4. Bánh Sự Sống

BÁNH SỰ SỐNG-THỨ BẢY CN28TN-B

 


  • THỨ BẢY TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN B

    NGÀY 20/10/2018
     
     


    Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 12: 8-12)

    8 Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.9 Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.10 Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha.11 Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì,12 vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.
     

    Suy niệm / TÔI ĂN-NHAI VÀ NUỐT LỜI CHÚA

    Cuộc sống của người Kitô hữu, đôi khi, có thể thiếu sự nhất quán giữa niềm tin và thực hành, giữa lời nói và hành động; nghĩa là niềm tin không được thể hiện trong việc làm và hành động không diễn tả được điều mình tin tưởng, thậm chí còn đối nghịch với những điều chúng ta tuyên xưng.
    Điều này khiến cho người ngoài nhìn vào lập tức nhận thấy người Kitô hữu có hai bộ mặt, một bộ mặt đạo đức hiền từ ở trong khuôn viên nhà thờ và trong những giờ thờ phượng; và một bộ mặt tầm thường gian trá trong cuộc sống đời thường với những người xung quanh. Mà cuộc sống hai mặt ấy một cách nào đó cũng là chối từ Thiên Chúa.

    Trong Cựu Ước, qua miệng các tiên tri, Thiên Chúa đã quở trách dân riêng chỉ tôn thờ Ngài ngoài môi miệng, mà lòng thì xa Ngài. Khi chịu đóng đinh vào thập giá, Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha tha cho những kẻ không biết việc chúng làm; nhưng xem chừng Ngài tỏ ra gay gắt với những kẻ giả hình, những kẻ mà lời nói không đi đôi với việc làm.

    Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống. Ngày nay những cuộc bách hại đạo cách công khai không còn nữa, nhưng những khó khăn mọi mặt mà người Kitô hữu đang trải qua cũng đủ để họ tuyên xưng đức tin đến mức tử đạo. Ngược lại, khước từ sống theo những cam kết đức tin cũng là một hình thức chối đạo. Chối đạo khi không có những hành động cụ thể, khi đóng khung đức tin vào những việc đạo đức làm vì thói quen, khi không nhận ra tình yêu quan phòng của Thiên Chúa.

    Cuộc sống tại thế là một chuỗi những tập sự cho cuộc sống thiên đàng. Nếu không luyện tập để nhận ra Chúa trong cuộc sống này, chúng ta cũng không thể nhận ra Ngài trong cuộc sống mai sau.

    Lạy Chúa, xin tha cho chúng con vì chỉ biết nói suông mà không bao giờ thực hiện được điều mình rao giảng. Xin đừng quên giúp chúng con sống chứng tá Tin Mừng một cách thực tâm. Amen.


    GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

    Kính chuyển:

    Hồng

    -----------------------------

     

 

BÁNH SỰ SỐNG - THU SÁU CN28TN-B

  •  
    Oct 18 at 4:58 PM
     

    THỨ SÁU TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN B

    NGÀY 19/10/2018

    LỄ THÁNH PHAOLÔ THÁNH GIÁ

     
     


    Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 12: 1-7)

    Khi ấy, có nhiều đám đông dân chúng đứng chung quanh, đến nỗi chen đạp lẫn nhau, nên Chúa Giêsu bắt đầu dạy các môn đệ trước tiên rằng: "Các con hãy ý tứ giữ mình khỏi men biệt phái, nghĩa là sự giả hình. Không có gì che đậy mà không bị tiết lộ ra, và không có gì giấu kín mà chẳng biết được. Vì vậy, những điều các con nói trong nơi tối tăm, sẽ được nói ra nơi sáng sủa, và điều các con nói rỉ tai trong buồng kín, sẽ được rao giảng trên mái nhà. Thầy bảo các con là những bạn hữu của Thầy rằng: "Các con đừng sợ chi những kẻ giết được thân xác, rồi sau đó không thể làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho các con biết phải sợ ai: Hãy sợ Đấng, sau khi đã giết chết, còn có quyền ném vào địa ngục. Phải, Thầy bảo các con: Hãy sợ Đấng ấy. Chớ thì năm con chim sẻ không bán được hai đồng tiền sao? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Hơn nữa, mọi sợi tóc trên đầu các con cũng đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn trọng hơn nhiều con chim sẻ".

    Suy niệm


    Thánh Phaolô thánh giá sinh tại Ôviđa nước Ý năm 1694, trong một gia đình thương gia giàu có, đạo đức. Ngay từ nhỏ, thánh nhân đã được mẹ dạy dỗ về đạo hạnh, nhất là dạy về lòng tôn kính cuộc thương khó của Chúa Giêsu.

    Bởi đó, lớn lên, ngài hết lòng yêu mến cuộc thụ nạn của Chúa. Hằng ngày thánh nhân thực hiện việc hãm mình, phạt xác và ăn chay cầu nguyện, quỳ gối lâu giờ trước ảnh thánh giá Chúa. Năm 20 tuổi, thánh Phaolô gia nhập đạo binh thánh giá, tham gia bảo vệ Hội Thánh, chống lại quân Hồi giáo xâm lăng thánh địa Giêrusalem.

     Ngài chịu chức linh mục năm 1727 và lập dòng Thương Khó. Linh đạo của nhà dòng là gắn bó với Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Ngài thường nói với các tu sĩ của nhà dòng rằng: “Khi nào thánh giá của Chúa Giêsu dịu hiền đã đâm rễ trong tâm trí anh em, lúc ấy anh em hãy ca lên rằng: Chịu khổ chứ không chịu chết, hay là hoặc chịu khổ, hoặc chịu chết, hay hơn nữa, chẳng chịu khổ cũng chẳng chịu chết, nhưng chỉ trọn vẹn tuân theo thánh ý Chúa”.

     Ngoài việc đào tạo các tu sĩ, thánh nhân còn đi khắp nước Ý, rao giảng kêu gọi mọi người tôn sùng cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Đi tới đâu, dân chúng cũng đón tiếp thánh nhân nồng hậu, kính cẩn, vì họ nhìn nhận ngài là một vị thánh. Ngài qua đời ngày 18.10.1775. Năm 1865, thánh Phaolô thánh giá được tôn phong hiển thánh.

     Thánh giá là nguồn sống, là biểu tượng khôn tả của tình yêu Thiên Chúa dành cho ta. Bắt chước thánh Phaolô thánh giá, chúng ta hãy yêu mến thánh giá Chúa, tôn sùng thánh giá Chúa, tôn sùng cuộc khổ nạn của Chúa. Chúng ta chấp nhận vác lấy thánh giá của đời mình. Nhất là trong những lúc nguy nan, khốn khó, chúng ta càng phải nhìn lên cuộc thương khó của Chúa để đủ sức vác lấy thập giá đời mình.

    Nguyện xin thánh Phaolô thánh giá luôn cầu bàu cho chúng ta, để giống như ngài, sau khi đi qua cuộc đời với sức nặng của thánh giá giữa đời, Chúa đón nhận chúng ta trong ơn phục sinh vĩnh cửu.

     Lạy Chúa, ơn gọi nên thánh là ơn gọi cao quý đối với chúng con, xin cho chúng con biết trung thành giữ đạo và sống đạo đến cùng. Amen.


    GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

    Kính chuyển:

    Hồng

     ---------------------------------

KÍNH THÁNH LUCA - TAC GIA TIN MỪNG

 

  •  Oct 18 at 4:02 PM
     

    THỨ NĂM TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN B

    LỄ KÍNH THÁNH LUCA – TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG
     
     


    Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 10: 1-9)

    Khi ấy, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Người bảo các ông: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: "Bình an cho nhà này!" Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: "Triều đại Thiên Chúa đã đến gần các ông”.

    Suy niệm

    Thánh Luca sinh tại Antiôkia, xứ Syri, trong một gia đình Do Thái đạo hạnh. Ngài làm nghề thầy thuốc. Trong những lúc rảnh rỗi, ngài học thêm hội họa. Tương truyền nhờ biết vẽ, sau này ngài đã họa ảnh Đức Mẹ.

    Đang lúc hành nghề tại Antiôkia, ngài nghe nói đến Chúa Giêsu, người đang giảng đạo và làm nhiều phép lạ. Ngài đã tìm gặp Chúa. Khi gặp Chúa, nghe Chúa nói: “Ai muốn làm môn đệ Ta, hãy từ bỏ mọi sự mà theo Ta”, thánh nhân đã từ bỏ tất cả và theo Chúa suốt đời. Cùng với tông đồ đoàn, ngài gắn bó với Chúa, nghe lời Chúa giảng, thấy phép lạ Chúa làm, chứng kiến cuộc tử nạn đầy đau thương của Chúa, là chứng nhân cho cuộc phục sinh của Chúa. Ngài cũng đã nhận lãnh Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần và đi rao giảng Tin Mừng cho thành Antiôkia, quê hương của ngài.

     Sau khi Chúa về trời, thánh nhân đã theo thánh Phaolô trong các cuộc truyền giáo cho dân ngoại. Ngài đã cùng thánh Phaolô chia sẻ tất cả những sương gió, nhọc nhằn, bách hại dọc theo con đường truyền giáo của thánh Phaolô.

     Được Chúa Thánh Thần linh hứng, thánh Luca đã viết sách Tin Mừng thứ III, quen gọi là Tin Mừng Chúa Giêsu theo thánh Luca và sách Công vụ tông đồ. Sách Tin Mừng tường thuật cuộc đời Chúa Giêsu và công cuộc cứu rỗi mà Chúa đã thực hiện. Sách Công vụ tông đồ kể lại công cuộc truyền giáo của các thánh Tông đồ và đời sống của Hội Thánh thời sơ khai. Sau khi thánh Phaolô qua đời, thánh Luca tiếp tục truyền giáo tại Ý, Pháp. Người ta không biết chắc chắn về cái chết của ngài. Theo một truyền thống, có thể thánh Luca chịu tử đạo năm ngài được 84 tuổi và tử đạo tại Patras nước Hy Lạp cùng với thánh Anrê.

    Ôn lại cuộc đời của thánh Luca, hay của tất cả các thánh Tông đồ nói chung, chúng ta thấy nổi lên một đặc điểm, đó là: các thánh Tông đồ hoàn toàn sống siêu thoát. Tất cả các ngài đều có gia đình, có nhà cửa, có việc làm, nhưng khi nghe tiếng Chúa gọi, các ngài đã không chậm trễ, không ngần ngại, mà nhanh chóng bỏ tất cả lại phía sau, ngay lập tức lên đường theo Chúa. Đó là bài học cho chúng ta. Chúng ta cũng hãy theo Chúa cách dứt khoát, đầy lòng tin tưởng và phó thác. Chúng ta xin Chúa cho chúng ta xứng đáng là môn đệ và tôi tớ trung thành của Chúa suốt đời, dẫu có phải trải qua thử thách và gian truân nào đi nữa.

    Lạy Chúa, mừng lễ thánh Tông đồ Luca, chúng con nguyện xin Chúa luôn bảo vệ chúng con trong tình yêu của Chúa, để chúng con trung thành với sứ mạng mà mỗi người chúng con đã lãnh nhận, đó là làm chứng cho Chúa bằng tất cả lòng yêu mến suốt đời chúng con. Amen.


    GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

    Kính chuyển:

    Hồng