SỐNG VÀ CHI SẺ LC - LM TRẦM PHÚC - CN29TN-C
- Details
- Category: 3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa
-
GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA
Chúa Nhật 29 Thường Niên năm C
Lời Chúa : Lc 18,1-8
Đây không phải là lần thứ nhất Chúa Giêsu dạy các tông đồ cầu nguyện. Nhưng mỗi lần Chúa dạy một khía cạnh khác nhau. Hôm nay, chúng ta được nghe một dụ ngôn mà thánh Luca giới thiệu ngay rằng : phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. Nhân vật chính trong dụ ngôn là một bà goá tranh đấu để được minh xét vì bà bị người khác ức hiếp.
Trong xã hội Do thái, bà goá là người cô thân, không ai nâng đỡ. Bà đến xin một ông quan toà cứu xét hoàn cảnh của mình. Nhưng quan toà nầy lại là một con người bạo ngược, không coi ai ra gì. Vì thế lời cầu khẩn của một bà goá nghèo nàn có là gì đối với ông. Nhiều lần bà đến xin ông xét xử cho, nhưng vô ích. Ông không để ý gì đến lời thỉnh cầu của bà. Bà không nản lòng và cứ đến nài xin mãi. Sau cùng, ông quan toà bạo ngược nầy phải chịu thua vì bực bội, ông đã cứu xét cho bà. Bà goá, tay không chân rồi, không ai nâng đỡ, nhưng sau cùng đã thắng được sự dửng dưng của quan toà nhờ sự kiên trì bền bĩ của bà.
Đem so sánh Chúa Cha với một ông quan tòa bạo ngược thật ra không thích hợp cho lắm, nhưng Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến sự bền chí của bà goá. Đối với một người xấu xa như ông quan toà nầy mà sự bền bĩ còn thắng được thì đối với Cha trên trời, là một người cha đầy lòng thương xót thì càng dễ dàng hơn biết bao !
Cầu nguyện, chúng ta là những con người hèn mọn tội lỗi, là thái độ của con người cần đến lòng thương xót của Chúa. Thế nhưng có rất nhiều người, cầu nguyện là đỏi hỏi Chúa chứ không phải nài xin. Làm như họ có quyền và Chúa phải nghe lời họ xin, Chúa phải thoả mãn những nhu cầu của họ khi họ cần. Nếu không thoả mãn những đòi hỏi của họ, họ sẽ không cầu xin gì nữa. Vì thế, nhiều người không cỏn biết cầu nguyện là gì nữa.
Hiện nay, đời sống vật chất dồi dào, tiền bạc, nhà cửa huy hoàng. Con người chỉ sống cho vật chât, đua đòi tiện nghi, không cần nghĩ đến linh hồn. Có thể nói, con người hôm nay có thể tự lo cho mình mà không cần Thiên Chúa. Vì thế, cầu nguyện trở thành vô ích, thừa thãi. Nhưng có đúng như vậy không ? Gần đây, chúng ta nghe tin nhiều cơn bão đã quét sạch các thành phố, con người, xe cộ trôi như bèo, những cuộc chiến tranh xảy ra khắp nơi trên thế giới, tàn phá hết bao nhiêu thành thị, làng mạc. Vũ khí tối tân tiêu diệt từng ngàn binh sĩ…Con người tiêu diệt lẫn nhau. Không có Chúa, con người chỉ biết tranh chấp và giết hại lẫn nhau mà thôi. Cuộc sống con người càng ngày càng mong manh. Khoa học mang lại cho con người nhiều tiện nghi nhưng lại tàn phá con người một cách không thương tiếc. Chúng ta không thể nào sống mà không có Chúa. Con người trong vụ trụ nầy chỉ là một phần tử nhỏ không đáng giá. Ai không cần Chúa, nhưng chúng ta, những kẻ tin, chúng ta cần Chúa, vì Chúa chính là nơi chúng ta ẩn náu, là hạnh phúc của cuộc đời chúng ta. Không có Chúa, cuộc sống chúng ta sẽ không còn ý nghĩa, chúng ta không biết đi về đâu. Chính thánh Phêrô đã nói như thế : “ Bỏ Thầy con biết theo ai, chỉ có Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”.
Cầu nguyện tức là cảm thấy Chúa là nguồn sống , là tất cả. Phải cầu nguyện luôn vì chúng ta cần Chúa như cần không khí, cần nước uống. chúng ta không có quyền đòi hỏi Chúa theo ý chúng ta, chúng ta chỉ có thể chờ đợi lòng thương xót của Chúa thôi. Chúa có thì giờ. Nhiều lúc Chúa để chúng ta chờ đợi lâu, vì Ngài biết chúng cần những gì, và lúc nào. Chúng ta cầu xin Chúa những ơn cần thiết cho cuộc sống, nhưng lắm lúc chúng ta cầu xin những điều không thích hợp. Chúa sẽ không đáp ứng những đòi hỏi vô căn cứ hay chỉ là thiệt hại cho chúng ta.
Hãy nhìn Chúa Giêsu cầu nguyện để học cầu nguyện như Ngài. Đó là cách hay nhất để biết cầu nguyện. Các thánh sử nói rằng, Ngài thức thâu đêm cầu nguyện với Chúa Cha. Cuộc đời trần thế của Ngài là một lời cầu nguyện nối dài. Ngài vâng phục ý Cha Ngài trọn vẹn, đó chính là một lời cầu đẹp ý Cha. Chúng ta có thể biến cuộc sống lao nhọc hằng ngày của chúng ta thành một lời cầu nguyện như Ngài. Nhưng chúng ta được một hồng ân cao quí khi chúng ta đến ăn lấy Ngài nơi bàn tiệc Thánh Thể. Chúng ta không còn cô đơn nữa.
Chính Chúa Giêsu đến trong chúng ta, cùng cầu nguyện với chúng ta, thì xin gì, chúng ta cũng sẽ được nhậm lời. Và có lẽ lúc ấy, chúng ta không còn cầu xin gì hơn là Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Lời cầu của chúng ta trở thành yêu thương. Cầu nguyện cuối cùng là yêu thương.
Lm Trầm Phúc
Kính chuyển:
Hồng