24. Học Hỏi Để Sống Đạo

HỌC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - CHA VƯƠNG

  •  
    phung phung

    https://keditim.net/?p=132506 

    Tại sao trong phụng vụ còn có âm nhạc?

     Hôm qua ăn kẹo Chocola nhiều quá đi… Một ngày zui zẻ, bình an và  yêu thương trong công việc hàng ngày nhé.

     

    Cha Vương

     Thứ 4: 15/02/2023

    GIÁO LÝ: Tại sao trong phụng vụ còn có âm nhạc. Loại nhạc nào thích hợp với phụng vụ? Khi lời không đủ ca ngợi Thiên Chúa, cần âm nhạc trợ giúp chúng ta. (YouCat, số 183)

     SUY NIỆM: Khi ta hướng về Thiên Chúa, ta thường không biết nói gì, hoặc không biết diễn tả làm sao. Lúc đó âm nhạc có thể giúp ta. Trong khi vui sướng hớn hở, lời nói thường biến thành ca hát – do đó mà có ca hát của các thiên thần. Trong cử hành đạo đức, âm nhạc phải làm cho lời cầu nguyện tốt đẹp hơn, đi vào chiều sâu hơn, đánh động trái tim người tham dự, hướng họ lên tới Chúa, và sửa soạn một lễ nhạc cho Chúa.

     

       Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa. (Ep 5:19)

     

     Ca hát là cầu nguyện hai lần. (Thánh Augustinô) (YouCat, số 183 t.t.)

     LẮNG NGHE: Suốt cuộc đời, tôi sẽ ca mừng CHÚA, sống ngày nào, xin đàn hát kính Thiên Chúa của tôi. (Tv 104:33)

     

     CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, là Thiên Chúa của con. Thật là chính đáng phải đạo khi con hát vang, ca tụng và tôn vinh Chúa bằng tất cả tâm trí, khả năng và con người con. Xin cho con không ngừng tham dự tích cực vào việc tung hô, đối đáp, luân phiên đọc và ca tụng vinh danh Chúa.

     

     THỰC HÀNH: Bài thánh ca yêu thích nhất của bạn là gì? Nghe đi nghe lại bài đó hôm nay và xin ơn Chúa biết đổi mình một tí để trở nên thánh thiện dễ thương hơn hôm qua nhé.

     

    From: Đỗ Dzũng

    CHÚA LUÔN CÒN MÃI. Sáng Tác Phanxicô - Ca Sỹ: Diệu Hiền

     
     
     

     

    CHÚA LUÔN CÒN MÃI. Sáng Tác Phanxicô - Ca Sỹ: Diệu Hiền

     

     

HỌC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - CHA VƯƠNG

  •  
    phung phung
    Mon, Feb 13 at 11:01 AM
     
     

    https://keditim.net/?p=131960 

    Tại sao các dấu hiệu thánh của phụng vụ cũng cần có những lời nói nữa?

    Chúc bạn một tuần mới thật nhiệt huyết sau trận đấu Super Bowl 2023 hôm qua (giải vô địch bóng bầu dục Mỹ). Ai thắng độ hãy chia sẻ cho kẻ nghèo đói nhé.

    Cha Vương

     Thứ 2: 13/02/2023

    GIÁO LÝ: Tại sao các dấu hiệu thánh của phụng vụ cũng cần có những lời nói nữa? Cử hành phụng vụ có nghĩa là gặp gỡ Thiên Chúa, để cho Người hành động, để nghe Người nói và đáp lời Người. Giống như các cuộc đối thoại luôn cần diễn tả bằng lời nói và cử chỉ. (YouCat, 182 số)

     SUY NIỆM: Chúa Giêsu đã nói với loài người bằng các dấu hiệu và lời nói. Hội thánh cũng làm như thế khi linh mục dâng lễ vật và nói: “Đây là Mình Thầy... Đây là Máu Thầy”. Lời này của Chúa Giêsu làm cho các dấu hiệu trở thành bí tích: dấu hiệu thực hiện cái mà nó có ý chỉ.

     

    Các thiên thần cùng nhau ca lên: “Thánh, Thánh, Thánh, Chúa là Thiên Chúa các đạo binh, trời đất đầy vinh quang Chúa” (Is 6,3) (YouCat, số 182 t.t.)

    [Khi giảng dậy, Đức Giêsu thường dùng những dấu hiệu trong thiên nhiên để diễn tả mầu nhiệm Nước Thiên Chúa (x. Lc 8,10). Ngài thực hiện việc chữa lành và củng cố Lời Ngài giảng bằng những dấu hiệu hữu hình hay hành động biểu trưng (x. Ga 9,6 ; Mc 7,33-35 ; 8,22-25).

    Ngài đem lại ý nghĩa mới cho những biến cố và dấu hiệu của Cựu ước, nhất là biến cố Xuất hành và Vượt qua (x. Lc 9,31 ; 22,7-20), vì chính Ngài là ý nghĩa của mọi biểu trưng này GL 1151.

    Trong các cử hành Phụng vụ và Bí tích, một mặt Giáo Hội sử dụng những dấu hiệu và biểu tượng Tân ước hoàn tất các biểu trưng Cựu ước, mặt khác, thanh luyện và tiếp nhận tất cả sự phong phú của những dấu hiệu và biểu tượng trong thiên nhiên và trong đời sống xã hội của nhân loại.] (Nguồn: Phụng Vụ Cử Hành Như Thế Nào?, Lm. Ant Nguyễn Đức Khiết)

     LẮNG NGHE: Nói xong, Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: “Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa” (Si-lô-ác có nghĩa là: người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được. (Ga 9:6-7) 

    CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, khi tạo dựng con người, Chúa ban cho con có hồn và xác— giác quan và linh thiêng. Và còn phú cho con có khả năng diễn tả và tiếp nhận các thực tại thiêng liêng qua dấu hiệu và biểu tượng vật chất. Xin giúp con biết sử dụng những món quà này cho đúng để cảm nghiệm được Chúa đang hiện diện trong việc cử hành phụng vụ và bí tích, nhất là trong bí tích Thánh Thể. 

    THỰC HÀNH: Tích cực tham dự Thánh Lễ - chú tâm vào lời kinh tiếng hát để hết lòng ca tụng, kết hiệp và tôn vinh Chúa.  

    From: Đỗ Dzũng

     

HỌC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - TÌM HIỂU VỀ VẠ TUYỆT THÔNG

  •  
    Chi Tran - LEYEN
     
     
     
     


     
    TÌM HIỂU VỀ VẠ TUYỆT THÔNG CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
     
     
    Vạ tuyệt thông (hay dứt phép thông công, rút phép thông công) là một hình phạt của Giáo hội Công giáo Hoàn vũ dành cho những giáo sĩ và giáo dân phạm trọng tội. Khi một người bị tuyên án vạ tuyệt thông thì về bản chất, người đó bị tách rời ra khỏi sự "hiệp thông" với những tín hữu khác trong Giáo hội, về hình thức là bị khai trừ khỏi tổ chức Giáo hội.
    Theo Giáo luật có hai hình thức vạ tuyệt thông:
    Vạ Tuyệt thông tiền kết và Vạ Tuyệt thông hậu kết.
    1. Vạ tuyệt thông tiền kết: được ấn định cho một số tội. Ngay sau khi phạm, đương sự lập tức bị vạ, không cần Giáo hội phải ra công bố. Theo Bộ Giáo luật hiện hành, hiện nay chỉ còn bảy loại vi phạm bị chế tài Vạ tiền kết:
    1. Qui định của điều 1364, §1: Người bội giáo, lạc giáo hay ly giáo, sẽ bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết.
    2. Qui định của điều 1367: Ai ném bỏ Bánh Thánh, lấy hoặc giữ với mục đích phạm thánh, bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa thánh.
    3. Qui định của điều 1370, §1: Người nào hành hung Đức Giáo hoàng sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa thánh.
    4. Qui định của điều 1398: Ai thi hành việc phá thai, và việc phá thai có kết quả, sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết.
    * Những hành vi hay tội mà một Tư tế hay một Giám mục có thể vi phạm:
    5. Qui định của điều 1378, §1: Tư tế hành động ngược lại các quy định ở điều 977, sẽ bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa thánh.
    6. Qui định của điều 1388, §1: Cha giải tội nào vi phạm trực tiếp ấn bí tích, phải bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa thánh.
    7. Qui định của điều 1382: Giám mục nào không có ủy nhiệm thư Giáo hoàng mà phong chức Giám mục cho người khác, cũng như người nào được thụ phong do Giám mục ấy sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa thánh.
    Trong bảy qui định vạ trên đây, có năm loại Vạ tuyệt thông chỉ được giải do chính Tòa thánh (2, 3, 5, 6 và 7), còn hai loại Vạ kia (1 và 4) có thể được giải do Giám mục giáo phận hay những linh mục được ủy thác.
    2. Vạ tuyệt thông hậu kết: được ấn định cho một số tội. Sau khi phạm, đương sự chưa lập tức bị vạ. Đương sự chỉ bị vạ sau khi Giáo hội ra công bố.
    3. Quyền phạt và tha vạ tuyệt thông
    1. Vạ tuyệt thông hậu kết chỉ ràng buộc phạm nhân sau khi vạ được tuyên án. Một Giám mục có thể ra vạ tuyệt thông hậu kết cho người ngoan cố không chịu sửa lỗi nặng đã được cảnh cáo. Nếu chịu hối lỗi thì Giám mục có thể tha vạ này.
    2. Vạ tuyệt thông là tiền kết nghĩa là đương nhiên bị vạ này khi phạm một trong những tội hay lỗi nghiêm trọng ghi trên đây, chỉ có Giáo hoàng được giải vạ này.
    Tuy nhiên, trong trường hợp nguy tử thì bất cứ linh mục nào cũng được phép tha mọi tội và giải vạ tuyệt thông tiền hay hậu kết.
    Giáo luật nói rõ những hậu quả của vạ tuyệt thông như sau:
    - Không được cử hành hay lãnh nhận mọi bí tích kể cả á bí tích của Giáo hội.
    - Đối với giáo sĩ và tu sĩ: không được hành xử mọi chức vụ, tác vụ hay bất cứ nhiệm vụ nào cũng như bị cấm hưởng dùng các đặc ân đã được ban cấp trước đó.
    Người bị vạ tuyệt thông tạm thời bị tách ra khỏi mọi hiệp thông với Giáo hội cho đến khi vạ được tha bởi người có thẩm quyền trong Giáo hội.
    Vạ tuyệt thông, dù là hình phạt nặng nhất của Giáo hội, nhưng không có nghĩa là lời kết án vĩnh viễn cho ai phải ra khỏi sự hiệp thông với cộng đồng Dân Chúa. Nghĩa là Giáo hội vẫn mở rộng cửa để đón nhận trở lại những ai phạm tội có thiện chí ăn năn và xin được tha tội. Vì thế theo Giáo hội hình phạt này chỉ tạm thời cho những người ngoan cố không chịu ăn năn, sửa lỗi.
    4. Một số vạ tuyệt thông trong lịch sử Giáo hội
    Trong lịch sử Giáo hội đã ra một số vạ tuyệt thông như:
    - Hoàng đế La Mã Frederick II đã bị vạ tuyệt thông 2 lần vào năm 1227 và 1239, vì sự lớn mạnh của vương quốc này vốn đe dọa đến tính chất độc lập của quốc gia Vatican.
    - Năm 1521, Martin Luther người sáng lập ra phong trào cải cách tại châu Âu vào thế kỷ XVI, và giáo phái Tin lành, đã bị Giáo hoàng Leo X ra vạ tuyệt thông. Ông đã chỉ trích việc làm này của Giáo hội, và tấn công vào quyền bính của Giáo hoàng.
    - Vua Henry VIII của Anh quốc đã cố thuyết phục Toà thánh Vatican giải trừ cuộc hôn nhân của ông vào năm 1527 và năm 1533, Giáo hội đã không đả động gì, từ đó vua Henry đã quyết định thành lập ra Giáo hội Anh giáo, tuyên bố ly khai khỏi giáo hội hoàn vũ, Giáo hoàng Clemente VII đã ra vạ tuyệt thông.
    - Vào năm 1949, vạ tuyệt thông được áp dụng cho những cử tri cộng sản tại Ý dưới thời Giáo hoàng Piô XII, người nổi tiếng chống lại Cộng sản, một hành động nhằm vào Đảng Cộng sản Ý. Trong những năm vừa qua, Giáo hội đã không còn đề cập gì nữa đến những người cộng sản hay những người đã từng ủng hộ cho Cộng sản.
    - Juan Peron, tổng thống của Achentina từ năm 1946-1955 và từ năm 1973-1974, đã bị vạ tuyệt thông vào năm 1955 sau khi tiến hành một chiến dịch vận động tranh cử chống lại giới tu sỹ. Sau khi đã hối hận ăn năn, ông đã được cho phép thông công trở lại với Giáo hội.
    - Clemente Dominguez được thụ phong linh mục vào năm 1976 bởi một vị Tổng Giám mục đã phản bội Giáo hội tại Tây Ban Nha, và vài ngày sau đó, ông đã tự phong chính mình lên thành Giám mục. Ông bị vạ tuyệt thông ngay tức khắc. Vào năm 1978, Dominguez lại tự tuyên bố mình là Giáo hoàng, do Đức mẹ Maria hiện ra và báo cho ông ta biết làm như vậy.
    - Vào năm 1988, vị Tổng Giám mục người Pháp là Marcel Lefebvre đã bị trục xuất, vì ngang nhiên coi thường với những cải cách của Công đồng Vatican II (từ năm 1962 – 1965). Toà thánh đã ra vạ tuyệt thông vị Tổng Giám mục này sau khi ông tấn phong 4 vị giám mục mới mà không có sự đồng ý của Toà thánh, các Giám mục mới được phong này, cũng bị vạ tuyệt thông luôn.
    - Tại Washington vào năm 1990, linh mục George A. Stallings và Cộng đoàn Công giáo người Mỹ gốc Phi châu, đã ngang nhiên tách rời ra khỏi Giáo hội Công giáo La Mã, khuyến khích việc phong chức linh mục cho phụ nữ và việc sử dụng thuốc ngừa thai và phá thai, do đó đã bị vạ tuyệt thông.
    - Vào năm 1997, Bộ Giáo lý và Đức tin đã ra vạ tuyệt thông nhà thần học người Srilanca là linh mục Tissa Balasuriya, người mà Toà thánh Vatican cho biết là đã thách thức quyền bính của Giáo hoàng và những giảng dạy của Giáo hội về phép rửa tội, về tội nguyên tổ và sự trinh khiết vẹn toàn của Đức Maria. Balausuriya gọi hành động ra vạ tuyệt thông là độc đoán, và cho rằng đã không được trao cho cơ hội để tự bào chữa.
    - Vào năm 1999, Giáo hội ra vạ tuyệt thông đối với linh mục James Callan, một cựu linh mục người Hoa Kỳ đã cử hành lễ cưới cho những người đồng tính luyến ái và trao cho những người phụ nữ có những vai trò khá nổi bật trên bàn thờ.
    - Ngày 4 tháng 5 năm 2006, Toà thánh Vatican đã thông báo về việc ra vạ tuyệt thông 4 vị Giám mục của Giáo hội Công giáo Trung Quốc được Nhà nước thừa nhận vì đã tấn phong hai vị Giám mục mà không được sự đồng ý của Toà thánh (hai vị được thụ phong và hai vị chủ phong).
    Gần đây nhất, ngày 4-7 và 16-7/2011 Toà thánh đã tuyên bố vạ tuyệt thông với 2 linh mục Lôi Thế Ngân của giáo phận Lạc Sơn và linh mục Huỳnh Bỉnh Chương của giáo phận Sán Đầu (Trung Quốc) đã được tấn phong giám mục ngày 29-6 và 14-7/2011 mà không được Giáo hoàng bổ nhiệm./.
    Sứ Điệp Từ Trời theo thông điệp Bà MDM công khai chống báng Đức Giáo Hoàng Phanxico đương nhiệm theo Giáo luật 1367 triệt 1 là mắc vạ tuyệt thông tiền kiết
     
     

HOC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - PHUNG PHUNG

  •  
    phung phung

    https://keditim.net/?p=131350

     Do đâu con người có linh hồn?

    Chúc bình an đến bạn và gia đình nhé, ước mong bạn đừng quá bận với công việc phần xác mà quên đi nỗi khắc khoải  của con tim đang khao khát Chúa.

    Cha Vương

    Thứ 4: 8/2/2022

    GIÁO LÝ: Do đâu con người có linh hồn? Linh hồn người ta do Thiên Chúa trực tiếp dựng nên, chứ không phải là "sản phẩm" bởi cha mẹ. (YouCat, số 63)

    SUY NIỆM: Hồn của con người không thể là sản phẩm do tiến trình biến hóa của vật chất, cũng không phải là kết quả của cha mẹ sinh ra. Mỗi con người sinh ra là một ngôi vị độc nhất và linh thiêng, Hội Thánh giải nghĩa mầu nhiệm này như sau: Thiên Chúa ban cho ta một linh hồn không thể chết được, dù khi ta chết ta phải lìa khỏi xác để chờ khi sống lại xác được nhập lại với ta. Nói “Tôi có linh hồn” có nghĩa là: “Thiên Chúa không tạo dựng tôi như một sự vật, nhưng như một ngôi vị và mời gọi tôi có quan hệ không ngừng với Người”. (YouCat, số 63 t.t)

     

      Nhờ có nguồn gốc từ trái đất, con người được liên kết với mọi sinh vật, nhưng chỉ nhờ có linh hồn do Thiên Chúa “thổi vào” họ mới là người. Điều đó ban cho họ một phẩm giá độc nhất, nhưng đồng thời cũng trao một trách nhiệm độc nhất. (Hồng y Christoph Schönborn, 1945, Tổng giám mục Áo)

     

    LẮNG NGHE: Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục. (Mt 10:28)

     

    CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, xin cho con luôn biết khát khao đi tìm gặp Chúa để nhờ đó tâm hồn được vui vẻ và thảnh thơi.

     

    THỰC HÀNH: Hôm nay mời bạn hãy từ bỏ một nhu cầu vật chất để tâm hồn chỉ biết khát khao ơn Chúa. 

    From: Đỗ Dzũng

     

HỌC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - LM NGÔ TÔN HUẤN

  •  
    Chi Tran -LEYEN CHUYỂN
     
     
     
     


     
    NHỮNG TỘI PHẠM TRONG 10 ĐIỀU RĂN
    Điều Răn Thứ Mười: „Chớ tham của người“
    LM NGÔ TÔN HUẤN
    Như đã trình bày ở trên, đã là người ai mà lại không thích giàu sang, ai lại không muốn có nhiều tiền lắm của. Hơn nữa, tự bản chất sự ước muốn và sự có nhiều tiền lắm của không chỉ là một điều chính đáng và hợp lý, chứ không có gì là xấu xa hay tội lỗi cả, mà còn là điều rất cần thiết nữa.
    Bởi vì, chỉ khi có được một tình trạng kinh tế ổn định, vững chắc và dồi dào phong phú thì người ta mới khả dĩ có đầy đủ điều kiện để thăng tiến bản thân và gia đình, để tổ chức cuộc sống của mình cũng như của gia đình một cách xứng đáng với nhân phẩm hơn, và tiếp đến, là để góp phần vào công cuộc cải tiến và xây dựng cuộc sống xã hội một ngày một thêm tốt đẹp và phồn vinh hơn.
    Trái lại, tự bản chất của nó, sự nghèo khổ và sự khốn cùng chỉ đày đọa con người, và đồng thời là một nguy hiểm tìm hạ thấp cuộc sống con người xuống hàng thực vật, tức hằng ngày chỉ còn biết lo nghĩ đến việc làm sao có được miếng cơm bỏ bụng và manh áo che thân, chứ đâu còn thời giờ hay sức lực để nghĩ đến văn hóa, khoa học hay những giá trị tinh thần cao quý khác. Và cũng chính từ chỗ đó, sự nghèo khổ và sự khốn cùng thường đưa đẩy con người dễ bị rơi vào những sai phạm, vào những hành động thấp hèn, không phù hợp với nhân phẩm cũng như đạo lý làm người ở đời. Vì cổ nhân xưa nay vẫn dạy: „Túng hay làm càn“, hay: „Bần cùng sinh đạo tặc“, nghèo thì hay sinh ra trộm cướp!
    Bởi vậy, Điều Răn Thứ Mười không bao giờ cấm ta làm giàu, không bao giờ cấm ta có nhiều của cải, nhưng dạy ta không được đem lòng tham lam các của cải vật chất một cách quá độ, đến nỗi chẳng những không vừa lòng với những gì mình có, mà còn thèm muốn, dòm ngó và tìm cách chiếm đoạt các của cải của kẻ khác một cách bất chính. Đó chính là sự khác biệt. Đó chính là tội phạm mà Điều Răn Thứ Mười ngăn cấm ta.
    Hơn nữa, ở đời ai cũng biết rằng: „Đồng tiền liền khúc ruột“. Vì, chỉ trừ một số rất ít người nào đó được số phận dành cho ít nhiều may mắn, còn đối với đại đa số thì để có được đồng tiền, thường người ta phải lao công vất vả, phải thức khuya dậy sớm, phải đổi lấy miếng cơm manh áo bằng mồ bôi nước mắt. Vì thế, đồng tiền của họ làm ra được là một cái chi vô cùng quý giá và thân thương, gắn chặt với cuộc sống của họ và của gia đình họ. Đó cũng là lý do đòi mọi người phải luôn biết tôn trọng của cải của nhau, không ai có quyền xúc phạm, có quyền chiếm đoạt cách bất công các tài sản của kẻ khác. Ngay cả sự tham muốn cách vô lý các tài sản của kẻ khác, cũng bị cấm ngặt, vì lòng tham muốn thực sự các của cải của kẻ khác là bước đầu đưa tới hành động cướp đoạt các của cải ấy.
    Việc chiếm đoạt gia tài, tiền bạc và các của cải của kẻ khác thường dẫn tới những hậu quả tai hại kèm theo cho các nạn nhân. Nhiều khi tội phạm đó làm thiệt hại đến sự hạnh phúc, đến tương lai và cả đến sự sống còn của cả gia đình họ nữa. Vì thế, hành động ấy là một trọng tội: vừa lỗi phép công bằng, vừa vô nhân đạo, vừa xúc phạm đến đức bác ái.
    Để tránh thảm họa bất công đó cho người khác, người ta cần phải lo chăm chỉ làm ăn và kiếm sống bằng đồng tiền lương thiện, bằng chính đồng tiền do sức lao động của mình làm ra, chứ tuyệt đối không được đưa mắt dòm ngó, không đem lòng ganh tị, tham muốn và tìm cách chiếm đoạt tài sản của kẻ khác một cách bất chính. Dĩ nhiên, ở đây lòng tham lam chiếm đoạt tài sản của kẻ khác được hiểu giữa cá nhân này với cá nhân kia, giữa đoàn thể này với đoàn thể kia cũng như giữa các cấp chính quyền với các đoàn thể hoặc các cá nhân trong tầng lớp dân chúng.
    Đây hẳn là một điều quá minh nhiên và hữu lý. Thế nhưng, trong xã hội vẫn không ít người chỉ biết „ngồi mát ăn bát vàng“, chỉ biết lười biếng không chịu tự lực kiếm sống, nhưng lại muốn sống ung dung nhàn hạ nhờ vào công sức của người khác. Đó là cuộc sống ký sinh, cuộc sống tầm gửi, một cuộc sống chỉ biết bám nhờ vào sức lao động của người khác, và vì thế là một cuộc sống bất công. Và những người đành tâm hạ mình sống cuộc đời ít giá trị nhân phẩm như thế thường hay đem lòng ganh tị và tham muốn tài sản của người khác, và rồi tìm cách chiếm đoạt số tài sản ấy bằng đủ mọi giá, nhất là khi họ có quyền hành trong tay như các cấp chính quyền, đặc biệt trong các nước độc tài đảng trị.
    Đó chính là lý do cắt nghĩa tại sao trong cuộc sống hằng ngày trong xã hội nhân loại luôn vẫn xảy ra các tội ác vô nhân đạo, như: trộm cắp, cướp bóc, hành hạ hay giết hại các chủ tài sản một cách dã man và chiếm đoạt tài sản của họ một cách bất công. Và như đã nói trên, đó là điều xảy ra trong phạm vi giữa các cá nhân đối với các cá nhân, cũng như trong lãnh vực rộng lớn hơn, giữa các nhà nước độc tài chuyên trị đối với các tầng lớp nhân dân vô tội của họ.
    Đây là một điều bất công và vô nhân đạo, mà đa số người Việt Nam nói chung và các tín hữu Công Giáo Viêt Nam nói riêng đã từng gồng lưng gánh chịu trong bao thế kỷ qua và đang phải tiếp tục đối mặt cũng như đang phải chịu đựng, như các vụ vừa xảy ra gần đây tại Tòa Khâm Sứ cũ, tại các giáo xứ Thái Hà, Đồng Chiêm (Hà Nội), Đồng Đinh (Ninh Bình), Tam Tòa Quảng Bình), Loan Lý (Thừa Thiên), Cồn Dầu (Đà Nẵng), v.v…: Các giáo dân tay không đã bị công an cộng sản đánh đập một cách vô cùng dã man bằng dùi cui, gậy gộc hay báng súng đến bất tỉnh hay bị bại liệt suốt đời, còn biểu hiệu linh thiêng của tôn giáo là Thánh Giá, các ảnh tượng thánh, bàn thờ và các nơi thờ phượng của họ bị triệt hạ bằng địa; và chỉ vì mục đích duy nhất là các cấp chính quyền địa phương liên hệ tham muốn chiếm đoạt số đất đai tài sản của các giáo xứ nói trên.
    Hơn nữa, không những họ lợi dụng quyền bính trong tay để xâm chiếm tài sản của người dân lành một cách bất công như thế, nhưng họ còn tước đoạt luôn cả quyền tự vệ chính đáng tối thiểu của người dân nữa. Đây quả là những tội ác thế kỷ! Những tội ác phản lại nhân bản, phản lại quyền tự do và nền văn minh nhân loại! Những tội ác không chỉ xúc phạm đến các quyền làm người cơ bản của các giáo dân thuộc các giáo xứ liên hệ, mà còn làm suy giảm và làm thiệt hại một cách trầm trọng đến uy tín của cả dân tộc Việt Nam trước dư luận quốc tế.
    Nếu quả thực những vị cầm đầu cao nhất của nhà nước Việt Nam có đủ sáng suốt và đủ công minh để nhìn ra được điều tai hại to lớn khó lường này cho quốc thể Việt Nam, thì chắc chắn họ đã phải trả lại công lý cho những người công dân vô tội liên hệ và bằng mọi cách không để những tội ác tương tự tiếp tục xảy ra trong tương lai nữa, như hiện nay.
    Còn về phần mình, những người tín hữu Công Giáo chân chính luôn dùng ân báo oán, tức luôn biết can đảm tha thứ và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ và giết hại mình như chính Đức Giê-su đã nêu gương trước khi Người bị treo trên thập tự giá: „Lạy Cha, xin Cha tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ làm“ (Lc 23,34), chứ người tín hữu Công Giáo không bao giờ dùng oán báo oán theo thói đời. Đó chính là thái độ và cách cư xử mà các giáo dân Công Giáo thuộc những giáo xứ kể trên đã thực hành khi họ bị đàn áp và hành hung dã man một cách bất công, vì nguyên tắc chỉ đạo nền tảng và thánh thiêng của người tín hữu Công Giáo được gói ghém trong câu nói chí lý: „Giáo Hội không bạo động, Giáo Hội không nổi dậy, Giáo Hội chỉ đòi hỏi công lý mà thôi“ của Đức Cha Phaolô Cao Đình Thuyên, vị chủ chăn đáng kính và can trường của Giáo phận Vinh đã công khai tuyên bố trước hơn 200.000 giáo dân có mặt trong Thánh Lễ mừng Đức Mẹ Lên Trời ngày 15.8.2009, tại trung tâm Giáo phận ở Xã Đoài, Nghệ An.
    Nói tóm lại, những trình bày trên đây đã cho thấy rằng lòng tham lam của cải vật chất quá độ đã biến đổi và làm cho con người trở nên mù quáng, nguy hiểm và độc ác như thế nào, nhất là nếu những con người ấy lại là những người vô thần, những người không có định hướng tôn giáo, những người không tin kính Thiên Chúa và không chấp nhận các Giới Răn của Người như điểm tựa luân lý vững chắc, thì càng tàn bạo, càng vô nhân đạo và càng lún sâu vào các tội ác chống lại nhân loại.
    Hiểu và sống Mười Điều Răn Thiên Chúa
    Lời Kết
    Qua những dòng trình bày trên đây chắc hẳn chúng ta đã cảm nhận được rằng khi phải sống giữa một xã hội đầy bon chen và lừa lọc, đầy ngang trái và đảo điên, duy vật và vô thần, v.v… như xã hội hôm nay, trong đó con người mất hết định hướng và không còn biết rồi đây con thuyền đời mình sẽ bồng bềnh trôi dạt về đâu, thì Mười Điều Răn Thiên Chúa quả thực là Kim chỉ-nam cần thiết duy nhất, có thể giúp con người tìm gặp lại được hướng đi đúng đắn. Vâng, giữa biển đời mịt mù tăm tối, mọi giá trị đạo đức bị đảo lộn và cảnh „vàng thau lẫn lộn“ như hôm nay, hơn bao giờ hết con người cần đến Mười Điều Răn Thiên Chúa như ngọn hải đăng sáng chói, soi lối cho họ nhìn thấy được bờ hạnh phúc, nhìn thấy được bến cứu rỗi.
    Đúng vậy, các Giới Luật Thiên Chúa nói chung và Mười Điều Răn của Người nói riêng, quả thực là Kim chỉ-nam cần thiết duy nhất, là những lời hướng dẫn đúng đắn và quan trọng nhất mà Thiên Chúa nhân hậu đã dành cho toàn thể con cái loài người, những kẻ đang mò mẫm trên con đường tìm về cứu cánh đời mình, tìm về nguồn ơn cứu rỗi và hạnh phúc vĩnh cửu và chân thật.
    Do đó, dù muốn hay không, con người không còn sự lựa chọn nào khác ngoài sự tin tưởng chấp nhận và tuân giữ Mười Điều Răn Thiên Chúa, nếu như con người thực sự muốn sống có ý nghĩa, muốn sống trong an bình và hạnh phúc ngay ở đời này và đời sau, vâng, nếu con người muốn được cứu rỗi và được hạnh phúc muôn đời.
    Vì Mười Điều Răn là những lời hướng dẫn, là những lời chỉ dạy của chính Thiên Chúa toàn năng, của Đấng Tạo Hóa vô biên, của Người Cha vô cùng nhân hậu đối với toàn thể con cái loài người. Thiên Chúa là vị Thần Linh tối cao duy nhất, là Chân Thiện Mỹ tuyệt đối và là nguồn ơn cứu rỗi sau cùng. Ngoài Thiên Chúa ra không còn có vị thần linh cứu rỗi nào khác, nghĩa là không còn một vị thần linh nào khác có thể cứu rỗi được ta, có thể ban cho ta sự hạnh phúc chân thật và trường cửu (x. Xh 20,1-2; Is 45,5-6.18-219). Ngoài Thiên Chúa không hề có sự cứu rỗi. Vâng, ngoài một mình Thiên Chúa toàn năng ra, tất cả mọi bụt thần khác của lương dân đều do tay người phàm tạo ra, là những thứ hoàn toàn hư vô và bất lực (x. Is 41, 21-29). Các tượng thần ấy chỉ là gỗ đá hay vàng bạc do tay phàm nhân làm nên. Chúng có mắt có miệng mà không nhìn không nói được; chúng có mũi có tai mà không ngửi không nghe được; có hai tay mà không thể sờ mó được; có hai chân mà không bước đi được (x. Tv 115, 4-7).
    Vì thế, tất cả những ai u mê tin tưởng chạy theo thờ lạy các thứ thần linh giả tạo đó, là liều mình bước đi trên con đường lầm lạc và hậu quả sau cùng là sẽ chuốc lấy cho mình sự bất hạnh muôn đời.
    Nếu chúng ta biết xác tín được sự thật ấy, chúng ta mới nhận chân được rằng tất cả những gì Thiên Chúa thực hiện cho mình – dù những điều ấy có làm vừa lòng hay có phù hợp với những chờ đợi mong muốn tự nhiên trước mắt của ta hay không – đều tốt cho ta, đều mang lại hạnh phúc và nguồn vui chân thật cho ta. Bởi vì, bất cứ điều gì Thiên Chúa thực hiện cho ta là đều do tình thương vô biên của Người đối với ta mà thôi. Người chỉ muốn cho tất cả chúng ta cũng như từng người trong chúng ta được hạnh phúc và được hạnh phúc một cách trọn vẹn.
    Cũng vì thế, những gì Thiên Chúa thấy tốt, hữu ích và mang lại hạnh phúc đích thực cho ta, thì Người thực hiện, chứ Người không bao giờ tham khảo ý kiến của ta trước, xem ta có bằng lòng hay không. Do đó, ta hãy luôn nỗ lực sống theo thánh ý và sự an bài đầy yêu thương của Thiên Chúa, chứ Thiên Chúa không luôn luôn nhất thiết phải thực hiện theo ý muốn của ta.
    Vậy, sống ở đời, người khôn ngoan và hạnh phúc nhất là người luôn biết thuận theo ý Trời. „Quân tử úy thiên mệnh“: Người hiền đức quân tử luôn biết tôn trọng mệnh Trời, là thế. Vì họ luôn xác tín được rằng tình yêu thương Thiên Chúa dành cho họ thật là trời biển, thật là vô bờ bến và những gì Người làm cho họ hay để xảy đến cho họ, niềm vui cũng như nỗi buồn, đều chỉ nhằm mưu cầu hạnh phúc chân thật cho họ mà thôi
    Và tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho nhân loại được tỏ bày một cách rõ ràng và cụ thể nhất trong Mười Điều Răn mà Người đã long trọng truyền giao cho thánh tổ phụ Mô-sê xưa kia trên núi thánh Si-nai (núi Hô-rép).
    Thật vậy, nội dung của Mười Điều Răn Thiên Chúa – Mến Chúa và yêu người – là tình yêu và sự thật. Vì thế, Mười Điều Răn Thiên Chúa không những nâng đỡ và chỉ lối cho từng người tìm tới được ý nghĩa và hạnh phúc chân thật của đời mình, nhưng còn là phương tiện chân chính duy nhất có thể giúp thăng tiến và tạo nên một xã hội lành mạnh, an bình và tươi sáng thực sự.
    Bởi vậy, Mười Điều Răn Thiên Chúa là nền tảng cho mọi luật lệ chân chính của xã hội loài người. Nói cách khác, mọi luật lệ của các tổ chức, của các đoàn thể, của các dân tộc và của toàn xã hội loài người, đều phải đặt nền tảng trên tinh thần Mười Điều Răn Thiên Chúa, nếu chúng thực sự muốn phục vụ các quyền con người, các phúc lợi chung của xã hội.
    Điều đó cũng muốn nói rằng khi bất cứ một luật lệ loài người nào không được xuất phát từ tinh thần Mười Điều Răn Thiên Chúa hay không phù hợp với tinh thần Mười Điều Răn Thiên Chúa, thì chắc chắn nó chỉ tạo nên sự bất ổn, sự đổ vỡ và sự bất hạnh cho các cá nhân và cho cả xã hội, chứ không thể mang lại sự an vui, hạnh phúc và những điều tích cực chân chính được. Và đó là ý nghĩa của lời Kinh Thánh dạy: „Phúc cho dân tộc nào có Thiên Chúa làm Chúa mình“ (Tv 33,12), tức dân tộc biết tin thờ Thiên Chúa và tuân giữ Mười Điều Răn của Người.
    Nguyện xin Thần Linh Thiên Chúa soi sáng cho mỗi người trong chúng ta nhận chân được những sự thật trên đây, để chúng ta biết yêu mến và tuân giữ nghiêm chỉnh Mười Điều Răn Thiên Chúa ở mọi nơi và trong mọi lúc, hầu cho tất cả chúng ta đạt tới được cứu cánh đời mình là sự cứu rỗi và cuộc sống hạnh phúc muôn đời trong Nước Thiên Chúa.
    Imprimatur
    LM NGÔ TÔN HUẤN
     
    Chia sẻ
    Bạn đã xem hết