8. Đời Sống Tâm Linh

CHÍNH TRỊ VÀ TÔN GIÁO

          Chính trị và tôn giáo luôn có sự đối đầu và sự đối đầu mang tính điển hình nhất đã được Kinh Thánh ghi lại đó là giữa vua Antiokho và bảy anh em nhà Maccabê: “ Có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ, vua Antiokho cho lấy roi  gân bò mà đánh để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn  luật Moi Se cấm. Thay mặt cho anh em mình, một người lớn tiếng nói: Vua muốn tra khảo chúng tôi cái gì ? Vua muốn biết điều gì ? Chúng tôi thà chết chẳng thà vi phạm luật pháp của cha ông chúng tôi” ( 2Mc 7, 1 -2 ).

          Để hiểu nguyên nhân tại sao bà mẹ cùng với bảy anh em thà chết chứ không chịu ăn thịt heo theo lệnh của nhà vua ? Có hai lý do một là để tuân giữ luật Moi Se. Hai là để phản kháng lại chủ trương du nhập văn hóa của đế quốc Hy Lạp… Cả hai lý do này đều quan trọng như nhau bởi  nếu  một dân tộc  nào mà để mất đi bản sắc của mình thì sẽ không thể tồn tại !

          Do Thái là dân tộc hết sức nhỏ bé  so với đế quốc Hy Lạp hùng mạnh thời đó. Tuy nhiên dân tộc này lại có một sức sống mãnh liệt nhờ  lòng tin vào Đấng Thiên Chúa Toàn Năng Hằng  Hữu. Lần lượt cả bảy anh em đã phải chịu một cái chết vô cùng thảm khốc nhưng họ vẫn  giữ vững được  đức tin. Sau cái chết của người thứ nhất, người thứ hai dõng dạc nói: “Vua là một tên hung thần, vua khai trừ chúng tôi ra khỏi cuộc đời hiện tại nhưng bởi lẽ chúng tôi chết vì luật pháp của vua vũ trụ nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời” ( 2MC 7, 9 ).

          Qua lời tuyên xưng này cho thấy, sự đối đầu giữa chính trị và tôn giáo  chính là ở chỗ một bên tin có sự sống lại một bên thì không. Bởi không tin nên nhà vua Antiokho đã không hiểu tại sao các anh em nhà Maccabê  lại cố chấp đến nỗi  thà chết chứ không chịu ăn mấy miếng thịt heo để rồi phải lãnh một cái chết cực kỳ ghê rợn như vậy ?

          Chẳng những nhà vua tức giới cầm quyền không tin có sự sống lại mà cả các triết gia cũng thế, họ thắc mắc với Phao Lô khi ngài đến giảng đạo tại thành Athen: “ Người thì hỏi: lão già bẻm mép này muốn nói cái gì đó ? Kẻ thì nói: Hắn dường như tuyên truyền  dị bang. Vì Phao Lô giảng về Chúa Giê Su và sự sống lại. Chúng chụp lấy người lôi đến Areoba ( Công quyền ) mà hỏi nữa rằng: Chúng ta có thể biết được đạo mới mà ngươi rao giảng đó là gì hay không ?…

          …Khi chúng nghe đến sự sống lại của  kẻ chết, người thì nhạo cười, kẻ thì nói rằng: Thôi để lúc khác chúng ta sẽ nghe ngươi nói về việc đó nữa !!!” ( Cv 17, 18 -32 ). Lý do khiến người ta cười nhạo là bởi không tin có sự sống lại nhưng nếu không tin có sự sống lại thì phải chăng…chết là hết ?

          Thật sự thì không có ai tin rằng…chết là hết bởi lẽ ngay những kẻ chủ trương duy vật vô thần như CT Hồ Chí Minh khi lập Bản Di Chúc cũng  nói: Tôi đi để gặp  hai  ông Các Mác và Lê Nin. Chẳng biết chủ tịch sẽ gặp hai ông ấy ở cõi nào nhưng điều đó  chứng minh rõ ràng  cho thấy…chết không phải là hết  ???

          Mặc dù từ trong thâm tâm không ai tin…chết là hết thế nhưng hầu hết  mọi người lại sống như mình chẳng bao giờ chết để rồi  cuối cùng  lăn ra chết mà không hề biết mình sống trên đời để làm gì ?

          Nguyên nhân sâu xa khiến người đời sống mà như chết ấy đó là vì đã chấp cho xác thân vật lý này…là mình và cũng chính vì cái chấp ấy đã khiến cho cả triết học lẫn chính trị đều ra công ra sức thóa mạ công kích tôn giáo cho đó là làm  mê hoặc con người: “ Tôn giáo là sự thể hiện bản chất của con người  trong tưởng tượng, bởi vì bản chất của con người không có tính hiện thực chân chính. Vì thế, đấu tranh chống  tôn giáo gián tiếp cũng là đấu tranh chống cái thế giới mà tôn giáo là hương thơm tinh thần…

          …Cảnh khốn cùng của tôn giáo vừa là cách diễn tả cảnh khốn cùng thực sự vừa là sự phản kháng  cảnh khốn cùng thực sự. Tôn giáo là tiếng than vãn của thọ tạo bị đàn áp  là tâm hồn của một thế giới vô tâm cũng như tôn giáo là tinh thần của những tình huống vắng bóng tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” ( Karl Heinz Weger S.J – Phê Bình Tôn Giáo Qua Các Tác Giả ).

          Các Mác ( 1808 – 1883 ) ông tổ của Duy Vật Biện Chứng, một mặt phê phán tôn giáo ( Công giáo ) cho đó là một thứ ảo tưởng. Mặt khác lại cổ xúy cho một thế giới đại đồng cũng gọi là Thiên Đường Trần Gian nhưng chính cái gọi là Thiên Đường Trần Gian ấy mới là ảo tưởng bởi vì nó đã đặt  nền tảng trên sự đàn áp và lừa dối !!!

          Toàn bộ các loại triết học cũng như cơ cấu chính trị dù là phong kiến hay Cộng Sản bao lâu chưa thoát khỏi hai loại kiến chấp sai lầm về Thân và Tâm thì không cách chi có thể chấp nhận niềm tin tôn giáo về sự sống lại. Trong các chỉ dụ của các vua triều Nguyễn  khi nào cũng  coi Đạo Công giáo là…Tà Đạo  vì đạo này lừa dối và lạm dụng lòng đơn thành của người dân, dùng những hình phạt Hỏa Ngục để làm kinh sợ kẻ yếu đuối, dùng niềm vui Nước Trời để thu hút người khác…” ( Kiến nghị tháng 8/1826  của Bộ Lễ dâng lên vua Minh Mạng ).

          Cho đạo Công giáo là…tà đạo chỉ vì đã dùng hình phạt Hỏa Ngục để  làm kinh sợ kẻ yếu đuối và dùng niềm vui Thiên Đàng để thu hút người khác. Đang khi đó đạo Công giáo sở dĩ được gọi là….đạo ngay, đạo thật chính là vì đã rao giảng sự hiện hữu của Hỏa Ngục để người ta  đừng phạm tội  kẻo  phải  sa vào chốn cực khốn ấy. Mặt khác rao giảng niềm tin Nước Thiên Đàng Cực Vui Cực Lành để người ta  sống đức tin rồi có ngày cũng sẽ được về nơi ấy !!!

          Con người chỉ tin có Hỏa Ngục có Thiên Đàng  một khi tin có sự sống lại, Thế nhưng  làm sao để có thể tin sự sống lại  nếu Đức Ki Tô không sống lại ? “ Vì nếu kẻ chết  chẳng sống lại  thì Đức Ki Tô cũng sẽ không được sống lại. Còn nếu Đức Ki Tô đã chẳng được sống lại thì đức tin của anh em cũng vô ích, anh em vẫn còn ở trong tội lỗi mình…

          …Vậy những người đã chết trong niềm tin Chúa Ki Tô Phục Sinh… cũng bị hư mất rồi sao ? Nếu chúng ta chỉ có hy vọng trong Đức Ki Tô ở đời sống này mà thôi thì trong cả mọi người chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết” ( 1C 15, 16 -19 ).

          Đức Giê Su Ki Tô đã phục sinh về trời, đó là nền tảng của đức tin Công giáo và cũng chính nhờ vào niềm tin ấy chúng ta mới có thể sống đạo. Tuy nhiên niềm tin ấy ngày nay đã bị phá  vỡ khi người ta nói  cái chết của Chúa Giê Su chỉ là…vạn bất đắc dĩ và vì thế chẳng làm gì có sự sống lại ?: “ Chắc chắn Đức Giê Su biết rõ những nguy hiểm do những điều Ngài nói và làm mang lại. Herode đang tìm cách giết Ngài. Sau sự cố thanh tẩy đền thờ, nhiều người trong giới lãnh đạo cũng mưu hại Ngài. Ngài phải lựa chọn: Hoặc sống lén lút hoặc xuất đầu lộ diện. Nếu sống lén lút, Ngài không thể gây cho người ta niềm tin vào Nước Thiên Chúa như Ngài đã từng làm. Còn nếu xuất đầu lộ diện để tiếp tục sứ vụ thì chắc chắn phải chết. Đức Giê Su đã chọn giải pháp thứ hai và quả cảm đi lên Gierusalem bởi vì đó là cách duy nhất để phục vụ nhân loại. Cách duy nhất  để  ngỏ lời với thế gian” ( Đgm Phao Lô Bùi Văn Đọc và các LM khác – Đức Ki Tô Hôm Qua – Hôm Nay và Mãi Mãi ).

          Chúa Giê Su không đến để…phục vụ nhân loại  nhưng là để rao giảng Tin Mừng Nước Trời: “ Vừa rạng ngày Ngài ra đi đến nơi thanh vắng, có quần chúng theo kịp, muốn giữ lại không cho Ngài đi khỏi họ. Nhưng ngài nói: Ta cũng cần phải rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành thị khác vì cốt tại việc đó mà Ta được sai đến” ( Lc 4, 42 -43 ).

          Chính Chúa Giê Su đã khẳng định Ngài được sai đến để rao giảng Tin Mừng Nước Trời chứ không phải để phục vụ nhân loại. Giữa việc rao giảng Tin Mừng và…phục vụ nhân loại có sự khác biệt sâu xa thế này. Một đàng Tin Mừng mà Đức Ki Tô rao giảng là về Nước Trời mầu nhiệm nội tại ( Lc 17, 20 -21 ) Một đàng là Nước Trời…Tục Hóa: “ Vậy Nước Thiên Chúa mà Đức Giê Su rao giảng không phải là một thực thể ở trên trời nhưng là một tình trạng tương lai ở thế gian khi người nghèo không còn nghèo, người bị áp bức không còn bị áp bức. Nó được biểu thị bằng một ngôi nhà hay một đô thị có tường thành bao quanh” ( Đgm Phao Lô và các LM khác đã dẫn ).

          Đức Ki Tô chỉ rao giảng có một Tin Mừng đó là về Nước Trời mầu nhiệm nội tại và Tin Mừng này đòi hỏi cần có lòng tin và sự ăn năn, sám hối  ( Mc 1, 15 ). Có nghĩa đó là công việc của mỗi cá nhân. Trái lại Tin Mừng Tục Hóa của thần học thì chẳng cần gì phải tin bởi thực chất đó  là một thứ…hoang tưởng khi trên trái đất này không còn người nghèo và  người bị áp bức ???

          Thực sự thì không biết đến bao giờ ở chốn thế gian này không còn người nghèo và người bị áp bức nhưng nếu  giả thử như  có được điều ấy  thì nó cũng chẳng liên quan đến  Công Cuộc Cứu Độ của Đức Ki Tô. Tại sao ? Bởi vì việc sống lại luôn hàm chứa  trong nó sự chết. Chính Đức  Giê Su Ki Tô để được phục sinh vinh quang Ngài cũng phải trải qua cái chết, hơn nữa một cái chết vô cùng đau đớn nhục nhã !!!

          Vấn đề đặt ra không phải  có hay không trải qua cái chết, hoặc cho đến bao giờ thế gian này không còn người nghèo, người bị áp bức nhưng là có hay không tin vào sự sống lại. Người thế gian ( Chính Trị ) vì u mê họ sẽ không tin có sự sống lại. Còn bổn phận của chúng ta những người có đạo ( Tôn giáo ) không  những  cần phải tin mà còn phải làm chứng cho chân lý ấy. Thánh Phao Lô khi bị giải đến công quyền, ngài đã khẳng khái tuyên bố: “ Trước mặt các ông ngày nay, tôi bị thẩm vấn đây  ấy là vì vấn đề kẻ chết sống lại” ( Cv 24, 21 ).

          Đối với niềm tin tôn giáo thì không thể có sự thỏa hiệp: “ Chớ mang ách so le với kẻ chẳng tin bởi vì sự công chính và sự bất chính có tương giao gì chăng ? Sự sáng suốt với sự tối tăm  có tương thông gì ư ? Đức Ki Tô và quỷ Belian nào có tương hòa chi ? Hay là kẻ tin có phần gì  với kẻ chẳng tin ư ? Đền thờ của Thiên Chúa có thích hợp gì với hình tượng được sao ?” ( 2C 6, 14 -16 ).

          Một khi tôn giáo lại có sự thỏa hiệp với chính trị thì phần thiệt hại lớn nhất sẽ dành cho tôn giáo bởi như Chúa nói: “ Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất. Còn ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì sẽ tìm lại được. Bởi chưng lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì ?” ( Mt 16, 25 -26 )./.

Phùng  Văn  Hóa

Mùa chay, mùa chữ U

Tôi không thích Mùa Chay bởi danh từ mùa chay là một danh từ xa lạ và khó hiểu.

Hồi còn nhỏ, khoảng mười hai mười ba tuổi, phải thành thật mà nói là tôi không thích Mùa Chay. Tôi không thích Mùa Chay không phải tại Mùa Chay là mùa tôi bị bắt phải ăn chay. Một thằng nhỏ ở cái tuổi còn nhong nhong chạy rong ngoài đường tắm mưa mà bị bắt ăn chay trong một xứ đạo toàn là người Bắc cũng không phải là một điều quá khó khăn, bởi vì hai lý do.

(1). Không phải chỉ riêng tôi, nhưng bao nhiêu ngàn người khác trong xứ đạo cũng phải vác thánh giá như mình. Đi đâu cũng gặp người phải ăn chay. Ði đâu cũng nghe nhắc nhở tới chay. Sáng sớm khoảng năm giờ, tôi bị lôi dậy, bắt phải đi lễ sáng! Sáng sớm ông cha xứ hăng say nhắc nhở mọi người giáo dân mùa chay là mùa ăn chay. Sáng sớm bài giảng dài lê thê, tôi cứ thế mà gật gù đồng ý với những lời khuyên dạy. Trưa nắng ghé vào tiệm kem, gặp dì gặp cậu gõ đầu nhắc nhở, “Mày có biết là hôm nay ăn chay hay không”?! Lỡ nuốt vào miệng cục kẹo rồi cũng phải nhả ra ngay bởi thằng bạn đang chơi đá dế hét lên, “Chết mày rồi! Hôm nay ăn chay”. Thế là vội vàng nhổ ra cục kẹo, nếu không lại mất chay, phạm tội trọng, rớt xuống hỏa ngục.

(2). Vào tối thứ Tư Lễ Tro hoặc thứ Sáu Tuần Thánh, sau một ngày ăn chay đói meo, tôi đợi tới mười hai giờ đêm. Đồng hồ vừa nhích khỏi con số 12, tôi lao xuống bếp, lục cơm nguội với mấy miếng thịt heo kho nước mầu ăn căng một bụng. Đời sung sướng. Cuộc sống tuyệt vời!

I. Ăn Chay

Tôi không thích Mùa Chay bởi danh từ mùa chay là một danh từ xa lạ và khó hiểu. Mùa Vọng dễ hiểu hơn, bởi một mình chữ vọng đã tự nói lên cả một mùa đợi chờ. Mùa Vọng do đó không cần phải giải thích nhiều, tôi hiểu là mùa trông đợi Thiên Chúa sinh xuống làm người. Riêng danh từ chay không gợi nên trong tôi một hình ảnh gì.

Ăn chay là gì? Là ăn trái chay? Trái chay, tôi không biết, và cũng chưa bao giờ thấy. Tôi chạy khắp cùng thiên hạ hỏi,

— Trái chay là trái gì vậy?

Không ai biết. Cuối cùng tôi tưởng ăn chay là ăn cháy. Tại sao lại lẫn lộn chữ chay với chữ cháy? Tôi đoán có thể tại hai âm chay và cháy tương tự như sau. Mà cũng có thể tại người chị lớn tuổi của tôi hồi đó tinh nghịch nói ăn chay nghĩa là ăn cháy. Mùa Chay tới, mấy lần mẹ tôi hỏi ăn chay chưa. Tôi nghiêm trang, đạo đức, thánh thiện nói con ăn rồi. Nhưng thật sự ra tôi ăn những miếng cháy của đáy nồi cơm.

II. Mùa Chay

A. Ý Nghĩa của Danh Từ Chay

Chữ chay của danh từ Mùa Chay có thể phát nguồn từ chữ trai, có nghĩa là không thịt. Khi người ta nói tín hữu Phật tử dâng đồ trai cho các vị hòa thượng, đồ trai đây là thức ăn không có thịt hay đồ chay. Một cách tương tự, ăn chay có nghĩa là ăn thức ăn không có thịt [1]. Mùa Chay trong tiếng Việt Nam do đó có nghĩa là Mùa Kiêng Thịt [2] .

B. Mùa Chay, Mùa U-Turn, Mùa Làm Đường Vòng U

Mùa Chay trong tiếng Hy Lạp, μετάνοια, métanóia, không có nghĩa là Mùa Kiêng Thịt, nhưng là Mùa Thay Đổi [tâm hồn]. Gioan Tẩy Giả trong hoang địa kêu gọi dân chúng μετάνοια, thay đổi tâm hồn đợi chờ ngày Chúa đến (Máccô 1:1-8). Ngôn sứ Giô-el kêu gọi dân Do Thái hãy μετάνοια, hãy quay về với Chúa; hãy xé lòng đừng xé áo (Giô-el 2:13). Trong phạm trù thần học, Mùa Chay do đó là Mùa U-Turn hay Mùa Làm Một Đường Vòng Chữ U.

Ðọc tới những hàng chữ trên đây, có thể bạn sẽ thắc mắc, “Ủa, tại sao lại phải làm một đường vòng hình chữ U”?

Chúng ta có một người bạn thân nhà nằm ở phía Đông. Thứ Bẩy cuối tuần rảnh rỗi, chúng ta muốn ghé nhà người bạn thăm hỏi. Trong khi đang lái xe, có thể tại trời tối, chúng ta lạc đường. Nhà người bạn ở phía Đông, chúng ta lại nhắm hướng Tây lái tới. Trong tình trạng này, nếu không làm một đường vòng chữ U, càng lúc chúng ta càng đi xa nhà của người bạn. Nếu người chúng ta muốn gặp là một người tình thì lại càng rắc rối to. Hẹn nhau sáu giờ chiều, hai đứa đi shopping, đi ăn, rồi đi coi xi-nê. Nhưng vô tình hay bởi một lý do gì đó, chúng ta lạc đường xa ngàn dặm. Nhà người tình nằm ở hướng Đông, nhưng chúng ta tiếp tục lái về hướng Tây. Trời buổi chiều, màn đêm kéo xuống thật nhanh. Sáu giờ rồi, trời tối nhưng chúng ta vẫn còn đang lang thang trên một con đường có cái tên lạ hoắc nằm ở hướng Tây. Ngôi nhà quen thuộc của tình nhân thì vẫn chưa thấy bóng. Trong khi đó tình nhân ở trong nhà đi ra đi vô chờ đợi. Nước mắt của tình nhân long lanh trên gò má. Nhấc điện thoại lên, tình nhân bấm số gọi. Đầu dây bên kia, không ai nhấc điện thoại, bởi tình lang đang lạc đường. Trong tình trạng này, chắc chắn tình lang sẽ mất tình nhân như chơi.

Một cách tương tự, Mùa Chay là mùa Giáo Hội kêu gọi chúng ta, “Lạc đường rồi! Lạc xa lắm rồi! Chúa đang ở hướng Ðông, nhưng chúng ta đang tiếp tục đi về hướng Tây. Lạc đường rồi! Lạc xa lắm rồi! Hãy quay lại hướng của Chúa”.

III. Thần Học Mùa Chay

Ðọc tới những hàng chữ trên đây, một lần nữa có thể bạn sẽ thắc mắc,

— Ủa, lạ kỳ chưa. Tôi đang sống một đời sống tôn giáo tốt đẹp kia mà. Tôi không đi lễ hằng ngày như hồi còn bên Việt Nam, nhưng tôi vẫn đi lễ mỗi ngày Chúa Nhật. Tôi vẫn rước lễ mỗi khi có dịp tham dự thánh lễ, đặc biệt là thánh lễ ngày Chúa Nhật. Đời sống bên này bận rộn với công ăn việc làm. Tôi làm ngày hai jobs; về tới nhà mệt xỉu, thở không ra hơi, nhưng tôi vẫn cố gắng để dành thì giờ cho Chúa bằng cách tham gia vào Thiếu Nhi Thánh Thể, Ca Ðoàn, Ban Giáo Lý, Linh Thao, Dòng Ba Đa Minh, Lêgiô, hoặc Hội Đồng Mục Vụ của giáo xứ.

Đúng, bạn nói rất đúng. Nhưng nếu mang lên bàn mổ phân tích, bạn và tôi sẽ nhận ra rằng trong đời sống riêng tư của mỗi người, chúng ta đang dần dần quên đi thật sự ra Chúa mới là cùng đích, là điểm nhắm của mỗi người trong chúng ta. Có thể đối với một vài người Việt Nam đang sinh sống trên những vùng đất lạ, Thiên Chúa không còn là điểm nhắm để chúng ta đi tới nữa, nhưng là nhà cửa, là tiền, là công ăn việc làm, là con cái.

A. Nhà Cửa, Tiền, và Jobs

Dì Tư qua sau, mãi đến đầu năm 98 mới bước chân được tới vùng đất mới theo diện H.O. của chú Tư. Năm năm sau dì Tư đã mua được một căn nhà 5 phòng nằm trong khu nhà giầu. Chúng ta, tái định cư tại vùng đất mới hơn mười năm về trước, thế mà từ bao lâu nay vẫn cứ loay hoay đi ra đi vô trong khu chung cư rẻ tiền. Để cố gắng vớt vát lại danh dự, chúng ta cố gắng bóp bụng tiết kiệm để dành tiền bạc. Ngày nắng cũng như ngày mưa, chúng ta lái xe đi làm, vợ chồng thay phiên nhau cày hai jobs. Có công mài sắt, có ngày nên kim. Cuối cùng chúng ta cũng mua được căn nhà lý tưởng ngon hơn căn nhà của dì Tư. Căn nhà này có 6 phòng ngủ, 3 phòng tắm, đằng sau có hồ bơi. Cạnh hồ bơi là hồ tắm nước nóng Jacuzzi sủi bọt. Cạnh hồ bơi là hồ cá nhỏ tung tăng những chú cá Koi mập mạp bơi qua lượn lại dưới chiếc cầu sơn mầu đỏ kiểu Đông Phương. Thế là căn nhà mơ ước đã biến thành sự thực.

Nhà có rồi, bây giờ làm sao có tiền để trả tiền nhà, tiền điện thoại, tiền nước, tiền điện, tiền rác, tiền ăn, tiền bảo hiểm, tiền trả góp cho bộ ghế salông bằng da đắt tiền trong căn phòng khách sang trọng, cho bộ TV màn ảnh Plasma kiểu mới rõ từng nét nằm chễm chệ ngay góc nhà bên cạnh lò sưởi tí tách thơm tho mùi gỗ thông, cho chiếc xe Lexus ghế da loại mới đắt tiền đang khoe mình trong nhà để xe? Đủ thứ tiền phải suy nghĩ tới, phải bận tâm vào mỗi buổi chiều khi mở hộp thư ra ôm vào một đống bill. An cư lạc nghiệp với một đời sống cơm ngon áo đẹp vẫn là điều Thiên Chúa muốn mọi người trong chúng ta phải có, nên có. Nhưng chuyện đầu tiên vẫn là chuyện tiền đâu để thanh toán cho một đống bill nợ nần?

Nhà có rồi. Căn nhà sang trọng càng trở nên sang trọng với những tiện nghi tân kỳ. Bây giờ chúng ta cần phải có công ăn việc làm vững chắc; nếu không, những thứ chúng ta đang có sẽ biến mất. Thế là chúng ta dậy sớm, tắm rửa, vừa uống café vừa lái xe tới hãng. Sáng sớm những dòng xe cộ đông đảo đang đợi chờ chúng ta trên những xa lộ chằng chịt dọc ngang. Từng chút rồi từng chút, chiếc xe của chúng ta nhích lên được một khoảng. Từng khoảng rồi từng khoảng, chiếc xe của chúng ta bỏ lại đằng sau một đoạn. Từng đoạn ngắn nối lại hóa thành một đoạn dài. Xe chúng ta cuối cùng dừng lại trước cửa hãng. Một ngày tám tiếng, đôi khi hơn tám tiếng, chúng ta bận rộn trong công sở. Chiều về tới nhà, chúng ta mệt nhoài. Giờ này phải nấu cơm cho con cái. Sau giờ cơm, chúng ta bận rộn với rửa chén, hút bụi, lau nhà, giặt quần áo cho con cái. Điện thoại gọi tới, “Reng! Reng! Hê-lô? Xin lỗi…” Chấm dứt câu chuyện với ông nội, bà ngoại bên Việt Nam, chúng ta ra sau vườn tưới nước, nhặt một vài ngọn cỏ. Vô nhà, chúng ta bật TV coi. Loay hoay một hồi với nhà với cửa, với con, với cái, với họ hàng, và với chính chúng ta. Nhìn lên đồng hồ, mười một giờ khuya. Chúng ta leo lên giường đi ngủ. Một ngày trôi qua.

B. Con Cái

Con Mai, cô con gái rượu ngày càng lớn, chúng ta càng có những mối lo canh cánh bên lòng. Đôi khi nhấc điện thoại, chúng ta nhận ra những giọng thanh niên lạ hoắc xin được gặp con Mai. Con Mai gần đây bắt đầu biết trang điểm. Tóc dài của nó ngày càng óng ả mỡ màng với bộ ngực nở nang, dáng điệu của một người thiếu nữ. Cuối tuần quần là áo lượt con Mai xin phép được tham dự bữa tiệc sinh nhật của những người bạn học trong trường. Và thế chúng ta bắt đầu lo lắng.

Thằng Thanh, đứa con trai đầu lòng râu bắt đầu mọc xanh trên mép. Hỏi chuyện, nhiều khi nó lười biếng không thèm trả lời. Thời gian gần đây thằng Thanh hay về khuya. Nó mở cửa bước vô nhà, chúng ta ngửi được mùi khói thuốc phảng phất bay ra từ người đứa con trai đang lớn. Lúc nãy nó xin phép sang nhà thằng bạn học bài. Sao bây giờ quần áo lại vương mùi thuốc lá khét lẹt? Thế là chúng ta trằn trọc cả đêm bởi mùi thuốc lá trên người của đứa con trai đang lớn.

C. Thanh Niên Thiếu Nữ

Riêng những người thanh niên thiếu nữ, chúng ta chưa có nhiều lo toan tính toán như cha mẹ của mình, nhưng ai cũng ôm ấp cho mình một vài dự án về tương lai. Những người còn đang tuổi đi học, chúng ta ngày đêm miệt mài với sách vở. Những bài homework, bài test là những mối bận tâm hàng đầu của thanh niên thiếu nữ còn đang trong tuổi cắp sách đến trường. Những đêm thức trắng học bài thi là những bận rộn thường xuyên của tuổi sinh viên. Những ngày nghỉ cuối tuần là thời gian quý báu cho những hẹn hò đôi lứa, cho những tiệc tùng sinh nhật, và những ánh đèn xanh đỏ chớp sáng trên sàn nhẩy. Những ngày nghỉ cuối tuần, chúng ta đi shopping malls tìm kiếm mua cho được những bộ quần áo. Tầm thường ra cũng phải là của Gap, của Polo, Tommy Hilfiger. Sang trọng hơn, chúng ta nhất định phải mua quần áo, kiếng mắt của CK, Express, French Connection, Kenneth Cole, Banana Republic, Versace, Gucci.

Chuẩn bị cho ngày ra trường, chúng ta bắt đầu lao vào cuộc đua mới. Lần này, chúng ta tranh đua với các bạn đồng nghiệp đang chuẩn bị đội mũ Cử Nhân. Nếu may mắn, điểm GPA ra trường cao, 4.0 tuyệt vời hoặc 3.7, 3.8 trở lên, với cái mộc vàng chóe dán dính trên mảnh bằng Kỹ Sư Điện của đại học Berkeley hay San Jose State University của Trung Tâm Điện Tử Silicon, chúng ta cầm chắc một mảnh đời tươi sáng trước mặt. Với điểm GPA khá cao, chưa ra trường, qua một vài lần phỏng vấn chơi chơi với những đại công ty điện toán ngay tại trường, nhân viên phỏng vấn đã nhẹ nhàng cười mím chi duyên dáng với chúng ta. Những ánh mắt hứa hẹn, những cú điện thoại liên tục gọi tới, và chúng ta trở thành kỹ sư ngay khi chưa ra trường. Nếu chúng ta ít may mắn hơn, điểm GPA thấp hoặc thấp vô cùng, có thể chúng ta sẽ khá vất vả lùng kiếm công ăn việc làm. Nếu không may mắn có những người bạn đang làm trong hãng dẫn vào giới thiệu, cuộc sống kỹ sư của ta sẽ khá long đong lận đận.

Nhưng rồi cuộc đời vẫn lăn tới. Cuối cùng cuộc sống độc thân cũng chấm dứt khi chúng ta lập gia đình. Đám cưới tưng bừng với cô dâu mặc áo trắng toát, chú rể đẹp trai cười tươi. Tuần trăng mật tới. Nối tiếp là tuần dập mật! Theo sau là tuần nát mật! Đôi vợ chồng mới cưới bắt đầu đi kiếm một căn nhà mới tinh. Câu chuyện đầu tiên lại là câu chuyện tiền đâu. Và cuộc sống lo toan của bố mẹ chúng ta ngày xưa lại bắt đầu.

Cứ vậy, cuộc sống lăn tới. Ngồi xét lại trong một khoảng thời gian, từ khi chúng ta cắp sách đến trường đại học của tuổi mười chín đến khi chúng ta trở về với cát bụi của tuổi một trăm, chúng ta để dành cho Thiên Chúa được bao nhiêu khoảng thời gian ngoại trừ một tiếng đồng hồ của ngày Chúa Nhật. Mà hình như một khoảng thời gian ngắn ngủi này cũng không bao giờ trọn vẹn. Chúng ta đi lễ ngày Chúa Nhật. Thánh lễ dài khoảng một tiếng. Ông cha giảng dài ơi là dài! Thế là chúng ta chìm vào giấc ngủ. Tỉnh dậy, chúng ta mơ màng nghĩ tới những công chuyện phải giải quyết. Ngày mai, thứ Hai, một đống giấy tờ đang đợi chờ chúng ta ở trong hãng. Lát nữa, về tới nhà, lại cả một đống chuyện đang chờ đợi chúng ta. Đời sống hình như quá ngắn, mà sao công việc lại quá nhiều. Tối đến, nhắm mắt lại vẫn còn thấy chuyện. Ngủ cũng không yên. Trong một ngày, hai mươi bốn tiếng đồng hồ, chúng ta nhớ tới Chúa, cùng đích của đời sống trong vòng bao nhiêu phút? Cuối cùng ngày đó rồi cũng tới. Chúng ta mở mắt ra. Gần một trăm năm đã trôi qua.

Nếu chúng ta cứ tiếp tục sống, cách sống vừa được diễn tả ở trên, chúng ta đang lái xe về hướng Tây. Vào mỗi sáng sớm của một khoảng thời gian ngắn ngủi trong đời người, chúng ta mải miết nhấn ga nhắm hướng Tây lái tới. Ngày cuối cùng rồi cũng đã tới. Vào ngày đó, chúng ta mới nhận ra hướng Tây không phải là hướng của Chúa. Ngài nằm ở hướng Đông. Khi đó trễ rồi! Quá trễ! Trước mặt chúng ta không có ai khác ngoài chính mình. Giờ này chỉ còn ta với ta. Chúa ơi, Ngài đang ở đâu?

Bởi vậy, Giáo Hội thiết lập Mùa Chay, Mùa U-Turn, Mùa Làm Đường Vòng Chữ U. Dừng lại! Quay lại! Xa quá rồi! Chúng ta đang lái lạc đường! Quay lại về hướng Đông, hướng của Thiên Chúa.

Lời Nguyện: Lạy Chúa, trong Mùa Chay thánh này, xin giúp con nhận ra hành trình con đang bước đi không dẫn con tới gần Chúa, nhưng vực sâu núi thẳm, đêm đen tử thần, và bóng tối sự chết. Lạy Chúa, xin ban cho con lòng quyết tâm đứng dậy, làm một đường vòng hình chữ U, quay trở về lại căn nhà xưa, nơi đó Chúa đang đứng, trông chờ ngóng đợi, dõi mắt nhìn bóng dáng của con.

 

_______________________________________

Chú thích

[1] Không ăn thịt trong Mùa Chay là một phong tục đã có khá lâu trong Giáo Hội. Ngày hôm nay ở các nước Tây Phương và Bắc Mỹ thịt không còn là một món ăn đắt giá nữa. Thịt heo người ta bỏ mỡ, thịt gà người ta gạn bỏ phần da vàng thơm béo ngậy bởi sợ cholesterol. Bởi thế, không phải kiêng thịt có nghĩa là thôi không ăn thịt heo, thịt bò, hay thịt gà, nhưng lại đi vào tiệm Buffet ăn tôm hùm, ăn sò huyết, ăn cua Alaska , sushi. Sau bữa ăn, chúng ta ra về, no một bụng mà vẫn không sợ chi, bởi chúng ta vẫn giữ chay mà. Tất cả những món ăn tôm hùm, cua biển, sò huyết, sushi, nếu ăn, chúng ta vẫn giữ chay; nhưng tất cả những món ăn seafood này còn đắt hơn cả thịt. Nếu vậy, theo đúng tinh thần của Mùa Chay, chúng ta hoàn toàn không công bằng với Chúa.

[2] Bắt đầu Mùa Chay, chúng ta thường nghe các linh mục trong xứ nhắc nhở người tín hữu kiêng thịt vào những ngày thứ Sáu trong tuần, và ăn chay kiêng thịt vào ngày thứ Tư Lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh. Nếu đúng là chữ chay có nguồn gốc từ chữ trai, kiêng thịt và ăn chay do đó là hai danh từ dị âm nhưng đồng nghĩa. Kiêng thịt chính là ăn chay. Ăn chay chính là kiêng thịt. Nếu vậy ăn chay  kiêng thịt vào ngày thứ Tư Lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh do đó chỉ bao gồm một ý nghĩa đơn giản là không ăn thịt. Nhưng đúng ra, ăn chay trong ngày thứ Tư Lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh có nghĩa là ăn ít đi..

LM Nguyễn Trung Tây, SVD

ĐỜI SỐNG TAM LINH- TGM VŨ VĂN THIÊN

  •  
    Kim Vu CHUYỂN

    SỐNG THEO SỰ THẬT

     

    Sống trên đời, lý tưởng và mẫu mực mà chúng ta chọn lựa không phải là một vĩ nhân nơi trần thế.  Lý tưởng sống của người tín hữu là chính Chúa Giêsu, Đấng đã tuyên bố: Ta là Đường, là Sự thật và là Sự sống.  Nhờ việc chuyên chăm thực hiện giáo huấn của Đức Giêsu, chúng ta có thể sống theo sự thật và nên hoàn hảo trong cuộc đời trần thế, là bảo đảm hạnh phúc Nước Trời.

     

    Tự bản chất, con người dễ dàng dối trá với người khác và dối trá với cả chính mình.  Vì dối trá, người ta sẵn sàng xúc phạm đến tha nhân, thậm chí xúc phạm cả Thiên Chúa.  Đức Giêsu dạy chúng ta trong Tin Mừng hôm nay: “Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’; thêm thắt điều gì là do ác quỷ.”  Bài Tin Mừng hôm nay là tổng hợp nhiều nội dung giáo huấn, nhằm giúp con người sống ngay thẳng trước mặt Chúa và đối với anh chị em đồng loại.  Trong giáo huấn này, Chúa khuyên chúng ta, lòng bác ái trung thực đối với tha nhân còn quan trọng hơn của lễ dâng cho Chúa.  Chính vì vậy, khi dâng lễ, nếu trong lòng còn những uẩn khúc và mâu thuẫn đối với người khác, thì điều ưu tiên là hãy làm hòa với nhau, vì Chúa chỉ nhận của lễ dâng của người có tâm hồn bình an thanh thản.  Thông thường, người ta dễ dàng nói những lời hoa mỹ đối với Chúa, nhưng lại dùng những lời thô tục hoặc cứng cỏi với tha nhân.  Sống theo sự thật là tạo mối tương quan chân thành với Chúa cũng như với anh chị em mình.

     

    Nhờ sống theo sự thật mà chúng ta dễ dàng thực thi Luật Chúa.  Chúa Giêsu giảng dạy như một nhà cải cách luật pháp.  Người không dừng lại ở chữ nghĩa hay những công thức lý thuyết khô cứng, nhưng chú trọng đến tinh thần, đến tâm hồn của người giữ luật.  Quả thật, người muốn nên hoàn thiện không chỉ giữ con mắt giác quan bề ngoài, nhưng còn giữ tâm hồn và ý tưởng của mình ngay thẳng trung thực.  Vì sống ngay thẳng, nên người ta không cần thề thốt.  Chúa Giêsu lên án những thói quen nơi người Do Thái bình dân thời bấy giờ.  Họ thường lấy Danh Thiên Chúa hoặc Đền thờ Giêrusalem để thề, để chứng minh cho sự trung thực của mình.  Chúa nói: đừng thề chi cả, nhưng có thì nói có, không thì nói không; thêm thắt đặt điều là do ác quỷ mà ra.  Quả vậy, trong con người chúng ta vẫn có “ác quỷ” tức là mầm mống của sự dối trá.  Bổn phận của người tin Chúa là phải làm sao để mầm mống của sự thật lớn lên và sinh hoa kết trái, đẩy lui ảnh hưởng của sự dối trá đang hủy hoại tâm hồn và làm cho con người lạc hướng.

     

    Tác giả sách Huấn Ca dạy chúng ta hãy khôn ngoan trong cách sống và trong nhận định của mình.  Nhờ khôn ngoan mà chúng ta chọn lựa những gì ích lợi thiêng liêng và bền vững, đem lại hạnh phúc cho bản thân và cho những người xung quanh.  Ông đã dùng một hình ảnh đơn sơ dễ hiểu: Đức Chúa đặt trước mặt con người lửa và nước, nếu muốn gì thì giơ tay mà lấy; Đức Chúa đặt trước mặt họ cửa sinh và cửa tử…  Người không truyền cho ai ăn ở thất đức, cũng không cho phép ai phạm tội (Bài đọc I).  Như thế, Thiên Chúa ban cho con người có tự do để chọn lựa sự sống hay sự chết cho mình, để rồi họ phải lãnh trách nhiệm về những chọn lựa cũng như những hệ lụy của chọn lựa ấy.  Vì con người hay lạm dụng tự do, nên Chúa đã thiết lập lề luật làm nền tảng để lượng giá những hành động của họ.  Lề luật của Thiên Chúa là mẫu mực cho mọi lề luật của loài người, nên luật đó có giá trị ưu tiên.  Mọi dân luật đều phải dựa trên luật của Thiên Chúa đã khắc ghi vào lương tâm con người.

     

    Nếu sự khôn ngoan là một chọn lựa và tìm kiếm để nên hoàn thiện, thì theo nhãn quan Kitô giáo, Chúa Giêsu chính là Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa Cha.  Đức Khôn Ngoan đã nhập thể, mang lấy thân phận con người để chung chia phận người với chúng ta.  Thánh Phaolô quả quyết: rao giảng Đức Kitô là rao giảng sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa.  Đón nhận sự Khôn Ngoan chính là đón nhận Thiên Chúa.  Chính vì vậy, lý tưởng của người Kitô hữu là chính Chúa Giêsu, là Sự Khôn Ngoan vĩnh cửu và là Đấng Cứu độ trần gian.  Thánh nhân cũng mời gọi chúng ta hãy hành xử theo sự khôn ngoan đích thực, chứ không phải lẽ khôn ngoan theo quan niệm thế gian.  Trong tiến trình tìm kiếm sự Khôn Ngoan, có Thần Khí giúp đỡ chúng ta, để chúng ta không nản chí và không thất vọng.

     

    Hành trình đức tin là hành trình tiến theo Sự Thật và tìm kiếm sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa.  Xin Chúa cho chúng ta được ơn kiên trung, để mặc dầu giữa những biến động của trần gian, chúng ta vẫn luôn gắn bó với Chúa Giêsu, Đấng là Đường, là Sự thật và là Sự sống.  Một khi trung thành với Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ dễ dàng sống trung thực đối với anh chị em mình.

     

    TGM Giuse Vũ Văn Thiên

     

    --

ĐỜI SỐNG TÂM LINH -

 
 
 

 

1d  
❤LÒNG TỪ MẪU BAO LA CỦA ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC ❤️
Nơi sở bưu điện thành phố Lecco, thuộc miền Lombardia (Bắc Ý) có nữ nhân viên trẻ tuổi, duyên dáng và nhanh nhẹn. Ai ai cũng quý mến cô. Mọi người âu yếm gọi cô bằng tên Benedetta, trong nguyên ngữ Ý có nghĩa là người có phúc, được chúc lành ..
Bình thường cô Benedetta tiếp đón và phục vụ khách hàng hết sức chu đáo, lịch sự và nhã nhặn. Cô không tỏ ra cáu kỉnh bao giờ, kể cả đối với những khách hàng “ngu ngơ, lẩm cẩm” và hay quấy rầy nhất ..
Thế nhưng có sự kiện “bất thường”, không ai hiểu nổi và giải thích được, kể cả chính đương sự. Đó là hàng tuần, cô Benedetta chỉ nổi giận duy nhất vào ngày cô cầm trên tay để đóng dấu bưu điện thành phố Lecco vào tờ tuần san thông tin Công Giáo đến từ Lộ Đức, Trung Tâm Thánh Mẫu nổi tiếng của nước Pháp. Nguyên sự kiện nhìn thấy con dấu bưu điện mang tên Lộ Đức đủ làm cô Benedetta mất bình tĩnh. Thật tội nghiệp cho tờ tuần san bé nhỏ, khiêm tốn và trầm lặng.. Nào nó có làm gì nên tội cho cam! Vậy mà cô Benedetta giận dữ ghét bỏ nó, ném nó vào góc bàn, hoặc đôi khi mạnh tay vứt nó vào sọt rác .. Cơn giận vô cớ không thay đổi và giảm bớt theo thời gian, trái lại còn tăng mạnh thêm mãi.
Nhiều lần để hả giận cô Benedetta bèn lấy con dấu bưu điện thành phố Lecco và đóng tan tành, đóng chồng chất lên chữ LỘ ĐỨC, khiến không ai còn có thể đọc ra tên LỘ ĐỨC nữa. Lúc đó cô mới hả giận, chuyển tờ tuần san thông tin Công Giáo Lộ Đức đến tay người nhận!
Trinh Nữ MARIA Vô Nhiễm Nguyên Tội, từ trời cao, hẳn trông thấy từng cử chỉ nhỏ nhặt từng tâm tình kín ẩn của cô nhân viên trẻ tuổi sở bưu điện Lecco. Nhưng Đức Mẹ nhân từ, thay vì trừng phạt đứa con hỗn láo, Mẹ lại nhẫn nhục chờ đợi thời cơ thuận tiện, một con đường mới, một cách thức mới để chúc lành cho Benedetta, đúng theo tên gọi quý hóa của cô.
Một ngày theo thông lệ, tờ tuần san thông tin Công Giáo Lộ Đức tới bưu điện thành phố Lecco. Nhưng hôm đó tờ tuần san bị gấp lộn, nên một tờ bên trong tờ báo lại nằm ra bên ngoài với tựa đề thật lớn: “Một cuộc khỏi bệnh lạ lùng”. Vừa cầm tờ báo trên tay, lại đọc thêm hàng chữ lạ lùng đó, máu nóng của cô nhân viên dâng lên tới đầu. Con dấu bưu điện như bị đứng yên lơ lửng giữa vời .. trước tâm tình ngổn ngang của Benedetta. Sau cùng, bị tính tò mò thúc đẩy cô vội vàng đọc xem nội dung câu chuyện ra sao .. Đó là bài tường thuật về cuộc khỏi bệnh lạ lùng tại Lộ Đức của một phụ nữ Công Giáo, sau 14 năm bị tê bại hoàn toàn.
Đọc xong Benedetta thật sự xúc động. Phép lạ đầu tiên xảy ra. Cô không vứt tờ tuần san Lộ Đức vào một xó, cũng không bỏ vào sọt rác, nhưng lại để vào xách tay và mang về nhà. Về nhà, cô đọc đi đọc lại nhiều lần. Câu chuyện khỏi bệnh lạ lùng tại Lộ Đức tác động mạnh trên trí thông minh và trên con tim của cô. Sau cùng, con tim chiến thắng. Benedetta thành tâm thống hối về thái độ ngổ nghịch của mình đối với Đức Mẹ Lộ Đức, Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Benedetta lấy giấy và viết thư cho phụ nữ Công Giáo may mắn, được Đức Mẹ chữa lành bệnh tật tại Lộ Đức. Thư gửi đi, không bao lâu sau, Benedetta nhận được thư trả lời của người khỏi bệnh. Từ đó, cuộc đời Benedetta hoàn toàn đổi khác.
Ba tháng sau, Benedetta chính thức lấy xe lửa đến Lộ Đức. Quỳ trước Hang Đá Đức Mẹ, Benedetta khiêm tốn thỏ thẻ: “Thưa Mẹ, lần này, người đóng dấu bưu điện chính là Mẹ. Chính Mẹ đã đóng dấu LỘ ĐỨC của Mẹ trên trái tim con. Nhờ thế trái tim con được biến đổi và được chúc lành. Từ nay, tên gọi LỘ ĐỨC trở thành tên gọi dấu ái và được ghi khắc mãi mãi trong trái tim con, không bao giờ mờ xóa” ..
(Sac. Pietro Ceccato, “Alla Scuola della Madonna”, Centro Mariano Montfortano, 1961, trang 222-223).
Nguồn: binhcang.com
 
 
 -----------------------------------------------------------------

 

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - ĐAU KHỔ CỦA CON NGƯỜI

  •  
    Chi Tran - LEYEN
     
     


     
    Đức Giêsu nghĩ thế nào về đau khổ của con người?
    Không ai trong chúng ta đã không ít là một một lần ngã bệnh hoặc có người thân đau ốm hay được thấy những bệnh nhân điều trị tại một bệnh viện, để thấy được bệnh tật quả là một nỗi khổ đau của con người…
    Mọi người đều phải chạm trán với đau khổ dưới muôn hình vạn trạng. Các triết gia đã suy nghĩ và bàn giải nhiều về đau khổ, nhưng không có một giải đáp nào thỏa đáng trước sự đau khổ của người hiền đức và của trẻ thơ vô tội.
    Ông Gióp, nhân vật chính trong tác phẩm mang tên ông, là một người hiền đức nhưng gặp phải nhiều nỗi gian truân, đâm ra hoang mang và vô vọng: “Xin Chúa nhớ cho: đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ không được thấy lại hạnh phúc bao giờ.”
    Thật vậy, “đời người là một khổ dịch, như cảnh nô lệ, tựa kiếp làm thuê.” Tuy thế, tuyệt đối ông không bao giờ coi đau khổ như là dấu chỉ hay hình phạt của tội lỗi. Bản thân ông Gióp không tài nào hiểu được: Tại sao người hiền đức lại phải đau khổ? Đối với ông, đau khổ thật là một huyền nhiệm khôn dò. Tốt hơn hết là tin chắc vào Chúa, hướng về Ngài và xin Ngài giải đáp cho.
    Vậy thời Đức Giêsu nghĩ thế nào về đau khổ của con người?
    Trước hết, Đức Giêsu không thuyết giảng về đau khổ nhưng Ngài quan tâm, lo lắng cho những người đau khổ, cảm thông và chữa lành kẻ ốm đau, tật nguyền, hoặc bị quỷ ám. Được biết bà mẹ vợ ông Simon đang bị sốt nằm trên giường. “Đức Giêsu lại gần, cầm lấy tay bà và đỡ dậy…” Với triết gia, đau khổ là một vấn đề. Còn với Đức Giêsu, cần chiến đấu và chiến thắng đau khổ: Trước người mù từ thuở mới sinh, mọi người tìm cách giải thích để kết án kẻ khác và chạy tội, để đổ trách nhiệm cho kẻ khác và phủi trách nhiệm cho mình. Nhưng theo Đức Giêsu, làm như thế có lợi gì, người đau khổ vẫn đau khổ. Tốt hơn là làm một cái gì đó, làm “cái phải làm” để biểu lộ công trình yêu thương của Chúa Cha.
    Kế đến, khi cầm lấy tay bà mẹ vợ ông Simon đang nằm trên giường vì sốt mà cho bà “chỗi dậy”, Đức Giêsu như hướng chúng ta đến cái chết và sự Phục Sinh của Ngài. Chính nhờ mầu nhiệm Vượt Qua này mà đau khổ của con người có được một ý nghĩa tích cực: Đau khổ dứt khoát không phải là một hình phạt mà là một thay đổi, một nổ tung nảy sinh một sự sống mới, tương tự như hạt lúa phải thối đi để có mùa gặt, quả trứng phải nứt ra để có chú gà con, và con sâu phải lột xác để thành cánh bướm bay vào cõi trời bao la.
    Như vậy, Đức Giêsu đến trong trần gian không phải để xóa đi mọi đau khổ nhưng để đem lại cho đau khổ một ý nghĩa cứu độ, cho người đau khổ một niềm vui giải thoát. Ngài đã giải thoát họ khỏi những chán chường thất vọng và đưa họ vào lại trong sự hiệp thông tình yêu với Thiên Chúa cũng như với mọi người trong xã hội. Phải đợi đến sau khi Đức Giêsu Phục Sinh, người ta mới nhận ra rằng: còn hơn một Thầy Thuốc, Đức Giêsu là Vị Cứu Tinh của cả nhân loại. Bởi vì Ngài đã không những chữa lành những nỗi đau nơi thân xác mà còn chiến thắng cả cái chết và quyền lực của tội lỗi đang tác động trong đau khổ, để đem đến cho con người một sự giải thoát toàn diện, đưa họ vào trong vinh quang và sự sống. Đây mới thật là mối bận tâm sâu xa của Đức Giêsu: bận tâm rao giảng Tin Mừng hay mạc khải tình thương cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người. Nhờ đó, đau khổ thay vì là sự vắng mặt của Thiên Chúa, sẽ là sự hiện diện của một tình yêu. Dù đau khổ vẫn còn là một mầu nhiệm khôn dò, một vấn đề chưa có giải đáp trọn vẹn, nhưng đã có tình yêu, một mầu nhiệm vĩ đại hơn.
    Đức Giêsu đem Tin Mừng đến cho loài người bằng những thái độ cụ thể, rõ ràng: Ngài ra tay cứu chữa những ai đau ốm bệnh tật, cho họ được lành mạnh, thuyên giảm, hầu làm chứng một cách thỏa đáng tin rằng, quả thật Thiên Chúa yêu thương người ta, dùng con người cứu chữa con người, để ốm đau không thành đau khổ, tật nguyền không phải tất nhiên đau khổ. Khi con người được yêu thương chăm sóc thì dầu có mang bệnh tật cũng có thể cảm thấy vui tươi, hạnh phúc, nghĩa là không đau khổ, như một em bé mù –Trường Hy Vọng – Nguyễn Đình Chiểu, vẫn có thể đàn hát về cảnh bình minh của đời mình, vẫn sáng tác những vần thơ trong sáng, vì em được yêu thương, được chăm sóc tận tình.
    Đức Giáo Hoàng Phaolô II trong Tông thư về “Ý Nghĩa Đau Khổ Của Con Người, theo Kitô giáo” (1984) đã nói: “Con người bước đi cách này hay cách khác, trên con đường đau khổ”, và tất cả chúng ta được đưa tới gặp gỡ con người trên con đường đó. Ngài trích dẫn dụ ngôn người Samari nhân hậu để cho thấy rằng mỗi người chúng ta phải có mối liên đới như thế nào đối với người đồng loại đang đau khổ. Chúng ta không được “dửng dưng” bỏ qua, nhưng phải “dừng lại” bên kẻ đau khổ. Người Samari nhân hậu là tất cả những ai dừng lại bên bất cứ đau khổ nào của người khác. Dừng lại không phải vì tò mò mà là để sẵn sàng giúp đỡ. Thái độ này là sự sẵn sàng nội tâm biết mở lòng và xót thương, thúc đẩy chúng ta ra tay hành động và trợ giúp những người đau khổ, dù thuộc loại nào” (x. số 28).
    Trong suốt dòng lịch sử, Giáo Hội đã luôn quan tâm chăm sóc và cứu chữa các bệnh nhân, nhất là những người mắc bệnh hiểm nghèo và khó chữa, những kẻ tàn tật. Sự tận tụy của các tu sĩ, các đội ngũ bác sĩ, y tá Công giáo tại các trại phong cùi, các bệnh viện luôn được xã hội ghi nhận và đã là nguồn an ủi không nhỏ đối với những con người đau khổ. Nhiều giáo dân tại các họ đạo, các đoàn thể, có thói quen thăm viếng, chăm sóc những người già cả tại gia đình, tại các viện dưỡng lão… Như vậy, sự quan tâm của Chúa Giêsu đối với những con người đau khổ vì bệnh tật được tiếp tục trong xã hội hôm nay của chúng ta.
    Nhân ngày Thế Giới Bệnh Nhân sắp đến, ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức (11/2), nơi các bệnh nhân đã được Đức Mẹ chữa lành một cách lạ lùng, nhờ lòng tin tưởng, cậy trông và yêu mến Đức Mẹ.
    Trước nỗi đau khổ của kẻ khác, nhiều khi chúng ta cảm thấy bất lực, không biết phải nói gì, không biết phải làm gì. Những lúc đó, trong giới hạn của mình và đầy tình thương, chúng ta vẫn có thể làm một cái gì đó để xoa dịu tinh thần cũng như trợ lực cho thể xác của họ. Rất có thể người ấy chỉ cần chúng ta im lặng và cảm thông với nỗi đau của họ, hoặc lắng nghe họ tâm sự. Cũng có thể họ chờ đợi được nghe một tin vui, chờ đón một nụ cười… Ngay cả khi không thể thực hiện các việc đó, chúng ta vẫn có thể cầu nguyện cho họ. Bằng tất cả những việc yêu thương nhỏ bé của đời thường đó, chúng ta nói với họ về Chúa Giêsu của chúng ta. Đó cũng là cuốn Tin Mừng sống động viết bằng chính cuộc đời chúng ta vậy.
    Trích trong "Niềm Vui Chia Sẻ"
    Tất cả cảm xúc:
    88
     
    1
     
     
    Chia sẻ
     
    VÀO NGÀY NÀY
    8 năm trước
     
    Tân Phúc Âm Hóa …ảo tưởng
    Dư âm của một bài giảng
    Người chấp bút: Ả Siêu…
    Xem thêm
    Tất cả cảm xúc:
    33
    1
     
     
    Chia sẻ