12. Ngày Trở Về Nhà Cha

NGÀY TRỞ VỀ NHÀ CHA -

  •  
    Mo Nguyen
     

                                BÀI GIẢNG LỄ ĐƯA CHA CỐ QUẢN HẠT GIUSE TRƯƠNG TRUNG HƯNG

     

     

                                                                                                 KÊNH ZÊRÔ/2 - THỨ HAI, 14/02/2022

     

     

    Khi vừa nghe tin Cha Bạn cùng Lớp Don Bosco 63 Giuse Trương Trung Hưng qua đời, tôi tìm đọc Thư Do Thái - Chương 10, để giúp tôi soi rọi về cuộc đời người tư tế Tân Ước phải sống thế nào, theo mẫu gương của Vị Tư Tế hoàn hảo là chính Đức Kitô.

     

    Có hai nét nổi bật nơi thư Do Thái giúp chúng ta cùng suy niệm:

     

    1) NÉT NỔI BẬT ĐẦU TIÊN LÀ LUÔN NHỚ ĐẾN NHỮNG NGÀY HẠNH PHÚC ĐƯỢC GẶP GỠ VÀ PHỤC VỤ CHÚA

     

    Thư Do Thái viết:“Thưa anh em, nhờ Máu Đức Giêsu đã đổ ra, chúng ta được mạnh dạn bước vào Cung Thánh. Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính Thân Xác của Người. Chúng ta lại có một Vị Tư Tế cao trọng đứng đầu Nhà Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta hãy tiến lại gần Thiên Chúa với một lòng chân thành và một đức tin trọn vẹn, vì trong lòng thì đã được tẩy sạch mọi vết nhơ của lương tâm, còn ngoài xác thì đã được tắm rửa bằng nước tinh tuyền” (Dt 10: 19-21).

     

    Nhìn vào cuộc đời trần thế của Cha Cố Quản Hạt Giuse thân yêu, với 72 tuổi đời, Ngài đã có 34 năm trong Thiên Chức Linh Mục, nếu không muốn nhắc đến 58 năm hạnh phúc trong đời tu luyện. Trải qua nhiều năm phục vụ các giáo xứ tại 2 giáo hạt Tân Hiệp và Tân Thạnh trong khiêm tốn, hiền hoà và khéo léo, đặc biệt trong Nhiệm Vụ Quản Hạt Tân Hiệp nhiều năm, ai ai cũng nhận ra nơi Ngài là con người trầm tĩnh, nhỏ nhẹ, chừng mực và có trách nhiệm cao.

     

    Được như vậy, có lẽ ngay từ trong sâu thẳm tâm hồn, Ngài đã sống tinh thần dấn thân tận căn của người đầy tớ luôn làm theo lời dặn của Chủ mình:“Các con hãy thắt lưng, hãy giữ cho đèn của các con cháy sáng và hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ” (Lc 12: 35-36).

     

    2) NÉT NỔI BẬT THỨ HAI LÀ LUÔN KIÊN TRÌ, KHÔNG BUÔNG XUÔI, KHÔNG QUAY LUI TRONG NHỮNG GIAI ĐOẠN KHÓ KHĂN

     

    Thư Do Thái viết:“Xin anh em nhớ lại những ngày đầu: Lúc vừa được ơn chiếu sáng, anh em đã phải đối phó với bao nỗi đau khổ dồn dập. Khi thì anh em bị sỉ nhục và hành hạ trước mặt mọi người, khi thì phải liên đới với những người cùng cảnh ngộ... Anh em cần phải kiên nhẫn, để sau khi thi hành Ý Thiên Chúa, anh em được hưởng điều Người đã hứa... Phần chúng ta, chúng ta không phải là những người bỏ cuộc để phải hư vong, nhưng là những người có lòng tin để bảo toàn sự sống” (Dt 10: 32-33, 36-39).

     

    Được ở gần nhau trong giai đoạn tu tập, từ năm 1963 đến ngày ra trường vào năm 1976, nghĩa là khoảng 16 năm và những năm sau này cho đến hôm nay, anh em đồng môn nhận thấy Cha cố Giuse thân yêu của chúng ta, cũng như rất nhiều người trong anh chị em cảm nghiệm được rằng, đời sống Kitô hữu không phải là một lễ hội, cho bằng là một hành trình leo núi của các vận động viên, để đạt đến mục tiêu sau cùng là Nước Trời. Vì thế, Cha cố Giuse cũng đã trải qua những khoảnh khắc đen tối của đời sống với nhiều biến cố như mất ông bà cố, mất người em ruột Linh Mục, nhất là bản thân rơi vào căn bệnh hiểm nghèo...Thế nhưng, dù có thế nào đi nữa, Ngài vẫn kiên vững trong niềm tin, lạc quan trong hy vọng và đón nhận thập giá nở hoa trong yêu thương vì nắm chắc phần thưởng Chúa dành cho tôi tớ tín trung vì lời hứa:“Phúc cho những đầy tớ khi chủ về vẫn còn tỉnh thức. Quả thật Thầy nói với các con, chủ sẽ thắt lưng, đặt họ vào bàn ăn, và đi lại phục vụ họ. Nếu canh hai hoặc canh ba chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy” (Lc 12: 37-38).

     

    Tương tự như Lão Tử đã chiêm niệm về lẽ sống, khi Ông nói:“Hạnh phúc sinh ra trong đau khổ, đau khổ giấu mình trong hạnh phúc”.

     

    Về phần chúng ta, những người tin vào Đức Kitô đã chiến thắng sự chết và đã sống lại, chúng ta khẩn xin vì Máu Thánh Chúa đổ ra trong cuộc Tử Nạn Hồng Phúc, cùng với Lời Cầu Nguyện và Thánh Lễ, sẽ thanh tẩy những lỗi tội còn vướng mắc trong cuộc đời trần thế của Cha Cố Quản Hạt Giuse và sớm đưa Người Thân Yêu của chúng ta về hưởng Nhan Thánh Chúa muôn đời.

     

    LM. BÙI VĂN KHIẾT TÂM

     

    In Paradisum - Requiem - Faure:

     

    In Paradisum - Requiem - Faure - Bing video

     

    https://www.youtube.com/watch?v=053EBmw5Nks

     

NGÀY TRỞ VẾ NHÀ CHA - LM GIAO KIM VIẾT VỀ BẠN

 

  •  
    Mo Nguyen
     
     

    Thư Cha Dao Kim khóc Bạn

    Hưng ơi, mới nói chuyện với bạn tuần trước, tuần này bạn đã đi xa.  Còn có 12 tiếng đồng hồ nữa là lễ an táng của bạn.  Và bạn sẽ được an nghỉ ở nhà thờ giáo họ Vô Nhiễm kinh zero 2.  Thế là cuộc đời của bạn sẽ im lìm, như những kỷ niệm và con người của bạn trong suốt 70 năm qua trên đời sống này.

    Buồn. Mặc dù trong cuộc nói chuyện bằng face time điện thoại, bạn vẫn nói chuyện một cách bình thản, cho biết mọi sự đã sẵn sàng, chỉ chờ ngày giờ Chúa gọi.  Giọng nói của bạn vẫn rõ ràng, vững chắc.  Bạn còn nói đùa: “Âm thanh vẫn tốt”, dù thân thể bạn rất đau đớn, không ăn uống được gì.  Bạn trông rất tiều tụy vì bệnh tật, nhưng khuôn mặt của bạn vẫn tỏ lộ một sự bình an phó thác.

    Tuy biết là ngày giờ chắc cũng gần, nhưng khi nghe tin báo là bạn đã đi xa, mình cũng buồn quá. Khóc cho một ngưòi bạn tri kỷ nhiều năm thời học trò thân mến không còn.  Thương cho một người bạn chí cốt thuở thơ dại đến kỳ trưởng thành không bao giờ xa nhau nay đã mất.

    Bạn có một tâm hồn bình dị, đơn giản, không đua đòi xa hoa hay bon chen thế sự.  Cuộc đời của bạn cũng như việc học hành lúc nào cũng ngăn nắp, trật tự gọn gàng dù mọi sự nhiễu nhương chung quanh. Xã hội, trần đời có đổi thay, nhưng bạn vẫn kiên trung trong ơn gọi, chấp nhận mọi sự trong bình an và phó thác cho Chúa trọn vẹn cuộc đời mình.

    Thế nên, lúc nào thấy bạn cũng có vẻ thanh thản, nho nhã, phong độ, và kiên trì phục vụ.  Không văn nghệ vă n gừng, không màu mè suốt thời đang phát triển cả thể xác lẫn tinh thần.  Lúc nào bạn cũng cặm cụi làm việc, tẩn mẩn tần mần chu toàn nhiệm vụ.  Nhớ thời bạn phụ trách công việc in roneo bài học cho các bạn trong thời buổi khó khăn, bạn không bỏ sót công việc dù tay chân đen lấm mực in và giấy tờ bị hóc trong máy, bạn kiên trì sửa chữa, quay chậm từng vòng quay để tờ giấy được in ra trọn vẹn.  Bạn thật kiên nhẫn và chăm chỉ.

    Đối với anh em, bạn không hề lớn tiếng gây gổ với ai. Bị trêu chọc hay gán ghép, bạn chỉ đỏ mặt lên và tránh đi chỗ khác.  Gặp chuyện gì vui, bạn chỉ cuời khục khục nhẹ nhàng chia sẻ.  Bạn hiền quá, Hưng ạ, không bao giờ bạn nói chuyện hay bàn tán gì về ai.  Cả đời bạn là một mặt hồ yên lặng, không tỏ vẻ giận dữ, không bị những cám dỗ về sắc đẹp hay tiền bạc, danh vọng đưa đẩy.  Bạn là một người tu luyện bản thân gương mẫu và là một tông đồ đầy nhiệt thành của Chúa.

    Hưng ơi, nay bạn đã về với Đấng đã yêu thương chọn bạn là chí cốt thân tình trong sứ vụ Linh Mục, thì chắc chắn Người cũng đón nhận bạn vào vương quốc tình yêu của Người.  Ở nơi đó, bạn hãy phù hộ cho chúng tôi với nhé, những người bạn còn đang dong duổi trên bước đường trần thế gian nan này, Hưng nhé.

    DK - Houston, February 15, 2022.

     
     
     
     

 

NGÀY TRỞ VỀ NHÀ CHA - LM THANH BỊ CHÉM CHẾT Ở KONTUM

XUÂN HY VỌNG
“Cha ngã xuống…cho hồn con đứng dậy
Nhấp men cay…cho bừng tỉnh cơn mê.”
(Tưởng nhớ Cha Giuse Trần Ngọc Thanh)
Cha nằm xuống, muôn hoa tươi vẫn nở
Phủ mộ Cha trong ánh nắng chan hoà
Vẫn vẳng nghe ríu rít tiếng chim ca
Cả tiếng côn trùng hoà vui cùng gió mát.
Cha ngã xuống, tim triệu người tan nát
Nhưng nảy sinh hạt giống mới ân tình
Được tưới bằng nước mắt với hy sinh
Bằng nỗi nhục nhằn, đau thương trong thầm lặng.
Con tự hỏi, trong nỗi buồn sâu lắng
Sao Chúa lại cần một “Hy Lễ Chiều Xuân”?
Thánh Ý nào mà Chúa đã đong cân
Cho Giáo Hội Việt Nam được thay màu áo mới.
Câu trả lời trong thẳm sâu diệu vợi
Đất cằn cỗi…sao hạt giống trổ sinh?
Cây héo khô…sao hun đúc niềm tin
Nẩy lộc đâm chồi giữa cuồng phong bão tố?
Ý nhiệm mầu trong Chương Trình Cứu Độ
Ngài xới cày cho mảnh đất hồi sinh
Để nảy mầm muôn hạt giống đức tin
Cần được cày, tưới bằng nước mắt và máu người Công Chính.
Cha nằm đó, giữa đất trời thanh tịnh
Cho hồn con bừng cháy một niềm tin
Cho lữ khách mạnh mẽ bước hành trình
Vượt qua thung lũng sầu thương
bằng khúc hát…. Mùa Xuân Hy Vọng.
Mùng 4 Tết. 04.02.2022
A.P Mặc Trầm Cung
 
------------------------------------------------
 
 
 
 
 
 
 

 

NGÀY TRỞ VỀ NHÀ CHA - MƠ NGUYỄN

  •  
    Mo Nguyen
    Sun, Feb 13 at 7:04 PM
     
     
     
     
    SÁNG SỚM HÔM NAY ĐỨC CHA TOẢN BÁO TIN :
     "CHA GIUSE TRƯƠNG TRUNG HƯNG ĐÃ QUA ĐỜI, THÁNH LỄ AN TÁNG LÚC 9g00 Thứ Tư 16.2 tại NT Vô Nhiễm kênh Zêrô 2 "
    -XIN MỜI ACE DB63 THAM DỰ LỄ VIẾNG TẠI NHÀ RIÊNG (gần bên NT VN) LÚC 15:00 CHIỀU HÔM NAY 14.2.2022
    RẤT MONG SỰ HIỆN DIỆN. 
    ĐỂ CẦU NGUYỆN CHO 
    NGƯỜI AE ĐÁNG MẾN CỦA CHÚNG TA
    TL. BDT
     
     
     

NGÀY TRỞ VỀ NHÀ CHA -

  •  
    Chi Tran

     
     
     

    SỐNG VÀ CHẾT

     

    Đời người có nhiều chuyến đi. Có những chuyến đi được lên kế hoạch, sắp xếp cẩn thận. Có những chuyến đi, về vội vã. Ra đi và trở về là công việc lập đi lập lại thường xuyên. 

     

    Cuộc sống mong manh của con người cứ đều đều trôi theo tháng ngày, ít ai đề ý. Chỉ khi đứng trước nấm mồ của người thân hoặc khi chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa của sự chết, người ta mới có những giây phút lắng lòng để suy tư về nó.

     

    Người quá biết ta được nhồi nắn bằng gì,
    hẳn Người nhớ: ta chỉ là cát bụi.
    Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,
    tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,
    một cơn gió thoảng là xong,
    chốn xưa mình ở cũng không biết mình.

    (TV 103,14-16)

     

    Ngày nay con người vẫn “bó tay”, không thắng nổi cái chết dù có trong tay sức mạnh vạn năng của khoa học kỹ thuật tiên tiến. Quan quyền binh tướng, giàu sang nghèo hèn … ai ai rồi cũng phải chết. Đứng trước cái chết, mọi người đều bình đẳng - có khác chăng chỉ là những lễ nghi hoặc nấm mồ đơn sơ hay hoành tráng.

     

    Nói như các triết gia bi quan, khi sinh ra là bắt đầu một tiến trình hướng về sự chết. Theo dòng thời gian, con người dần lớn lên với những buồn vui, sướng khổ của kiếp nhân sinh. Khi còn trẻ, sung sức người ta ít khi để ý đến những dấu hiệu cảnh báo của cơ thể. Về già, con người cảm thấy yếu dần. Yếu dần là dấu hiệu của sự chết đang đến.

     

    Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống. Theo quy luật tự nhiên mỗi người đều sinh ra, sống và tất cả đều ra đi âm thầm để chờ đợi hưởng nhan Chúa một cách trọn vẹn. Chúa Giêsu khi cầu nguyện cùng Chúa Cha đã không xin cho con người khỏi chết nhưng xin “Những kẻ cha ban cho Con, Con muốn rằng Con ở đâu thì chúng cũng ở đấy với Con”. Ước nguyện của Chúa là muốn ở với con người theo nghĩa siêu nhiên là đảm bảo được đón nhận trong tình yêu thương của Thiên Chúa.

     

    Vì tình thương, Chúa luôn gởi đến cho chúng ta nhiều dấu hiệu báo trước cái chết. Những cái chết của người thân, một chứng bệnh xuất hiện, những sợi tóc bạc, mắt mờ chân mỏi, xương cốt rã rời, … tất cả đều là những dấu hiệu. Vì thế chúng ta đừng làm ngơ trước những dấu hiệu tình thương ấy. Hãy đón nhận chúng, nhận ra ý nghĩa của chúng và chuẩn bị.

     

    Khi được sống trong một xã hội văn minh, vật chất sung túc đầy đủ, không phải lo chiến tranh, loạn lạc…. Người ta sẽ thoải mái, yên tâm giữ đạo thờ phượng Chúa. Nhưng mặt trái của nó là lối sống tự do, hưởng thụ đâm ra trụy lạc, tự mãn, coi thường, bất cần đến đạo, bất cần đến Thiên Chúa. 

     

    Ngược lại, nếu phải sống trong một môi trường bất ổn, nghèo đói. Người ta cảm thấy mạng sống mình mong manh, của cải vật chất thiếu thốn không thỏa mãn được nhu cầu sống. Khi đó người ta dễ chạy đến cầu xin với Chúa. Nhưng nếu cứ phải sống triền miên trong bất ổn, nghèo khổ, túng quẫn. Người ta thường dễ trách móc “ông Trời”, xa lìa đạo giáo và tiêu cực hơn là tự tìm đến cái chết để giải thoát.

     

    Đời người có nhiều chuyến đi. Có những chuyến đi được lên kế hoạch, sắp xếp cẩn thận. Có những chuyến đi, về vội vã. Ra đi và trở về là công việc lập đi lập lại thường xuyên. Nhưng có một chuyến đi quyết định và quan trọng. Một chuyến đơn hành không trở lại và ta không thể mang theo những của cải vật chất đã gắn bó và gom góp suốt cả đời.

     

    Một chuyến đi du lịch đôi ba ngày, vài tuần, vài tháng … đã khiến ta phải sắp xếp chuẩn bị nhiều ngày, có khi nhiều tuần …. Còn chuyến đi cuối cùng và thật quan trọng của cuộc đời mình, ta đã chuẩn bị được những gì? Đã sắp xếp được bao nhiêu hành trang cho chuyến đi vĩnh viễn và không bao giờ trở lại này?

     

    Đối với người Kitô hữu, chết không phải là hết mà là cửa ngõ của sự sống mới - sự sống trường sinh bất tử được Thiên Chúa tái tạo. "Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người." (Lc 21,34-36)

     

    Vậy khi sống ở cõi tạm đời này không nên để mình bị cuốn hút vào những trào lưu của xã hội. Đừng quá chú tâm vào những việc thế gian để rồi lo chè chén say sưa hoặc chỉ lo chuyện sống chết, chỉ lo chuyện trần tục... Những nhân sinh quan này làm cho lòng con người ra nặng nề, chai đá và quên đi điểm cuối của cuộc lữ hành đời mình.

     

    Sống và chết là hai kỳ công do Thiên Chúa an bài. Con người không có quyền gì trên sự chết và sự sống. Hãy cầu nguyện liên lỉ để xin ơn đứng vững trước những xáo trộn bên ngoài. Bất cứ lúc nào cũng chuẩn bị sẵn sàng theo tiếng Chúa gọi, dù bất thình lình, đột ngột. Hãy vững lòng trông cậy và phó thác cho Chúa cuộc sống và cái chết đời này để được sự sống đời sau bất diệt.

     

    Đứng trước những nấm mồ của kẻ chết hôm nay, ngày mai chúng ta không biết sẽ ra sao, ngày cuối đời lại càng mù mịt. Xin Chúa cho chúng ta biết sống từng giây phút hiện tại, luôn ưu tiên đặt Chúa lên trên hết mọi sự trong việc chu toàn bổn phận làm người. Xin tình thương Chúa luôn che chở và giúp chúng ta biết nhận ra những dấu hiệu của sự sống vĩnh cửu trong cuộc đời. Amen.

     

    Jos. Hoàng Mạnh Hùng