CAC BÀI ĐỘC GIẢ GỞI TỚI - TINH YÊU GIA ĐÌNH -

TÌNH YÊU GIA ĐÌNH

 

Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh vì bạn hữu của mình.” (Jn. 15:13). Khi tôi vừa đọc xong câu Lời Chúa của Thánh Gioan Thánh Sử biên soạn trên đây, tôi bắt đầu cầu nguyện, xin Chúa soi sáng mở lòng trí cho con được thấu hiểu về đề tài: TÌNH YÊU GIA ĐÌNH. Rồi bỗng nhiên, Chúa hiện đến trong tâm trí tôi, khiến tôi bàng hoàng sung sướng, vì tôi được tiếp rước Chúa đang hiện diện trong tâm hồn mình, tôi say đắm chiêm ngưỡng Chúa Giêsu đang đưa bàn tay phải khum lại , hai ngón tay đeo nhẫn + ngón út thả chụm xuống, cò ba ngón cái + trỏ +giữa chụm lại chỉ ngước lên, trong khi Chúa mở rộng Trái Tim Chúa ra, bên trên có hình Thánh Giá nhỏ và có muôn tia lửa tỏa cháy nơi Thánh Tâm Chúa.

 

Tôi bồi hồi xúc động, cảm tạ Chúa, rồi tôi trầm tư suy nghĩ xem lửa nơi Thánh tâm Chúa thấy đâu có giống như lửa bình thường mà chúng ta dùng để nấu nướng; lửa này cũng không tạo ra ánh sáng, để cho chúng ta nhìn rõ mà phân biệt được con trâu hoặc con bò ở ngoài đồng; lửa này cũng chẳng phải dùng để giúp chúng ta nhìn cho thật rõ mà luồn một sợi chỉ qua lỗ kim. Cho nên, chắc hẳn lửa phát xuất từ nơi Thánh Tâm Chúa phải có ý nghĩa tuyệt đối, để tỏ ra dấu chỉ rằng Tình Yêu của Chúa luôn luôn bừng cháy; chỉ vì yêu thương nhân loại tội lỗi mà Chúa muốn dùng Cây Thánh Giá để chuộc tội cho Thiên Hạ. 

 

Thế rồi, tự nhiên ơn Chúa soi sáng cho tôi chợt nghĩ ra ba hình thái gia đình: một là Gia Đình Thiên Chúa Ba Ngôi; hai là Gia Đình Hội Thánh Công Giáo và ba là chính bản thân gia đình tôi .

 

Trinity.jpg

 

 

Đầu tiên là Gia Đình Thiên Chúa Ba Ngôi. 

Từ khi Thiên Chúa Ngôi Cha tạo tác nên Nguyên Tổ Adam và Eve giống hình ảnh Chúa. Hai Tổ Tông loài người đã sa ngã phạm tội và làm mất quyền thừa tự được làm con cái Thiên Chúa: ” Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ” (1 Tm 2, 4). Chính Đức Giêsu có nói đến điều này trong cuộc đàm thoại với Ni-cô-đê-mô:”Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi trao ban chính Con Một của Ngài, để những ai tin vào Người Con ấy thì không phải hư nát, nhưng được sống đời đời” (Ga 3, 16). 

Ngôi Hai Thiên Chúa là Chúa Giêsu đã từ bỏ tước vị ngang hàng với Thiên Chúa, để khiêm nhường nhận lấy thân phận tôi đòi của con người. Người đã sai Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel tới loan báo và xin phép Trinh Nữ Maria để được nhập thể, ngõ hầu Người có thể bắt đầu chương trình Ơn Cứu Độ, chuộc lại quyền làm con cái Thiên Chúa cho nhân loại, bằng giá Máu tình yêu cao quí nhất của chính Con Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian.

Ngôi Ba Thiên Chúa, Đức Chúa Thánh Thần, giữ nhiệm vụ ban phát Bảy Ơn Thánh Sủng của Người để soi sáng, ban sức mạnh, thánh hóa và canh tân Giáo Hội Công Giáo là Hiền Thê của Chúa Giêsu. Đức Chúa Thánh Thần chính là Linh Hồn của Giáo Hội, vì sau Ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống trên các Thánh Tông Đồ, các Ngài được đầy Ơn Chúa Thánh Thần, các Ngài không còn sợ Người Do Thái, các Ngài đã can đảm rao truyền những điều về Chúa Giêsu Phục Sinh. 

Như vậy, Ba Ngôi trong Gia Đình Thiên Chúa hằng có sự cộng tác mật thiết trong yêu thương ngõ hầu mang lại nguồn ơn cứu rỗi cho nhân loại

 

Catholic Church.jpg

 

Kế đến là Gia Đình Hội Thánh Công Giáo. 

Trước khi hoàn tất Chương Trình Cứu Độ Nhân Loại, Chúa Giêsu đã thiết lập Hội Thánh Công Giáo và ban quyền cho Thánh Phêrô, Vị Giáo Hoàng Tiên Khởi, đứng đầu cai quản Hội Thánh Chúa. Chúa yêu thương Giáo Hội như tình phu thê, vì Giáo Hội là Thân Thể Màu Nhiệm Chúa Kytô và cũng chính là Hiền Thê của Chúa Kitô. Giáo hội kính mến Chúa Kitô là Hiền Phu của mình, nên trong vai trò là Hiền Mẫu của đoàn con cái Chúa, Mẹ Giáo Hội hằng kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu qua lời cầu xin và cậy nhờ Bảy Ơn Thánh Sủng của Chúa Thánh Thần hướng đạo, để biết đường dạy dỗ, chăm lo săn sóc cho đoàn chiên Dân Thiên Chúa hoàn vũ bằng Sáu Điều Răn Hội Thánh, các Công Đồng, các Kinh Hạt, các Sắc Chỉ, các Thư Luân Lưu, các Huấn Dụ v.v…

 

Về phần Con cái trong Hội Thánh Chúa hằng được dạy dỗ cho hiểu biết rằng: một khi họ đã đón nhận Phép Thánh Tẩy gia nhập Hội Thánh Chúa, họ phải cầu xin Chúa mở tai họ ra, để họ biết lắng nghe Lời Chúa, biết thực hành Lời Chúa bằng đức bác ái đối với anh chị em đồng loại của mình. Đồng thời, họ cũng biết phải cầu xin Chúa mở môi miệng họ ra, để họ cất lời ca ngợi khen, cảm tạ Chúa muôn trùng.

Như thế, Gia Đình Hội Thánh mới hội đủ bốn tín lý kiên định: duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.

 

Family photo 2018.JPG

 

Sau cùng là chính bản thân gia đình tôi. 

Gia đình tôi là một gia đình tỵ nạn chính hiệu, nghĩa là chúng tôi hoàn toàn 100% mắc nợ lòng trắc ẩn của Chính Phủ và toàn Dân Úc. Khi chúng tôi được Đại Ân Nhân Nước Úc ban quyền tỵ nạn cho gia đình tôi, để chúng tôi có cơ hội xây dựng lại cuộc đời trên Quê Hương Mới với hai bàn tay trắng.

May mắn sống trong nền văn hóa Tây Phương nơi Quê hương thứ hai này, vợ chồng và bốn người con của chúng tôi nhớ lời Tổ Tiên dạy:”Đáo giang tuỳ khúc, nhập gia tuỳ tục”. Cho dù vợ chồng chúng tôi là Người Việt sinh trưởng và đã lập gia đình ở Việt Nam, hai con sinh ở Việt Nam, khi hai cháu đến Úc mới năm tuổi; còn hai con sau đều sinh trưởng tại Úc. Khi gia đình tôi được phép định cư vĩnh viễn ở Nước Úc, chúng vẫn cố bảo tồn những nét đẹp trong gia đình Việt Nam. Đồng thời, với cương vị là cha, là mẹ trong gia đình, chúng tôi tự nhận thấy mình có trách nhiệm phải hội nhập vào nền Văn Hoá Mới để học hỏi và sống hài hòa với mọi sắc dân trong xã hội mới.

Có năm điểm tuyệt vời nổi bật đáng ghi nhận nhất mà vợ chồng con cái trong gia đình tôi đã áp dụng hơn ba mươi năm nay:

*Một là phải biết khi nào phải nói lời cảm ơn;

*Hai là cần can đảm xin lỗi khi biết mình đã xúc phạm tới người khác;

* Ba là vợ chồng con cái cư xử với nhau bằng tình bạn, chứ không đối xử phân ranh giới với nhau như trong Văn Hoá Việt Nam ở quê nhà;

* Bốn là phải chia sẻ công bằng mọi công việc hằng ngày trong gia đình,thay vì để cho Người Vợ, Người Mẹ gánh 2/3 công việc nội trợ như trong các gia đình Việt Nam bên quê nhà;

* Năm là dành ít thời giờ hỏi han, chuyện vãn với nhau về những sinh hoạt trong ngày, thời gian thuận tiện nhất là trong bữa cơm chiều. 

Cho nên, nhờ áp dụng câu: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, nên tình yêu trong gia đình tôi ngày càng hạnh phúc.

 

Nói tóm lại, trong đề tài: TÌNH YÊU GIA ĐÌNH, thể hiện qua ba hình thái khác nhau, gồm có: 

·       Gia Đình Thiên Chúa Ba Ngôi mà chúng ta nhận thấy hằng có sự liên kết mật thiết trong tình yêu, để mang lại nguồn ơn cứu độ cho nhân trần; 

·         Gia Đình Hội Thánh Công Giáo với bốn tín lý cố hữu: duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền 

·         và chính bản than gia đình tôi , nhờ chúng tôi uyển chuyển thực thi câu: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, để tăng lực cho tình yêu trong gia đình tôi ngày càng hạnh phúc. 

 

Theo thiển nghĩ của tôi, tô xin trích câu nói của Đức Cha JB Bùi Tuần: “Tình yêu cho đi mà không được nhận lãnh là tình yêu thừa“. 

 

Câu này có ý ví Tình Yêu trong Gia Đình Thiên Chúa Ba Ngôi đã ban tặng Ơn Cứu Độ cho mỗi người chúng ta, nhưng có biết bao nhiêu con người đã thờ ơ, không muốn lãnh nhận quà tặng vô giá này.

Điển hình nữa là trong Gia Đình Hội Thánh Công Giáo, qua các Đấng Chăn Chiên Lành thay mặt Chúa, các Mục Tử luôn tận tụy thương yêu, chăm sóc cho đoàn chiên, giúp cho từng con chiên đạt được cứu cánh phần rỗi trên đường lữ thứ trần gian tiến về Quê Thật Thiên Đàng. Ấy thế mà, cũng có một thiểu số con chiên cố tình tách ra khỏi đoàn chiên, liều mình đi lạc, làm mồi cho sói dữ, làm uổng phí công ơn hy sinh của các Chủ Chiên.

Sau cùng, cụ thể như ngay trong nhiều gia đình công giáo tốt lành, đôi khi cũng có một thiểu số gia đình chẳng may phát sinh ra một hai người con liều thân lao vào cuộc sống hoang đàn, theo ý riêng, bỏ nhà ra đi theo bạn bè hư hỏng, chối từ tình yêu êm ấm, hạnh phúc của cha mẹ và anh chị em ruột thịt trong gia đình dành cho chúng.

 

Lời cuối cùng, tôi xin phép đề nghị: trong mỗi gia đình của chúng ta hãy luôn luôn nỗ lực xây dựng và củng cố TÌNH YÊU GIA ĐÌNH bằng cách ghi tạc lời của Thánh Augustin:”Cứ yêu đi, rồi làm bất cứ điều gì bạn muốn” (Love then do whatever you wish).

 

Fx Nguyễn Văn Mơ