20. Những Bài Về Đức Mẹ

NHỮNG BÀI VỀ ĐỨC ME - LM TRẦM PHÚC

  •  LM TRẦM PHÚC
     

    GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

    Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

    Lời Chúa : Lc 1, 26-38

         Trong thời gian đón chờ Chúa đến làm người, Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm hình ảnh sáng ngời của một tạo vật được Chúa yêu thương đặc biệt, tạo vật được Chúa tuyển chọn để tiếp nhận Con Chúa làm người, đó là Mẹ Maria, Đấng đầy ơn phước.

          Thiên Chúa muốn cứu vớt thế gian, Ngài không chỉ phán một lời, không chỉ ra một hiệu lệnh, nhưng Ngài đến tận trong vũng lầy tội lỗi chúng ta để đem chúng ta về với Ngài. Ngài muốn sống thân phận yếu đuối của chúng ta, chia xẻ mọi khó khăn cực nhọc của chúng ta, cứu chúng ta bằng cách thánh hoá mọi sự, vì thế, Ngài cần một tâm hồn biết đón nhận Ngài, một bàn tay nâng đỡ Ngài. Tóm lại, Ngài cần một bà mẹ để đưa Ngài vào thế giới con người. Ngài không muốn xuất hiện như một vì sao băng, Ngài muốn hoàn toàn sống như con người từ giây phút đầu tiên. Vì thế Ngài cần một người có thể làm mẹ con của Ngài, vì thế Ngài đã chọn một người con gái quê mùa trong làng Nadaret, một làng heo hút miền nam xứ Giuđêa, người đó chính là Maria.

         Chúa luôn tôn trọng quyền tự do của mọi người. Muốn cho Maria ưng thuận làm mẹ Con Thiên Chúa, Ngài sai thiên sứ Gabrien đến với Maria. Sứ thần đến và chào Maria bằng một lời chào lạ lùng : “ Mừng vui lên, hỡi người đầy ơn phước, thiên Chúa ở cùng Bà !” Lời chào nầy mang lấy những màu sắc xa xưa của các tiên tri. Tiên tri Xôphônia đã nói : “ Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Sion”. Tiên tri Dacaria cũng đồng thanh : “ Hãy vui mừng hớn hở , hỡi con gái Sion”. Thiên sứ báo tin một niềm vui lớn cho nhân loại, vì Thiên Chúa đã đoái thương dân Người, niềm vui nầy chính là niềm vui thiên sai được loan báo đầu tiên cho một thiếu nữ vô danh ở Nadaret. Lời chào của thiên sứ làm cho Maria sững sờ, nàng không thể ngờ, nhưng nàng vẫn tự hỏi lời chào nầy có ý nghĩa gì. Không đợi nàng phản ứng, thiên sứ đã tiếp : “ Thưa Bà Maria, xin đừng sợ, vì Bà đẹp lòng Thiên Chúa. Nầy đây, Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu”. Maria càng ngạc nhiên hơn. Tất cả đều lạ lùng. Nàng cứ tưởng rằng nàng sẽ sống như mọi người trong làng nhỏ bé nầy và không ai biết nàng là ai. Nhưng giờ đây, nàng đứng trước một vấn đề khó hiểu : làm mẹ một người mà sứ thần nói là  Đấng cao cả, là Con Đấng Tối Cao…Lúc ấy nàng cảm thấy như Môsê trước bụi gai cháy rực, như tiên tri Isaia trong Đền thờ, như Phêrô trước mẻ cá lạ lùng. Bà sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, và người con tri ấy lại là Con đâng Tối Cao. Maria đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác. Nàng đã được đính hôn với Giuse, một thanh niên trong làng, thuộc dòng tộc vua Đavít, làm sao có thể lại thự thai Con Đấng Tối Cao ? Nàng nêu thắc mắc : “ Làm sao được vì tôi không biết đến việc vợ chồng ?”

          Sứ thần nói : “ Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và quyền năng Đấng
    Tối Cao sẽ phủ bóng trên Bà ; vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa…”
    Và để chứng minh quyền năng của Thiên Chúa, sứ thần nói đến hồng ân của bà Êlisabet, người chị họ già nua hôm nay đã có thai sáu tháng, và sứ thần nói rõ : “ Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể”. Sau cùng Maria thưa : “ Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói”. Tất cả sự cao cả của Maria được tỏ hiện trong lời khiêm tốn nầy. Tất cả niềm vui của trần gian được bộc lộ nơi người thiếu nữ vô danh nầy. Thiên Chúa đã chọn một tạo vật của Ngài để đem Con của Ngài đến trong trần gian để mang đến trần gian niềm vui cứu độ : Hãy vui lên, hãy nhảy mừng vì Thiên Chúa ngươi đã gần đến.

         Người thiếu nữ được chọn kia phải xứng đáng, mặc dù nàng tự xem mình như nữ tỳ của Chúa thôi. Từ xa xưa, Giáo Hội luôn nhìn ngắm Maria là Mẹ Thiên Chúa và nếu là Mẹ Thiên Chúa thì không thể nào lại phải nô lệ tội lỗi, vì thế Maria là người nữ được tuyển chọn vô tỳ tích. Nàng là người nữ mà Kinh Thánh nhìn như người sẽ đạp đầu con rắn.

         Năm 1854, Đức Giáo Hoàng Piô IX đã công bố tín điều Đức Mẹ là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội. Bốn năm sau, vào năm 1858, Đức Mẹ thân hành hiện ra với thiếu nữ Bênađêta và đã tuyên bố : Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội. Không có bằng chứng nào rõ rệt hơn. Và hôm nay, chúng ta hãy cùng với Giáo Hội chiêm ngắm Mẹ Maria trong vẽ đẹp tuyệt vời của Ngài và cảm tạ ơn Chúa vì đã thương chúng ta và ban cho chúng ta một người Mẹ tinh tuyền, khiêm tốn nhưng cao cả. Cao cả trong sự khiêm tốn, cao cả trong sự vâng phục.

    Chúng ta hãy vui mừng nhìn ngắm Mẹ chúng ta và khẩn xin Mẹ giúp chúng ta càng ngày càng trong sáng trong vâng phục. Xin Mẹ giúp chúng ta đón chờ Chúa như Mẹ khi xưa đón chào Chúa đến. Và nhất là hôm nay, xin Mẹ giúp chúng ta đón rước Chúa khi Ngài đến với chúng ta trong  tấm bánh Tình Yêu của Ngài để chúng ta càng ngày càng sống với Ngài mật thiết hơn.

    Lm Trầm Phúc

    Kính chuyển:

    Hồng

     

     

NHỮNG BÀI VỀ ĐỨC MẸ - DÂNG MÌNH TRONG ĐỀN THỚ

  •  
    phung phung

    21/11 lễ Ðức Mẹ dâng mình vào Ðền Thờ

    Mến chúc bạn và gia đình ngày đầu tuần bình an và hạnh phúc! Hôm nay 21/11, Giáo hội mừng lễ Ðức Mẹ dâng mình vào Ðền Thờ, xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho bạn và gia đình nhé.

    Cha Vương

     Thứ 2: 21/11/2022

        Những cha mẹ đạo đức thường dâng con mình cho Chúa, trong lúc mang thai cũng như sau khi sinh. Đối với một số người Do thái, họ có thói quen dâng con cho Chúa lúc chúng còn thơ ấu. Họ đem con đến Đền thờ, cho chúng ở lại đó phục vụ các tư tế trong việc phụng tự. Chúng ta gặp thấy nhiều cuộc dâng hiến như thế, như trường hợp của Samuen và nhiều vị thánh khác.

    Riêng Đức Maria, Phúc âm không nói gì về thời thơ ấu của ngài, nhưng truyền thống nói rằng lúc lên ba tuổi, cha mẹ đã đem dâng ngài trong đền thờ.

        Hôm nay Hội thánh mừng ngày kỷ niệm Đức Mẹ dâng mình đó. Lễ này mới được Hội thánh công nhận và phổ biến rộng khắp vào thế kỷ 14. Việc Đức Mẹ dâng mình chắc chắn rất đẹp lòng Chúa, vì ngài đã được Vô nhiễm nguyên tội ngay từ buổi đầu thai, vì Chúa đã định chọn Mẹ cưu mang và sinh Con của Ngài. Và Mẹ đã dâng mình cách trọn vẹn, trọn hảo.

        Chính trong đền thờ, Mẹ chuẩn bị sứ mạng làm Mẹ Thiên Chúa. Mười hai năm trời Mẹ suy niệm, cầu nguyện, sống gần gũi thân mật với Chúa. Theo thánh Giêrônimô, chương trình sống một ngày của Mẹ ở trong đền thờ gồm có kinh nguyện, suy gẫm, học hỏi Lời Chúa, hát thánh vịnh. Mẹ làm các việc thiêng liêng đạo đức đó với cả lòng sốt sắng nhiệt thành, nêu gương cho mọi người khác.

        Mẹ luôn lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa, đó chính là điểm đặc sắc nhất của đời sống Mẹ. Theo thánh Augustinô: “Thánh Mẫu Maria đã thực hiện hoàn toàn ý định Chúa Cha, và vì thế, việc ngài được làm môn đệ Đức Kitô thì có giá trị hơn là việc được làm Mẹ Đức Kitô. Do đó, Đức Maria thật diễm phúc vì đã mang Chúa trong lòng trước khi sinh ra Người”.

        Như thế, chính Đức Maria là Đền Thờ của Thiên Chúa. Việc Mẹ dâng mình vào đền thánh là thể hiện ngôi Đền thờ sống động trong tâm hồn. Chúng ta cũng thế, chúng ta là đền thờ sống động của Chúa, nên chúng ta biết noi gương Mẹ, dâng mình cho Chúa, lắng nghe và thực hành Lời Chúa hằng ngày trong đời sống. (Nguồn: Tinmung)

        Dâng mình cho Đức Mẹ là một thói quen rất tốt lành vì ở đâu có Mẹ là ở đó có Chúa, có hy vọng, có ơn cứu rỗi, vậy mình mời bạn hãy tập dâng mình cho Đức Mẹ mỗi ngày qua lời kinh sau đây:

    Lạy Mẹ Maria là Mẹ nhân thay, con xin dâng mình con cho Đức Mẹ và cho chúng con hết lòng làm con Đức Mẹ, thì ngày (đêm) hôm nay con xin dâng con mắt, lỗ tai, miệng lưỡi, trái tim cùng tất cả thân mình con cho Đức Mẹ. Lạy Mẹ Maria là Mẹ khoan thay, này con thuộc về Đức Mẹ thì xin Đức Mẹ gìn giữ con như của riêng Đức Mẹ vậy. Amen. (Kinh Dâng Mình Cho Đức Mẹ)

    From: Đỗ Dzũng

     

NHỮNG BÀI VỀ ĐỨC MẸ - TS DUYỆT - ME MÂN CÔI

  •  

    LÒNG SÙNG KÍNH KINH MÂN CÔI

    (Hiệu đính tài liệu Kinh Mân Côi) [1]

     

    Trần Mỹ Duyệt

     

    “Nếu Phanxicô muốn lên thiên đàng, thì phải siêng năng lần hạt”. Ðọc và suy ngắm Kinh Mân Côi cách sốt sắng là cầu nguyện. Và hôm nay, Phanxicô đã về trời và đã được tuyên phong hiển thánh vì đã thực hành theo lời khuyên của Đức Mẹ.

     

    Ngày 13 tháng 7 năm 1917, tại Fatima, Ðức Mẹ đã hiện ra lần thứ ba với Lucia, Giaxinta, và Phanxicô, cho ba em nhìn thấy hỏa ngục và những hình phạt mà các linh hồn phải chịu trong đó. Lucia đã hỏi Ðức Mẹ về số phận của mình, của hai em Phanxicô và Giaxinta. Ðức Mẹ đã cho biết đối với Phanxicô, nếu muốn lên thiên đàng thì em phải siêng năng lần hạt. 

     

    Không thấy Ðức Mẹ nói lý do tại sao lại đòi Phanxicô phải lần hạt nhiều. Nhưng có thể hiểu một cách đơn sơ rằng, đối với Phanxicô lần hạt nhiều có nghĩa là cầu nguyện nhiều, bởi vì việc lần hạt Mân Côi không vượt quá khả năng một em nhỏ như Phanxicô. Đối với Phanxicô lần hạt chính là một hình thức cầu nguyện.

     

    Với mỗi Kitô hữu hôm nay, nếu có hỏi Ðức Mẹ một câu tương tự về số phận đời đời của mình như Ba Trẻ Fatima xưa: “Còn số phận con thì sao?”, chắc chắn cũng sẽ được nghe Ðức Mẹ trả lời: “Nếu muốn lên Thiên Ðàng, con phải năng lần hạt”. 

     

    Sơ lược lịch sử kinh Mân Côi [2]

     

    Kinh Mân Côi đã bắt đầu từ thời Trung Cổ. Lễ Mân Côi được Thánh Giáo Hoàng Piô V (1504-1572) thiết lập vào năm 1571 để kỷ niệm chiến thắng vịnh Lepanto, ngày 7 tháng 10 năm 1571. Chiến thắng giữa Thập Tự Quân và đạo quân Hồi Giáo này được cho là do “cánh tay” của Kinh Mân Côi nhiều hơn là do sức mạnh của khí giới và sự dũng cảm của những chiến sỹ Đạo Binh Thánh Giá lúc bấy giờ.

     
    Từ đầu Kinh Mân Côi được coi như một hình thức cầu nguyện đã được Đức Mẹ trao cho Thánh Đa Minh (1170-1221), như một khí cụ chống lại lạc giáo Albigensê và được  Thánh Giáo Hoàng Piô V - vị Giáo Hoàng của Dòng Đa Minh - phổ biến và truyền bá. Chính Ngài đã chính thức chấp thuận Kinh Mân Côi vào năm 1569 như hình thức hiện nay qua Tông Sắc Consueverunt Romani. Kinh Mân Côi đã được hoàn thành bằng cách thêm vào nửa sau của Kinh Kính Mừng và Kinh Sáng Danh ở phần kết của mỗi mầu nhiệm.

     
    Thời Trung cổ, Kinh Mân Côi xuất hiện trong các tu viện thay thế cho Kinh Thần Vụ dành cho các cư sĩ tại gia và những cư sĩ mộ đạo không biết đọc. Thay vì đọc 150 thánh vịnh, họ sẽ cầu nguyện bằng cách đọc 150 “Kinh Lạy Cha” đếm trên một vòng hạt được gọi là vương miện hoặc “hào quang”. Thế kỷ thứ mười hai, với sự gia tăng lòng sùng kính Đức Mẹ, 150 Kinh Lạy Cha được thay thế bằng 150 Kinh Kính Mừng. 


    Chuỗi Mân Côi với 150 Kinh Kính Mừng ban đầu được thầy Henry Kalkar (1328-1408) dòng Đaminh chia thành mười lăm bài suy niệm về những biến cố trong cuộc đời của Chúa Giêsu và Mẹ Maria, theo sau mỗi suy niệm là 10 Kinh Kính Mừng. Sau này thầy Alanus de Rupe (1428-1478) cũng là tu sỹ Dòng Đaminh đã san định lại các bài suy niệm phù hợp với các giai đoạn trong lịch sử cứu độ thành các mầu nhiệm Vui, Thương và Mừng. Theo thầy Alanus, nguồn gốc của Kinh Mân Côi, lúc đó được gọi là “Thánh thi Đức Trinh Nữ Maria” là do Đức Mẹ đã ban cho cho Thánh Đa Minh. Từ đó, sự thúc đẩy hoạt động tông đồ và phổ biến Kinh Mân Côi được cho là sứ mệnh của Dòng Đa Minh.

     

    Ngày 16 tháng 10 năm 2002, bắt đầu năm thứ 25 Giáo Triều của Ngài, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1978-2005) đã ban hành Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria (Thư Rosarium Virginis Mariae) đã thêm vào mầu nhiệm Ánh Sáng tỏa chiếu qua Chúa Giêsu.

     

    20 Mầu Nhiệm Mân Côi 

     

    Khi lần hạt, ngoài việc đọc và suy ngắm ý nghĩa của từng lời kinh, ta còn có dịp đi sâu vào những mầu nhiệm tình thương và sự thánh thiện của Ba Ngôi Thiên Chúa, cũng như vinh quang của Ðức Trinh Nữ Maria. 

     

    Trước hết, qua Mầu Nhiệm Nhập Thể, ta hân hoan về Ơn Cứu Chuộc đã được ban cho nhân loại qua Ðức Giêsu Kitô. Suy niệm về cuộc hành trình bác ái của Ðức Maria, khi vượt đồi núi Giuđêa đến viếng thăm chị họ Isave. Cảm nghiệm tình thương bao la của Thiên Chúa Nhập Thể qua hình hài con trẻ nằm rét run trong hang bò lừa tại đồng quê Belem. Học hỏi đức khiêm nhường và tuân phục của Ðức Maria và Thánh Giuse khi lên Giêrusalem dâng Ðức Kitô cho Thiên Chúa. Sau đó, vui mừng với Hai Ðấng khi tìm lại được Giêsu sau ba ngày lạc mất. 

     

    Nhưng khi con người bị đau khổ, bị thử thách mới biết tình Chúa thương yêu như thế nào. Mới hiểu tại sao Ðức Kitô lại đau khổ, đổ mồ hôi hòa máu trong vườn Cây Dầu. Tại sao Ngài để người ta đánh đòn, xỉ vả Ngài. Tại sao Ngài cam tâm chịu nhục hình trước mặt bọn người tội lỗi. Tại sao Ngài vác thập giá. Và nhất là tại sao Ngài lại chịu chết treo trên thập giá. 

     

    Suy ngắm những chặng đường đau khổ của Ðức Kitô từ vườn Cây Dầu đến núi Sọ, ta sẽ hiểu thế nào là tình thương yêu của Thiên Chúa. Thế nào là ác quả của tội lỗi. Thế nào là sự cao quí của linh hồn. 

     

    Sau khi cùng chia vui, xẻ sầu với Ðức Kitô qua các ngả đường trần gian, trong ơn gọi và cuộc sống của mình, nhờ suy ngắm, mỗi Kitô hữu sẽ tìm được nguồn vui thiêng liêng khi nghĩ về cuộc phục sinh vinh quang của Ngài. Nhớ về Thiên Ðàng khi nhìn ngắm Ðức Kitô về trời, vì Ngài về trời là để dọn chỗ cho mỗi người chúng ta: “Thầy đi để dọn chỗ cho các con” (Jn 14:2). Ngày Mẹ Maria được Thiên Chúa rước về trời và phong làm Nữ Vương trời đất. 

     

    Chúa Giêsu là “ánh sáng thế gian” (Jn 8:12). Ánh Sáng đã xuất hiện như ngọn đuốc dẫn đàng cho nhân loại tìm về cõi phúc trường sinh giữa đêm trường trần gian mù mịt, khi Ngài xuất hiện lãnh nhận việc thanh tẩy từ tay Gioan Tẩy Giả trên sông Giođan. Khi Ngài tham dự tiệc cưới ở Canna với các môn đệ. Khi Ngài kêu gọi mọi người “xám hối” và “tin vào Tin Mừng”. Khi Ngài hiển lộ sáng láng trên núi Taborê. Và khi Ngài thiết lập bí tích Thánh Thể. 

     

    Tóm lại, 20 Mầu Nhiệm Mân Côi chính là 20 quãng đường của mọi người chúng ta phải đi, phải chấp nhận vì tình mến như Chúa Giêsu, như Mẹ Maria đã đi và đã chấp nhận. Một giờ cầu nguyện đơn sơ nhưng với ý nghĩa cao siêu như thế, không phải là một giờ suy nguyện đẹp lòng Thiên Chúa hay sao? Không phải là một giờ để mình tâm sự và nghe Chúa tâm sự với mình qua những mầu nhiệm đó sao? Vì khi suy ngắm những mầu nhiệm đó, ta sẽ được nghe Thiên Chúa nói với ta về cuộc đời của Ðức Kitô, của Ðức Maria và những gì Ngài muốn ta thực hiện trong đời sống theo gương Hai Ðấng. 

     

    Kinh Mân Côi với các vị giáo hoàng [3]

     

    Từ lâu, Kinh Mân Côi vẫn được cho là kinh đọc của các ông già, bà cả, con nít, hoặc của những giáo hữu không biết suy niệm hoặc cầu nguyện bằng Thánh Kinh. Nhưng đó là những suy nghĩ nông cạn, sai lầm của những đầu óc kiêu ngạo. Để hiểu được giá trị và sự cao trọng của Kinh Mân Côi, sau đây là những gì mà 11 vị Giáo Hoàng đã nói về kinh này trả qua lịch sử của Giáo Hội: 

     

    1-Đức Giáo Hoàng Lêô XIII (1878- 1903) qua các Thông điệp của Ngài: [4]


    “Kinh Mân Côi là hình thức cầu nguyện tuyệt vời nhất. Nó là phương thuốc cho mọi tệ nạn của chúng ta, là gốc rễ của mọi phước lành. Không có cách cầu nguyện nào tuyệt vời hơn.”

     
    “Cha tha thiết khuyến khích tất cả các Kitô hữu hiến thân cho việc đọc lại Kinh Mân Côi cách sùng kính đạo hạnh một cách công khai, hoặc riêng tư trong nhà riêng và gia đình của họ, và điều đó không ngừng.” 


    2-Thánh Giáo Hoàng Piô X (1903-1914):


    “Kinh Mân Côi là kinh đẹp nhất và phong phú nhất trong tất cả những lời cầu nguyện chuyển đến Đấng Trung Gian của mọi ân sủng; Đó là lời cầu nguyện hầu như chạm đến toàn bộ trái tim của Mẹ Thiên Chúa. Hãy đọc kinh đó mỗi ngày!”

     
    “Giữa tất cả các lời cầu nguyện, Kinh Mân Côi là kinh đẹp nhất, giàu ơn sủng nhất, và là kinh làm đẹp lòng Đức Trinh Nữ Nhất.”

     
    3-Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XV (1914-1922):


    “Lời cầu nguyện của Kinh Mân Côi là hoàn hảo, vì những lời ngợi khen mà nó mang lại, những bài học mà nó dạy, những ân sủng mà nó có được và những chiến thắng mà nó đạt được.”

    “Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện “thích hợp nhất để nuôi dưỡng lòng đạo đức rộng rãi và mọi nhân đức.” 


    “Các Giáo Hoàng La Mã đã không bỏ qua một dịp nào để tuyên dương Kinh Mân Côi và đã làm phong phú nó bằng các Tông huấn.” 


    4-Đức Giáo Hoàng Piô XI (1922-1939):


    “Một vũ khí mạnh mẽ để xua đuổi ma quỷ.” 


    “… Cha khuyên họ, theo gương của chính chúng tôi, đừng để một ngày nào đó trôi qua mà không lần chuỗi Mân Côi, cho dù họ có thể phải chịu gánh chăm lo và lao động nặng nề như thế nào.” 

     
    “Các bậc làm cha, làm mẹ trong các gia đình đặc biệt phải nêu gương cho con cái của họ, nhất là vào lúc hoàng hôn, tụ tập sau ngày làm việc, giữa các bức tường trong nhà và quì gối đọc kinh Mân Côi, cúi mình xuống trước ảnh Đức Trinh Nữ”.

     
    5-Đức Giáo Hoàng Piô XII (1939-1958):

     

    Kinh Mân Côi là “một bản tóm tắt của toàn bộ Tin Mừng” (AAS 38 [1946] trang 419). Kinh Mân Côi rút ra các mầu nhiệm từ Tân Ước và tập trung vào các sự kiện trọng đại của Sự Nhập Thể và Cứu Chuộc

     

    “Chúng tôi không ngần ngại khẳng định công khai rằng chúng tôi đặt niềm tin rất lớn vào Kinh Mân Côi để chữa lành những tệ nạn của thời đại chúng ta.”


    “Hỡi các anh em đáng kính, những nỗ lực của anh chị em nên được hướng dẫn để hiểu được phẩm giá, quyền năng và sự tuyệt hảo của Kinh Mân Côi.”


    “Không có phương tiện nào chắc chắn hơn để xin phúc lành của Thiên Chúa trên gia đình ... hơn việc đọc Kinh Mân Côi hàng ngày.”


    “Ngôi nhà của gia đình Kitô hữu, giống như ở Nazareth, sẽ trở thành một nơi thánh thiện ở trần gian, và có thể nói, một ngôi đền thờ linh thánh, nơi mà Kinh Mân Côi sẽ không chỉ là lời cầu nguyện đặc biệt dâng lên trời cao mỗi ngày trong một hương thơm dịu ngọt, nhưng cũng sẽ hình thành một trường học hữu hiệu nhất về kỷ cương và nhân đức Kitô giáo”. (Thông điệp Ingruentium Malorum về việc đọc kinh Mân Côi [15/09/51])

    6-Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII (1958-1963):


    “Kinh Mân Côi là vinh quang của Giáo hội Rôma .... Có vị trí của riêng mình ... sau Thánh lễ và các Bí tích.”


    “Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện tuyệt vời và phổ quát cho nhu cầu của Giáo hội, các quốc gia và toàn thế giới.”

       
    7-Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI (1963-1978) :  


    Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã dành phần cuối cùng trong Tông Huấn Marialis Cultus (Lòng sùng kính Đức Mẹ) của ngài nói về Kinh Mân Côi. Trong đó Ngài viết:

     

    “Kinh Mân Côi vẫn giữ được giá trị không thay đổi và sự tươi mới nguyên vẹn.” 

    “Nếu tệ nạn gia tăng, lòng sùng kính của Dân Chúa cũng phải tăng lên. ... Hãy sốt sắng cầu nguyện với Mẹ Maria, người mẹ nhân từ nhất của chúng ta bằng cách lần chuỗi Mân Côi trong suốt tháng Mười, như chúng tôi đã chỉ ra. Lời cầu nguyện này rất phù hợp với lòng sùng kính của Dân Chúa, đẹp lòng Mẹ Thiên Chúa nhất và hữu hiệu nhất trong việc được hưởng phúc thiên đàng”.


    “Không còn nghi ngờ gì nữa, sau khi cử hành các Giờ Kinh Phụng Vụ, đỉnh cao mà lời cầu nguyện gia đình có thể đạt tới, thì Kinh Mân Côi nên được coi là một trong những lời cầu nguyện chung tốt nhất và hữu hiệu nhất mà gia đình Kitô hữu được mời đọc”. (Christi Matri,Thông điệp về lời cầu nguyện cho hòa bình trong tháng 10 (15/09/66) và Tông huấn Marialis Cultus (02/02/74).

     
    8-Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô I (26/8-28/9/1978):


    “Kinh Mân Côi là một lời cầu nguyện nghèo nàn ư? Vậy thì một 'lời cầu nguyện phong phú' sẽ như thế nào? Kinh Mân Côi là một cuộc rước các Kinh lạy Cha, lời cầu nguyện do Chúa Giêsu dạy; cuộc rước các Kinh Kính Mừng, lời chào của Thiên Chúa đối với Đức Trinh nữ qua lời chào của Thiên thần; cuộc rước các Kinh Sáng Danh, sự ngợi khen Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh”.


    “Sự khủng hoảng của Kinh Mân Côi không đến trước. Điều đầu tiên xảy ra là sự khủng hoảng trong việc cầu nguyện nói chung ngày nay. Mọi người đều bị xâm chiếm bởi lợi ích vật chất; họ ít nghĩ về linh hồn ... Đối với đời sống nội tâm, và về ... tình cảm dịu dàng với Thiên Chúa, ... quá mệt mỏi khi tìm được vài phút giây. Thật đáng tiếc!"
     
    9-Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1978-2005):

     

    “Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện yêu thích, trong đó chúng ta cùng với Đức Maria suy niệm về những mầu nhiệm mà Mẹ, với tư cách là một người mẹ, đã suy niệm trong lòng, “Còn Maria thì bà giữ kỹ mọi điều ấy và hằng suy đi nghĩ lại trong lòng” (Luca. 2:19) (Osservatore Romano, 44; 30 tháng 10 năm 1979).


    “Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện yêu thích của cha.” 

     
    “Hãy đọc kinh Mân Côi mỗi ngày. Tôi tha thiết kêu gọi các Mục tử hãy lần hạt Mân Côi và dạy những người trong cộng đồng Kitô giáo của họ cách cầu nguyện này”.

    “Gia đình đọc Kinh Mân Côi mỗi tối thật đẹp biết bao”.

     
    10-Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI (2005-2013):


    Kinh Mân Côi là “lời cầu nguyện của người Kitô hữu tiến bước trong cuộc hành hương đức tin, theo sau Chúa Giêsu, trước Mẹ Maria”.

     
    “Chuỗi Mân Côi là một phương tiện được Đức Trinh Nữ ban cho để chiêm ngưỡng Chúa Giêsu và suy gẫm về cuộc đời của Người, để luôn yêu mến và theo Người một cách trung thành hơn”.


    “Các bạn trẻ thân mến, cha mời gọi các bạn đánh giá cao lời cầu nguyện truyền thống về Đức Mẹ, lời kinh này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những khoảnh khắc trọng tâm của sự cứu rỗi mà Chúa Kitô đã thực hiện.”


    “… Những người bệnh thân mến, cha khuyên các con nên tin tưởng vào Đức Trinh Nữ, qua việc thực thi lòng đạo đức này, giao phó mọi nhu cầu của bạn cho Mẹ”.


    Đức Bênêđíctô XVI mời gọi các cặp vợ chồng mới cưới “hãy làm cho việc đọc kinh Mân Côi trong gia đình trở thành một khoảnh khắc tăng trưởng thiêng liêng dưới cái nhìn mẫu tử của Đức Trinh Nữ Maria”.


    11-Đức Giáo Hoàng Phanxicô
    (13 March 2013- ?):

     

    “Nhưng để trở thành tông đồ của Kinh Mân Côi, người ta phải tự mình cảm nghiệm vẻ đẹp và chiều sâu của lời cầu nguyện này, là lời cầu nguyện đơn giản và dễ tiếp cận đối với tất cả mọi người. Trên hết, chúng ta cần được bàn tay của Đức Trinh Nữ Maria dẫn dắt để chiêm ngưỡng dung nhan của Chúa Kitô: một khuôn mặt vui tươi, sáng láng, sầu muộn và vinh quang. Người nào, giống như Đức Maria và cùng với Mẹ, cố gắng gìn giữ và suy gẫm về các mầu nhiệm của Chúa Giêsu, ngày càng đồng hóa các cảm xúc của mình và trở nên phù hợp với Người. Về vấn đề này, tôi muốn trích dẫn một suy niệm tuyệt đẹp của Chân phước Bartolo Longo: “Tương tự như vậy, hai người bạn thường gặp nhau thì rồi ra cũng trở nên giống nhau trong cách sống, cũng giống như vậy khi nói chuyện thân tình với Chúa Giêsu và với Đức Trinh Nữ, qua việc suy niệm về các Mầu nhiệm Kinh Mân Côi, (thực hành Mười lăm ngày Thứ Bảy cầu nguyện với Kinh Mân Côi, ấn bản 27, Pompeii, 1916, tr. 27: trích dẫn trong Rosarium Virginis Mariae, n. 15)”.
     
    Kinh Mân Côi là một trường học của chiêm niệm và thinh lặng. Thoạt nhìn, nó có vẻ giống như một lời cầu nguyện đầy ắp những lời nói, và do đó khó hòa hợp với sự im lặng vốn được khuyến khích chính xác cho việc tĩnh tâm và chiêm niệm. Trong thực tế, sự lặp lại nhịp nhàng này của Kinh Kính Mừng Ave Maria không làm xáo trộn sự tĩnh lặng bên trong mà trái lại đòi hỏi và nuôi dưỡng nó. Cũng giống như cách đối với Thánh Vịnh, khi người ta cầu nguyện các Giờ kinh Phụng vụ, sự im lặng xuất hiện qua các từ và các câu, không phải như một khoảng trống, nhưng như một sự hiện diện của ý nghĩa tối thượng vượt qua chính lời nói và tiếng nói. Vì vậy, bằng cách đọc kinh Kính Mừng Ave Maria, chúng ta phải cẩn thận để tiếng nói của mình không “che lấp” tiếng nói của Thiên Chúa, Đấng luôn luôn nói qua sự im lặng, như “tiếng gió nhẹ” (I Các Vua 19:12). Vậy thì việc quan tâm đến sự im lặng tràn đầy Thiên Chúa này quan trọng biết bao, cả trong việc đọc kinh cá nhân và cộng đồng! Ngay cả khi nó được các cộng đoàn đông đảo cầu nguyện, như ngày nay, và như bạn làm hàng ngày trong Thánh địa này, cần phải coi kinh Mân Côi như một lời cầu nguyện chiêm niệm, và điều này không thể xảy ra nếu không có im lặng nội tâm.

     
    Cha muốn bổ túc thêm một suy tư khác, liên quan đến Lời Chúa trong kinh Mân Côi, đặc biệt đúng vào thời điểm này khi Thượng Hội Đồng Giám Mục đang diễn ra tại Vatican với chủ đề: “Lời Chúa trong đời sống và trong sứ mệnh của Giáo Hội”. Nếu việc chiêm niệm của người Kitô hữu không thể thực hiện được mà không có Lời Chúa, thì Kinh Mân Côi, để trở thành lời cầu nguyện chiêm niệm, luôn phải phát sinh từ sự thinh lặng của trái tim như một lời đáp lại Lời, theo khuôn mẫu lời cầu nguyện của Mẹ Maria. Khi xem xét kỹ hơn, chuỗi mân côi được dệt hoàn toàn bằng các yếu tố lấy từ Kinh thánh. Trước hết, có sự thông báo về các mầu nhiệm, tốt hơn là được thực hiện như ngày nay, bằng những từ được trích từ Kinh thánh. Làm theo Cha của chúng ta: bằng cách cho lời cầu nguyện theo hướng “thẳng đứng”, nó mở tâm trí của người đọc Kinh Mân Côi để họ có thái độ hiếu thảo đúng đắn, theo lời mời gọi của Chúa: “Khi anh em cầu nguyện, hãy nói: Lạy Cha ...” (Luca 11, 2). Phần đầu tiên của Kinh Kính Mừng Ave Maria , cũng trích từ Phúc Âm, mỗi lần như vậy khiến chúng ta phải lắng nghe lại những lời Thiên Chúa đã nói với Đức Trinh Nữ qua Thiên thần, và những lời chúc phúc cho Mẹ từ người chị họ Isave. Phần thứ hai của Kinh Kính Mừng Ave Maria vang vọng như một lời đáp từ những người con, những người đang khẩn cầu Mẹ, không làm gì khác hơn là bày tỏ sự gắn bó của họ với kế hoạch cứu độ được Đức Chúa Trời bày tỏ. Vì vậy, tư tưởng về người cầu nguyện luôn được neo chặt trong Kinh thánh và trong những mầu nhiệm được trình bày trong đó.” (Diễn từ về Kinh Mân Côi tại đền thờ Pompei, Chúa nhật ngày 19 tháng 10 năm 2008).

     

    Kinh Mân Côi và các thánh

     

    Thánh Bênađô, vị thánh thời danh của Ðức Mẹ có thói quen dùng lời chào của Tổng Thần Gabrien để chào mừng Ðức Mẹ. Mỗi lần khi đi qua tượng ảnh Mẹ tại tu viện, Bênađô cúi đầu và nói: “Ave Maria” - kính chào Maria. Cảm khích về lời chào và tấm lòng yêu mến đó, một hôm sau khi Bênađô vừa chào mừng Ðức Mẹ, liền được nghe Ðức Mẹ chào lại: “Ave Benado” - chào Bênađô. Vì lòng sốt sắng mến yêu luôn thôi thúc trong lòng thánh nhân, ngài được cho là đã thêm vào cuối kinh Lạy Nữ Vương những lời này: “Ôi khoan thay! nhân thay! dịu thay! Thánh Maria trọn đời đồng trinh”. 

     

    Thánh Anphongsô Giám Mục Tiến Sĩ, sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế đã viết nhiều về Ðức Mẹ, đặc biệt là bộ sách Vinh Quang Ðức Mẹ, trong đó thánh nhân đã diễn tả cách rất đầy đủ về những vinh quang qua 12 nhân đức của Ðức Mẹ. 

     

    Thánh Ludovico Maria Grignon a Monfort đã hô hào lòng sùng kính và tận hiến cho Ðức Mẹ.

     

    Thánh Ðaminh, người tiên phong cổ võ việc lần hạt Mân Côi. Nhờ Ngài sốt sắng rao truyền việc lần hạt, đã chiến thắng được lạc giáo Albigense tung hoành và gieo rắc bao tai họa cho Giáo Hội tại nước Pháp thời của Ngài. 

     

    Trong khi rao giảng phép lần hạt Mân Côi tại tỉnh Carcasso, một hôm có một người đã đả kích Thánh Ðaminh về việc đạo đức này. Anh ta đã bị quỉ nhập, và Thánh Ðaminh đã cầu nguyện để trừ quỉ ra khỏi người anh. Trước khi ra khỏi, chính quỉ dữ đã phải thú nhận và thốt lên những lời này: 

     

     “Hỡi mọi người, hãy nghe đây: Ðức Trinh Nữ Maria rất thánh là Mẹ Thiên Chúa. Người có đủ quyền năng gìn giữ mọi người khỏi lửa hỏa ngục. Ai có lòng sùng kính Người, sẽ thoát khỏi tay chúng ta. Nếu chẳng có Người, thì nhiều linh hồn đã phải trầm luân hỏa ngục. Người yêu thương và phù hộ cho những ai siêng năng lần hạt Mân Côi”. 

     

    Nhờ sự hô hào và lòng sốt sắng đối với Kinh Mân Côi của Thánh Giáo Hoàng Piô V, Giáo Hội dưới triều đại Ngài đã chiến thắng đạo quân Hồi Giáo tại vịnh Lépante. 

     

    Chân phúc Bartolo Longo, tông đồ của Kinh Mân Côi, vẫn thường xin Mẹ là Nữ Vương Mân Côi:


    “Hỡi chuỗi Mân Côi đầy ơn phúc của Mẹ Maria, sợi dây ngọt ngào liên kết chúng con với Thiên Chúa, sợi dây tình yêu liên kết chúng con với các thiên thần, là tháp cứu độ chống lại sự tấn công của Địa ngục, bến cảng an toàn cho thế giới đắm chìm của chúng con, chúng con sẽ không bao giờ lìa xa Mẹ. Mẹ là niềm an ủi của chúng con trong giờ chết, là nụ hôn cuối cùng của chúng con khi cuộc đời sắp tàn. Và lời cuối cùng từ đôi môi của chúng con sẽ là tên ngọt ngào của Mẹ, hỡi Nữ Vương Mân Côi, hỡi người mẹ thân yêu nhất, hỡi nơi ẩn náu của những kẻ tội lỗi, hỡi Đấng bảo trợ tối cao cho những người bị đau khổ. Chúng con nguyện ước Mẹ được ngợi ca ở khắp mọi nơi, hôm nay và luôn mãi, dưới đất cũng như trên trời.”

     

    Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã làm gương về lòng yêu mến Ðức Mẹ qua việc lần hạt Mân Côi. Ngài luôn luôn có tràng hạt trong người. Lần hạt riêng và lần hạt chung với con cái bốn phương. Lòng sùng mộ và yêu mến Mẹ Maria đã thôi thúc Ngài chạy lại bên Mẹ như một trẻ thơ. “Totus tuus”.

     

    Ngày 13 tháng 5 năm 1981, Ngài đã được cứu thoát một cách nhiệm mầu khi bị ám sát tại quảng trường Thánh Phêrô. Ngài thâm tín rằng trong biến cố đó, mạng sống Ngài được duy trì là do bàn tay của Ðức Mẹ. Và Ngài đã bày tỏ lòng biết ơn Ðức Mẹ bằng cuộc hành hương Fatima một năm sau, vào ngày 13 tháng 5 năm 1982. Trên mũ triều thiên của Ðức Mẹ Fatima, giữa những viên kim cương lóng lánh, là một đầu đạn mà kẻ ám sát đã bắn vào vị Giáo Hoàng, như dấu chứng hùng hồn về sự săn sóc và yêu thương đặc biệt của Ðức Mẹ dành cho Ngài. Ta hãy nghe lời của Ngài trong Tông Huấn Sứ Ðiệp Mục Vụ Các Gia Ðình:  “Cha mời gọi tất cả hãy lần hạt Mân Côi, đường lối thiết yếu nuôi dưỡng sự tăng trưởng thiêng liêng cho cá nhân và sự thông hiệp yêu thương cho gia đình” (tr.28). 

     

    Ngày 16 tháng 10 năm 2002, bắt đầu năm thứ 25 Giáo Triều của Ngài, Ngài đã ban hành Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria (Thư Rosarium Virginis Mariae) đã thêm vào mầu nhiệm Ánh Sáng tỏa chiếu qua Chúa Giêsu. Tông Thư là một tài liệu rất đặc biệt hô hào mọi người hãy yêu mến và sốt sắng lần hạt Mân Côi. Ngay trong phần nhập đề, Ngài đã viết: 

     

    “Kinh Mân Côi của Trinh Nữ Maria, một kinh đã từ từ thành hình trong thiên niên kỷ thứ hai theo sự hướng dẫn của Thần Linh Thiên Chúa, là một kinh được rất nhiều vị thánh mến chuộng cũng như được Giáo Quyền khuyến khích. Tuy đơn giản, nhưng sâu xa, kinh nguyện này vào đầu thiên niên kỷ thứ ba đây, vẫn là một kinh nguyện có tầm vóc quan trọng trong việc mang lại một mùa gặt thánh đức”. 

     

    Cũng trong phần mở đầu của Tông Thư, Ngài viết tiếp: 

     

     “Mặc dù rõ ràng mang đặc tính Thánh Mẫu, Kinh Mân Côi tự bản chất là một kinh nguyện có trọng tâm là Chúa Kitô. Qua những yếu tố bình dị của nó, Kinh Mân Côi chất chứa tất cả những gì sâu xa của toàn thể sứ điệp Phúc Âm. Có thể nói rằng Kinh Mân Côi là một tổng hợp của Phúc Âm”. 

     

    Kinh Nhật Tụng người Kitô hữu

     

    Như các linh mục và các thầy phó tế đã lãnh chức thánh, như các tu sĩ thuộc các dòng tu, thường ngày đọc kinh Nhật Tụng để đại diện cho Giáo Hội dâng lời ca ngợi Thiên Chúa, người tín hữu giáo dân mỗi ngày cũng dùng lời kinh nguyện của mình ca tụng Thiên Chúa. Kinh nguyện đó là Kinh Mân Côi. Là Lectio Divina của các Kitô hữu.

     

    Trong tinh thần kinh nguyện, Kinh Mân Côi trở thành Kinh Nhật Tụng của người tín hữu. Trong bộ kinh này, ta có dịp đọc lên những lời chúc tụng thánh danh Thiên Chúa, cầu xin một cách đẹp lòng Ngài trong Kinh Lạy Cha - kinh nguyện duy nhất mà Chúa Cứu Thế đã dậy khi còn tại thế. Chúc tụng Mẹ Maria thánh đức bằng những lời Tổng Thần Gabrien, Thiên sứ của Thiên Chúa đã chào mừng Ðức Mẹ. Những lời ngợi khen của Thánh Isave, và lời cầu xin của ta dâng lên Mẹ với ý thức về sự yếu hèn của chính mình. Sau cùng là lời ca ngợi vinh quang Ba Ngôi Thiên Chúa từ muôn thuở và cho đến muôn đời. 

     

    Tóm lại, khi suy nguyện chuỗi Mân Côi với ý nghĩa của Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, và Kinh Sáng Danh, ta không thể không cảm thấy ngợp trời ánh sáng, vinh quang và vui mừng vì được chúc tụng Thiên Chúa chí tôn, đầy tình thương. Ca ngợi Mẹ Maria, người Mẹ diễm phúc, luôn thương xót và cầu bầu cho chúng ta. Trên tất cả, tình thương và phúc lộc đó qui về vinh quang một Thiên Chúa là Cha, và cho phần rỗi của con cái Ngài. 

     

    Một kinh nguyện như thế, chắc chắn không còn bộ kinh nào đẹp đẽ hơn, xứng đáng hơn để ta dâng lên Thiên Chúa. Do đó, Kinh Mân Côi được coi là nhật tụng thần lương (Lectio Divina) của mọi Kitô hữu. Những tâm hồn đạo đức, những thánh nhân kim cổ trong lịch sử Giáo Hội đều có lòng yêu mến Ðức Mẹ, hoặc sùng mộ những Mầu Nhiệm ẩn chứa trong việc lần hạt Mân Côi.

     

    Cũng như Thánh trẻ Phanxicô, nếu ta muốn đạt tới đích của đời sống, muốn chiếm hữu được vĩnh cửu, thì chắc chắn phải siêng năng lần hạt. Lần hạt mỗi ngày. Lần hạt một mình. Lần hạt chung với nhau trong gia đình. Khi một mình trên xe bus. Một mình trên xe từ nhà tới sở, và từ sở về nhà. Lúc rảnh rỗi hay trên giường bệnh. Khi gặp những thử thách, đau khổ mà không biết than thở với ai. Nhờ suy ngắm những mầu nhiệm Mân Côi, ta sẽ biết hy sinh, khiêm nhường, nhẫn nại như Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Ta sẽ hiểu Thiên Chúa muốn mình sống như thế nào. 

     

     “Hãy cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ” (Mt 26:41). Lời Ðức Kitô nói xưa không có luật trừ cho bất cứ ai. Nó không phải là một lời có tính cách cảnh giác hay đề phòng, nhưng là một mệnh lệnh, một điều kiện. Lời Ngài là lời hằng sống, như thánh Phêrô đã tuyên xưng: “Chúa có lời ban sự sống đời đời” (Jn 6:69). Lời đó nhắc nhở ta phải luôn tỉnh thức cầu nguyện. 

     

    Ðời sống của con người trên dương thế không phải là một chuỗi ngày dài hạnh phúc, vui tươi, phấn khởi và thơ mộng như những giấc mơ thần tiên được thêu dệt do trí tưởng tượng trong các tiểu thuyết. Những câu chuyện như thế chỉ có tác dụng làm quên đi thực tế của cuộc đời, hơn là giúp ta biết chấp nhận, thánh hóa, và thăng tiến cuộc đời như Ðức Kitô, như Mẹ Maria, như các thánh nhân đã sống, và đã thánh hóa. 

     

    Nếu được trình bày một cách trung thực, đời người phải là một tập hợp giữa vui và buồn, giữa hạnh phúc và bất hạnh, giữa yêu thương và ghen ghét, giữa bạn hữu và thù nghịch, giữa lương thiện và gian ác. Một cuộc sống mà không ai có thể nói mình hoàn toàn hạnh phúc, hoặc hoàn toàn bất hạnh. Một cuộc sống mà trong đó mọi người phải phấn đấu, chấp nhận, và vươn cao giữa những thử thách, những cám dỗ, và yếu đuối. Trong cuộc sống này, người Kitô hữu không thể không tìm gặp Thiên Chúa, không thể không cậy trông Ngài, và không thể không xin Ngài nâng đỡ. Bằng cách nào? Bằng việc sốt sắng suy ngắm và sống các mầu nhiệm Mân Côi. 

     

    Theo Ðức Giáo Hoàng Piô XII, thì Kinh Mân Côi là một bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng. Nhờ suy ngắm những mầu nhiệm này, Ðức Tin của người Kitô hữu “được nẩy nở thêm” như Ðức Giáo Hoàng Piô XI đã đề cập trong Thông Ðiệp In Crescentibus Malis (Trước Sự Dữ Gia Tăng), và Thánh Hoàng Phaolô VI nhắc lại trong Thông Ðiệp Hòa Bình, ban hành ngày 15 tháng 9 năm 1966. 

     

    Lần hạt đối với Phanxicô là con đường dẫn lên cõi phúc. Ðối với ta cũng thế, lần hạt sẽ giúp hiểu hơn về Ðức Trinh Nữ Maria, và yêu mến Mẹ hơn. Nhờ tình mến này, Mẹ đưa ta tiến gần tới Chúa Giêsu Con Chí Thánh của Mẹ. 

     

    Lần hạt Mân Côi, theo linh mục Joanquim Maria Alonso, CMS, nhà biên khảo thời danh về biến cố Fatima, còn là việc chu toàn một trong ba điều kiện của Ðức Mẹ, đó là: Cải thiện đời sống, tôn sùng Trái Tim Mẹ, và siêng năng lần hạt. 

     

    Linh mục Alonso còn quả quyết rằng Thánh Ý Thiên Chúa muốn dùng Ðức Trinh Nữ Maria để tỏ lòng khoan nhân và công trình Cứu Chuộc vô giá của Ðức Kitô cho nhân loại.

     

    Việc cứu rỗi nhân loại dĩ nhiên thuộc về Ðức Kitô, nhưng do lòng nhân lành vô biên của Ngài, Thiên Chúa muốn ban cho Mẹ Maria quyền ban phát ơn đó cho nhân loại. Giáo huấn của Giáo Hội về vai trò trung gian của Ðức Trinh Nữ Maria, đã được Ðức Giáo Hoàng Lêo XIII quảng diễn trong Thông Ðiệp Jucunda Semper ban hành ngày 8 tháng 9 năm 1894 như sau: 

     

     “Thiên Chúa, theo sự quan phòng rất nhân lành của Ngài đã ban cho nhân loại vị Nữ Trung Gian này, và đã ấn định rằng tất cả mọi phúc lộc phải qua tay Maria mới đến với chúng ta”. 

     

     

    ______________

     

    Tài liệu: 

     

    [1] Trần Mỹ Duyệt. “Sống Đạo Giữa Đời”, Tủ Sách Vào Đời, 2004. Chương 10, tr.119-129.   

     

    [2] Phêrô Phạm Văn Trung. Kinh Mân Côi và Các Đức Giáo Hoàng. Tin Vui.org. Thứ tư - 07/10/2020.   

    Tham khảo từ:

    https://udayton.edu/imri/mary/o/october-month-of-the-rosary.php
    http://www.vatican.va/content/benedict-xvi/fr/speeches/2008/october/documents/
     

    [3] ibid

     

    [4] Mười một thông điệp của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII về Kinh Mân Côi:
    Supremi Apostolatus Officio , Thông điệp về việc tôn sùng Kinh Mân Côi (09/01/1883)
    Superiore Anno , Thông điệp về việc đọc kinh Mân Côi (30/08/1884)
    Viè En Ben Noto , Thông điệp về Kinh Mân Côi và Đời sống Công cộng (20/09/1887)
    Octobri Mense , Thông điệp về Kinh Mân Côi (22/09/1891)
    Magnae Dei Matris , Thông điệp về Kinh Mân Côi (09/08/1892)
    Laetitiae, Thông điệp Khen ngợi lòng sùng kính Kinh Mân Côi (09/08/1893)
    Iucunda Semper Expectatione , Thông điệp về Kinh Mân Côi (09/08/1894)
    Aduitricem , Thông điệp về Kinh Mân Côi (09/05/1895)
    Fidentem Piumque Animum , Thông điệp về Kinh Mân Côi (20/09/1896)
    Augustissimae Virginis Mariae , Thông điệp về sự vĩnh cửu của Đức Mẹ Mân Côi (09/12/1897)
    Diuturni Temporis, Thông điệp về Kinh Mân Côi (09/05/1898)

     

     

     

NHỮNG BÀI VỀ ĐỨC MẸ - ĐẠO BINH ĐỨC MẸ

NHỮNG BÀI VỀ ĐỨC MẸ - LEO NÚI

CON CHỊU KHỔ ĐỂ ĐỨC MẸ CẢI HÓA BỐ MẸ
Tạp Chí "Hang Lộ Đức", phát hành ngày 27/11/1960, đăng tải câu chuyện cảm động sau đây:
Một em bé 12 tuổi, ghẻ lở, ung nhọt đầy mình, nằm điều trị tại một bệnh viện miền Nam nước Pháp. Bệnh tình của em thật là thảm thương, trầm trọng. Tuy nhiên, em rất bình thản, tươi vui, niềm nở với mọi người tới lui chăm sóc, phục vụ em. Không ai nghe em nói một lời phàn nàn, ta thán. Thỉnh thoảng em chỉ gióng lên: "Ước chi tôi được đến Lộ Đức lấy một lần!"
Làm sao thực hiện giấc mộng? Em thì ghẻ lở, đau yếu, mẹ em một mình không đủ phương tiện. Tất cả định đoạt, phương tiện, nằm gọn trong tay ba em. Mà ba em lại là một tay "vô thần" khét tiếng. Ông phản đối ý định của vợ con. ông cho việc hành hương, phép lạ Lộ Đức v.v...là những chuyện dị đoan, mê tín, xằng xịt, lỗi thời...
Cả vợ lẫn con chỉ biết nhìn nhau, nín lặng... ít lâu sau, trước cảnh ốm yếu, đau đớn của đứa con, ông đột ngột đổi ý. Bằng lòng cho vợ con hành hương Lộ Đức, nhưng không quên căn dặn bà vợ: không được kể cho con những chuyện xằng xịt, mê tín về Lộ Đức...
Hai mẹ con lên đường. Tới Lộ Đức, cả hai mẹ con được một cô y tá niềm nở tiếp nhận và lo chu đáo mọi thủ tục .
Ở Lộ Đức được ba ngày, bà mẹ thổ lộ với cô y tá:
- Thưa cô tôi có đạo nhưng đã 25 năm nay chưa xưng tội. Xin phép hỏi cô : nếu bây giờ tôi xưng tội, sửa mình, cô có tin Chúa sẽ cho con tôi được lành mạnh không?
- Điều đó, chẳng ai dám quả quyết với bà, tuy nhiên, tôi xác tín một điều: mọi việc lành và thiện chí, dù nhỏ mọn tới đâu, sẽ thấu tới trời và, bằng cách này hay cách khác, sẽ được Chúa chấp nhận và báo đáp rộng rãi cách thiết thực nhất cho phần rỗi chúng ta...
Suốt ngày hôm đó, bà mẹ có vẻ đăm chiêu, suy nghĩ… Bà chuẩn bị chu đáo, cáo mình, rồi dự lễ, rước lễ. Sau các việc đó bà thấy trong mình hân hoan, phấn khởi, bừng lên thêm lòng tin và sức sống mới mẻ... Bà nói với cô y tá: "Các việc tôi mới làm, xin cô chớ cho thằng nhỏ biết. Rất nguy hiểm. Bác sĩ cho biết: tất cả mọi giao động, dù nhỏ bé, sẽ gây hậu quả tai hại cho thằng nhỏ, có thể khiến nó đứt hơi, chết tức khắc". Cô y tá đồng ý. Hứa tuyệt đối im lặng...
Sau 5 ngày ở Lộ Đức, mẹ con lại dắt nhau trở lui. Trong lúc giã từ, cô y tá hỏi em nhỏ:
- Em à, cuộc hành hương Lộ Đức và mấy ngày ở đây, em hài lòng chứ?
- Thưa cô, em bé bật lên khóc, nói trong nức nở: "Em đến đây... em khấn cầu Đức Mẹ, không phải cho em được lành mạnh, nhưng là cho ba má em trở lại đàng chính..." Nói chưa xong, em lại òa lên khóc.
Cô y tá nói vài lời trấn an. Bỏ đi. Hứa sẽ trở lại sau vài phút. Cô chạy tìm bác sĩ. Hỏi ông: Cô được phép tiết lộ cho em bé những việc mẹ em đã làm chăng? Khi được phép, cô trở lại. Nói với em nhỏ:
- Em à, chị có một điều bí mật muốn nói với em. Em hứa giữ kín không?
- Dạ, em hứa.
- Cả với má em, em cũng không được nói. Hứa không?
Em bé ngần ngại, lưỡng lự, nhưng rồi đáp:
- Dạ, em hứa.
- Em à, chị đưa tin vui cho em: đã 2 hôm nay, mẹ em là con người mới. Mẹ em đã xưng tội, dự lễ, rước lễ sốt sắng đàng hoàng lắm. Cả mặt mũi và con người bà phản chiếu niềm hân hoan dào dạt.
Cô y tá vừa nói vừa hồi hộp như muốn đứt hơi, chỉ sợ em bé sẽ bị giao động mạnh, có thể ngất luôn... Vừa nghe tin, em bé mặt mày hân hoan, rạng rỡ.
Sau vài phút đăm chiêu, em chắp hai tay trên ngực, nói nhỏ:
- Cô ơi từ lúc này, em có thể an tâm từ giã cuộc đời. Em đã được toại nguyện. Em muốn mau được trở lại nhà. Em muốn được chết trong tay ba má em.
Em được trả lại bệnh viện cũ, nơi em nằm điều trị trước. Nhưng em khẩn khoản xin được về nhà, được chết trong tay ba má em.
Về nhà được 2 ngày. Sang đêm thứ ba, bệnh viện nhận điện thoại đưa tin em đã tắt thở.
Sáng hôm sau, cô y tá từ bệnh viện đến phân ưu và nhìn em bé lần chót. Em nằm chết trên giương mà như đang ngủ. Mặt mày tươi tỉnh. Cả con người phảng phất một vẻ siêu thoát, huyền diệu...
Bà mẹ em cũng tỏ ra can đảm, chí khí khác thường. Không khóc lóc, tỉ tê. Bà nói với cô y tá:
- Cô ơi quá nửa đêm, thằng nhỏ tắt thở. Coi nó như một ông thiên thần. Sau 5 phút, nhà tôi nhẹ nhàng mò đến sau tôi, thì thầm trong nước mắt: "Anh muốn nhìn con lần chót". Một việc lạ thường, ít khi ông làm...
Rồi, như tập trung tất cả nghị lực, ông ngập ngừng một lát, rồi nói nhỏ, nhưng rất rõ ràng, vào tai tôi: "Mai sớm, em phải kiếm cho anh một linh mục. Anh muốn sửa lại cuộc đời...".
Nhớ ơn Mẹ tập 1,
Lm Trương Văn Thục, OSB
NS Trái Tim Đức Mẹ, 1994