8. Đời Sống Tâm Linh

Sống Mùa Vọng

Mùa Vọng, ngày xưa thường gọi là “Mùa Áp” (theo tiếng Latinh là Adventus, từ động từ Advenire, tiếng Anh là Advent, có nghĩa là “đến gần”), với ý nghĩa là Mùa “trông đợi”, “mong chờ”.

Theo truyền thống Giáo Hội, Mùa Vọng có bốn ý nghĩa sau: Mùa kỷ niệm thời gian chuẩn bị đón Chúa Kitô “đã đến” lần thứ nhấtMùa chuẩn bị đón Chúa Kitô “sẽ đến” lần thứ hai vào ngày tận thếMùa chuẩn bị đón Chúa Kitô “sẽ đến” viếng thăm vào cuối đời mỗi người chúng taMùa chuẩn bị tâm hồn Kitô hữu xứng đáng để mừng Lễ Giáng Sinh sắp tới.

1/ Mùa Vọng là Mùa kỷ niệm thời gian chuẩn bị đón Chúa Kitô “đã đến” lần thứ nhất cách đây hơn 2 ngàn năm.  Kỷ niệm ở đây không đơn thuần là hoài niệm, không chỉ là những hình ảnh hay biến cố để ghi nhớ, nhưng là một thực tại để sống.

Mùa Vọng trước tiên là Mùa để chúng ta sống lại lịch sử ơn cứu độ của Đức Kitô trong cuộc đời mình, bắt đầu từ việc dân Do thái mong đợi và chuẩn bị Đấng Messia (Chúa Kitô) đến để “giải phóng” họ khỏi ách nô lệ, đặc biệt là nô lệ tội lỗi.  Isaia đã loan báo, Gioan Tẩy Giả đã dọn đường, dân chúng cũng đã chịu phép rửa sám hối để đón nhận Đấng Messia.

Đấng Messia là Đức Kitô đã đến, ban đầu người ta cũng hồ hởi đón nhận Ngài, nhưng rồi thấy Ngài là Đấng không giống như mình nghĩ, không hành động như mình mong, không thực hiện những điều như mình muốn, nên người ta dần dần bỏ Ngài.  Hơn nữa, vì quyền hành và tham vọng, vì kiêu căng và lòng chai dạ đá, nên các vị lãnh đạo tôn giáo muốn khai trừ Ngài.

Quả thật,“Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 11).  Người Do Thái đã muốn nắn đúc Vị Cứu Tinh theo ý đồ và tham vọng của họ, muốn đúc khuôn một Vị Cứu Thế theo quan niệm và mơ ước của họ, nên đã không nhận ra hay không muốn nhận ra Ngài.  Cuối cùng, Chúa Giêsu đã chết cho những ảo tưởng, kiêu căng và tội lỗi của họ, và thật ra cũng là của nhân loại, của mỗi người chúng ta.

Cho tới ngày nay họ vẫn còn gục đầu vào bức tường than khóc để chờ đợi một Đấng Messia như lòng họ mong ước, chứ không như Thiên Chúa ước mong.  Như vậy, sống lại lịch sử của ơn cứu độ trong Mùa Vọng là để chúng ta xác tín rằng, thái độ mong đợi và chuẩn bị Chúa đến trước tiên phải là hành vi tẩy não và thanh lọc cuộc sống mình, để không rơi vào tình trạng vong thân và lạc mất ơn cứu độ như dân Do Thái xưa.

Nói đến tẩy não là vì trong đầu óc ta đầy những tạp niệm, định kiến, thành kiến, thiên kiến; cũng như những hình dung và quan niệm lệch lạc hoặc thiếu xót về Thiên Chúa, về chính mình và tha nhân, để từ đó sáng lên một cái nhìn trung thực, đúng đắn, rõ ràng và thâm sâu về mọi sự theo cái nhìn của Thiên Chúa.

Nói đến thanh lọc là vì bản thân ta luôn dễ bị ô nhiễm bởi nhiều ham muốn, đam mê, dục vọng, khiến ta sa lạc, và nô lệ cho tội lỗi.  Tội lỗi làm tâm trí ta trở nên đen tối không còn khả năng nhận diện và gặp gỡ Chúa.  Vì thế, tẩy não và thanh lọc bản thân điều kiện tối cần.  Đó cũng là hành vi tự cứu độ mình trước khi đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.

2/ Mùa Vọng là Mùa chuẩn bị đón Chúa Kitô “sẽ đến” lần thứ hai vào ngày tận thế.  Ngày đó cũng là ngày “không ngờ”, ngày mà “Con Người sẽ ngự đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả!” để xét xử phân minh.  Tuy nhiên đối với những ai có lòng tin nơi Đấng Cứu Thế, và sống theo Phúc Âm của Ngài, thì ngày đó, không đáng kinh khiếp, nhưng lại là “Ngày Giải Thoát” để bước vào miền hạnh phúc viên mãn của cuộc sống “trường sinh, vinh hiển”, một “Trời Mới Đất Mới” (Is 65, 17; 66, 22 ; Kh 21, 1-4).  Hoa quả của lòng tin chính là đức ái trong mọi tương quan hằng ngày.  Tiêu chuẩn chính yếu của ngày chung thẩm không có gì khác hơn là tình yêu mến, là đức ái (x. Mt 25, 32-55).

Dostoievski có lần kể câu chuyện về một người phụ nữ ở dưới luyện ngục, tha thiết xin thánh Phêrô cho lên thiên đàng.  Thánh nhân yêu cầu bà nhớ lại xem đã làm được điều gì tốt để ngài có thể dựa vào lý do đó mà xét cho vào Thiên đàng.  Người phụ nữ nhìn lại thật tỉ mỉ cuộc đời và nhớ chắc chắn đã có lần cho lão ăn mày khốn khổ một củ hành.  Bà vội trình với thánh Phêrô và ngài phán, vì ngươi đã cho kẻ khó một củ hành nên bây giờ ta sẽ cột sợi dây vào củ hành thả xuống luyện ngục, rồi ngươi cứ bám vào đó, ta sẽ kéo lên.  Thế là người phụ nữ bám chặt vào củ hành để thánh Phêrô kéo lên.  Khổ nỗi khi thấy bà được kéo lên, những người khác nhao nhao xin theo và bà ra sức dẫy dụa đạp họ xuống, vừa đạp vừa la “một mình tao lên thôi!”  Nhưng vì dẫy dụa quá nên sợi chỉ đứt luôn và bà vẫn ở lại chỗ cũ.

Tới lúc lên thiên đàng mà vẫn còn ích kỷ.  Câu chuyện này có thể làm ta liên tưởng đến hình ảnh các nhân vật tư tế và trợ tế trong dụ ngôn Người Samari nhân hậu (x. Lc 10) khi họ vội vã lên đền thờ mà bỏ quên tha nhân trong cảnh đau khổ.  Thiếu tình yêu, thiếu bác ái với tha nhân, thì những cố gắng chu toàn các bổn phận thờ phượng có nghĩa lý gì? “Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.” (Mt 9, 13).

3- Mùa Vọng là Mùa chuẩn bị đón Chúa Kitô “sẽ đến” viếng thăm vào cuối đời mỗi người chúng ta.  Không ai biết được ngày giờ nào, vì thế, hãy chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng.  Như Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Chúng con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì chúng con không biết lúc đó là lúc nào!” (Mc 13, 33).  Thánh Phaolô cũng khuyên: “Chúng ta mong chờ Chúa Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra…” và mong rằng “chúng ta bền vững đến cùng, không có gì đáng trách trong ngày Chúa Kitô, Chúa chúng ta ngự đến” (1Tx 5, 23)

Thường xuyên suy gẫm về sự chết là cách thế hữu hiệu nhất để sống cách tốt nhất.  Đức Hồng Y Px. Nguyễn Văn Thuận chia sẻ cho chúng ta kinh nghiệm: “Nếu tôi biết ngày mai mình sẽ chết, thì hôm nay tôi sẽ sống một ngày đẹp nhất.”   Chúng ta chưa sống từng ngày đẹp nhất là vì cứ tưởng mình còn lâu mới chết.  Đó cũng là cám dỗ của ma quỉ để ta mê say cuộc sống này mà mất đi sự cảnh giác.

Ai cũng dễ ham mê gây dựng cho mình một sự nghiệp trần thế, muốn có uy tín hơn, sáng giá hơn, chức vụ cao hơn, ảnh hưởng lớn hơn, mọi người nể phục hơn, làm nên những công trình to tát hơn.  Ít có ai muốn sống âm thầm, hiền lành, khiêm tốn và vui lòng chịu khó, chịu khổ theo ý Chúa muốn; ít ai muốn chịu khinh khi, chịu xóa mình, chịu quên lãng, để sống cho Chúa và tha nhân.  Nhưng rồi tất cả những gì chúng ta gầy dựng để mong hưởng thụ cho riêng mình đều là hư vô, vì khi nằm xuống trong lòng đất rồi thì tất cả đều chấm dứt, chẳng còn lại gì.  Chẳng ai còn nhớ đến, thế hệ tương lai cũng chẳng biết ta là ai, hiện hữu cũng vậy, không hiện hữu cũng thế, duy chỉ một mình Chúa biết.  Quả thật, ý nghĩa và giá trị cuộc sống của ta chỉ ở nơi Chúa mà thôi.  Vì thế, đừng bao giờ tìm kiếm những gì ngoài Chúa, những gì không phải là Chúa.

4. Thực tế, Mùa Vọng là mùa chúng ta chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để mừng Lễ Giáng Sinh sắp tới.  Thật sự ta chẳng bao giờ xứng đáng được với chính Chúa, Đấng thánh thiện vô ngần, nhưng chỉ là bớt bất xứng hơn.  Điều này đòi hỏi mỗi người cứ phải hoán cải, sửa đổi và tu chỉnh cuộc sống không ngừng, để góp phần với Chúa làm cho cuộc sống trở nên chân thật hơn, khiêm tốn hơn, yêu thương hơn, cao đẹp hơn, an bình hơn, như tiên tri Isaia đã hô hào, như Gioan Tẩy Giả đã loan báo, như trong thơ 2Phêrô 3-9 đã nhắc lại “Thiên Chúa kiên nhẫn đối với anh em; vì Ngài không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn mỗi người đi đến chỗ ăn năn hối cải …”.

Nguyễn Trãi có câu: “Nhất thất túc thành thiên cổ hận. Tái hồi đầu thị bách niên cơ” (Một bước sa chân là ngàn đời ân hận.  Quay đầu trở lại là trăm năm cơ đồ).  Cần làm một cuộc trở lại cách đặc biệt trong Mùa Vọng này: trở lại với Chúa, trở lại với anh em, và trở lại với chính mình để đón nhận một sức sống mới.

Chúa Giáng Sinh không chỉ là một biến cố hồng phúc đối với Đức Maria ngày xưa, nhưng còn là một biến cố ân phúc đối với mỗi người chúng ta ngày nay.  Theo cha Zundel, điều này có nghĩa là Chúa cũng muốn cho chúng ta nên giống như Đức Mẹ là cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa lớn lên trong cuộc đời mình.  Đây là điều chúng ta đọc thấy trong phụng vụ lễ Giáng sinh: “Một đứa trẻ được sinh ra cho chúng ta”.

         Thiên Chúa muốn sinh ra từ chúng ta cũng như chúng ta được sinh ra từ Ngài.  Điều bí ẩn sâu sắc nhất của Phúc Âm, đó là Thiên Chúa muốn sinh ra từ lòng mến của chúng ta.  Người ta chỉ tin vào Thiên Chúa, tin vào Phúc Âm khi bộ mặt của Chúa Giêsu lộ rõ trong đời sống của chúng ta, để từ đó ta mới có thể trao ban Chúa cách đích thực cho người khác.  Mỗi lần khuôn mặt người khác được sáng lên do sự tiếp xúc với lòng bác ái của chúng ta, thì đó là nét mới của khuôn mặt Thiên Chúa được lộ ra.  Nếu không như thế, thì đời sống thiêng liêng, mọi hoạt động tông đồ và truyền giáo đâu có nghĩa gì.  Đó cũng chính là sự thể hiện tính cách mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ của Giáo Hội trong cuộc đời của mỗi người chúng ta.

Hiểu như thế và xác tín thâm sâu như vậy, chúng ta mới thấy Lễ Giáng Sinh có một ý nghĩa trọng đại trong từng năm của cuộc đời mình.  Nhờ đó, ta biết chuẩn bị bằng cách cải đổi tâm hồn mình như thế nào để phát sinh hiệu quả ơn thánh và làm lớn mạnh công trình tình yêu mà Chúa muốn thực hiện nơi mỗi người chúng ta.

LM Thái Nguyên

THÁI ĐỘ NÀO CHO VIỆC ĐÓN CHỜ CHÚA?

SỐNG MÙA VỌNG 2023

"MARANATHA – LẠY CHÚA GIÊSU, XIN NGỰ ĐẾN!" (Kh 22, 20). Điệp khúc của mùa Vọng, tiếp tục vang lên trong mùa Vọng 2023 này.

Đó là lời cuối cùng trước khi kết thúc sách Khải Huyền, quyển sách cuối cùng của toàn bộ Thánh Kinh Kitô giáo do thánh Gioan Tông đồ, "Người môn đệ Chúa yêu" viết.

Mùa Vọng, Hội Thánh mượn tâm tình trông chờ Chúa Cứu Thế của Cựu Ước để sống niềm hy vọng Người kết thúc thời Tân Ước, dẫn đưa đoàn dân mới vào Giêrusalem mới có Trời mới Đất mới. Trong hy vọng cánh chung, Hội Thánh không ngớt cầu nguyện: "Maranatha – Lạy Chúa Giêsu xin ngự đến".

Hội Thánh không những không bao giờ dừng hy vọng của mình nơi Chúa Giêsu, mà còn tin tưởng mạnh mẽ và tha thiết kêu nài Người dẫn đưa lịch sử đến nơi vừa là bến bờ, vừa là cội nguồn của hạnh phúc là chính Người. Hội Thánh dâng lên Người niềm cậy trông để hy vọng vào sự Người ngự đến (Kh 22, 20).

Nhưng chúng ta không chỉ hô to khẩu hiệu của mùa Vọng "xin Chúa ngự đến", mà không dấn thân để Chúa ngự đến trong chính tâm hồn mình, trong anh chị em xung quanh, trong thế giới mà mình đang hiện diện và đồng hành.

Vài đề nghị cần thực hiện ngay để sống mùa Vọng, nhờ đó, ta có thể lưu lại trong Chúa, Đấng hằng ngự đến trong cõi lòng ta và nơi mọi người:

 

  1. TỰ HÀO ĐƯỢC THIÊN CHÚA YÊU THƯƠNG.

Hãy luôn nhớ rằng Thiên Chúa yêu thương ta. Nhìn nhận và tin tưởng vững chắc vào tình yêu của Chúa là một trong những bí quyết sống hạnh phúc.

Hãy luôn tin rằng, Chúa không bỏ rơi chúng ta vì Người là chính tình yêu. Nơi Người có đủ mọi năng lực yêu thương để thương xót, để tha thứ, để bao bọc, để chở che, để làm cho chúng ta sống và sống dồi dào...

Mỗi ngày sống trôi qua, không chỉ không nghi ngờ về lòng yêu thương của Chúa mà còn tăng thêm, phát triển thêm, xác tín thêm, dù ta có thế nào, Chúa vẫn đón nhận, vẫn không mệt mỏi nhưng chung thủy trong tình yêu và luôn dành cho ta một vị trí trong trái tim Người, ta sẽ càng cảm nhận cuộc sống đáng yêu, đáng sống. Đó chính là hạnh phúc vô bờ bến của người biết tin tưởng và cậy dựa vào tình yêu của Chúa.

Tự hào được Chúa yêu theo gương thánh Gioan tông đồ, người luôn khẳng định với mọi người, "môn đệ được Chúa yêu", sẽ giúp ta có nhiều và phát triển ngày một hơn về những hoa trái thánh thiện.

Tự hào được Chúa yêu, ta sẽ dễ dàng sống như thánh Phaolô hướng dẫn: "Không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc. Không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù. Không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật... Tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả..." (1Cr 13, 4-7).

Tự hào được Chúa yêu, ta đủ sức mạnh vượt thắng tội lỗi, vươn lên sống trọn ơn gọi nên thánh. Vì không ai biết mình, tự hào nơi mình có tình yêu Thiên Chúa mà lại có thể sống trong tội lỗi, hoặc lại có thể ở lỳ trong tội.

Vì thế, khi vươn tới sự thánh thiện, sống ơn gọi nên thánh và vượt thắng tội lỗi, là cách ta tự mình trình bày trước Chúa và trước anh em ta về nỗ lực đón Chúa Giêsu đến và thực sự được Chúa Giêsu ngự đến.

 

  1. NHÌN THẤY NHỮNG ĐIỀU TỐT ĐẸP.

Hãy có thái độ lạc quan. Hãy luôn sống như có Chúa ở cùng để giữ vững tinh thần lạc quan. Hãy phó thác và đặt vào tay Chúa mọi sự, mọi biến cố, mọi âu lo, mọi suy nghĩ, mọi toan tính của bản thân để củng cố luôn luôn nơi cuộc sống và suy nghĩ của chính mình niềm lạc quan và tin yêu vào cuộc sống. Có tích cực hướng về sự lạc quan, ta mới có khả năng nhìn thấy Ở MỌI THỨ VÀ MỌI NGƯỜI NHỮNG ĐIỀU TỐT ĐẸP.

Mỗi hoàn cảnh, mỗi vấn đề, mỗi biểu hiện của từng người trong cung cách sống của họ đều có nhiều khía cạnh để chúng ta có thể quan sát và đánh giá. Vì thế, dù đối diện với bất kỳ con người hay sự vật hay hoàn cảnh nào, cố gắng tìm ra điểm tích cực để có thể mang lại nhiều năng lượng sống cho chính mình.

Một khi bản thân được tiếng là người luôn nhìn thấy những điều tốt đẹp, chắc chắn sẽ nhận được sự tôn trọng xứng đáng mà mọi người dành cho.

Càng là người có ảnh hưởng bao nhiêu, càng cần nhìn theo hướng tích cực bấy nhiêu, để mọi môi trường, mọi nơi mình hiện diện lan tỏa sự lạc quan, tinh thần vượt thắng khó khăn, sự chung tay để đi đến chiến thắng.

Sống mùa Vọng bằng niềm tin vào những điều tốt đẹp, khiến bản thân, phần nào phản chiếu hình ảnh Chúa Giêsu đang ngự đến. Vì khi cùng sống với mọi người, trong lúc ta biết tỏa những năng lượng tích cực, là cách làm chứng cho mọi người biết Chúa Giêsu ngự trong tâm hồn ta.

Bởi một khi Chúa Giêsu ngự đến, Người đâu có hiện diện nơi nào xa xôi, Người đâu có xuất hiện trong những kỳ bí hay vỹ đại nào. Thái độ sống tích cực, niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp của ta, niềm tin vào cõi lòng của từng người nơi ta... là cách ta thể hiện mạnh mẽ, dữ dội việc Chúa Giêsu đang ngự đến.

Chúa ngự đến trong cái bình thường của mọi người. Chúa ngự đến nơi từng khoảnh khắc thường nhật của tất cả chúng ta và của thế giới này.

 

  1. SỐNG CHU ĐÁO LÒNG BIẾT ƠN THIÊN CHÚA.

Mỗi chúng ta đều nhận lãnh tình yêu vô lượng và khôn cùng của Thiên Chúa. Từ hư không, chúng ta thành người. Nhưng không ai là kẻ vô danh. Trong bàn tay Chúa, trong trái tim Chúa, trong sự quan phòng kỳ diệu từ đời đời của Chúa, không chung chung, nhưng từng người, từng người một được Chúa biết đến, được Chúa gọi đích danh, được Chúa trọng ban tình yêu, ân sủng và sự cứu độ đời đời.

Chúng ta được sinh ra từ bàn tay của Chúa, được làm người và làm con Chúa đã là vinh dự, là hạnh phúc, là sự hãnh diện vô cùng tận. Vậy mà để sống trọn kiếp người và để bước vào cõi vinh thắng đời đời, từng người trong chúng ta đều được Chúa bao phủ cả cuộc đời bằng ân sủng lớn lao. Người không ngừng ban ơn để gìn giữ chúng ta trên từng chặng đường. Người không ngừng tha thứ mỗi khi chúng ta lỗi phạm để Người không mất chúng ta, và để chúng ta không mất Người đời đời.

Đã là con người, là thụ tạo thuộc bậc ưu tú, là kẻ được tha thứ, là kẻ được quyền nhận lãnh chính Người Con Một của Thiên Chúa, vị trí của chúng ta đã là vô cùng, đã là không thể hiểu nổi, không thể tưởng tượng nổi.

Vậy mà giờ đây trong Chúa Kitô, Người Con Duy Nhất của Thiên Chúa, mỗi chúng ta lại được chính Thiên Chúa nhìn nhận là con của Người, được hưởng gia nghiệp của Thiên Chúa, cùng đồng phận với Chúa Kitô. 

Quá đỗi kỳ diệu, quá đỗi phong nhiêu, quá đỗi mạnh mẽ. Niềm vui tuyệt đỉnh ấy chỉ còn biết vỡ òa trong hạnh phúc, trong hãnh diện, trong sự thần phục và lạy tạ mà thôi.

Hồng ân lớn lao không thể diễn tả hết, không thể thấu hiểu cho cùng đó chính là ta được Chúa trao ban Con Một của Người.

Làm sao mà những tội đồ lại có được chính Thiên Chúa làm người? Làm sao mà những kẻ vong thân và vong ân lại có thể nhận lãnh kho tàng và gia nghiệp là chính Đấng sang trọng từ trời cao đến nhập cuộc với mình? Làm sao mà những kẻ thấp hèn, xấu xa, nghèo nàn, dễ đổ vỡ, dễ ngã nhào, lại có thể có Đấng giàu sang, Đấng mà trời còn không thể chứa, biển không thể dò, núi cao vời vợi không thể đo lại có thể sớt chia và nên đồng phận với mình?

Vì thế, sống mùa Vọng bằng lòng biết ơn Thiên Chúa, từ nay, mỗi khi cất lên lời kinh: "Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng bỏ con, chẳng để con không đời mà lại sinh ra con cho con được làm người, cùng hằng gìn giữ con, hằng che chở. Lại cho Ngôi Hai xuống thế làm người, chuộc tội chịu chết trên cây thánh giá vì con. Lại cho con được đạo thánh Đức Chúa Trời cùng chịu nhiều ơn nhiều phép Hội Thánh nữa, và đã cho phần xác con hôm nay được mọi sự lành, lại cứu lấy con kẻo phải chết tươi ăn năn tội chẳng kịp", các Kitô hữu hết lòng xưng tụng tình yêu của Chúa, hết lòng biết ơn Thiên Chúa, hết lòng dâng mình để cố mà đáp trả tình yêu Chúa dành cho mình.

Sống lòng biết ơn Thiên Chúa, chúng ta sẽ được kết hợp với Chúa Giêsu, để cùng với Chúa Giêsu tạ ơn Thiên Chúa trong cùng một hiến tế duy nhất mà chính Chúa Giêsu thực hiện, chắc chắn sẽ vô cùng đẹp lòng Thiên Chúa, chắc chắn sẽ được Thiên Chúa ưng nhận.

Sống lòng biết ơn Thiên Chúa trong sự hiện diện thánh thiện và bền bỉ của Chúa Giêsu là cách thế giúp ta ngày càng xác tín mạnh rằng: Chúa Giêsu vẫn luôn ngự đến. Người mãi mãi là Đấng hiện diện. Người không ngừng kết nối lòng ta, tâm hồn ta với Cha của Người và là Thiên Chúa của chúng ta.

Đó là vài đề nghị khả dĩ giúp chúng ta có được hạnh phúc trong đời sống, trong khi chờ đợi Chúa đến, trong khi cùng Hội Thánh kêu nài Chúa ngự đến.

Xin Chúa ban cho từng người niềm hạnh phúc trong hy vọng bền bỉ Chúa sẽ ngự đến.

Và dù phải đối diện với hoàn cảnh nào, ngay cả khi tưởng chừng bi đát nhất, tăm tối nhất, bế tắc nhất, vẫn đủ sáng suốt tìm cho mình một lối mở đi về phía Thiên Chúa, để với niềm hy vọng Chúa sẽ đến "mang theo theo lương bổng để trả cho mỗi người tùy theo việc mình làm" (Kh 22, 12), mỗi người luôn tỉnh thức để chỉ sống cho Chúa, hành động cho Chúa, tư duy như Chúa, nỗ lực thực hành điều Chúa mong muốn trong từng ngày sống.

Chỉ có như thế, mầu nhiệm mong chờ Chúa trong lời cầu nguyện "MARANATHA – LẠY CHÚA GIÊSU, XIN NGỰ ĐẾN!", mới thực sự có giá trị, mới thực sự không là lời cầu nguyện hay mong ước suông, mới thực sự là niềm mong đợi tích cực, là sự trưởng thành làm thăng hoa đời sống Kitô hữu của từng cá nhân trong từng giây phút sống.

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG

ĐỜI SỐNG ĐẠO HẠNH VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT THA NHÂN

Một ngày nọ, cách đây rất lâu, vào khoảng năm 400, có người đã nói mỉa mai với Thánh Augustinô thành Hippo: “Tôi không muốn thừa hưởng Nước Trời; đối với tôi chỉ cần tôi không bị trầm luân đời đời là đủ.” Đây là đoạn văn trong Kinh thánh mà người hoài nghi vừa thảo luận với vị giám mục của mình:

Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa” (Galát 5:19-21).

Lời khuyên của Thánh Phaolô trong Galát chương 5 nghe rất khác với những lời của Chúa chúng ta hôm nay trong Mátthêu chương 25. Trong câu chuyện của Phaolô, thánh nhân nhấn mạnh rằng tội xác thịt, tội đam mê, cảm xúc và khoái lạc thể xác đã cắt đứt người ta khỏi Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong phần trình bày của Chúa về Cuộc Phán xét Cuối cùng, Ngài nói với chúng ta rằng bỏ bê các công việc thương xác bảy mối sẽ khiến chúng ta không được thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho chúng ta ngay từ thuở tạo thiên lập địa: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không choăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng” (Mt 25: 41-43).

Đôi khi hai cách nói này có vẻ như rất khác nhau về giọng điệu, nhưng sự khác nhau này lại bị nhiều người phóng đại và hiểu lầm. Chúng ta hãy xem xét.

Ví dụ, trong giáo xứ của tôi, khi tôi giảng về Lễ Trọng Chúa Kitô Vua, tôi đã nói với mọi người rằng tội phạm đến sự trong sạch hoặc các quan niệm tôn giáo sai lầm hầu như là những nguyên nhân dẫn linh hồn xuống địa ngục. Tôi thậm chí nói thêm rằng đây là điều Đức Mẹ đã nói tại Fatima với ba trẻ được diễm phúc. Bạn có thể tưởng tượng rằng sau đó tôi nhận được một số phản hồi từ vị Giám đốc phụ trách giáo dục tôn giáo (DRE: director of religeous education) hoặc từ các giáo hữu ngay trước cửa nhà thờ, vì nói những điều khá là không hợp thời. Tuy nhiên, khi tôi nói với mọi người rằng nếu họ bỏ bê người nghèo và người túng thiếu thì họ có nguy cơ mất đi linh hồn, và tôi thậm chí còn thêm một số lời của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc phục vụ người nghèo, thì rõ ràng rằng sẽ chẳng có ai phản đối những gì tôi nói, bạn có thể hình dung ra chuyện đó.

Ngày nay, tội xác thịt không bị coi là xấu xa như thế, và việc nhấn mạnh tính hiểm độc của chúng đến mức cảnh báo rằng chúng sẽ dẫn người ta đến lửa hỏa ngục thường bị coi là suy nghĩ thấp kém hoặc quá khắc nghiệt. Nhưng việc nhấn mạnh nghĩa vụ xã hội của chúng ta đối với những người bất hạnh lại được coi là rất đáng trân trọng.

Vì vậy, người ta có thể dễ dàng tưởng tượng một phiên bản hiện đại của người phản đối Thánh Augustinô nói với vị linh mục: “Này Cha, tôi không cần thừa kế vương quốc dành riêng cho người trong trắng và khắc khổ. Tôi sẽ chỉ đóng góp cho người nghèo và người thiếu thốn, và điều đó sẽ đưa tôi vào thiên đàng. Tôi không cần một nước trời nào khác.”

Tuy vậy, thực tế là có mối liên hệ sâu sắc giữa việc chúng ta tận hưởng những cảm xúc và ham muốn khoái lạc của mình với cách chúng ta đối đãi những người gặp hoạn nạn. Một xã hội chìm đắm trong những cảm xúc và ham muốn khoái lạc sẽ không mấy quan tâm đến việc đối đãi những người túng thiếu.

Đây là cách Thánh Augustinô trả lời người phản đối trong bài giảng về việc sám hối (Bài giảng 351). Ngay sau dòng nói về việc không cần Nước Trời, vị tiến sĩ ân sủng vĩ đại giải thích cho kẻ tội lỗi bất chấp đạo lý này:

  • Chúa đã phán: “Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 24: 12-13), Ngài hứa sự cứu rỗi cho những ai kiên trì trong lòng bác ái, chứ không phải cho những ai cố lỳ trong sự suy đồi trái ngược đạo lý. Ở đâu có lòng bác ái, thì những việc xấu xa vốn ở ngoài vương quốc Thiên Chúa không thể tồn tại, vì “Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Galát 5: 14).

Quan điểm của Thánh Augustinô có thể dễ dàng hiểu được nếu chúng ta tự hỏi mình câu hỏi này: tại sao những con dê, những kẻ ở bên trái, sẵn sàng chịu ném vào lửa hỏa ngục, lại bỏ bê việc làm của lòng thương xót? Điều gì ở họ đã khiến họ không để ý đến hoạn nạn của người khác? Rõ ràng là họ ích kỷ theo đuổi khoái lạc và thỏa mãn cảm xúc của chính họ. Một loạt tội lỗi mà Thánh Phaolô mô tả ở trên: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, đã dẫn đến việc xao lãng những việc lành: Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han, mà Chúa chúng ta khen ngợi và tưởng thưởng.

Không có sự phân ly giữa nhân đức cá nhân và tình yêu thương người lân cận; thực sự cả hai là một và như nhau. Suy cho cùng, “Vương quyền của Thiên Chúa” có nghĩa là quan tâm đến hạnh phúc của người khác, và vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Chúa Kitô, nên chúng ta nhất định phải yêu mến Ngài, yêu người khác như chính mình và như Chúa yêu họ: “Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22: 37-39). Vì vậy, cách yêu bản thân tốt nhất chính là trở nên giống Chúa Kitô và thực hành tình yêu thương người lân cận, và điều này trái ngược với tính xác thịt. Ai cũng thấy dâm đãng, say sưa khiến con người trở nên hèn hạ, sao nhãng bổn phận đối với người lân cận, nên ai muốn “bền chí đến cùng” trong việc yêu thương người lân cận cũng phải kiềm chế những đam mê, ham muốn của mình.

Thánh Tôma nói điều đó rất hay – ở đây chúng ta thấy ngài viện dẫn, ít nhiều,  Thánh Augustinô – khi ngài nói với chúng ta:

  • Một người yêu bản thân mình hơn khi người ấy nhiệt thành vì hạnh phúc và chăm sóc người khác, và người ấy dành phần tốt hơn cho mình, vì người ấy giống Chúa hơn khi trở thành duyên do làm điều tốt cho người khác hơn là cho chỉ bản thân mình.

Xin cho tình yêu tha nhân làm cho chúng ta trở nên giống Chúa Kitô, Vua của chúng ta. Rồi thì, Ngài sẽ coi việc chúng ta phục vụ người khác như đã làm cho chính Ngài và chúng ta sẽ cùng Ngài thừa kế Nước trời. Amen.

 

Phêrô Phạm Văn Trung,

(phỏng theo Lm Hugh Barbour, catholic.com)

DO BỞI MỘT NGƯỜI, MÀ MỌI NGƯỜI SẼ…

 

Cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính (Rm 5,19). Do bởi sự bất tuân của Ađam mà tội lỗi đã vào thế gian khiến loài người phải chết, và do bởi sự vâng lời của Đức Giêsu mà sự sống đời đời được ban cho nhân loại. 

Sự không vâng phục của một người có ảnh hưởng lớn đến toàn thể nhân loại, đó là một sự thật hiển nhiên. Ngày xưa, khi quân đội của Giôsuê chinh phục thành Giêrikhô để vào đất Canaan: Do bởi một người phạm tội, là Akhan, mà dân Ítraen đã bại trong trận chiến chiếm thành Ai, và con đường đánh chiếm Canaan đã tạm thời bị tắc lại (x. Gs 7,1-26). Lịch sử này là chứng cứ xác thực, làm thức tỉnh chúng ta rằng: sự vâng phục của một người là quan trọng biết chừng nào. 

Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người (Hr 5,8-9). Qua sự vâng phục của Đức Giêsu, Người đã trở thành nguồn ơn cứu độ cho tất cả những ai vâng phục Người. Chúng ta luôn được mời gọi: bước theo Đức Kitô (sequela Christi), bắt chước Đức Kitô (imitatio Christi), để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, trở thành một “Đấng Kitô khác” (Alter Christus). Sứ mạng (Missio) của Đức Giêsu đến trần gian là để cứu độ nhân loại, và bằng thái độ vâng phục tuyệt đối thánh ý Chúa Cha, Người đã hoàn tất sứ mạng của mình. Chúng ta cũng được mời gọi mang lấy cùng một sứ mạng của Đức Giêsu để ơn cứu độ được thành toàn cho mình và cho toàn thể nhân loại. Chúng ta là một “Đấng Kitô khác”, vì thế, chúng ta phải ý thức rằng: chỉ một mình tôi vâng phục tuyệt đối ý muốn của Thiên Chúa, thì tất cả sẽ được đưa vào con đường sự sống, và ngược lại, chỉ một mình tôi không vâng phục, thì tất cả sẽ rơi vào con đường sự chết. Ai cũng nghĩ được như vậy, và nỗ lực cố gắng hoàn thành sứ mạng vâng phục của mình, thì chắc chắn, ơn cứu độ của Chúa sẽ sớm thành toàn nơi tất cả mọi người. 

Bằng hành vi vâng phục tuyệt đối thánh ý Chúa Cha, như Đức Giêsu, chúng ta sẽ trở thành vị cứu tinh của nhân loại, một “Đấng Kitô khác” (Alter Christus). Bằng ngược lại, nếu chúng ta nghĩ: Thiên Chúa là Đấng Nhân Từ, chúng ta làm trái ý Người một số điều, thì cũng đâu có sao. Một khi có những ý tưởng như thế, thì chúng ta sẽ không thể vâng phục Thiên Chúa được, và sự bất tuân đó, không chỉ kéo một mình chúng ta, nhưng sẽ kéo toàn thể nhân loại đi vào con đường sự chết. Lúc bấy giờ, chúng ta không phải là một “Đấng Kitô khác” (Alter Christus): vị cứu tinh của nhân loại, mà là, một “Ađam khác” (Alter Adam), một tên phản Kitô (Antichristus): kẻ hủy diệt nhân loại này. 

Thiên Chúa truyền dạy chúng ta phải vâng phục Người. Điều đó, không có nghĩa là, Người độc tài độc đoán. Tất cả những gì Thiên Chúa dạy dỗ đều vì ơn cứu độ của chúng ta. Dân Ítraen không nghe theo mệnh lệnh của Thiên Chúa, nên đã phải gánh chịu hậu quả đau thương. Tất cả những sự việc đã qua, được ghi chép lại trong Thánh Kinh, để làm thức tỉnh chúng ta rằng: mọi bất hạnh là do hậu quả của việc không vâng phục, còn mọi phúc lành là hoa trái của việc vâng phục.  Những người được cứu độ là những người luôn vâng lời Thiên Chúa. Nếu cứ làm theo ý riêng, thì chúng ta sẽ rơi vào chước cám dỗ của Satan: mắt ta sẽ thấy những điều sai trái thành những điều đúng đắn, tai ta sẽ nghe những điều xấu xa thành những điều tốt đẹp, như ông bà nguyên tổ xưa.

Chúa dẫn chúng ta đi trên những nẻo đường, mà chúng ta không bao giờ nghĩ tới: Con đường mà Chúa dẫn dắt trông có vẻ thiệt thòi với chúng ta lúc này, nhưng, nếu chúng ta vâng phục Người, là Đấng biết trước tương lai chúng ta, và vì lợi ích chúng ta, thì sau này, phúc lành dư dật sẽ đến với chúng ta. Nhưng Người thề với ai: Sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Người, nếu không phải là với những kẻ bất tuân? (Hr 3,18): Những kẻ không vâng phục, không được vào Đất Hứa, những người không vâng phục không thể vào chốn yên nghỉ của Thiên Chúa. Ước gì mỗi người chúng ta ý thức được tầm quan trọng của mình trong việc vâng phục thánh ý Thiên Chúa: chỉ một mình tôi vâng lời Thiên Chúa đến cùng, thì tất cả sẽ được hưởng ơn cứu độ.  Ước gì mỗi người chúng ta đều trở thành một “Đấng Kitô khác” (Alter Christus), một vị cứu tinh của nhân loại như lòng Chúa ước mong.

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền,OSB.

CON NHÌN CHÚA. CHÚA NHÌN CON

Mỗi khi đến trước Chúa như chầu hoặc rước Thánh Thể, thông thường là chúng ta đọc kinh, hát thánh ca, hoặc dâng lời nguyện cộng đồng. Nhưng đối với các thánh, những tâm hồn suy niệm, các ngài thường chỉ “im lặng” và “nhìn” Chúa.

Im lặng và nhìn Chúa là một lối biểu lộ tình cảm thân mật, tâm giao nhất mà một linh hồn có thể làm khi ở trước Chúa, trước Thánh Thể, hay một mình trước Nhà Tạm. Chúa Giêsu cũng có một trái tim, nên Ngài cũng biết rung động và thổn thức. Ngài cũng muốn được chia sẻ và tâm sự với những bạn hữu của Ngài. Nhu cầu chia sẻ của Ngài đòi hỏi những người bạn biết lắng nghe. Linh đạo này chúng ta có thể nhận ra khi suy niệm Phúc Âm của Thánh Luca.

“Trong khi Thầy trò đi đường, Ðức Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mátta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mátta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” Chúa đáp: “Mátta! Mátta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (10:38-42). 

Maria đã chọn ngồi lắng nghe Chúa nói và tâm sự với Ngài, và hành động của cô được Chúa khen. Điều này cũng phải, vì quanh Chúa có bao tiếng ồn ào, thở than, năn nỷ, và phàn nàn. Vậy Chúa cần ai đây để có thể thoải mái, có thể nhẹ nhàng trút bỏ những phiền toái ấy? Ngoài ra, Chúa cũng cần một người biết lắng nghe, một người hiểu để chia sẻ những gì mà Ngài đang ưu tư trong lòng: Ơn cứu độ, sự thánh thiện và phần rỗi nhân loại, cũng như phần rỗi từng linh hồn.

Truyện kể là hôm đó cả dân thành sốt sắng tổ chức cung nghinh Thánh Thể khắp đường phố, có hồng y chủ sự, các giám mục, nhiều linh mục, nam nữ tu sỹ, và đông đảo giáo dân tham dự. Cùng lúc đó, một tia sáng nhỏ lách qua kẽ hở của khung cửa thánh đường, chiếu thẳng vào Nhà Tạm. Điều làm cho ánh sáng sửng sốt là từ trong Nhà Tạm phát ra những tiếng than thở “Ta cô đơn quá!”.

-Lạy Chúa, cả một đoàn rước đông đảo, trang nghiêm, và sốt sắng ngoài kia không đủ làm Chúa vui sao. Tại sao Chúa cô đơn? Tia sáng nhỏ hỏi lại. Nhưng tiếng “Ta cô đơn quá” vẫn tiếp tục vang ra từ trong Nhà Tạm.

Rồi bỗng nhiên, tiếng than cô đơn im bặt. Tia sáng lấy làm lạ và hỏi Chúa:

-Lạy Chúa, giờ này sao Chúa hết cô đơn?

Và khi tia sáng nhìn về phía cuối thánh đường, nơi đó bắt gặp một bà lão vừa từ ngoài bước vào. Bà im lặng và nhìn lên Nhà Tạm. *

Mệt và đói khi đến nhà của chị em Mátta và Maria, cô đơn trong Nhà Tạm, và ngủ vùi trên thuyền của các Tông Đồ. Giấc ngủ say sưa đến nỗi bão tố nổi lên muốn chìm thuyền mà Ngài không biết: “Trong khi đó, Đức Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng biết sao?” (Mc 4: 38).

Vâng. Chúa cũng có những nhu cầu như ăn, uống, ngủ, nghỉ như mọi người chúng ta. Sự mệt mỏi thân xác, suy tư về tinh thần còn dẫn đến nhu cầu tâm lý và tinh thần của Ngài nữa. Và đó là lý do tại sao Chúa hài lòng với sự đón tiếp của Maria, cần một giấc ngủ. Và đó cũng là lý do Ngài hết cô đơn khi có bạn tâm giáo đến nghe và tâm sự với Ngài.   

Ngồi bên Chúa, lắng nghe và tâm sự với Chúa, và nhìn lên Chúa. Đây là cách cầu nguyện bằng hình thức suy niệm của các linh hồn đã tiến cao trên đường tu đức. Theo Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, cầu nguyện là một phút hướng tâm lên với Thiên Chúa. Không cần nói nhiều, không cần kể lể nhiều. “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mt 6:7). Ngôn ngữ không chỉ được biểu lộ bằng lời, ngôn ngữ còn được biểu lộ bằng cử chỉ (body language). Trong tình yêu, chỉ một cái nhìn, một ánh mắt cũng đủ để hai kẻ yêu nhau hiểu được ý của nhau.

Phút hướng tâm đối với Maria là sự thân mật, ngồi nghe Chúa. Maria cũng nhìn lên Chúa để hiểu và để cảm được sự mệt mỏi của Ngài sau những ngày dài trên cánh đồng truyền giáo.

Phút hướng tâm đối với bà lão là sự đơn sơ, thành kính trước Nhà Tạm. Bà kết hợp với Chúa bằng tâm tình nhỏ bé, đơn sơ, và khiêm nhường. Có lẽ vì bà già nên không theo được với đoàn rước. Và cũng có thể vì bà không chen lấn được giữa đoàn người đông đảo.

Phút hướng tâm của Mátta có hơi khác. Mátta tìm đến Chúa bằng thái độ hờn dỗi, trách móc. Nếu Maria hiểu Chúa, và chia sẻ với Chúa, thì ngược lại, Mátta muốn Chúa hiểu và chia sẻ với mình. Khi thưa với Chúa: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” (40), có lẽ Mátta đã tự cho mình là thân tình, là yêu mến Thầy, và hiểu Thầy nên mới có những lời “hờn dỗi” với Chúa. Nhưng Ngài, Chúa Giêsu đã không quan tâm đến những chuyện ăn uống, mà Ngài thật sự đang cần được nghỉ ngơi. Do đó Chúa đã vui khi có Maria trò truyện, đã hết cô đơn khi có cái nhìn của một bà lão. Đối với Chúa Giêsu, thái độ nũng nịu của Mátta không làm Chúa vui, và những tiếng đàn hát, câu kinh, và việc làm đạo đức của đoàn người cũng đã không an ủi được Trái Tim cô đơn của Ngài. Ngài cần một ai đó biết lắng nghe và tâm sự với Ngài.   

Nhưng dù phút hướng tâm mang mầu sắc nào, thì nhu cầu gần gũi và hiện diện là đòi hỏi cần thiết. Chúa đã dạy Thánh nữ Catarina (1347-1380) lập một gian phòng trống trong tâm hồn để có thể vào đó mà tâm sự với Ngài, và cũng để làm nơi nghỉ ngơi giữa muôn ồn ào, náo nhiệt đang vây quanh Ngài.

Con nhìn Chúa. Chúa nhìn con.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu. Linh hồn con nhỏ bé, nghèo nàn, và không đầy đủ tiện nghi cho một Thiên Chúa đến trú ngụ. Nhưng trên hành trình truyền giáo, nếu Chúa thấy mỏi mệt, và cần một nơi để nghỉ ngơi như căn nhà ở Bêthania xưa, thì lạy Chúa, xin Chúa hãy cứ ghé thăm. Con đang ở đây để tiếp đón và trò truyện với Chúa mặc dù con bất xứng. Vì lạy Chúa Giêsu. Con yêu mến Chúa.  

________

*Câu truyện được ghi lại theo trí nhớ của tác giả. Có thể tác giả đọc được đâu đó trong cuốn Tin Cậy Chúa Quan Phòng của Thánh Elizabeth Chúa Ba Ngôi (1880-1906).

Tiến Sĩ Tâm Lý Trần Mỹ Duyệt