CT PHAT THANH LIÊN TÔN - TU HỮU LẬU - CƯ SĨ ANH DŨNG

  •                                       Tu HU LU hay tu VÔ LU

     

                                        Tu mà ham cho được giàu sang,

                                 Với quyền tước là tu dối thế.

                                                    ( Giác Mê Tâm Kệ) quyển 4

     

              Ngàn xưa đến nay, nếu ai tu hành mà chọn sắc màu, chùa đẹp tượng Phật phết vàng cao lớn. Nào Phật xi măng, Phật cây, Phật đá, đồng âm thanh êm diệu, đờn ca xướng hát, mùi mẫn êm tai, đó là tu TƯỚNG. (Hữu Lậu).

              Lão Tử nói: Vi học nhật ích, vi đạo nhật tổn

                                    Tổn chi hựu tổn dĩ chí vô vi

                                          Vô vi nhi vô bất vi

                                     Thủ thiên hạ thường dĩ vô sự,

                                 Cập kỳ hữu sự bất túc dĩ thủ thiên hạ.

    Dịch:

              Theo học ( cái học hữu vi) thì mỗi ngày một thêm: Thêm tham muốn, thêm phân biệt.  Theo Đạo thì mỗi ngày một giảm- giảm dục vọng giảm phân chia- giảm rồi lại giảm cho đến vô vi. Không làm mà không gì không làm. Làm theo vô vi thì sẽ giữ được thiên hạ. Dùng hữu vi trị thiên hạ thì không lấy được thiên hạ.

              Ngược lại, nếu ai tu không chọn sắc màu âm thanh sắc tướng, đó là tu TÂM (Vô Lậu).

              Lão Tử nói:

                                           Thiên hạ chi chí nhu

                                      Trì sinh thiên hạ chi chí kiên

                                           Vô hữu nhập vô gian

                                      Ngô thị dĩ tri vô vi chi hữu ích

                                      Bất ngôn chi giáo, vô vi chi ích

                                              Thiên hạ hy cập chi.

    Dịch:

              Cái rất mềm trong thiên hạ, có thể nhẹ nhàng chế ngự cái cứng trong thiên hạ, Hãy xem xét khả năng xâm nhập của cái có vào nơi cái không có khoảng       cách không gian, ta mới thấy rõ khả năng của cái không – do đó cái lợi ích của vô vi. Dạy bảo mà không dùng lời, lợi ích ấy của vô vi, thiên hạ ít ai hiểu được.

                                                              (Lão Tử - Đạo Đức Kinh)

                                          “Khuyên sư vãi mau mau cải hối,

                                          Làm vô vi chánh Đạo mới mầu.

                                          Đạo Thích Ca nhiều nẻo cao sâu,

                                          Hãy tìm kiếm cái không mới có.”

                                                              ( Sấm Giảng Giáo Lý- Quyển nhì)

     

              “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng tắc kiến Như Lai”.

                                          ( Kim Cang Kinh)

             

              Sau đây chúng ta tìm hiểu HỮU- HỮU LẬU.

              HỮU. Có, trái với VÔ (không). Nói về quả báo của chúng sanh, hễ có nhơn thì có quả, nên kêu là Hữu.

              Nói về các Pháp, từ sắc cho đến tâm, nếu do nhơn duyên mà sanh ra thì kêu là Hữu (có); nhưng vì các pháp đều chẳng có tự tánh, cho nên kêu là Vô (không). Hữu là nhơn duyên thứ mười trong Thập Nhị Nhơn Duyên. Vì có cái Hữu nên có cái sanh; diệt được cái Hữu thì diệt được cái Sanh, kế diệt được cái Lão Tử, Khổ não.

              HỮU (Có) là sở kiến của người chưa hiểu Đạo, còn chấp cái bổn ngã, chưa thấy vạn vật là giả hiệp , biển đổi, vô thường. Hữu là cõi có, cõi hữu tình. Như Tam Hữu là ba cõi Sanh tử: Dục giới, Sắc giới và vô Sắc giới. Lại cữu hữu: Chín cõi có; Tức là Tam Hữu, nhưng nói rộng ra: 1. Dục giới. 2. Sơ thiền thiên. 3. Nhị thiền thiên. 4. Tam thiền thiên. 5. Tứ thiền thiên với Tịnh phạm địa. (từ 2 đến 5 là Sắc giới) 6. Không vô biên xứ. 7. Thức vô biên xứ. 8. Vô sở hữu xứ. 9. Phi tưởng phi phi tưởng xứ (6 đến 9 là vô Sắc giới.) Lại có, Nhị thập ngũ, hữu 25 cảnh có.

              Hữu là khoa giáo để dạy người mới học Đạo. Vô (không) là khoa giáo để dạy người tỉnh ngộ. cả hai khoa đều không chứa đủ thật nghĩa. Hữu là sự chấp có của những người chưa tu hành hoặc mới bước chơn vào Đạo, họ còn giử chặt cái bổn ngã, còn mê tríu sự vật. Muốn thoát khơi các khổ não gây ra bởi sự chấp Có ấy, người ta phải tham xét cho đắc lẽ Vô, bấy giờ người ta thấy ra mọi pháp hữu vi là giả dối, người ta dứt tríu mến. Nhưng tấn lên một bực nửa, người ta đạt tới mức Trung Đạo, nhận thấy lẽ Hữu, Hữu ngã là Phật tánh trường tồn, Như lai, Niết bàn, nhưng mà người ta không cố chấp Còn về lẽ Vô , thì người ta không nói tới. Như trong Niết Bàn Kinh có chép: Nếu nói rằng Có (Hữu), thì cái trí chẳng nên nhiễm có. Nhược bằng nói không (Vô), thì té ra nói láo.

              Hữu lại có nghĩa: Hữu tình, Chúng sanh. Như : Tam hữu, Cửu hữu ở trên, cùng là Vạn hữu (Số đông, tất cả chúng sanh). Như: Vạn Hữu qui nhứt Tánh : Tất cả chúng sanh đều theo về một Tánh, tức là Phật Tánh. Đồng nghĩa với câu: Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh (Tất cả chúng đều có sẵn cái Phật tánh, tất cả đều sẽ thành Phật).

    HỮU LẬU

              Có lậu. Cũng viết: Lậu. Lậu tức là phiền não, mê dục. Lục căn đối với Lục trần còn lậu tiết, còn rỉ ra, còn cảm xúc, còn lưu thông, nên kêu là lậu. Hữu lậu tức còn lưu chuyển trong vòng phiền não: Tham, Sân , Si, còn vấn vương trong Tam giới, Lục Đạo. Đối với Vô lậu là dứt lậu, dứt phiền não tríu mến, có tánh cách giải thoát , Niết Bàn.

              Hữu lậu lại có nghĩa: Phiền não (lầm lỗi) của chúng sanh (của chư Thiên) ở ba cõi Dục giới, Sắc giới và vô Sắc giới: Thân tâm đối với ngoại duyên, bèn làm sái; tính quấy. Ấy là một trong Tam lậu.

     

    Vừa qua chúng ta đã tìm hiểu về HỮU LẬU. Theo sau đây là VÔ LẬU.

              VÔ

              Vô là tiếng tiền tiếp tự, có nghĩa: Không, không xiết; Như: Vô minh (Phạn: Avijja) Vô số (Phạn: A samkhya, A tăng kỳ).

              Vô nghĩa là: Không, không có.

              Vô có hai nghĩa:

              1. Thật không có. Tỷ như người không có vợ, con.

              2. Có mà nhận là không có, như vậy để dứt mọi sự tríu mến, phiền não. Tức là không thấy có; đối với chúng sanh, đối với các Pháp, mình thấy là Vô.

              Vô lại có sáu nghĩa:

              1. Rốt ráo là không, không có nhơn, không có quả, không có chi cả. Như: Vô ngã (không có Ta), Vô ngã sở (không có món gì của ta).

              2. Tùy theo lúc mà không có, nhằm lúc không có. Như người đời nói: Hà trì vô thủy (Rạch, ao không có nước).

              3. Có ít, cũng kêu là không (vô). Như món ăn mà ít vị mặn, thì người ta nói là không ngọt (vô hàm); Nước ngọt mà ít ngọt, thì người ta nói không ngọt (vô điềm).

              4. Vì không thọ lãnh, cũng kêu là không (vô). Như bên Thiên trước, người dòng Chiên Đà La không có thể thọ Pháp Bà La Môn, nhơn đó mà người ta kêu là Vô Bà la môn.

              5. Nhơn vì thọ lãnh phép xấu, phạm việc tà ác, người đời cũng gọi là Vô. Như vị Sa môn hoặc vị Bà la môn thọ tà Pháp, làm sái Đạo, người ta chê là: Vô sa môn, Vô bà la môn.

              6. Vì chổ đối chiếu, người ta gọi là Vô. Như đối với món trắng, người ta gọi Vô bạch (không trắng) để chỉ món đen; đối với sự sáng láng tỏ rõ, người ta gọi Vô minh để chỉ món tối tăm, u ám.

              Về lẽ Vô, có hai thứ:

              1. Cái Vô của hạng chấp trước.

              2. Cái Vô của hạng không chấp trước (chơn Vô). Bực mới tu tỉnh, nhận ra rằng chư Pháp, vạn vật đều là Vô (không): Không có Trời, Đất, Thiên đường , Địa ngục, Không có quả báo chi cả. Chỉ là nhơn duyên kết cấu thôi, chỉ là Tứ đại, Lục đại giả hiệp thôi. Ấy là họ chấp trước, sa vào tà kiến, thiên lệch. Đó là lẽ Vô của TIỂU THỪA.

              Bực hiểu ra cái Chơn Vô (chơn không) , thấu lẽ Trung Đạo, thì thấy rằng chẳng phải có, chẳng phải không (Phi hữu, phi Vô), tức là: Có mà chẳng phải có, không mà chẳng phải không. Đó mới là lẽ Vô của ĐẠI THỪA.

              Về cái Vô chơn thật nầy, trong: (( Tứ Thập Nhị Chương Kinh)), chương 18, có chép rằng: Ngô pháp: Niệm Vô niệm, hành Vô hành, ngôn Vô ngôn, tu Vô tu; hội giả cận nhĩ, mê giả viễn hồ. (Cái Pháp của Ta là : Nghĩ cái điều nghĩ không nghĩ, làm cái việc làm không làm, nói cái lời nói không nói, tu cái sự tu không tu. Ai tỉnh thì gần Nó ; ai mê thì xa Nó).

              VÔ LẬU

              Không lậu tiết, không lậu lạc; tức là không có các mối phiền não. Trái với : Lậu, Hữu lậu.

              Con người ta vì Phiền não: Tham, Sân, Si, cho nên ngày đêm để cho sáu cơ quan: Nhãn, Nhỉ, Tỷ, Thiệt , Thân, Ý cứ lậu tiết chảy ra, lưu thông mãi không ngừng. Ấy là Lậu.

              Lại nửa, những mối Phiền não: Tham, Sân, Si khiến cho người ta lậu lạc, sa ngã vào trong ba nẽo ác lụy (Tam ác đạo) và Sáu đường Luân hồi (lục đạo). Ấy là Hữu lậu.

              Cho nên nói Hữu lậu là những phàm phu chưa dứt Phiền não, còn lưu luyến, còn sa ngã trong vòng luân hồi khổ não.

              Còn Vô lậu là bực Thánh, dứt Phiền não, thoát ra ngoài vòng Luân Hồi.

     

              Ôi! Thật là diệu lý phân minh rành mạch của 2 Đường HỮU LẬU và VÔ LẬU, cũng như cái hiểu biết phân biệt của TIỂU THỪA và ĐẠI THỪA.

              Do đó mà Đức Thầy dạy bảo chúng ta:

                                                              ******

                                          “Hào quang chư Phật rọi mười phương,

                                           Đạo pháp xem qua chớ gọi thường.

                                          Chuyên chú nghĩ suy từ nét dấu,

                                          Cố công gìn giữ tánh thuần lương.”

                                                              (Sấm Giảng Giáo Lý ) quyển 5

     

                                          Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

                                                Nam Mô Thị Hiện Kim Sơn Phật

                                                              Trương Văn Thạo

     

    Trích lục: -Sấm Giảng Giáo Lý PGHH.

                    - Đạo Đức Kinh

                    - Kinh Kim Cang

                    - Phật Học Từ Điển