2. Cảm Nghiệm Sống Lời Chúa

CẢM NGHIỆM SONG LỜI CHÚA - CAC THÁNH ANH HÀI

Hài Nhi chết vì Chúa.

28/12 – Thứ Sáu – Ngày thứ tư trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh – Thánh Anh Hài tử đạo. Lễ kính.

"Hêrôđê giết hết các con trẻ ở Bêlem".

 

Ít là từ thế kỷ thứ 6, Hội Thánh mừng kính các thánh anh hài trong mùa giáng sinh. Các thánh trẻ, bị vua Hêrôđê giết, đã trở thành hoa quả đầu mùa của những kẻ được cứu chuộc.

 

LỜI CHÚA: Mt 2, 13-18

Khi các đạo sĩ ra đi, thiên thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong lúc ngủ và bảo ông: "Hãy thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì Hêrođê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người". Ông thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Ai-cập đang lúc ban đêm. Ông ở lại đó cho tới khi Hêrođê băng hà, hầu làm trọn điều Chúa dùng miệng tiên tri mà phán rằng: "Ta gọi con Ta ra khỏi Ai-cập".

Bấy giờ Hêrođê thấy mình bị các đạo sĩ đánh lừa, nên nổi cơn thịnh nộ và sai quân đi giết tất cả con trẻ ở Bêlem và vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo thời gian vua đã cặn kẽ hỏi các đạo sĩ. Thế là ứng nghiệm lời tiên tri Giêrêmia đã nói: Tại Rama, người ta nghe tiếng khóc than nức nở, đó là tiếng bà Rakhel than khóc con mình, bà không chịu cho người ta an ủi bà, vì các con bà không còn nữa.

 

 

Suy Niệm : Tàn sát các hài nhi

Lễ Giáng sinh trước tiên là lễ của Nhi đồng. Như Đức Gioan Phaolô II đã viết trong thư gửi các thiếu nhi trên thế giới nhân năm quốc tế gia đình: “Những gì đã xảy ra cho Hài nhi Giêsu ở Belem cũng xảy ra cho các trẻ em trên khắp thế giới.

Có biết bao trẻ em đang là nạn nhân của đói khổ, của chiến tranh, đang bị cha mẹ bỏ rơi, đang sống cảnh màn trời chiếu đất, đang đau khổ vì biết bao hình thức bạo động và gây hấn của người lớn”.

Để có một vài con số cụ thể, chúng ta chỉ cần lắng nghe báo cáo của tổ chức Nhi đồng quốc tế (UNICEF) về tình trạng trẻ em trên thế giới năm 1995 như sau: “Trong những thập niên cuối của thế kỷ 20 đang có khoảng 2 triệu trẻ em chết vì chiến tranh, từ 4 đến 5 triệu tật nguyền, hơn 5 triệu sống trong các trại tị nạn, trên 12 triệu sống cảnh không nhà không cửa”. Bản báo cáo ước tính cần phải có ít nhất 34 tỉ Mỹ kim mới có thể đảm bảo các nhu cầu về dinh dưỡng, sức khoẻ, giáo dục cho các trẻ em trên khắp thế giới.

Vài con số trên đây đặt chúng ta trước một trong những thảm trạng của thời đại, đó là sự chà đạp hay chối bỏ quyền của trẻ em. Qui ước của Liên hiệp quốc về quyền của trẻ em đã được 167 quốc gia ký tên chuẩn nhận, thế nhưng trong thực tế bao khốn khổ mà trẻ em tại những nước nghèo đang trải qua lại là một chối bỏ quyền của trẻ em. Thảm trạng đã xảy ra cho trẻ em Do thái thời Chúa Giêsu sinh ra, ngày nay cũng đang tiếp diễn trên khắp thế giới. Vấn đề trẻ em là một vấn đề chiến lược của thế giới, vấn đề trẻ em là vấn đè chính sách của quốc gia, những nhà lãnh đạo thế giới và những nhà cầm quyền trong một quốc gia phải chịu trách nhiệm trước nhân loại và dân tộc mình về thảm trạng của các thiếu nhi.

Tuy nhiên, chính những người Kitô hữu cũng cần phải ý thức rằng với tư cách là cha mẹ, là anh chị, là người thân trong gia đình, tất cả chúng ta đều là những người trước tiên có trách nhiệm đối với con em chúng ta. Thánh Giuse và Đức Maria đã lặn lội đưa Hài nhi trốn sang Ai cập, đó là điển hình của những bậc cha mẹ có trách nhiệm đối với sự sống còn của con cái. Sống cho con cái, giáo dục chúng nên người, đó là trách nhiệm hàng đầu của bậc cha mẹ.

 

Nguyện xin Hài nhi Giêsu mà chúng ta chiêm ngắm trong máng cỏ soi sáng hướng dẫn chúng ta trong trọng trách dưỡng dục con cái. Xin Ngài đánh động chúng ta trước thảm cảnh của biết bao trẻ em đang lâm cảnh khốn khổ chung quanh chúng ta và ban cho chúng ta tấm lòng quảng đại để góp phần xoa dịu thương đau của dân tộc mà chính các thiếu nhi phải gánh chịu.

CẢM NGHIỆM SỐNG LỜI CHÚA- MẸ CHÚA CỨU THẾ

CẢM NGHIỆM SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA - CN4MV-C

HỌC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - THỨ HAI 24-12-2018

24/12

 

HỌC HỎI-CẢM NGHIỆM SỐNG VÀ CHIA SẺ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: 2 Sm 7, 1-5. 8b-12. 16

"Vương quốc Ðavít sẽ tồn tại trước mặt Chúa đến muôn đời".

Trích sách Samuel quyển thứ hai.

Khi ấy vua Ðavít ngự trong đền và khi Chúa cho ông được bằng yên tư bề, khỏi mọi quân thù chung quanh, thì vua nói với tiên tri Nathan rằng: "Ông thấy không? Ta ở trong nhà làm bằng gỗ bá hương, còn hòm bia Chúa thì để ở trong lều bằng da ư?" Nathan trả lời với vua rằng: "Ðiều gì vua nghĩ trong lòng, vua hãy đi thực hiện, vì Chúa ở với vua".

Nhưng xảy ra (là) đêm ấy có lời Chúa phán cùng Nathan rằng: "Hãy đi nói với Ðavít tôi tớ Ta rằng: "Chúa phán thế này: Có phải ngươi sẽ xây cất cho Ta một ngôi nhà để ở chăng?" Ta đã đem ngươi ra khỏi đồi cỏ lúc ngươi còn theo sau đoàn chiên, để ngươi trở nên thủ lãnh Israel dân Ta, và Ta đã ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi; Ta đã tiêu diệt mọi quân thù trước mặt ngươi. Và Ta sẽ làm cho danh ngươi nên cao trọng, như danh các bậc vĩ nhân trên mặt đất. Ta sẽ đặt chỉ một nơi cho Israel dân ta, và Ta sẽ vun trồng nó tại đó. Nó sẽ ở đó và sẽ không còn bị quấy rối nữa. Con cái sự dữ sẽ không còn đến đàn áp nó như xưa nữa, như ngày Ta thiết lập các vị Thẩm phán trên Israel dân Ta. Ta sẽ cho ngươi được bằng yên khỏi mọi quân thù. Và Chúa phán trước cho ngươi biết là Chúa sẽ tạo lập cho ngươi một nhà. Nhà của ngươi và triều đại ngươi sẽ vững chắc đến muôn đời trước mặt Ta; ngôi báu ngươi sẽ vững bền mãi mãi".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 88, 2-3. 4-5. 27 và 29

Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời (x. c. 2a).

Xướng: 1) Tôi sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời, qua mọi thế hệ miệng tôi loan truyền lòng trung thành Chúa, vì Ngài đã phán: "Tình thương của Ta đứng vững muôn đời"; trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín. - Ðáp.

2) Ta đã ký minh ước cùng người Ta tuyển lựa, Ta đã thề cùng Ðavít là tôi tớ của Ta rằng: "Cho tới muôn đời Ta bảo tồn miêu duệ của ngươi, và Ta thiết lập ngai báu ngươi qua muôn thế hệ". - Ðáp.

3) Chính người sẽ thưa cùng Ta: "Chúa là Cha con, là Thiên Chúa và Ðá Tảng cứu độ của con". Ðời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái, và lời ước Ta ký với người sẽ được mãi mãi duy trì. - Ðáp.

 

Alleluia:

Alleluia, alleluia! - Lạy Ðức Thượng Trí của Ðấng Tối Cao, Ngài an bài mọi sự cách mạnh mẽ và dịu dàng, xin hãy đến dạy dỗ chúng con con đường khôn ngoan. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 1, 67-79

"Vầng đông từ cao thẳm tới viếng thăm chúng ta".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Giacaria, cha của Gioan, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng: "Chúc tụng Ðức Chúa là Thiên Chúa Israel, Người đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người. Từ dòng dõi trung thần Ðavít, Người đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế? để giúp ta, như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ mà phán hứa tự ngàn xưa: Sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét; sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên, và nhớ lại lời xưa giao ước Chúa đã thề với tổ phụ Abraham: rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù, và cho ta chẳng còn sợ hãi, để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người mà phụng thờ Người suốt cả đời ta.

"Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Ðấng Tối Cao: Con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ, là tha cho họ hết mọi tội khiên. Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Ðông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối, và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an".

Ðó là lời Chúa.

 

 

Suy niệm


Hôm nay, ngày 24/12 trong Tuần Bát Nhật ngay trước Đại Lễ Giáng Sinh, Bài Phúc Âm của 
Thánh ký Luca ghi lại Ca Vịnh Chúc Tụng Benedictus của vị tư tế thân phụ của bé Gioan, ngay trong biến cố bé được cắt bì và đặt tên, như được cùng vị Thánh ký này đề cập đến trong bài Phúc Âm hôm qua.

 

Qua bài Ca Vịnh Chúc Tụng Benedictus này, tư tế Zacaria ở đây có thể nói là vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước, vì ông nói tiên tri chẳng những về Đấng Thiên Sai Cứu Tinh mà còn nói tiên tri về chính người con trai mới được cắt bì và đặt tên cho là Gioan. Nguyên văn Ca Vịnh mà "Giacaria, cha của Gioan, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri" như sau:

 

"Chúc tụng Ðức Chúa là Thiên Chúa Israel, Người đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người. Từ dòng dõi trung thần Ðavít, Người đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta, như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ mà phán hứa tự ngàn xưa: Sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét; sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên, và nhớ lại lời xưa giao ước Chúa đã thề với tổ phụ Abraham: rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù, và cho ta chẳng còn sợ hãi, để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người mà phụng thờ Người suốt cả đời ta. Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Ðấng Tối Cao: Con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ, là tha cho họ hết mọi tội khiên. Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Ðông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối, và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an".

 

 

Nghe Bài Ca Vịnh Chúc Tụng này của tư tế Giacaria, ở phần đầu, chúng ta thấy như văng vẳng Ca Vịnh Ngợi Khen của Mẹ Maria, ở chi tiết về Lòng Thương Xót Chúa: "Chúa săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi Người đến muôn đời!" (Ca Vịnh Ngợi Khen) - "Chúc tụng Ðức Chúa là Thiên Chúa Israel, Người đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người... trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên, và nhớ lại lời xưa giao ước Chúa đã thề với tổ phụ Abraham" (Ca Vịnh Chúc Tụng). Có thể nói Ca Vịnh Chúc Tụng là ca vịnh tiếp theo Ca Vịnh Ngợi Khen và khai triển thêm Ca Vịnh Ngi Khen của Mẹ Maria, bằng cách cho thấy rõ hơn Lòng Thương Xót Chúa đối với dân của Ngài là ở chỗ: "Từ dòng dõi trung thần Ðavít, Người đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta... để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người mà phụng thờ Người suốt cả đời ta". 

 

 

Sở dĩ tư tế "Giacaria, cha của Gioan, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri" như thế, một con người khi được Tổng Thần Gabiên truyền tin cho ông biết rằng con trai của ông sẽ được hạ sinh thì ông không tin, nay lại "được đầy Thánh Thần" đến độ "liền nói tiên tri" là vì ông được tham hưởng Thánh Thần từ người con trai của ông, như chính vợ của ông đã được tham hưởng khi thai nhi Gioan nhẩy mừng trong lòng bà khiến bà cũng đã "được đầy Thánh Linh" và cất tiếng chúc tụng Mẹ Maria.

 

 

Tuy nhiên, cha mẹ của thai nhi và hài nhi tiền hô Gioan không thể nào "được đầy Thánh Linh" như vậy, nếu không có sự hiện diện của Lời Nhập Thể trong cung lòng trinh nguyên của Mẹ Maria, qua việc Mẹ đến viếng thăm ông bà, một biến cố và một sự hiện diện thần linh khiến cho cả gia đình của ông, từ thai nhi đến thai mẫu, từ hài nhi đến thân phụ. Đó là lý do ngay câu đầu tiên của bài Phúc Âm về biến cố thăm viếng của Mẹ Maria, Thánh ký Luca đã ghi nhận sự kiện Mẹ Maria "vào nhà ông Giacaria và chào bà Isave". Mẹ Maria "vào nhà ông Giacaria". Đấy, chính lúc Mẹ Maria "vào nhà ông Giacaria" là lúc gia đình ông bắt đầu có sự hiện diện thần linh của Lời Nhập Thể, và qua tác động đầu tiên của Mẹ Maria là lời Mẹ chào bà Isave mà Thánh Thần từ Lời Nhập Thể trong cung dạ Mẹ đã được thông ban cho thai nhi tiền hô Gioan.

 

 

 

Trong Bài Ca Vịnh Chúc Tụng Benedictus này của tư tế Zacaria thân phụ của bé Gioan là Vị Tiền Hô tương lai của Đấng Thiên Sai Cứu Thế, được Giáo Hội cố ý chọn đọc cho ngày 24/12 ngay trước Đại Lễ Giáng Sinh hôm nay, bao gồm 2 phần rõ ràng: phần đầu về chính "Ðức Chúa là Thiên Chúa Israel", và phần sau về vị "ngôn sứ của Ðấng Tối Cao" là chính Gioan con của ông. 

 

Trước hết, về chính "Ðức Chúa là Thiên Chúa Israel", tư tế Zacaria đã "chúc tụng" Ngài, vì Ngài là Vị Thiên Chúa cứu độ, Đấng "đã viếng thăm và cứu chuộc dân Ngài", bằng chính việc "vào thời điểm viên trọn" (Galata 4:4) cuối cùng "Ngài đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế từ dòng dõi trung thần Ðavít", hoàn toàn ứng nghiệm với tất cả những gì "Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ mà phán hứa tự ngàn xưa", bất chấp dân của Ngài có thất trung bội tín với Ngài, chỉ vì Ngài là Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của họ, ở chỗ, trong suốt giòng lịch sử cứu độ của họ, Ngài đã liên tục tỏ ra "trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên, và nhớ lại lời xưa giao ước Chúa đã thề với tổ phụ Abraham". 

 

Nghĩa là Thiên Chúa cứu độ dân của Ngài, một dân tộc trong tất cả mọi dân tộc được Ngài nhưng không tuyển chọn và tỏ mình ra cho, là vì chính Ngài thương họ, hơn là họ đáng công, trái lại, còn đáng tận diệt nữa, và vì họ là một dân tộc càng phản bội thất trung bội tín với Ngài lại càng đáng thương và càng cần Ngài cứu độ để chứng thực Ngài là Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của họ và là vị Thiên Chúa vô cùng yêu thương nhân hậu, đúng như cảm nhận của vị tư tế xướng lên Ca Vịnh Chúc Tụng Benedictus này: "Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn".

 

Sau nữa, về vị "ngôn sứ của Ðấng Tối Cao" là chính "hài nhi" Gioan con của ông, ông đã nói tiên tri rằng "Con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ, là tha cho họ hết mọi tội khiên". Và thực sự bé Gioan này đã hoàn thành sứ mệnh của mình, chẳng những bằng chính lời kêu gọi của ngài nhắn gửi chung dân Do Thái: "Hãy hoán cải cuộc sống! Nước Thiên Chúa đã gần" (Mathêu 3:2), mà còn bằng chính phép rửa thống hối của ngài nữa, một phép rửa tiên báo cho Cuộc Vượt Qua của Đấng Thiên Sai Cứu Thế để là Đấng đến sau ngài nhưng cao trọng hơn ngài, Đấng đến làm phép rửa "bằng Thánh Thần" (Gioan 1:33), để "tha cho họ hết mọi tội khiên", Đấng xuất hiện như "Vầng Ðông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối, và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an".

 

Bài Đọc 1 hôm nay cũng chất chứa những lời Thiên Chúa tiên báo về chính Đấng Thiên Sai của Ngài sẽ được sai đến và xuất phát từ giòng dõi vuơng gia Đavít, một Đấng Thiên Sai sẽ cai trị bất diệt với một triều đại vô cùng bất tận, như đã được chính Sứ Thần Gabiên tái xác định với Trinh Nữ Nazarét Maria trong biến cố truyền tin (xem Luca 1:32-33), những lời đã được chính Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất phán qua tiên tri Nathan về ý định Vua Đavít muốn xây một ngôi nhà đàng hoàng cho hòm bia của Ngài rằng: "Chúa sẽ tạo lập cho ngươi một nhà. Nhà của ngươi và triều đại ngươi sẽ vững chắc đến muôn đời trước mặt Ta; ngôi báu ngươi sẽ vững bền mãi mãi".

 

Bài Đáp Ca hôm nay là lời "ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời", Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của riêng dân Do Thái cũng là Vị Thiên Cúa cứu độ của chung nhân loại, nơi Đấng Thiên Sai Con Ngài, Đấng sẽ thiết lập vương quốc yêu thương của Ngài giữa muôn dân bền vững đến vô cùng bất tận: 

 

1) Tôi sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời, qua mọi thế hệ miệng tôi loan truyền lòng trung thành Chúa, vì Ngài đã phán: "Tình thương của Ta đứng vững muôn đời"; trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín. 

 

2) Ta đã ký minh ước cùng người Ta tuyển lựa, Ta đã thề cùng Ðavít là tôi tớ của Ta rằng: "Cho tới muôn đời Ta bảo tồn miêu duệ của ngươi, và Ta thiết lập ngai báu ngươi qua muôn thế hệ". 

 

3) Chính người sẽ thưa cùng Ta: "Chúa là Cha con, là Thiên Chúa và Ðá Tảng cứu độ của con". Ðời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái, và lời ước Ta ký với người sẽ được mãi mãi duy trì.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên 

 

Ngay.24-12.mp3

 

  

 

CẢM NGHIỆM SỐNG LỜI CHÚA- THỨ NĂM CN3MV -C

THỨ NĂM TUẦN III MÙA VỌNG C

NGÀY 20/12/2018

 

Tin mừng Lc 1: 26-38
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 1: 26-38)

Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà". Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: "Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận". Bà Maria thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!" Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được." Bấy giờ bà Maria nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói". Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

CẢM NGHIỆM SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA

Đứng trước lời truyền tin của thiên sứ, Maria cũng không khỏi thắc mắc: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào?”. Thắc mắc này cũng không khác gì của Nicôđêmô khi được Chúa cho biết về việc “tái sinh”; cũng không khác gì của thiếu phụ ở Samaria khi nghe về “nước hằng sống”.
Ở tuổi này, Maria đủ để hiểu biết rằng thụ thai mà không do sự can thiệp của nam nhân là việc không thể được. Nhưng thiên sứ trấn an, giải thích và quả quyết bằng chân lý “Không gì mà Thiên Chúa không làm được”, chân lý được quả quyết này làm cho lòng tin của Maria thêm vững mạnh và chính lòng tin đó dẫn Maria đến chỗ thưa lời “xin vâng” đối với kế hoạch của Thiên Chúa.

Điều đó có nghĩa là lời xin vâng bao hàm cả một sự tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của Thiên Chúa. Sự kiện Chúa Giêsu đầu thai nơi Đức Maria là hiệu quả và biểu hiện, trên bình diện sinh học, của một động tác đức tin có một không hai trong lịch sử, nhờ đó Đức Maria đã hoàn toàn đón nhận Ngôi Lời duy nhất và hằng hữu của Thiên Chúa Cha.

Gương sáng của Đức Maria là tấm lòng đơn thành nhận lấy sứ mạng cưu mang Chúa Cứu Thế và thực hiện sứ mạng đó một cách trọn vẹn.

Ngày nay, Chúa vẫn cần đến những người theo Chúa với tấm lòng đơn thành và sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng Chúa giao phó. Bạn có thể là một trong những người ấy. Có lẽ bạn cũng thắc mắc như Maria, như thiếu phụ Samaria, như ông Nicôđêmô, đó là “làm sao chuyện ấy xảy ra được?”. Bạn hãy nghe lời thiên sứ nói: “Không việc gì mà Thiên Chúa không làm được”.

Trong mùa kỷ niệm năm nay, bạn hãy nhớ kỹ câu chân lý ấy. Chúa đã vào đời làm người để cứu nhân loại, đem đến cho con người ơn tái sinh, để hưởng sự sống vĩnh cửu. Những chuyện ấy bạn còn thắc mắc không? Nếu không, một trách nhiệm mới sẽ được ủy thác cho bạn trong dịp kỷ niệm này. Đó là bạn sẽ phải làm cho những người nguội lạnh trong gia đình bạn ý thức và hiểu biết sâu sắc về mầu nhiệm nhập thể của con Thiên Chúa và sống mầu nhiệm ấy một cách trọn tình. 

Bạn hãy lấy lòng đơn thành nhận lấy và làm đi! 

Lạy Chúa, chúng con tin Chúa với cả tấm lòng đơn thành. Xin cho chúng con thấy rõ điều Chúa muốn chúng con làm và xin giúp chúng con làm trọn điều ấy với lòng khiêm nhường như một tôi tớ hèn mọn trước mặt Ngài. Amen. 

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường