5 Phút cho Lời Chúa ngày 01/07 – 05/07/2025

01/07/25                                             Thứ Ba tuần 13 tn

                                                                             Mt 8,23-27

 

một đức tin “mạnh thật”

Bỗng nhiên biển động mạnh khiến sóng ập vào thuyền, nhưng Đức Giê-su vẫn ngủ. Các môn đệ lại gần đánh thức Người và nói: “Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất!” (Mt 8,24-25)

Suy niệm: Những lúc trời yên biển lặng, Đức Giê-su ở ngay bên cạnh các môn đệ, cùng trên thuyền với họ, thì họ không đoái hoài tới. Đến khi sóng gió nổi lên, thuyền ngập nước, cái chết cận kề, các ông mới hớt hải cầu cứu Chúa. Trước khi Chúa dẹp yên sóng gió để ‘cứu’ các môn đệ, Ngài trách ông “nhát sợ, kém lòng tin”. Phải lâm vào cảnh hiểm nguy thập tử nhất sinh như thế, các ông mới thấy rõ đức tin của mình còn yếu kém. Để có một đức tin thực sự vững mạnh, đừng đợi đến lúc nguy kịch mới cầu cứu Chúa, mà phải gắn bó với Ngài thường xuyên trong mọi khoảnh khắc, mọi việc đời thường hằng ngày.

Bạn thân mến, nếu bạn thực sự tin vào Chúa thì đừng coi Ngài như một ông thần hộ mệnh mà bạn chỉ nhớ đến và kêu cầu khi gặp cảnh khó khăn, hoạn nạn. Trái lại, bạn sẽ có một “đức tin mạnh thật” (x. Mt 15,28) khi bạn gắn bó thân thiết với Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Cũng như một cành cây không phải đến lúc bị chặt đứt khỏi thân cây mới thấy cần đến nhựa sống của thân cây, người có một đức tin sống động luôn ý thức mình thuộc về Chúa và cần đến Chúa một cách thường xuyên để luôn hành động thuận theo ý Chúa.

Sống Lời Chúa: Trước mỗi việc làm, bạn dành một giây hướng lòng về Chúa, xin Ngài luôn đồng hành và trợ giúp để bạn hành động theo thánh ý Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con luôn cần Chúa như cành nho gắn với thân nho. Xin Chúa ở lại trong con để con ở lại trong Chúa vì không có Chúa, con không thể làm gì được. Amen.

 

02/07/25                      Thứ tư đầu tháng tuần 13 tn

                                                                             Mt 8,28-34

 

chuyện liên can tới Chúa

Hai người  bị quỷ ám la lên rằng: “Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Chưa tới lúc mà ông đã đến đây làm khổ chúng tôi sao?” (Mt 8,29)

Suy niệm: Ma quỷ luôn đối đầu với Thiên Chúa trong một cuộc chiến hoàn toàn ‘bất đối xứng’ đồng thời không chấp nhận khoan nhượng. Chúng quyết ‘không đội trời chung’ với Chúa, và “chối bỏ Ngài và Nước của Ngài cách triệt để và không thể thay đổi” (x. GLCG 392). Ma quỷ muốn trốn thật xa cho khuất khỏi thánh nhan Ngài nhưng: “Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài, lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan?... Có lên trời, Chúa đang ở đó; nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài” (Tv 139,7-8). Nỗi khổ đau cùng cực của ma quỷ là muốn lẩn tránh khỏi sự hiện diện của Thiên Chúa, muốn đoạn tuyệt mọi liên can với Ngài nhưng không thể trốn được. Chính vì thế, chúng đã rên xiết khi ‘đụng độ’ với Đức Giê-su: “Hỡi con Thiên Chúa… ông đến đây làm khổ chúng tôi sao?”

Bạn biết không, ma quỷ luôn tìm mọi cách cám dỗ, lôi kéo con người chúng ta đi theo chúng để chống lại Thiên Chúa! Mỗi lần phạm tội là chúng ta về hùa với ma quỷ mà nói với Chúa: “Chuyện chúng tôi can gì đến ông!” Bạn cũng nhớ rằng Con Thiên Chúa đã sinh ra làm người, chịu chết là để cứu chuộc chúng ta khỏi vòng kiềm toả của ma quỷ. Nhờ Bí tích Rửa tội, chúng ta từ nay thuộc về Chúa cách vĩnh viễn. Bạn và tôi quyết nói “không” với tội lỗi để được ở trong tình thân thiết với Chúa luôn mãi.

Sống Lời Chúa: Mỗi khi xét mình, đặc biệt khi xưng tội, bạn xét xem mình đã “sa chước cám dỗ” như thế nào.

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha: “Lạy Cha chúng con ở trên trời… Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

 

03/07/25                   Thứ năm đầu tháng tuần 13 tn

Th. Tô-ma, tông đồ                                        Ga 20,24-29

 

SỨC MẠNH CỦA LÒNG BAO DUNG

Đức Giê-su bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” (Ga 20,27)

Suy niệm: Tô-ma quả là một nhân vật cứng lòng tiêu biểu. Trong lúc mọi tông đồ kia cùng nói, cùng khẳng định một điều, thì ông vẫn khăng khăng giữ vững lập trường của riêng mình. Ông phản kháng, đòi rằng chính mình phải thấy tận mắt, bắt tận tay thì mới tin. Nhưng ta thấy Chúa Phục Sinh không gay gắt kiểm điểm ông. Rất dịu dàng, Người ân cần đáp ứng điều ông đòi hỏi. Kết quả là ông đã khẩu phục tâm phục. Tô-ma trở thành người môn đệ đầu tiên tuyên xưng Đức Giê-su là Thiên Chúa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Từ đó, ông không bao giờ nghi nan nữa. Ông kiên vững trong lòng tin và làm chứng cho Chúa Phục Sinh bằng chính mạng sống của mình.

Mời Bạn chiêm ngắm cách cư xử của Chúa Giê-su và trái tim mục tử của Người. Người mềm mỏng, nhẹ nhàng, nhẫn nại. Chính thái độ cảm thôngbao dung này của Chúa đã chinh phục Tô-ma và cho phép ông đạt tới chỗ sâu nhất của lòng tin yêu. Và mời bạn xét lại cách cư xử của mình. Phải chăng chúng ta thường nghĩ – và có khi còn hàng động như thế – rằng phải làm câm mồm đối phương bằng những cuộc tranh cãi hùng hồn, phải bẻ gãy luận điểm của họ bằng những lý luận sắc bén, thậm chí bằng những lời châm biếm cay độc thì mới có thể thuyết phục họ tin vào Đức Ki-tô phục sinh?

Sống Lời Chúa: Tập cư xử dịu dàng với những người có tính ‘gây hấn’ nhất.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin uốn lòng con nên giống như Trái Tim Chúa. Amen.

 

04/07/25                    Thứ sáu đầu tháng tuần 13 tn

Th. Ê-li-sa-bét Bồ Đào Nha                                Mt 9,9-13

 

thực thi lòng nhân mỗi ngày

“Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.” (Mt 9,13)

Suy niệm: Hai lễ sinh cùng đánh rơi và làm vỡ bình đựng rượu. Lễ sinh thứ nhất bị một bạt tai và thề không bao giờ trở lại nhà thờ nữa. Đó là J. Ti-tô, chủ tịch nước Nam Tư (cũ). Lễ sinh thứ hai được cha chủ tế gợi ý đi tu và trở thành tổng giám mục nổi tiếng của nước Mỹ, Fulton Sheen. Cùng phạm một lỗi lầm, nhưng cách đối xử nhân hậu hay nghiêm khắc đã quyết định số phận cuộc đời của hai lễ sinh. Đức Giê-su đã nhiều lần trích dẫn câu Kinh Thánh: “Ta muố lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (x. Hs 6,6; Mt 12,7) để khẳng định Chúa muốn con người có đối xử nhân hậu với nhau quan trọng hơn cả việc dâng của lễ cho Ngài. Cũng có thể nói rằng của lễ đẹp lòng Thiên Chúa hơn cả là thực thi lòng nhân hậu với anh em mình.

Mời Bạn: Có thể con tim bạn trở nên kém nhạy cảm hơn khi chứng kiến quá nhiều đau khổ của đồng loại. Cũng có thể bạn cảm thấy “lực bất tòng tâm” khi đứng trước vô vàn nỗi đau của người lân cận, và vì vậy, không muốn góp một tay chia sẻ, đỡ nâng. Đức Giê-su mời gọi bạn hôm nay thể hiện lòng nhân với tất cả những gì có trong tầm tay của bạn: trái tim bao dung, ánh mắt thông cảm, nụ cười đem lại niềm vui, bàn tay liên đới và một cuộc sống dấn thân.

Sống Lời Chúa: Mỗi lần dâng lễ, tôi dâng lên Chúa một cử chỉ, một lời nói hoặc một việc làm đượm lòng nhân mà tôi đã thực hiện.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa luôn bày tỏ lòng nhân hậu với mọi người, nhất là với những kẻ bé mọn. Trong xã hội thực dụng và cạnh tranh hôm nay, xin cho chúng con biết noi gương Chúa, thể hiện lòng nhân hậu như dấu chỉ người môn đệ Chúa. Amen.

 

05/07/25                     Thứ bảy đầu tháng tuần 13 tn

Th. An-tôn Ma-ri-a Da-ca-ri-a, linh mục          Mt 9,14-17

 

tại sao ăn chay?

“Tại sao chúng tôi và những người Pha-ri-sêu ăn chay, còn các môn đệ ông lại không ăn chay?” (Mt 9,14)

Suy niệm: Câu hỏi “tại sao ăn chay” từ các môn đệ của Gio-an Tẩy giả tưởng chừng đơn giản nhưng lại mở ra một nguyên lý rất căn bản trong đời sống thiêng liêng. Các môn đệ Gio-an Tẩy giả ăn chay để thực hành khổ chế, tu luyện bản thân, hoặc người Pha-ri-sêu ăn chay để giữ thật tỉ mỉ lề luật Mô-sê nhưng chỉ có hình thức mà thiếu hẳn tình yêu và lòng thương xót. Căn bản việc ăn chay là để bày tỏ lòng khiêm cung thống hối trước nhan Chúa (x. Lv 16,29-30) cùng nói lên lòng khao khát được thuộc về Chúa cách thân thiết (Xh 35,28) và được Chúa nhậm lời cầu xin. Chúa Giê-su không đến chỉ để sửa chữa vài điều cũ kỹ, mà Ngài là “chàng rể” đến để ban “rượu mới” là sự sống trong Chúa Thánh Thần. “Rượu mới” phải được giữ trong “bầu da mới”. Giờ đây ăn chay là vì “chàng rể” là Đức Ki-tô, nhất là để kết hiệp với Ngài trong cuộc Thương Khó, “khi chàng rể bị đem đi”.

Mời Bạn: Chúa dạy ta ăn chay, hay làm mọi việc đạo đức, không phải vì hình thức hay vì hư danh mà phải là làm chỉ vì Chúa: “để cho Chúa, Đấng thấu suốt những gì kín đáo” thấy và thưởng công (Mt 6,18). Đồng thời cách ăn chay mà Chúa ưa thích là thực thi lòng thương xót và nhân ái với những người yếu thế, bị loại trừ (x. Is 58,4-7) và Chúa coi đó là việc làm cho chính Ngài (x. Mt 25,40).

Sống Lời Chúa: Khi ăn chay, mời bạn ‘ăn kèm’ với một món hy sinh và phục vụ, bác ái cho một anh em bé mọn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin biến đổi lòng con thành “bầu da mới” để chứa đầy “rượu mới” của Chúa là lòng thương xót từ trái tim Chúa để con hết lòng phục vụ Chúa nơi người anh em. Amen.