1. Hôn Nhân & Gia Đình

Lạy Chúa xin cứu con – Chương 6: Ông ấy nói với em: “Mày chịu hay là chết”

Sáng nay, thằng bé gầy đét ấy đã nói với tôi:

“Ông ấy cố nhét 500 đô la vào túi áo của em…

“Thưa Soeur, đó là điều khó khăn nhất đối với em. Em rất muốn lấy số tiền ấy, nhưng em không thể. Em biết mình không thể.”

Thằng bé lắc đầu chầm chầm và kể tiếp:

“Thực ra, em có thể đã được món tiền ấy. Em rất cần, rất cần.”

Paul nhìn vào tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi, lo lắng, sợ hãi và không biết tôi sẽ phản ứng như thế nào.

Cách đây một tháng, Paul cũng đã đến với chúng tôi. Đó là một đứa trẻ đã cùng đường, tìm đến cơ hội cuối cùng để sống còn.

Những gì Paul cảm thấy trong lòng rõ ràng là đau đớn, não nề và thê thảm hơn so với hầu hết những đứa trẻ chúng tôi vẫn thường gặp ở đây mỗi ngày.

Từ dáng điệu đi đứng của Paul, chúng tôi biết ngay đó là một đứa trẻ phải chiến đấu; một chiến sĩ dãi dầu, kiệt sức, cùng đường, không còn lối thoát từ những mặt trận trên các đường phố của nước Mỹ.

Từ ánh mắt của Paul, chúng tôi biết cuộc chiến để sống còn của nó rất dai dẳng, nhọc nhằn và kiệt quệ.

Khi đến với chúng tôi, Paul là một đứa trẻ tuy vẫn còn sống, nhưng đã thoi thóp. Những gì Paul đeo sau lưng là tất cả gia tài của nó. Nghị lực và tinh thần còn lại của nó là vai áo của nó.

May mắn cho chúng tôi và cho cả Paul, trên vai áo của nó vẫn còn đó một niềm tự hào và dũng khí. Tôi tin chắc đó là điều đã giúp Paul tiếp tục sống.

Sáng nay, tôi nói với Paul:

“Chắc hẳn rất khó khăn cho em khi khước từ món tiền đó!”

Paul đáp:

“Phải nói là cơn cám dỗ ấy cực kỳ khủng khiếp.”

Tôi lại hỏi:

“Khi chuyện đó xảy ra, em đã nghĩ gì?”

Paul nhìn tôi và cố gắng chặn dòng nước mắt đang tràn ướt trên mắt. Nó cứ chớp mắt, nhưng không sao cầm được nước mắt. Hai hàng nước mắt lại tiếp tục chảy xuống.

Paul nói:

“Lúc đó là lần đầu tiên trong đời em nghĩ đến điều ấy, em nghĩ mình đang có một cơ hội để tìm lại một cuộc sống đích thực.

“Giả như em cầm số tiền và làm theo điều ông ấy muốn em làm, thì em đã vứt bỏ cơ hội cuối cùng để làm lại cuộc đời của em.”

Tôi đáp:

“Soeur hiểu.”

Và tôi nói với Paul:

“Soeur rất tự hào về em, Paul ạ!

“Soeur biết em phải chiến đấu rất cam go.”

Và khi đứng ở đó, tôi nhớ lại lần đầu tiên tôi đã gặp Paul trước đó một tháng. Cuộc hành trình đến giây phút này của Paul chắc hẳn là khó khăn và cam go hơn hầu hết các trẻ em khác. Thật là một phép lạ khi Paul đã hoàn tất được cuộc hành trình ấy….

Ngay hôm đầu tiên đến sống tại trung tâm của chúng tôi, Paul kể:

“Từ đó, em cứ sống trên các đường phố…

“Cha dượng của em đã bắt đầu lạm dụng tình dục đối với em kể từ khi em là một đứa trẻ.

“Em không thể chịu đựng thêm một ngày nào nữa…

“Em phải bỏ đi mà thôi.

“Em không muốn bỏ nhà, nhưng chẳng còn một lựa chọn nào khác.”

Khi gặp Paul lần đầu tiên, tôi đã hỏi:

“Thế hồi đó em bao nhiêu tuổi, hở Paul? Mười lăm hay mười sáu?”

Paul đáp:

“Hồi đó em mới mười một tuổi.”

Tôi ngạc nhiên:

“Mới mười một tuổi à?”

Rất nhiều lần tôi đã kể cho người ta biết trên đường phố có rất nhiều đứa trẻ mới ở vào độ tuổi ấy, nhưng nhiều người đã không tin tôi. Paul là chứng nhân mới nhất cho lời của tôi.

Mười một tuổi đầu! Một thân một mình, bơ vơ vất vưởng giữa những đường phố của một thành phố lớn. Các bạn có thể tưởng tượng được không? Điều đó đã làm tôi ứa nước mắt.

Paul đã sống sót… nhưng là một lối sống khốn khổ nhất. Hoảng hốt, lạc lõng, không tiền bạc, không bạn bè, Paul đã phải phấn đấu hết mình để sống còn.

Paul kể cho tôi:

“Ông ấy đã nói với em, ‘Mày chịu hay là chết…

“Em muốn sống. Vì thế, em đã làm điều đó… trong năm năm trời.”

Paul thừa nhận:

“Em không thích điều đó… điều đó thật kinh tởm.

“Nhưng vì em muốn sống.”

Paul năn nỉ để tôi cảm thông:

“Em không còn một lựa chọn nào khác…

“Em định tự tử. Em không thể chịu nổi như vậy nữa.”

Quay sang nhìn tôi, Paul nói tiếp:

“Nhưng rồi có người đã nói với em về Nhà Giao Ước.”

Từ khi tìm được Nhà Giao Ước cách đây một tháng, Paul quả thật như được sinh lại một lần nữa vào cuộc đời. Bất chấp những đớn đau quá khứ, bất chấp những trở ngại phải đương đầu để xây dựng một tương lai, Paul vẫn từng bước xây dựng một cuộc sống cho bản thân.

Và hôm nay, sáng nay, Paul đã vượt qua được chướng ngại vật lớn nhất.

Sáng nay, tôi đã hỏi Paul:

“Vậy, em đã nói gì khi người đàn ông ấy trao tiền cho em?”

Paul đáp:

“Em bảo ông ấy hãy giữ lấy.

“Em bảo ông ấy rằng, thứ ấy chẳng là gì đối với em nữa.

Vừa nói, Paul vừa mỉm cười:

“Em bảo ông ấy, em đang cố gắng tìm một công việc bình thường, và ông ấy nên đi chỗ khác thì hơn.”

Paul mới mười bảy tuổi, một đứa trẻ tốt lành vừa mới trải qua một cuộc chiến mà không ai trong chúng ta thực sự có thể hiểu nổi.

Và hôm nay, sau cùng, Paul đã quay lưng lại với quá khứ để hướng cuộc đời sang một trang khác.

Paul nói:

“Em bảo ông ấy rằng, thứ ấy chẳng là gì đối với em nữa.”

Cảm ơn các bạn đã ở đó vì Paul. Cảm ơn các bạn đã ở đấy vào tháng trước, khi Paul bước vào ngưỡng cửa nhà chúng tôi, mong tìm một người biết quan tâm đến em. Và cảm ơn các bạn vì đã ở đấy, trong tâm hồn của Paul sáng nay, tại góc phố ấy, khi em cương quyết nhìn lại quá khứ và nói:

“Không… đủ rồi.. thứ ấy chẳng là gì đối với tôi nữa… tôi sẽ xây dựng một cuộc đời tốt đẹp hơn.”

Tháng trước, các bạn đã giúp đỡ một đứa trẻ. Thực vậy, các bạn đã cộng tác để cứu vớt rất nhiều. Cảm ơn các bạn rất nhiều vì tất cả những gì các bạn đang làm và đã làm.

Tôi thành tâm cảm tạ Thiên Chúa từng giây phút vì các bạn đã tìm gặp chúng tôi!

XIN GIÚP CON

Xin giúp con, lạy Chúa,
Khi con đến cùng Chúa.
Có rất nhiều nẻo đường quanh co
Sẽ làm con chệch hướng
Xa rời Chúa
Xin giúp con khi con đi trên nẻo đường
Yêu mến cha mẹ mà Chúa đã ban cho con.
Xin giúp con biết gắng sức trong mọi gian nan
Dù thành công hay thất bại.
Xin giúp con đừng bao giờ chán nản
Cho dù sẽ có nhiều lúc rất khó khăn.
Xin giúp con chọn được những người bạn tốt.
Xin giúp con chọn được người bạn đời lý tưởng,
Để mai sau con có một cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Xin giúp con, dù con có thể thất bại,
Biết tiếp tục dấn bước trên con đường đến cùng Chúa.
Xin giúp con, lạy Chúa.
Con rất muốn được sống với Chúa. Amen.

Lời kinh do một trẻ viết tại Nhà Giao Ước

Sr. Mary Rose McGeady

Lạy Chúa xin cứu con – Chương 5

Sr. Mary Rose McGeady

Đứa bé gái khẽ đáp: “Đó là những vết bỏng do má em lấy thuốc lá đang cháy đâm vào”
“Hai cánh tay của em sẽ không bao giờ quên được, thưa Soeur. Không bao giờ.”

Đứa bé gái vừa nói, vừa xoa xoa hai cánh tay, từ cùi chỏ cho đến bàn tay. Rồi để cho cơn giận lắng xuống, sau đó, nó chìa hai cánh tay ra trước mặt tôi.

Hai cánh tay của nó gầy guộc, chỉ còn da bọc xương, đầy những vết sẹo nho nhỏ khoanh tròn. Một số đã lâu và mờ. Một số khác rất mới, còn đỏ nguyên.

Đứa bé gái xoa nhè nhẹ phần cánh tay gần chỗ nách trái đầy những vết bỏng còn đỏ nguyên và nói:
“Chỗ này đau nhất. Bây giờ em vẫn cảm thấy nhức.”

Tôi hỏi:
“Em bị sao vậy?”

Thực ra tôi đã biết vì sao lại có những vết sẹo ấy. Tôi đã biết các vết sẹo ấy vì sao mà có. Tôi đã nhìn thấy những vết sẹo như thế rất nhiều lần trong đời. Nhưng tôi muốn cho Linda một cơ hội để nói ra, vì thế tôi hỏi:
“Em có muốn kể cho Soeur nghe được không?”

Từ những giọt nước mắt còn ngấn đọng trên mắt của Linda, tôi có thể biết được nó muốn kể cho tôi nghe.

Đứa bé gái nhìn xuống sàn nhà rồi trả lời khẽ khẽ:
“Đó là những vết bỏng thuốc lá do má em gây ra.”

Giọng của đứa bé bị lạc hẳn đi, nghe như tiếng thầm thì, đượm vẻ ai oán và có vẻ ngượng ngùng. (Đó là một phản ứng thông thường và đau đớn của các trẻ em bị hà hiếp nặng nề. Chúng chịu bầm dập đến độ đâm ra hoài nghi và ghét chính bản thân, chúng cảm thấy xấu hổ nên không muốn chia sẻ nhiều về nỗi đớn đau của mình nữa. Như thể những vết sẹo và sự lạm dụng kia là do lỗi của chúng mà ra).

Đứa bé gái lại thì thầm:
“Em rất hay bị châm như vậy, mỗi khi má em nổi điên, bà ấy thường đốt cánh tay của em.
“Sau cùng, em sợ quá. Em đành bỏ nhà ra đi và khai với người ta rằng em là người vô gia cư. Em muốn chạy cho xa khỏi má em, nhưng không muốn má em bị rắc rối.
“Vì vậy, em xin trọ ở một nhà kia. Chuyện đó đã năm năm rồi. Khi đó em mười một tuổi.”

Tôi hỏi:
“Thế rồi điều gì xảy ra sau đó?”

“Tình cờ cách đây mấy tháng, em gặp phải má em ngoài đường.”

Nói đến đó, nước mắt Linda bắt đầu ứa ra.
“Dường như má em rất vui mừng khi gặp lại em. Má em đến ôm chằm lấy em và nói bà rất yêu thương em. Má em nói bà đã lo lắng đi tìm và muốn em trở về. Thế là em lại trở về với má em.”

Linda ngừng lại một lúc khá lâu, nghẹn ngào. Tôi có thể đoán được triệu triệu ký ức, những ý tưởng, những ân hận và những ước mơ, tất cả đều hiện ra trên đôi mắt ướt đẫm của Linda. Rõ ràng, một nỗi đau đớn hằn lên khuôn mặt của em, về những gì đã xảy ra tiếp sau đó….

Linda kể tiếp:
“Trong khoảng hai tuần sau đó, mọi sự đều tốt đẹp.
“Nhưng rồi… Má em lại nổi điên. Bà ấy lại đốt em như thế này đây….”

Vừa nói, Linda vừa chỉ vào hai vết bỏng còn đỏ nguyên trên cánh tay.

Rồi em ngậm ngùi:
“Em sẽ không bao giờ quên nổi những đau đớn má em đã gây ra cho em.”
Giọng Linda trở nên cứng rắn. Sau một lúc im lặng, Linda bắt đầu thổn thức.

Lần này, em không khóc nhỏ, nhưng òa lên, giận dữ, uất ức và đầy cảm xúc.
Tôi bước đến và ôm choàng lấy đứa bé gái, nước mắt của em càng dàn dụa hơn. Em khóc càng to, khiến hàng chục đứa trẻ và ban điều hành trong nhà kéo đến phòng khách. (Trung tâm của chúng tôi rất bận rộn, tấp nập, ồn ào và náo nhiệt. Rất khó khăn mới làm mọi người đứng lại, nhưng cùng lắm chỉ một giây đồng hồ mà thôi. Sáng nay, Linda khóc và làm mọi người phải để ý).

Tôi phải mất đến mươi phút để làm cho Linda dịu lại được. Trong thời gian ấy, cả triệu câu hỏi cứ hiện lên trong đầu tôi. Tôi muốn hỏi về cha em, vì hoài nghi cha và mẹ của Linda đã chia tay nhau từ lâu (sau đó, tôi được biết đúng như vậy). Tôi cũng muốn hỏi cho biết còn một thân nhân nào khác – có thể là một bà dì, một người bà con, một ông hoặc bà nội ngoại nào đó – có thể nhận Linda về nuôi được không (sau đó, tôi được biết chẳng còn một ai). Và tôi muốn biết Linda trước đó đã gọi điện thoại và báo cáo về mẹ em không (về sau, tôi được biết em đã làm như vậy).

Nhưng vào lúc đó, tôi cứ để cho đôi dòng nước mắt của Linda nói thay tất cả. Tôi nghĩ đó có thể là lần đầu tiên trong nhiều năm – cũng có thể là lần đầu tiên trong cả cuộc đời – Linda đã thực sự tìm được một người quan tâm đến mình.
Tôi không biết câu chuyện rồi sẽ ra sao. Tôi ước gì mình có thể kể cho các bạn một điều gì khác, nhưng không thể được.
Những vết bỏng trên cánh tay của Linda thật dễ sợ. Phải mất một thời gian dài mới có thể lành được. Có thể các vết sẹo ấy sẽ không bao giờ hết. Tôi không biết.
Nhưng các vết sẹo thực sự, những vết sẹo không bao giờ có thể lành lặn được, là những vết sẹo bên trong. Những vết sẹo trong tâm hồn của Linda.

Tâm hồn của Linda đã ra khô cứng vì bị tổn thương và bị khước từ. Sau đó, em tin tưởng trở lại, nhưng rồi lại bị tổn thương trở lại. Tâm hồn ấy mang những vết thương đau đớn. Thực sự là những vết sẹo rất lớn.
Tôi còn nhớ một câu chuyện ngụ ngôn mà tôi đã có lần đã nghe được.

Có một người kia được yêu cầu hàn lại một chiếc nhẫn đã bị gẫy. Ông ta nói vết gẫy không thể nào sửa lại được nữa. Vì thế, ông đã cẩn một viên kim cương ngang qua vết gẫy và làm cho chiếc nhẫn trở nên xinh đẹp hơn trước.
Đó là cách thức chữa lành khi tôi nghĩ về trường hợp của Linda. Các bạn và tôi không thể nào chữa lành được vết thương trong tâm hồn Linda. Nhưng chúng ta có thể cẩn một viên kim cương yêu thương và làm cho tâm hồn ấy xinh đẹp trở lại. Với sự phù trợ của Thiên Chúa, chúng ta có thể làm cho Linda tin rằng vẫn có những người thực sự yêu thương em, vẫn có những người em thực sự có thể tin tưởng được.

Cảm ơn các bạn đã ở đây vì Linda. Hằng ngày, tôi đều cảm tạ Thiên Chúa vì các bạn đã tìm thấy chúng tôi.

Lạy Thiên Chúa khả ái,
Con cần một ai đó yêu thương con, một ai đó nói chuyện với con khi con cần nói, một ai đó cũng khóc khi con cần khóc. Nhưng trên hết, con cần một ai đó yêu thương con và muốn đồng hành bên con cho đến hết cuộc đời của con. Amen.

Lời kinh của một đứa trẻ viết tại nguyện đường Nhà Giao Ước của chúng tôi

 

Lạy Chúa, xin cứu con – Chương 3: Em ở ngoài đường phố từ hồi 13 tuổi

Sr. Mary Rose McGeady

“Em phải xa lánh Satan, vì thế em đã bỏ nhà ra đi.”

Cơn mưa lạnh cóng hắt vào đôi mắt của tôi khi tôi đứng bên bậc thềm trung tâm Nhà Giao Ước mới được thành lập tại thành phố Vancouver.

Tôi không dám quyết đoán đứa trẻ gái ngồi trên bậc thềm bên dưới tôi đây đang nói đùa hay nói thật, mặc dù tôi đoán mình thực sự đã biết đâu là câu trả lời. Đầu óc tôi biết những gì em nói với tôi là sự thật, nhưng trái tim của tôi lại không muốn chấp nhận điều đó.

Tôi hỏi lại:

“Thế em muốn nói gì?”

Julie nhìn vào tôi bằng ánh mắt buồn bã và rã rời, như thể chính em cũng không tin vào những điều em vừa nói với tôi.

Julie đáp:

“Soeur biết đó. Uhmmm… cha mẹ của em là những người theo đạo Satan…”

Julie nói tiếp, giọng của em lạc hẳn đi:

“Họ là những người yêu mến Satan.”

Hầu như tôi có thể cảm nhận được sự kinh tởm và thống khổ trong giọng nói của em….

Julie lại tiếp:

“Em hầu như không thể tin được những gì cha mẹ em đã làm. Em muốn nói là từ khi em lên tám tuổi, cha mẹ em đã quyết định gia nhập giáo phái thờ Satan..”

Julie nói mà ánh mắt của em đầy ứ nỗi kinh hãi:

“Có những con người ghê sợ như thế ở khắp nơi.”

Rồi Julie kể tiếp:

“Em hy vọng một ngày nào đó, cha mẹ em sẽ chừa cải. Em vẫn nghĩ đó thật là một cơn ác mộng, và đến một ngày nào đó, nó sẽ chấm dứt. Nhưng cha mẹ của em lại bắt đầu thực hiện những điều kinh sợ mà các người đứng đầu giáo phái đang làm.”

Rồi dàn dụa nước mắt, Julie nói:

“Em… kể ra những điều đó cho Soeur, em cũng không dám. Sáng nào thức dậy, em cũng hoảng sợ, ngày nào em cũng sống trong hoảng sợ, và tối nào em cũng đi ngủ cũng trong hoảng sợ.

“Khi lớn lên, em đã cố gắng để thưa với cha mẹ em rằng em gớm ghét chuyện đó. Và em nói em rất hoảng sợ. Em nói rằng em không thể nào chịu hơn được nữa.

“Nhưng cha mẹ em bắt em phải im miệng… phải làm những gì các người đứng đầu giáo phái truyền phải làm… đó là phải chấp nhận Satan.”

Julie ngưng lại một chút để nhìn vào tôi. Tôi cho rằng em muốn ướm xem tôi có thực sự lắng nghe, có tin và có quan tâm đến những điều em đang kể lại hay không.

Đôi mắt Julie như thét lên với tôi:

“Xin đừng nghĩ rằng em điên, Soeur nhé! Em biết chuyện này có vẻ đáng sợ thật, nhưng em không phải là người đáng sợ. Em cần có một người tin vào em.”

Đó không phải là ánh mắt giận dữ, mà là một ánh mắt buồn bã và cay đắng. Tôi biết chắc là Julie tin vào những lời thốt ra từ môi miệng của em.

Julie hắng giọng, rồi bắt đầu kể tiếp. Kể rất ôn tồn. Tôi lắng nghe không bỏ sót một lời nào.

“Em cố gắng ở lại với cha mẹ, nhưng em không thể chịu nổi…

“Em muốn nói là em sợ chết…

“Em không biết phải làm gì nữa. Em nghĩ, nếu cứ ở lại đó, chắc em sẽ chết mất.

“Vì thế, em đành bỏ trốn khỏi gia đình. Em đành phải ra đi.”

Cặp mắt của Julie lại nhìn vào tôi. Lúc này, tôi thấy em rươm rướm nước mắt, trên khuôn mặt đã ướt đẫm của em. Tôi muốn lao đến và ôm chằm lấy đứa trẻ, nhưng tôi biết vẫn chưa đến lúc.

Tôi nói:

“Chắc là kinh khủng lắm.”

Ánh mắt của Julie lại nháy lên, xác nhận, và yêu cầu tôi tiếp tục.

Tôi hỏi tiếp:

“Cuộc sống đường phố chắc cũng rất gian khổ. Em cảm thấy bơ vơ lắm phải không?”

Ánh mắt của Julie nháy lên, một lần nữa lại xác nhận.

Tôi hỏi thêm:

“Thế em bao nhiêu tuổi, chắc là 16 hay 17 phải không?”

Đứng từ dưới bậc thềm, Julie mấp máy trong miệng:

“Dạ, em 17 tuổi.”

Em lại lí nhí trong miệng:

“Em sống trên đường phố từ hồi em 13 tuổi.”

Rồi em trầm ngâm:

“Phải nói là rất hãi hùng…

“Em muốn nói là Soeur không thể tưởng tượng được cuộc sống đó khủng khiếp như thế nào đâu. Em chẳng biết phải đi đâu, chẳng biết ăn uống gì…

“Em đi vất vưởng ngoài đường, cố gắng giữ độ ấm trong người và hy vọng khỏi chết là may.”

Tôi mở miệng, định nói những lời cảm thông, cho Julie biết tôi rất đau lòng vì em đã phải chịu quá nhiều, nhưng em đã kịp ngăn khi tôi chưa nói thành lời.

Julie dường như có một điều gì muốn cho tôi hiểu.

Vâng, nếu tôi có sống đến một trăm tuổi đi nữa, tôi sẽ không bao giờ quên được điều đó.

Em nói:

“Nhưng Soeur biết không, thật khiếp khủng. Tuy nhiên, bỏ trốn khỏi gia đình lại là điều tốt nhất mà em đã làm được…

“Điều… tốt nhất… mà em đã… làm được.” Julie lặp đi lặp lại chậm rãi, nghiêm trang, rồi òa lên khóc.

Tôi đặt tay lên tấm vai nhấp nhô của em, vỗ về nhè nhẹ.

Tôi nói nhỏ:

“Soeur hiểu, Soeur hiểu. Rất mừng vì em đã đến đây với chúng tôi. Chúng tôi sẽ chăm sóc cho em.”

Rồi tôi thầm thĩ cùng Thiên Chúa:

“Em nghĩ điều tốt nhất đứa trẻ này đã từng làm được là đã đến đây. Em hứa từ nay sẽ làm cho em cảm thấy hạnh phúc.”

Tôi vẫn gặp ít nhiều khó khăn khi tin toàn bộ câu chuyện này. Tôi biết mình đã dùng quá nhiều lời để kể cho các bạn nghe biết về cuộc sống đường phố khủng khiếp như thế nào đối với các trẻ em… và đúng thật là như vậy. Rất nhiều em đang chết dần chết mòn ở đó… và đúng thật là như vậy. Ngay giây phút này, có hàng ngàn, hàng ngàn trẻ em cần một ai đó để cứu giúp mình… và đúng thật là như vậy.

Nói thì nghe khó tin, nhưng đôi khi việc trốn khỏi gia đình lại là một điều tốt hơn đối với một đứa trẻ. Mặc dù khó hiểu, nhưng ngay tại đây, hàng ngàn đứa trẻ như Julie đang sống trong tuyệt vọng, trong những môi trường khủng khiếp, và con đường duy nhất để tìm được sự trợ giúp và hy vọng lại là rời bỏ gia đình.

Các bạn có thể tưởng tượng nổi cuộc sống ấy như thế nào không? Sống trong một thế giới quá kinh hãi, thế mà các đường phố (tối tăm, rùng rợn, bơ vơ và ghê sợ) lại trở nên một lựa chọn tốt hơn. Trái tim tôi nhói lên vì cảm thương những đứa trẻ ấy. Tôi biết Thiên Chúa dành cho các em một chỗ đặc biệt trong trái tim của Người. Nỗi đớn đau, nhọc nhằn, cùng quẫn của các em hầu như vượt quá trí hiểu.

Trong khi trời vẫn mưa mưa vào một buổi sáng lạnh lẽ ở Vancouver, lúc tôi đứng đó, tôi không thể nào không nghĩ rằng chúng tôi đã đến đó đúng lúc vì Julie. Nhờ những người như các bạn, chúng tôi mới mở được một trung tâm tại Vancouver. Nhưng trước khi chúng tôi chính thức mở cửa trung tâm, thì những đứa trẻ như Julie vẫn đang ngủ trên những bậc thềm, chờ đợi để được bước vào.

Julie nói với tôi:

“Từ ngày bỏ nhà ra đi, em đã phải sống trên các đường phố. Kinh khủng thật, nhưng vẫn còn hơn ở gia đình.

“Em kiếm tiền để sống qua ngày bằng cách đọc thơ. Em chặn những người bộ hành trên các vỉa hè và đọc cho họ nghe một bài thơ, rồi xin họ một đô-la. Xét ra cũng được… Nhưng đôi khi, em không kiếm được đồng nào, không tìm được một chỗ để ngủ.”

Cảm ơn các bạn đã đến đây. Chúng tôi sẽ giúp Julie tìm được một mái nhà thực sự. Và trong lúc chờ đợi, em vẫn có cái để ăn, có cái để mặc, và một nơi ấm áp, an toàn để ngủ. Rất khó giải thích điều đó mang một ý nghĩa như thế nào đối với một đứa trẻ đã sống sót trên các đường phố.

 

“Nhà Giao Ước giống như một gia đình, với tất cả những thăng trầm của một gia đình. Nhưng điều đặc biệt là ở đây, tôi không còn cảm thấy cô đơn. Lúc nào cũng có những con người ở đây, bất cứ lúc nào, để cảm thông. Đó là một điều rất có ý nghĩa khi các bạn đang cố gắng xây dựng một cuộc sống cho bản thân.”

James, 18 tuổi, một thành viên sống tại Nhà Giao Ước

Lạy Chúa, xin cứu con – Chương 4: Em nói: “Em sống bên dưới thành phố, trong những ống cống”

Sr. Mary Rose McGeady

Đứa trẻ ngồi sát bên tôi, thu lu trên chiếc ghế, một tay cầm cây bút chì, tay kia cầm một tập giấy đã cũ rích.

Đó là một trong những đứa trẻ lạ kỳ, những đứa trẻ đã đến với chúng tôi trong ánh mắt u hoài và tuyệt vọng, với một nỗi đau giấu kín bên trong, nhưng lại gây xúc động dữ dội, đến nỗi các bạn có thể nhìn thấy nỗi đau ấy xuyên qua thân xác của chúng.

“Xin chào” đó là tất cả những gì thằng bé đã lẩm nhẩm trong miệng khi chúng tôi mở cổng trung tâm đón nó vào sáng hôm nay.

Thằng bé hỏi:

“Em xin ở lại đây ít lâu được không?”

Sau khi đón nhận thằng bé vào trung tâm Nhà Giao Ước tại thành phố New York và cho biết chúng tôi rất quan tâm và sẽ giúp đỡ nó, chúng tôi đã dìu các xác đã rệu rạo mỏi mệt của nó đặt xuống chiếc trường kỷ, để cho nó nghỉ ngơi một lúc.

Thằng bé ngồi tại chỗ đó suốt hai giờ đồng hồ, mắt nhắm nghiền, một cái ba lô cũ rích, tả tơi đặt dưới chân, một cây bút chì và một tập giấy đặt trong lòng nó.

Tôi có hàng triệu công việc cần làm, hàng ngàn điều này việc nọ trong đầu, và hàng trăm đứa trẻ tôi cần phải trao đổi, nhưng tôi quyết định ở lại bên chiếc trường kỷ, bên cạnh thằng nhỏ để chờ đợi.

Tôi không thể nào để nhỡ mất cơ hội, vì chúng tôi có thể đánh mất thằng bé.

Sau cùng, sau một thời gian dài dẵng như vô tận, thằng bé đã mở mắt ra. Hai con mắt hoăm hoắm, lạc lõng nhất mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy.

Tôi cố gắng bắt chuyện:

“Có lẽ em mệt lắm nhỉ.”

Ánh mắt của nó nháy nháy, chậm rãi đồng ý.

Tôi hỏi tiếp:

“Soeur rất vui mừng vì em đã gặp được chúng tôi. Thế tên em là gì?”

Câu hỏi dường như làm cho thằng bé thảng thốt, hình như xưa nay chưa từng có ai tỏ vẻ quan tâm đến độ hỏi tên tuổi danh tánh của nó.

Thằng bé đáp lí nhí trong miệng:

“Em tên Michael.”

Tôi hỏi:

“Thế em ở đâu?”

Michael nhắm mắt lại một lúc nữa, đắn đo không biết có nên trả lời hay không, rồi có vẻ ngại ngùng nói:

“Có lẽ Soeur không tin em.”

Tôi đáp lại:

“Cố lên. Soeur rất muốn giúp đỡ em. Chúng tôi tất cả đều muốn như vậy.”

Thằng bé lại nhìn thẳng vào tôi, với ánh mắt hoài nghi “không-biết-có-nên-nói-hay-không” mà thỉnh thoảng đám trẻ vẫn trầm ngâm khi đứng trên tấm ván nhảy cầu lần đầu tiên, không biết đã đến lúc tung cú nhảy hay chưa. Tôi mỉm cười nhăn nhó, cố gắng thúc giục thằng nhé cứ nhảy đại. Sau một quãng thời gian lâu la vô tận, cuối cùng thằng bé cũng ấp úng nho nhỏ:

“Em sống dưới thành phố này. Trong những đường cống.”

Nó nói lớn hơn:

“Em sống ở ngay tại đây.”

Vừa nói, nó vừa trao tập giấy cho tôi.

Trên tập giấy được vẽ rất tỉ mỉ, từ trang này sang trang khác là những cảnh tăm tối nhưng sinh động về cái thế giới của Michael, một nơi mà tôi chưa từng nhìn thấy bao giờ.

Chỉ vào hình vẽ một gian phòng tối thui, đầy những thùng, những hộp, và một cái gì giống như chiếc ghế, tôi hỏi:

“Phải em sống ở đây không?”

Thằng bé gật đầu:

“Vâng.”

Tôi chỉ vào hình vẽ một phụ nữ, gương mặt lem luốc, tay bồng một thằng bé, có lẽ chính là Michael, và hỏi:

“Phải mẹ em đây không?’

Michael gật đầu:

“Dạ phải.”

Tôi hỏi tiếp:

“Cha em cũng ở đây luôn phải không?”

Michael khựng lại một chút, rụt cổ, rồi nhắm nghiền đôi mắt.

Tôi hỏi:

“Em không muốn đề cập đến chuyện đó phải không?”

Michael gật đầu, nói lẩm nhẩm vừa đủ nghe:

“Em không có cha.”

Tôi đặt tay lên vai của Michael, và an ủi một lúc. Có thể nói là Michael đã kể cho tôi nghe rất nhiều. Nói và nhớ lại như thế đã là một điều đòi hỏi em quá nhiều.

Tôi vỗ về:

“Chúng tôi thực lòng mong muốn em sẽ ở lại đây.”

Rồi tôi nhấn mạnh:

“Soeur rất muốn em ở lại đây. Em có muốn ăn uống gì không, và rồi ngủ lại đây nhé?”

Đôi môi của Michael khẽ nở một nụ cười, và mắt của nó nhắm nghiền lại, rồi khẽ nói:

“Vâng. Xin cảm ơn, Soeur.”

Tôi vẫy Jim lại.

Jim là một cố vấn tuyệt vời của chúng tôi (với tất cả sự khách quan, tôi phải nhận là mọi người trong ban điều hành Nhà Giao Ước đều rất tuyệt vời!) và nhờ Jim giúp đỡ cho Michael. Tôi nói:

“Em chịu khó chăm sóc đặc biệt cho Michael nhé!”

Rồi tôi nhấn giọng lớn hơn một chút để Michael có thể nghe thấy rõ ràng:

“Michael là một đứa trẻ tuyệt vời.”

Đang đi dọc theo hành lang, nghe thấy lời của tôi, Michael mỉm cười, rồi ngoảnh lại, gật đầu một cái cảm ơn.

Cho đến lúc này, đã mười giờ đồng hồ trôi qua, tôi vẫn cứ miên man suy nghĩ về đứa trẻ này.

Tôi muốn nói Michael là một đứa trẻ chính thức mà lại không chính thức của chúng tôi, đứa trẻ của Mùa Chay năm nay. (Tôi tin mỗi năm Thiên Chúa gửi đến cho tôi một đứa trẻ đặc biệt để nhắc nhở về ý nghĩa đầy đủ của mùa Chay).

Tôi nghĩ mùa Chay là mùa chúng ta phải xét mình, phải kiểm điểm bản thân, phải tự vấn, phải nhìn mình trong tấm gương để xem chúng ta đích thực như thế nào.

(Tôi chẳng phải là một người thích mùa Chay nhất thế giới. Thực ra, tôi chẳng thích mùa Chay chút nào…. Mùa Chay, theo chỗ tôi đoán, chẳng phải là một cái gì buộc chúng ta phải thích).

Mùa Chay là thời gian để suy xét chúng ta đã sử dụng những của cải trần gian và xử đối với tha nhân như thế nào. Đó là một thời gian để xem xét chúng ta có thực sự đang sống một cuộc sống đầy yêu thương hay không, một thời gian để lặng lẽ nhìn lại linh hồn mình hầu biết chắc mọi sự đang diễn tiến tốt đẹp, xuôi thuận và để xác định các khiếm khuyết đang nằm ở đâu.

Mùa Chay là mùa để đưa ra các quyết định cải đổi cuộc sống, bắt đầu bằng việc thực hiện các điều quyết định ấy….

Có dễ dàng không? Không dễ dàng chút nào, và không ai nghĩ là dễ dàng. Mùa Chay không phải là dùng thời gian 40 ngày để nhìn chằm chằm vào tấm gương linh hồn của chúng ta để tỉ mỉ xem xét, kiểm kê, đánh giá một cách dễ dãi. Chẳng dễ dàng chút nào khi chúng ta tự hỏi chúng ta có thực sự tốt lành, có thực sự nhân đức, có thực sự trung thành, và có thực sự cảm thông như chúng ta muốn hay không. Tôi cho rằng mùa Chay là một thời gian thuận tiện. Mùa Chay là thời gian chúng ta được yêu cầu hãy sống thân mật với Thiên Chúa hơn nữa.

Thế còn Michael thì sao? Còn những đứa trẻ như Michael thì sao? Tôi cho rằng tất cả các chúng đều hiểu mùa Chay và những ý muốn của Thiên Chúa về mùa Chay tốt hơn bất kỳ ai trong chúng ta rất nhiều. Những đứa trẻ ấy sống trong một mùa Chay triền miên… một cuộc sống triền miên phải tự vấn, phải tự nhìn lại, phải tự đánh giá về những mất mát.

Những đứa trẻ ấy vẫn tự hỏi, hỏi đi hỏi lại:

“Tôi đã làm gì sai trái? Tại sao tôi phải sống như thế này… Tại sao không có ai yêu thương tôi… Tôi khổ sở vì tôi không xứng đáng với một điều nào tốt đẹp hơn sao?”

Đôi khi, như trong trường hợp của Michael, hành vi suy tư và tự vấn rất mãnh liệt và đau đớn, chúng chỉ có thể chia sẻ điều ấy qua việc vẽ nghệch ngoạc lên một tập giấy. Nói thành lời, và nghe những lời ấy… rất đau đớn.

Mùa Chay thực sự ở trong tâm hồn của các trẻ ấy từng giây phút trong suốt cuộc sống của chúng.

Dĩ nhiên, nhìn thấy Thiên Chúa trong ánh mắt u hoài và khuôn mặt hốc hác của các trẻ ấy không phải là một điều dễ dàng. Tôi biết, tôi biết rõ, ở đó, các bạn sẽ nhìn thấy Chúa.

Tôi xin được yêu cầu các bạn hai điều cho các trẻ em của chúng ta trong mùa Chay này. Trước nhất, ước chi các bạn hãy đọc cho các trẻ em của chúng tôi mỗi ngày một lời kinh. Xin cầu nguyện cho 1.400 trẻ em, những đứa trẻ may mắn đã tìm được sự giúp đỡ trong các trung tâm của chúng tôi, và cho cả những đứa trẻ khác đang đi tìm, đang sống dưới những đường xe điện ngầm, vẫn đang thoi thóp trong một mùa Chay căng thẳng triền miên, lúc nào cũng tự hỏi, mà dường như không bao giờ chấm dứt. Những lời cầu nguyện của các bạn có ý nghĩa rất nhiều đối với các trẻ này, và cả đối với tôi nữa. Xin cảm ơn các bạn về điều ấy.

Và hôm nay, các bạn có thể giúp các trẻ em của chúng tôi một món quà mùa Chay được không? Nhu cầu của chúng tôi hiện nay rất lớn. Nhờ lòng tốt tuyệt vời cũng như lời cầu nguyện và sự nâng đỡ của các bạn, mà chúng tôi đã có thể giúp đỡ hơn 48.000 trẻ em trong năm nay. Tất cả các em ấy đang tìm kiếm. Tất cả các em ấy đang hy vọng. Tất cả các em ấy đang tự hỏi không biết có một thế giới nào tốt đẹp hơn cho chúng hay không.

Đức bác ái của các bạn sẽ làm cho tất cả các em ra khác. Các bạn thực sự làm được điều ấy. Chúng tôi không thể ở lại đây được với các trẻ nếu thiếu các bạn. Các bạn hãy giúp đỡ ngay bây giờ được không?

Cảm ơn các bạn vì đã đọc những dòng này và cầu nguyện cho các trẻ của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không bao giờ, không bao giờ ngưng cảm tạ Thiên Chúa vì các bạn đã gặp được chúng tôi. Không bao giờ! Đặc biệt là trong mùa Chay này….

“Tôi nhìn thấy trên đường phố một đứa bé gái đang co ro lạnh lẽo, với chỉ một chiếc áo mỏng manh, thèm thuồng một bữa ăn ngon lành. Tôi đâm ra uất ức và thưa với Thiên Chúa: ‘Sao Chúa lại nỡ để xảy ra như thế này? Sao Chúa không làm một điều gì đi chứ?’ Thế mà Thiên Chúa vẫn làm thinh. Tối hôm ấy, Thiên Chúa bỗng nhiên đã trả lời nhỏ nhẹ: ‘Cha đã làm rồi đấy chứ. Cha đã tạo dựng con.’"

 

Lạy Chúa, xin cứu con – Chương 2

Nó thưa : “Em không biết mình sinh ra ở đâu nữa”

Tôi hỏi: “Em ở đâu?”

Nó đáp: “Em không biết.”

Tôi hỏi tiếp: “Thế mẹ em đâu?”

Nó đáp: “Chết rồi.”

Tôi lại hỏi: “Mẹ em làm sao mà chết?”

Nó đáp: “Em không biết.”

Tôi lần hỏi thêm: “Thế còn cha em đâu?”

Con bé lại mở miệng trả lời, vẫn với giọng nói yếu ớt khẽ khàng, nhưng lần này thì không phát ra thành lời được nữa. Nó đứng đó, thân hình nhỏ bé, tiều tụy và rất cô đơn, nhìn cắm xuống đôi giày dưới chân, nuốt vội những giọt nước trào ra từ khóe mắt.

Con bé rất đặc biệt. Tôi có thể nói ngay như vậy. Trong cái thế giới đầy những trẻ em bị lạc loài, bơ vơ và bầm dập của chúng ta, đứa bé gái này tức khắc nổi bật như đứa trẻ lạc lõng nhất, tê tái nhất – một đứa trẻ hoàn toàn và tuyệt đối chẳng quen thân với một ai hay một nơi chốn nào. Một đứa trẻ vô tội hoàn toàn không có căn cước hay gốc gác gì cả. Một đứa trẻ bị buộc phải trải qua một kiếp sống mà không biết bản thân mình là ai, không biết mình từ đâu mà đến, cũng chẳng hiểu vì sao mình lại vào đời.

Tôi nén hơi một lúc thật sâu, rồi đặt tay lên bờ vai của con bé và cố không để lộ ra rằng tôi đang xúc động và lo lắng trong lòng như thế nào.

Tôi chỉ vào một chiếc bàn trong nhà chúng tôi và nói:

“Đây, chúng ta ngồi xuống đây nhé.”

Tôi nghĩ mình sẽ nói chuyện với đứa bé này một lúc, cho em biết chúng tôi rất vui mừng vì em đã tìm đến với chúng tôi, và chúng tôi rất muốn giúp đỡ em. Thế nhưng, em đã làm tôi vô cùng ngạc nhiên. Thật khó khăn lắm em mới kể ra câu chuyện cuộc đời em cho tôi nghe, mặc dù em rất muốn.

Tôi cho rằng em đã phải….

Đứa bé gái nói:

“Em… em thực ra cũng có một ông bố.”

Em lại tiếp:

“Ông ấy ở ngay tại New York này. Vì thế, em mới đến đây.”

Tôi hỏi cắt ngang:

“Thế trước đó, nhà em ở đâu?”

“Ở Chicago. Em… muốn, em thực ra không có nhà. Em sinh ra ở đâu em cũng chẳng biết. Em đã sống tại các cô nhi viện từ hồi em lên bốn tuổi. Nhưng ở đó tệ hại quá, Soeur à. Em không thể chịu nổi…

“Thế là đành phải bỏ đi…

“Trong hai năm nay gần đây, em sống tại một khu nhà bỏ hoang ở Chicago với một đám bạn cùng độ tuổi.” (Tôi đoán cô bé vào khoảng 17 tuổi).

Nghĩ đến cuộc sống lạnh lẽo, lẻ loi và khủng khiếp như thế của một đứa trẻ, tôi lẩm bẩm:

“Chắc hẳn rất khó khăn cho em.”

Đứa trẻ đáp:

“Đúng vậy. Nhưng ít ra ở đó, em cũng cảm thấy an toàn. Ít nhất em cũng gặp được một số bạn bè để làm nên một gia đình.”

Tôi lại rùng mình một lần nữa.

Đứa trẻ kể tiếp:

“Cách đây hai tuần, em có cơ hội tìm ra được chỗ cha em đang sống. Trước đó, em không hề biết. Em chưa gặp cha em kể từ khi em lên bốn tuổi…

“Thế là em viết một lá thư gửi cho ông ấy, và xin phép được đến thăm. Ông ấy đã đồng ý…

“Thế là em đi đến New York. Dọc đường, em xin đi quá giang. Mất hết một tuần lễ.”

Jenny với tay ra đàng sau và cởi chiếc ba lô đang mang sau lưng, rồi nhẹ nhàng vuốt qua vuốt lại mấy lần cho phẳng phiu.

Dòng nước mắt bắt đầu lã chã tuôn xuống nhanh hơn một chút trên đôi má của nó.

Tôi hỏi dồn:

“Thế rồi chuyện gì đã xảy ra?”

Jenny đáp:

“Thật khủng khiếp. Cha em không hề muốn gặp em, Soeur ạ. Ông ấy chỉ muốn tiền bạc của em mà thôi. Ông ấy là một người nghiện.”

Nói đến đó, Jenny gục xuống và khóc to.

Tôi cảm thấy trái tim mình cũng tan nát.

Tôi thực ra không biết sau đó chuyện gì sẽ xảy ra với Jenny. Jenny bị đặt vào giai đoạn giữa tuổi thơ ấu và tuổi trưởng thành như thế đó. Em không có một căn bản nào để bước từ độ tuổi này sang độ tuổi kia.

Em không có một ký ức đẹp nào trong đầu. Không một bức hình gia đình. Không giấy khai sinh. Không nơi sinh.

Cha em là một người nghiện ma túy. Mẹ em đã qua đời.

Mọi sự Jenny có tất cả chỉ gồm trong một chiếc bao ngủ. Và đó là chiếc ba lô được xếp gọn gàng nhất mà tôi đã từng nhìn thấy.

Thực sự rất ngạc nhiên, khi đưa đứa trẻ vào phòng và chúc ngủ ngon, chúng tôi mới nhìn thấy em giở ba lô ra. Mặc dù vô gia cư, nhưng mọi thứ trong chiếc ba lô của em được xếp rất ngăn nắp và sạch sẽ. Em còn có bốn hoặc năm tuýp kẹo chewing gum trong mỗi ngăn. Em giải thích với tôi:

“Vì không biết bao giờ mới có dịp đánh răng, nên em phải chuẩn bị như vậy.”

Quả thật, Jenny là một đứa trẻ rất đặc biệt….

Tôi không hiểu vì sao Jenny lại có một khả năng rất đặc biệt như vậy trong việc ứng phó với các hoàn cảnh, và cũng không biết đó có phải là một tình trạng hết sức đau khổ được che kín bên dưới cái vẻ ngăn nắp và sạch sẽ bề ngoài như vậy hay không.

Tôi không biết chúng tôi sẽ ở đây, giờ này, là vì đứa trẻ ấy, để trở nên một gia đình cho đứa trẻ ấy, một gia đình mà nó thực sự chưa bao giờ có được, để cung cấp cho đứa trẻ ấy một chiếc neo dựa mà nó chưa bao giờ biết đến.

Có lẽ phải mất một thời gian nữa. Nhưng vào một ngày không xa, tôi hy vọng, sau khi đã dành cho đứa trẻ ấy tình yêu thương, những lời chỉ dẫn và sự nâng đỡ mà nó vô cùng cần thiết (điều cốt yếu là sau khi chúng tôi đã giúp Jenny tìm lại được cuộc sống của nó), chúng tôi sẽ giúp Jenny làm lại cuộc đời qua chương trình Thăng Tiến của chúng tôi.

Với chương trình này, chúng tôi sẽ giúp Jenny những thứ cần thiết để em có thể thăng tiến từ tuổi thơ ấu cho đến tuổi trưởng thành, những điều mà em rất xứng đáng được hưởng, nhưng lại bị tước mất – đó là được đi học, được đào tạo hướng nghiệp và các kỹ năng để sống tự lập – với một cố vấn từng trải tận tình hướng dẫn và khích lệ em vượt qua từng bước đường.

Đó là một hành trình dài, rất dài, trước mắt Jenny. Nhưng tôi biết em là một đứa trẻ nhất định sẽ làm được điều đó. Tôi biết chắc như vậy.

Cũng như mọi khi, tôi xin thay mặt Jenny và 1.399 đứa trẻ khác mà chúng tôi sẽ gặp vào tối nay để cảm ơn các bạn. Tôi biết các bạn có những ưu tư, có những hóa đơn sẽ phải tính và có một gia đình để lo lắng. Tôi biết rằng việc làm cha mẹ yêu thương và hướng dẫn cho 1.400 đứa trẻ mà chúng tôi gặp gỡ hằng đêm không phải lúc nào cũng là một việc dễ dàng.

Nhưng xin các bạn biết cho, trong từng giây từng phút, điều đó mang một ý nghĩa đối với chúng tôi và đối với những đứa trẻ này. Trong một thế giới có những đứa trẻ xinh đẹp và vô tội như Jenny, nhưng lại thường bị vứt bỏ và bị lãng quên, thì chính bàn tay và trái tim của các bạn sẽ đem lại cho chúng niềm vui. Chính tình yêu các bạn sẽ làm cho vấn đề nên khác. Tôi không thể nói điều này cho đủ được. Những lời cầu nguyện và sự nâng đỡ của các bạn nói lên tất cả đối với các trẻ. Và đối với cả tôi nữa.

Xin cảm ơn, xin cảm ơn, xin cảm ơn các bạn đã lưu tâm đến chúng hết khả năng các bạn. Tôi không bao giờ ngưng cảm tạ Thiên Chúa vì các bạn đã tìm thấy chúng tôi.

Lạy Cha thân yêu của chúng con trên trời,

Xin Cha thương ban cho con sức mạnh để tiếp tục sống trong thời gian con ngụ tại Nhà Giao Ước. Xin ban cho con sự khôn ngoan và hiểu biết để làm điều gì phải, và đừng làm điều gì trái. Xin Cha ban cho con sức mạnh để thực hiện những điều dốc lòng đúng đắn về những gì đang xảy ra. Con biết mình đã chọn nhiều điều không đúng, những con muốn sửa cải điều đó. Cuộc sống trong thời buổi này vốn không dễ dàng đối với con, nhưng con biết Chúa sẽ ban cho con sức mạnh để tiếp tục sống bởi vì con tin vào Chúa và tất cả những gì Chúa đã phán và Chúa đã thực hiện. Amen.

Một lời kinh do một trẻ đã viết tại nguyện đường Nhà Giao Ước

Sr. Mary Rose McGeady