25. Chương Trình Phát Thanh Liên Tôn

CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH LIÊN TÔN - ĐTC DIỄN TỪ HỌP LIÊN TÔN

Nếu chúng ta muốn biết được tầm quan trọng, tính cách thiết yếu và hợp thời cùng cấp thời của Bản Tuyên Ngôn Huynh Đệ cho Hòa Bình Thế Giới và Cuộc Chung Sống vừa được ký kết giữa Kitô giáo và Hồi giáo hôm Thứ Hai mùng 4/2/2019 vừa rồi, chúng ta cần đọc lại những gì ĐTC Biển Đức XVI nhận định về Hồi Giáo và ĐTC Phanxicô ngỏ với họ trong cuộc họp liên tôn hôm Thứ Hai mùng 4/2/2019 sau đây:
 
ĐTC Biển Đức XVI về Hồi Giáo (do người viết nghiên cứu)  
 

Thật vậy, từ khi còn là Hồng Y Joseph Ratzinger, Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, vị Giáo Hoàng tương lai Biển Đức XVI của chúng ta hiện nay đã cảm nhận được cuộc tranh hùng giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo trên bàn cờ lịch sử thế giới, một cuộc tranh hùng giờ đây phần thắng đang nghiêng hẳn về bên thế giới Ả Rập Hồi Giáo. Ngài đã bày tỏ cảm nhận này của mình khi trả lời cho câu hỏi “Việc Hồi Giáo liên kết toàn cầu có nghĩa là gì  đối với Kitô Giáo?” trong cuốn “Salt of The Earth” (Muối Đất), ấn bản Anh ngữ do Ignatius xuất bản năm 1997, trang 245-246, trong chương “Priorities of the Church’s Development – Những điều ưu tiên trong Việc Phát Triển của Giáo Hội”, như sau:

 

“Việc liên kết này là một hiện tượng muôn mặt. Về một phương diện thì các yếu tố tài chính góp phần vào việc này. Quyền lực về tài chính có được nơi các quốc gia Ả Rập là một quyền lực giúp cho họ có thể xây dựng các đền thờ lớn lao khắp nơi, để bảo đảm về sự hiện diện của các cơ cấu văn hóa Hồi Giáo cùng với những điều khác đại loại như thế. Thế nhưng, chắc chắn đó không phải là một yếu tố duy nhất. Yếu tố khác nữa đó là một căn tính được gia tăng, một tâm thức mới về mình.

 

“Trong bối cảnh về văn hóa của thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, cho đến thập niên 1960, cái trổi vượt của các quốc gia Kitô Giáo về kinh tế, văn hóa, chính trị và quân sự quá lớn mạnh đến nỗi thực sự đẩy Hồi Giáo vào hạng thứ yếu, và Kitô Giáo, có thể nói, các nền văn minh theo căn gốc Kitô Giáo có thể tỏ ra mình như là một quyền lực chiến thắng trong lịch sử thế giới. Thế nhưng, vào lúc ấy lại xẩy ra một cuộc khủng hoảng đại thể về luân lý nơi thế giới Tây phương, một thế giới mang tính cách là một thế giới Kitô Giáo. Trước những tương phản sâu xa về luân lý nơi Tây phương cùng với sự bất lực nội tại của nó – một nỗi bất lực đột nhiên nghịch lại với một quyền lực mới về kinh tế của các quốc gia Ả Rập – hồn sống của Hồi Giáo đã bừng lên. Chúng tôi cũng là một nhân vật nào đó nữa chứ; chúng tôi biết được mình là ai mà; tôn giáo của chúng tôi đang vững mạnh đây; các người không còn thứ tôn giáo như thế nữa. 

 

“Đó thực sự là cái cảm thức hôm nay nơi thế giới Hồi Giáo: ở chỗ, các quốc gia Tây phương không còn khả năng giảng dạy một sứ điệp về luân lý nữa, mà chỉ có một thứ kiến thức về kỹ thuật để cống hiến cho thế giới mà thôi. Kitô Giáo đã bị lịm tắt mất rồi; nó thực sự không còn hiện hữu như là một tôn giáo nữa; thành phần Kitô hữu không còn luân lý hay đức tin nữa; tất cả những gì còn lại đó là một ít vết tích của vài ý nghĩ minh tri tân thời mà thôi; chúng tôi có một thứ tôn giáo vững vàng chắc chắn.

 

“Bởi vậy thành phần tín đồ Hồi Giáo giờ đây đã ý thức rằng thực sự Hồi Giáo cuối cùng trở thành một tôn giáo cường tráng hơn, và họ có một cái gì đó để nói với thế giới, thực sự họ là một lực lượng về tôn giáo chính yếu cho tương lai. Trước đây, sharia (luật Hồi Giáo - chú thích của người dịch) và tất cả những thứ ấy đã biến mất trên hiện trường ở một nghĩa nào đó; giờ đây trở thành một niềm hãnh diện mới. Thế là một nhiệt tình mới, một cường độ mới về nhu cầu sống Hồi Giáo đã bừng lên. Đó là một quyền lực mạnh mẽ nơi Hồi Giáo: Chúng tôi có một sứ điệp về luân lý đã từng hiện hữu mà không bị lũng đoạn từ hồi các vị tiên tri, và chúng tôi sẽ nói cho thế giới biết cách sống sứ điệp này, trong khi Kitô Giáo chắc chắc không thể nào làm nổi. Dĩ  nhiên là cờ đã đến tay chúng tôi nhờ ở quyền lực nội tại này của Hồi Giáo, một thứ quyền lực thậm chí thu hút cả những lãnh vực về hàn lâm nữa”.

 
 
ĐTC Phanxicô với  Hồi Giáo  (như người viết chuyển dịch sau đây)  
 
THỨ HAI 4/2 - Đối Thoại Liên Tôn

2019.02.03 Viaggio Apostolico Emirati Arabi Uniti

ĐTC Phanxicô - Diễn Từ trong Cuộc Họp Liên Tôn
trước sự hiện diện của các vị thẩm quyền về dân sự và ngoại giao đoàn
ở Abu Dhabi, Founder’s Memorial
ngày 4 tháng 2 năm 2019


"Chúng ta ở nơi đây để mong ước hòa bình, để cổ võ hòa bình, để trở thành khí cụ hòa bình"

 

As-salāmu alaykum! Bình an ở cùng quí vị!

(Trước hết ĐTC ngỏ lời cám ơn các vị có thẩm quyền tổ chức và hiện diện.... và đồng thời "tôi nghĩ đến tất cả các xứ sở ở bán đảo này từ xứ sở của quí vị đây..."),

Với tấm lòng biết ơn Chúa, nhân dịp 800 năm xẩy ra biến cố gặp gỡ giữa Thánh Phanxicô Assisi và Giáo Chủ al-Malik al Kamil, tôi đã đón nhận lấy cơ hội được đến đây như là một tín hữu khao khát hòa bình, như một người anh em tìm kiếm hòa bình với quí huynh. Chúng ta ở nơi đây để mong ước hòa bình, để cổ võ hòa bình, để trở thành khí cụ hòa bình.

Tình Huynh Đệ như Con Tầu Hòa Bình

Biểu hiệu của cuộc hành trình này theo hình của một con chim bồ câu ngậm cành lá cây olive. Đó là hình ảnh nhắc đến câu chuyện - hiện có ở trong các truyền thống tôn giáo khác nhau - về trận lụt đầu tiên. Theo trình thuật Thánh Kinh thì để bảo tồn nhân loại khỏi bị hủy diệt, Thiên Chúa đã bảo Noe vào tầu cùng với gia đình của ông. Ngày nay, chúng ta cũng nhân danh Thiên Chúa, để bảo toàn hòa bình, cần phải cùng nhau như một gia đình tiến vào một con tầu có thể lèo lái qua những biển khơi bão tố của thế giới này, đó là con tầu của tình huynh đệ.

Khởi điểm của nó là việc nhìn nhận rằng Thiên Chúa là cội nguồn của một gia đình nhân loại duy nhất. Ngài là Đấng Tạo Hóa dựng nên tất cả mọi sự cùng tất cả mọi người, muốn chúng ta sống với nhau như anh chị em của nhau, cư ngụ trong ngôi nhà tạo vật chung được Ngài ban cho chúng ta. Tình huynh đệ được thiết lập ở đây bắt nguồn từ nhân tính chung của chúng ta, như "một ơn gọi chất chứa nơi dự án tạo dựng của Thiên Chúa" (Benedict XVI, Address to the New Ambassadors to the Holy See, 16 December 2010). Điều này nói với chúng ta rằng tất cả mọi người đều bình đẳng về phẩm giá và không ai là chủ tể hay nô lệ của người khác.

Chúng ta không thể tôn vinh Đấng Tạo Hóa mà lại không yêu quí tính chất linh thánh của mọi người và mọi sự sống của con người: mỗi một người đều quí báu như nhau trước nhan Thiên Chúa, Đấng không nhìn đến gia đình con người bằng một ánh mắt yêu thích có tính cách loại trừ, mà bằng một ánh mắt ưu ái có tính cách bao gồm. Bởi vậy mà việc nhìn nhận các thứ quyền lợi như nhau đối với hết mọi người là việc tôn vinh danh Thiên Chúa trên trái đất này. Thế nên, nhân danh Thiên Chúa Hóa Công, hết mọi hình thức bạo lực cần phải bị lên án một cách dứt khoát, vì chúng ta làm tục hóa danh của Thiên Chúa một cách nghiêm trọng, khi chúng ta sử dụng danh Ngài để biện minh cho hận thù và bạo lực phạm đến một người anh chị em nào đó. Không một bạo lực nào có thể nhân danh tôn giáo để biện minh.

Kẻ thù của tình huynh đệ đó là cá nhân chủ nghĩa, một chủ nghĩa chuyển dịch thành niềm ước vọng muốn tôn bản thân mình và phái nhóm của mình trên những người khác và các phái nhóm khác. Mối nguy hiểm này đe dọa tất cả mọi chiều kích của cuộc sống, ngay cả cái đặc quyền thâm sâu nhất của con người, tức là việc hướng về siêu việt thể và về lòng đạo hạnh tôn giáo. Lòng đạo hạnh tôn giáo đích thực là ở chỗ hết lòng kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân như bản thân mình. Vì thế, hành vi đạo giáo cần phải tiếp tục được thanh tẩy cho khỏi khuynh hướng cứ tái diễn việc phán xét người khác như là kẻ thù và đối phương. Mỗi cơ cấu của niềm tin tưởng được kêu gọi thắng vượt tình trạng chia rẽ giữa bạn bè và kẻ thù, để có thể chấp nhận chiều hướng cao cả là những gì bao gồm con người ta, không có tính cách ưu đãi hay kỳ thị.

Tôi cảm nhận thấy được việc dấn thân của quốc gia này trong việc khoan nhượng và bảo toàn quyền tự do thờ phượng, trong việc đương đầu với nạn cực đoan và hận thù. Thậm chí còn cổ võ quyền tự do căn bản trong việc được tuyên xưng niềm tin của con người - quyền tự do này là một đòi hỏi nội tại cho việc hiện thực bản thân mình của con người - chúng ta cần phải tỉnh táo kẻo tôn giáo trở thành phương tiện hóa và chối bỏ chính mình bằng việc cho phép bạo động và khủng bố.

Tình huynh đệ chắc chắn "cũng bao gồm cả trạng thái khác nhau và tính chất khác nhau giữa anh chị em với nhau, cho dù họ có liên hệ với nhau về máu mủ và có cùng một bản tính lẫn phẩm giá (Message for the Celebration of the World Day of Peace, 1 January 2015, 2). Tính chất đa tôn giáo là thể hiện của điều này; trong bối cảnh ấy thái độ đúng đắn không phải là một thứ đồng nhất đòi buộc hay là một thứ hòa hợp hỗn độn. Điều chúng ta được kêu gọi thực hiện như là thành phần tín hữu đó là dấn thân cho sự bình đẳng về phẩm vị của tất cả mọi người, nhân danh Đấng Từ Bi Nhân Ái đã dựng nên chúng ta, và nhân danh Ngài cần phải tìm kiếm việc hòa giải cho các thứ xung khắc và tìm kiếm tình huynh đệ đa dạng. Ở đây tôi muốn tái khẳng định niềm xác tin của Giáo Hội Công Giáo: "Chúng ta không thể thực sự kêu cầu cùng Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người mà chúng ta lại không đối xử một cách huynh đệ với bất cứ một người nào đó, được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa" (Second Vatican Ecumenical Council, Declaration on the Relation of the Church to Non-Christian Religions Nostra Aetate, 5.)

Tuy nhiên, có một số vấn nạn khác nhau chúng ta cần phải đối diện, đó là: làm thế nào chúng ta có thể lưu ý tới nhau ở trong cùng một gia đình nhân loại duy nhất? Làm thế nào để việc bao gồm người khác thắng vượt việc loại trừ nhau nhân danh quyền thuộc về phe nhóm của mình? Tóm lại, làm thế nào để các tôn giáo có thể trở thành thông mạch của tình huynh đệ hơn là của các chướng ngại cho việc tách phân?

(Sau đó ĐTC nói đến "gia đình nhân loại và lòng can đảm về cái khác", "việc đối thoại và nguyện cầu", "Giáo dục và công lý")

Vùng sa mạc nở hoa

Sau khi nói về tình huynh đệ như một con tầu hòa bình, giờ đây tôi lấy cảm hứng từ một hình ảnh thứ hai, đó là hình ảnh vùng sa mạc đang bao quanh chúng ta đây.

Ở nơi đây, mới có mấy năm, bằng tầm mắt nhìn xa trông rộng và khôn ngoan, vùng sa mạc này đã được biến thành một nơi trù phú và hiếu khách. Từ lúc còn là một chướng ngại bất khả tiến tới và bất khả tiếp cận, vùng sa mạc này đã trở thành một nơi gặp gỡ giữa các nền văn hóa và tôn giáo. Ở nơi đây sa mạc đã nở hoa, không phải chỉ một ít ngày trong năm, mà là nhiều năm trước mắt. Xứ sở này, nơi mà cát bụi và các nhà trọc trời gặp nhau, tiếp tục trở thành một giao điểm giữa Tây phương và Đông phương, giữa Miền Bắc và miền Nam trên hành tinh này: một nơi của sự phát triển, nơi đã từng là chốn bất khả cư trú nay đang cung cấp việc làm cho con người ta thuộc các quốc gia khác nhau.

Tuy nhiên, cả sự phát triển nữa cũng có các đối phương của nó. Nếu kẻ thù của tình huynh đệ phải kể đến trước hết là cá nhân chủ nghĩa, thì tôi muốn nói đến tính chất lãnh đạm dửng dưng như là một chướng ngại cho sự phát triển, một thứ lạnh lùng dửng dưng cuối cùng biến các thực tại đang nở hoa thành những vùng đất hoang vu. Thật vậy, thứ phát triển thuần thực dụng không thể nào có được một thứ tiến bộ thực hữu và bền vững. Chỉ duy có sự phát triển toàn vẹn và liên kết mới cống hiến một tương lai xứng với con người. Tính chất lãnh đạm là những gì ngăn cản chúng ta nhìn cộng đồng con người vượt trên những gì nó chiếm hữu, và thấy anh chị em của chúng ta hơn là công việc họ làm. Thật vậy, tính lãnh đạm dửng dưng không nhìn đến tương lai; nó không quan tâm tới tương lai của thiên nhiên tạo vật, nó không để ý tới phẩm giá của những ai xa lạ và tương lai của trẻ em.

Trong bối cảnh ấy, tôi cảm thấy vui mừng là ở Abu Dhabi đây, vào Tháng 11 năm ngoái, đã xẩy ra Diễn Đàn đầu tiên của Liên Minh Liên Tôn về Vấn Đề Các Cộng Đồng An Toàn hơn, một đề tài nhắm đến phẩm giá của trẻ em trong thế giới con số này. Biến cố này đã gợi nhắc về một sứ điệp được ban hành một năm trước ở Roma trong một hội nghị quốc tế về cùng một đề tài, một hội nghị tôi đã hoàn toàn ủng hộ và phấn khích. Bởi thế, tôi xin cám ơn tất cả các vị lãnh đạo đã tham gia vào lãnh vực này, và tôi hứa với họ về sự hỗ trợ, về tình liên kết và về việc tham dự của tôi cũng như của Giáo Hội Công Giáo, để nhắm tới việc bảo vệ cho các trẻ vị thành niên ở tất cả mọi hình thức của nó.

Ở vùng sa mạc này, một đường lối cho việc phát triển tốt đẹp đã được mở ra, một đường lối mà khởi đầu từ việc tạo nên các việc làm, đang cống hiến niềm hy vọng cho nhiều người đến từ các quốc gia, văn hóa và niềm tin khác nhau. Trong số đó có cả nhiều Kitô hữu nữa, thành phần đã hiện diện ở đây qua các thế kỷ, đã tìm thấy được những cơ hội và góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng và an sinh của xứ sở đây. Ngoài những khả năng chuyên môn của mình, họ còn mang đến cho quí vị tính chất chân thực của đức tin họ. Việc tôn trọng và tính khoan dung họ gặp thấy, cũng như những nơi thờ phượng cần thiết để họ cầu nguyện, đều giúp họ có thể trưởng thành về tâm linh, những gì sau đó mang lại lợi ích cho toàn thể xã hội. Tôi phấn khích quí vị hãy tiếp tục đường lối này, nhờ đó những ai sống ở đây hay đang tạm dung có thể bảo trì chẳng những hình ảnh về các công cuộc lớn lao đã được thực hiện ở trong vùng sa mạc này, mà còn cả hình ảnh về một quốc gia có tính cách bao gồm và gắn bó với tất cả mọi người.

Với tinh thần ấy, tôi mong có các cơ hội gặp gỡ cụ thể, chẳng những ở nơi đây mà còn ở toàn vùng đất yêu dấu này, một tụ điểm của vùng Trung Đông. Tôi hướng tới các xã hội có thành phần dân chúng thuộc những niềm tin khác nhau có cùng một quyền lợi công dân, và là nơi duy nhất trong trường hợp bạo động ở bất cứ hình thức nào thì quyền ấy mới bị lấy đi thôi.

Một cuộc sống chung huynh đệ, được dựa trên giáo dục và công lý; một việc phát triển về nhân bản được xây đắp trên tính chất bao gồm đón nhận và trên các quyền lợi của tất cả mọi người: đó là những hạt giống hòa bình mà các tôn giáo trên thế giới được kêu gọi giúp cho nẩy nở. Đối với họ, có lẽ trước đây chưa bao giờ có, trong tình trạng lịch sử mong manh hiện nay, nó là một công việc không thể nào trì hoãn nữa: ở chỗ chủ động góp phần vào việc phi quân sự cõi lòng con người - demilitarizing the human heartViệc chạy đua võ trang, việc nới rộng các vùng ảnh hưởng của mình, các chính sách hung hăng tác hại tới những người khác sẽ là những gì chẳng bao giờ tạo nên ổn định. Chiến tranh không thể nào tạo nên bất cứ sự gì ngoài tình trạng khốn khổ, các thứ khí giới chẳng mang đến gì ngoài chết chóc!

Tình huynh đệ con người đòi hỏi chúng ta, với tư cách là đại diện cho các tôn giáo trên thế giới này, nhiệm vu loại trừ đi hết mọi động thái tỏ ra thừa nhận chữ "chiến tranh". Chúng ta hãy trả nó về cho cái tính thô bạo khốn khổ của nó. Các hậu quả tàn khốc của nó ở ngay trước mắt của chúng ta. Tôi đặc biệt nghĩ đến Yemen, Syria và Libya. Là anh chị em trong một gia đình nhân loại duy nhất theo ý muốn của Thiên Chúa, chúng ta cùng nhau dấn thân chống lại thứ lý lẽ của quyền lực võ trang, chống lại nạn tài chính hóa các mối liên hệ, chống lại việc võ trang ở các vùng biên giới, chống lại việc dựng lên các bức tường, chống lại việc bịt miệng người nghèo; chúng ta hãy chống lại tất cả những điều ấy bằng một quyền lực êm dịu của nguyện cầu cũng như của việc hằng ngày dấn thân đối thoại. Việc chúng ta qui tụ lại với nhau hôm nay đây là một sứ điệp của lòng tin tưởng, một phấn khích cho tất cả mọi người thành tâm thiện chí, nhờ đó họ có thể buông bỏ những cơn lốc bạo lực và việc hoang vu hóa chủ nghĩa vị tha. Thiên Chúa ở với những ai tìm kiếm hòa bình. Từ trời cao Ngài chúc lành cho hết mọi bước đi để được hoàn trọn trên mặt đất theo con đường này.

https://www.vaticannews.va/en/pope/news/2019-02/pope-francis-uae-global-conference-human-fraternity-full-text.html

CHƯƠNG TRÌNH PHAT THANH LIÊN TÔN - TIỂU VƯƠNG QUỐC Ả RẬP

135,000 vé tham dự Thánh Lễ của Đức Phanxicô tại Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất
 
Vũ Văn An
01/Feb/2019


Theo Vatican News, hàng ngàn người Công Giáo xếp hàng bên ngoài các nhà thờ tại Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất để lấy vé tham dự thánh lễ đầu tiên của một vị giáo hoàng tại Bán Đảo Ả Rập.

Đức Phanxicô sẽ tới thủ đô Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Abu Dhabi, tối Chúa Nhật này. Chủ đề chuyến viếng thăm từ ngày 3 tới ngày 5 tháng 2 là “Hãy biến con thành Máng Chuyển Hòa Bình”. Đây sẽ là chuyến tông du ngoại quốc lần thứ 27 của Đức Phanxicô.

Cao điểm chuyến đi sẽ là Thánh Lễ ngài sẽ cử hành hôm thứ Ba, 5 tháng 2, tại Vận Động Trường Zayed ở Abu Dhabi, một thánh lễ sẽ có khoảng 135,000 người tham dự.

Vé trên không những cấp cho hàng ngàn tín hữu quyền tham dự thánh lễ của Đức Giáo Hoàng mà còn cho họ một ngày nghỉ việc.

Phép nghỉ trên được công bố bởi Bộ Tài Nguyên Nhân Bản và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất Hóa (emiratisation) và cho thấy cố gắng của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất trong việc tạo điều kiện cho cuộc đối thoại liên tín ngưỡng, một cố gắng trùng hợp với Năm Khoan Dung 2019.

Người tìm vé tỏ ra rất kiên nhẫn và quyết tâm trong việc tìm dịp tham dự biến cố hiếm hoi là Thánh Lễ do Đức Giáo Hoàng cử hành này. Thiện nguyện viên Lucy Pascua, người hướng dẫn đám đông tại Nhà Thờ Công Giáo St Mary ở Dubai, nói rằng “Khoảng 4 giờ 30 chiều đã có một hàng xếp hàng dài rồi, dù việc phân phối vé chỉ bắt đầu diễn ra lúc 6 giờ chiều”.

Pascua cho biết: Khoảng 36,000 vé đã được phân phối cho các cá nhân vào cuối ngày thứ Sáu.

Khoảng 1 triệu người Công Giáo sống ở Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất theo ước tính của Toà Đại Diện Tông Tòa Miền Nam Bán Đảo Ả Rập, là thẩm quyền tài phán chính thức của Giáo Hội Công Giáo phụ trách Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Oman, và Yemen.

Với lượng đòi hỏi đồ sộ là 135,000 chỗ ngồi tham dự Thánh Lễ vào hôm thứ Ba, các tên đã được bốc thăm, đôi khi chỉ có một thành viên trong gia đình được trúng thăm mà thôi.

Ca đoàn

Một ca đoàn đa quốc gia gồm 120 thành viên thuộc 9 nhà thờ ở Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đã được thành lập để hát trong Thánh Lễ Đại Trào. Họ sẽ được đệm bởi một đàn organ và dàn kèn đồng 10 chiếc. Các thành viên của ca đoàn phát xuất từ 283 ca sĩ thuộc 120 ca đoàn dự các buổi tập dượt. Họ là người Phi luật tân, Ấn độ, Lebanese, Syrians, Jordanians, Armenians, Pháp, Ý, Nigerians, Hoa kỳ, Nam dương, Hòa lan và Á căn đình.

Ca đoàn đặt dưới sự điều khiển của Joy Santos, người Phi luật tân
---------------------------

CHƯƠNG TRÌNH PHAT THANH LIÊN TÔN -ĐẠI LY GIÁO LỚN TRONG KITO GIÁO

Trên bờ vực một cuộc Đại ly giáo lớn nhất trong thế giới Kitô Giáo trong 1000 năm qua
Đặng Tự Do
18/Sep/2018
Trong bài “On the brink of another Great Schism” – nghĩa là trên bờ vực của một Đại Ly Giáo nữa, Miodrag Lazarevic cảnh cáo rằng xung đột giữa Tòa Thượng Phụ Constantinople và Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa có thể dẫn đến một cuộc đại ly giáo lớn nhất trong 1000 năm qua, từ sau biến cố đại ly giáo 1054. Dưới đây là tóm lược các diễn biến dẫn đến việc đoạn giao giữa Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa và Tòa Thượng Phụ Constantinope.

Tình trạng hiện nay của Chính Thống Giáo Ukraine

Trong tổng số 44,033,000 dân, các tín hữu Chính Thống Giáo chiếm 67% dân số. Khoảng 10% là người Công Giáo theo nghi lễ Đông phương hay Latinh.

Tại Ukraine hiện nay có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa do Đức Tổng Giám Mục Trưởng Onufry lãnh đạo. Theo Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, nhóm này chiếm hơn 50% dân số Chính Thống Giáo tại Ukraine với hơn 12,000 giáo xứ và hơn 200 tu viện. Hiện nay, nhóm này được thế giới Chính Thống Giáo và cách riêng là Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa công nhận.

Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine do Đức Thượng Phụ Filaret lãnh đạo.

Nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ. Nhóm này do Đức Thượng Phụ Mstyslav lãnh đạo và có ít nhất là 10% dân số Chính Thống Giáo tại Ukraine.

Ước muốn thống nhất Chính Thống Giáo của chính quyền Ukraine

Sau khi Nga xâm lược Crimea, và xúi giục các thành phần con cháu người Nga nổi dậy tại miền Đông quốc gia này, nhiều linh mục, giáo dân và có cả trường hợp toàn bộ giáo xứ lần lượt rời bỏ nhóm thứ nhất và gia nhập vào hai nhóm sau.

Kiev coi nhóm Chính Thống Giáo Nga thứ nhất trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa là một công cụ để điện Kremlin tác động lên nội tình của Ukraine. Cho nên, Quốc Hội nước này thông qua một nghị quyết kêu gọi thống nhất Chính Thống Giáo tại Ukraine vào một khối tách khỏi Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.

Tháng Tư vừa qua, tại Istanbul, tổng thống Poroshenko đã gặp Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, lãnh đạo tinh thần của các Kitô hữu Chính thống toàn thế giới, để tìm kiếm sự hỗ trợ trong việc nhìn nhận tính cách hợp pháp của một tân Giáo Hội Chính Thống Ukraine.

Ông Poroshenko đã so sánh việc có một Giáo Hội tự trị với nguyện vọng của Kiev được gia nhập Liên minh châu Âu và NATO, “bởi vì điện Kremlin coi Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga là một trong những công cụ quan trọng ảnh hưởng đến Ukraine.”

Phản ứng của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô

Ngày 31 tháng 8, Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô, triệu tập cuộc họp thượng đỉnh với các Đức Thượng Phụ và Tổng Giám Mục Trưởng Chính thống giáo. Đức Thượng Phụ Kirill của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa cũng đến tham dự trong cố gắng ngan cản việc công nhận một Giáo Hội Chính Thống Giáo tại Ukraine tách hoàn toàn khỏi Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.

Tuy nhiên, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô xem ra đã chuẩn y việc ban cấp quy chế tự trị cho Giáo Hội Chính Thống Ukraine.

Ngài nói rằng cuộc vận động đòi quyền tự trị của người Ukraine không phải là một diễn biến mới mẻ gì. Ngược lại, ngài nói, Giáo hội Chính thống ở Kiev - được thành lập trước Giáo hội Chính thống ở Mạc Tư Khoa — thường xuyên kêu đòi cho được tự trị.

Ngài nói:

“Chính Thống Giáo Ukraine đã có từ lâu trước khi Tòa Thượng Phụ Kiev được dời đến Mạc Tư Khoa vào đầu thế kỷ 14 mà không có phép về giáo luật của Giáo Hội Mẹ. Từ đó đã có những nỗ lực không mệt mỏi về phía các anh em người Kiev của chúng ta để giành độc lập khỏi sự kiểm soát của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.”

Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô nói rằng không có biến cố lịch sử nào của Giáo hội Chính thống ở Ukraine “có thể biện minh cho bất kỳ sự can thiệp nào của Giáo hội tại Nga.” Ngài nói thêm rằng “Nga, là nước phải chịu trách nhiệm cho tình hình đau khổ hiện nay ở Ukraine, vì thế không thể đứng ra giải quyết vấn đề này. Do đó, ngài nhấn mạnh rằng: “Thượng Phụ Đại kết đã chủ động giải quyết vấn đề này.

Hôm 7 tháng Chín, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã khởi động tiến trình ban cấp quy chế tự trị cho Chính Thống Giáo Ukraine.

Thông cáo của Chánh Thư Ký Thánh Công Đồng Constantinope cho biết:

“Trong khuôn khổ của việc chuẩn bị cho việc ban cấp quy chế tự trị cho Giáo hội Chính thống ở Ukraine, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Daniel của giáo phận Pamphilon, Hoa Kỳ; và Đức Giám Mục Grace Ilarion của giáo phận Edmonton, Canada, làm Đặc Sứ Toàn Quyền của ngài tại Kiev. Cả hai vị đang coi sóc các tín hữu chính thống Ukraine tại các quốc gia tương ứng của họ dưới quyền của Đức Thượng Phụ Đại Kết.

Sau nhiều tuyên bố rất nóng nảy, ngày 14 tháng 9, Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa tuyên bố đoạn giao với Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô.

Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã bãi bỏ những lời cầu nguyện cho Đức Thượng Phụ Constantinople và đình chỉ tất cả các cử hành Phụng Vụ với hàng giáo phẩm của Tòa Thượng Phụ Constantinople. Ngoài ra, Mạc Tư Khoa cũng rút khỏi các ủy ban thần học và các cơ quan liên Giáo Hội chính thống khác do Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô lãnh đạo.

Tòa Thánh sẽ gặp khó khăn trong tiến trình đại kết với Chính Thống Giáo

Ngày 12 tháng Hai 2016, với sự dàn xếp của Raúl Castro, Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng Phụ Kirill của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã có cuộc gặp gỡ lịch sử tại phòng khánh tiết của phi trường quốc tế Hosé Marti ở thủ đô Havana của Cuba. Ngày 23 tháng Tám, năm ngoái 2017, tại Mạc Tư Khoa, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Tòa Thánh cũng đã có cuộc gặp gỡ với Đức Thượng Phụ Kirill.

Những diễn biến này đã thúc đẩy những lời đồn đoán Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ sớm được chào đón tại Mạc Tư Khoa. Với diễn biến mới nhất này, việc Chính Thống Giáo tạm thời tách ra làm hai mảnh sẽ gây rất nhiều khó khăn cho phong trào đại kết Kitô Giáo, và những vấn đề ngoại giao tế nhị khác. Viễn ảnh một chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô là mịt mờ hơn bao giờ.

Trong khi đó, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô là nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo đầu tiên tham dự một buổi lễ đăng quang Giáo Hoàng của Giáo Hội Công Giáo sau cuộc đại ly giáo 1054. Thật vậy, ngày 19 tháng Ba, 2013, ngài dẫn đầu phái đoàn Chính Thống Giáo tham dự buổi lễ Khai Mạc Sứ Vụ Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh của Đức Thánh Cha Phanxicô. Năm sau đó, 2014, ngài còn mời Đức Thánh Cha Phanxicô sang thăm Thánh Địa Giêrusalem để cùng với ngài ôn lại 50 năm cái ôm huynh đệ lịch sử giữa Đức Thượng Phụ Anethagoras và Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục. Một tháng sau đó, hôm 8 tháng 6, 2014, ngài lại đến Vatican để cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô, tổng thống Shimon Peres của Do Thái và tổng thống Mahmoud Abbas thảo luận về nền hòa bình tại Giêrusalem. Cùng năm đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm Tòa Thượng Phụ Constantinople vào ngày 30 tháng 11, 2014 nhân lễ thánh Anrê tông đồ bổn mạng Chính Thống Giáo. Ngày 16 tháng 4, 2016, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô cũng đã cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô thăm trại tị nạn Mòria trên đảo Lesbos của Hy Lạp.
 
 
Bài có liên quan
18/09/2018
07/09/2018
07/09/2018
07/09/2018
07/09/2018
07/09/2018
06/09/2018
06/09/2018
05/09/2018
05/09/2018
04/09/2018
31/08/2018
30/08/2018
28/08/2018
28/08/2018
24/08/2018
21/08/2018
18/08/2018
14/08/2018
10/08/2018

© 2018 - VietCatholic Network - Designed by J.B. Đặng Minh An

CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH LIÊN TÔN - HIỆP NHẤT KITO GIÁO

Thanh Quảng sdb
10/Jan/2019
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ khai mạc Tuần cầu nguyện cho hiệp nhất Kitô giáo vào ngày 18 tháng 1

Tin từ Vatican cho hay Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự giờ Kinh chiều vào lúc 5:30 chiều thứ Sáu, ngày 18 tháng 1 năm 2019, tại Vương cung thánh đường Thánh Phaolô ngoài thành, để khai mạc Tuần lễ cầu nguyện cho hiệp nhất Kitô giáo.
Theo truyền thống, thì các vị tiền nhiệm của Đức Phanxicô đã chủ sự Giờ Kinh Chiều vào ngày Khai mạc và Thánh lễ bế mạc (vào ngày 25 tháng 1) cho Tuần lễ cầu nguyện này tại Rome, trước sự chứng kiến của các đại diện các Giáo phái Kitô giáo khác nhau.
Vì Đức Thánh Cha Phanxicô phải có mặt ở Panama tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới từ Thứ Tư ngày 23 tháng 1 đến Thứ Hai 28 tháng 1; nên có sự thay đổi phong tục này tại Roma trong tuần đại kết năm nay.
Chủ đề của Tuần Cầu Nguyện Hiệp nhất này được Giáo hội tại Indonesia lựa chọn cho Tuần lễ cầu nguyện tuyệt vời này, cũng vào những ngày 18 đến 25 tháng 1 năm 2019, đó là “Chúng ta phải theo Công lý và chỉ theo Công lý” (Trích từ Sách Ký luật 16: 18-20).
Hội đồng Đại kết Giáo hoàng và Thánh bộ Đức tin cùng nhau chuẩn bị chủ đề và các bản văn từ Kinh thánh cho Tuần lễ quan trọng này.
------------------------------------

CHƯƠNG TRÌNH PHAT THANH LIÊN TÔN-

Tổng thống Ukraine và Đức Thượng Phụ Đại Kết ký hiệp định về quyền tự trị của Chính Thống Giáo Ukraine
 
Đặng Tự Do
06/Nov/2018
Hôm thứ Bẩy 3 tháng 11, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã có cuộc gặp gỡ tại Istanbul và đã ký một thỏa thuận mở đường cho việc công nhận quyền tự trị của Chính Thống Giáo Ukraine. Việc ký kết thỏa thuận này đã gây ra một làn sóng giận dữ mới tại Mạc Tư Khoa.

Thỏa thuận vừa được ký kết quy định các điều kiện cần thiết mà Chính Thống Giáo tại Ukraine phải đạt được trước khi Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô ban cấp Tomos, tức là quy chế của một Giáo Hội Chính Thống tự trị trong thế giới Chính Thống Giáo.

“Thay mặt người dân Ukraine, tôi rất biết ơn Đức Thượng Phụ Đại Kết và tất cả các giám mục của Tòa Thượng Phụ Constantinope về quyết định hết sức quan trọng và khôn ngoan này, mở ra con đường đến với Thiên Chúa cho đất nước và Giáo Hội Ukraine”, ông Poroshenko nói.

“Thỏa thuận mà chúng tôi ký hôm nay đặt ra các điều kiện để việc chuẩn bị cho việc ban cấp Tomos sẽ được thực hiện hoàn toàn đúng theo với các quy tắc giáo luật của Giáo hội Chính Thống.”

Poroshenko cũng đã tweet: “Hôm nay là một ngày lịch sử. Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận về sự hợp tác giữa Ukraine và Tòa Thượng Phụ Đại Kết, mà chúng tôi vừa ký kết với Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô.”

Vấn đề được ban cấp Tomos sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3 năm 2019 tại Ukraine. Ông Poroshenko xem việc ban cấp Tomos là một vấn đề then chốt trong kế hoạch tái tranh cử một nhiệm kỳ nữa.

Tòa Thượng Phụ Đại Kết của Chính Thống Giáo được đặt tại Istanbul, trước đây gọi là Constantinople và từng là thủ đô của Đế quốc Byzantine trước khi bị Đế quốc Hồi giáo Ottoman chinh phục vào năm 1453.

Đức Tổng Giám Mục Hilarion, chủ tịch ủy ban quan hệ đối ngoại của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, cho biết thỏa thuận mới là một trong những quyết định gần đây của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô “nằm ngoài thẩm quyền tài phán và vi phạm chủ quyền của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.”

Theo hãng tin TASS của Nga, Đức Tổng Giám Mục cáo buộc Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đang “đưa ra các chỉ thị từ nước ngoài nhằm làm suy yếu và chia rẽ sự hiệp nhất của Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga”.


   
   
   
   
   
   
   
   
   
   
   
   
   
   
   
   
   
   
   
   

© 2018 - VietCatholic Network - Designed by J.B. Đặng Minh An