3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

KIẾN TẠO MỘT KHÁC BIỆT - Thứ Ba 13/06

 

“Các con là ánh sáng thế gian!”.

Đến Coupvray, một ngôi làng cách Paris khoảng 30 dặm, du khách tìm thăm một ngôi nhà hơn 200 tuổi, nơi một cậu bé đã chào đời. Do một tai nạn, cậu mù hai mắt từ ấu thời. Vài năm sau, trong khu vườn ấy, một cô bạn tặng cậu một quả thông. Lướt những ngón tay mình trên nó, cậu có một ý tưởng mới! Nhiều năm sau, một bảng chữ cái gồm các chấm nổi trên giấy ra đời. Người mù có thể đọc! Cậu bé ấy là Louis Braille, người ‘kiến tạo một khác biệt’ cho thế giới.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, khi nói “Các con là ánh sáng thế gian!”, Chúa Giêsu cũng muốn bạn và tôi, như Louis Braille, làm điều tương tự! Ngài mong ước các môn đệ của Ngài đến tận những góc tối của thế gian, những chân trời xa xăm của thế giới, để ‘kiến tạo một khác biệt!’.

Chân trời của thế giới thật rộng, góc tối của thế gian thật xa! Vì vậy, Kitô hữu phải liên tục lên đường mỗi ngày bằng cách triệt để sống các mối phúc ‘lạ thường’ của mình; tầm nhìn của họ phải vượt quá những gì là giới hạn, nhỏ bé để có thể đi đến những ‘vùng ngoại biên xa xôi’. Đó là một thế giới vốn tốt đẹp, nay bị tội lỗi làm hỏng hóc; một thế giới đang suy vi theo nhiều cách; móp méo theo nhiều kiểu. Vì thế, ánh sáng Chúa Kitô là điều không thể thiếu và rất mực cấp thiết. Không có ánh sáng Ngài, nhân loại mù! Gọi bạn và tôi là “ánh sáng thế gian”, Chúa Giêsu nói đến trách nhiệm Kitô hữu là soi rọi thế gian bằng ánh sáng của Ngài; đúng hơn, bằng chính Ngài, hầu những người khác có thể tìm thấy con đường họ phải đi.

Thư Côrintô hôm nay viết, “Chúa Giêsu không phải vừa ‘Có’ lại vừa ‘Không’; trái lại, nơi Ngài chỉ là ‘Có’”. Phaolô nói thêm, “Chúa Giêsu là Đấng “Có” đối với mọi lời hứa của Thiên Chúa”. Thiên Chúa giữ lời hứa và tiếp tục đặt niềm tin nơi chúng ta, Ngài luôn luôn nói “Có” với chúng ta. Chính điều này cho phép bạn và tôi trở thành “ánh sáng thế gian” một cách xác thực, tự tin. Ngài mạnh dạn ‘đầu tư’ nơi chúng ta, bằng cách đổ đầy ân sủng, tình yêu và Thánh Thần; từ đó, sai chúng ta đi, trở nên những ‘Kitô khác’ trong thế giới và cho thế giới. Thiên Chúa cần bạn và tôi để có thể ‘kiến tạo một khác biệt’ cho những ai Ngài đã tạo thành và cứu chuộc.

Anh Chị em,

“Các con là ánh sáng thế gian!”. Ánh sáng cho thế gian phải là ánh sáng Kitô! Tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca thật khẩn thiết, “Lạy Chúa, xin tỏ cho tôi tớ chúa thấy long nhan hiền hậu!”. “Long nhan hiền hậu” của Thiên Chúa là chính Chúa Kitô! Trong Thánh Thể Chúa Kitô, Thiên Chúa tỏ cho chúng ta “Long Nhan” Ngài. Thánh Thể là Thiên Chúa! Không chỉ được thấy, chúng ta được rước chính Ngài. Qua đó, Ngài trở nên thần lương nuôi dưỡng mỗi người, giúp chúng ta mạnh sức ra đi đến tận những chân trời thế giới để ‘kiến tạo một khác biệt’ trong mọi lĩnh vực tuỳ theo khả năng Ngài ban. Thế nhưng, đừng quên, đây còn là công việc của Chúa Thánh Thần! Mỗi ngày, với sự trợ giúp của ân sủng Thánh Thần, chúng ta bắt đầu từ bản thân, ‘kiến tạo’ bản thân, ‘biến đổi’ bản thân; để từ đó, đi ra những chân trời của thế giới!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chọn gọi con, Chúa đã ‘mạo hiểm’ ‘kiến tạo một khác biệt’ trong thế giới! Chúa không ngại ‘đầu tư thật tốt’ trên con. Phải! Thật tốt. Đừng để con làm Chúa thất vọng!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

VẼ CHÂN DUNG - Thứ Hai 12/06

 

“Hãy nếm thử và hãy nhìn coi!”.

Đến Âu Châu, du khách ấn tượng bởi các nghệ sĩ đường phố; những con người tài hoa này biễu diễn các loại nhạc cụ khác nhau; bên cạnh đó, phải kể đến các hoạ sĩ. Họ vẽ trên vải, trên giấy, trên cát và thậm chí, trên mặt đường. Ấn tượng nhất, là các hoạ sĩ ‘vẽ chân dung!’; chỉ trong mươi phút, một tuyệt phẩm ra đời. Họ làm nên một nét văn hoá đường phố!

Kính thưa Anh Chị em,

Cũng thế, sẽ rất thú vị khi Lời Chúa hôm nay được đọc dưới cái nhìn thán phục, ngưỡng mộ của một người ‘thưởng lãm’ đang chôn chân trước một hoạ sĩ ‘vẽ chân dung’, hoạ sĩ Giêsu!

Trong Tin Mừng hôm nay, khi công bố Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu khác nào một nghệ sĩ đang ‘vẽ chân dung’ của chính Ngài. Ở đây, với bạn và tôi, ‘thưởng lãm’ mang ý nghĩa ‘chiêm ngắm!’. Ngài vẽ ‘nét nghèo khó’, “Con Người không chỗ gối đầu!”; Ngài vẽ ‘nét hiền lành’, “Hãy học cùng Tôi, vì Tôi hiền lành và khiêm nhượng trong lòng!”; Ngài vẽ ‘nét buồn đau’, “Tâm hồn Thầy u buồn đến chết!”; Ngài vẽ ‘nét đói khát điều công chính’, “Giá mà các người biết Tôi là ai!”; Ngài vẽ ‘nét xót thương’, “Thầy thương xót dân này”; Ngài vẽ ‘nét trong sạch’, “Nào ai bắt Tôi được điều gì!”; Ngài vẽ ‘nét kiến tạo hòa bình’, “Bỏ họ, Ngài qua bờ bên kia!”. Và Ngài vẽ ‘nét chịu bách hại vì lẽ công chính’, “Mọi sự đã hoàn tất!”.

Vẽ chân dung chính mình, Chúa Giêsu muốn các môn đệ Ngài mỗi ngày, vẽ chân dung chính họ! Họ phải vẽ làm sao để chân dung họ y hệt chân dung Ngài, đến độ người đời có thể nhầm lẫn khi ‘không biết đâu là họ, chẳng biết đâu là Ngài!’. Thật ý vị khi Thánh Vịnh đáp ca mời gọi, “Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao!”.

Khởi đầu thư Côrintô hôm nay, thật tuyệt vời, Phaolô chia sẻ trải nghiệm “nếm thử” và “nhìn coi” chân dung Giêsu của ngài. Phaolô thèm thuồng chiêm ngắm các mối phúc Chúa Cha ban cho Thầy mình; nhờ đó, vị tông đồ dân ngoại vẽ được chân dung đời mình giống tạc chân dung Thầy. Thư Côrintô viết, “Cũng như các nỗi đau khổ của Đức Kitô chan chứa trong chúng tôi thể nào, thì nhờ Đức Kitô, chúng tôi cũng được an ủi chứa chan thể ấy!”.

Anh Chị em,

“Hãy nếm thử và hãy nhìn coi!”. Không chỉ muốn chúng ta “nếm thử” và “nhìn coi”, Chúa Giêsu muốn bạn và tôi tạc, hoạ, ‘vẽ chân dung’ đời mình sao cho giống chân dung chính Ngài! Ai trong chúng ta cũng muốn ‘vẽ mình’ thật nhanh, nhanh hơn các hoạ sĩ đường phố. Vậy mà điều này có thể dẫn đến bất ổn, vì như thế, chúng ta sẽ giống một ai đó chứ không giống Ngài. Ngài muốn chúng ta vẽ thật chậm, vẽ từng nét mỗi ngày: nét cầu nguyện, nét yêu thương, nét bỏ mình, nét tha thứ, nét chết cho tội lỗi để sống cho Thiên Chúa. Muốn được vậy, như Phaolô, bạn và tôi hãy cho phép Chúa Kitô chạm vào cuộc sống mình; ‘chạm vào’ có nghĩa là ‘biến đổi’. Nhờ đó, chúng ta sẽ nên giống Ngài, ‘một Kitô khác’, đó là một cuộc sống hướng đến sự thánh thiện, không chỉ cho riêng mình mà còn trở nên nguồn cảm hứng cho người khác ước ao nên thánh!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ngày nào con cũng ‘vẽ con’; nhưng càng vẽ, con càng không nhận ra mình. Giúp con biết bắt đầu từ đâu, hầu thế giới có thêm một chân dung giống với chân dung Chúa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

TÂM HỒN CAO THƯỢNG - Thứ Bảy 10/06

 

“Bà đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống”.

Năm 1886, “Tâm Hồn Cao Thượng” ra đời. Hơn 130 năm, cuốn sách của E. De Amicis đã chinh phục hàng triệu trái tim. Đó là những câu chuyện nhỏ của một cậu bé lớp 3. Thế giới trẻ thơ có những va đập, bất đồng; nhưng phía sau những va đập ấy, là những mảnh vỡ nhặt được lóng lánh bao giá trị sống: lòng yêu nước, sự chân thành và hơn cả, những ‘tâm hồn cao thượng!’.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay cho thấy những ‘tâm hồn cao thượng’ thời Cựu Ước và cả Tân Ước. Tin Mừng không chỉ dành cho trẻ em, mà cho cả người lớn; vì thế, Chúa Giêsu không ngại chỉ ra những tâm hồn ‘ít cao thượng’; đó là những luật sĩ mà Ngài đã nặng lời.

Những ‘tâm hồn cao thượng’ thời Cựu Ước là cha con Tôbia. Họ đã xin người đồng hành của ‘Tôbia con’ “vui lòng nhận một nửa những gì đã mang về”. Và nếu muốn biết “những gì đã mang về”, thì sách Tôbia tiết lộ, có đến 300 ký bạc, chưa nói số lãi trong 20 năm; đó là cả một gia tài. Ở đây, chúng ta không thể bỏ qua ‘tâm hồn cao thượng’ của Gabael, người giữ bạc cho Tôbia; ông sẵn sàng trao lại những gì đã giữ theo khế ước. Chuyện như mơ đối với người thời nay! Và này, một ‘tâm hồn cao thượng’ khác được mục kích trước khi sách Tôbia khép lại; đó là Raphael Tổng Lãnh Thiên Thần, người bạn đồng hành, ngài không lấy một hào! Ngài nói, “Hãy chúc tụng Thiên Chúa và cao rao mọi việc kỳ diệu của Người!”. Tâm tình ngợi khen đó được lặp đi lặp lại trong Thánh Vịnh đáp ca, “Chúc tụng Thiên Chúa, Đấng muôn đời hằng sống!”.

Với bài Tin Mừng, chúng ta gặp một ‘tâm hồn cao thượng’ thời Tân Ước. Đó là một bà goá nghèo bỏ vào hòm cúng nhiều hơn ai hết mà Chúa Giêsu nhìn thấy, “Bà đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống”. Cái “để nuôi sống” chính là sự sống, là máu. Ngài thấy điều không ai thấy, những gì thật nhỏ bé, nhưng thực chất là tất cả ‘gia tài’ của bà. Bác ái thuần tuý liên quan đến sự dâng hiến toàn bộ bản thân; đó là hiến dâng không dè giữ; yêu thương, phục vụ bất cứ ai, bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào. Đó là bác ái Kitô đích thực nơi một ‘tâm hồn cao thượng!’.

Ngoài những ‘tâm hồn cao thượng’ trên, Tin Mừng còn chỉ ra những tâm hồn ‘ít cao thượng’ mà Chúa Giêsu nói đến; đó là các luật sĩ giả hình đang ‘biểu diễn’ trước mặt bá quan. Họ dạy dỗ, cốt để gây ấn tượng; họ cho đi, cốt để tạo danh tiếng; họ cầu nguyện, cốt để biện minh cho những gì đã lấy trộm của người nghèo. Họ không phải là người xấu; nhưng là những ‘quý ông tốt’ đã bị cuốn hút bởi việc tìm hư danh; cái họ kiếm tìm là tôn vinh chính mình!

Anh Chị em,

“Bà đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống”. Có tâm hồn nào “đã bỏ tất cả” bằng ‘tâm hồn cao thượng’ Giêsu! Ngài đã chết, sống lại và giờ đây đang âm thầm ‘bỏ mình’ trên các bàn thờ, trong các nhà chầu. Ước gì lòng bác ái của bạn và tôi luôn lặng lẽ và kín đáo như Ngài; bấy giờ, sự hiến dâng của chúng ta cũng là một điều gì đó mà chỉ một mình Thiên Chúa biết. Bởi lẽ, việc tìm kiếm chính mình sẽ ‘giết chết’ giá trị sự hiến dâng, ‘huỷ hoại’ những nỗ lực hình thành các nhân đức, và ‘bóp nghẹt’ trái tim của một linh hồn; hơn nữa, ích kỷ luôn kìm hãm, trói buộc, không cho bất cứ ai có khả năng vươn tới “các giá trị sống” và những gì thuộc cõi trên.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để của cải sở hữu con, dạy con biết sở hữu nó! Bởi lẽ, một khi nó sở hữu con, con bị kéo xuống; biết sở hữu nó, con vươn cao, vươn đến các giá trị sống ‘hôm nay’ và ‘đời đời!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

THÁNH THỂ, MỘT ƠN BAN TỘT ĐỈNH CỦA THIÊN CHÚA

Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô mà chúng ta cử hành Chúa nhật hôm nay là một biểu lộ hân hoan đối với sự hiện diện thường hằng của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Lễ này được cử hành theo truyền thống với một cuộc rước Thánh Thể khắp khu vực xung quanh nhà thờ sau thánh lễ. Kết thúc cuộc rước, Thánh Thể được đưa trở lại Nhà thờ để Chầu. Đó là một việc tôn sùng lớn lao hướng về Chúa Kitô hiện diện trong Bí tích Thánh Thể.

  1. Vài nét lịch sử

Trong Giáo Hội Sơ Khai, việc tôn thờ Mình và Máu Chúa Kitô chỉ giới hạn trong việc cử hành Thánh Thể và rước lễ, và các Giáo Phụ như Augustinô và Ambrôsiô khuyến khích thái độ thờ lạy trong Thánh Lễ. Tuy nhiên, vào thế kỷ 13, để đền tạ những phạm thánh và bất kính của những người phủ nhận Bí tích Thánh Thể, nhiều phong trào giáo dân ở Bắc Âu đã cổ động lòng sùng kính bí tích này. Họ tổ chức những giờ chầu Thánh Thể, linh mục ban phép lành với Mình Thánh Chúa, kéo chuông nhà thờ khi linh mục thánh hiến bánh và rượu. Tại Liège, Bỉ, nhờ thánh nữ Juliana (1193-1258), một nữ tu khiêm hạ và thánh thiện của dòng Augustinô tại Mont-Cornillon, họ đã xin Đức cha Robert de Thorete, là giám mục địa phương, cử hành một lễ kính Mình Thánh vào ngày thứ năm sau Chúa nhật kính Chúa Ba Ngôi. Mặc dù ban đầu còn do dự, nhưng vào năm 1246, Đức Giám Mục Thorete chấp thuận lời thỉnh cầu cho phép cử hành lễ Mình Máu Chúa Kitô trên toàn giáo phận. Như vậy, Lễ Mình Máu Thánh Chúa được cử hành lần đầu tiên tại Liège, Bỉ, vào năm ấy. Sau này tại Ý, năm 1263, trong nhà thờ thánh Catarina, tại Bolsena, phía bắc thành phố Rôma và phía nam thành phố Orvieto, một linh mục sau khi đọc lời truyền phép đã nghi ngờ về bánh và rượu trở thành Máu và Thịt Chúa Giêsu. Tức thì Máu Thánh chảy đẫm khăn thánh và khăn bàn thờ. Ðức Giáo Hoàng nghe tin này, bèn ra lệnh đem khăn về để tạm tại nhà thờ Orviette. Chính Phép Lạ này khiến Ðức Giáo Hoàng Urbano IV (1262-1268) ban hành Tông sắc Transiturus de hoc mundo, năm 1264, thành lập lễ kính Mình Thánh Chúa Giêsu, như một ngày lễ cho toàn thể Giáo hội Latinh. Trong bức Tông Sắc của mình, Đức Urban IV đã viết rằng: “Để củng cố và đề cao Đức Tin chân thật, sau khi cân nhắc cẩn thận, Ta truyền lệnh rằng, ngoài những cuộc tưởng nhớ hằng ngày mà Giáo hội thể hiện đối với Bí Tích rất thánh này, mỗi năm sẽ còn có một Đại Lễ đặc biệt nữa được cử hành vào một ngày nhất định, và cụ thể là vào ngày thứ Năm sau tuần Bát Nhật kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Trong ngày đó, dân thánh thiện sẽ sốt sắng và mau chóng tập trung lại trong các ngôi Thánh Đường của chúng ta, và tại đó, các bài Thánh Ca sẽ được vang lên bởi các Giáo sĩ và các Giáo dân với trọn niềm vui thánh thiện.” [1] Khi Đức Giáo Hoàng Piô V (1504-1572) sửa đổi Lịch Rôma chung, Lễ Mình Máu Thánh Chúa - Corpus Christi - được ngài giữ lại cùng với Lễ Chúa Ba Ngôi.

Ðức Giáo Hoàng Urbano IV giao cho Thánh Tôma Aquinô, đang là nhà thần học của Giáo hoàng, soạn thảo những bản văn phụng vụ cho ngày lễ trọng này. Thánh Tôma Aquinô đã sáng tác một bài thánh ca dành cho Kinh Chiều của ngày lễ này, Pange Lingua, cũng được hát vào Thứ Năm Tuần Thánh trong cuộc rước Mình Thánh Chúa đến bàn thờ tạm. Hai câu cuối của Pange Lingua [2] trở thành bài thánh ca Tantum Ergo, được sử dụng cho các Giờ Chầu Mình Thánh Chúa. 

  1. Tin mừng và ý nghĩa của Thánh Thể

 Mặc dù Thứ Năm Tuần Thánh cũng được coi là Lễ Mình và Máu Chúa Kitô, nhưng ngày đó dành để nhớ đến việc Chúa Giêsu thiết lập Chức Linh mục: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22: 19) và giới răn yêu thương qua việc rửa chân phục vụ nhau: “Anh em gọi Thầy là "Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 3: 13-15).

Lễ Mình Máu Thánh Chúa được thiết lập là để dành ra một ngày lễ chỉ tập trung vào Bí tích Thánh Thể: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6: 51).

Khi chúng ta quy tụ trong Thánh Lễ, chúng ta biết rằng với tư cách là những người đã được rửa tội, chúng ta tạo thành cộng đoàn Thánh Thể, cộng đoàn này với việc chủ sự của linh mục, sẽ tưởng niệm Mầu Nhiệm Vượt Qua - cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh - của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta hiệp dâng lễ vật của chúng ta với lễ vật của linh mục, Đấng đại diện cho Chúa Kitô, để lễ vật bánh và rượu được biến đổi thành Mình và Máu Chúa Kitô, mà chúng ta lãnh nhận khi Rước lễ, để chúng ta có được sự sống thần linh muôn đời của chính Chúa Kitô: “Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6: 58).

Sự sống này bắt nguồn từ tâm điểm của Thánh Lễ: hiệp thông với Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6: 56). Thánh lễ - cuộc cử hành Bí Tích Thánh Thể - là sự tái hiện hành động của Chúa Giêsu vào đêm trước khi Ngài chịu chết. Trong Bữa Tiệc Ly: “Ngài cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói:Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Ngài cũng làm như vậy và nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22: 19-20).

Trong những lời nói và hành động đó, trong giây phút trao hiến thiêng liêng đó, Chúa Giêsu đã hình dung trước hành động cao cả nhất của Ngài là hiến thân trên Thập giá. Hội thánh tin tưởng và lặp lại hành động thánh thiêng đó để tuân theo mệnh lệnh của Ngài mỗi khi chúng ta tập trung quanh bàn thờ, kết hợp lại với nhau, để cùng nhau đón nhận Bánh được bẻ ra và Chén được chia sẻ, chính là Thân Mình bị tan nát và Máu bị đổ ra của Chúa Kitô, để đem lại sự sống đích thực đời đời cho những ai tin vào sự hiện diện của Ngài trong Giáo hội và trong Bí tích Thánh Thể: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (Ga 6: 53-55).

Việc nâng tâm hồn chúng ta lên Thiên Chúa chắc chắn là một yếu tố quan trọng trong sự thờ phượng của chúng ta. Nhưng việc thờ phượng Thiên Chúa mà chúng ta dâng lên qua bí tích thánh thiêng này không chỉ đơn thuần là việc của riêng con người. Chính việc Chúa Giêsu biến đổi bánh, là “hoa mầu ruộng đất”, và rượu là “sản phẩm từ cây nho”, mà chúng ta được mời gọi tham dự vào bằng việc dâng “công lao của con người”, trở thành Mình và Máu của Ngài, mới làm cho việc thờ phượng của chúng ta trở nên việc thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực: là sự tự hiến của Chúa Giêsu Kitô trên Thập giá qua lời tuyên bố “Cứ phá huỷ Đền Thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2: 19) báo trước về mầu nhiệm thập giá, về cái chết và sự phục sinh của Ngài. Giờ đây con người gặp gỡ Thiên Chúa không cần phải qua trung gian nào khác, kể cả Đền thờ và Lề luật, nhưng qua Chúa Kitô. Bánh và rượu được cộng đoàn dâng lên, tượng trưng cho lao động, cuộc sống với tất cả những khiếm khuyết của chúng ta, và chúng ta liên kết chúng với sự tự hiến của Chúa Kitô cho Chúa Cha để trở nên hy tế tột đỉnh: hy tế Thánh Thể. Nhờ đó, chúng ta được biến đổi và trở nên điều mà thánh Phaolô nói trong bài đọc thứ nhất: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Chúa Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Ngài sao?” (1Cr 10: 16).

  1. Sống ý nghĩa Thánh Thể

Một trong những cảnh gây xúc động nhất trong Tin Mừng của Thánh Gioan là cảnh Chúa Giêsu Biến Hình trên Núi Tabor. Các môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan muốn níu giữ giây phút chiêm niệm đó. “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia” (Lc 9: 33). Nhưng giống như mọi khoảnh khắc xuất thần, thời gian trôi qua. Chúng ta phải trở về với những điều bình thường của cuộc sống.

Lễ Mình Máu Thánh Chúa là một cơ hội đặc biệt để chúng ta không chỉ chứng kiến mà còn tham dự vào sự biến hình của Chúa Giêsu khi chúng ta chiêm ngắm sự hiện diện luôn mãi của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Nhưng giây phút thiêng liêng này không thể kéo dài mãi được. Bởi vì chúng ta phải quay trở lại sự phức tạp của cuộc sống hiện tại. Nhiệm vụ của chúng ta là biến đổi thế giới mà chúng ta đang sống, như những lời của Thánh Irênê, tiến sĩ Hội Thánh: “Gloria Dei est vivens homo - Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống”. 

Được nuôi dưỡng bằng Lương Thực từ Thiên Đàng này, chúng ta nhờ ân sủng của Thiên Chúa qua ân huệ của Chúa Thánh Thần, được trang bị và tăng thêm sức mạnh để tiếp tục sứ mệnh của Chúa Giêsu Kitô trong các khu phố, nơi làm việc, bệnh viện, trường học và các khu vực khác trong cộng đồng của chúng ta. Đây là ơn kêu gọi của chính chúng ta - trở thành bánh bẻ ra cho người khác, như Thân Mình Chúa Kitô tự hiến cho tất cả mọi người mọi nơi.

Vào ngày lễ trọng Mình Máu Thánh Chúa này, một lần nữa chúng ta hãy nhận ra và quý trọng hơn nữa đặc ân được tham dự Bí tích Thánh Thể và tự do lãnh nhận món quà Mình và Máu Chúa Kitô để chúng ta luôn nghiệm được sự hiện diện đồng hành của Chúa Giêsu trên hành trình cuộc sống trần thế này: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trối lại cho chúng con bí tích Mình và Máu Thánh Chúa, để chúng con đời đời tưởng nhớ Chúa đã chịu khổ hình và sống lại vinh quang. Xin cho chúng con biết một niềm sùng kính mến yêu bí tích kỳ diệu này để luôn được nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc chúng con.” [3]

[1] ĐTC Urban IV: Tông Sắc thiết lập Đại Lễ Kính Mình và Máu Thánh Chúa. Bản dịch của Georg Ott. In: Georg Ott: Eucharisticum. Pustet, Regensburg 1869.

[2] Câu 5. Tantum ergo Sacramentum. Veneremur cernui: Et antiquum documentum

Novo cedat ritui: Praestet fides supplementum Sensuum defectui.

Câu 6. Genitori, Genitoque, Laus et iubilatio, Salus, honor, virtus quoque, Sit et benedictio: Procedenti ab utroque, Compar sit laudatio. Amen.

[3] Lời nguyện kết thúc Kinh chiều Lễ trọng Mình Máu Thánh Chúa Kitô

 

Phêrô Phạm Văn Trung.

KÉO LÊN CAO HƠN - Thứ Sáu 09/06

 

“Đám đông dân chúng thích thú nghe Ngài?”.

Một nhà thần học nói, “Chúa ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, Ngài không muốn bạn tìm Ngài ở khắp mọi nơi mà chỉ trong Lời Ngài. Hãy vươn tới nó và bạn sẽ vui thoả gặp được Ngài!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Bạn sẽ vui thoả gặp được Ngài!”. Đó cũng là nhận xét tương tự của Marcô cuối bài Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu giảng dạy cho đám đông, họ “vui vẻ” lắng nghe Ngài; giáo huấn của Ngài làm họ vui thoả. Bởi lẽ, nó luôn ‘kéo lên cao hơn’ tâm hồn những ai vươn tới nó!

Đây là phản ứng thông thường đối với sự hiện diện và dạy dỗ của Chúa Giêsu trong cuộc đời chúng ta. Các Thi Thiên chứa đầy những hình ảnh như thế. “Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa”; “Lời Chúa quả ngọt ngào!”; hoặc như Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, “Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa”. Tác động của Lời Chúa và sự hiện diện của Chúa Giêsu trong đời sống của mỗi chúng ta sẽ luôn vô cùng thú vị.

Sự kiện này đặt ra một câu hỏi, “Tôi có vui thích trong Lời của Chúa Giêsu không?”; hay tôi thường xem Lời Ngài như một gánh nặng, hạn chế hoặc giới hạn đối với những gì tôi muốn? Vì lý do đó, bạn và tôi thường xem ý muốn của Thiên Chúa như một điều gì đó khó khăn và nặng nề. Sự thật mà nói, nếu tấm lòng chúng ta phải vướng bận một tội lỗi hay những thú vui thế gian nào đó, thì Lời Chúa có thể nhức nhối và trở nên gánh nặng. Lý do chỉ là vì Lời Ngài mâu thuẫn với nhiều điều không lành mạnh mà chúng ta đã quá gắn bó.

Vậy mà, nếu bạn thấy Lời Chúa gây khó chịu, khó nghe, thì bạn đang bắt đầu đi đúng hướng! Có thể nói, bạn đang bắt đầu để Lời Ngài “chiến đấu” với cám dỗ này, cám dỗ kia mà cuối cùng, bạn chỉ cảm thấy khô khan và trống rỗng. Dẫu thế, đừng sợ, đây là bước đầu tiên để bạn có thể vui mừng trong Chúa và Lời của Ngài, vốn luôn ‘kéo lên cao hơn’ các tâm hồn.

Điều đáng vui mừng là nếu bạn có thể để cho Lời Ngài cắt đứt nhiều chấp trước không lành mạnh trong đời sống, bạn sẽ bắt đầu khám phá ra rằng, bạn sẽ vô cùng yêu mến Lời Ngài và vui mừng vì sự hiện diện của Ngài. Bạn sẽ bắt đầu khám phá niềm vui và sự thích thú trải nghiệm từ sự hiện diện đó, vốn vượt xa bất kỳ sự gắn bó hay niềm vui nào khác mà bạn có thể có. Cả tội lỗi cũng có thể tạo ra những cảm giác thoả mãn giả tạo. Trong trường hợp đó, vui thoả tựa hồ một loại an thần sớm biến mất; đang khi niềm vui của Chúa là điều liên lỉ luôn ‘kéo lên cao hơn’, làm bạn thoả mãn sâu sắc hơn, thâm trầm hơn!

Anh Chị em,

“Đám đông dân chúng thích thú nghe Ngài?”. Hôm nay, bạn và tôi hãy dành thời gian để suy gẫm, liệu chúng ta có thực sự cho phép mình tràn đầy niềm vui trong sự hiện diện của Chúa Giêsu và Lời của Ngài không! Hãy thử nếm vị ngọt của chúng và tìm cách để mình bị lôi cuốn. Một khi đã “bị cuốn hút”, bạn sẽ tìm kiếm Ngài nhiều hơn. Muốn được vậy, hãy quay lưng với những cám dỗ hấp dẫn của thế gian. Hãy luôn tìm kiếm Chúa và Lời Ngài. Một khi khám phá ra điều Chúa muốn biến đổi bạn qua Lời Ngài, Ngài sẽ lấp đầy tâm hồn bạn và tôi với niềm vui lớn nhất. Bởi lẽ, Lời Ngài sẽ ‘kéo lên cao hơn’ những ai yêu mến Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, lời thế gian tuy dễ chịu, nhưng luôn kéo con xuống; Lời của Chúa, tuy khó chịu, nhưng luôn ‘kéo con lên’. Cho con luôn biết đói và khát Ngài!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)