THIÊN CHÚA LÀ CHA CỦA TÔI - NHÌN LẠI SỰ CHẾT CỦA CHÚA
- Details
- Category: Thiên Chúa Là Cha Của Tôi
-
nguyenthi leyen <This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.>Apr 16 at 12:35 AM
KHÁM PHÁ LẠI CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA GIÊSU TRONG CUỘC ĐỜI MÌNH
Các sách Tin mừng trình thuật biến cố Đức Giêsu chịu tử nạn bắt đầu từ bữa tiệc ly. Truyền thống phụng vụ của Giáo hội cũng cử hành cuộc khổ nạn của Đức Giêsu bắt đầu bằng việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể vào tối Thứ Năm Tuần Thánh.
Tận dụng những ngày cuối mùa chay, chúng ta nhìn lại cuộc đời mình trong cuộc thương khó Chúa Giêsu:
- Để đi vào Tuần Thánh với tâm tình sâu lắng và hiệp thông với Chúa hơn.
- Để thấy rõ mình hơn qua các nhân vật trong cuộc thương khó của Chúa.
- Để làm một cuộc hoán cải sâu xa hơn, nhờ đó có khả năng góp phần với Chúa để đem lại niềm vui ơn cứu độ cho anh chị em mình.
- BỮA TIỆC LY
Chúa Giêsu ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ, cũng là bữa tiệc cuối cùng trên dương thế, gọi là bữa Tiệc Ly. Đó là bữa tiệc linh thiêng vì Ngài để lại một di chúc kép cho các môn đệ, là việc rửa chân cho các ông và việc lập Bí tích Thánh Thể, đi liền với Bí tích Truyền chức. Rửa chân nói lên sự yêu thương phục vụ con người đến tận cùng mà đỉnh cao là việc hiến thân trên thập giá. Qua đó Bí tích Thánh Thể được cụ thể hóa, trở nên một thực tại linh thiêng và sống động trong đời Kitô hữu giữa trần gian.
- Rửa chân cho các môn đệ
Bữa tiệc ly bắt đầu bằng một cử chỉ khiêm hạ đến lạ lùng. Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, cho Phêrô và cho cả Giuđa, một anh thì chối Thầy, một anh thì phản Thầy. Rửa chân là hành động của tôi tớ phục vụ chủ. Rửa chân đòi Ngài phải cuối xuống thật gần, thật sát, thật sâu để làm công việc mà người ta cho là hèn kém. Tình yêu đã khiến Ngài hạ mình xuống dưới cả các môn đệ của mình.
Điều đặc biệt ở đây là Ngài truyền cho họ giới răn mới là “hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Đức Giêsu yêu các môn đệ bằng một tình yêu đồng cảm. Ngài biết rõ nhược điểm và tâm ý không tốt của từng người, nhưng vẫn yêu thương họ. Điều cao vượt nơi Chúa Giêsu là luôn tha thứ và đón nhận các môn đệ trong mọi tình trạng của họ. Nhờ đó mà họ luôn có được một cơ may để làm nên cuộc sống mới.
Những người yêu thương chúng ta thật sự là những người biết rõ những điều tệ hại nhất nơi chúng ta mà vẫn yêu thương. Tình yêu đích thực thì bao giờ cũng mong cho người kia trở nên tốt hơn, nhưng vẫn đón nhận những điều chưa tốt.
Bản thân chúng ta có học nổi bài học khiêm hạ để phục vụ như Chúa Giêsu không?
– Khi nhìn Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, chúng ta hiểu mình phải thay đổi thái độ và cách cư xử với mọi người. Không sống như một ông chủ, nhưng như một tôi tớ. Không coi mình là quan trọng nữa, nhưng coi người khác trọng hơn mình.
– Từ khi Chúa Giêsu cúi xuống rửa chân cho cả Giuđa, kẻ phản bội, ta mới thấy không ai là không xứng đáng để cho mình phục vụ. Con người dù đốn mạt đến đâu, thì Chúa vẫn yêu thương, nên đừng bao giờ khinh dễ bất cứ ai, và đừng để mình xa lìa tình yêu Chúa.
- Lập Bí tích Thánh Thể
“Đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng… Rồi Ngài cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn…” (Mt 26,26-28).
Việc thiết lập Bí tích Thánh Thể đã thực hiện trước dưới hình thức bí tích về những gì Chúa Giêsu sẽ thực hiện trong Tam Nhật Vượt Qua. Ngài cho thấy chính Ngài là chiên hiến tế thực sự, nằm trong kế hoạch của Chúa Cha từ khi thành hình thế gian (x. 1Pr,18-20), để canh tân lịch sử và toàn thể vũ trụ.“Đó là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc phục sinh, trong đó khi lãnh nhận Chúa Kitô, tâm hồn ta được tràn đầy ân sủng và bảo chứng cho ta một vinh quang tương lai” (SC 47).
Qua Bí tích Thánh Thể: Chúa Giêsu vẫn hiến thân để cứu chuộc loài người chúng ta; vẫn đang yêu bằng một trái tim bị đâm thâu vì tội lỗi chúng ta; vẫn là Tấm Bánh bẻ ra để tiếp tục trao ban sự sống mới của Ngài cho nhân loại.
Cử hành Thánh Thể không phải là một nghi thức hay nghi lễ, mà là một thực tại: biến sự sống của ta thành sự sống của Chúa, để ta trở thành sự sống cho anh chị em mình. Bởi vậy, những khó khăn, thử thách và đau khổ hằng ngày của ta, nếu được nhìn từ Bí Tích Thánh Thể, thì rõ ràng đó là tấm bánh mầu nhiệm đang được bẻ ra để trao ban cho người khác, đang được nghiền nát dần dần trong từng ngày hiến thân.
Thánh Thể thật là Mầu Nhiệm vô biên của lòng thương xót Chúa trên cuộc đời mỗi người chúng ta. Cũng vì chúng ta mà có Thánh Thể. Cũng nhờ Thánh Thể mà có chúng ta. Đức Gioan Phaolô II xác quyết: “Ai nuôi mình bằng Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, không cần đợi chờ một thế giới bên kia để nhận lãnh sự sống đời đời, họ đã chiếm hữu nó ngay từ đời nầy, như hoa quả đầu mùa của sự sung mãn sẽ tới, liên hệ đến toàn thể con người”[1]. Cả cuộc đời ta phải thành lời ca cảm tạ và là chứng nhân tình yêu cho mầu nhiệm rất thánh này.
- Cũng như Chúa Giêsu, ta hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. (Rm 12,1).
- Trong Chúa Giêsu, ơn gọi đích thực của mỗi người chúng ta là trở nên tấm bánh bẻ ra cho mọi người. Cụ thể là phải chia sẻ, vui chịu những đau khổ hằng ngày, biết nhẫn nhục để sống cho nhau, vì nhau.
- Hiệp nhất với Chúa Giêsu Thánh Thể phải đưa đến sự hiệp nhất với nhau, vì Chúa đang hiện diện ẩn mình nơi anh chị em mình, nhất là nơi những người nghèo khổ và bất hạnh (x. Mt 25).
- Đêm tối của Giuđa
Cuối bữa ăn tiệc ly của tuần rượu thứ nhất, Chúa Giêsu cảm thấy tâm thần xao xuyến, Ngài tuyên bố: “Thật Thầy bảo thật anh em, có một người trong anh em sẽ nộp Thầy. Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai… (Ga 13,21-24). Chúa Giêsu trả lời: “Thầy chấm bánh đưa cho ai thì chính là kẻ ấy” (Ga 13,26).
Theo truyền thống Do Thái, chủ tiệc chấm bánh trao cho một người nào đó, thì đó là một cử chỉ rất ưu ái. Trao tấm bánh cho Giuđa (x. Ga 13, 26), Chúa muốn mở cho ông một lối thoát sau này. Ngài muốn các môn đệ khác không hận thù, không tẩy chay, nhưng vẫn để cho Giuđa là thành viên của nhóm Mười Hai. Ngài mong ông thay đổi dù chỉ là tia hy vọng hết sức mong manh. Cũng như phần đầu bữa tiệc ly, Chúa Giêsu rửa chân cho Giuđa để mong ông tỉnh thức, để các tông đồ khác sau này hiểu rằng: dù biết trước sẽ bị bán đứng, nhưng Ngài vẫn luôn yêu thương Giuđa. Nếu Giuđa nhận ra tình thương đó, chắc ông đã có một cuộc sám hối đầy hy vọng chứ không đi đến mức tuyệt vọng.
Điều này khiến ta nhớ lại điều Daniel Rops đã viết:“Có những lúc lòng người đầy thù hận cho nên một cử chỉ thân thiện chẳng những không đem người đó trở về với ánh sáng, ngược lại còn khiến người đó dấn sâu hơn vào đêm tối”. Đó là trường hợp của Giuđa : “Sau khi ăn miếng bánh, Giuđa liền ra đi. Lúc đó trời đã tối” (Ga 13,30).
Thật ra, trời đã tối từ khi lòng Giuđa tìm cách thực hiện ý riêng mình. Bóng đêm phủ kín lòng anh khi Satan nhập vào anh, điều khiển anh (c.2 và 27). Anh đã tự nguyện bước ra khỏi ánh sáng của thế giới để đi vào bóng đêm của những kẻ khước từ đường lối tình yêu. Phần Đức Giêsu, Ngài đã nỗ lực hết mình để kéo người môn đệ này ra khỏi đêm tối. Thật đáng tiếc, lòng Giuđa không hề lay chuyển, tâm hồn anh chìm trong bóng tối.
Bất cứ lúc nào người ta chạy theo ý riêng mà bất xét ý Chúa thì trời luôn luôn tối, tối bên ngoài và tối ở cõi lòng. Trong bóng tối có bao nhiêu nguy hiển rình chờ, có nhiều tai ương đang đợi, và cái chết bất hạnh là thảm họa cuối cùng. Chỉ có con đường duy nhất là can đảm trở lại với ánh sáng, trở lại với tình yêu Chúa, dù có đau thương nhưng rồi sẽ được chữa lành, dù có xấu hổ nhưng sẽ được an vui trong cuộc đời mới.
Trong đêm tối của lòng mình, Giuđa giả dạng và ngụy trang thật khéo, ông đóng kịch rất tài tình. William Barclay nói rằng: “Giuđa giấu tấm lòng của một con quỉ dưới hành vi, cử chỉ của một ông thánh”. Thực vậy, mới vài bữa trước, anh ta đưa ra chiêu bài vì người nghèo để chỉ trích thái độ hào phóng của Maria đối với Chúa Giêsu, xem ra anh ta rất thương người nghèo và có vẻ rất đạo đức còn hơn Thầy mình. Hôm nay anh ta vẫn tỉnh bơ giữa những người anh em đồng môn khi Chúa Giêsu tuyên bố có một môn đệ sẽ nộp Thầy. Bao nhiêu toan tính, sắp xếp và mưu đồ phản bội của anh ta, không hề có ai phát hiện ra. Anh ta đã qua mặt được tất cả, ngoại trừ một mình Chúa Giêsu. Ngài biết tất cả âm mưu của Giuđa từ đầu tới cuối, nhưng vẫn cư xử với ông bằng một tình thương chân thành, tế nhị, kiên trì, mở đường.
Hãy tin rằng, Chúa vẫn luôn mở ra cho chúng ta những cơ hội mới. Ngài không bao giờ thất vọng về chúng ta trong mọi tình trạng. Chúng ta cũng thếy, đừng bao giờ thất vọng về chính mình. Mọi sự đều có thể làm mới lại trong tình yêu và ân sủng của Chúa.
Nhìn lại chính mình
Chắc chắn Chúa không lầm khi chọn Giuđa làm tông đồ, cũng như không lầm khi chọn chúng ta trở thành những Kitô hữu. Bởi vì Kinh Thánh cho thấy: đâu phải Thiên Chúa chỉ chọn những con người xứng đáng, mà Giuđa cũng như chúng ta đã được chọn để thanh luyện, để được nâng cao, để nên xứng đáng hơn.
Giuđa không xuất hiện từ đầu như một người quay lưng lại với Chúa, bởi không ai bỗng dưng mà phản bội, hoặc thay trắng đổi đen một sớm một chiều, mà ông đã bước dần đến hố thẳm từng bước một. Cũng như Giuđa: ban đầu chúng ta được gọi, được chọn, và đã mau mắn đáp lại tiếng Chúa. Ngay từ đầu, chúng ta đều có mục đích và một ý hướng cao đẹp. Nhưng rồi tình yêu ban đầu đã phai nhạt dần, động lực trước kia đã bị biến dạng, khiến chúng ta đang từng bước đang suy giảm sự nhiệt tình, thêm sự cứng cỏi, sự biếng nhác cầu nguyện, sự tự mãn kiêu căng trong đời sống đạo đức, tính ham mê lời khen và sự nể vì, cả những sai phạm ngày càng nặng hơn. Ban đầu còn có vẻ ray rứt, nhưng rồi cái gì cũng thành thói quen, vẫn cảm thấy thoải mái với Chúa, vẫn an tâm với công việc mà ta gọi là bổn phận, vẫn ung dung vì thấy mình cũng dấn thân phục vụ.
Con người Giuđa có thể ít nhiều cũng đang hiển hiện nơi mỗi người chúng ta:
– Cũng thương yêu người nghèo, nhưng kèm theo là những tính toán đầy vụ lợi.
– Cũng với khuôn mặt nhân ái bên ngoài, nhưng bên trong là lòng ganh ghét và đố kỵ.
– Cũng với đôi môi đầy lời lẽ vị tha, nhưng tâm tư đầy nguyên do vị kỷ và thấp hèn.
– Cũng luôn nói đúng, nhưng lại làm sai hoặc chẳng làm gì cả.
– Cũng vẫn phục vụ Thiên Chúa và tha nhân, nhưng luôn quy về chính mình.
– Cũng vẫn theo Chúa nhưng lại tìm cách thực hiện ý riêng mình.
Xin cho con đặt mình trước mầu nhiệm ân sủng mà Chúa đã thực hiện cho con,
để con biết hiện thực hóa mầu nhiệm này chính cuộc sống mình. Amen.Lm. Thái Nguyên
---------------------------------------------