5. Mỗi Ngày Một Câu Kinh Thánh

09/04/24 THỨ BA TUẦN 2 PS

Ga 3,7b-15 

‘LỘT XÁC’

“… cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.” (Ga 3,7b)

Suy niệm: Loài rắn theo chu kỳ, tự động lột lớp da. Bộ da của rắn giống như bộ quần áo sau một thời gian sử dụng trở nên vừa chật hẹp vừa dơ bẩn, cũ nát, nếu không lột bỏ thì chẳng những rắn không thể tăng trưởng mà còn có thể bị nguy hiểm tính mạng vì các loài ký sinh trùng phát triển nơi lớp vảy của da rắn. Thật là sai lầm nếu nghĩ rằng rắn chỉ lột bỏ lớp vảy đã già cỗi bên ngoài mà thôi. Trước khi xé bỏ lớp vỏ cũ để trườn ra ngoài chúng đã phải “đổi mới” từ bên trong. Để có thể vào Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải sinh ra một lần nữa. Trong lĩnh vực tâm linh “lột xác” càng không phải là vấn đề xé bỏ quần áo cũ để may mặc y phục mới, mà là cởi bỏ nếp sống cũ để mặc lấy con người mới tốt lành, thánh thiện. Bí tích Thánh Tẩy giúp ta thực hiện cuộc “lột xác” ấy: nhờ sự chết và sống lại của Chúa Kitô, chúng ta chết đi cho tội và tiếp nhận sự sống phục sinh từ nơi Ngài.

Mời Bạn: Chúng ta khó lột bỏ những tính hư tật xấu của mình do xu hướng thường tình “tốt khoe, xấu che” của chúng ta. Hoặc có khi chúng ta muốn lột bỏ chúng lắm nhưng lực bất tòng tâm. Việc chừa bỏ tội lỗi không thể chỉ do sức riêng mà còn phải nhờ ơn của Chúa Thánh Thần. Chỉ có những ai sinh bởi Thần Khí thì mới được vào Nước Trời. Bạn hãy sẵn sàng mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần để lột bỏ tội lỗi mới mong được sống muôn đời.

Sống Lời Chúa: Quyết tâm chừa bỏ một thói xấu dai dẳng nơi bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con can đảm  lột bỏ những thói hư tật xấu, và biết cởi mở lòng mình ra để Thánh Thần Chúa làm cho con người con ra mới, tinh tuyền và thánh thiện.

 

08/04/24 Thứ Hai tuần 2 ps

Lễ Truyền Tin
Lc 1,26-38
 

LUÔN SẴN SÀNG THƯA VÂNG

Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38)

Suy niệm: Đức Mẹ đang làm gì khi sứ thần đến truyền tin? Các bộ phim về cuộc đời Chúa Giê-su đều thuật lại sự kiện này nhưng các giải đáp đưa ra thì không ai giống ai. Phim thì nói Mẹ đang cầu nguyện, phim khác dàn dựng mẹ đang dệt vải hay đi múc nước. Có phim lại mô tả thiên thần truyền tin cho Mẹ trong một đêm thanh vắng. Nhưng dù đặt trong hoàn cảnh nào, tất cả các bộ phim ấy đều đồng ý với thánh sử Lu-ca ở điểm này là Mẹ luôn sẵn sàng thưa “Vâng”. Lời thưa vâng của Mẹ đã được bao hàm trong thái độ cơ bản: “tôi đây là nữ tỳ của Chúa.” Nhờ chọn lựa một vị trí như thế, Mẹ mới có thể luôn sẵn sàng đáp lại: “Xin cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Dù đang làm việc gì, Mẹ vẫn làm trong tư thế của người tôi trung của Đấng Tối Cao. Và Mẹ vẫn trung thành đứng trong tư thế này, cho đến tận dưới chân thập giá Chúa Ki-tô.

Mời Bạn: Như thế chúng ta có thể noi gương Mẹ: trước tiên chọn sống như người tôi trung của Chúa. Dù đang làm việc gì hay đang ở đâu, dù ở trong chức vụ, bậc sống hay hoàn cảnh nào, bổn phận người tôi trung vẫn là biết mau mắn nhận ra ý muốn của Chúa và cũng biết mau mắn thi hành.

Chia sẻ: Việc sống như người tôi trung của Chúa có nghịch với phẩm giá và tự do con người hay không?

Sống Lời Chúa: Thực hành bước cơ bản giúp nhận định thánh ý Chúa: xác định mình là tôi tớ Chúa, được sinh ra để làm vinh danh Chúa và để đạt tới ơn cứu độ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban ơn trợ giúp, cho con dám khước từ ý riêng và lòng háo danh, để con liên lỉ tìm kiếm và thi hành thánh ý Chúa.

 

06/04/24 THỨ BẢY TUẦN BÁT NHẬT PS

Mc 16,9-15 

TỪ HOÀI NGHI ĐẾN ĐỨC TIN

Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. (Mc 16,15)

Suy niệm: Cái chết bi thảm của Chúa Giê-su trên thập giá như màn sương mù dày đặc phủ mờ tâm trí của các môn đệ, khiến họ quên rằng Người đã nhiều lần báo trước: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều… bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8,31). Các ông chìm sâu trong nghi hoặc, buồn phiền đến nỗi các ông cũng không tin cả đến lời chứng của những người đã gặp được Đức Ki-tô phục sinh. Trong hoàn cảnh đó, Chúa Giê-su phục sinh lại một lần nữa hiện ra, lần này có đủ mặt 11 môn đệ, để “khiển trách” sự cứng lòng tin của các ông. Nhờ ‘biện pháp mạnh’ đó, các ông đã đi từ hoài nghi đến đức tin. Những ai đã từng hoài nghi, một khi đã tin, thì họ sẽ tin thật vững vàng, và lời chứng của họ sẽ thật sự thuyết phục. Như thế từ nay, các ông sẵn sàng ra đi loan báo Tin Mừng phục sinh đến cho nhân loại.

Mời Bạn: Sự hoài nghi cũng có mặt tích cực nếu nó xuất phát từ lòng khao khát chân lý, dám chất vấn mọi chứng cứ để tìm được sự thật. Ngược lại, sẽ là thảm hoạ nếu sự hoài nghi đó là con đẻ của thành kiến cố chấp. Mời bạn ngồi lại, lần giở lại Phúc Âm, và trong thinh lặng nghiền ngẫm từng câu Lời Chúa, để bạn lắng nghe tiếng Chúa nói trong thâm tâm của bạn, và để bạn nhận ra Ngài hằng sống và hiện diện, đồng hành với bạn.

Sống Lời Chúa: Khi bị cám dỗ hoài nghi, hãy nói như thánh Tê-rê-xa Hài Đồng: “Lạy Chúa, con vẫn tin Ngài!”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp sức cho chúng con biết cách để vượt qua cơn cám dỗ hoài nghi, và làm cho chúng con thêm đức tin sống động vào Chúa.

 

07/04/24 CHÚA NHẬT TUẦN 2 PS – B

Kính Lòng Chúa Thương Xót
Ga 20,19-31
 

ĐẤNG GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT

Người bảo Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin.” (Ga 20,27)

Suy niệm: Tô-ma đòi chứng thực việc Thầy Giê-su phục sinh bằng việc thực nghiệm ‘sờ đụng’ đến những vết thương của cuộc tử nạn trên thân thể Chúa. Đức Ki-tô, Đấng Phục Sinh, vì lòng thương xót, không nỡ để mặc ông cứng lòng tin mãi; thế nên Ngài đã chiều ý ông: Một tuần lễ sau, cũng vào ngày thứ nhất trong tuần, Ngài lại hiện đến, vẫn chúc bình an và mời gọi ông Tô-ma đến dùng giác quan để ‘kiểm chứng’ một mầu nhiệm: “Đặt ngón tay con vào đây… Đưa tay con mà đặt vào cạnh sườn Thầy…” Lòng thương xót Chúa đã hoán cải sự cứng cỏi của Tô-ma thành một lời tuyên tín thật mạnh mẽ: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con”.

Mời Bạn: Thánh nữ Faustina được Chúa soi sáng cổ võ việc tôn sùng lòng Chúa thương xót. Ngài đã xác quyết rằng: “Ngoài tình Chúa thương xót, không có nguồn hy vọng nào khác cho nhân loại.” Mỗi lần nhìn lên bức ảnh lòng Chúa thương xót với hàng chữ: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài” (Jesus, I trust in you), chúng ta không chỉ tuyên xưng Chúa là Đấng giàu lòng thương xót mà đặt trọn con người yếu đuối và cuộc đời tội lỗi của mình vào trong tay Chúa để xin Chúa xót thương.

Sống Lời Chúa: Đọc nhiều lần trong ngày: “Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giê-su, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, nhiều lúc chúng con tưởng rằng chúng con vững tin, nhưng khi gặp thử thách chúng con mới biết rõ đức tin của chúng con còn yếu kém. Xin vì lòng thương xót Chúa ban thêm đức tin cho chúng con.

 

05/04/24 THỨ SÁU TUẦN BÁT NHẬT PS

Ga 21,1-14 

NHẬN RA “CHÚA ĐÓ!”

Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó!” Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. (Ga 21,7)

Suy niệm: Cái cách mà Phê-rô phản ứng khi biết nhân vật đang đứng trên bờ Biển Hồ là “Chúa đó” như thể tái hiện khoảnh khắc ông bỏ chài lưới, bỏ thuyền, bỏ hết mọi sự để trở thành môn đệ của Chúa. Hai tiếng “Chúa đó” như một ngòi nổ kích nổ lòng khao khát Đức Ki-tô vẫn âm ỉ trong tâm hồn Phê-rô từ những ngày Chúa chịu khổ nạn cho tới khi ông cùng với Gio-an chứng kiến ngôi mộ trống khi Thầy đã phục sinh. Chính vì lẽ đó, ông đã “nhảy xuống biển”, nhảy khỏi sự phụ thuộc, khỏi mọi chỗ dựa của thế gian này vì giờ đây Chúa Phục Sinh mới là tất cả cuộc sống của ông.

Mời Bạn: Phản ứng của Phê-rô cũng là kinh nghiệm của không biết bao nhiêu vị thánh trong lịch sử giáo hội. Khi các ngài nhận ra “Chúa đó” ở trong cuộc đời mình thì các ngài sẵn sàng bỏ mọi sự, kể cả mạng sống mình, để đến với Người. Không xa chúng ta, chân phước An-rê Phú Yên tái hiện thái độ Phê-rô nhận ra “Chúa đó!” qua lời cuối của ngài trối lại cho chúng ta: “Hãy giữ nghĩa cùng Chúa cho đến hết hơi cho đến trọn đời.” Bạn cũng có thể nhận ra Chúa Phục Sinh vẫn luôn hiện diện đó trong cuộc đời chúng ta, qua bí tích Thánh thể, qua Lời Chúa và qua anh chị em xung quanh: Chúa vẫn ở đó chờ đợi chúng ta chạy đến với Người.

Sống Lời Chúa: Hãy chạy đến với Chúa Ki-tô bằng một cử chỉ thờ phượng Ngài nơi Thánh Thể hay bằng một hành động phục vụ đến với tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô Phục sinh, xin cho con biết nhận ra sự hiện diện gần gũi của Chúa trong mỗi giây phút đời con. Amen.