CẢM NGHIỆM SỐNG LC - VIET BUI CMC - CN17TN-C
- Details
- Category: 2. Cảm Nghiệm Sống Lời Chúa
--
Thứ Tư tuần 16 Thường niên năm II (Mt 13,1-9)
Tin mừng: Mt 13, 1-9
1 Ngày ấy, Chúa Giêsu ra khỏi nhà và đi đến ngồi ở ven bờ biển.
2 Dân chúng tụ tập quanh Người đông đảo đến nỗi Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ.
3 Và Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói: “Này đây, có người gieo giống đi gieo lúa.
4 Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim trời bay đến ăn mất.
5 Có hạt rơi xuống trên đá sỏi, chỗ có ít đất, nó liền mọc lên, vì không có nhiều đất. 6 Khi mặt trời mọc lên, bị nắng gắt, và vì không đâm rễ sâu, nên nó khô héo.
7 Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc um tùm, nên nó chết nghẹt.
8 Có hạt rơi xuống đất tốt và sinh hoa kết quả, có hạt được một trăm, có hạt được sáu mươi, hạt ba mươi.
9 Ai có tai để nghe, thì hãy nghe”.
Sứ điệp: Qua dụ ngôn người gieo giống, Chúa Giêsu cho thấy rằng: đời sống của con người phong phú hay cằn cỗi là tùy ở thái độ đón nhận Lời Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, khi hạt lúa chưa gieo xuống thì mảnh đất còn là mảnh đất hoang, nhưng khi gieo lúa xuống thì mảnh đất biến thành ruộng lúa. Chính hạt lúa đã biến mảnh đất thành ruộng và làm cho nó có một giá trị.
Chúa là hạt giống mà Chúa Cha gieo vào lòng con, con đã đón nhận Chúa và nhờ đó con đã trở nên con Thiên Chúa. Sự hiện diện sống động của Chúa trong con đã hoàn toàn biến đổi con người con, làm cho con có một giá trị mới, một ơn gọi mới, một cuộc sống mới. Một khi đã đón nhận Chúa, tâm hồn con không thể trở về tình trạng đất hoang nữa, mà chỉ còn có thể là mảnh ruộng tốt hay xấu mà thôi. Con trở nên tốt hay xấu không phải tại Chúa, nhưng là do con, tùy con đón nhận Chúa như thế nào, tùy con có sống phù hợp với giáo huấn của Chúa hay không.
Lạy Chúa, con xác tín rằng nhờ ơn Chúa, con đã có một cuộc sống mới, một cuộc sống có giá trị và phong phú. Xin cho con biết cố gắng tận lực phát huy ơn Chúa nơi con, vì đó mới chính là mục đích của đời sống con.
Sống ở trên đời này, con người đã đặt ra cho mình nhiều mục đích: đạt đến đỉnh cao danh vọng, bằng mọi cách tích lũy của cải để được giàu sang, làm sao để lưu danh thơm tiếng tốt lại cho đời… Phần con, Chúa đã cho con sống theo một hướng khác hẳn: đó là làm cho sức sống của Chúa không ngừng lớn lên trong con. Và con có bổn phận phải dọn sạch những gai góc sỏi đá và tội lỗi có nguy cơ bóp chết ơn Chúa. Xin Chúa giúp con. Amen.
Thứ Ba tuần 16 Thường niên năm II - Thực hành lời Chúa (Mt 12,46-50)
Tin mừng: Mt 12, 46-50
46 Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người.
47 Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy”.
48 Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” 49 Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.
50 Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”.
Sứ điệp: Chúa Giêsu thiết lập Hội Thánh là Dân riêng mới. Dân riêng mới được quy tụ không theo tiêu chuẩn huyết thống, nhưng theo tiêu chuẩn tin và thi hành ý muốn Chúa Cha.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, dân riêng thời Cựu ước bao gồm những con cháu của gia đình tổ phụ Gia-cóp. Họ liên kết với nhau nhờ tình máu huyết. Còn Chúa, Chúa quy tụ dân riêng của Chúa theo một tiêu chuẩn khác. Ai sống theo thánh ý Chúa Cha, người đó trở nên dân riêng, trở nên người thân của Chúa. Nhờ đó, tất cả mọi người đều có cơ hội trở nên con cái trong đại gia đình Chúa thiết lập.
Thoáng nghe Tin Mừng hôm nay, con có cảm tưởng dường như Chúa lạnh lùng với thân bằng quyến thuộc. Nhưng suy gẫm thêm, con mới hiểu rằng: tình máu mủ dù có thắm thiết đến đâu cũng không thể chặt chẽ bằng mối tình thiêng liêng được liên kết bằng tình yêu Chúa. Chúa không dạy con bỏ tình ruột thịt, nhưng dạy con biết cùng nhau sống thánh ý Chúa Cha để mọi mối tình nhân loại được vững bền và có giá trị cao cả.
Các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai là tấm gương quý báu cho con. Họ đã trở nên anh chị em vì cùng tin và cùng sống Tin Mừng của Chúa. Họ đã góp tất cả của cải để chia đều cho nhau. Chúng con là anh chị em ruột thịt cũng không thể làm được như vậy.
Lạy Chúa, xin cho con nhận ra ý nghĩa cao cả của Bí tích Rửa Tội, vì nhờ đó, con được dẫn vào mối liên hệ thân thích mới. Nhưng nhất là xin Chúa giúp con sống bí tích Rửa Tội, thực thi Thánh Ý Chúa trong cuộc sống, để nhờ đó con được thực sự trở nên con cái Thiên Chúa và là anh chị em với nhau. Amen.
NÀY ĐÂY CON ĐẾN
“Ai thi hành ý muốn của Cha Tôi, người ấy là anh em, chị em và là mẹ Tôi!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa hôm nay đặt ra câu hỏi, đâu là mục đích cuộc sống của tôi? Thiên Chúa tạo nên chúng ta để mỗi người nhận biết, yêu thương và phục vụ Ngài trong thế giới này, hầu sống hạnh phúc đời đời với Ngài. Chúa Giêsu là kiểu mẫu trong việc làm theo ý Cha; vì thế, ai sống tinh thần ‘Này đây con đến’ của Chúa Giêsu, người ấy trở nên “anh em, chị em và là mẹ” của Ngài!
Bước vào trần gian, Chúa Giêsu nói, “Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưa, nhưng đã tạo cho con một thân xác, thì này đây con đến để thực thi ý Ngài!”. Từ đó, tinh thần ‘Này đây con đến’ của Chúa Giêsu được toả lan qua tất cả những ai bước theo Ngài. Lạ lùng thay, nhưng cũng tuyệt vời thay, người môn đệ đầu tiên sống tinh thần ấy lại là Maria, Mẹ Ngài. Với lời “Xin vâng”, Mẹ đã thật sự bước vào gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì thế, khi nói, “Ai là mẹ Tôi và ai là anh em Tôi?”, Chúa Giêsu không hề thiếu tôn trọng Mẹ và các anh em Ngài; đúng hơn, Ngài công nhận Mẹ Ngài, một công nhận lớn nhất; vì lẽ, bản thân Maria là người môn đệ hoàn hảo vâng theo ý muốn Thiên Chúa cách toàn bích. Cuộc sống của Mẹ là một lời thưa, ‘Này đây con đến!’.
Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo viết, “Thiên Chúa ‘say mê’ con người; vì tình yêu, Ngài đã dựng nên nó; vì tình yêu, Ngài cho nó hiện hữu, hầu nó hưởng nếm sự tốt lành vĩnh cửu của Ngài”. Để trợ giúp chúng ta, Thiên Chúa ban Con của Ngài để chúng ta học hỏi và dõi theo, hầu có thể hoàn thành mục đích đời mình là “nhận biết, yêu thương và phục vụ Ngài trong thế giới này”. Đây là lý do tại sao chúng ta đi theo Chúa Giêsu, lắng nghe Ngài; nhờ đó, có thể hoàn thành mục đích đời mình. Và như vậy, chúng ta ‘là gì’ và chúng ta ‘làm gì’ là hai mặt của một đồng tiền! Nên giống Chúa Giêsu, sống ý lực ‘Này đây con đến’ của Ngài để chu toàn thánh ý Chúa Cha, chúng ta là người thân của Chúa Giêsu vậy!
Không chỉ được tạo dựng, chúng ta còn được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi bằng chính bửu huyết của Chúa Giêsu. Bài đọc Mikha hôm nay nói, “Mọi tội lỗi của chúng ta, Chúa ném xuống đáy biển”; Phaolô thì nói, “Vì những ai Ngài đã biết từ trước, thì Ngài đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài, để Con của Ngài làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc”. Qua Chúa Giêsu, tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta thể hiện một cách trọn vẹn. Thánh Vịnh đáp ca là một lời cầu nguyện sâu sắc, “Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa!”. Để đáp lại tình yêu đó, bắt chước Chúa Giêsu, chúng ta thưa lên, ‘Này đây con đến’; và như Ngài, làm theo ý muốn Chúa Cha, chúng ta trở nên người nhà của Ngài.
Ngày kia tôi đến thăm một gia đình. Người vợ làm công việc rửa chén cho các quán ăn; ngoài giờ làm việc, cô rảo qua các làng thu gom ve chai, nhôm nhựa. Cô tần tảo nuôi sống gia đình có đến 5 miệng ăn; điều đáng nói là trong đó, người chồng bị HIV liệt giường và con trai khoảng 15 tuổi nghiện ngập. Tôi thật sự xót xa cho số phận của bà mẹ trẻ. Thế mà, sau vài câu chào thưa, ngạc nhiên thay, cô hỏi tôi, “Con nên làm gì cho đẹp lòng Chúa?”. Tôi nghẹn ngào!
Anh Chị em,
“Con nên làm gì cho đẹp lòng Chúa?”. Câu hỏi của người mẹ trẻ tiết lộ cho chúng ta rằng, thì ra, thực thi ý muốn của Chúa Cha, không phải và cũng không chỉ là làm những gì to tát; nhưng còn là vui lòng đón nhận bổn phận hiện tại của mình; ôm lấy thánh giá đời mình với niềm tin yêu, phó thác và luôn làm đẹp lòng Chúa trong mọi hoàn cảnh. Chúa Giêsu đã sống triệt để ý lực sống ‘Này đây con đến’ của Ngài, Ngài sống nó cho đến chết. Và cả chúng ta, nếu sống được tinh thần của Ngài, chắc chắn chúng ta là “anh em, chị em và là mẹ” của Chúa Giêsu!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, thưa lên ‘Này đây con đến’ xem ra thật dễ; nhưng chu toàn phần hai của nó, khó hơn bội phần! Xin ban cho con một lòng quảng đại như người môn đệ đầu tiên, Maria!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
Kính chuyển:
Hồn
BẮT ĐẦU BỞI MỘT ƯỚC MUỐN THAY ĐỔI BÊN TRONG
“Chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ!”.
C. S. Lewis nói, “Tình yêu là sự hiệp nhất sâu sắc, được duy trì bởi ý chí, được củng cố bởi các thói quen tốt, được nuôi dưỡng bởi ân sủng; nhưng trên hết, nó phải được ‘bắt đầu bởi một ước muốn thay đổi bên trong!’. Từ đó, bạn mới có khả năng nhìn mọi sự với đôi mắt trẻ thơ!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Tình yêu phải được ‘bắt đầu bởi một ước muốn thay đổi bên trong!’”; Lời Chúa hôm nay cho thấy điều C. S. Lewis nói thật chí lý! Trong tình yêu đối với Thiên Chúa, thay vì đưa ra những đòi hỏi đối với Ngài, chúng ta sẽ đưa ra những đòi hỏi đối với chính mình! Đòi hỏi trước nhất, quan trọng nhất là đòi hỏi thay đổi một thái độ, một cách nhìn, vốn cho phép mỗi người lớn lên trong khiêm nhường, trưởng thành trong tin yêu và tiến nhanh trên đường nên thánh.
Mặc dù đã chứng kiến bao việc kỳ vĩ Chúa Giêsu làm, các kinh sư biệt phái vẫn đòi Ngài làm thêm một dấu lạ. Mối quan hệ của họ với Ngài là mối quan hệ một chiều; họ muốn kéo một Thiên Chúa xuống ‘ngang tầm’ một ông bụt! Một khi họ yêu cầu, ‘Ông Bụt’ đáp ứng thoả đáng; nhờ đó, ‘Ông Bụt’ sẽ ăn mày được sự tôn trọng mà họ bố thí! Chúa Giêsu không phải là một ông bụt, Ngài là Thiên Chúa! Thật đáng tiếc, các kinh sư biệt phái đã đóng cửa trái tim họ đối với Chúa Giêsu từ trước; chính lòng kiêu hãnh của họ đã dẫn họ đến những yêu cầu bất khả thi đối với người khác. Với Chúa Giêsu, lòng kiêu hãnh đó không bao giờ được thoả mãn; vì Ngài biết, tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu đối với sự thật, không có chỗ trong trái tim họ! Và đích thị, lòng kiêu hãnh nơi họ là nguyên nhân của mọi chia rẽ, oán hận và đắng cay; đang khi mọi sự phải được ‘bắt đầu bởi một ước muốn thay đổi bên trong!’.
Và này, câu trả lời của Chúa Giêsu vẫn không nằm ngoài ý muốn thay đổi bên trong tâm hồn những con người kiêu căng này. Ngài cho biết, như Giôna đã ở trong bụng kình ngư ba đêm ngày thế nào; rồi đây, Ngài cũng sẽ ở trong lòng đất ba đêm ngày như vậy. Nghe lời Giôna, Ninivê đã thay đổi; nghe lời Ngài, họ cũng phải thay đổi! Thế nhưng, lòng họ vẫn trơ lỳ, và Chúa Giêsu quyết định không giấu giếm họ một điều nào nữa, Ngài nói, “Ở đây, còn có Đấng cao trọng hơn Giôna!”. Ninivê đã nhận ra sứ điệp Giôna mang đến, họ đã ‘bắt đầu bởi một ước muốn thay đổi bên trong’; nhờ đó, họ được giao hoà với Thiên Chúa, gặp được lòng thương xót của Ngài. Giới kinh sư, biệt phái thì không; họ từ chối Chúa Giêsu và sứ điệp Ngài mang đến; họ không bao giờ hiệp nhất với Thiên Chúa trong tình yêu, chẳng được nuôi dưỡng bởi ân sủng.
Cũng một tâm tình, sách Mikha hôm nay nói, Thiên Chúa không đòi hỏi gì khác, ngoài một việc là Israel phải hạ mình trước mặt Ngài, ‘bắt đầu bởi một ước muốn thay đổi bên trong’, “Người hỡi, Ta sẽ chỉ cho ngươi việc phải làm, và việc nào Chúa đòi hỏi nơi ngươi: tức là hãy thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa, và khiêm tốn bước theo Thiên Chúa ngươi”. Thánh Vịnh đáp ca cũng gợi lên đòi hỏi đó, “Ai sống đời hoàn hảo, Ta cho hưởng ơn cứu độ Chúa Trời!”.
Anh Chị em,
“Chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ!”. Đòi hỏi của giới kinh sư, biệt phái phần nào nói lên thái độ của chúng ta. Lắm khi chúng ta chạy tìm khấn vái hết Đức Mẹ ở nơi này, đến Đức Mẹ nơi khác. Hành động này chẳng khác nào chúng ta buộc Thiên Chúa làm phép lạ đó sao? Và như thế, vô tình chúng ta thử thách Thiên Chúa và quyền năng của Ngài. Đang khi Thiên Chúa là tình yêu, Ngài thấu hiểu con cái! Chính khi chúng ta cầu nguyện, nhỏ to, tỉ tê, chia sẻ buồn vui cùng những khắc khoải âu lo với Ngài lại là lúc Thiên Chúa vui lòng nhất; qua đó, mối thân tình của chúng ta đối với Ngài ngày càng bền bỉ. Chính qua sự gần gũi này, chúng ta mới nghe được điều Thiên Chúa muốn và nhận ra kế hoạch yêu thương của Ngài. Như thế, ‘bắt đầu bởi một ước muốn thay đổi bên trong’, chúng ta sẽ nhận ra sự khôn ngoan tuyệt vời trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa trên chính mình, và đó là phép lạ đáng ao ước nhất!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin giúp con ‘bắt đầu bởi một ước muốn thay đổi bên trong’; nhờ đó, con lớn lên trong khiêm nhường, trưởng thành trong tin yêu và tiến nhanh trên đường nên thánh!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
Kính chuyển:
Hồng