5. Mỗi Ngày Một Câu Kinh Thánh

10/05/24 thứ Sáu tuần 6 PS

Th. Gio-an A-vi-la, linh mục, tiến sĩ HT
Ga 16,20-23a
 

Niềm vui không thể mất

“Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui cua anh em, không ai lấy mất được.” (Ga 16,22)

Suy niệm: ‘Măng chua nấu với ngạnh nguồn, sự đời đắp đổi khi buồn khi vui.’ Cuộc sống con người buồn vui chen lẫn, cần biết thế để luôn giữ được cái tâm thanh thản đứng trước mọi nghịch cảnh. Như Chúa Giê-su báo trước, các môn đệ buồn sầu đau đớn khi chứng kiến cuộc thương khó của Ngài, nhưng họ sẽ vui mừng khi Ngài sống lại. Môn đệ Chúa cũng sống với cái buồn vui lẫn lộn. Nhưng có điều là nỗi buồn của họ sẽ biến thành niềm vui. Và niềm vui đó là niềm vui trong Chúa Ki-tô phục sinh, niềm vui chiến thắng sự chết, niềm vui được tái tạo trong đời sống mới. Niềm vui của họ chỉ có Chúa mới ban cho và không gì cướp mất đi được.

Mời Bạn: Chúa Ki-tô đã chết, đã sống lại và còn đang sống giữa chúng ta hôm nay. Ngài đang cùng chúng ta thi hành sứ vụ cứu thế trong một xã hội toàn cầu hóa nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, sâu rộng. Chúng ta được kêu mời để sống và chia sẻ niềm vui phục sinh ngay trong những hoàn cảnh tăm tối nhất, đau đớn nhất của đời sống cá nhân và xã hội. Không ki-tô hữu nào cho phép mình sống trong tâm trạng thất vọng về tương lai của mình và người khác.

Sống Lời Chúa: Bạn luôn tâm niệm: Bình an và niềm vui đích thật chỉ có nơi Thiên Chúa. Tôi xa tránh những gì làm tôi xa Chúa.

Cầu nguyện: Ôi lạy Chúa Giê-su! Chúa đã ở trong mồ đá ba ngày, nhưng nay Chúa đã sống lại. Xin Chúa luôn ở lại với chúng con. Xin Chúa chiếm hữu và làm cho chúng con thuộc về Chúa để chúng con luôn sống trong niềm vui của Chúa. Amen.

 

09/05/24 thứ Năm tuần 6 PS

Ga 16,16-20 

Nỗi buồn thánh

“Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.” (Ga 16,20)

Suy niệm: Trong ca khúc “Và con tim đã vui trở lại, nhạc sĩ Đức Huy nói lên tâm sự của người muốn “tìm một con đường, tìm một lối đi”, nhưng vì thiếu niềm tin định hướng, họ “lạc loài niềm tin, sống không ngày mai” và chạy theo cuộc vui chóng tàn: “Rồi cuộc vui tàn mọi người bước đi, một mình tôi về nhiều lần ướt mi.” Và rồi, những cuộc vui như thế chẳng mấy chốc lại trở thành nỗi buồn bởi vì nó không lấp đầy được sự trống trải của tâm hồn cũng không trút bỏ được cái gánh trĩu nặng của tội lỗi. Chúa Giê-su báo trước các môn đệ của Ngài sẽ phải đối mặt với nỗi buồn thống thiết nhưng rồi nỗi buồn ấy sẽ trở thành niềm hoan lạc vô bờ: buồn với Thầy trong nỗi thương đau của cuộc khổ nạn để rồi sẽ vui với Thầy trong niềm hoan lạc Phục Sinh.

Mời Bạn: Mỗi lần phạm tội, chúng ta cảm thấy buồn vì làm mất lòng Chúa, xa Chúa. Để “con tim vui trở lại” phải biết buồn vì tội lỗi, tức là sám hối trở về, Chúa sẽ biến nỗi buồn ấy trở thành niềm vui vì được giao hòa với Chúa và sống trong tình yêu của Ngài. Bạn hãy biết buồn khi lỡ phạm tội, buồn để thống hối, buồn để quay gót trở về, gặp Chúa Phục Sinh, đó là nỗi buồn thánh và mang lại niềm vui trong Chúa thật sự. Bạn có cảm nghiệm niềm vui đó sau một lần xưng tội sốt sắng không?

Sống Lời Chúa: Từ bỏ một tật xấu, bắt đầu từ tật xấu lớn nhất.

Cầu nguyện: “Lạy Chúa, lạy Chúa con, chính con trông cậy ở Ngài. Lạy Chúa, lạy Chúa con, hãy đưa con về sống trong niềm vui.”

(Lời bài ca “Sống trong niềm vui” của Nguyễn Duy)

 

07/05/24 thứ Ba tuần 6 PS

Ga 16,5-11

Điều lợi khi Thầy ra đi

“Nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng Bảo Trợ đến với anh em.” (Ga 16,7)

Suy niệm: Đức Giê-su ra đi, Người sẽ sai Chúa Thánh Thần đến. Ngài là Thần Khí của Thiên Chúa, giống như “gió, muốn thổi đâu thì thổi” (Ga 3,8), Ngài có thể “thổi” cùng một lúc ở nhiều nơi khác nhau, trên nhiều tâm hồn khác nhau. Như vậy Ngài có thể làm cho con người và cho cả Giáo Hội trở nên sống động. Chúa Thánh Thần cũng là Đấng Bảo Trợ sẽ làm công việc của một người Thầy: “Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26). Chúa Thánh Thần như người thầy, tiếp nối việc giảng dạy của Thầy Giê-su. Vai trò thầy dạy của Chúa Thánh Thần là soi sáng cho các môn đệ hiểu những gì Thầy Giê-su nói và làm mà các ông chưa hiểu hay hiểu chưa hết.

Mời Bạn: Chúng ta đang sống trong thời đại của Chúa Thánh Thần. Ngài là Đấng vô hình, nhưng luôn hoạt động một cách sống động và hiệu quả trong Giáo Hội và trong mỗi người. Chúa Thánh Thần chỉ dẫn và thôi thúc chúng ta thực hành giáo lý Đức Giê-su muốn truyền đạt. Vì thế nếu chúng ta mở rộng đôi tai tâm hồn để đón nhận thì sẽ nghe được tiếng nói của Chúa Thánh Thần trong lòng chúng ta. Lúc bấy giờ chúng ta sẽ nhận biết quả thật việc Đức Giê-su về cùng Chúa Cha và sai Chúa Thánh Thần đến là có lợi cho chúng ta.

Sống Lời Chúa: Trước khi làm việc gì, bạn dành một giây thôi để lắng nghe Chúa Thánh Thần soi sáng cho bạn biết phải làm thế nào cho đúng ý Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban Thánh Thần đến tác động và làm thầy dạy chúng con ngõ hầu chúng con đạt được điều ích lợi mà Đức Giê-su muốn cho chúng con. Amen.

 

08/05/24 thứ Tư tuần 6 PS

Ga 16,12-15 

Mầu nhiệm và sự hữu hạn

“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi.” (Ga 16,12)

Suy niệm: Để diễn tả sự bất lực của con người khi đứng trước mầu nhiệm không thể đạt thấu của Thiên Chúa, tác giả thánh vịnh đã thốt lên: “Kìa vực thẳm kêu gào vực thẳm” (Tv 42,8). Lời đó nói lên cảm nghiệm của người chưa đi xuống đến đáy vực thẳm này đã lại thấy mở ra vực thẳm khác. Một trong những “vực thẳm” tức là những “điều” mà bây giờ các tông đồ “không có sức chịu nổi” chính là mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, trung tâm của niềm tin Công Giáo, một điều chưa một ai dám khẳng định rằng mình có thể hiểu và giải thích được. Thật vậy, Chúa biết rằng với trí hiểu của loài người thì các tông đồ không thể hiểu hết dù cho Chúa có giải thích cách nào đi nữa. Chỉ khi nào “Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn.”

Mời Bạn: Nhưng đã ngót hai ngàn năm rồi, mà “sự thật toàn vẹn” về Chúa Ba Ngôi mãi mãi vẫn là một mầu nhiệm…! Trong thân phận thọ tạo, chúng ta chỉ có thể hiểu được những gì thuộc khả năng giới hạn của mình. Vì thế chúng ta chỉ có thể khiêm tốn cúi đầu thờ lạy Chúa, và nghe theo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần qua việc sống Lời Chúa và thực thi giới răn yêu thương Chúa đã dạy. Đó là cách thức mỗi ngày đi sâu vào sự hiểu biết mầu nhiệm cao cả này.

Sống Lời Chúa: Hãy trung thành thực hiện tình yêu của Chúa Ba Ngôi cách cụ thể ngay trong gia đình hay cộng đoàn mình đang sống qua việc phục vụ nhau bằng tình yêu và khả năng riêng biệt Chúa ban cho mỗi người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa, như tình yêu trong Chúa Ba Ngôi.

 

06/05/24 thứ Hai tuần 6 PS

Ga 15,26-16,4a 

Cùng Thánh Thần làm chứng cho Chúa Ki-tô

“Đấng Bảo Trợ… là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.” (Ga 15,26-27)

Suy niệm: Ngay lúc sắp chịu khổ hình Đức Giê-su giao cho các môn đệ nhiệm vụ làm chứng về Ngài. Lời chứng chỉ đáng tin khi người làm chứng là người trực tiếp chứng kiến, và hơn nữa họ hoàn toàn xác tín nói lên điều mà chính họ đã “mắt thấy tai nghe” (x. Cv 4,20). Nhiệm vụ làm chứng cho Đức Ki-tô được giao cho các môn đệ thật là thích đáng bởi vì các ông “ở với Chúa ngay từ đầu”. Nhưng nhiệm vụ cao cả đó có thể trở nên bất khả thi bởi vì vô vàn khó khăn thách đố: Thế gian ghét Đức Ki-tô thì họ cũng ghét các môn đệ Người. Chính vì thế, Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo trợ được sai đến để họ cùng với Ngài làm chứng cho Đức Ki-tô. Tại công đồng Giê-ru-sa-lem năm 49, các tông đồ đã tuyên bố như thế: “Thánh Thần và chúng tôi quyết định…” (Cv 15,28).

Mời Bạn: Ở với Chúa Ki-tô, cùng với Chúa Thánh Thần là điều kiện thiết yếu để làm chứng nhân cho Chúa Ki-tô. Làm chứng cho Chúa không chỉ là việc truyền đạt một thông tin, mà còn là dám sống và dám chết cho niềm tin ấy. Hiệp cùng Chúa Thánh Thần trong đời sống cầu nguyện, và trình bày Đức Ki-tô trước hết qua những cử chỉ, hành vi và cả sự hiện diện thể hiện tình yêu thương, đó là cách làm chứng hiệu quả mà lời nói suông không thể làm được.

Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái với ý hướng làm chứng cho Chúa Ki-tô.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin ban sức mạnh để chúng con cùng với Chúa làm chứng rằng Đức Ki-tô chính là Đấng cứu độ trần gian. Amen.