CT PHAT THANH LIÊN TÔN - CƯ SĨ ANH DŨNG - GIỚI LUẬT

  •  
    CƯ SĨ ANH DŨNG
    Sat, Oct 8 at 8:31 AM
     
     

    Subject: Fwd: Tim Hieu Gioi Luat







     

                                                        Tìm hiểu GIỚI LUẬT

    Trong bất cứ Tôn giáo nào cũng đều có Giới Luật để buộc hàng môn nhơn đệ tử phải tuân thủ. Vì rằng, khi đã nhận làm môn nhơn đệ tử của một Tôn giáo mà không nghiêm thủ Giới Luật thì lấy chi bảo đảm rằng mình là tín đồ của Tôn giáo ấy.

    Sở dĩ người tín đồ khác với kẻ ngoại đạo là ở chỗ nghiêm thủ giới luật, vì giới luật có công năng rèn luyện cho người tín đồ những đức tánh cao cả, tránh mọi sai lầm có thể làm hạ giá trị con người, hạnh đức của người tu. Thế nên trong đạo Phật, giới luật đứng đầu trong các hạnh.

    Ngài Ðàm Nhứt Luật sư có nói rằng :"Tam thế Phật Pháp, giới vi căn bản, bản chi bất tu, đạo viễn hồ tai !" (Chư Phật ba đời thuyết pháp, đều lấy Giới hạnh làm căn bản ; căn bản không tu, xa đạo lắm vậy!).

    Kinh Phạm Võng khi nói về Giới Luật cũng có viết :"Giới minh như nhựt nguyệt, diệc như anh lạc châu; vi trần Bồ tát chúng, do thị thành chánh giác." (Giới sáng như mặt trời mặt trăng, cũng như hột châu anh lạc; các vị Bồ-tát đông như vi trần, đều nhờ trì Giới mà đặng thành chánh giác).

    Giới Luật là điều căn bản của các hạng tu hành, là hàng rào để ngăn chận các điều tội lỗi. Phương chi yếu điểm của nhà tu là cần đạt huệ, mà muốn có trí huệ thì trước tiên phải giữ Giới, nhân Giới mới sanh Định và nhân Định mới sanh Huệ. Tức là nhờ Giới, Định, Huệ tam học mới trừ được Tham, Sân, Si là tam độc để chứng thành Phật quả, như lời Đức Huỳnh Giáo Chủ chỉ dạy trong quyển “Giác Mê Tâm Kệ”:

    “Nếu ai mà biết chữ tu trì,

    Tâm bình tịnh được thì phát huệ.”

    hoặc:

    “Gìn giới cấm sửa tâm ô tạp,

    Niệm Phật thì phải dẹp lòng tà.”

    Và:

    “Đồ lao muốn lánh sớm nghe ta,

    Bố thí, trì chay, giữ giới mà.

    Phật Đạo trau giồi tâm tánh lại,

    Giác thuyền chuyên chở lúc can qua.”

    Sau đây, chúng ta thử tìm hiểu hai chữ GIỚI và LUẬT trong quyển Từ Điển Phật Học của Đoàn trung Còn để có thêm chút khái niệm về danh từ Phật học nầy.

    LUẬT: tiếng Phạn: Thi la (Sila), Ba la đề mộc xoa (Pratimoksha) : là phép tắc, là tiếng gọi chung những nghi thức, những giới cấm, giới luật mà người tu phải gìn giữ, để tránh sự quấy phạm.

    Bộ Luật hay Tạng Luật (một trong Tam tạng của đạo Phật là Kinh tạng, Luật tạng, Luận tạng): tiếng Phạn là Tỳ nại na (Vinaya): dùng biên chép giải thích đủ hết các giới cấm của các chúng tu, như luật nhân quả, luật tạo hóa, luật tuần hoàn…mà Đức Thầy có nhăc đến:

    “Luật nhân quả thật là cao viễn,

    Suốt Cổ kim chẳng lọt một ai.”

    (Khuyến thiện - Quyển 5)

    Hay: “Cho dương trần rõ luật Thiên công,

    Có Địa ngục Thiên đường hay chẳng?”

    (Bài SA ĐÉC)

    Hoặc: “Nhiều phương thuốc ngừa sau ngăn trước,

    Mà cũng không thoát luật tuần huờn”.

    (Khuyến thiện - Quyển 5)

    GIỚI (hay GIÁI): tiếng Phạn: Ba la đề mộc xoa (Pratimokasha) , Thi la (Sila). Một sự học trong Tam học (Giới, Định, Huệ), một độ trong Lục độ (1.-Bố thí, 2.-Trì giới, 3.-Nhẫn nhục, 4.-Tinh tấn, 5.-Thiền định, 6.- Trí huệ).

    Giới là những điều luật để phòng ngừa tránh cho thân thể, lời nói và tâm ý khỏi phạm điều quấy. Ví dụ như: Ngũ giới, Bát giới, Thập giới, Cụ túc giới, Bồ Tát giới, Tam Tụ giới…

    Niết Bàn Kinh có nói:“Giới là những pháp lành nâng chịu lấy mình một cách vững vàng, cũng như những nấc thang bằng đá. Hàng đệ tử xuất gia của Phật, đã thọ Giới, nhưng còn tham hưởng ngũ dục: Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, như vậy khác nào kẻ đem vàng mà đổi lấy thau.”

    Trong quyển ANH LẠC BỔN NGHIỆP lại nói:“Những chúng sanh vào trong biển Tam bảo thì lấy lòng Tin làm căn bổn, còn những ai nương náu trong nhà Phật, nơi chùa chiền, thì lấy Giới làm căn bổn. Tu hành phải giữ Giới, vì có Giới mới có Định, có Định mới phát Huệ, phát Huệ thì minh tâm kiến tánh, dứt các mê lầm.”

    Ai muốn thọ Giới, thì phải đến trước ban Tăng già mà làm lễ xưng Tam qui và xin thọ trì Giới cấm, sau khi ấy thì khá tin tấn theo đường lành, đừng có phạm Giới, phá Giới.

    Bực xuất gia thì mỗi kỳ rằm, nguơn có lễ làm lễ Bồ tát, tức là đọc Giới Luật đặng cho nhớ và luôn dịp xưng tội, xả tội với nhau.

    Bực tại gia thì mỗi tháng 2 kỳ, đối diện trước tượng Phật thờ tại nhà hoặc tại chùa mà làm lễ Sám hối, ăn năn những tội lỗi bằng thân, khẩu, ý đã phạm từ trước và quyết về sau giữ Giới mà tu trì.

    Những bực tu hành trì Giới thì được những món quả báo dưới đây:

    1.-Có trì giới, mới có trật tự.

    2.-Có trật tự, mới có sự không bất bình.

    3.-Không bất bình, mới có vừa ý.

    4.-Có vừa ý, mới có hỷ lạc.

    5.-Có hỷ lạc, mới có thanh tịnh.

    6.-Có thanh tịnh, mới có an tâm.

    7.-Có an tâm, mới có định.

    8.-Có định, mới có huệ.

    9.-Có huệ, mới có chán năm trần (Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc).

    10.-Có chán năm trần, mới có lìa thọ cảm.

    11.-Có lìa thọ cảm, mới có dứt tội lỗi.

    12.-Có dứt tội lỗi, mới có giải thoát.

    13.-Có giải thoát, mới chứng Niết bàn.

    Ngoài ra, kinh Phạm Võng còn nói:“Trong khi trì Giới nầy (Ba la Đề mộc xoa của Bồ Tát), như đương tối mà gặp sáng, như người nghèo được của báu, như người bệnh được lành mạnh, như kẻ bị cầm tù ra khỏi ngục, như kẻ đi xa được về. Nên biết cho Giới nầy là bậc Đại sư của Chúng tu. Nếu Đức Phật còn trụ ở đời, thì Ngài không khác gì Giới vậy.”

    Và kinh Đại Bát Niết Bàn (quyển 1), thì nhắc:“Phật có khuyên các nhà tu hành nên trì Giới cho kiên cố coi đó như cái phao nổi mà mình dùng để lội qua biển cả. Nếu cái phao nổi ấy xì hơi, thì người ta chìm giữa biển. Bồ Tát trì Giới cũng thế, dầu bỏ đi một phần Giới nhỏ nào, cũng chẳng được tới nơi Giải thoát.”

    Đức Huỳnh Giáo Chủ trong quyển “Khuyến thiện” cũng có chỉ dạy:

    “Chi cho bằng ta sớm lo toan,

    Gìn giới luật nghe Kinh trọng Phật.

    Đến lâm chung quả lành đâu mất,

    Cõi Tây phương chư Phật đợi chờ.”

    Tóm lại, công năng của Giới Luật là để ngăn ngừa những việc làm ác và đồng thời làm phát triển các việc làm lành. Ông Vương Kim (Phan Bá Cầm) cho biết, trong Phật-giáo có ba lối để ngăn ngừa việc ác và phát triển điều lành mà Luật-tạng gọi là Tam tụ giới :

    1.- Nhiếp luật nghi giới là gìn giữ mọi điều cấm giới để ngăn ngừa mọi điều ác không khởi lên. Như đã khởi rồi thì ăn năn cải hóa mà danh từ Phật học gọi là sám hối. Sám là ăn năn những tội lỗi đã làm, Hối là nguyện không tái phạm. Phàm đã sám hối thì chẳng những tội không tái phạm mà còn tự tiêu dần. Trong kinh Nghiệp Báo sai biệt có nói :"Nếu người phạm tội nặng mà tự trách mình, ăn năn không tạo nữa thì có thể dứt được những tội căn bản."

    2.- Nhiếp thiện nghiệp giới là khi gìn giữ các điều ác không cho khởi thì đồng thời nên làm các điều thiện. Phàm việc thiện chưa khởi thì nên làm cho nó khởi lên. Ví bằng đã khởi thì tiếp tục làm cho nó nẩy nở. Như mười điều ác của thân, khẩu, ý, một khi đã ngăn ngừa tức là thực hành được mười điều thiện, như lời Đức Thầy dạy bảo (trong quyển Khuyến thiện):

    “Ác trừ xong hiện ra thiện nghiệp,

    Lóng nguồn chơn Phật tiếp dẫn cho.”

    3.- Nhiêu ích hữu tình giới là khi làm mọi việc lành có ích cho sự tu thân lập mạng của mình rồi thì nên phát triển những công cuộc từ thiện hữu ích ấy đến các giới hữu tình. Ðó là công nghiệp của những người tu Bồ-tát hạnh, hoàn thành cả hai mặt tự lợi, lợi tha. Nhờ có những công đức ấy làm nền tảng, nên cái nhân tu hành thêm sâu dày, tích lũy cho đến ngày viên mãn, chứng quả vô lậu.

    Về giới tín đồ Ðạo Phật phân ra làm hai hạng: hạng Cư-sĩ tại gia, và hạng xuất gia. Về hạng tu tại gia thì có Ngũ-giới, Thập-giới; còn về hạng xuất gia thì Tỳ kheo có 250 giới và Tỳ kheo ni có 500 giới .

    Đặc biệt, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo thuộc về hạng tại gia Cư sĩ, đáng lý thọ Ngũ giới hay Thập giới, nhưng Ðức Thầy đặt ra Bát giới tức là Tám điều răn cấm. Sỡ dĩ có chỗ không đồng nhứt, chẳng qua vì căn cơ của chúng sanh ở thời Hạ nguơn mạt pháp, hơn nữa là để phù hợp với pháp môn Học Phật Tu Nhân mà cứu cánh là đưa dắt chúng sanh đến hội Long Hoa dựng đời Thượng Nguơn Thánh Đức hay được vãnh sanh về cõi Tây phương Cực lạc.

    Thắng diệu của Phập pháp là luôn luôn đối cơ và hạp duyên. Có nghiên cứu và tìm hiểu sâu xa Tám điều Răn cấm của Ðức Thầy, chúng ta sẽ thấy chỗ diệu dụng và siêu thắng ấy./.

    NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

    Trương văn Thạo

     

    --
    Xin quý vị gởi bài muốn post lên Diễn Đàn tới email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
    Thành thật cảm ơn.
    ---