LỜI KINH LẠY CHA
- Details
- Category: 3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa
Thánh Phaolô nói rằng Chúa Thánh Thần là bậc thầy vĩ đại của lời cầu nguyện, Đấng dạy chúng ta thưa chuyện với Thiên Chúa, gọi Thiên Chúa bằng những lời trìu mến “Abba, Cha ơi” mà trẻ thơ vẫn dùng. Đây chính là điều Chúa Giêsu đã làm; ngay cả trong khoảnh khắc bi thảm nhất của cuộc đời trần thế, Ngài vẫn không bao giờ đánh mất niềm tin vào Chúa Cha và luôn kêu cầu Chúa Cha với lòng trìu mến của Người Con yêu dấu. Trong vườn Giếtsêmani, khi Ngài cảm thấy đau đớn vì cái chết đang đến gần, Ngài đã cầu nguyện: “Abba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14:36).
Ngay từ những bước đầu tiên trên hành trình của mình, Giáo Hội đã đón nhận lời cầu khẩn này và biến lời đó thành của riêng mình, đặc biệt là trong lời “Kinh Lạy Cha”, mà chúng ta đọc mỗi ngày: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6: 9-10).
Chúng ta thấy lời cầu nguyện này được lặp lại hai lần trong các Thư của Thánh Phaolô. Thánh Tông Đồ đã ngỏ lời này với tín hữu Galát: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Abba, Cha ơi!” (Gl 4: 6). Và, ở trung tâm của bài thánh ca dâng lên Chúa Thánh Thần, tức chương tám của Thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô tuyên bố: “Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: Abba! Cha ơi!” (Rm 8:15).
Kitô giáo không phải là một tôn giáo của sợ hãi, nhưng là của niềm tin và tình yêu dành cho Chúa Cha, Đấng yêu thương chúng ta. Cả hai lời khẳng định quan trọng này đều nói với chúng ta về việc Thiên Chúa sai Chúa Thánh Thần đến và việc chúng ta đón nhận Chúa Thánh Thần, ân huệ của Đấng Phục Sinh, Đấng làm cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa trong Chúa Kitô, Con Một, và đặt chúng ta vào mối tương quan con thảo với Thiên Chúa, một mối tương quan tin tưởng sâu xa, như con cái; một mối tương quan con thảo giống như Chúa Giêsu, dù nguồn gốc và phẩm tính của mối tương quan đó khác nhau. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa vĩnh cửu, Đấng đã mặc lấy xác phàm; trong khi đó, chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa trong Chúa Kitô, trong thời gian, qua đức tin và qua các bí tích Rửa Tội và Thêm Sức. Nhờ hai bí tích này, chúng ta được dìm mình vào Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô. Chúa Thánh Thần là ân huệ quý giá và cần thiết làm cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa, mang đến ơn nghĩa tử mà tất cả nhân loại được mời gọi, bởi vì, như lời chúc phúc thiêng liêng trong Thư gửi tín hữu Êphêsô đã giải thích: “Trong Chúa Kitô, Ngài đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Ngài, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Ngài. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Ngài, Ngài đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Chúa Giêsu Kitô” (Êphêsô 1:4 -4).
Có lẽ con người ngày nay không nhận ra được vẻ đẹp, sự vĩ đại và niềm an ủi sâu xa chứa đựng trong từ “Cha”, mà chúng ta có thể kêu lên Thiên Chúa trong lời cầu nguyện, bởi vì ngày nay hình ảnh người cha vốn thường không hiện diện đầy đủ và thường không đủ tích cực trong cuộc sống hàng ngày. Sự vắng mặt của người cha, vấn đề của một người cha không hiện diện trong cuộc đời của một đứa con, là một vấn đề nghiêm trọng của thời đại chúng ta. Do đó, hiểu được ý nghĩa của việc nói rằng Thiên Chúa thực sự là Cha của chúng ta là điều thật khó. Chính từ Chúa Giêsu, từ mối tương quan con thảo của Ngài với Thiên Chúa Cha mà chúng ta có thể học được ý nghĩa thực sự của từ “Cha” và bản chất đích thực của Chúa Cha trên trời là gì.
Những người chỉ trích tôn giáo đã nói rằng việc nói về “Cha”, về Thiên Chúa, là sự phóng chiếu hình ảnh của tổ tiên chúng ta lên cõi trời. Nhưng điều ngược lại mới đúng: trong Tin Mừng, Chúa Kitô cho chúng ta thấy ai là Cha, và vì Người Cha đó là một Người Cha đích thực, nên chúng ta mới có thể hiểu được tình phụ tử đích thực là gì và thậm chí học được tình phụ tử đích thực đó. Chúng ta hãy suy ngẫm về những lời của Chúa Giêsu trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu nói: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5:44-45). Chính tình yêu của Chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa, Đấng đã đi đến chỗ hiến mình trên Thập Giá, đã mạc khải cho chúng ta bản chất đích thực của Chúa Cha: Ngài là Tình Yêu, và trong lời cầu nguyện của chúng ta, với tư cách là con cái, chúng ta cũng bước vào vòng tròn tình yêu này, tình yêu của Thiên Chúa thanh tẩy những ham muốn, những thái độ khép kín, tự mãn và tính ích kỷ đặc thù của con người xưa cũ.
Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng thực tại Thiên Chúa là Cha có hai chiều kích. Trước hết, Thiên Chúa là Cha chúng ta bởi vì Ngài là Đấng Tạo Hóa của chúng ta. Mỗi người chúng ta, nam cũng như nữ, là một phép lạ của Thiên Chúa, được Ngài mong muốn và được Ngài biết đến một cách cá vị riêng tư. Khi Sách Sáng Thế nói rằng con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa (1:27), Kinh Thánh cố gắng diễn tả chính xác thực tại này: Thiên Chúa là Cha chúng ta, nhờ Ngài và vì Ngài, chúng ta không vô danh, không phải là những hữu thể phi ngôi vị nhưng có một danh xưng. Và một câu trong Thánh Vịnh luôn làm ta xúc động mỗi khi cầu nguyện. Tác giả Thánh Vịnh nói “Tay Chúa đã nắn con nên hình nên dạng” (Tv 119 :73). Trong hình ảnh tuyệt đẹp này, mỗi người chúng ta có thể diễn tả mối tương quan cá nhân của mình với Thiên Chúa. “Bàn tay Chúa đã nắn nên con. Chúa đã nghĩ đến con, đã tạo dựng và mong muốn con”.
Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ. Thần Khí Chúa Kitô mở ra cho chúng ta một chiều kích thứ hai của tình phụ tử Thiên Chúa, vượt ra ngoài tạo vật, bởi vì Chúa Giêsu là “Con” theo nghĩa trọn vẹn là “đồng bản thể với Chúa Cha”, như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính. Trở nên con người như chúng ta, qua việc Nhập Thể, chịu chết và Phục Sinh, Chúa Giêsu đến lượt Ngài đón nhận chúng ta trong nhân tính của Ngài và thậm chí trong bản tính Ngôi Con của Ngài, để chúng ta cũng được tham dự vào sự thuộc về Thiên Chúa cách đặc biệt của Ngài. Dĩ nhiên, việc chúng ta là con cái Thiên Chúa không có được sự trọn vẹn của Chúa Giêsu. Chúng ta phải ngày càng trở nên trọn vẹn như Chúa Giêsu trong suốt hành trình đời sống Kitô hữu, phát triển trong việc theo Chúa Kitô và hiệp thông với Ngài để ngày càng đi sâu hơn vào mối tương quan tình yêu với Thiên Chúa Cha, Đấng duy trì sự sống của chúng ta.
Chính thực tại nền tảng này được mạc khải cho chúng ta khi chúng ta mở lòng đón nhận Chúa Thánh Thần và Chúa Thánh Thần dẫn dắt chúng ta hướng về Thiên Chúa mà nói “Abba! Lạy Cha”. Chúng ta thực sự đã đi “trước cả khi tạo thành vũ trụ”, bước vào ơn được nên nghĩa tử cùng với Chúa Giêsu; được hiệp nhất, chúng ta thực sự ở trong Thiên Chúa và là con cái của Ngài theo một cách thức mới, trong một chiều kích mới.
Thánh Phaolô có hai đoạn văn nói về hoạt động của Chúa Thánh Thần trong lời cầu nguyện mà chúng ta đang suy ngẫm. Đây cũng là hai đoạn văn tương ứng với nhau nhưng mang một sắc thái khác nhau. Thực vậy, trong Thư gửi tín hữu Galát, Thánh Tông Đồ nói rằng Chúa Thánh Thần kêu lên: “Abba! Cha ơi!” trong chúng ta. Trong Thư gửi tín hữu Rôma, ngài nói rằng chính chúng ta kêu lên: “Abba! Cha ơi!” Và Thánh Phaolô muốn chúng ta hiểu rằng lời cầu nguyện của người Kitô hữu không bao giờ chỉ có một chiều, không bao giờ chỉ diễn ra từ chúng ta đến Thiên Chúa, không bao giờ chỉ là “một hành động của chúng ta”, mà đúng hơn, là sự biểu lộ của một mối tương quan qua lại, trong đó Thiên Chúa là Đấng hành động trước; chính Chúa Thánh Thần kêu lên trong chúng ta và chúng ta có thể kêu lên vì có động lực đến từ Chúa Thánh Thần.
Chúng ta sẽ không thể cầu nguyện nếu lòng khao khát Thiên Chúa, khao khát được làm con Thiên Chúa, không được khắc ghi trong sâu thẳm trái tim chúng ta. Từ khi xuất hiện, con người thông minh, homo sapiens, luôn tìm kiếm Thiên Chúa và nỗ lực thưa chuyện với Ngài bởi vì Thiên Chúa đã khắc ghi chính Ngài trong cõi lòng chúng ta. Do đó, sáng kiến đầu tiên đến từ Thiên Chúa, và với Bí tích Rửa tội, một lần nữa Thiên Chúa hành động trong chúng ta, Chúa Thánh Thần hành động trong chúng ta; Ngài là Đấng khởi xướng lời cầu nguyện đầu tiên để chúng ta thực sự có thể trò chuyện với Thiên Chúa và thưa “Abba! Cha ơi!” với Thiên Chúa. Do đó, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần làm cho những lời cầu nguyện và cuộc sống của chúng ta được mở rộng ra, ra mãi tới tận những chân trời của Ba Ngôi Thiên Chúa và của Giáo hội.
Thêm vào đó, chúng ta nhận ra điểm thứ hai, rằng lời cầu nguyện của Thánh Thần Chúa Kitô trong chúng ta và lời cầu nguyện của chúng ta trong Ngài không chỉ là một hành động cá nhân mà là một hành động của toàn thể Giáo hội. Khi cầu nguyện, tâm hồn chúng ta được mở ra, chúng ta không chỉ hiệp thông với Thiên Chúa mà còn thực sự hiệp thông với tất cả con cái của Thiên Chúa, bởi vì chúng ta là một thân thể. Khi chúng ta hướng về Chúa Cha trong không gian nội tâm của mình trong thinh lặng và tĩnh tâm, chúng ta không bao giờ cô đơn. Những ai thưa chuyện với Thiên Chúa thì không cô đơn. Chúng ta đang ở trong lời cầu nguyện lớn lao của Giáo Hội, chúng ta là một phần của bản giao hưởng vĩ đại mà cộng đoàn Kitô hữu trên khắp thế giới và trong mọi thời đại dâng lên Thiên Chúa. Dĩ nhiên, nhạc công và nhạc cụ khác nhau, và đây là một yếu tố làm phong phú, nhưng giai điệu ngợi khen thì duy nhất và hòa hợp. Vì vậy, mỗi khi chúng ta kêu lên hoặc thưa: “Abba! Cha ơi!”, thì chính Giáo Hội, toàn thể cộng đoàn dân Chúa đang cầu nguyện, nâng đỡ lời cầu khẩn của chúng ta, và lời cầu khẩn của chúng ta chính là lời cầu khẩn của Giáo Hội.
Điều này cũng được phản chiếu trong sự phong phú của các đặc sủng, các thừa tác vụ và nhiệm vụ mà chúng ta thực hiện trong cộng đoàn. Thánh Phaolô viết cho các Kitô hữu Côrintô: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người” (1 Cr 12:4-6).
Lời cầu nguyện vốn được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Đấng khiến chúng ta thưa lên “Abba! Cha ơi!” cùng với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, đưa chúng ta vào bức tranh khảm vĩ đại của gia đình Thiên Chúa, trong đó mỗi người đều có một vị trí và vai trò quan trọng, trong sự hiệp nhất sâu sắc với toàn thể.
Cuối cùng: chúng ta cũng học cách kêu lên “Abba! Lạy Cha!” cùng với Đức Maria, Mẹ của Con Thiên Chúa. Sự viên mãn của thời gian, mà Thánh Phaolô nói đến trong Thư gửi tín hữu Galát: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà”(4:4), được thực hiện vào khoảnh khắc Đức Maria thưa “Xin vâng”, khoảnh khắc Mẹ hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1: 38).
Chúng ta hãy học cách cảm nếm, trong những lời kinh của chúng ta, vẻ đẹp của việc được làm bạn, làm con cái thực sự của Thiên Chúa, được kêu lên Ngài với lòng tin tưởng của một người con dành cho cha mẹ yêu thương mình. Chúng ta hãy mở lòng cầu nguyện để cho Chúa Thánh Thần hoạt động, để trong chúng ta Ngài kêu lên Thiên Chúa lời: “Abba! Cha ơi!”, và để lời cầu nguyện của chúng ta biến đổi và liên tục hoán cải cách suy nghĩ cũng như hành động của chúng ta, để đưa chúng ta ngày càng gần gũi hơn với Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa.
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI
(Tiếp kiến chung, tại quảng trường Thánh Phêrô, thứ Tư, ngày 23 tháng 5 năm 2012.)
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung