HỌC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - TÌM HIỂU VỀ VẠ TUYỆT THÔNG

  •  
    Chi Tran - LEYEN
     
     
     
     


     
    TÌM HIỂU VỀ VẠ TUYỆT THÔNG CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
     
     
    Vạ tuyệt thông (hay dứt phép thông công, rút phép thông công) là một hình phạt của Giáo hội Công giáo Hoàn vũ dành cho những giáo sĩ và giáo dân phạm trọng tội. Khi một người bị tuyên án vạ tuyệt thông thì về bản chất, người đó bị tách rời ra khỏi sự "hiệp thông" với những tín hữu khác trong Giáo hội, về hình thức là bị khai trừ khỏi tổ chức Giáo hội.
    Theo Giáo luật có hai hình thức vạ tuyệt thông:
    Vạ Tuyệt thông tiền kết và Vạ Tuyệt thông hậu kết.
    1. Vạ tuyệt thông tiền kết: được ấn định cho một số tội. Ngay sau khi phạm, đương sự lập tức bị vạ, không cần Giáo hội phải ra công bố. Theo Bộ Giáo luật hiện hành, hiện nay chỉ còn bảy loại vi phạm bị chế tài Vạ tiền kết:
    1. Qui định của điều 1364, §1: Người bội giáo, lạc giáo hay ly giáo, sẽ bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết.
    2. Qui định của điều 1367: Ai ném bỏ Bánh Thánh, lấy hoặc giữ với mục đích phạm thánh, bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa thánh.
    3. Qui định của điều 1370, §1: Người nào hành hung Đức Giáo hoàng sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa thánh.
    4. Qui định của điều 1398: Ai thi hành việc phá thai, và việc phá thai có kết quả, sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết.
    * Những hành vi hay tội mà một Tư tế hay một Giám mục có thể vi phạm:
    5. Qui định của điều 1378, §1: Tư tế hành động ngược lại các quy định ở điều 977, sẽ bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa thánh.
    6. Qui định của điều 1388, §1: Cha giải tội nào vi phạm trực tiếp ấn bí tích, phải bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa thánh.
    7. Qui định của điều 1382: Giám mục nào không có ủy nhiệm thư Giáo hoàng mà phong chức Giám mục cho người khác, cũng như người nào được thụ phong do Giám mục ấy sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa thánh.
    Trong bảy qui định vạ trên đây, có năm loại Vạ tuyệt thông chỉ được giải do chính Tòa thánh (2, 3, 5, 6 và 7), còn hai loại Vạ kia (1 và 4) có thể được giải do Giám mục giáo phận hay những linh mục được ủy thác.
    2. Vạ tuyệt thông hậu kết: được ấn định cho một số tội. Sau khi phạm, đương sự chưa lập tức bị vạ. Đương sự chỉ bị vạ sau khi Giáo hội ra công bố.
    3. Quyền phạt và tha vạ tuyệt thông
    1. Vạ tuyệt thông hậu kết chỉ ràng buộc phạm nhân sau khi vạ được tuyên án. Một Giám mục có thể ra vạ tuyệt thông hậu kết cho người ngoan cố không chịu sửa lỗi nặng đã được cảnh cáo. Nếu chịu hối lỗi thì Giám mục có thể tha vạ này.
    2. Vạ tuyệt thông là tiền kết nghĩa là đương nhiên bị vạ này khi phạm một trong những tội hay lỗi nghiêm trọng ghi trên đây, chỉ có Giáo hoàng được giải vạ này.
    Tuy nhiên, trong trường hợp nguy tử thì bất cứ linh mục nào cũng được phép tha mọi tội và giải vạ tuyệt thông tiền hay hậu kết.
    Giáo luật nói rõ những hậu quả của vạ tuyệt thông như sau:
    - Không được cử hành hay lãnh nhận mọi bí tích kể cả á bí tích của Giáo hội.
    - Đối với giáo sĩ và tu sĩ: không được hành xử mọi chức vụ, tác vụ hay bất cứ nhiệm vụ nào cũng như bị cấm hưởng dùng các đặc ân đã được ban cấp trước đó.
    Người bị vạ tuyệt thông tạm thời bị tách ra khỏi mọi hiệp thông với Giáo hội cho đến khi vạ được tha bởi người có thẩm quyền trong Giáo hội.
    Vạ tuyệt thông, dù là hình phạt nặng nhất của Giáo hội, nhưng không có nghĩa là lời kết án vĩnh viễn cho ai phải ra khỏi sự hiệp thông với cộng đồng Dân Chúa. Nghĩa là Giáo hội vẫn mở rộng cửa để đón nhận trở lại những ai phạm tội có thiện chí ăn năn và xin được tha tội. Vì thế theo Giáo hội hình phạt này chỉ tạm thời cho những người ngoan cố không chịu ăn năn, sửa lỗi.
    4. Một số vạ tuyệt thông trong lịch sử Giáo hội
    Trong lịch sử Giáo hội đã ra một số vạ tuyệt thông như:
    - Hoàng đế La Mã Frederick II đã bị vạ tuyệt thông 2 lần vào năm 1227 và 1239, vì sự lớn mạnh của vương quốc này vốn đe dọa đến tính chất độc lập của quốc gia Vatican.
    - Năm 1521, Martin Luther người sáng lập ra phong trào cải cách tại châu Âu vào thế kỷ XVI, và giáo phái Tin lành, đã bị Giáo hoàng Leo X ra vạ tuyệt thông. Ông đã chỉ trích việc làm này của Giáo hội, và tấn công vào quyền bính của Giáo hoàng.
    - Vua Henry VIII của Anh quốc đã cố thuyết phục Toà thánh Vatican giải trừ cuộc hôn nhân của ông vào năm 1527 và năm 1533, Giáo hội đã không đả động gì, từ đó vua Henry đã quyết định thành lập ra Giáo hội Anh giáo, tuyên bố ly khai khỏi giáo hội hoàn vũ, Giáo hoàng Clemente VII đã ra vạ tuyệt thông.
    - Vào năm 1949, vạ tuyệt thông được áp dụng cho những cử tri cộng sản tại Ý dưới thời Giáo hoàng Piô XII, người nổi tiếng chống lại Cộng sản, một hành động nhằm vào Đảng Cộng sản Ý. Trong những năm vừa qua, Giáo hội đã không còn đề cập gì nữa đến những người cộng sản hay những người đã từng ủng hộ cho Cộng sản.
    - Juan Peron, tổng thống của Achentina từ năm 1946-1955 và từ năm 1973-1974, đã bị vạ tuyệt thông vào năm 1955 sau khi tiến hành một chiến dịch vận động tranh cử chống lại giới tu sỹ. Sau khi đã hối hận ăn năn, ông đã được cho phép thông công trở lại với Giáo hội.
    - Clemente Dominguez được thụ phong linh mục vào năm 1976 bởi một vị Tổng Giám mục đã phản bội Giáo hội tại Tây Ban Nha, và vài ngày sau đó, ông đã tự phong chính mình lên thành Giám mục. Ông bị vạ tuyệt thông ngay tức khắc. Vào năm 1978, Dominguez lại tự tuyên bố mình là Giáo hoàng, do Đức mẹ Maria hiện ra và báo cho ông ta biết làm như vậy.
    - Vào năm 1988, vị Tổng Giám mục người Pháp là Marcel Lefebvre đã bị trục xuất, vì ngang nhiên coi thường với những cải cách của Công đồng Vatican II (từ năm 1962 – 1965). Toà thánh đã ra vạ tuyệt thông vị Tổng Giám mục này sau khi ông tấn phong 4 vị giám mục mới mà không có sự đồng ý của Toà thánh, các Giám mục mới được phong này, cũng bị vạ tuyệt thông luôn.
    - Tại Washington vào năm 1990, linh mục George A. Stallings và Cộng đoàn Công giáo người Mỹ gốc Phi châu, đã ngang nhiên tách rời ra khỏi Giáo hội Công giáo La Mã, khuyến khích việc phong chức linh mục cho phụ nữ và việc sử dụng thuốc ngừa thai và phá thai, do đó đã bị vạ tuyệt thông.
    - Vào năm 1997, Bộ Giáo lý và Đức tin đã ra vạ tuyệt thông nhà thần học người Srilanca là linh mục Tissa Balasuriya, người mà Toà thánh Vatican cho biết là đã thách thức quyền bính của Giáo hoàng và những giảng dạy của Giáo hội về phép rửa tội, về tội nguyên tổ và sự trinh khiết vẹn toàn của Đức Maria. Balausuriya gọi hành động ra vạ tuyệt thông là độc đoán, và cho rằng đã không được trao cho cơ hội để tự bào chữa.
    - Vào năm 1999, Giáo hội ra vạ tuyệt thông đối với linh mục James Callan, một cựu linh mục người Hoa Kỳ đã cử hành lễ cưới cho những người đồng tính luyến ái và trao cho những người phụ nữ có những vai trò khá nổi bật trên bàn thờ.
    - Ngày 4 tháng 5 năm 2006, Toà thánh Vatican đã thông báo về việc ra vạ tuyệt thông 4 vị Giám mục của Giáo hội Công giáo Trung Quốc được Nhà nước thừa nhận vì đã tấn phong hai vị Giám mục mà không được sự đồng ý của Toà thánh (hai vị được thụ phong và hai vị chủ phong).
    Gần đây nhất, ngày 4-7 và 16-7/2011 Toà thánh đã tuyên bố vạ tuyệt thông với 2 linh mục Lôi Thế Ngân của giáo phận Lạc Sơn và linh mục Huỳnh Bỉnh Chương của giáo phận Sán Đầu (Trung Quốc) đã được tấn phong giám mục ngày 29-6 và 14-7/2011 mà không được Giáo hoàng bổ nhiệm./.
    Sứ Điệp Từ Trời theo thông điệp Bà MDM công khai chống báng Đức Giáo Hoàng Phanxico đương nhiệm theo Giáo luật 1367 triệt 1 là mắc vạ tuyệt thông tiền kiết