HỌC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - LM NGÔ TÔN HUẤN

  •  
    Chi Tran -LEYEN CHUYỂN
     
     
     
     


     
    NHỮNG TỘI PHẠM TRONG 10 ĐIỀU RĂN
    Điều Răn Thứ Mười: „Chớ tham của người“
    LM NGÔ TÔN HUẤN
    Như đã trình bày ở trên, đã là người ai mà lại không thích giàu sang, ai lại không muốn có nhiều tiền lắm của. Hơn nữa, tự bản chất sự ước muốn và sự có nhiều tiền lắm của không chỉ là một điều chính đáng và hợp lý, chứ không có gì là xấu xa hay tội lỗi cả, mà còn là điều rất cần thiết nữa.
    Bởi vì, chỉ khi có được một tình trạng kinh tế ổn định, vững chắc và dồi dào phong phú thì người ta mới khả dĩ có đầy đủ điều kiện để thăng tiến bản thân và gia đình, để tổ chức cuộc sống của mình cũng như của gia đình một cách xứng đáng với nhân phẩm hơn, và tiếp đến, là để góp phần vào công cuộc cải tiến và xây dựng cuộc sống xã hội một ngày một thêm tốt đẹp và phồn vinh hơn.
    Trái lại, tự bản chất của nó, sự nghèo khổ và sự khốn cùng chỉ đày đọa con người, và đồng thời là một nguy hiểm tìm hạ thấp cuộc sống con người xuống hàng thực vật, tức hằng ngày chỉ còn biết lo nghĩ đến việc làm sao có được miếng cơm bỏ bụng và manh áo che thân, chứ đâu còn thời giờ hay sức lực để nghĩ đến văn hóa, khoa học hay những giá trị tinh thần cao quý khác. Và cũng chính từ chỗ đó, sự nghèo khổ và sự khốn cùng thường đưa đẩy con người dễ bị rơi vào những sai phạm, vào những hành động thấp hèn, không phù hợp với nhân phẩm cũng như đạo lý làm người ở đời. Vì cổ nhân xưa nay vẫn dạy: „Túng hay làm càn“, hay: „Bần cùng sinh đạo tặc“, nghèo thì hay sinh ra trộm cướp!
    Bởi vậy, Điều Răn Thứ Mười không bao giờ cấm ta làm giàu, không bao giờ cấm ta có nhiều của cải, nhưng dạy ta không được đem lòng tham lam các của cải vật chất một cách quá độ, đến nỗi chẳng những không vừa lòng với những gì mình có, mà còn thèm muốn, dòm ngó và tìm cách chiếm đoạt các của cải của kẻ khác một cách bất chính. Đó chính là sự khác biệt. Đó chính là tội phạm mà Điều Răn Thứ Mười ngăn cấm ta.
    Hơn nữa, ở đời ai cũng biết rằng: „Đồng tiền liền khúc ruột“. Vì, chỉ trừ một số rất ít người nào đó được số phận dành cho ít nhiều may mắn, còn đối với đại đa số thì để có được đồng tiền, thường người ta phải lao công vất vả, phải thức khuya dậy sớm, phải đổi lấy miếng cơm manh áo bằng mồ bôi nước mắt. Vì thế, đồng tiền của họ làm ra được là một cái chi vô cùng quý giá và thân thương, gắn chặt với cuộc sống của họ và của gia đình họ. Đó cũng là lý do đòi mọi người phải luôn biết tôn trọng của cải của nhau, không ai có quyền xúc phạm, có quyền chiếm đoạt cách bất công các tài sản của kẻ khác. Ngay cả sự tham muốn cách vô lý các tài sản của kẻ khác, cũng bị cấm ngặt, vì lòng tham muốn thực sự các của cải của kẻ khác là bước đầu đưa tới hành động cướp đoạt các của cải ấy.
    Việc chiếm đoạt gia tài, tiền bạc và các của cải của kẻ khác thường dẫn tới những hậu quả tai hại kèm theo cho các nạn nhân. Nhiều khi tội phạm đó làm thiệt hại đến sự hạnh phúc, đến tương lai và cả đến sự sống còn của cả gia đình họ nữa. Vì thế, hành động ấy là một trọng tội: vừa lỗi phép công bằng, vừa vô nhân đạo, vừa xúc phạm đến đức bác ái.
    Để tránh thảm họa bất công đó cho người khác, người ta cần phải lo chăm chỉ làm ăn và kiếm sống bằng đồng tiền lương thiện, bằng chính đồng tiền do sức lao động của mình làm ra, chứ tuyệt đối không được đưa mắt dòm ngó, không đem lòng ganh tị, tham muốn và tìm cách chiếm đoạt tài sản của kẻ khác một cách bất chính. Dĩ nhiên, ở đây lòng tham lam chiếm đoạt tài sản của kẻ khác được hiểu giữa cá nhân này với cá nhân kia, giữa đoàn thể này với đoàn thể kia cũng như giữa các cấp chính quyền với các đoàn thể hoặc các cá nhân trong tầng lớp dân chúng.
    Đây hẳn là một điều quá minh nhiên và hữu lý. Thế nhưng, trong xã hội vẫn không ít người chỉ biết „ngồi mát ăn bát vàng“, chỉ biết lười biếng không chịu tự lực kiếm sống, nhưng lại muốn sống ung dung nhàn hạ nhờ vào công sức của người khác. Đó là cuộc sống ký sinh, cuộc sống tầm gửi, một cuộc sống chỉ biết bám nhờ vào sức lao động của người khác, và vì thế là một cuộc sống bất công. Và những người đành tâm hạ mình sống cuộc đời ít giá trị nhân phẩm như thế thường hay đem lòng ganh tị và tham muốn tài sản của người khác, và rồi tìm cách chiếm đoạt số tài sản ấy bằng đủ mọi giá, nhất là khi họ có quyền hành trong tay như các cấp chính quyền, đặc biệt trong các nước độc tài đảng trị.
    Đó chính là lý do cắt nghĩa tại sao trong cuộc sống hằng ngày trong xã hội nhân loại luôn vẫn xảy ra các tội ác vô nhân đạo, như: trộm cắp, cướp bóc, hành hạ hay giết hại các chủ tài sản một cách dã man và chiếm đoạt tài sản của họ một cách bất công. Và như đã nói trên, đó là điều xảy ra trong phạm vi giữa các cá nhân đối với các cá nhân, cũng như trong lãnh vực rộng lớn hơn, giữa các nhà nước độc tài chuyên trị đối với các tầng lớp nhân dân vô tội của họ.
    Đây là một điều bất công và vô nhân đạo, mà đa số người Việt Nam nói chung và các tín hữu Công Giáo Viêt Nam nói riêng đã từng gồng lưng gánh chịu trong bao thế kỷ qua và đang phải tiếp tục đối mặt cũng như đang phải chịu đựng, như các vụ vừa xảy ra gần đây tại Tòa Khâm Sứ cũ, tại các giáo xứ Thái Hà, Đồng Chiêm (Hà Nội), Đồng Đinh (Ninh Bình), Tam Tòa Quảng Bình), Loan Lý (Thừa Thiên), Cồn Dầu (Đà Nẵng), v.v…: Các giáo dân tay không đã bị công an cộng sản đánh đập một cách vô cùng dã man bằng dùi cui, gậy gộc hay báng súng đến bất tỉnh hay bị bại liệt suốt đời, còn biểu hiệu linh thiêng của tôn giáo là Thánh Giá, các ảnh tượng thánh, bàn thờ và các nơi thờ phượng của họ bị triệt hạ bằng địa; và chỉ vì mục đích duy nhất là các cấp chính quyền địa phương liên hệ tham muốn chiếm đoạt số đất đai tài sản của các giáo xứ nói trên.
    Hơn nữa, không những họ lợi dụng quyền bính trong tay để xâm chiếm tài sản của người dân lành một cách bất công như thế, nhưng họ còn tước đoạt luôn cả quyền tự vệ chính đáng tối thiểu của người dân nữa. Đây quả là những tội ác thế kỷ! Những tội ác phản lại nhân bản, phản lại quyền tự do và nền văn minh nhân loại! Những tội ác không chỉ xúc phạm đến các quyền làm người cơ bản của các giáo dân thuộc các giáo xứ liên hệ, mà còn làm suy giảm và làm thiệt hại một cách trầm trọng đến uy tín của cả dân tộc Việt Nam trước dư luận quốc tế.
    Nếu quả thực những vị cầm đầu cao nhất của nhà nước Việt Nam có đủ sáng suốt và đủ công minh để nhìn ra được điều tai hại to lớn khó lường này cho quốc thể Việt Nam, thì chắc chắn họ đã phải trả lại công lý cho những người công dân vô tội liên hệ và bằng mọi cách không để những tội ác tương tự tiếp tục xảy ra trong tương lai nữa, như hiện nay.
    Còn về phần mình, những người tín hữu Công Giáo chân chính luôn dùng ân báo oán, tức luôn biết can đảm tha thứ và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ và giết hại mình như chính Đức Giê-su đã nêu gương trước khi Người bị treo trên thập tự giá: „Lạy Cha, xin Cha tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ làm“ (Lc 23,34), chứ người tín hữu Công Giáo không bao giờ dùng oán báo oán theo thói đời. Đó chính là thái độ và cách cư xử mà các giáo dân Công Giáo thuộc những giáo xứ kể trên đã thực hành khi họ bị đàn áp và hành hung dã man một cách bất công, vì nguyên tắc chỉ đạo nền tảng và thánh thiêng của người tín hữu Công Giáo được gói ghém trong câu nói chí lý: „Giáo Hội không bạo động, Giáo Hội không nổi dậy, Giáo Hội chỉ đòi hỏi công lý mà thôi“ của Đức Cha Phaolô Cao Đình Thuyên, vị chủ chăn đáng kính và can trường của Giáo phận Vinh đã công khai tuyên bố trước hơn 200.000 giáo dân có mặt trong Thánh Lễ mừng Đức Mẹ Lên Trời ngày 15.8.2009, tại trung tâm Giáo phận ở Xã Đoài, Nghệ An.
    Nói tóm lại, những trình bày trên đây đã cho thấy rằng lòng tham lam của cải vật chất quá độ đã biến đổi và làm cho con người trở nên mù quáng, nguy hiểm và độc ác như thế nào, nhất là nếu những con người ấy lại là những người vô thần, những người không có định hướng tôn giáo, những người không tin kính Thiên Chúa và không chấp nhận các Giới Răn của Người như điểm tựa luân lý vững chắc, thì càng tàn bạo, càng vô nhân đạo và càng lún sâu vào các tội ác chống lại nhân loại.
    Hiểu và sống Mười Điều Răn Thiên Chúa
    Lời Kết
    Qua những dòng trình bày trên đây chắc hẳn chúng ta đã cảm nhận được rằng khi phải sống giữa một xã hội đầy bon chen và lừa lọc, đầy ngang trái và đảo điên, duy vật và vô thần, v.v… như xã hội hôm nay, trong đó con người mất hết định hướng và không còn biết rồi đây con thuyền đời mình sẽ bồng bềnh trôi dạt về đâu, thì Mười Điều Răn Thiên Chúa quả thực là Kim chỉ-nam cần thiết duy nhất, có thể giúp con người tìm gặp lại được hướng đi đúng đắn. Vâng, giữa biển đời mịt mù tăm tối, mọi giá trị đạo đức bị đảo lộn và cảnh „vàng thau lẫn lộn“ như hôm nay, hơn bao giờ hết con người cần đến Mười Điều Răn Thiên Chúa như ngọn hải đăng sáng chói, soi lối cho họ nhìn thấy được bờ hạnh phúc, nhìn thấy được bến cứu rỗi.
    Đúng vậy, các Giới Luật Thiên Chúa nói chung và Mười Điều Răn của Người nói riêng, quả thực là Kim chỉ-nam cần thiết duy nhất, là những lời hướng dẫn đúng đắn và quan trọng nhất mà Thiên Chúa nhân hậu đã dành cho toàn thể con cái loài người, những kẻ đang mò mẫm trên con đường tìm về cứu cánh đời mình, tìm về nguồn ơn cứu rỗi và hạnh phúc vĩnh cửu và chân thật.
    Do đó, dù muốn hay không, con người không còn sự lựa chọn nào khác ngoài sự tin tưởng chấp nhận và tuân giữ Mười Điều Răn Thiên Chúa, nếu như con người thực sự muốn sống có ý nghĩa, muốn sống trong an bình và hạnh phúc ngay ở đời này và đời sau, vâng, nếu con người muốn được cứu rỗi và được hạnh phúc muôn đời.
    Vì Mười Điều Răn là những lời hướng dẫn, là những lời chỉ dạy của chính Thiên Chúa toàn năng, của Đấng Tạo Hóa vô biên, của Người Cha vô cùng nhân hậu đối với toàn thể con cái loài người. Thiên Chúa là vị Thần Linh tối cao duy nhất, là Chân Thiện Mỹ tuyệt đối và là nguồn ơn cứu rỗi sau cùng. Ngoài Thiên Chúa ra không còn có vị thần linh cứu rỗi nào khác, nghĩa là không còn một vị thần linh nào khác có thể cứu rỗi được ta, có thể ban cho ta sự hạnh phúc chân thật và trường cửu (x. Xh 20,1-2; Is 45,5-6.18-219). Ngoài Thiên Chúa không hề có sự cứu rỗi. Vâng, ngoài một mình Thiên Chúa toàn năng ra, tất cả mọi bụt thần khác của lương dân đều do tay người phàm tạo ra, là những thứ hoàn toàn hư vô và bất lực (x. Is 41, 21-29). Các tượng thần ấy chỉ là gỗ đá hay vàng bạc do tay phàm nhân làm nên. Chúng có mắt có miệng mà không nhìn không nói được; chúng có mũi có tai mà không ngửi không nghe được; có hai tay mà không thể sờ mó được; có hai chân mà không bước đi được (x. Tv 115, 4-7).
    Vì thế, tất cả những ai u mê tin tưởng chạy theo thờ lạy các thứ thần linh giả tạo đó, là liều mình bước đi trên con đường lầm lạc và hậu quả sau cùng là sẽ chuốc lấy cho mình sự bất hạnh muôn đời.
    Nếu chúng ta biết xác tín được sự thật ấy, chúng ta mới nhận chân được rằng tất cả những gì Thiên Chúa thực hiện cho mình – dù những điều ấy có làm vừa lòng hay có phù hợp với những chờ đợi mong muốn tự nhiên trước mắt của ta hay không – đều tốt cho ta, đều mang lại hạnh phúc và nguồn vui chân thật cho ta. Bởi vì, bất cứ điều gì Thiên Chúa thực hiện cho ta là đều do tình thương vô biên của Người đối với ta mà thôi. Người chỉ muốn cho tất cả chúng ta cũng như từng người trong chúng ta được hạnh phúc và được hạnh phúc một cách trọn vẹn.
    Cũng vì thế, những gì Thiên Chúa thấy tốt, hữu ích và mang lại hạnh phúc đích thực cho ta, thì Người thực hiện, chứ Người không bao giờ tham khảo ý kiến của ta trước, xem ta có bằng lòng hay không. Do đó, ta hãy luôn nỗ lực sống theo thánh ý và sự an bài đầy yêu thương của Thiên Chúa, chứ Thiên Chúa không luôn luôn nhất thiết phải thực hiện theo ý muốn của ta.
    Vậy, sống ở đời, người khôn ngoan và hạnh phúc nhất là người luôn biết thuận theo ý Trời. „Quân tử úy thiên mệnh“: Người hiền đức quân tử luôn biết tôn trọng mệnh Trời, là thế. Vì họ luôn xác tín được rằng tình yêu thương Thiên Chúa dành cho họ thật là trời biển, thật là vô bờ bến và những gì Người làm cho họ hay để xảy đến cho họ, niềm vui cũng như nỗi buồn, đều chỉ nhằm mưu cầu hạnh phúc chân thật cho họ mà thôi
    Và tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho nhân loại được tỏ bày một cách rõ ràng và cụ thể nhất trong Mười Điều Răn mà Người đã long trọng truyền giao cho thánh tổ phụ Mô-sê xưa kia trên núi thánh Si-nai (núi Hô-rép).
    Thật vậy, nội dung của Mười Điều Răn Thiên Chúa – Mến Chúa và yêu người – là tình yêu và sự thật. Vì thế, Mười Điều Răn Thiên Chúa không những nâng đỡ và chỉ lối cho từng người tìm tới được ý nghĩa và hạnh phúc chân thật của đời mình, nhưng còn là phương tiện chân chính duy nhất có thể giúp thăng tiến và tạo nên một xã hội lành mạnh, an bình và tươi sáng thực sự.
    Bởi vậy, Mười Điều Răn Thiên Chúa là nền tảng cho mọi luật lệ chân chính của xã hội loài người. Nói cách khác, mọi luật lệ của các tổ chức, của các đoàn thể, của các dân tộc và của toàn xã hội loài người, đều phải đặt nền tảng trên tinh thần Mười Điều Răn Thiên Chúa, nếu chúng thực sự muốn phục vụ các quyền con người, các phúc lợi chung của xã hội.
    Điều đó cũng muốn nói rằng khi bất cứ một luật lệ loài người nào không được xuất phát từ tinh thần Mười Điều Răn Thiên Chúa hay không phù hợp với tinh thần Mười Điều Răn Thiên Chúa, thì chắc chắn nó chỉ tạo nên sự bất ổn, sự đổ vỡ và sự bất hạnh cho các cá nhân và cho cả xã hội, chứ không thể mang lại sự an vui, hạnh phúc và những điều tích cực chân chính được. Và đó là ý nghĩa của lời Kinh Thánh dạy: „Phúc cho dân tộc nào có Thiên Chúa làm Chúa mình“ (Tv 33,12), tức dân tộc biết tin thờ Thiên Chúa và tuân giữ Mười Điều Răn của Người.
    Nguyện xin Thần Linh Thiên Chúa soi sáng cho mỗi người trong chúng ta nhận chân được những sự thật trên đây, để chúng ta biết yêu mến và tuân giữ nghiêm chỉnh Mười Điều Răn Thiên Chúa ở mọi nơi và trong mọi lúc, hầu cho tất cả chúng ta đạt tới được cứu cánh đời mình là sự cứu rỗi và cuộc sống hạnh phúc muôn đời trong Nước Thiên Chúa.
    Imprimatur
    LM NGÔ TÔN HUẤN
     
    Chia sẻ
    Bạn đã xem hết