24. Học Hỏi Để Sống Đạo

HOC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - THIÊN THẦN CỦA CHÚA

 

  •  
    Kim Vu
     
     

     

    Tổng lãnh Thiên Thần Michael đứng đầu bảy vị Tổng lãnh Thiên Thần của Thiên Chúa.  Tiên Tri Daniel đã diễn tả Tổng lãnh Thiên Thần Michael đứng về phía Thiên Chúa: “Thời đó, Michael là đấng vẫn thường che chở dân người.” ( Daniel 12,1).

    Tổng lãnh Thiên Thần Michael được xưng tụng với danh xưng bằng tiếng Latinh: Quis ut Deus? – Ai bằng Thiên Chúa?

    Theo tương truyền:

    Thiên Thần Michael được liệt vào hàng Thiên Thần quân đội chiến đấu đã đánh thắng Thiên Thần quỉ dữ Lucifer.

     

    Thiên Thần Michael đã vâng lệnh Thiên Chúa cầm gươm đuổi Ông Bà nguyên tổ Adong-Evà ra khỏi vườn địa đàng, sau khi Ông bà phạm tội bất phục tùng Thiên Chúa. 

     

    Thiên Thần Michael cũng là vị Thiên Thần thổi kèn Posaune đánh thức gọi những người đã qua đời sống lại ra khỏi mồ.

    Tổng lãnh Thiên Thần Michael là vị Thiên Thần có sức mạnh khả năng đi đến quyết định dứt khoát lại mang chiến thắng cho Thiên Chúa, khi giết chết con rồng mãng xà ma quỷ, như sách Kinh Thánh thuật lại: “Bấy giờ, có giao chiến trên trời: thiên thần Mi-ca-en và các thiên thần của người giao chiến với Con Mãng Xà.  Con Mãng Xà cùng các thiên thần của nó cũng giao chiến.  Nhưng nó không đủ sức thắng được, và cả bọn không còn chỗ trên trời nữa.  Con Mãng Xà bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Xa-tan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ; nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó.” Khải Huyền 12, 7-9).

    Tổng lãnh Thiên Thần Michael, theo vâng mệnh Thiên Chúa, đã quyết định lằn ranh giữa Trời và hỏa ngục.  Vì thế , Vị Tổng lãnh Thiên Thần Michael được chọn là quan thầy bầu cử cho những người trong giờ phút cơn hấp hối. 

     

    Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel

     

    Tên Gabri-El có ý nghĩa “sức mạnh của Thiên Chúa.”  Là Vị sứ giả của Thiên Chúa được sai đến báo tin cho thiếu nữ Maria ở làng Nazaret, Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa sẽ đầu thai làm người trong cung lòng Maria: “Sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng Toàn Năng sẽ phủ rợp bóng trên chị…” ( Lc 1,26/38).

    Khi hiện ra với Ngôn sứ Dacharia trong đền thờ, vị Tổng lãnh Thiên Thần đã nói: “Tôi là Gabriel, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông.” ( Lc 1,19).

    Hằng ngày trong đời sống đức tin của Hội Thánh, vào lúc 12.00 giờ trưa chuông thánh đường đổ hồi, kinh tuyền tin được xướng đọc lên.  Như vào mỗi ngày Chúa Nhật lúc 12.00 giờ trưa, Đức Thánh Cha từ trên cửa sổ văn phòng làm việc cùng đọc kinh truyền tin với mọi người Giáo dân đứng tụ tập ở quảng trường Thánh Pherô bên Vatican. 

    Tiếng chuông lúc 12.00 trưa và Kinh Truyền tin nhắc nhớ đến Tổng lãnh Thiên Thần Gabri-El, là Sứ Giả của Thiên Chúa mang loan báo tin vui Chúa Giêsu Con Thiên Chúa xuống trần gian làm người. 

    Tổng lãnh Thiên Thần Rafael

    Tên Rafa-El mang ý nghĩa “Thiên Chúa chữa lành.”  Trong Kinh Thánh sách Tobia thuật lại Thiên Thần Rafael vâng mệnh Thiên Chúa chữa lành bệnh mắt cho Tobia:

    “Ngay lúc ấy, lời cầu xin của hai người là Tô-bít và Xa-ra đã được đoái nghe trước nhan vinh hiển của Thiên Chúa.  Và thiên sứ Ra-pha-en được sai đến chữa lành cho cả hai.  Ông Tô-bít thì được khỏi các vết sẹo trắng ở mắt, để ông được ngắm nhìn tận mắt ánh sáng của Thiên Chúa.” (Tobia 3, 16)

    Thiên Thần Rafael luôn hằng đồng hành che chở Tobia trên đường đi.  (Tobia 6, 10)

    Tổng lãnh Thiên Thần Rafael trở thành bổn mạng phù hộ cho con người đi xa du lịch 

    Ông Bà Cha Mẹ nào ngay từ lúc con cháu còn nhỏ thơ bé cũng đều to nhỏ âm thầm cầu xin với các Thiên Thần phù hộ cho đời sống thể xác lẫn tinh thần của chúng.  Bằng an hồn xác là nhu cầu căn bản rất cần thiết cho đời sống.

    Sống lòng bác ái giúp đỡ nhau, kính trọng sự sống, điều chân thật lẽ phải luôn là nhu cầu làm nên khung nền kiến tạo đường đời sống tình liên đới con người với nhau trong xã hội.

    Sống thể hiện một đời sống trong tương quan tình liên đới với Đấng là nguồn đời sống, nguồn tình yêu và ơn tha thứ, luôn là nhu cầu khát vọng của tinh thần con người ở đời.

    Nhu cầu tinh thần này không chỉ là nhu cầu thiêng liêng đạo giáo, nhưng đó là nhu cầu đời sống văn hóa của con người ở vào mọi thời đại.  Nhu cầu tinh thần văn hóa này cùng với những nhu cầu khác cho sự sống thể xác giúp đời sống có đầy đủ ý nghĩa, triển nở cùng mang đến niềm vui hạnh phúc.

    Các Thiên Thần của Thiên Chúa là Sứ giả được Thiên Chúa gửi sai đến cùng đồng hành trợ giúp con người trong mọi hoàn cảnh đời sống thể hiện tình lòng thương xót bác ái vị tha. 

    Với người tín hữu Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa là Đấng của sự chân thật, sự tốt lành thiện hảo, là Thiên Chúa của lòng khoan dung tha thứ qua Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô.

    Lòng tin vào Thiên Thần vượt quá khỏi sự suy hiểu cùng thắc mắc của trí khôn con người, thắc mắc thuộc về đời sống con người, và thắc mắc giúp con người tỉnh thức thêm ra. 

     

    Lễ kính các Tổng Lãnh Thiên Thần của Thiên Chúa, 29.09.

     

    Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long

     

     

    --

 

HỌC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - LM NGÔ TÔN HUẤN

  •  
    Chi Tran

     
     
     
     
    CÁC TỘI PHẠM VỀ 10 ĐIỀU RĂN
    LM Ngô Tôn Huấn
    Điều Răn Thứ Nhất : "Thờ phượng và Kính mến Đức Chúa Trời trên hết mọi sự"
    Hỏi:
    Người Công giáo có được phép tin 12 Con Vật làm chủ vận mạng con người và vũ trụ như huyền thoại Đông phương tin tuởng không ?
    Trả lời:
    Chắc chắn là không được phép tin, vì trái với Điều răn thứ nhất dạy ta phải
    Tin kính một Thiên Chúa là Đấng dựng nên muôn loài muôn vật, như Chúa Giêsu đã trả lời cho tên qủy đến cám dỗ Chúa trong hoang địa khi xưa:
    - “ngươi phải bái lậy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi và thờ phượng một mình Người mà thôi” (x. Mt 4,10).
    Đây cũng chính là mệnh lệnh của Thiên Chúa truyền cho dân Do Thái qua trung gian ông Mai- Sen :
    - “ Nghe đây hởi Ít-ra-en ! ĐỨC CHÚA,Thiên Chúa của chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất” (Deut 6,4)
    Như thế, mọi việc tin và tôn kính bất cứ một thần linh nào khác ngoài Thiên Chúa ra đều nghịch với Điều Răn Thứ Nhất của Bản Thập Giới (Decalogue).
    Cụ thể , trái với Điều Răn này là những thực hành nguy haị sau đây:
    1- thuyết đa thần (polytheism)= thần tài, thần bếp, thần hỏa, thần mưa, thần bão, thần gió..v,v
    2- tục mê tín dị đoan (superstitions) như kiêng con số 13, tin số 9.v.v...
    3- thờ ngẫu tượng (idolatry) tức là tôn thờ những gì không phải là Thiên Chúa như thờ ma qủy, thờ tiền của ,khoái lạc, quyền thế, danh vọng …
    4- hoặc thờ một con vật (the Beast) mà nhiều Thánh Tử Đạo đã thà chết chứ không chịu thờ lậy “Con vật” nào.
    (x. Sách Giáo Lý Công Giáo ,số 2113-2114).
    Cũng nghịch vớí Điều Răn thứ nhất là : các tin tuởng đặt vào khoa bói toán (divination) và ma thụât (magic) như : gọi hồn người chết, tra cứu tử vi, chiêm tinh, xem chỉ tay, bói quẻ, xin sâm, đồng cốt ,phù thủy, phong thủy…Khi đặt tin tưởng vào những việc này, ngươì ta đã gạt bỏ Thiên Chúa là Đấng duy nhất cầm quyền sinh tử cuả con người và vạn vật trong vũ trụ này.( x. Sđd. số 2115-2117)
    Ngoài ra, cũng đuợc xem là nghịch vơí Điều răn thứ nhất những ai theo thuyết vô thần (atheism) hoặc vô tôn giáo (irreligion).
    Thuyết vô thần đuợc xem là nguy haị cho đức tin Công giáo hơn cả vì thuyết này xoá bỏ hay phủ nhận mọi suy tư đưa đến nhìn nhận có Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên con người “linh ư vạn vật”cũng như toàn thể vũ trụ hữu hình và vô hình. Thuyết này cũng chối bỏ mọi tin tưởng đặt vào bất cứ thần linh nào ngoài con người và thế giới vật chất hữu hình này.
    Sau hết ,nghịch với Điều răn thứ nhất của Chúa còn phải kể đến tôi gọi là “vô tôn giáo (irreligion) thể hiện qua ba hình thức sau đây :
    a- Thử thách Chúa bằng lời nói hay hành động. Đây là tội của tên qủy đã thách Chúa Giêsu trong hoang địa hãy “giao mình xuống đất” từ trên nóc Đền Thờ. (x Lc 4,9)
    b- Phạm thánh (sacrilege): xúc phạm đến Thánh Thể, như quăng Mình Thánh xuống đất, đổ Máu Thánh còn dư sau Rước Lễ vào bồn rửa tay,nhất là đem Thánh Thể về nhà cho ai dùng để làm việc phù phép nào đó. Cũng được kể là phạm thánh khi có thái độ hoặc hành vi khinh thường các bí tích và á bí tích (Ảnh Tượng Chúa, Đức Mẹ và các Thánh, tràng hạt,sách kinh...) và có hành vi ô uế nơi thờ phượng như Nhà Thờ ,Nhà Nguyện.
    c- Tội maị thánh (còn gọi là buôn thần bán thánh=simonia); như đòi tiền để ban một bí tích, để dâng Lễ hay cầu nguyện cho ai... Đòi tiền ở đây khác với bổng Lễ (mass stipend) mà Giáo luật cho phép thu theo mức mà Giáo Quyền địa phương ấn định.
    Thí dụ ở các Giáo Xứ Mỹ, bổng lễ là 5 đôla cho mỗi ý Lễ. Linh mục không được phép đòi bổng Lễ cao hơn mức qui định và không được gây cho giáo dân lầm tưởng rằng dâng nhiều tiền thì được lợi ích thiêng liêng nhiều hơn là ít tiền hay không có bổng lễ. Nếu linh mục nào làm với ý này hoặc giáo dân nào muốn dùng tiền của để mua ơn thánh Chúa thì đều mắc tội maị thánh. (x. Sđd. Số 2111-2123)
    Đó là tóm luợc những tội nghịch với nhân đức thờ phượng dựa trên Điều răn Thứ Nhất trong Mười Điều Răn của Chúa mà quí tín hữu cần biết để tránh.
    LM Phanxcô Xaviê Ngô Tôn Huấn.
     ----------------------------------------------
     

HỌC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - LM NGÔ TÔN HUẤN

  •  
    Chi Tran
     
     
     
     


     
    Chúa có đòi hỏi con người phải xa tránh tội để được cứu rỗi không?
     
    Hỏi: xin cha giải thích rõ thêm: nếu Chúa Kitô đã chết để đền tội thay cho con người rồi, thì không ai cần phải làm gì nữa mà vẫn được cứu rỗi phải không ?

    Trả lời :
    Trước hết cần nói thêm tội là gì. Nói chung, tội là điều trái nghịch nhiều hay ít, xúc phạm đến tinh thương, sự công bình và thánh thiện của Thiên Chúa, Đấng trọn tốt trọn lành. Thí dụ, giết người là tội xúc phạm đến tình thương vô biên của Chúa.Vì tình thương này mà Chúa cấm giết người ( điều răn thứ năm).
    Lại nữa, tội phạm điều răn thứ sáu như gian dâm, ngoại tinh, mở nhà điếm để mua bán dâm, sản xuất, hay xem sách bào, phim ảnh dâm ô…những tội này xúc phạm đến sự thánh thiện, tốt lành của Chúa.
    Do đó, muốn sống đẹp lòng Chúa và muốn được cứu rỗi để vào Nước Trời hưởng phúc Thiên đàng, thì tuyệt đối phải xa tránh mọi tội lỗi, vì chỉ có tội mới làm cho con người phải xa cách Chúa là tình thương, công bình và thánh thiện.
    Chúa Kitô là “ Chiên Thiên Chúa Đấng xóa tội trần gian.” ( Ga 1: 29) như Thánh Gioan Tẩy Giả đã tuyên xưng một ngày kia. Và đây chính là sứ mệnh của Chúa khi xuống trần gian làm Con Người để hy sinh “ hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người.” ( Mt 20: 28).
    Như thế , nếu không có công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Giê su-Kitô, thì tuyệt đối không ai có thể làm được gì để đáng được cứu độ mà vào Nước trời vui hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Thiên Chúa là Cha đầy lòng sót thương con cái loài người.
    Nói khác đi, nếu Chúa Kitô không vui lòng “ gánh tội trần gian” đến nỗi phải chết nhục nhã trên thập giá năm xưa , thì toàn thể nhân loại vẫn chìm xâu trong hố giệt vong vì tội đã lỗi nghịch cùng Thiên Chúa là Cha nhân từ nhưng gớm ghét mọi tội lỗi.
    Nhưng Chúa Kitô đã chết thay cho toàn thể nhân loại, và trở thành Đấng Bảo Trợ cho con người trước mặt Thiên Chúa Cha, như lời dạy của Thánh Gioan Tông Đồ, ( 1 Ga 2: 1). Điều này chỉ có nghĩa là nhờ sự vâng phục và hy sinh mạng sống mình, Chúa Kitô đã hòa giải con người với Chúa Cha và mở đường cho con người được cứu độ, vì “ nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.” ( Gl 1: 20) .
    Thật vậy, nếu không nhờ Chúa Kitô đổ máu và chết trên thập giá, thì tội của con người vẫn là trở ngại lớn nhất khiến con người mất hết mọi ơn nghĩa với Thiên Chúa và không có hy vọng gì được sống hạnh phúc đời đời với Chúa trên Nước Trời, sau khi chấm dứt hành trình con người trên trần thế này.
    Nay con người có hy vọng được cứu rỗi, vì nhở có công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô .Tuy nhiên, vẫn phải nói là có hy vọng thôi, chứ chưa được bảo đảm 100% ngay bây giờ, không phải vì công nghiệp cứu chuộc của Chúa chưa đủ cho con người được cứu độ , mà vì con người còn có tự do để chọn Chúa và sống theo đường lối của Người, tức là công tác với ơn cứu độ của Chúa để xa tránh tội lỗi; hay khước từ Chúa và ơn cứu độ của Người để sống theo ý riêng mình, theo thế gian và làm nô lệ cho ma quỷ để đối nghich cùng Thiên Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành.
    Nói rõ hơn nữa, công nghiệp cứu chuộc vô giá và quá đủ của Chúa Kitô, chỉ có ích cho những ai cậy nhờ vào công nghiệp này, thể hiện cụ thể qua quyết tâm từ bỏ mọi tội lỗi để sống cho Chúa , đối nghịch hoàn toàn với đường lối của thế gian do ma quỷ sắp đặt và giật dây. Nếu không có quyết tâm này thì công nghiệp và Danh Thánh Giê-su vẫn hoàn toàn vô ích cho ai khước từ Chúa để sống theo thế gian và làm nô lệ cho ma quỷ , kẻ thù của Thiên Chúa và cũng là kẻ không muốn cho ai được cứu độ để vào Nước Trời là nơi quỷ Satan và bè lũ đã bị tống ra ngoài vì tội kiêu căng chống lại Thiên Chúa.
    Mặt khác, vì tội là cản trở duy nhất cho con người đến gần Thiên Chúa và lãnh nhận ơn cứu độ của Chúa Kitô , nên khẩn thiết phải đoạn tuyệt với tội lỗi qua nỗ lực cá nhân nương nhờ ơn Chúa phù trợ. Do đó, không thể nghĩ sai lầm rằng đã có Chúa Kitô chết để đền tội thay cho con người rồi , nên cứ tự do sống buông thả theo đòi hỏi bất chính của bản năng, theo quyến rũ của thế gian với đầy rẫy gương xấu và dịp tội , và nhất là đầu hàng ma quỉ để phạm mọi giống tội và làm những sự dữ, như thực trạng của biết bao con người trên thế gian vô luân vô đạo hiện nay . Nghĩa là công nghiệp cứu chuộc của Chúa không phải là cái “ bảo hiểm nhân thọ” cho ai cứ tự do sống theo ý riêng của mình, bất cần quan tâm đến những đòi hỏi của Tin Mừng Cứu Độ về một đời sống mà Thánh Phaolô đã dạy như sau:
    “ Tôi sống , nhưng không còn phải là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong xác phàm là sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” ( Gl 2: 20)
    Đức Kitô sống trong ai thì người đó phải xa lìa mọi tội. Chính vì nguy cơ của tội lỗi mà Chúa Giêsu đã nhiều lần dạy phải từ bỏ mọi tội lỗi . Cụ thể, sau khi tha tội cho một phụ nữ phạm tội ngoại tình và bị bọn biệt phái bắt đem đến xin Chúa cho ném đá, Chúa đã nói với chị kia như sau:
    “ Tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.” ( Ga 8: 11)
    Lại nữa, sau khi chữa lành cho môt người đã bị ốm đau suốt 38 năm, khi gặp lại anh này sau đó trong Đền Thờ, Chúa đã nói với anh như sau:
    “ Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước.” ( Ga 5: 14)
    Hơn thế nữa,Chúa còn nghiêm khắc đòi hỏi phải tránh dịp tội và gương xấu cho mình và cho người khác là điều kiện để được sống đời đời như sau:
    “ Nếu tay ngươi làm cớ cho ngươi sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục, phải vào lửa không hề tắt….” ( Mt 18: 8-9; Mc 9: 43)
    Như thế đủ cho thấy là không thể lấy cớ Chúa Kitô đã chết để đền tội thay cho con người rồi, nên không ai cần phải quan tâm đến vấn đề tội nữa.
    Chúa đã chết để tha tội cho con người : đúng . Nhưng Chúa không tiêu diệt hết moi tội lỗi trên trần gian và trong bản tính yếu đuối của con người, nên cơ hội phạm tội vẫn còn đó cho con người phải chiến đấu với nó để được hưởng công ơn cứu chuộc của Chúa Kitô, hay bị loại bỏ vì vẫn cứ phạm tội, cứ lợi dụng lòng thương sót tha thứ của Chúa mà không tỏ thiện chí muốn hoán cải để bước đi theo Chúa Kitô là “ Con Đường, là sự Thật và là sự Sống.” ( Ga 14:6)
    Nghĩa là chỉ bước đi theo Chúa Kitô thì mới không bị lạc đường, lạc lối và chắc chắn sẽ dẫn đến sự sống muôn đời.Trái lại, không bước đi theo Chúa mà bước đi theo thế gian, theo ma quỷ để tìm những lợi lãi chóng qua ở đời này, nhất là tìm những thú vui vô luân vô đạo thì chắc chắn sẽ dẫn đến hư mất đời đời, tức là không được hưởng công ơn cứu chuộc của Chúa Kitô. Trong viễn ảnh đó, Chúa Kitô, Đấng Bảo Trợ cho chúng ta trước Tòa Chúa Cha ở trên Trời cũng không thể làm gì hơn để biện hộ cho chúng ta được. Như thế, công nghiệp cứu chuộc của Chúa cũng không thể áp dụng cho những ai cứ ỷ lại vào tình thương của Thiên Chúa để không cộng tác với on Chúa mà xa tránh tội lỗi, sống theo đường lối của Chúa để được cứu độ.
    Nói khác đi, công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô và Danh Thánh Chúa Cứu thế Giêsu chỉ có ích cho những ai cậy nhờ vào công nghiệp và Danh Thánh này để sống theo đường lối của Chúa hầu nhiên hậu được cứu độ như lòng Chúa mong muốn vì “ Thiên Chúa Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.” ( 1Tm 2 : 4)
    Nhưng cho được đạt mục đích đó, con người phải tỏ thiện chí muốn được cứu độ qua quyết tâm từ bỏ ma quỷ, là kẻ thù nguy hiểm nhất, mà Thánh Phê rô đã ví như “ sư tử đói rảo quanh tìm mồi cắn xé.” ( 1 Pr 5:8) nên luôn tìm mọi cách để biến con người thành thù địch của Thiên Chúa hầu làm nô lệ cho chúng, và mất hy vọng được cứu rỗi. Thực tế đủ chúng minh điều này :
    Thử hỏi những kẻ đang giết người, bắt cóc, thủ tiêu, hãm hiếp phụ nữ và trẻ em , chắt đầu con tin như bọn khủng bố ISIS đang làm ở Trung Đông, giết thai nhi để kiếm tiền , như bọn Planned Parenthood đã và đang làm ở MỸ, bọn buôn bán phụ nữ và trẻ nữ cho kỹ nghệ mãi dâm và ấu dâm rất khốn nạn và tội lỗi; hoặc bọn độc tài chính trị gian tham vơ vét tài sản của quốc gia để làm giầu cho cá nhân và tập đoàn cai trị, bóc lột , bất công và nhắm mắt bịt tai trước sự suy thoái trầm trọng về luân lý và đạo đức của xã hội, dửng dưng hay vô cảm ( numb, insensitive ) trước sự nghèo đói, bần cùng của quần chúng… thì làm sao tất cả bọn này có thể được cứu độ, nếu chúng không kịp từ bỏ những sự dữ và tội ác chúng đang làm để ăn năn sám hối xin tha thứ ?
    Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã nói với một số người đến hỏi Chúa xem có phải mấy ngươi bị Tổng Trấn Phi-la-tô giết chết và 18 người khác bị thác Si-lô--ê đổ xuống đè chết là những người tội lỗi hơn người khác hay không .
    Chúa đã trả lời họ như sau :
    “ …Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu.Nhưng nếu các ông không sám hối thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”, ( Lc 13: 5)
    Tại sao Chúa không nói : các ngươi đừng lo sợ gì, cứ an tâm làm gì tùy thích, vì đã có công nghệp cứu chuộc của ta bao che cho khỏi bị luận phạt. Cứ kêu danh Ta là được cứu độ !
    Ngược lại, Chúa nói rất rõ như sau:
    “ Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lậy Chúa ! Lậy Chúa ! là được vào Nước Trời cả đâu, mà chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi.” ( Mt 7: 21)
    Thi hành ý muốn của Cha trên Trời có nghĩa thực thi những gì Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, đã dạy bảo ,và tuyền lại cho Giáo Hội ngày nay trách nhiệm dạy dỗ cho con cái mình sống để được cứu rỗi, căn cứ theo lời dạy sau đây của Chúa Kitô:
    “ Ai nghe anh em là nghe Thầy ; ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy.”( Lc 10: 16).
    Như thế rõ ràng cho thấy là nếu không nghe lời Chúa dạy bảo qua Giáo Hội, là Thân thể Nhiệm mầu của Chúa trên trần gian, tức là không cộng tác với ơn cứu chuộc của Chúa mà xa lánh tội lỗi, từ chối lời mời mọc của thế gian vô luân vô đạo, và cám dỗ tinh quái của ma quỉ, thì Chúa không thể cứu ai được, dù Người đã hy sinh chết một lần trên thập giá. Và công nghiệp cực trọng này đủ cho con người được cứu rỗi , nếu con người có thiện chí cộng tác với ơn Chúa để xa tránh mọi tội lỗi, mọi sự dữ mà Chúa chê ghét.
    Tóm lại , công nghiệp và Danh Thánh Chúa cứu thế Giêsu là niềm vui và hy vọng cứu rỗi của mọi người chúng ta. Nhưng muốn được hưởng công nghiệp ấy, thì phải từ bỏ ma quỉ và đoạn tuyệt với tội lỗi. Nếu không thì công nghiệp ấy vẫn hoàn toàn vô ích cho những ai cứ đi hàng hai là nửa tin yêu Chúa, nửa muốn sống theo thế gian, chiều theo những khuynh hướng xấu của bản năng và thỏa hiệp với ma quỷ để đối nghịch với Thiên Chúa, khiến làm hư công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô.
    Những ai sống như vậy, hay mở tai nghe lời cảnh cáo nghiêm khắc sau đây của Chúa Kitô trong Sách Khải Huyền:
    “ Ta biết các việc ngươi làm. Ngươi chẳng nóng mà cũng chẳng lạnh. Phải chi ngươi nóng hẳn hay lạnh hẳn đi. Nhưng vì ngươi cứ hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.” ( Kh 3: 15-16).
    Chúa cũng nói : “ ai có tai nghe thì nghe.” ( Mt 13: 43; Mc 4: 23; Lc 8: ��
    Ước mong những giải thích trên đây thỏa mãn câu hỏi được đặt ra.Amen.
    LM.Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
     
     
     

HỌC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - LÃNH NHẬN BÍ TÍCH SÁM HỐI

  •  
    Chi Tran
     
     
     
     
     


    Để lãnh nhận Bí Tích Sám Hối, hối nhân phải ăn năn tội như thế nào?
     
    Bí tích Sám Hối bao gồm ba hành vi của hối nhân và sự xá giải của tư tế. Ba hành vi của hối nhân là: ăn năn tội, xưng tội và đền tội.
    02-BitichSamhoi.jpg
    1. Ăn năn tội là gì?
    Ăn năn tội là “đau đớn trong lòng và chê ghét tội đã phạm, dốc lòng chừa từ nay không phạm tội nữa” (CĐ Triđentinô, Sess. 14a, Doctrina de sacramento Paenitentiae, c.4; DS 1676).
    Điều 987 của Bộ Giáo luật quy định: “Để hưởng nhờ phương dược cứu độ của bí tích Sám Hối, người Kitô hữu phải được chuẩn bị thế nào để trở về với Thiên Chúa bằng cách từ bỏ các tội đã phạm và quyết tâm sửa mình”.
    Từ bỏ các tội đã phạm là tâm tình hướng về quá khứ, còn quyết tâm sửa mình là tâm tình hướng về tương lai. “Vì vậy, sự hối cải bao trùm cả quá khứ lẫn tương lai, được nuôi dưỡng bằng sự trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa” (GLHTCG, số 1490).
    Từ bỏ các tội đã phạm và quyết tâm sửa mình, cả hai liên kết với nhau một cách chặt chẽ: Việc quyết tâm sửa mình bổ túc cũng như cụ thể hóa việc từ bỏ tội lỗi và hướng về Thiên Chúa. Rồi việc quyết tâm sửa mình lại do lòng ăn năn và chịu ảnh hưởng của lòng ăn năn. Chỉ khi nào hối nhân thật sự chê ghét tội lỗi thì sự quyết tâm sửa mình mới có được nền tảng vững chắc.
    2. Ăn năn tội là việc quan trọng nhất
    Trong các hành vi của hối nhân, ăn năn tội là quan trọng nhất. Vì chưng, nếu hối nhân không thật lòng ăn năn hối cải và không tìm về hiệp thông với Thiên Chúa thì Thiên Chúa không thể giải thoát họ khỏi lầm lỗi và cho họ được giải hòa với Ngài. Nếu hối nhân không thật lòng ăn năn thì họ không thể xưng tội cách chân thành và không thực tâm muốn làm việc đền tội.
    “Trong các hành vi của hối nhân, việc ăn năn tội phải chiếm chỗ nhất, vì ăn năn tội là “đau đớn trong lòng và chê ghét tội đã phạm, dốc lòng chừa từ nay không phạm tội nữa” (CĐ Triđentinô, Sess. 14a, Doctrina de sacramento Paenitentiae, c.4; DS 1676). Vì chưng, “Chúng ta phải tiến đến Đức Kitô bằng việc hoán cải (metanoia), nghĩa là bằng sự chân thành thay đổi toàn diện con người, nhờ sự thay đổi này, con người khi đã được sự thánh thiện và tình thương của Thiên Chúa thúc đẩy, sẽ bắt đầu suy nghĩ, phán đoán và sắp xếp lại cuộc đời. Chính sự thánh thiện và tình thương ấy đã được tỏ bày trong Chúa Con và được thông ban dư đầy cho chúng ta” (x. Dt 1,2; Cl 1,19; Ep 1,23). Bởi thế, việc sám hối chân thật tùy thuộc vào sự ăn năn này. Vì việc trở về phải thay đổi con người từ bên trong, để ngày càng soi sáng con người sâu rộng hơn và làm trở nên giống Chúa Kitô hơn” (Nghi thức Bí tích Sám Hối, số 6a).
    3. Phải ăn năn tội như thế nào?
    “Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo” đã phân biệt việc ăn năn tội cách trọn và ăn năn tội cách chẳng trọn như sau:
    - “Khi sự ăn năn tội xuất phát từ lòng yêu mến Chúa trên hết mọi sự, thì được gọi là ăn năn tội “cách trọn” (ăn năn do đức mến). Cách ăn năn tội này xóa bỏ các tội nhẹ; và cũng đem lại ơn tha thứ các tội trọng, nếu hối nhân quyết tâm đi xưng tội càng sớm càng tốt” (số 1452).
    - “Ăn năn tội “cách chẳng trọn” (hoặc hối hận) cũng là một hồng ân của Thiên Chúa, một thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Nó phát sinh khi thấy sự xấu xa của tội lỗi hoặc vì sợ bị luận phạt đời đời và sợ các hình phạt khác mà kẻ tội lỗi phải chịu (ăn năn do sợ hãi). Sự khích động lương tâm như vậy có thể là khởi đầu của một tiến trình nội tâm, tiến trình này sẽ được hoàn tất dưới tác động của ân sủng nhờ ơn xá giải bí tích. Việc ăn năn tội cách chẳng trọn tự nó không đem lại ơn tha thứ các tội trọng, nhưng chuẩn bị tâm hồn đón nhận ơn tha tội trong bí tích Thống Hối” (số 1453).
    Như vậy, ăn năn tội cách chẳng trọn và lãnh nhận bí tích Sám Hối, thì đã đủ cho được khỏi tội. Còn nếu khi bị ngăn trở không lãnh nhận bí tích Sám Hối được, mà ta giục lòng ăn năn tội cách trọn và ước ao lãnh nhận bí tích Sám Hối, thì cũng được khỏi tội.
    Lm LG Huỳnh Phước Lâm - GP.Long Xuyên
     
     

HỌC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - EM MUỐN VÀO ĐẠO CÔNG GIÁO?

  •  
    Chi Tran

     
     
     
     
     


     
    EM MUỐN VÀO ĐẠO CÔNG GIÁO
    Sở dĩ em muốn vào đạo Công Giáo vì vài lý do thú vị ban đầu. Không hiểu vì cơ duyên nào đó, em được tiếp xúc với nhiều người công giáo. Họ thực sự là những người dễ mến và tử tế, hòa đồng và chân thành.
    Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Phật Giáo, tuy nhiên, em thú nhận rằng mình chưa hiểu nhiều về giáo lý nhà Phật. Vì nhiều lý do khác nhau, em cứ để cuộc sống nổi trôi theo học tập và công việc. Trong dòng đời ấy, rất nhiều lần em được tiếp xúc với môi trường bên Kitô Giáo[1]. Em nói như thế vì không chỉ bên đạo Tin Lành thu hút em, nhưng đạo Công Giáo cũng là một con đường mời gọi em bước vào.
    Dạo phố với em, tôi may mắn được em chia sẻ nhiều thao thức, ước mơ và thắc mắc liên quan đến tôn giáo. Là người học thức, em thừa biết mỗi tôn giáo đều có những phương thế chỉ cho con người tìm đến hạnh phúc, bình an. Nhưng cụ thể phương thế ấy là gì, thì em chịu! “Thiên Chúa là ai, Ngài có hiện hữu không? Đạo Thiên Chúa có thực sự là con đường tốt nhất để em bước vào không?” Đó là chuỗi những câu hỏi mà trong em hằng khắc khoải. Dĩ nhiên tôi chẳng thể trình bày một mớ kiến thức về Thiên Chúa cho em lúc này. Thay vào đó, tôi lắng nghe và chia sẻ chút cảm nghiệm của mình về Thiên Chúa với em. Lồng trong đó là những lời thầm nguyện dành cho em. Ước sao Thiên Chúa ban ánh sáng để em can đảm theo Ngài.
    Sở dĩ em muốn vào đạo Công Giáo vì vài lý do thú vị ban đầu. Không hiểu vì cơ duyên nào đó, em được tiếp xúc với nhiều người công giáo. Họ thực sự là những người dễ mến và tử tế, hòa đồng và chân thành. Em cảm nhận như thế! Tạ ơn Thiên Chúa vì những chứng nhân em gặp được.[2] Đó là bước khởi đầu để em đặt dấu hỏi về nguồn động lực nào để người công giáo sống được như thế. Em lên đường đi tìm. Trên hành trình ấy, đôi khi em lẫn lội những người Tin Lành với người Công Giáo[3]. Là người bạn, tôi hạnh phúc chia sẻ với em đôi điều khác nhau giữa hai đạo này. Hy vọng em hiểu hơn và có thêm chất liệu để đưa ra quyết định cho riêng mình.
    Dừng lại bên vỉa hè dưới bóng cây cổ thụ, tôi chỉ cho em nhà Dòng Thánh Phaolô, một tu viện cổ kính với những bóng dáng người tu sĩ đang dạo bước trong vườn. Ông Phaolô là người theo đạo Do Thái. Khi Đức Giêsu sống lại, Giáo Hội Công Giáo đang trong bước khởi đầu phát triển. Trong bối cảnh đó, chính Phaolô ra sức bách bớ những ai tin vào Đức Giêsu. Trên đường truy lùng bắt tận những tín hữu theo đạo này, Phaolô đã được Chúa Giêsu phục sinh kêu gọi: hãy tin vào Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô. Ông đã tin và trở thành môn đệ truyền giáo nhiệt thành, vĩ đại trong Giáo hội Công Giáo sơ khai.
    Sở dĩ tôi lan man đến chuyện thánh Phaolô, để nói với em rằng mỗi ngày đều có nhiều người được Đức Giêsu mời gọi nên con cái của Chúa. Lời gọi ấy không âm thanh, không ồn ào, không lôi kéo, nhưng nó nhẹ nhàng chuyển biến trong tâm hồn những ai đang muốn bước theo Ngài. Nó cũng tựa như những điều em chia sẻ với tôi:
    “Em không biết Thiên Chúa nhiều, nhưng mỗi khi buồn sầu, những lúc gặp chuyện chẳng may, em cũng cầu xin Chúa. Điều lạ lùng là em nhận thấy mình được bình an hơn, được may mắn hơn.” – Em nói trong xúc động.
    Lời chia sẻ ấy cũng là dấu chỉ để em thấy Thiên Chúa đang mời gọi mình. Dĩ nhiên Thiên Chúa không hiện diện như bất cứ người nào, hoặc vật thể hữu hình nào. Ngài có đó, nhưng ta chẳng thể nhìn bằng đôi mắt thể lý. Ngược lại, qua lời em nói, chúng ta có thể cảm nhận được Thiên Chúa và Ngài đang chi phối đời sống của chúng ta. Đó là một trong những con đường để em thấy Thiên Chúa thực sự đồng hành với mỗi người.
    Điều em thắc mắc vốn gây bất ngờ với tôi: “Em có thể vào đạo Công Giáo, nhưng vẫn tin Đức Phật không?” Hỏi như thế, vì em biết nếu mình bước vào đạo Công giáo, ít nhiều sẽ gặp cản trở từ phía gia đình.
    Em thân mến,
    Tôn giáo nào cũng đòi người tín hữu trung thành và yêu mến Đấng họ tin theo với trọn vẹn con tim và lý trí. Dĩ nhiên em không thể vừa tin Thiên Chúa và vừa tin vào Đức Phật, (hay ngược lại). Chúng ta tạm chấp nhận đạo nào cũng tốt. Khi muốn đối thoại với Phật Giáo cũng như những tôn giáo khác, Giáo Hội Công Giáo nhấn mạnh: “Kitô hữu cũng như các tín đồ các truyền thống tôn giáo khác, tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa đích thân mời gọi để đi vào mầu nhiệm của đức kiên nhẫn của Ngài, khi con người nỗ lực tìm ánh sáng và chân lý nơi Ngài. Chỉ có Thiên Chúa biết lúc nào và vào giai đoạn nào sẽ hoàn thành con đường thăm thẳm mà con người từng bước tìm về Ngài.”[4]
    Mặt khác, Giáo Hội Công Giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo ấy[5]. Giáo Hội nhìn thấy trong mỗi tôn giáo, Phật Giáo cũng vậy, những hạt mầm đức tin rất tốt. Để từ đó, bên Công Giáo tiếp tục trong đối thoại, để chia sẻ, giới thiệu cho mỗi người về một Đức Giêsu Kitô vốn là đường, sự thật và sự sống. (Ga 14,6).
    Tôi không muốn đi vào quá nhiều tài liệu bàn về vấn đề này! Hẳn nhiên nếu là người công giáo, em cũng cần giữ lòng kính trọng đến các tôn giáo khác. Nếu em yêu mến Thiên Chúa càng nhiều, Ngài càng chỉ cho em biết cách cư xử với gia đình em ra sao, và cần đón nhận những tôn giáo khác như thế nào. Điều quan trọng là em cần quyết định đi vào một tôn giáo duy nhất mà thôi.
    Cảm ơn em vì những chia sẻ và thao thức của em. Hy vọng em để cho lòng mình thanh thản, để “ơn trên” soi sáng. Từ đó, tôi đoan chắc em sẽ tìm thấy câu trả lời cho đời sống tâm linh của mình. Em đừng ngần ngại thì thầm với Thiên Chúa. Ngài hiểu những điều em ước nguyện. Tuy chưa được rửa tội để trở thành con Chúa, nhưng Ngài có cách để em bước vào một thế giới mới. Nơi đó, hầu chắn có nhiều ngôn ngữ nhà đạo mới, giáo lý mới, niềm tin mới, và con người mới. Càng tìm hiểu, hy vọng em càng xác tín vào lựa chọn của mình. Chắc chắn không ai hiểu hết Thiên Chúa. Nhưng với tâm hồn cởi mở, với ước ao tốt lành, em sẽ được Thiên Chúa hướng dẫn để bước vào Giáo Hội của Ngài.
    Chia tay em, tôi cầu chúc cho em thật nhiều bình an trên hành trình khám phá niềm tin của mình. Em biết điều này: Thiên Chúa sáng tạo muôn loài. Nhiều thế kỷ trước Công Nguyên, người Do Thái chờ mong Đấng Cứu Thế. Đức Giêsu Kitô đã đến vào đêm Giáng Sinh. Sau thời gian rao giảng Nước Trời, Ngài đã chịu chết. Sau ba ngày, Ngài đã sống lại. Đó là Tin Mừng cho muôn dân. Em có thể đọc thấy những điều này trong Kinh Thánh. Tin hay không, tùy em, bởi mỗi người đều có tự do lựa chọn tôn giáo cho riêng mình! Cầu chúc cho em thật nhiều bình an để sớm đưa ra quyết định cho hành trình đức tin của mình, em nhé!
    Trên đường về nhà, lời em cứ văng vảng trong tôi: Em muốn vào đạo Công Giáo! Đó là ước muốn tốt lành thánh thiện. Hy vọng một ngày nào đó tôi nhận được tin vui: “Thầy ơi! Em đã lãnh nhận bí tích rửa tội rồi!” Hy vọng và nguyện cầu cho em thật nhiều!
    Giuse Phạm Đình Ngọc SJ(dongten.net)
    [1] Kitô giáo là từ gọi chung của nhiều nhánh khác nhau. Hai ngàn năm qua, do nhiều bất đồng, bối cảnh lịch sử và chính trị, đã hình thành các hệ phái Kitô giáo khác nhau. Bốn nhánh chính hiện nay của Kitô giáo là Công giáo Rôma, Tin Lành, Chính Thống giáo Đông phương, và Chính Thống giáo Cựu Đông phương.
    [2] Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI chia sẻ: “Con người ngày nay họ cần chứng nhân hơn thầy dạy, và nếu họ tin vào lời thầy dạy, thì chính thầy dạy đó là chứng nhân”.
    [3] Anh em bên Tin Lành không tin vào Huấn Quyền của Giáo Hội Công Giáo Rôma. Họ không có 7 bí tích. Giáo lý Tin Lành chỉ tập trung vào Đức Giêsu Kitô, vào đức tin, ân sủng và Kinh Thánh.
    [4] Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn, Đối Thoại và Rao Truyền, số 84.
    [5] X. Công Đồng Vaticano II, Tuyên ngôn Nostra aetate, số 2.