Hạnh Phúc Hôn Nhân

HẠNH PHÚC HÔN NHÂN - TÌNH YÊU GIẢ

 

  •  
    Chi Tran

     
     
     
     

    NHẬN DIỆN "TÌNH YÊU GIẢ"

     

    Tình yêu thật thì giúp bạn lớn lên và mãn nguyện với nhiều hoặc thậm chí với tất cả mọi phương diện của cuộc sống và nó tồn tại cùng đất trời!

     

     

           Sau ngày lễ tình yêu (14/02), có lẽ nhiều cuộc tình mới bắt đầu và cũng có không ít những cuộc tình tan vỡ. Đâu là nguyên nhân của thực trạng này? Chúng ta cùng bắt đầu với một thao tác đơn giản, “mở google và gõ dòng chữ ‘tình yêu’/‘love’”, chỉ mất 0,54 giây, bạn sẽ nhận được khoảng 381.000.000 (tiếng Việt) và 13.960.000.000 (Tiếng Anh) các bài báo và tài liệu có liên quan. Điều này chứng tỏ ‘tình yêu’ không phải là đề tài mới mẻ nhưng tính nóng sốt của nó thật không thể phủ nhận.

     

    Thực tế cho thấy, giới trẻ ngày nay thực sự cần được trang bị kiến thức và kỹ năng về tình yêu và giới tính như một trong những hành trang thiết yếu để có được một cuộc sống tốt đẹp. Như vậy, bất cứ cái gì giúp ta có được một cuộc sống tốt đẹp thì đó là điều ta cần theo đuổi và chân nhận; cái gì không giúp ta đạt đến điều đó, ta cần phải nhận diện và loại trừ. Tuy nhiên, thật khó để khẳng định cái gì thực sự là tốt, cái gì thực sự là xấu; cái gì là thật, cái gì là giả. “Tình yêu” cũng vậy!

     

    Trong “tình yêu”, việc nhận diện “tình yêu giả” là một điều thật không dễ chút nào đối với những “tâm hồn ngây thơ”, tình yêu giả cũng là một trong những thách đố rất lớn của các bạn trẻ trong xã hội đầy dẫy những hỗn mang này. Dưới đây là một vài trong số đó:

     

    Yêu chỉ vì vẻ bề ngoài: Đó là những “rung động” bắt nguồn từ ấn tượng ban đầu về vẻ xinh gái, đẹp trai, nói chuyện có duyên…vv. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, thì tình yêu ấy sẽ chấm dứt khi cái bề ngoài ấy không còn nữa hoặc khi xuất hiện “cái bề ngoài khác” hấp dẫn hơn.

     

    Yêu chỉ vì vụ lợi: Đó là sự hấp dẫn khởi đi từ tiền bạc, quà tặng, từ thế giá gia đình…vv..của đối tượng. Với kiểu tình yêu này, đến một lúc nào đó, người ta sẽ thấy phẩm giá của mình thật quá rẻ mạt, và rồi sự cô đơn, đau khổ trong tâm hồn giống như kiểu chết đói giữa cánh đồng, chết khát giữa biển khơi là điều mà họ sẽ phải gánh chịu trong suốt quãng đời còn lại.

     

    Yêu theo phong trào: Thật khó lòng “bình chân như vại” khi bạn bè ai nấy đã có cặp có đôi cả rồi. Thôi thì yêu cho bằng bạn bằng bè; yêu để khẳng định mình trước những lời thách thức của đám bạn…

     

    Yêu theo kiểu chức năng: Đến một lúc nào đó, ai trong chúng ta cũng sẽ nhận thấy rằng: “con người ở một mình thì không tốt”. Thôi thì yêu đại ai đó để bớt cô đơn, để chống ế, để ông bà có cháu bế …

     

    Yêu theo kiểu thay thế: Khi mới chia tay một mối tình, ta thường thấy lòng mình nghe sao trống trải, ta đành tìm ai đó để thay thế và khoả lấp “khoảng trống” mà người kia vừa mới lấy đi khỏi lòng ta.

     

    Yêu kiểu thương hại: Ai trong chúng ta cũng có sẵn trong mình tấm lòng trắc ẩn, thương người. Muốn bao bọc, chở che và bảo vệ kẻ yếu dường như là nhu cầu tự nhiên của con người. Đặc biệt nhu cầu ấy thường hướng đến người khác phái. “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, tình yêu thương hại ấy lớn dần lên và trở thành một mối tương quan phụ thuộc hơn là tương quan hai chiều của tình yêu thật.

     

    Yêu theo kiểu không lý trí: Có những ngày trời nắng chang chang mà Sét vẫn đánh rầm rầm trong tâm hồn. Yêu ngay từ cái nhìn, từ cái cảm nhận đầu tiên ấy người ta gọi là “tiếng sét ái tình”. Trớ trêu thay, khi bị sét đánh thì mấy ai còn đủ tỉnh táo để phân định phải-trái-đúng-sai nữa. Dẫn đến một tình yêu mù quáng, thiếu cân nhắc, bất chấp những lời tham vấn, khuyên bảo và dĩ nhiên bất chấp hậu quả…

     

    Yêu theo kiểu sở hữu: Đây là thứ tình yêu xuất phát từ sự ích kỷ của một người. Họ coi người yêu thuộc về sở hữu của riêng mình. Dẫn đến việc họ ra sức kiểm soát facebook, điện thoại, nhật ký, thậm chí kiểm soát luôn cả thể xác lẫn tinh thần của “người yêu”…

     

    Yêu kiểu “tâm thần”: Có những kiểu tâm thần thật “dễ thương”. Khi “tình yêu kiểu sở hữu” trở nên thái quá. Nó sẽ dẫn đến tình yêu kiểu tâm thần: cùng sống hoặc cùng chết, “nếu bạn không đáp trả lại lời tỏ tình của tôi, nếu bạn chia tay tôi, thì tôi sẽ đe dọa bạn, xúc phạm bạn, thậm chí sẽ giết bạn và người thân của bạn nữa… ”.

     

    Trên đây là sự phác hoạ một vài chân dung của tình yêu giả. Nếu là người ngoài cuộc, ai trong chúng ta cũng sẽ dễ dàng nhận diện. Nhưng nếu là người trong cuộc, thì thật chẳng dễ dàng chút nào để nhận ra. Lẽ dĩ nhiên, sự khởi đầu của một tình yêu thật đôi khi cũng na ná với sự khởi đầu của một vài trong số những tình yêu giả nói trên. Điều quan trọng là những người trong cuộc cần tỉnh táo và suy xét đủ chín chắn để phân định càng sớm càng tốt trước khi đi đến những quyết định quan trọng hơn cho tương lai của mình.

     

    Vậy nên, nếu bạn đang “nhận” hoặc đang “khởi phát” một tình yêu giống với những “tình yêu” kể trên, bạn hãy coi chừng có thể mình đang rơi vào “bẫy của tình yêu giả”. Vì tình yêu giả có thể sẽ giúp bạn mãn nguyện ở một vài khía cạnh, nhưng lại khiến bạn phải đánh đổi và trả giá rất đắt về nhiều phương diện khác. Rốt cuộc nó chẳng thể bền lâu. Còn tình yêu thật thì giúp bạn lớn lên và mãn nguyện với nhiều hoặc thậm chí với tất cả mọi phương diện của cuộc sống và nó tồn tại cùng đất trời!

    Văn Tài, S.J (dongten.net)

     
     
     

 

HẠNH PHÚC HÔN NHÂN - MẠNG XÃ HỘI HÔM NAY

 

  •  
    Chi Tran



    MẠNG XÃ HỘI TẤN CÔNG HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

     

    Là gia đình công giáo, họ dám để cho Thiên Chúa tác động đến hai người, đến các thành viên trong gia đình. Khi đó, những mỗi nguy, kể cả mạng xã hội, có thể được hóa giải một cách tốt đẹp.

     

     

    Đang dùng bữa tối trong nhà hàng, chúng tôi thấy một gia đình, vợ chồng và hai người con, bước vào. Nhanh chóng bồi bàn đưa thực đơn, và họ chọn món. Khi chờ thức ăn, tôi ngỡ ngàng vì ai cũng lấy điện thoại ra xem. “Một gia đình thời mạng xã hội”- tôi nghĩ thế. Dĩ nhiên chẳng ai biết họ đang chuyện trò hoặc xem tin tức gì đó trong chiếc điện thoại thông minh. Chúng tôi xì xào với nhau rằng: “Phải chăng điện thoại là mối nguy cho hạnh phúc gia đình?”

     

    Về nhà, tôi tìm đọc vài tài liệu liên quan đến thời công nghệ mạng. Từ quan điểm Giáo Hội công giáo, mạng xã hội và Internet đúng là quà tặng của Thiên Chúa dành cho con người. Tuy nhiên, Giáo Hội luôn cảnh giác người dùng về những mối nguy của nó.

    Đặc biệt về hạnh phúc gia đình, vấn đề ly thân, ly dị có khi đến từ nguyên nhân: mạng xã hội. Có lẽ nhiều người ngỡ ngàng về nguyên nhân này!

     

    Đó là chủ đề được Thượng Hội Đồng về gia đình bàn nhiều đến trong Tông huấn Niềm Vui Yêu Thương. Khi phân tích thực trạng của các gia đình thời nay, Giáo Hội phải thừa nhận “văn hóa tạm bợ” có mặt ở mọi lãnh vực, nó len lỏi tận đến tương quan đời sống vợ chồng và gia đình. Như thế nào? Chúng ta quen với việc kết bạn trên Facebook, Twitter. Nếu thấy người nào dễ mến, hợp gu hoặc thinh thích là tôi kết bạn. Rất nhiều bạn trong tài khoản mà người ta có khi chẳng nhớ nổi. Buồn vu vơ, người ta dễ dàng ngưng kết bạn. Nói chung mối tương quan trên mạng xã hội không chắc chắn chút nào!

     

    Tiếc rằng từ những hành vi nho nhỏ trên trang mạng ấy, lại ảnh hưởng đến quyết định của nhiều đôi vợ chồng. Giáo Hội chỉ rõ cho những người đã ly hôn: “Người ta tưởng rằng tình yêu, cũng giống như các mạng xã hội, có thể kết nối hay ngưng kết nối tùy theo sở thích của người tiêu dùng và cũng có thể nhanh chóng “bị chặn”.” (Niềm vui yêu Thương số 39). Đáng lẽ hôn nhân liên kết hai người nên một, chung thủy trọn đời, thì giờ đây, định chế ấy đang bị tấn công bởi những quyết định nhanh chóng và nhất thời của nhiều vợ chồng. Yêu cuồng, sống vội là phong cách của nhiều đôi bạn. Dĩ nhiên, gia đình công giáo cũng không miễn nhiễm với “virut” này. Thay vì cổ võ cho tình yêu trọn đời, sự dâng hiến cho nhau, ngày nay không ít người xem hôn nhân có vẻ ràng buộc người ta đến nghẹt thở. Giấy hôn thú, bí tích hôn nhân lấy đi sự tự do của nhiều người. Thực vậy, trong nền văn hóa tạm bợ này: người ta cảm thấy sợ dấn thân vĩnh viễn, sợ không còn thời gian tự do. Vợ chồng, con cái tính toán thiệt hơn, v.v.

     

    Một khi vợ chồng không còn tôn trọng lẫn nhau, họ dễ dàng nói lời ly dị. Họ xem nhau như đồ vật, hàng hóa: dùng xong rồi vứt bỏ, thế thôi! “Hết yêu thì chia tay!” là câu nói đang trở nên phổ biến trong nhiều gia đình trẻ thời nay. Theo nghiên cứu của Giáo hội: “ai sử dụng người khác như các đồ vật, thì sớm hay muộn, sẽ bị người khác sử dụng, bị thao túng và bỏ rơi như thế.” Xin đừng yêu “qua đường”, nhưng hay yêu thật lòng, hy vọng sẽ cho người ta hạnh phúc. Nếu không, đống hồ sơ ly dị, vụ kiện cáo ly hôn cứ tăng dần. Mà một trong những thủ phạm chúng ta có thể đoán ra: bỏ nhau dễ như ngừng kết bạn với một ai đó trên mạng xã hội.

     

    Xin đừng tưởng mạng xã hội chỉ tấn công vào những gia đình trẻ. Giáo Hội lưu ý vấn đề này có khi xảy ra cho những người lớn tuổi. Lý dó là “người lớn tuổi thích tìm một lối sống độc lập và từ chối lí tưởng chung sống với nhau cho đến tuổi già, để chăm sóc và nâng đỡ nhau.” Tôi nhớ thời ông bà ngày trước không có những suy nghĩ bỏ nhau hoặc ly dị. Hoặc ít ra, tình trạng ly dị ngày xưa không nhiều. Phải chăng khi mạng xã hội lên ngôi, nhiều tư tưởng cởi mở, chủ nghĩa hưởng thụ và cá nhân,v.v., đã bào mòn hạnh phúc các gia đình.

     

    Về lý do trên đây có thể nhiều người không đồng ý. Thực ra, mạng xã hội chỉ là một trong muôn vàn lý do tấn công hạnh phúc gia đình. Trong khi nghiên cứu thực trạng của các gia đình, Giáo Hội còn liệt kê (từ số 40-43):

     

    • “Văn hóa khuyến khích người trẻ không lập gia đình.”
    • “ảnh hưởng của những ý thức hệ xem thường hôn nhân và gia đình, hoặc do muốn tránh kinh nghiệm thất bại của những đôi hôn nhân đi trước.”
    • “một thứ tình cảm quy ngã, bất ổn và thay đổi thất thường, vốn không luôn giúp người ta đạt tới sự trưởng thành chín chắn hơn”.
    • “Hình ảnh khiêu dâm và thương mại hóa thân xác, được thúc đẩy bởi việc lạm dụng các mạng toàn cầu”
    • “Người ta đương đầu với vấn đề này cách quá vội vàng và không đủ can đam để kiên nhẫn, thẩm định, tha thứ cho nhau, làm hòa lại với nhau và cũng để hi sinh cho nhau.”
    • “Não trạng không muốn sinh con và được khuyến khích.”
    • “Tình trạng đức tin và thực hành tôn giáo suy yếu.”
    • v.v

    Đã đến lúc các gia đình, nhất là người trẻ để tâm hơn đến ơn gọi cao quý của mỗi người. Hôn nhân chắc chắn luôn là nét đẹp tuyệt vời. Đó là ơn gọi Thiên Chúa dành cho hầu hết chúng ta. Trong đó, tình yêu vợ chồng sẽ là chìa khóa để người ta giải quyết mọi vấn đề.

    Cho dù bức tranh về hạnh phúc gia đình có nhiều vết tối, nhưng luôn còn đó biết bao gia đình hạnh phúc. Là gia đình công giáo, họ dám để cho Thiên Chúa tác động đến hai người, đến các thành viên trong gia đình. Khi đó, những mỗi nguy, kể cả mạng xã hội, có thể được hóa giải một cách tốt đẹp.

     

    Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

     
     

 

HẠNH PHÚC HÔN NHÂN - ĐỪNG VỘI CHÌ CHIẾT

ĐỪNG VỘI CHÌ CHIẾT, MỈA MAI KHI NGHĨ BẠN ĐỜI' LÉNG PHÉNG'

 

TTO - Không tìm được tiếng nói chung với bạn đời, chị tự đẩy anh xa dần trong mối quan hệ vợ chồng mà không hề hay biết. Hóa ra chính chị mới là người làm cho không khí gia đình mình lạnh lẽo, căng thẳng.

 

 

Trong đời sống hôn nhân, đừng nên tạo cơ hội đẩy mình hay bạn đời vào tình huống phải ngoại tình. Khi có xung đột, hãy đặt mình vào vị thế của bạn đời để suy nghĩ thấu đáo.

Ngột ngạt do đâu?

Nhìn vẻ mặt xác xơ, tiều tụy sau bao nhiêu ngày trải qua phiền muộn của chị, tôi nao lòng. Chị kể: "Cách đây hơn 15 năm, khi hai vợ chồng mới lấy nhau, rồi sinh con, anh đi học. Một thân một mình chị cóp nhặt đồng lương còm nuôi con khôn lớn mà không một lời kêu than để anh yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

Vậy mà giờ đây, anh bóng gió hắt hủi chê chị vừa già, vừa xấu, vừa khó tính. Chị có đòi hỏi gì đâu, chỉ mong anh bớt chút thời gian dành ăn tối cùng chị với gia đình và chơi với chị môn thể thao mà hai người cùng yêu thích. 

Đau lòng hơn, anh cặp bồ nhăng nhít. Có lần anh còn để cho cô bồ kia nhắn tin ghen ngược chị. Buồn hết chỗ nói, nhưng nghĩ đến hai đứa nhỏ và mình cũng lớn tuổi rồi, sống với nhau còn vì cái nghĩa. Có phải nói ly hôn là bỏ ngay được đâu!".

Tôi làm cùng công ty anh, nhưng lại chơi thân với chị. Bao nhiêu lần gặp nhau, chị đều ôn nghèo kể khổ cái thuở hàn vi của gia đình chị. Chị cũng như bao nhiêu người phụ nữ của gia đình đều hi sinh tuổi thanh xuân vì chồng, vì con và giờ đây mong được chồng bù đắp xứng đáng. 

Tuy nhiên, từ hoàn cảnh của chị, tôi cũng cảm nhận được sự ngột ngạt, căng thẳng trong bầu không khí gia đình khi hai vợ chồng "đồng sàng dị mộng".

Trong khi chị muốn anh chăm chút, yêu thương vợ nhiều hơn thì anh lại nghĩ khác: "Già rồi, ai lại làm mấy trò con nít. Chị bảo anh chở đi mua mấy bộ áo quần, thử đi, thử lại, sốt cả ruột. Anh bảo thích cái nào mua về, mang bộ nào chả thế. Anh nói chị toàn tự làm khổ mình, khổ cả mọi người. Vậy mà chị suy diễn anh chê chị là già, là xấu". 

Chị có nhiều mong muốn từ anh nhưng không nói rõ ràng ra, để anh phải tự đoán già, đoán non. Thỉnh thoảng mất kiên nhẫn khiến anh chị cãi nhau.

Có lần anh tâm sự: "Vợ chồng ở với nhau bao nhiêu lâu mà còn đòi hỏi khách sáo, hình thức. Lại còn ghen bóng ghen gió, dựng chuyện không thành có. Mấy cô nhân viên trong công ty biết vợ anh hay suy diễn nên đã nhắn tin qua điện thoại trêu tức. May mà anh biết chuyện, không thì hậu quả mấy câu chuyện vớ vẩn không biết sẽ đi đến đâu".

Những hành động của chị dù nhỏ nhặt nhưng lặp đi lặp lại khiến cả hai anh chị đều mệt mỏi, ngán ngẩm. Anh chán chường cuộc sống gia đình tẻ nhạt, đơn điệu, nhưng lại không muốn cùng vợ phối hợp để làm mới tình cảm lứa đôi của mình.

Nên chia sẻ

 

Tiên trách kỷ hậu trách nhân, chị suy ngẫm lại chính mình, chị biết những đòi hỏi "không đâu" của chị nếu cứ leo thang sẽ đẩy anh đi tìm niềm vui ở nơi khác, khi đó hôn nhân của anh chị đứng bên bờ vực thẳm, không ai có thể nhảy vào mà cứu vãn giúp chị. 

Nghĩ đến chuyện người bạn đời "đầu gối tay ấp" thay đổi theo chiều hướng vô tâm hơn, dửng dưng hơn với bản thân sau nhiều năm chung sống, không người vợ nào không đau khổ, rất dễ dẫn đến những hành vi sai lầm. 

Nhưng phải hết sức bình tĩnh để cứu lấy mình chứ không để rơi vào tình thế "già néo" đến "đứt dây", không dễ gì nối lại được.

Để chủ động kiểm soát được cảm xúc và có cách nhìn sáng suốt thì nên tìm một người nào thật tin cậy để tâm sự, thổ lộ những nỗi bức xúc. 

Tuy nhiên, với những người thân quen cũng nên cẩn thận vì có thể do quá đồng cảm, họ có thể khiến bản thân dễ bị kích động, khiến mình dễ có những hành vi liều lĩnh hơn. Khi hôn nhân bắt đầu có vấn đề, tốt nhất chị em nên tìm đến những chuyên gia tâm lý, trao đổi một cách chân tình để nhận được những ý kiến khách quan.

Mở đường cho yêu thương quay về

Mọi điều đều có thể cứu vãn, nên không được buông xuôi. Đừng để sự cứng nhắc phá hủy đi hạnh phúc gia đình. Trong đời sống hôn nhân, đừng nên tạo cơ hội đẩy mình hay bạn đời vào tình huống phải ngoại tình.

Khi có xung đột, hãy đặt mình vào vị thế của bạn đời để suy nghĩ thấu đáo, gạt những suy diễn tiêu cực, tránh những đòi hỏi quá đáng, làm khó nhau. Biết hài lòng với những gì mình có, tự mình thực hiện những gì trong khả năng, đừng phụ thuộc, dựa dẫm nhiều quá, khiến mình mất đi vị thế trong mắt bạn đời.

Nếu phát hiện bạn đời có dấu hiệu "léng phéng" đừng nên đay nghiến, mỉa mai, chì chiết. Điều này chỉ giống như "đổ thêm dầu vào lửa", thậm chí làm cho tình cảm càng thêm rạn nứt, khi đó sẽ không còn cơ hội hàn gắn gia đình.

Tham gia thêm các lớp về tập luyện yoga, aerobic hay những môn thể thao yêu thích để tăng cường sức khỏe về thể chất lẫn tinh thần. Luôn tạo cho mình một vẻ ngoài tươi tắn, hấp dẫn sẽ rất có ích trong chuyện chăn gối. Luôn có mục tiêu sống lành mạnh, tích cực để cuộc đời này được hài hòa và thật đáng sống.

Là phụ nữ, đừng quên chuyện này!

Là phụ nữ cần chú ý đến chuyện chăn gối của hai vợ chồng. Chuyện giường chiếu vẫn còn hòa hợp sẽ là sợi dây vô hình thắt chặt hai người. Nhu cầu tình dục là bản năng tự nhiên, nam giới cũng như nữ giới rất khó để kiềm chế trong một thời gian dài khi ở cùng nhau, việc này cũng không thể diễn ra một cách miễn cưỡng, làm cho có, nên khó tránh khỏi khi "thiếu" sẽ muốn "thỏa mãn" với người mới.

LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN (tuoitre.vn)

HẠNH PHÚC HÔN NHÂN - NHẪN NHỤC TẠO HẠNH PHÚC

  •  
    Chi Tran

     
     

    NHẪN NHỤC LÀM NÊN HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

     

    Cứ để đức tính nhẫn nhục lớn lên trong con tim của mỗi người; khi đó, gia đình hạnh phúc là điều hoàn toàn có thể kiến tạo trong một xã hội nhiều đổ vỡ này.

     

     

    Kiến tạo gia đình hạnh phúc luôn là mối bận tâm của mỗi người. Nhất là những đôi bạn chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân, họ phấn khởi cùng nhau dựng xây một gia đình mới. Nơi đó, làm sao để hạnh phúc luôn đong đầy như ngày hôn lễ? Điều ấy không dễ chút nào, nhất là trong một xã hội có quá nhiều thách đố cản trở đôi bạn. Chỉ có tình yêu mới giúp cho đôi bạn được bền chặt trong hạnh phúc. Đó là chân lý, là sự thật, nhưng cũng thật mông lung với hai chữ: Tình yêu. Để cụ thể, khi cùng các gia đình chiêm ngắm về tình yêu, Giáo Hội mô tả một trong những đặc tính của tình yêu là nhẫn nhục.

     

    Nếu tra từ điển, chúng ta dễ dàng bắt gặp những từ ngữ quen thuộc liên quan đến nhẫn nhục: Nhịn, nén lòng, chịu đựng, gắng nhịn, vững lòng chịu đựng. Đó là phản ứng của một người không để cho cảm xúc lấn át, nhưng để lý trí và tình yêu làm dịu cơn giận. Họ biết cơn bực tức đến, nhưng họ cũng biết cách hóa giải nó trong hòa bình. Vì đây là đức tính tốt, nên đòi hỏi người ta phải tập luyện mới có được. Xin đừng hiểu lầm nhẫn nhục chỉ cần trong hạnh phúc gia đình, nhưng nó là sức mạnh để xây dựng mọi mối tương quan trong xã hội, giáo hội.

     

     

    Trong bài này, chúng ta thấy gia đình cần nhẫn nhục biết bao. Điều ấy có nghĩa là người vợ, người chồng và con cái cùng để cho sự nhẫn nhục làm chỗ dựa trong những lúc xung đột xảy ra. Bất hòa và to tiếng là không tránh khỏi trong đời sống gia đình, vợ chồng. Tuy nhiên, chỉ những ai biết nhường nhịn, chịu đựng và “chậm giận” mới là người thực sự có tình yêu cao cả. Qua những lần như thế, các thành viên hiểu nhau hơn. “Sau cơn mưa, trời lại sáng” khi các thành viên trong gia đình biết nhường nhịn nhau. Chẳng hạn, không ít lần vợ chồng không cùng quan điểm, người này làm trái ý người kia, người vợ gây lỗi lầm với người chồng, người chồng thiếu tôn trọng người vợ, v.v. nếu cả hai hung hãn được thua, thử hỏi, làm sao có được gia đình êm ấm? Ngược lại, chỉ khi người ta biết đối thoại sau cơn giận, họ mới thực sự có mẫu số chung là tình yêu để giải quyết vấn đề. Những gia đình hạnh phúc đều ít nhiều theo con đường này, tôi nghĩ thế.

     

    Ngày xưa triết gia Socrate, người Hy Lạp, chẳng may có một người vợ khó tính cực kỳ. Bà giống như sư tử hà đông vậy. Nhưng người đời ngả mũ khen cho tính nhẫn nhục, chịu đựng của ông trước những dở chứng của bà một cách kỳ diệu. Ví dụ một ngày nọ, ông đang luận bàn triết học với các môn sinh ngay trước cửa nhà, bà vợ bắt đầu dùng lời lẽ thô tục để rủa sả ông. Lạ thay, ông vẫn một mực điềm nhiên như không nghe biết gì. Bà vợ không cầm nổi cơn giận, đã múc một gáo nước tạt vào người ông. Nhà hiền triết cũng không để lộ một phản ứng. Mãi một lúc sau, ông mới bông đùa với đám môn sinh: “Sau cơn sấm sét thì lại có mưa giông”.  

     

    Câu chuyện trên, chúng ta có thể xét đoán bà vợ kia cũng hung tợn quá, ông triết gia kia chắc cũng yếu nhược quá. Nhờ không nóng giận mà triết gia trên đây có thể giữ cho gia đình mình được hạnh phúc. Nhờ đó, ông để lại cho đời biết bao bài học về đạo đức gia đình và cung cách hành xử đúng mực của con người. Tuy nhiên, trong gia đình cũng cần nhớ rằng: “nhẫn nhục không có nghĩa là cho phép mình thường xuyên bị xử tệ, hoặc dung túng cho những bạo hành trên thân xác, hay cho phép người khác đối xử với mình như một đồ vật.” (số 92) Tiếc là trong các gia đình Việt Nam không thiếu những chuyện đau lòng như thế. Bạo lực gia đình đang là tiếng chuông báo động. Để giải thích cho hiện tượng này, những chuyên viên về gia đình chỉ ra rằng: “Vấn đề xảy ra là khi chúng ta đòi các mối tương quan phải êm ả hay người ta phải hoàn hảo, hoặc khi chúng ta đặt mình ở trung tâm và mong đợi duy nhất một điều là mọi sự đi theo ý muốn của mình. Rồi thì mọi sự làm chúng ta mất kiên nhẫn, mọi sự làm chúng ta phản ứng cách hung hăng.” (số 92).

     

    Như thế, liều thuốc để chữa tính tình hung hăng, nóng giận là đừng đặt mình ở vị trí trung tâm. Cái rốn của vũ trụ chưa bao giờ thuộc về chúng ta. Trong gia đình cũng thế, mỗi thành viên đều có vai trò và trách nhiệm khác nhau. Nơi đó là tập hợp những thành phần khác nhau, được liên kết trong tình yêu. Chắc là chỉ có ai lấy gia đình là ưu tiên, muốn gìn giữ hạnh phúc, họ mới biết tôn trọng người vợ, người chồng và con cái. Khi đó, nhẫn nhục thực sự là phép mầu để người ta cùng ngồi xuống, nhìn nhận vấn đề đang xảy ra và cùng nhau tháo gỡ trong tình yêu thương. Ai cũng biết thế, nhưng làm được điều ấy không dễ chút nào. Thậm chí chúng ta thuộc lòng: “Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác.” (Ep 4,31), Nhưng mấy ai làm được!

     

    Đã đến lúc gia đình phải là số một. Mọi ưu tiên để gầy dựng một gia đình hạnh phúc là trách nhiệm của mỗi thành viên. Trách nhiệm trong tình yêu luôn là điều nhẹ nhàng và thú vị. Nhẹ nhàng để cư xử với nhau trong tôn trọng; thú vị để thấy sau những lần ấy, mối dây tình yêu liên kết giữa các thành viên thêm bền chặt hơn. Cứ để đức tính nhẫn nhục lớn lên trong con tim của mỗi người; khi đó, gia đình hạnh phúc là điều hoàn toàn có thể kiến tạo trong một xã hội nhiều đổ vỡ này.

     

    Lạy Chúa Giêsu, tính khí mỗi người trong gia đình có khi rất khác nhau. Tuy vậy, khi đôi bạn với tình yêu thúc đẩy, họ quyết định tự do nên nghĩa vợ chồng. Trong cuộc sống gia đình mới, ước gì vợ chồng cùng nhau làm cho đời sống thêm thi vị, mặn nồng và hạnh phúc. Xin giúp vợ chồng biết rằng:“Tình yêu luôn luôn bao hàm một ý thức thương cảm sâu xa dẫn tới việc chấp nhận người khác như một phần của thế giới này, ngay cả khi người ấy hành động khác với kỳ vọng của tôi.” Thay vì nhìn về mình, xin cho mỗi thành viên nhìn về Chúa, và sau đó nhìn về nhau trong tình yêu nhẫn nhục, chịu đựng và hạnh phúc chấp nhận những khác biệt rất cần thiết của nhau. Xin Chúa chúc lành cho gia đình của chúng con. Amen.

     

    Bài viết dưới đây được khai triển trong ánh sáng của:

     Niềm Vui Của Tình Yêu số 91-92  

    Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

     
     

HẠNH PHÚC HÔN NHÂN - NHÂN PHIÊN TÒA THẢO&VŨ

HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH NHÂN PHIÊN TÒA CHỦ CÀ PHÊ TRUNG NGUYÊN

 

Khi đọc những nhận xét về phiên tòa ly hôn trên kia, ta thấy nhiều người lấy làm tiếc vì sự đổ vỡ của hai doanh nhân thành đạt. Họ nhắc đến những năm tháng hạnh phúc cùng nhau. Tiếc là giờ đây, tiền bạc cũng chẳng mua được hạnh phúc vợ chồng.

 

 

Mấy ngày nay báo chí liên tục đưa tin về một phiên tòa liên quan đến gia đình “vua” cà phê Trung Nguyên. Nơi đó, người ta thấy bà Lê Hoàng Diệp Thảo hay ông Đặng Lê Nguyên Vũ đều có tình, có lý của riêng mình. Tuy nhiên, một thực tế có thể thấy là hạnh phúc gia đình của hai người đang gặp khủng hoảng. Ly hôn là điều họ đang phải đương đầu. Có nhiều lý do dẫn đến chuyện đau lòng này (chỉ có người trong cuộc mới biết rõ)! Không phải nghèo khó mới khiến gia đình lục đục, nhưng “người giàu cũng khóc” là điều người ta thấy trong phiên tòa này.

Có lẽ nhiều người cũng ước mong hai người có thể hàn gắn, hoặc ít là không dẫn đến chuyện ly hôn. Câu chuyện đau lòng này khiến tôi nghĩ đến các đôi vợ chồng. Đâu là bí quyết giữ được hạnh phúc gia đình? Chắc hẳn khi nên nghĩa vợ chồng, ai cũng có kinh nghiệm để làm sao cho gia đình mình được hạnh phúc. Thuận vợ thuận, thuận chồng không phải lúc nào cũng có được. Vậy khi sóng gió ùa vào con thuyền gia đình, đâu là điều để người ta bám víu? Là gia đình Công giáo, hẳn nhiều người đồng ý rằng cầu nguyện là một trong những bí quyết để gìn giữ hạnh phúc ấy. Chúa Giêsu chỉ cho ta bí quyết: “Hãy đến với Ta, hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, Ta sẽ cho nghỉ ngơi, bồi dưỡng” (Mt11, 28).

Tôi có dịp nghe nhiều gia đình (nghèo có, giàu có) kể về tình cảnh của họ. Mỗi khi cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, họ chạy đến với Thiên Chúa để tâm sự với Người. Tức giận không hẳn vụt mất khi họ cầu nguyện, nhưng chính trong bầu khí thinh lặng và đối diện với Thiên Chúa, họ bình tĩnh để thấy đâu là điều cần thiết nên làm. Trong bầu khí đó, họ có thể tìm lại được tình nghĩa vợ chồng, thấy được điều sai, lẽ phải để biết trò chuyện với nhau. Kết quả là sau bao nhiêu lần khó khăn ấy, là bấy nhiêu lần họ cầu xin Chúa giúp cho họ có sức mạnh, để chấp nhận và làm hòa với nhau. Thế nhưng, chẳng phải ai cũng làm được như họ! Cầu nguyện là điều xa lạ với nhiều người.

Phải thừa nhận rằng đời sống gia đình trong thời đại hôm nay luôn có quá nhiều thách đố. Phải chăng trước thực tế ấy, Giáo Hội Việt Nam dành cả một năm để “đồng hành với các gia đình gặp khó khăn”. Những lộc thánh năm 2019 cũng nhắc nhớ ta điều ấy: Cầu nguyện cho đời sống gia đình. Khó khăn không chỉ trong đời sống kinh tế, làm ăn vất vả; nhưng trên hết, gia đình gặp khó khăn chính trong mối tương quan giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái. Do đó, thật quan trọng biết bao để mỗi cặp vợ chồng biết cách, hoặc ưa thích cầu nguyện với Thiên Chúa. Không phải những lúc gặp thử thách hay mâu thuẫn mới cầu nguyện, nhưng chính khi hạnh phúc, cầu nguyện giúp họ càng gia tăng hạnh phúc hơn.

Vậy cầu nguyện bằng cách nào? Có người chia sẻ với tôi rằng: “Lúc buồn chị vào nhà thờ, ngồi đó và nhìn lên Chúa Giêsu, kể cho Chúa những chuyện đang xảy ra trong gia đình mình và xin Chúa giúp.” Hoặc, “Gia đình anh chị dù bận bao nhiêu cũng cố gắng cùng nhau tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật.” Nói chung, họ biết cách sống với nhau trong bầu không khí thánh thiện, chan hòa. Từ đó, không chỉ mỗi thành viên có tương quan với Thiên Chúa, mà chính trong gia đình, họ cảm thấy hạnh phúc sống cùng nhau.

Đừng quên, tôn giáo nào cũng cho thấy cầu nguyện (hoặc tĩnh tâm) đều giúp cho con người (nói riêng), và đời sống gia đình được hạnh phúc hơn. Đó là bí quyết dường như quá khó trong thời đại hôm nay. Tôi biết nhiều vợ chồng công giáo quá để tâm đến chuyện làm ăn kinh tế mà quên lãng chuyện đạo nghĩa. Họ không quen trò chuyện với Thiên Chúa. Họ ít dành thời giờ cho nhau. Đó là một mối nguy cho hạnh phúc gia đình! Ngược lại, thật quý biết bao khi nhiều gia đình trẻ lấy Thiên Chúa là một trong những bận tâm chính trong đời sống của họ. Kết quả là khi sóng gió xảy đến, họ được Thiên Chúa trợ giúp, và cùng nhau vượt qua. Thế là mối tình của họ bền chặt hơn theo tháng năm.

Khi đọc những nhận xét về phiên tòa ly hôn trên kia, ta thấy nhiều người lấy làm tiếc vì sự đổ vỡ của hai doanh nhân thành đạt. Họ nhắc đến những năm tháng hạnh phúc cùng nhau. Tiếc là giờ đây, tiền bạc cũng chẳng mua được hạnh phúc vợ chồng. Dĩ nhiên, ly dị nào cũng khiến hạnh phúc gia đình đổ vỡ. Hơn nữa, con cái chẳng hạnh phúc gì khi thấy ba mẹ cách xa. Thấy chuyện người ta để nhắc nhớ chuyện mình: chuyện về hạnh phúc của mỗi vợ chồng. Theo dõi phiên tòa ấy cũng là dịp để người vợ, người chồng trong mỗi gia đình thêm yêu thương nhau hơn. Mỗi người mở lòng để hiểu nhau nhiều hơn. Là vợ chồng công giáo, họ còn có Thiên Chúa là Tình Yêu giúp tình yêu của họ thêm mặn nồng hơn. Để được như thế, họ cần cầu xin Thiên Chúa đến trong gia đình họ. Khi vui cũng như lúc buồn, Thiên Chúa biết cách để tạo cho từng gia đình có được hạnh phúc bình an.

*SUY TƯ VÀ QUYẾT TÂM HÀNH ĐỘNG: Ước gì mỗi gia đình luôn cầu nguyện với Thiên Chúa. Đó là bí quyết để cùng nhau bồi đắp cuộc sống vợ chồng. TÔI QUYẾT TÂM để Thiên Chúa thánh hóa đời lứa đôi, làm cho người vợ, người chồng mỗi ngày hiểu nhau hơn, yêu nhau hơn và sống hạnh phúc với nhau hơn. “NHỜ LỬA THÁNH LINH, cho duyên tình mãi nở hoa. CHÚA Giêsu đến trong nhà, cho đời hòa tiếng ca.” Đó chẳng phải là lời cầu nguyện tuyệt vời của vợ chồng khi lãnh nhận bí tích hôn phối đó sao?

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ (dongten.net)

Download all attachments as a zip file

  • 1550830300812blob.jpg
    521.2kB