24. Học Hỏi Để Sống Đạo

HOC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - PHỤNG VỤ LÀ GÌ?

  •  
    phung phung
    Mon, Nov 14 at 8:03 AM
     
     
     
     

    Một tuần mới bình yên và tốt đẹp nhé. Hãy cố gắng tham dự Thánh Lễ (Tiệc Thánh) thường xuyên hơn và sốt sắng hơn nhé.
    Cha Vương
     
    Thứ 2: 14/11/2022
    GIÁO LÝ: Phụng vụ là gì? Phụng vụ là việc thờ phượng chính thức của Hội thánh. (YouCat, số 167)
     
    SUY NIỆM: Một cử hành phụng vụ không phải một biến cố gồm những ý tưởng tốt và những thánh ca hay. Không phụng vụ nào tự tạo ra mình cũng như tự mình sáng kiến ra. Phụng vụ chứng tỏ về một đời sống đức tin đã lớn dần trong nhiều thế kỷ. Một việc đạo đức là một biến cố thánh, đáng được tôn trọng. Phụng vụ trở nên hấp dẫn khi ta cảm nghiệm được chính Thiên Chúa đang có mặt trong các dấu hiệu thánh và trong các kinh nguyện quý báu và thường là rất cổ kính.
     
    Phụng vụ là việc thờ phượng chính thức được hoàn thành do dân và cho dân. Theo truyền thống Kitô Giáo, phụng vụ có nghĩa là dân Chúa tham gia vào “việc” của Chúa. Việc quan trọng nhất trong các cử hành phụng vụ là Phụng vụ Thánh Thể. Các cử hành phụng vụ khác đều tùy thuộc vào Phụng vụ Thánh Thể, chẳng hạn như cử hành các bí tích, các việc tôn thờ, các buổi chầu chúc lành, các cuộc rước kiệu, và phụng vụ các giờ kinh.
      Phụng vụ không bao giờ được rút gọn vào một cuộc họp nhóm để cử hành riêng cho mình... Nhờ được tham dự vào việc Chúa Kitô trở về cùng Chúa Cha... chúng ta cũng được thông công cùng các thánh. Đúng thế, chúng ta một cách nào đó được tham gia phụng vụ trên trời. (Đức Hồng Y Ratzinger trong cuốn “Thiên Chúa và thế giới”) (YouCat, số 167 t.t.)
     
    LẮNG NGHE LỜI CHÚA: Ngày thứ nhất trong tuần, chúng tôi họp nhau để bẻ bánh. Ông Phao-lô thảo luận với các anh em và vì hôm sau ông ra đi, nên ông đã kéo dài cuộc nói chuyện đến mãi nửa đêm. Có khá nhiều đèn ở lầu trên, nơi chúng tôi họp nhau. (Cv 20:7-8)
     
    CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa là Linh Mục Tối Cao, là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Xin giúp con luôn yêu mến, tôn trọng, siêng năng và hăng hái tham dự những biến cố thánh để cảm nghiệm được chính Thiên Chúa đang có mặt trong việc cử hành phụng vụ rồi một ngày nào đó con được cùng với các thánh tham gia phụng vụ trên trời.
     
    THỰC HÀNH: Nhận định lại thái độ của bạn khi tham gia vào việc cử hành phụng vụ Thánh Thể. Làm một thay đổi cho chính mình để ý thức hơn rằng mỗi khi tham dự Thánh Lễ là mình đang tham gia vào “việc” của Chúa nhé.
     
     

HOC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - NGUỒN GỐC LỄ CAC LINH HỒN

  •  
    phung phung  CHUYỂN

     

     

     

     

    MẦU NHIỆM CÁC THÁNH THÔNG CÔNG

     

    1. Nguồn Gốc Lễ Cầu Cho Các Linh Hồn

     

    – Theo lịch sử Hội thánh: Thánh Odilo (962- 1048) là viện phụ của đan viện Cluny trong đế quốc Germany, là một tu sĩ rất có lòng đạo đức.  Ngài luôn tưởng nhớ cầu nguyện kèm ăn chay hãm mình và dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời . Một hôm, một đan sĩ Dòng của ngài đi hành hương Đất thánh.  Trên đường trở về, tàu chở vị đan sĩ đã bị bão đánh giạt vào một hòn đảo, và tại đây đan sĩ đã gặp gỡ và trao đổi với một vị ẩn sĩ.  Trong buổi trò chuyện, ẩn sĩ cho biết: “Trên đảo này có nhiều hang lửa, trong hang có nhiều linh hồn người chết thường bị hành hạ, đánh đập đau đớn.  Có lần tôi nghe được mấy tên quỉ phàn nàn với nhau về Viện phụ Odilo và các đan sĩ Dòng Cluny mỗi ngày đều giải thoát được một số linh hồn được ra khỏi hang lửa nói trên.  Vì thế, xin thầy hãy về nói với cha Odilo và các anh em trong Dòng tiếp tục cứu giúp các linh hồn đang chịu đau khổ.  Việc này làm cho các thánh trên trời vui mừng và cũng làm cho ma quỷ trong hỏa ngục phải buồn sầu tức giận.  Sau khi nghe tu sĩ kể lại sự việc, cha Odilo đã chọn ngày 2 tháng 11 hằng năm để cử hành lễ cầu hồn trong đan viện Cluny của ngài.  Về sau lễ cầu hồn này đã truyền sang nước Pháp, và Đức Giáo hoàng Gioan 14 đã thiết lập lễ Cầu cho các linh hồn trong Hội Thánh Công Giáo Rôma từ giữa thế kỷ 11.

     

    – Giáo lý Hội Thánh Công giáo do Đức Thánh cha Gioan Phaolo 2 ban hành năm 1992 có 3 số nói về luyện ngục như sau:

     

    Số 1030: Cần có Luyện ngục: “Những ai chết trong ân sủng và ân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh tẩy cách trọn vẹn, thì tuy được bảo đảm về ơn cứu độ muôn đời của mình, vẫn phải chịu một sự thanh luyện sau khi chết, hòng đạt được sự thánh thiện cần thiết để bước vào niềm vui thiên đàng.

     

    Số 1031: Luyện ngục để thanh tẩy: “Giáo Hội gọi là luyện ngục là sự thanh luyện sau cùng này của các người được chọn, hoàn toàn khác với hình phạt của những kẻ bị án phạt.  Giáo Hội đã trình bày giáo lý của đức tin về Luyện ngục, nhất là tại các Công đồng Florentia (xem DS 1304) và Trentô (xem DS 1820; 1580).  Dựa vào một số bản văn của Thánh Kinh (Chẳng hạn 1 Cr 3,15; 1 Pr 1,7), truyền thống của Giáo Hội nói đến một thứ lửa thanh luyện: “Đối với một số những lỗi lầm nhẹ, ta phải tin có một thứ lửa thanh tẩy trước ngày Phán xét, theo như những gì mà Đấng là Chân lý đã dạy khi Ngài nói rằng nếu ai nói lời phạm thánh chống lại Chúa Thánh Thần, thì sẽ không được tha cả đời này lẫn ở đời sau” (Mt 12,31).  Theo lời quyết đoán này, chúng ta có thể hiểu rằng một số lỗi lầm có thể được tha ở đời này, nhưng một số lỗi khác thì được tha ở đời sau” (Th. Gregoriô Cả, Dial. 4,39).

     

    Số 1032: Người sống cứu người chết: Giáo huấn này cũng dựa vào cách cầu nguyện cho kẻ chết, như được nói đến trong Thánh Kinh: “Đó là lý do tại sao ông Giuđa Macabê đã truyền phải dâng hy lễ đền tội này cho các người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi của mình” (x. 2 Mcb 12,46).

     

    – Ngày 10 tháng 8 năm 1915: Trong một Tông hiến, Tòa thánh cho các linh mục được dâng 3 lễ vào ngày lễ Cầu hồn: 1 cầu như ý người xin, được lấy bổng lễ, 1 cầu theo ý Đức Thánh Cha (không bổng), và 1 cầu cho các linh hồn (không bổng).  Giáo hội cũng xác định dành trọn tháng 11 dành để cầu cho các linh hồn Luyện ngục.

     

    – Ngày 1 tháng 11 năm 1967, ĐTC Phaolô 6, trong Tông huấn Ân xá đã ban một đại xá với điều kiện thường lệ (xưng tội, rước lễ, cầu theo ý ĐGH) cho những ai “viếng nhà thờ vào Chúa nhật trước hoặc sau, hoặc chính lễ Các Thánh (số 67), và những ai viếng nghĩa địa trong 8 ngày đầu tháng 11 để cầu cho các linh hồn (số 13).

     

    1. Giáo Lý Về Một Hội Thánh Ba Tình Trạng:

     

    Chúa Giêsu thiết lập Nước Trời là Hội Thánh.  Hội Thánh ấy hiện nay gồm có ba tình trạng: Một là Hội Thánh “Lữ Hành,” hai là Hội Thánh “Vinh Thắng,” ba là Hội Thánh “Đau Khổ” như sau:

     

    Hội Thánh “Lữ Hành” trần gian: Gồm các tín hữu đang còn sống, đang bước đi trên con đường của Chúa Giêsu.  Như Dân Israel xưa, Hội thánh sẽ phải vượt qua sa mạc trần gian tiến về Đất Hứa Nước Trời là Thiên Đàng đời sau.  Các tín hữu trong Hội thánh lữ hành trần gian còn phải chiến đấu với ba thù là ma quỷ, thế gian và xác thịt của mình.  Họ được Chúa ban cho hai thứ bánh thiêng liêng là Bánh Lời Chúa và Bánh Thánh Thể.  Nhờ đó họ sẽ đủ sức vượt qua sa mạc trần gian để tiến về miền Đất Hứa là Thiên Đàng đời sau.

     

    – Hội Thánh “Vinh Thắng” trên trời: Gồm các tín hữu đã qua đời trong niềm tin cậy vào Chúa.  Khi còn sống ở trần gian, các ngài đã thực hành Hiến Chương Nước Trời là Tám Mối Phúc Thật của Chúa Giêsu, nên ngày nay các ngài đang được hưởng hạnh phúc Thiên Đàng với Chúa.

     

    – Hội Thánh “Đau Khổ” thanh luyện: Gồm các tín hữu tuy đi theo con đường của Chúa Giêsu, nhưng khi chết vẫn đang ở trong tình trạng còn nhiều sai lỗi, chưa xứng đáng được vào Nước Trời.  Họ cần tiếp tục chịu đau khổ trong ngọn lửa tin yêu để được thanh luyện sạch mọi vết nhơ.  Rồi khi hoàn toàn trở nên thánh thiện, họ sẽ được về hưởng hạnh phúc Thiên Đàng.

     

    1. Tín Điều Các Thánh Thông Công:

     

    Ngọai trừ các người theo ma quỷ phải sa hỏa ngục để chịu hình phạt lìa xa Chúa đời đời, còn các tín hữu tin vào Chúa Giêsu dù còn sống hay đã qua đời, dù đã được lên trời hay đang được thanh luyện cũng đều được thông hiệp với ơn cứu độ của Chúa Giêsu và cầu nguyện cho nhau.  Đó là mầu nhiệm các thánh cùng thông công:

     

    Các tín hữu còn sống có thể giúp các linh hồn đã qua đời bằng việc viếng nhà thờ hay Đất Thánh và đọc kinh cầu nguyện, xưng tội rước lễ và cầu nguyện hiệp thông với Đức Giáo Hoàng để được nhận các ân xá trong dịp đầu tháng 11; Nhất là có thể xin lễ và hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn, làm các việc lành phúc đức như chia sẻ bác ái phục vụ với ý chỉ cầu nguyện đền tội thay cho các linh hồn ông bà cha mẹ đang ở trong chốn luyện hình.  Nhờ đó các linh hồn sẽ được ơn Chúa chiếu soi, được thêm lòng yêu mến Chúa để được tha thứ tội lỗi như lời Chúa: “Yêu nhiều sẽ được tha nhiều.  Khi các linh hồn được nên thanh sạch thánh thiện hoàn toàn thì sẽ được Chúa đưa vào hưởng hạnh phúc Thiên Đàng.  Bấy giờ các ngài sẽ không quên cầu bầu cùng Chúa xuống muôn ơn lành cho con cháu là chúng ta trên trần gian.

     

    Riêng khái niệm về Lâm-bô: Lâm bô là khái niệm của thánh Albertô Cả (1200-1280), nói về một nơi dành cho các linh hồn trẻ em chết khi chưa được lãnh bí tích Rửa tội.  Tuy chúng không bị phạt nhưng cũng không được lên thiên đàng vì chưa được rửa tội.  Về sau khái niệm này ít được đề cập đến.  Gần đây Ủy ban thần học quốc tế thuộc bộ Giáo Lý Đức Tin đã công bố một tài liệu mang tên “Niềm hy vọng ơn cứu rỗi dành cho các trẻ em chết mà không được rửa tội. Trong đó Ủy Ban cho rằng: “Giả thuyết về Lâm-bô” không có nền tảng rõ ràng trong Mặc Khải.  Theo ủy ban, có nhiều lý do rút ra từ thần học và phụng vụ cho phép chúng ta tin tưởng và hy vọng rằng các em chết trước khi được rửa tội cũng được hưởng nhan thánh Chúa, vì “Thiên Chúa muốn cho hết mọi người đều được hưởng ơn cứu độ.  Tuy vậy, Ủy ban cũng khẳng định bí tích rửa tội vẫn là điều kiện cần thiết để được hưởng ơn cứu rỗi của Đức Giêsu như lời Chúa phán: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5).  Tóm lại: Hội Thánh tín thác các em chết khi chưa chịu phép rửa tội cho lòng thương xót của Chúa, và hy vọng nhờ đức tin của Hội Thánh, các em cũng được hưởng ơn cứu độ (x. GLHTCG số 1261).

     

    1. Phải “Biết Chết” Để “Biết Sống”:

     

    – Không thích nói đến cái chết: Nhiều người nghĩ rằng: không nói đến sự chết thì mình sẽ không phải chết.  Nhà tỷ phú Mỹ William Randoph Hearst, chủ nhân của nhiều tờ báo và phim trường ở Holywood hồi trước thế chiến thứ hai, đã ra lệnh cấm các nhân viên của mình nhắc đến từ ngữ “chết” trước mặt ông.  Những ai lỡ miệng nói ra liền bị đuổi việc.  Ông là người thông minh, tài giỏi, thành công, nhưng lại không dám đối diện với sự thật phũ phàng là sự chết!  Rồi cuối cùng Hearst cũng bị chết bất đắc kỳ tử, để lại một tòa lâu đài rộng lớn, hiện nay trở thành một điểm du lịch nổi tiếng ở bang California Hoa Kỳ.

     

    – “Sinh ký tử quy” (Sống gửi thác về): Nhiều người khi lớn tuổi liền nghĩ đến việc hậu sự và lo chuẩn bị cho cái chết của mình, bằng việc mua đất nghĩa trang, chọn nhà quàn, mua sẵn ván làm hòm để trong nhà.  Họ còn viết chúc thư về những điều con cháu phải làm để lo việc ma chay cho họ: Khi chết phải cho họ chiếc áo này, đeo vòng ngọc kia, cầm cái quạt nọ.  Lại còn dặn dò phải bỏ vào quan tài dụng cụ này hay vòng vàng kia để sử dụng ở thế giới bên kia, giống như chuẩn bị hành lý cho một chuyến đi xa để về với ông bà tổ tiên.

     

    – Chết là bắt đầu một cuộc sống mới: Đối với những kẻ không tin có Thiên Chúa và đời sau thì chết đi là hết!  Nếu quả thực như thế thì cái chết thật đáng sợ!  Vì nó là đặt dấu chấm hết tất cả những ước mơ của đời người: “Con người là bụi cát lại trở về với cát bụi!”  Nhưng đức tin Kitô giáo dạy cho biết: chết không phải là hết.  Nó chỉ là khởi đầu của một cuộc sống mới vĩnh hằng.  Sau cái chết mỗi người sẽ phải trả lẽ những gì đã làm khi còn sống trước tòa Chúa phán xét.  Nếu chúng ta đã sống trong ân nghĩa của Chúa thì giờ chết sẽ là sự trở về ngôi nhà của mình.  “Sinh ký tử quy”: Chúng ta sẽ được trở về thiên đàng, là nhà của Thiên Chúa Cha, Đấng đã dựng nên loài người chúng ta.  Ở đây không còn nước mắt đau khổ, nhưng chỉ có niềm vui và hạnh phúc viên mãn như sách Khải Huyền đã viết: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ.  Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, khóc than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (x. Kh 21,4).

     

    – Đền tội khi sống lúc chết: Dầu vậy trong cuộc sống, ít nhiều lần các tín hữu chúng ta cũng đã để cho những dục vọng làm chủ bản thân mình, khiến chúng ta không vâng lời Chúa, không làm theo thánh ý Thiên Chúa. Đó là ta đã phạm tội hay mắc phải các thói hư.  Khi chúng ta còn sống thì các tai nạn, bệnh tật và các điều trái ý cực lòng gặp phải sẽ giúp chúng ta đền tội đã phạm.  Rồi sau khi qua đời chúng ta còn tiếp tục được thanh luyện trong lửa tin yêu gọi là tình trạng luyện hình.

     

    5- Lời Cầu:

     

    Lạy Chúa Giêsu, mỗi lần đối diện với cái chết gần kề, con cảm thấy run sợ vì con chưa sẵn sàng để gặp Chúa.  Trong suốt cuộc đời, con đã lo toan rất nhiều thứ như lo tìm kiếm tiền tài, danh vọng, chức quyền trần gian…  Còn điều quan trọng chính yếu là chuẩn bị cho giờ chết sẽ đến thì con lại chưa quan tâm đúng mức!  Con thật dại khờ khi nghĩ rằng mình sẽ có đủ thời gian chuẩn bị trước khi chết.  Nhưng lời Chúa đã dạy “Con Người sẽ đến như kẻ trộm” và đòi con phải luôn tỉnh thức bằng thái độ sẵn sàng.  Một ngày nào đó con không ngờ trước, con sẽ phải ra trình diện trước mặt Chúa, không biết bấy giờ Chúa có nhận ra con không, hay Chúa sẽ bảo con: “Ta không hề biết các ngươi.  Hãy xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!” (Mt 7,23).

     

    Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con ơn khôn ngoan của Thánh Thần để con sống trọn vẹn từng giây phút hiện tại Chúa ban trong ơn nghĩa Chúa, để ngày nào đó khi giờ chết đến, con sẽ ra trình diện trước mặt Chúa không phải như hai người xa lạ, nhưng như người rất thân quen.

     Khi ấy Chúa sẽ gọi con bằng một cái tên trìu mến và giang rộng vòng tay đón con vào hưởng hạnh phúc Nước Trời đời đời: “Hỡi kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy vào hưởng ‘Vương Quốc’ dọn sẵn cho các con từ thuở tạo thiên lập địa” (x. Mt 25,34), Amen!

     

    Lm. Đan Vinh

     

     

    --

HỌC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - CƯỚI RỒI THÌ SAO?

  •  
    Chi Tran -LEYEN

     
     
     
    Cưới nhau về thì đạo ai nấy giữ.
    Giải Đáp và Hướng Dẫn:
    Lm. Antôn Pađôva Hà Văn Minh, Gp. Phú Cường
     
    Hỏi:
    Con chào cha. Con theo đạo công giáo. Anh bạn con theo đạo Phật. Anh bạn con thì hay đến nhà thờ để sinh hoạt với mọi người. Nhưng anh bảo anh không theo đạo được vì anh phát nguyện theo Phật rồi. Anh bảo cưới nhau về thì đạo ai nấy giữ. Nhưng con cái thì anh lại bảo là để nó lớn lên trưởng thành rồi nó thích theo đạo ba thì theo thích theo đạo mẹ thì theo chứ anh không muốn tụi nhỏ phải theo một đạo nào từ lúc còn quá nhỏ chưa biết gì. Anh bảo con có thể cho nó đi nhà thờ, lấy giáo lý ra dạy cho nó hiểu. Có điều lớn lên hãy cho nó tự quyết đạo của nó. Con đang khó xử về vấn đề này quá. Cha cho con xin một ý kiến được không ạ?
    Đinh Thị Thảo Duyên
    Đáp:
    Nếu chị muốn kết hôn hợp pháp với bạn trai của chị là người không công giáo, chị phải có phép chuẩn kết hôn khác đạo của bản quyền địa phương. Để có phép chuẩn đó buộc chị phải làm đơn xin, với lời cam kết tuuan giữ các điều kiện theo Giáo luật qui định
    Điều kiện để được chuẩn hôn phối: Phép chuẩn hôn phối được ban do Đấng bản quyền địa phương. Theo Giáo luật khoản 1125: Nếu có lý do chính đáng và hợp lý, Bản Quyền sở tại có thể ban phép ấy; tuy nhiên, đừng nên ban phép khi chưa hội đủ những điều kiện sau đây:
    a. Bên công giáo phải tuyên bố sẵn sàng xa tránh mọi nguy cơ làm tổn thất Ðức Tin, và hứa thành thật sẽ làm hết mọi sự có thể để con cái được rửa tội và giáo dục trong Giáo Hội công giáo.
    b. Vào lúc thuận lợi, phải cho bên kia biết những lời hứa mà người công giáo phải giữ, để chính họ được thực sự ý thức về lời hứa và bổn phận của bên công giáo.
    c. Cả hai bên phải được giáo huấn về các mục đích và đặc tính cốt yếu của hôn phối, và không bên nào được loại bỏ các điều ấy.
    Giáo Hội luôn tôn trọng tình yêu nam nữ, nhưng Giáo Hộin không thể quên nhiệm vụ chính yếu của mình là làm cho mọi người nhận biết Thiên Chúa là Cha yêu thương, Đấng đã sai Con Một của Ngài, Đức Giêsu Kitô, đến trần gian để cứu chuộc con người. Phần rỗi của con người mới là cứu cánh của nhiệm vụ mà Giáo Hội phải chu tất.
    Hơn nữa trách nhiệm của mọi tín hữu là tuyên xưng và loan truyền đức tin của mình. Là ngừoi Kitô hữu chị hãy mạnh dạn tỏ cho người yêu của chị biết lập trường đức tin của chị. Có lẽ chị còn nhớ lời của Chúa dạy: Ai muốn theo Ta thì hãy bỏ mình vác Thập giá mà theo” (Mc 8, 34), Chúa còn nhấn mạnh: “Ai yêu con trai, con gái hơn Ta, thì không xứng đang làm môn đệ Ta” (Mt, 10, 37). Đức tin là một lời đáp trả yêu thương dành cho Đấng đã yêu thương chúng ta, lời đáp trả một cách tự do không một cưỡng bức nào, lời đáp trả là một sự chọn lựa dứt khoát từ một biện phân về gía trị của của cuộc sống.
    Người Kytô hữu ai cũng nhận ra rằng, ý nghĩa của cuộc sống đích thật không thể tìm thấy ở nơi trần thế, nhưng chính nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta. Chắc chị nhớ lời Chúa Giêsu đã nói với Nicođêmô: “không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi Nước và Thần Khí” (Ga 3,5), và chúng ta, những người Kitô hữu luôn xác tín: sự sống đời đời là cứu cánh đức tin của chúng ta, được vào Nước Thiên Chúa là ước mong của chúng ta. Vì thế, làm cha mẹ ai chẳng muốn cho con cái mình đạt tới được sự sống vĩnh cửu, ai chẳng muốn cho con cái mình được hạnh phúc. Cho nên, khi sinh con cái, cha mẹ Kiô hữu phải ý thức rằng, chúng ta không chỉ mang lại cho nó sự sống trần thế, nhưng chúng ta còn phải trao ban cho nó sự sống đời đời qua việc cho nó được trở thành con cái của Thiên Chúa.
    Hơn nữa, anh chị là những người trưởng thành, cho nên mọi việc anh chị quyết định phải là một chọn lựa có tự do. Khi làm đơn xin chuẩn hôn phối, anh chị cam kết tuân giữ những yêu cầu Giáo luật đòi hỏi, anh chị phải thực hiện điều mình cam kết, đừng coi chữ ký của anh chị ký trong đơn xin chỉ là một hình thức có lệ. Hãy tôn trọng điều mình cam kết.
    Thân ái chào chị.
     
     
     

HỌC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - CHA VƯƠNG

  •  
    phung phung

    Tại sao Hội thánh thường hay cử hành phụng vụ?

    Tạ ơn Chúa đã ban cho bạn một ngày mới để tôn vinh và ca ngợi tình yêu ngọt ngào của Chúa trong mọi hoàn cảnh. Tối Halloween ăn kẹo ít ít thôi nhé kẻo lên cân đó!

    Cha Vương

     Thứ 2: 31/10/2022

    GIÁO LÝ: Tại sao Hội thánh thường hay cử hành phụng vụ? Người dân Israel ngừng công việc “mỗi ngày 7 lần” (Tv 119, 164) để ngợi khen Thiên Chúa.

    Chúa Giêsu đã tham dự việc thờ phượng và cầu nguyện của dân Người. Người dạy các môn đệ cầu nguyện và tập hợp họ nơi nhà tiệc ly để cùng cử hành với họ việc thờ phượng lớn lao nhất trong các việc thờ phượng, đó là hiến mình làm lương thực. Hội Thánh khi mời ta tham dự phụng vụ là Hội Thánh trung tín với Lời Chúa khuyên dạy: Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy (1Cr 11,24). (YouCat, số 166)

     SUY NIỆM: Con người chúng ta phải thở để sống thế nào thì Hội thánh cũng thở và sống khi cử hành phụng vụ như vậy. Chính Thiên Chúa ngày này qua ngày khác, thổi vào Hội thánh sự sống mới và hiến tặng Hội thánh Lời Chúa và các bí tích.

    Một hình ảnh khác đề minh họa: mỗi dịp thờ phượng Chúa là một cuộc hẹn của tình yêu mà Chúa ghi trong nhật ký của ta. Ai đã cảm nghiệm được tình yêu Chúa thì sẽ tự nguyện đến đúng hẹn. Ai đôi khi không cảm nghiệm gì cả nhưng cũng đến đúng hẹn, thì họ chứng tỏ họ vẫn trung thành với Chúa. (YouCat, số 166 t.t.)

     LẮNG NGHE: Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy.” Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông:

    “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người. (Mc 14:22-24)

     CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, Chúa là Tình Yêu, “thờ phượng Chúa là một cuộc hẹn của tình yêu”. Con xin lỗi Chúa vì những lần con hứa hẹn rất nhiều mà chẳng đến để gặp Chúa trong bí tích, trong lời kinh nguyện. Xin cho những trang nhật ký của đời con được Chúa ghi vào bằng những lời yêu thương thắm thiết và gần gũi. 

     THỰC HÀNH: Đọc lại quyển nhật ký của đời bạn hôm nay nhé. Có bao nhiêu hàng chữ của Chúa?

     From: Đỗ Dzũng

     

HỌC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - CHA VƯƠNG -CHỮ AMEN LÀ GÌ?

  •  
    phung phung

    Tại sao chúng ta đọc "Amen" vào cuối kinh Tin kính

    Tạ ơn Chúa một ngày mới, ước mong bạn tận dụng những thời gian trong ngày để đến gần với Chúa và những người thân yêu hơn hôm qua nhé.

    Cha Vương

     Thứ 5: 27/10/2022

    GIÁO LÝ: Tại sao chúng ta đọc "Amen" vào cuối kinh Tin kính [hoặc các kinh đọc hằng ngày]? Chúng ta kết thúc kinh Tin Kính bằng từ Amen. Từ này theo tiếng Do Thái có nghĩa là “thưa vâng”, bởi vì Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở thành nhân chứng đức tin.

    Ai nói Amen là vui sướng và tự do tán thành công việc tạo dựng và cứu chuộc của Thiên Chúa, Amen cũng là tin tưởng chắc chắn, trông cậy và trung thành. (YouCat, số 165)

     SUY NIỆM: Theo tiếng Hibá, từ Amen có ý nghĩa vừa là “tin” vừa là “tin chắc, tin cậy và trung thành”. “Ai nói Amen là ký tên xác nhận” (Thánh Augustinô).

    Ta chỉ có thể công bố Amen không chút nghi ngại chỉ vì Chúa Giêsu đã chứng tỏ cho ta biết bằng cái chết và sự sống lại của Người rằng: Người là đấng trung thành, và đáng tin cậy. Người là “Amen” của loài người đối với tất cả những lời Thiên Chúa hứa, Người cũng là “Amen” dứt khoát của Thiên Chúa với mọi người chúng ta. 

     

    KINH THÁNH: ❦ Quả thật, mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là “có” nơi Người. Vì thế, cũng nhờ Người mà chúng ta hô lên “Amen” để tôn vinh Thiên Chúa. (2 Cr 1:20)

    Amen được dùng trong Cựu Ước với ý nghĩa chính là “mong được như vậy”, để làm cho mong ước hoạt động của Thiên Chúa mạnh mẽ hơn, hoặc để liên kết với lời ca tụng Thiên Chúa. Trong Tân Ước, Amen được dùng để tăng cường cho kết luận của lời cầu nguyện. Thường Chúa Giêsu dùng Amen cách đặc biệt để dẫn vào một lời nói quan trọng. Amen ở đây làm nổi uy thế của lời nói. (YouCat, số 165 t.t.)

     LẮNG NGHE LỜI CHÚA: Amen, Amen, Thầy nói cho anh em hay, anh em sẽ thấy Trời mở ra, và các Thiên Thần của Thiên Chúa lên xuống trên Con Người. (Ga 1:51)

     

     CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, là một người Ki-tô hữu tiếng “Amen” không còn gì xa lạ nhưng rất nhiều lần con chỉ đọc cho qua loa vô ý thức, xin cho con biết tin tưởng chắc chắn, trông cậy và trung thành vào lời con tuyên xưng như là một mệnh lệnh sống của đức tin trong ngày.

     

     THỰC HÀNH: Đọc chữ “amen” với niềm xác tín.

     

    From: Đỗ Dzũng