20. Những Bài Về Đức Mẹ

Tháng 5 Mưa Hồng Ân

Sáng nay ngoài trời mưa lấm tấm, đủ làm ướt những phố xá còn đang ngái ngủ, như chúng chưa buồn thức dậy. Mọi cảnh vật cũng vẫn cứ u buồn trong một mầu xám nhạt nhòa, giống như đang khóc vậy!? Nhưng không phải đâu thưa anh chị em, tháng 5 tháng Đức Mẹ đang về đầu ngõ rồi đó! Hình như Mẹ Maria hiền mẫu của chúng ta đang tưới gội cho mảnh đất thân yêu của Mẹ những hạt mưa Ân Thánh đầy tràn Phúc Đức của Mẹ đấy chăng!? Mẹ tưới gội cho mảnh đất thêm mầu mỡ. Mẹ tưới gội cho những mảnh đất trồng những hoa mầu thêm đậm đà, thêm đậm sắc, và bát ngát hương thơm, bay lên Tòa Mẹ.

Hình như mọi tháng 5 về, ai ai trong chúng ta cũng dậy lên trong niềm vui, trong sự chuẩn bị Kiệu Hoa, để được đón rước Mẹ của toàn thể nhân loại chúng ta. Mẹ ơi! Tháng 5 chẳng những trên mảnh đất thân thương VN của chúng con, mà là tất cả những mảnh đất trên thế giới, đều nở rộ mọi sắc hoa tươi thắm, cho nên vì thế mà tháng 5 trên toàn cõi địa cầu, đã cho chúng con có cơ hội trang hoàng Kiệu Hoa dành riêng cho Mẹ đó! chẳng những một ngày, một tuần không thôi đâu! Mà chúng con dành cho Mẹ những một tháng cơ Mẹ ạ!

Người lớn các bà thì lăng xăng hội các bà mẹ Công Giáo và toàn thể các hội đoàn trong nhà thờ đều đã được chuẩn bị. Từ các sơ hay các chị phải bỏ nhiều thời giờ dậy các em múa dâng hoa, bao nhiêu thợ may cũng bận rộn trong việc may áo cho các em mặc, rồi các ông cũng đóng góp không ít trong việc trang trí nhà thờ. Mọi người, mỗi người mỗi việc chạy tới chạy lui, trong một không khí sầm uất, ồn ào, náo nhiệt, nhưng rất vui Mẹ ơi! Khắp mọi nơi mọi chỗ từ các phố chợ cũng nhộn lên niềm vui chung, vì đâu đâu cũng thấy bày bán hoa đủ loại, vui như những ngày chợ tết lần thứ hai vậy! Khách hàng đàn ông, đàn bà, và con nít, nờm nợp đi chợ mua hoa để đem về dâng riêng cho Mẹ tại gia và tất cả mọi nhà thờ nữa! Tháng 5 là Tháng Hoa dâng Mẹ, đâu đâu cũng cho chúng con mầu sắc thái tươi vui, mới mẻ, thơm ngát, khắp mọi chỗ mọi nơi. Vui vẻ và ngày nào cũng như ngày hội, vẫn luôn luôn trong khuôn viên ngoài và trong nhà thờ.

Năm nào cũng thế vào đầu tháng 5 là từ những người Công Giáo hay không công giáo ngoài chợ cũng đều phải biết để mà buôn bán hoa để kiếm thêm thu nhập trong tháng 5 này! Cho nên không khí khắp mọi nơi như đều biết Mẹ về! Tâm hồn chúng con rộn rã niềm vui vì được có Mẹ trong suốt một tháng dài. Chúng con có dịp để tìm tới với nhau. Chúng con có dịp để cầu nguyện chung với nhau. Chúng con có dịp để dâng lên cho Mẹ những lời cảm tạ vì Mẹ đã trở về thế gian sống chung với chúng con, để nghe chúng con than thở, van xin, và khẩn nài. Vì chỉ có những lời năn nỉ của Mẹ mới làm cho Chúa Con Giêsu của Mẹ phải chìu Mẹ mà thôi! Vì chỉ có Mẹ mới có thể làm dịu cơn giận dữ của Đức Chúa Cha. Chúng con tất cả là phạm nhân, chỉ biết núp vào áo Mẹ, để tìm nơi ẩn núp, để Mẹ giúp cho tất cả chúng con là những đứa con hư hỏng biết tìm về nương tựa bên tình yêu của Thiên Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.

À mà Mẹ Maria hiền mẫu của chúng con ơi! Năm nay Mẹ trở về với chúng con, Mẹ sẽ thấy thế giới đang dấy lên những nỗi lo sợ, từ cơm áo cho đến những cảnh màn trời chiếu đất do nhân loại chúng con gây ra!? Những dấu hiệu sợ hãi của thiên tai cứ đang tiếp tục hết chỗ này đến chỗ kia, nhưng hình như chúng con cứ vẫn chai lỳ với những biến cố ấy! Riết rồi chúng con cũng bó tay vì làm sao ngăn chận được cho thiên tai không xẩy đến? Chúng con làm sao phòng được? Chúng con chạy đi đâu bây giờ hở Mẹ? Có phải do tội chúng con đã làm cho Thiên Chúa Cha nổi cơn thịnh nộ? Hay nếu đổ thừa cho việc Chúa làm là sai? Thì sao thiên tai cứ xẩy đến cho nhân loại chúng con mãi như thế hở Mẹ yêu?

Hay qua thiên tai đại họa như thế là để cho chúng con luôn luôn sống trong chuẩn bị, trong tỉnh thức, và để hữu ích cho linh hồn của chúng con, vì biết có tránh cũng không khỏi?? Nếu quả thế thì hình như chúng con cũng vẫn sống trong dửng dưng và rất thờ ơ với những dấu chỉ và biến cố xẩy đến rất thường như thế Mẹ ạ!?? Như thế mới chứng tỏ cho Mẹ thấy rằng con cái Mẹ trên toàn cầu luôn cần đến Mẹ, trong sự yêu thương con mình, và luôn chở che cho chúng con, là những đứa con yếu hèn và luôn phạm tội. Dù biết thế, nhưng chúng con luôn luôn cầu khẩn đến Mẹ, vì qua Mẹ mà Chúa mới thương chúng con, những đứa con bướng bỉnh, khó dậy, lạc đàn, và bay nhẩy trong sa ngã, đam mê, và trong bùn nhơ của tội lỗi.

Lậy Mẹ Maria hiền mẫu của chúng con!

Xin Mẹ hãy tắm gội và kỳ cọ tội lỗi chúng con nhờ vào mọi thánh đức, thánh thiện, vẹn toàn, và đức trinh khiết của Mẹ, luôn làm vui lòng Ba Ngôi Thiên Chúa. Mẹ là Hằng Cứu Giúp, chẳng ai ra về tay không. Chẳng ai xin mà Mẹ không nhậm lời! Chẳng ai mà không được Mẹ an ủi! Ngay cả những người ngoại đạo. Toàn thể nhân loại chúng con cùng hiệp dâng lên Mẹ tấm lòng thành, chân thật, và chất phát, chỉ xin Mẹ luôn ở bên cạnh chúng con bây giờ và luôn mãi Mẹ nhé! Amen.

**Xin bấm vào mã số dưới đây để hát theo:
http://www.youtube.com/watch?v=9W3NK9Sbfoc

Y Tá Của Chúa,
Tuyết Mai

LẠY CHÚA CON ĐỒNG Ý…

Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa

Nhờ mầu nhiệm Nhập thể, Đức Maria thực sự là Mẹ Thiên Chúa. Bởi chính tổng lãnh Gabriel, theo lệnh Thiên Chúa, đến và loan báo cho Đức Maria: “Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavid, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacob đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận… Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1 31-35).

  1. ĐỨC MẸ TIN TƯỞNG VÀ TỰ DO ĐÁP LỜI XIN VÂNG.

Dù nhập thể là sáng kiến của Thiên Chúa, nhưng việc Đức Mẹ  mang thai Con Thiên Chúa không là sự ép buộc, không là gán ghép từ phía Thiên Chúa, khiến Đức Mẹ không còn chọn lựa nào.

Đúng hơn, VIỆC ĐÓN NHẬN BÀO THAI NGÔI HAI THIÊN CHÚA TRONG LÒNG DẠ, LÀ CHỌN LỰA HOÀN TOÀN TỰ DO CỦA ĐỨC MẸ.

Bởi trước khi mời Đức Mẹ làm mẹ của Con mình để cộng tác tích cực vào chương trình cứu độ mà mình thực hiện, Thiên Chúa đã không áp đặt, nhưng ngỏ lời cách hết sức tôn trọng và tỏ bày tình yêu đặc biệt đối với một ái nữ là thụ tạo do chính mình tạo ra.

Nhận ra sự cao cả ấy của Đức Mẹ, Hội Thánh không ngần ngại tuyên xưng: “Thiên Chúa đã cử Con mình đến trong thế gian. Nhưng để tạo một thân xác cho Người, Thiên Chúa đã muốn có sự tự do cộng tác của một thụ tạo. Với mục đích ấy, từ trước muôn đời, Thiên Chúa đã chọn một thiếu nữ Israel, một cô gái Do Thái, quê tại Nazaret xứ Galilê, ‘một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi Đavit, trinh nữ ấy tên là Maria’ (Lc 1, 26-27) để làm mẹ của Con mình” (GLCG, số 488).

Theo thói quen, khi nói đến mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa, người ta thường nghĩ đến ngày Chúa Giêsu Giáng sinh. Hiểu như thế chỉ mới nhấn mạnh đến tính thành sự, và kết quả hoàn hảo của mầu nhiệm này mà thôi.

Đúng hơn, ngày Con Thiên Chúa Giáng sinh chỉ là đỉnh điểm của mầu nhiệm Nhập thể, một mầu nhiệm hết sức cao cả đã được chuẩn bị từ ngàn xưa, nay trở nên hiệu lực.

Mầu nhiệm nhập thể đã được chuẩn bị từ ngàn xưa ấy, lại khởi đi từ ngay sau lời thưa “Xin Vâng” của Đức Maria. Bởi từ chính thời điểm đó, Đức Mẹ đã thực sự mang Chúa Cứu Thế trong chính lòng dạ mình.

Vì vậy mầu nhiệm nhập thể được thực hiện từ trời cao, không khởi đầu ở hang Bêlem trong ngày Giáng sinh, nhưng là NGAY TRONG CUNG LÒNG ĐỨC MẸ, KỂ TỪ LÚC THÀNH THAI TRONG NGÀY TRUYỀN TIN.

Mầu nhiệm Nhập thể làm cho Đức Maria nên vinh dự hết sức, bởi xét về mặt nhân trần, Chúa Cứu Thế cũng chính là người con ruột thịt do chính Đức Mẹ sinh ra. Đức Mẹ trao ban cho Đấng hằng trao ban và tạo thành nên Đức Mẹ bản tính nhân loại của mình, ngay từ khi Đức Mẹ xưng mình là “Nữ Tỳ của Chúa”.

Chẳng bao giớ có ai, và ngay chính bản thân Đức Mẹ, dám nghĩ rằng, ngay sau khi tự nhận mình là Nữ Tỳ, tức khắc lại được Chúa nâng lên làm Mẹ của Chúa, tức khắc Chúa lại thành thai trong lòng Mẹ.

Và như thế, lễ Giáng sinh mà chúng ta mừng kính hàng năm vào ngày 25.12, thánh lễ tôn vinh sự cao cả và quý giá vô cùng của mầu nhiệm Nhập thể không phải chỉ gói gọn có một ngày mà thôi.

Thánh lễ ấy được khởi đi từ Chúa nhật thứ IV mùa Vọng, Chúa nhật gần cận của lễ Giáng sinh, Chúa nhật mà phụng vụ của Hội Thánh tường thuật và đề cao biến cố Truyền Tin, đề cao thái độ đáp trả hoàn toàn tin tưởng trong lời Xin Vâng của Đức Maria, khởi đầu cho việc Con Thiên Chúa nhập thể làm người.

  1. SỨC MẠNH CỦA LỜI XIN VÂNG.

Thiên Chúa đã thành công trong việc mời gọi Đức Mẹ cộng tác vào chương trình cứu rỗi nhờ sự rất mực vâng phục của Đức Mẹ. Từ đó, Chúa cũng sẽ thành công trong việc trao ban Chúa Giêsu, Con Một của mình cho thế giới, để cứu chuộc thế giới.

Có ai ngờ, một nữ tỳ bé nhỏ là thế, yếu đuối là thế, nghèo hèn là thế, chỉ với vài lời “Xin Vâng”, lập tức trở nên Bà Hoàng cao cả: MẸ THIÊN CHÚA.

Có ai ngờ, chỉ với những lời thưa “Xin Vâng” quá đơn giản của một thụ tạo, Thiên Chúa đã biến đổi cả một dòng lịch sử, làm mới tất cả những gì mà loài người xưa đã phá hỏng.

Có ai ngờ, chỉ với những tiếng “Xin Vâng” xem ra tầm thường, lại có thể làm cho cả thế giới, qua mọi thời, đón nhận một món quà vô giá: THIÊN CHÚA NHẬP THỂ LÀM NGƯỜI. Người là chính con người sống giữa con người. Nhờ Người, bỗng dưng con người trở nên thành viên của gia đình Thiên Chúa.

Riêng cá nhân Đức Mẹ, có ai ngờ, chỉ với những lời “Xin Vâng” ngắn gọn, đã làm cho Đức Mẹ không chỉ là Mẹ của Thiên Chúa, mà từ nay trở nên Mẹ của cả gia đình nhân loại, có Thiên Chúa ở giữa gia đình ấy.

Có ai ngờ, với lời “Xin Vâng” đơn sơ, Thiên Chúa dẫn dắt Đức Mẹ hoàn toàn đi vào nhiệm cuộc cứu độ của Người. Nhờ đó Đức Mẹ trở nên Đấng hiệp công hoàn hảo trong ơn cứu độ mà chính Người Con của Đức Mẹ thực hiện.

Bởi vậy, thánh Luca coi trọng diễn tiến của câu chuyện Truyền tin là phải. vì với những suy nghĩ như trên, tôi thấy, sự kiện thiên thần nhận lãnh sứ mệnh từ Thiên Chúa đến truyền tin cho Đức Maria có một vị trí lớn.

Nếu nó không là trung tâm thì cũng hết sức quan trọng trong việc Con Thiên Chúa làm người. Nó loan báo cho cả thế giới qua mọi thời gian biết: THIÊN CHÚA ĐÃ LÀM NGƯỜI BẮT ĐẦU NƠI CUNG LÒNG MỘT NGƯỜI PHỤ NỮ.

  1. CHÚNG TA ĐI CON ĐƯỜNG CỦA ĐỨC MẸ.

Hồng y Fulton John Sheen, một diễn giả truyền hình nổi tiếng ở Mỹ, chấp nhận lời đề nghị của nhiều bạn trẻ xin chứng hôn cho họ, với điều kiện, họ phải hứa với ngài, mỗi ngày vợ chồng phải đọc chung với nhau 50 kinh Kính Mừng.

Bây giờ các gia đình, các Kitô hữu, nhất là các bạn trẻ hầu như rất ít lần chuỗi. Họ lo nhiều thứ của cuộc sống, nhưng có một lời kinh nối kết họ với chính Thiên Chúa, với Đức Maria, nối kết vợ chồng, nối kết con người, nối kết mọi tình yêu của con người với nhau, thì người ta lại bỏ qua, chẳng thấy ai lo lắng, chẳng thấy mấy người quan tâm.

Ngoài ra, ở lời kinh Kính Mừng mà chuỗi Mân Côi giới thiệu cho chúng ta, còn là lời kinh chúng ta học nơi ngôi trường của Đức Maria về sự thánh thiện trong tinh thần vâng phục của Mẹ Thiên Chúa.

Vì thế, khi lần chuỗi, chắc chắn tiếng Xin Vâng của Đức Mẹ sẽ được gợi lên trong tâm trí, để chúng ta, nhờ bắt chước Đức Mẹ, xin vâng thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh mà vững vàng trên đường đời, nhất là những lúc cuộc đời chúng ta phải đối diện cùng bão táp và mọi thứ ghập ghềnh.

Lời kinh Mân Côi sẽ dạy chúng ta yêu mến Chúa, yêu mến anh chị em theo tinh thần bác ái của Đức Mẹ. Nhờ tình yêu bác ái nảy sinh, vợ chồng tin tưởng và tha thứ cho nhau khi đối diện cùng chướng ngại; bạn bè “bỏ chín làm mười” để không khoét sâu thêm những rạn nứt; người với người sẽ đón nhận nhau nếu lỡ xảy ra bất cứ đổ vỡ nào…

Đức cha Fulton John Sheen không vô lý khi đề nghị người trẻ bước vào đời sống gia đình phải lần chuỗi. Vì khi siêng năng lần chuỗi, chúng ta thực sự đi trên con đường của Đức Mẹ mà đến cùng Chúa trong lòng vâng phục thánh ý Chúa trọn cuộc đời của từng người.

Chính Hồng y Fulton J. Sheen, trong một lần giảng thuyết, đã diễn giải lời thiên thần Gabriel khi truyền tin cho Đức Mẹ: “Này cô Maria, cô có đồng ý đem xương thịt cho Con Thiên Chúa không? Liệu Thiên Chúa có trở nên loài người qua thân xác của cô không?”.

Mỗi khi lần chuỗi, chúng ta cũng có thể nói được những lời như trên, để mặc lấy tâm tình của Đức Mẹ mà sống trọn vẹn cho thánh ý Chúa trong một đời xin vâng mà chúng ta có thể dâng lên Chúa: “Lạy Chúa, CON THỰC SỰ ĐỒNG Ý mang xương thịt, mang tấm thân, mang cuộc đời con làm chất liệu cho Con Một của Chúa tùy nghi sử dụng cho vinh danh Chúa và vinh danh của chính Ngài. Lạy Chúa, qua con đường sự sống của chính con, Chúa hãy nên loài người để làm một với từng người chúng con”.

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG

15/08/23 THỨ BA TUẦN 19 TN


Đức Ma-ri-a hồn xác lên trời
Lc 1,39-56

 

THIÊN CHÚA CỨU ĐỘ

Bà Ma-ri-a nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.” (Lc 1,46-47)

 

Suy niệm: “Thiên Chúa cứu độ”, một ý niệm không hề xa lạ với niềm tin và lòng mong đợi của dân Do-thái như được nhắc  tới rất nhiều trong Cựu Ước, đặc biệt các thánh vịnh. Nhưng mức độ nhận hiểu của họ về công trình ấy vẫn còn nhiều giới hạn. Lắm khi mầu nhiệm “cứu độ” chỉ còn là kỷ niệm về những chiến tích oai hùng trong quá khứ mà ngày nay “cha ông thuật lại cho con cháu” (x. Xh 10,2). Lắm khi dân Do thái lại chỉ mong đợi một vị vua trần thế đến giải cứu họ khỏi ách đô hộ của ngoại bang và ban cho họ của cải, quyền lực ở thế gian này. Thế nhưng mục tiêu tối hậu của chương trình cứu độ là giải thoát nhân loại khỏi án phạt tội lỗi để được cùng Chúa hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên quốc. Điều đó đã được khởi đầu nơi Đức Ki-tô phục sinh rồi đến những kẻ thuộc về Ngài (x. 1Cr 15,23), và nay được chứng thực nơi Đức Ma-ri-a khi Mẹ được đưa về trời cả hồn và xác.

 

Mời Bạn: Được ban tặng biết bao diễm phúc, Đức Ma-ri-a đã hớn hở vui mừng ngợi khen “Thiên Chúa là Đấng Cứu độ”, lời ngợi khen bao hàm lời tuyên xưng với thái độ khiêm tốn, tạ ơn và sẵn sàng để Ngài cứu độ Mẹ theo ý Chúa muốn và theo cách Chúa làm: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Thái độ và lời ngợi khen của Mẹ là cách tuyệt hảo nhất để đáp lại hồng ân cứu độ của Thiên Chúa cũng phải là cách chúng ta đáp lại hồng ân Chúa ban cho chúng ta để chúng ta được ơn cứu độ.

 

Sống Lời Chúa: Thiên Chúa cứu độ ta ta qua mỗi giây phút hiện tại. Hãy luôn sẵn sàng vâng phục thánh ý của Ngài.

Cầu nguyện: Đọc hoặc hát bài ca “Linh hồn tôi Ngợi Khen Chúa” (Magnificat).

 

BAY CAO VÚT

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tôi 

“Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng!”.

Trong “Living for Eternity”, “Sống Cho Vĩnh Cửu”, Dave Breese so sánh: “Giá mà Ađam Eva giữ được trạng thái ban đầu! Tiếc thay, họ đã khuất phục con rắn! Trước đó, trong trạng thái nguyên sơ đẹp đẽ, họ tồn tại ở một mức độ cao hơn nhiều so với loài người bây giờ. Thật khó để hình dung con người lúc đó! Giờ đây, xem ra nó đang cố tạo lại phiên bản gốc của mình như tái tạo một chiếc máy bay từ đống đồng nát. Và nếu không biết gì về việc bay, khó có thể ngờ rằng, nó đã từng bay! Vật liệu giống nhau; tuy nhiên, khả năng bay không còn!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Vật liệu giống nhau; tuy nhiên, khả năng bay không còn!”. Nhận xét của Breese thật sâu sắc, tinh tế! Tuy nhiên, với ân sủng của Thiên Chúa, mọi vật vẫn có thể được tái tạo, có thể bay trở lại và ‘bay cao vút!’. Đó là một sự thật hấp dẫn khơi gợi niềm cảm hứng và hy vọng cho bạn và tôi trong ngày mừng kính Đức Trinh Nữ Maria, Vô Nhiễm Nguyên Tội!

Các bài đọc tường thuật hai cuộc đối thoại của hai bà mẹ với Chúa. Eva, mẹ của ‘cuộc đối thoại mất mát’ khi đang trần truồng, phải ẩn núp vì sợ ánh sáng. Đó là cuộc đối thoại chạy tội đầy sợ hãi. Ađam đổ lỗi cho Eva, Eva đổ lỗi cho con rắn và kết quả, hai ngài bị đuổi khỏi địa đàng. Một cuộc đối thoại xúi quẩy mà kết quả là nguyên tổ và hậu duệ “mất khả năng bay!”. Tuy nhiên, giữa khoảnh khắc bẽ bàng đó, Thiên Chúa vẫn không tài nào giấu được cảm xúc và lòng thương xót khi Ngài nói với con rắn, “Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi”. Đó là ‘tiền Phúc Âm’, một lời hứa. Và Thiên Chúa đã thực hiện điều Ngài hứa!

Maria, người mẹ thứ hai, mẹ của ‘cuộc đối thoại được lại’, khoác phẩm phục chói ngời nhân đức của “Đấng đầy ân sủng”. Mẹ mở toang cửa nhà, mở rộng cõi lòng, thưa “Xin vâng!”. Để từ đó, con người đã bị đuổi được vào lại nhà Cha, nhờ sự chết và phục sinh của Đấng Mẹ cưu mang. Thiên Chúa là tình yêu! Thiên Chúa lớn hơn con người; tình yêu lớn hơn sự chết; lòng thương xót lớn hơn tội lỗi! Đó là một cuộc tái tạo “phiên bản gốc”, cuộc tạo dựng mới mẻ kỳ vĩ! Thánh Vịnh đáp ca diễn tả, “Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã thực hiện bao kỳ công!”. Với cuộc đối thoại thứ hai, con người biết rằng, với ân sủng Chúa, nó vẫn có khả năng bay trở lại và ‘bay cao vút!’. Phaolô xác thực niềm vui đó qua bài đọc hai, “Trong Đức Kitô… trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người!”.

Anh Chị em,

“Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng!”. Không chỉ Đức Mẹ đầy ân sủng, cả chúng ta cũng đầy ân sủng! Từ ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, mặc lấy Chúa Kitô, chúng ta “không thiếu một ơn nào”. Vì thế, chừng nào sống trong ơn nghĩa Chúa, nghĩa là sống trong tình trạng sạch tội và quyết tâm làm theo ý muốn của Ngài, chúng ta vẫn có thể ‘bay cao vút’ như Đức Mẹ. Qua mọi thời, các thánh đã bay cao, bao tâm hồn quảng đại không sống cho mình nhưng chỉ sống cho Chúa đã bay cao. Ngược lại, một khi nuông chiều xác thịt, liều lĩnh đánh mất ơn nghĩa Chúa và phạm tội, thì tuy “vật liệu giống nhau, khả năng bay đã không còn!”. Mùa Vọng, mùa tìm lại khả năng bay!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con chỉ là một đống đồng nát. Những ngày Mùa Vọng, giúp con tìm đến suối Hoà Giải, tắm gội trong ân sủng, hầu con có thể tiếp tục bay trở lại, ‘bay cao vút!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

 

NGÔI NHÀ NGỌT NGÀO - Lễ Đức Mẹ Maria Mẹ Giáo Hội

 

“Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình!”.

Nhà tâm thần học Turnbull nói, “Trong những ngôi nhà vắng bóng người cha, thái độ của người mẹ và mức độ bảo vệ của bà đối với người con, dường như là chìa khoá cho sự phát triển của một đứa bé. Thời điểm quan trọng nhất là từ 30 tháng tuổi đến 5 tuổi, và giai đoạn đầu của tuổi vị thành niên. Đó là ‘ngôi nhà ngọt ngào’ nhất của một đời người!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Không chỉ thời thơ ấu của một đời người, nhưng ở đâu có mẹ, ở đó có sự ngọt ngào! Ngôi nhà có mẹ, là ‘ngôi nhà ngọt ngào!’. Tin Mừng ngày lễ “Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo Hội” nói đến sự ngọt ngào đó, và nó vẫn ngọt ngào, cả trong những hoàn cảnh bi đát nhất. Từ chân thập giá, Gioan đón Mẹ Chúa Giêsu về; ông viết, “Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình!”.

Năm 2018, khi Đức Phanxicô thiết lập lễ này, Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Phụng Tự, Robert Sarah nói, “Việc cử hành lễ này giúp chúng ta nhớ rằng, sự trưởng thành trong đời sống Kitô hữu phải gắn liền ‘với mầu nhiệm Thánh Giá’, ‘mầu nhiệm Thánh Thể’ và ‘Thánh Mẫu Maria’, một người mẹ đã làm nên ‘Lễ Dâng’ của mình mà dâng lên Thiên Chúa!”.

Vị Hồng Y nói thêm, “Hãy thả neo vào Thánh Giá, Thánh Thể và Thánh Mẫu!”. Gioan ghi lại hình ảnh thánh thiện của Maria trước thập giá của Con. Khi đứng đó, Mẹ đã nghe Chúa Giêsu nói những lời sau cùng, “Tôi khát!”; và người ta cho Ngài một ít giấm. Đoạn, Ngài tuyên bố, “Mọi sự đã hoàn tất!”. Maria đã có mặt như một nhân chứng khi thập giá Con mình trở nên nguồn ơn cứu rỗi cho thế giới! Sau khi nếm giấm, Chúa Giêsu hoàn thành việc thiết lập hy lễ Vượt Qua Mới, Hy Lễ Mới và Giao Ước Mới, Giao Ước Vĩnh Cửu vốn gọi là Bí Tích Thánh Thể!

Ngoài ra, ngay trước khi Chúa Giêsu chết; tuyệt vời thay, các cố ngày xưa không gọi “Ngài tắt hơi” nhưng gọi “Chúa Giêsu sinh thì”, nghĩa là trước thời khắc “được sinh lại trong Chúa Cha”, thấy Gioan kề bên, Ngài nói với Mẹ, “Đây là con của Mẹ!”. Nghĩa là giờ đây, mỗi thành viên trong Hội Thánh được trao cho Mẹ. Và Ngài nói với Gioan, “Này là Mẹ của con!”; Gioan đại diện Hội Thánh đón nhận quà tặng, chính Mẹ Ngài, và “rước bà về nhà mình!”. Không thể ngọt ngào hơn! Nhà người môn đệ là Hội Thánh, kể từ đó, cũng trở nên ‘ngôi nhà ngọt ngào!’.

Sự ngọt ngào của ngôi nhà Hội Thánh đưa chúng ta về với sự ngọt ngào của Vườn Địa Đàng. Bài đọc Sáng Thế hôm nay cho biết, ở đó, cũng có một bà mẹ. Nhưng sự ngọt ngào ở đó đã bị đánh mất. May thay, Maria, người mà lời hứa ‘tiền Tin Mừng’ ám chỉ, nay, như một Evà mới, trả lại sự ngọt ngào cho gia đình nhân loại, gia đình Hội Thánh, một gia đình được cứu chuộc, nay là Giêrusalem mới, thành đô mới; một thành được chúc phúc như Thánh Vịnh đáp ca tiên báo, “Hỡi thành đô của Thiên Chúa, mọi người truyền tụng những điều hiển hách về thành!”.

Anh Chị em,

“Hãy thả neo vào Thánh Giá, Thánh Thể và Thánh Mẫu!”. Mừng kính lễ Mẹ Hội Thánh, bạn và tôi tự hỏi, liệu chúng ta có sẵn sàng ôm lấy thập giá đời mình tháp nhập vào Thánh Giá ​​Giêsu để cùng Ngài, trở nên công cụ cứu độ thế giới? Bạn có ở lại đủ với Thánh Thể mỗi ngày hầu múc lấy sức mạnh và sức sống hầu có thể vác thập giá đời mình? Để không là con mồ côi, bạn có yêu mến Mẹ Maria đủ để linh hồn bạn luôn luôn là một ‘ngôi nhà ngọt ngào’ vì có Mẹ?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Mẹ Maria, xin ở lại với con! Đừng để người ta nói, ‘con là con mồ côi!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)