát cánh bên Chúa Giê-su và dường như điều ấy làm cho các nhân vật khác trong tiệc cưới trở thành thứ yếu. Tuy Đức Ma-ri-a không tỏ ra là một nhân vật chủ chốt, nhưng điều Mẹ lưu tâm là một công việc quan trọng và cấp thiết, công việc của một ông quản tiệc. Đức Ma-ri-a đã lên tiếng với Chúa Giê-su về tình hình nghiêm trọng xắp xảy đến: thiếu rượu.
Có thể nói, Gio-an đã đặt sự quan tâm của Đức Ma-ri-a về việc thiếu rượu trong tiệc cưới như một dấu chỉ khởi sự dấu lạ đầu tiên của Chúa Giê-su, Đấng được Thiên Chúa sai đến. Vì thế, theo ý định của Gio-an, việc can thiệp của Đức Ma-ri-a hay việc biến nước thành rượu không phải là trọng tâm của biến cố cho bằng việc giới thiệu và minh chứng về Đấng Thiên Sai muôn dân đang mong đợi. Ngài đến để đem ơn cứu độ và đổi mới mọi sự.
Chúng ta sẽ thấy Gio-an thường trình bày các dấu lạ nhắm mục đích thay thế các luật lệ cũ của người Do-thái. Thêm vào đó, khi Chúa Giê-su đến, giáo lý và hệ thống tôn giáo cũ có thể trở nên vô nghĩa nên không thể tồn tại. Do vậy, sự lưu ý của Đức Ma-ri-a về việc thiếu rượu có thể được hiểu theo một nghĩa tượng trưng về tình trạng của dân Do-thái. Trước hết, thiếu rượu được diễn tả như thể “họ đang trở nên trống rỗng và là nạn nhân của những luật lệ vô nghĩa của nhóm biệt phái”[1]
. Tiếp đến, nước để dùng trong nghi lễ thanh tẩy theo luật cũ tại tiệc cưới Ca-na không còn cần thiết nữa nhưng giờ đây, nó được thay thế bằng rượu mới thượng hạng là chính Chúa Giê-su. Cuối cùng, khung cảnh tiệc cưới là hình ảnh sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và dân Người (x. Is 54,4-8; 62,4-5); hình ảnh bữa tiệc cánh chung của Đấng Mê-si-a; và rượu là hình ảnh quen thuộc của tình yêu Thiên Chúa và loài người (x. Is 25,6-9). Chúa Giê-su cũng đã nói về những giáo huấn của Ngài như rượu mới không thể chứa đựng trong bầu da cũ (x. Mt 9,17). Đây chính là lúc cần phải thay thế rượu cũ bằng một thứ rượu mới hoàn hảo hơn.
b. Đức Ma-ri-a luôn tín thác vào quyền năng Thiên Chúa
Mặc dù trong trình thuật không nói gì đến lý do tại sao thiếu rượu, và dường như người ta cũng thờ ơ về việc đó. Sự thiếu sót trong việc thiếu rượu thuộc trách nhiệm của ông quản tiệc: “Người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu mà không biết từ đâu ra” (Ga 2,9). Tuy nhiên, Đức Ma-ri-a đã nhận ra điều đó. Vai trò của Đức Ma-ri-a lúc này trở nên rất quan trọng, Mẹ đã can thiệp để làm cho tiệc cưới được thêm vui, để cho cô dâu và chú rể không bị bẽ mặt. Cách can thiệp của Đức Ma-ri-a thật nhẹ nhàng thể hiện sự tín thác vào quyền năng Thiên Chúa. Nếu đem so sánh, chúng ta có thể nhận ra hai hình ảnh tương phản: Đức Ma-ri-a đối thoại với Chúa Giê-su (x. Ga 2,3); và lời phàn nàn của ông quản gia với vị tân lang của mình (x. Ga 2,10). Trong khi ông quản tiệc trách cứ tân lang thì lời của Đức Ma-ri-a là một lời “cầu xin”, vừa kín đáo, nhẹ nhàng, vừa thể hiện một niềm cậy trông tín thác. Có thể nói, hình ảnh của Đức Ma-ri-a lúc này thật tuyệt vời, vì Đức Ma-ri-a không đứng ở vị thế của một người Mẹ uy quyền mà ra lệnh và quyết định. Trái lại, Đức Ma-ri-a chỉ gợi ý về hoàn cảnh của gia chủ và để Chúa Giê-su hoàn toàn tự do định liệu. Có lẽ, đó là giờ của Đức Ma-ri-a, giờ Mẹ hiểu rằng đây chính là thời điểm ý Chúa được tôn vinh, và quyền năng Thiên Chúa được tỏ hiện.
Từ giờ phút này, Đức Ma-ri-a được mời gọi vượt lên trên tương quan với Chúa Giê-su như một người Mẹ dẫn dắt con thơ trong tình Mẫu Tử tự nhiên để xuất hiện như người môn đệ. Dù không nói, nhưng cách thức của Đức Ma-ri-a như lời của Gio-an Tẩy giả: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,30).
2. Đức Ma-ri-a, người môn đệ đầu tiên
Chúng ta có thể gọi Đức Ma-ri-a là môn đệ đầu tiên và hoàn hảo của Chúa Giê-su không chỉ do chính lòng tin của Mẹ vào Thiên Chúa mà do Đức Ma-ri-a còn làm cho các môn đệ Chúa Giê-su tin vào Người: “Các môn đệ đã tin vào Người” (Ga 2,11). Thật vậy, ngay từ biến cố truyền tin, Đức Ma-ri-a đã tin rằng những điều Chúa phán với Mẹ sẽ thành hiện thực (x. Lc 1,26-38). Đức Ma-ri-a trở thành môn đệ hoàn hảo của Chúa Giê-su ngang qua sự hiện diện âm thầm và luôn lắng nghe tiếng Chúa.
a. Đức Ma-ri-a luôn hiện diện trong âm thầm
Người môn đệ không phải là người đi trước, nhưng luôn theo sau Thầy mình. Chúng ta có lý do để nói rằng sự hiện diện của Đức Ma-ri-a trong tiệc cưới Ca-na như một vị khách độc đáo và danh dự. Có lẽ ở đây, Đức Ma-ri-a là khách mời chính, còn Chúa Giê-su và các môn đệ cùng tháp tùng Mẹ. Tuy thế, Đức Ma-ri-a đã thể hiện sự khiêm tốn và đúng vai trò của mình khi lui lại đằng sau Chúa Giê-su, để qua Chúa Giê-su, vinh quang của Chúa Cha được tỏ hiện và để giờ của Chúa được khởi sự.
Nói cách khác, trong tiệc cưới Ca-na, Đức Ma-ri-a đã thể hiện tư cách mẫu mực của người môn đệ. Từ đó, Mẹ bắt đầu theo Chúa Giê-su trong hành trình rao giảng của Người. Tuy nhiên, Đức Ma-ri-a hiện diện bên Chúa cách âm thầm và gắn bó. Thực ra, không ai có thể chối bỏ mối tương quan khắng khít giữa Chúa Giê-su và Mẹ Ngài. Chúa Giê-su và Đức Ma-ri-a sát cánh như hình với bóng và điều đó nâng đỡ hành trình rao giảng của Chúa Giê-su và hoàn tất sứ mạng Từ Mẫu Con Thiên Chúa của Mẹ. Thánh Phao-lô nói: “Hãy mặc lấy Chúa Ki-tô” (Rm 13,14). Đức Ma-ri-a đã mặc lấy Chúa Ki-tô ngay từ giây phút Mẹ thưa tiếng “xin vâng” (x. Lc 1,38), và Đức Ma-ri-a vẫn còn mặc lấy Chúa trong suốt quãng đường còn lại của đời Mẹ.
Hơn nữa, chính sự hiện diện tuy âm thầm nhưng khăng khít của Đức Ma-ri-a bên Chúa Giê-su là một mẫu gương cho căn tính Ki-tô hữu của chúng ta. Quả thế, “Đức Ma-ri-a nhắc lại cho chúng ta nguồn gốc và căn tính của chúng ta. Cùng với Đức Ma-ri-a, các Ki-tô hữu đã khởi sự hiện hữu như cộng đoàn của những kẻ tin và những kẻ dõi theo bước Chúa Giê-su. Ngoài ra, Đức Ma-ri-a cũng được ca tụng là thành phần tuyệt hảo, là kiểu mẫu đầu tiên và mẫu gương trổi vượt nhất của đức tin và đức ái”[2]
Tóm lại, hình ảnh Đức Ma-ri-a điềm tĩnh trước lời xem ra từ chối của Chúa Giê-su là một minh chứng rõ ràng cho việc Đức Ma-ri-a lắng nghe lời Chúa trong sự xin vâng và tín thác. Đức Ma-ri-a đã gác lại tư cách làm Mẹ qua một bên để cùng Con Mẹ hướng về mục đích phụng sự sứ mạng của Chúa. Theo A. Vanhoye; “Đức Ma-ri-a hoàn toàn chấp nhận định hướng Chúa Giê-su đã tỏ ra khi Mẹ nói chuyện với Chúa. Đức Ma-ri-a đã từ bỏ cấp độ quan hệ với Con Mẹ trước kia và nhận một cấp độ khác vô cùng tích cực. Ảnh hưởng của Đức Ma-ri-a không còn áp đặt lên Chúa Giê-su nhưng được quy hướng về việc phụng sự Ngài”[3]
b. Đức Ma-ri-a luôn lắng nghe và thực thi Lời Chúa
“Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5), là lời nói cuối cùng của Đức Ma-ri-a trong Phúc âm Gio-an. Lời nói ấy không chỉ cho thấy Đức Ma-ri-a hiểu rõ Con mình, nhưng còn thể hiện một thái độ tin tưởng và vâng phục như người tôi tớ. Thái độ âm thầm, điềm tĩnh của Đức Ma-ri-a không phải là một sự hụt hẫng thụ động, nhưng là một niềm tin đang thúc bách hành động. Đức Ma-ri-a chờ đợi trong tin tưởng, vì thế phép lạ đã xảy ra.
Thật vậy, Chúa Giê-su chỉ rời gia đình khi Ngài ba mươi tuổi. Trong thời gian trước đó, Ngài sống gắn bó với gia đình, với Mẹ Ngài một cách khắng khít. Chắc chắn giữa Mẹ và Con có nhiều niềm vui, nhiều nỗi lo lắng vất vả chia sẻ với nhau. Vì thế, khi Đức Ma-ri-a mở lời với Chúa Giê-su, dù Mẹ không hiểu Chúa sẽ làm gì, thậm chí còn gặp một phản ứng có vẻ như khước từ thẳng thắn của Chúa (2,4), nhưng Đức Ma-ri-a vẫn hoàn toàn tin tưởng và dặn người giúp việc làm theo ý Chúa. Tin tưởng hoàn toàn ngay cả khi không hiểu, xem ra là một sự liều lĩnh, nhưng thực sự cũng là một kinh nghiệm và hiểu biết chín chắn. Đức Ma-ri-a biết Mẹ tin vào ai và kết quả sẽ như thế nào. Lòng tin của Đức Ma-ri-a là một bài học cho chúng ta. Trong đời sống có khi đen tối không lối thoát, nếu chúng ta biết đặt trọn tin tưởng nơi Chúa, dù không biết Chúa sẽ làm gì, nhưng chắc chắn Chúa sẽ thực hiện những điều tốt đẹp nhất cho chúng ta.
Bên cạnh đó, thái độ của Đức Ma-ri-a không chỉ diễn tả một niềm tin tuyệt đối nhưng còn biểu lộ sự vâng phục hoàn toàn ý muốn của Thiên Chúa. Lời nhắn nhủ cuối cùng của Đức Ma-ri-a thật ngắn gọn nhưng là một kinh nghiệm dấn thân cả đời Mẹ. Đức Ma-ri-a đã không ngần ngại ban tặng cho chúng ta bí quyết sống của Mẹ. Hãy vâng nghe lời Chúa thì mọi sự tốt đẹp sẽ xảy ra. Trong thực tế, vâng phục ý Thiên Chúa không phải luôn luôn là một đòi hỏi đáp lại những ý định rõ ràng dễ hiểu, nhưng có khi mọi sự ấy chìm trong bóng đêm của những lo lắng và ngờ vực. Vì thế, sự vâng phục đòi hỏi một niềm tin vững vàng và một tâm hồn bén nhạy để lắng nghe những biến cố trong đời và suy đi nghĩ lại trong lòng. “Đức Ma-ri-a đã lắng nghe và đón nhận sứ điệp của tất cả, và trong lúc phục tùng, Đức Ma-ri-a đã trở nên người tớ nữ của Nước Thiên Chúa”[4]
Tóm lại, với tư cách của người môn đệ theo sát chân Chúa Giê-su, Đức Ma-ri-a đã sống một cuộc đời của người nữ tỳ trung tín luôn lắng nghe và thực thi ý Chúa. Sứ điệp về nước Thiên Chúa là sứ điệp của sự hiệp nhất, yêu thương và phục vụ lẫn nhau. Việc làm cho “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6,10) là kim chỉ nam hướng dẫn mọi suy nghĩ và hành động của Mẹ. Vì thế, đã có lần Đức Ma-ri-a không chỉ được tuyên dương như một người Mẹ diễm phúc nhưng còn được đề cao với tư cách của người môn đệ hoàn hảo luôn trung tín trong việc lắng nghe và thực thi lời Chúa: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là Mẹ tôi” (Mc 3,35).
-----------------------------------